Về Hoàng Kế Viêm và quan hệ với Lưu Vĩnh Phúc trong các chiến thắng ở Ô Cầu Giấy (phần 2)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cụ thể, ngày 26.3.1882, Rivière rời Sài Gòn ra bắc cùng 230 lính trên 2 tàu chiến. Ngày 24 tháng 4, sau khi nhận được 250 quân Pháp từ miền Nam đến tiếp viện Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu đòi giao nộp thành. Tổng đốc chưa trả lời thì pháo thuyền quân Pháp đã nổ súng bắn vào thành. Được pháo yểm trợ, quân Pháp ồ ạt tràn lên đánh. Tổng đốc Hoàng Diệu hạ lệnh liều chết cố thủ, nhưng chỉ sau hai tiếng giao tranh, thành Hà Nội lại một lần nữa rơi vào tay Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử. Quân Pháp chỉ có 4 người bị thương. Để đối phó lại quân Pháp, Hoàng Kế Viêm cho gọi Lưu Vĩnh Phúc từ Quảng Tây về bàn kế hoạch chống trả. Tuy nhiên Lưu Vĩnh Phúc phàn nàn về thái độ đãi ngộ cũng như đưa ra những yêu sách về cung cấp lương thảo và tiền bạc rồi từ chối phối hợp tác chiến. Tới tháng 2 năm 1883 sau khi nhận được 750 quân tăng viện từ Nam Kỳ, Rivière cho tiến quân chiếm cảng Hòn Gai và khu mỏ than. Trong thời gian đó, Hoàng Kế Viêm cũng cho tăng cường phòng thủ thành Nam Định để ngăn trở người Pháp, đồng thời tuyển mộ thêm 500 lính đánh thuê Trung Quốc để lấp vào chỗ trống của quân Lưu Vĩnh Phúc. Tới 27 tháng 3, Rivière cùng 800 quân, 8 pháo thuyền và một số tàu bè khác và một phân đội lính Nam Kỳ hỗ trợ đánh thành Nam Định. Quân Nam ngoan cường cố thủ, tuy nhiên đến trưa thì quân Pháp hạ được thành. Quân Pháp chỉ có 3 người bị thương, một người trong đó bị chết, nhưng cũng đủ làm Rivière nổi giận, hạ lệnh treo cổ tất cả 50 lính đánh thuê Trung Quốc rơi vào tay ông ta. Mất Nam Định, tình thế quân Hoàng Kế Viêm trở nên tuyệt vọng, thế nhưng tới tháng 4 Lưu Vĩnh Phúc đã quay trở lại đánh quân Pháp. Đồng thời, triều đình nhà Thanh cũng sai quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây, với quân của Bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc sang tiếp ứng. Quân Nam chuyển từ thế thủ sang thế công. Quân Cờ Đen tiến về đóng đại bản doanh ở phủ Hoài Đức, đồng thời Tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản đem binh về đóng ở Giốc Gạch, thuộc Gia Lâm chuẩn bị sang đánh Hà Nội. Để khiêu khích quân Pháp, Quân Cờ Đen đốt phá các khu giáo dân, lợi dụng đêm tối dùng pháo đặt trên lưng voi bắn vào Hà Nội. Ngày 10 tháng 5, gửi chiến thư thách Rivière ra đánh. Rivière trong khi đó ở Hà Nội đang tích cực chuẩn bị để đánh thành Sơn Tây, thấy quân Nam chuẩn bị tiến công, liền ra lệnh tiến quân đánh phủ Hoài Đức. Ngày 19 tháng 5, khi Rivière dẫn 500 quân ra đến Cầu Giấy thì quân Cờ Đen đổ ra từ khắp các làng xung quanh để cắt đứt hậu quân Pháp. Bị vây, quân Pháp co cụm lại, nên càng dễ bị bắn. Một khẩu pháo dã chiến của Pháp bị rơi vào tay quân Cờ Đen. Rivière dẫn một toán quân xông ra để chiếm lại khẩu pháo, trong lúc hỗn loạn bị trúng đạn ngã xuống. Quân Pháp mất chỉ huy, hoảng loạn rút chạy về Hà Nội. Ngoài Rivière, quân Pháp còn có 50 tên bị giết và 76 tên bị thương. Quân Cờ đen cắt đầu Rivière và những lính Pháp bị giết, bêu lên cọc. Xác Rivière bị chôn ở dưới đường, để người qua lại dẫm lên. Đến tháng 9 Giám mục Pugnier mới thu thập lại được hài cốt Rivière để đưa về Pháp chôn cất tại Nghĩa trang Montmartre ở Paris.

Tôi nghĩ chúng ta cũng cần biết Henri Laurent Rivière (12.7.1827 – 19.5.1883) là một sĩ quan hải quân nhưng cũng là một nhà văn. Rivière còn là một nhà báo cho La Liberté cũng như viết bài cho Revue des deux mondes. Như thế chúng ta thấy Garnier và Rivière là những nhân vật đa năng, đa diện và quan trọng như thế nào đối với người Pháp.

Được tin Rivière chết, Thống đốc Thomson ở Sài Gòn liền điện về cho chính phủ Pháp. Lúc bấy giờ Hạ viện Pháp còn đang do dự về việc đánh Bắc Kỳ, khi tiếp được điện báo ở Sài Gòn liền thuận cho chính phủ chi ra 5 triệu rưỡi franc. Thiếu tướng lục quân Bouet ở Nam Kỳ được phái ra làm Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ, Thiếu tướng hải quân Courbet được lệnh đem một đội chiến thuyền sang tiếp ứng, Harmand là sứ thần Pháp ở Xiêm được cử ra làm toàn quyền. Ngày mồng 3 tháng 5, thiếu tướng Bouet đem 200 lính Pháp, 300 lính tập đến Hải Phòng và ngay tức khắc chuẩn bị phòng ngự ở Hà Nội và Nam Định, đồng thời cho Georges Vlavianos, người theo Dupuis ngày trước, được phép mộ lính Cờ Vàng làm tiền quân. Chiến tranh Pháp-Thanh bắt đầu. Trong khi tại Bắc Kỳ các quan lại Việt Nam lúng túng chưa biết đối phó với Pháp bằng cách nào, thì tình hình tại triều đình Trung Hoa rất náo động. Nhà Thanh, đặc biệt là chính quyền Lưỡng Quảng, hết sức lo ngại trước tình hình quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, gián tiếp uy hiếp an ninh biên thùy Trung Quốc. Lấy cớ tiễu phỉ, quân đội Vân Nam và Lưỡng Quảng được điều động tiến sát về biên giới, sẵn sàng tiến sang Bắc Kỳ. Người Pháp cũng lo ngại việc nhà Thanh định can thiệp vào cuộc chinh phục Bắc Kỳ, đặc biệt là sự di chuyển binh lính đến sát biên giới. Đại sứ Pháp Bourée tại Trung Hoa tiến hành một cuộc gặp mặt với Phó vương Trực Lệ (Bắc Kinh) Lý Hồng Chương, hai bên tính đến khả năng đặt vùng Lào Cai về tay nhà Thanh để lập một trạm thuế quan, cũng như thiết lập một đường phân giới dọc theo sông Hồng, theo đó phần phía bắc sẽ do nhà Thanh quản lý, phần phía nam thuộc về Pháp. Tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Jules Ferry không đồng ý phê chuẩn hiệp nghị này và triệu hồi Đại sứ Bourée về nước.

Lưu Vĩnh Phúc tham gia phòng thủ Hưng Hóa, đánh nhau với quân Pháp ở Lạng Sơn và bao vây một tiểu đoàn quân Pháp ở Tuyên Quang. Sau khi chiến tranh Pháp-Thanh (1884-1885) tại miền bắc kết thúc Lưu Vĩnh Phúc phụng mệnh Vua Quang Tự trở về Trung Quốc, bị ép phải giải tán quân Cờ Đen. Họ Lưu được giao làm Tổng binh tại Quảng Châu. Tại đây họ Lưu thường cùng Hoàng Phi Hồng tập luyện võ thuật.

Phần cuối đời của Lưu Vĩnh Phúc cũng thật là đầy biến động. Năm 1894, khi xảy ra cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất họ Lưu được nhà Thanh phái tới Đài Loan làm Tổng binh. Năm 1895, sau Hòa ước Mã Quan thì dân Đài Loan không cam chịu sự thống trị của người Nhật đã tổ chức kháng chiến và thành lập ra nhà nước Đài Loan Dân Chủ, Lưu Vĩnh Phúc nhậm chức Đại tướng quân. Sau đó lực lượng của họ Lưu bị vây hãm tại Đài Bắc nhưng kiên trì kháng cự, dẫn tới chiến tranh Ất Mùi (1895). Tổng thống Đài Loan Dân Chủ là Đường Cảnh Tung cùng Thống lĩnh Khâu Phùng Giáp bỏ trốn tới Hạ Môn để vào đại lục. Lưu Vĩnh Phúc tái lập nhà nước Đài Loan Dân Chủ, dân chúng Đài Loan yêu cầu con dấu tổng thống giao lại cho Lưu Vĩnh Phúc, nhưng Lưu Vĩnh Phúc không nhận chỉ xưng là Bang biện, nhưng vẫn có thể coi là người lãnh đạo cao nhất. Người Đài Nam thành lập nghị hội, phát hành tiền tệ, dự trù quân lương. Sau nhiều nỗ lực không thành, quân Đài Nam bị quân Nhật bao vây, ngày 21.10.1895, Lưu Vĩnh Phúc phải cải trang để bỏ trốn từ An Bình vào Hoa lục. Đài Loan không còn người chỉ huy, buộc phải đàm phán hòa bình với quân đội Nhật. Năm Quang Tự thứ 28 (1902), Lưu Vĩnh Phúc nhậm chức Tứ thạch trấn tổng binh tại Quảng Đông. Sau cách mạng Tân Hợi (1911), giữ chức Tổng trưởng dân đoàn Quảng Đông. Năm 1915, chính quyền Nhật Bản yêu cầu Viên Thế Khải chấp nhận hai mươi mốt yêu sách, Lưu Vĩnh Phúc là một trong những người chủ chiến. Nhưng đến tháng 1 năm 1917, họ Lưu mắc bệnh mà chết.

Đương thời, quân Cờ Đen tuy đánh được Pháp một số trận, nhưng cũng nhũng nhiễu tàn hại dân. Tuy lập công lớn trong các chiến thắng ở Ô Cầu Giấy nhưng thực chất quân Cờ Đen là lính đánh thuê dưới quyền bài binh bố trận của Hoàng Kế Viêm vậy. Vai trò của quân Cờ Đen được ghi nhận trong lịch sử cũng là để phản ánh một sự thật đau lòng: quân lính nhà Nguyễn vô cùng bạc nhược trước quân Pháp, nếu nước Nam không có dũng khí và tài thao lược của Hoàng Kế Viêm thì Bắc Kỳ đã vào tay quân Pháp ngay từ ngày đầu. Không những giữ được Bắc Kỳ một thời gian dài mà Hoàng Kế Viêm còn làm sáng tỏ cái hào khí oanh liệt bất khuất của dân tộc.

(còn tiếp)

Liên kết nội[sửa]

Tác giả[sửa]

Liên kết đến đây