Lập kế hoạch điều trị sức khỏe tinh thần

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Kế hoạch điều trị sức khỏe tinh thần là tài liệu cụ thể về vấn đề sức khỏe tinh thần hiện tại của khách hàng và khái quát mục tiêu, chiến lược hỗ trợ khách hàng khắc phục vấn đề này. Để thu thập thông tin cần thiết cho kế hoạch điều trị, nhân viên cần phỏng vấn khách hàng. Các thông tin thu thập trong buổi phỏng vấn sẽ được viết vào kế hoạch điều trị.

Các bước[sửa]

Tiến hành Đánh giá Sức khỏe Tinh thần[sửa]

  1. Thu thập thông tin. Đánh giá tâm lý là quá trình thu thập thông tin khi nhân viên sức khỏe tinh thần (tư vấn viên, bác sĩ chuyên khoa, nhân viên xã hội, bác sĩ tâm lý hoặc tâm thần) phỏng vấn khách hàng về vấn đề tâm lý hiện tại và trong quá khứ, tiền sử bệnh gia đình và vấn đề xã hội trong công việc, học hành và các mối quan hệ hiện tại và quá khứ. Đánh giá tâm lý xã hội có thể kiểm tra xem bạn có từng lạm dụng thuốc hay sử dụng thuốc điều trị tâm thần gần đây hay không.
    • Nhân viên chăm sóc sức khỏe tinh thần có thể tham khảo hồ sơ y tế và sức khỏe tinh thần của khách hàng trong quá trình đánh giá tâm lý. Đừng quên ký cam kết liên quan tới việc tiết lộ thông tin cá nhân.
    • Đảm bảo giải thích rõ ràng các giới hạn bảo mật. Để khách hàng hiểu rằng những điều bạn nói đều được bảo mật, nhưng sẽ có ngoại lệ nếu khách hàng có ý định làm hại bản thân hoặc người khác, hoặc nhận thức được sự lạm dụng trong cộng đồng.[1]
    • Sẵn sàng ngừng đánh giá nếu khách hàng đang trong cơn hoảng loạn. Ví dụ, nếu khách hàng có ý định tự tử hoặc giết người, bạn cần thay đổi chiến thuật và can thiệp vào sự khủng hoảng này ngay lập tức.[1]
  2. Theo sát từng bước của quá trình đánh giá. Hầu hết các cơ sở sức khỏe tinh thần đều cung cấp mẫu đánh giá cho nhân viên điền vào trong quá trình phỏng vấn.[2] Sau đây là ví dụ về quá trình đánh sức khỏe tinh thần (các bước theo thứ tự):[2][3]
    • Lý do giới thiệu
      • Tại sao khách hàng tới điều trị?
      • Họ được giới thiệu như thế nào?
    • Triệu chứng và hành vi hiện tại
      • Tâm trạng chán nản, lo âu, thay đổi khẩu vị, xáo trộn giấc ngủ, v.v.
    • Tiền sử bệnh
      • Bệnh bắt đầu từ lúc nào?
      • Cường độ/tần suất/thời gian của bệnh?
      • Bạn có nỗ lực để giải quyết vấn đề của bệnh hay chưa? Nếu có thì là gì?
    • Sự suy yếu trong đời sống hàng ngày
      • Gặp rắc rối ở nhà, ở trường, nơi làm việc, trong các mối quan hệ.
    • Tiền sử tâm lý/ tâm thần
      • Chẳng hạn như những lần điều trị hay nhập viện trước đó.
    • Quan ngại về rủi ro và an toàn ở thời điểm hiện tại
      • Có suy nghĩ làm hại bản thân và người khác.
      • Nếu bệnh nhân làm dấy lên các mối lo ngại trên, dừng ngay việc đánh giá và tiến hành các thủ tục can thiệp khủng hoảng.
    • Đơn thuốc, tình trạng tâm lý và y tế hiện tại và trước đó
      • Bao gồm tên thuốc, liều lượng, thời gian dùng thuốc và có được kê đơn hay không.
    • Tiền sử sử dụng chất kích thích
      • Lạm dụng rượu và các loại ma túy.
    • Hoàn cảnh gia đình
      • Mức độ kinh tế xã hội
      • Nghề nghiệp của bố mẹ
      • Tình trạng hôn nhân của bố mẹ (kết hôn/ly thân/ly hôn)
      • Hoàn cảnh văn hóa
      • Tiểu sử cảm xúc/y tế
      • Mối quan hệ trong gia đình
    • Tiểu sử các nhân
      • Sơ sinh – mốc phát triển có liên hệ nhiều với bố mẹ, huấn luyện đi vệ sinh, tiền sử bệnh sớm.
      • Giai đoạn đầu và giữa thời thơ ấu — thay đổi trường học, thành tích học tập, các mối quan hệ bạn bè, sở thích/hoạt động/thú vui.
      • Tuổi vị thành niên — hẹn hò sớm, phản ứng tuổi dậy thì, biểu hiện của sự nổi loạn.
      • Giai đoạn đầu và giữa thời kỳ trưởng thành — sự nghiệp/nghề nghiệp, hài lòng với mục tiêu cuộc sống, mối quan hệ cá nhân, kết hôn, ổn định kinh tế, tiền sử y tế/cảm xúc, mối quan hệ với bố mẹ.
      • Cuối thời kỳ trưởng thành — tiền sử y tế, phản ứng với khả năng suy giảm, ổn định kinh tế
    • Trạng thái tinh thần
      • Bề ngoài và vệ sinh cá nhân, lời nói, tâm trạng, tác động, v.v.
    • Các đặc điểm khác
      • Khái niệm bản thân (thích/không thích), kỷ niệm vui nhất/buồn nhất, nỗi sợ hãi, kỷ niệm đầu tiên, giấc mơ đáng nhớ/lập đi lập lại
    • Tóm tắt và chỉ ra ấn tượng ban đầu
      • Viết một bản tóm tắt ngắn gọn những vấn đề và triệu chứng của bệnh nhân theo phương thức tự sự. Trong phần này, tư vấn viên có thể quan sát phản ứng của bệnh nhân trong quá trình đánh giá.
    • Chẩn đoán
      • Sử dụng thông tin thu thập được để điền vào phiếu chẩn đoán (DSM-V hoặc miêu tả)
    • Khuyến nghị
      • Tiếp nhận trị liệu, giới thiệu tới bác sĩ tâm lý, điều trị bằng thuốc, v.v. Đây là bước tiếp theo sau khi chẩn đoán lâm sàng. Phương pháp điều trị hiệu quả sẽ giúp bạn khỏi bệnh.
  3. Chú ý quan sát hành vi. Tư vấn viên tiến hành bài kiểm tra trạng thái tinh thần sơ lược (MMSE) liên quan tới quan sát vẻ ngoài của khách hàng và cách họ tương tác với nhân viên và khách hàng khác tại cơ sở. Bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra quyết định tùy theo tâm trạng của khách hàng (buồn, giận dữ, lãnh đạm) và ảnh hưởng (biểu hiện cảm xúc, dao động từ cởi mở, bộc lộ nhiều cảm xúc cho tới đơn điệu, không thể hiện cảm xúc). Quan sát giúp tư vấn viên đưa ra chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp. Sau đây là những đặc điểm bạn cần quan sát khi tiến hành kiểm tra trạng thái tinh thần:[2]
    • Bề ngoài và mức độ vệ sinh (sạch sẽ hay luộm thuộm)
    • Giao tiếp bằng mắt (lảng tránh, ít giao tiếp hoặc bình thường)
    • Vận động thần kinh (bình tĩnh, hồi hộp, cứng nhắc hoặc kích động)
    • Lời nói (nhỏ nhẹ, to, bị áp lực, líu lưỡi)
    • Phong cách giao tiếp (kích thích, nhạy cảm, hợp tác, ngớ ngẩn)
    • Định hướng (khách hàng có biết giờ giấc, ngày tháng và tình huống hiện tại hay không)
    • Chức năng trí tuệ (vẫn nguyên vẹn, bị suy yếu)
    • Trí nhớ (vẫn nguyên vẹn, bị suy yếu)
    • Tâm trạng (bình thường, cáu kỉnh, sắp khóc, lo âu, chán nản)
    • Ảnh hưởng (phù hợp, không ổn định, suy yếu, tẻ nhạt)
    • Rối loạn giác quan (ảo giác)
    • Rối loạn quá trình suy nghĩ (sự tập trung, đánh giá, cái nhìn sâu sắc)
    • Rối loạn nội dung suy nghĩ (ảo tưởng, ám ảnh, suy nghĩ tự sát)
    • Rối loạn hành vi (cáu giận, kiểm soát xung động, đòi hỏi)
  4. Đưa ra chẩn đoán. Chẩn đoán là vấn đề cốt yếu. Đôi khi khách hàng sẽ nhận được nhiều chẩn đoán như Rối loạn Trầm cảm và Lạm dụng Rượu. Cần đưa ra chẩn đoán trước khi hoàn thành kế hoạch điều trị.[1]
    • Chẩn đoán được đưa ra dựa trên triệu chứng của khách hàng và mức độ phù hợp với các tiêu chí đề ra trong DSM. DSM là hệ thống phân loại chẩn đoán được tạo ra bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA). Sử dụng phiên bản mới nhất DSM-5 để đưa ra chẩn đoán chính xác.
    • Nếu không có DSM-5, bạn có thể mượn sếp hoặc đồng nghiệp. Đừng dựa vào nguồn trên mạng để đưa ra chẩn đoán.
    • Sử dụng các triệu chứng thường xuyên của khách hàng để đưa ra chẩn đoán.
    • Nếu không chắc chắn về chẩn đoán hoặc cần sự trợ giúp của chuyên gia, hãy nói chuyện với người giám sát hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ có kinh nghiệm.

Phát triển Mục tiêu[sửa]

  1. Xác định mục tiêu khả thi. Sau khi hoàn thành đánh giá ban đầu và đưa ra chẩn đoán, bạn cần nghĩ về những can thiệp và mục tiêu điều trị. Thông thường, khách hàng cần được giúp đỡ để xác định mục tiêu nên tốt hơn là bạn cần chuẩn bị trước khi thảo luận với họ.
    • Ví dụ, nếu khách hàng được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn Trầm cảm (MDD) thì mục tiêu nên là giảm nhẹ triệu chứng của MDD.
    • Nghĩ về mục tiêu khả thi cho những triệu chứng của khách hàng. Ví dụ khách hàng bị mất ngủ, tâm trạng chán nản và tăng cân (các triệu chứng của MDD). Bạn có thể tạo từng mục tiêu riêng biệt cho các vấn đề nổi bật.
  2. Suy nghĩ về sự can thiệp. Sự can thiệp là mấu chốt của thay đổi trong điều trị. Can thiệp điều trị là điều sẽ thay đổi khách hàng của bạn.
    • Xác định phương pháp điều trị, can thiệp, chẳng hạn như: lên lịch hoạt động, liệu pháp nhận thức - hành vi, chuyển dịch cơ cấu nhận thức, thử nghiệm hành vi, giao bài tập về nhà, hướng dẫn các kỹ năng đối phó như cách thư giãn, thiền và nối đất.
    • Đảm bảo tuân thủ những gì bạn biết. Một phần đạo đức của bác sĩ chuyên khoa là bạn hành động trong thẩm quyền nhưng không làm hại đến bệnh nhân. Đừng cố áp dụng một liệu pháp mà bạn không được huấn luyện trừ khi bạn được giám sát bởi một chuyên gia.
    • Nếu bạn là người mới, hãy sử dụng sách tham khảo các phương pháp trị liệu bạn dùng.[4] Chúng sẽ giúp bạn đi đúng hướng.
  3. Thảo luận mục tiêu với khách hàng. Sau khi đưa ra đánh giá ban đầu, bác sĩ trị liệu và khách hàng tiến hành thiết lập các mục tiêu phù hợp khi điều trị. Bạn cần thảo luận trước khi lập kế hoạch điều trị.
    • Kế hoạch điều trị bao gồm góp ý trực tiếp của khách hàng. Tư vấn viên và khách hàng cùng nhau quyết định mục tiêu đề ra trong quá trình điều trị và chiến lược được sử dụng để đạt được mục tiêu.
    • Hỏi khách hàng xem họ cần gì khi điều trị. Có thể là: “Tôi muốn bớt trầm cảm.” Sau đó, bạn có thể đưa ra gợi ý mục tiêu phù hợp để giảm bớt triệu chứng trầm cảm của họ (chẳng hạn như tiến hành liệu pháp nhận thức -hành vi CBT).
    • Cố gắng sử dụng biểu mẫu trên mạng để thiết lập mục tiêu.[5] Bạn có thể đặt câu hỏi cho khách hàng:
      • Bạn hướng đến điều gì khi tham gia trị liệu? Bạn muốn thay đổi điều gì?
      • Bạn cần làm gì để đạt được mục tiêu? Gợi ý và nêu ý tưởng nếu khách hàng có vướng mắc.
      • Theo thang từ 0 đến 10, 0 là không đạt được gì và 10 là hoàn toàn đạt được, bạn muốn đạt được mức nào? Điều này giúp bạn đảm bảo mức độ hợp lý của mục tiêu.
  4. Đề ra mục tiêu điều trị cụ thể. Mục tiêu điều trị sẽ quyết định phương pháp trị liệu. Mục tiêu cũng quyết định phần lớn kế hoạch điều trị. Bạn có thể sử dụng cách tiếp cận mục tiêu SMART:
    • Specific (cụ thể) – đưa ra mục tiêu rõ ràng nhất có thể, chẳng hạn như giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm, bao gồm giảm mất ngủ ban đêm.
    • Measurable (có thể định lượng) – Làm sao bạn biết được khi nào mình hoàn thành mục tiêu?Hãy chắc chắn bạn có thể định lượng nó, chẳng hạn như giảm mức độ trầm cảm từ 9/10 xuống còn 6/10. Hoặc giảm mất ngủ từ 3 đêm xuống còn 1 đêm mỗi tuần.
    • Achievable (có thể thực hiện) – Đảm bảo mức độ hợp lý của mục tiêu. Ví dụ, giảm nhẹ chứng mất ngủ từ 7 đêm xuống 0 đêm hàng tuần là mục tiêu khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Hãy cân nhắc đến việc thay đổi thành 4 đêm mỗi tuần. Sau khi đạt được mục tiêu 4 đêm bạn có thể đề ra mục tiêu loại bỏ hoàn toàn chứng mất ngủ.
    • Realistic (thực tế) - bạn có thể hoàn thành mục tiêu với nguồn lực hiện tại? Bạn có cần hỗ trợ gì để đạt được mục tiêu hay không? Bạn tiếp cận nguồn lực như thế nào?
    • Time-limited (giới hạn thời gian) – Đặt giới hạn thời gian cho từng mục tiêu, chẳng hạn như 3 tháng hoặc 6 tháng.[6][7]
    • Mục tiêu đầy đủ có dạng như sau: Giảm nhẹ triệu chứng mất ngủ của khách hàng từ 3 đêm xuống 1 đêm mỗi tuần trong vòng 3 tháng.

Lập Kế hoạch Điều trị[sửa]

  1. Ghi chép từng phần của kế hoạch điều trị. Kế hoạch điều trị bao gồm mục tiêu mà tư vấn viên và bác sĩ trị liệu quyết định. Nhiều cơ sở có sẵn biểu mẫu kế hoạch điều trị và tư vấn viên chỉ cần điền vào đó. Một phần trong biểu mẫu là đánh dấu tích vào dòng tương ứng với triệu chứng của khách hàng. Kế hoạch điều trị cơ bản bao gồm các thông tin sau đây:[8]
    • Tên khách hàng và chẩn đoán.
    • Mục tiêu dài hạn (ví dụ khách hàng tuyên bố “Tôi muốn chữa khỏi chứng trầm cảm.”)
    • Mục tiêu ngắn hạn (Giảm nhẹ chứng mất ngủ từ 8/10 xuống 5/10 trong 6 tháng). Một kế hoạch điều trị hoản hảo cần ít nhất 3 mục tiêu.
    • Can thiệp lâm sàng/Loại hình dịch vụ (trị liệu cá nhân, theo nhóm, trị liệu nhận thức - hành vi , v.v)
    • Cam kết của khách hàng (những điều khách hàng đồng ý thực hiện, chẳng hạn như trị liệu 1 lần mỗi tuần, hoàn thành bài tập trị liệu tại nhà, luyện tập kỹ năng đối phó được học trong quá trình điều trị)
    • Ngày tháng và chữ ký của bác sĩ trị liệu và khách hàng
  2. Ghi chép mục tiêu. Mục tiêu phải rõ ràng và ngắn gọn nhất có thể. Hãy ghi nhớ kế hoạch SMART và đề ra mục tiêu cụ thể, có thể định lượng, có thể hoàn thành, thực tế và giới hạn thời gian.
    • Bạn có thể ghi lại từng mục tiêu riêng biệt hoặc đồng thời với biện pháp can thiệp của mục tiêu đó và những việc khách hàng đồng thuận.[8]
  3. Thể hiện sự can thiệp cụ thể bạn sử dụng. Tư vấn viên sẽ viết chiến lược điều trị khách hàng chọn. Phương pháp trị liệu được sử dụng để hoàn thành mục tiêu có thể đề cập ở phần này, chẳng hạn như trị liệu cá nhân hoặc gia đình, cai nghiện hoặc quản lý sử dụng thuốc.
  4. Ký kết kế hoạch điều trị. Khách hàng và tư vấn viên ký vào kế hoạch điều trị để thể hiện sự đồng thuận trong điều trị.
    • Đảm bảo ký xác nhận ngay khi hoàn thành kế hoạch. Bạn muốn ngày tháng trên biểu mẫu được chính xác để thể hiện sự đồng thuận của khách hàng trong mục tiêu của kế hoạch điều trị.
    • Nếu bản kế hoạch điều trị chưa được ký xác nhận, công ty bảo hiểm có thể sẽ không thanh toán cho các dịch vụ được thực hiện.
  5. Xem lại và điều chỉnh nếu cần. Có thể bạn sẽ hoàn thành mục tiêu và đề ra mục tiêu mới trong quá trình điều trị của khách hàng. Kế hoạch điều trị cần bao gồm ngày tháng mà tư vấn viên và khách hàng xem xét tiến độ điều trị. Quyết định tiếp tục kế hoạch điều trị hiện tại hay đổi sang kế hoạch khác sẽ được thực hiện vào thời điểm đó.
    • Có thể bạn muốn kiểm tra mục tiêu hàng tuần hoặc hàng tháng để xác định tiến độ. Bạn có thể đặt ra câu hỏi “Tuần này bạn đã mất ngủ bao nhiêu lần?”. Sau khi khách hàng đạt được mục tiêu, chỉ mất ngủ 1 đêm trong tuần, bạn có thể chuyển sang mục tiêu khác (có thể là loại bỏ hoàn toàn chứng mất ngủ hoặc cải thiện chất lượng giấc ngủ).

Lời khuyên[sửa]

  • Kế hoạch điều trị là tài liệu có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Biểu mẫu hoặc bảng đánh giá
  • Ghi chép y tế và sức khỏe tinh thần
  • Biểu mẫu hoặc bảng kế hoạch điều trị

Nguồn và Trích dẫn[sửa]