Môi không bị nứt nẻ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Giữ cho môi không bị khô là một cuộc chiến dài hạn, đặc biệt là vào mùa đông. Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khắc nghiệt, bạn sẽ không thể tránh khỏi việc môi bị nứt nẻ trong suốt mùa đông. Tuy nhiên, bạn có thể phòng tránh việc này bằng cách dưỡng ẩm, bảo vệ môi khỏi một số yếu tố bên ngoài và tránh một số sản phẩm và thức ăn. Kết hợp những điều này sẽ giúp bạn chữa lành môi.

Các bước[sửa]

Giữ ẩm cho Môi[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Khi bạn không uống đủ nước, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mất nước. Sự mất nước sẽ làm khô da, bao gồm cả môi. Hãy uống 8 cốc nước mỗi ngày để môi không bị khô.[1]
  2. Sử dụng máy làm ẩm không khí. Không khí khô sẽ làm khô da còn khí ẩm có thể giữ ẩm cho da. Không khí khô sẽ gây ra bất lợi vào mùa đông nên hãy trang bị máy giữ ẩm không khí ở trong phòng ngủ để giúp cho da và môi không bị khô.[1]
  3. Dùng dưa chuột. Dưa chuột có khả năng cấp nước cho môi. Bạn chỉ cần cắt vài miếng dưa chuột và giữ trên môi trong khoảng 5 đến 10 phút.[2]
  4. Dùng lô hội. Khi môi bị khô sẽ dẫn đến việc môi bị nứt nẻ và lô hội sẽ giúp bạn chữa lành. Thêm vào đó, nó có thể làm dịu cơn đau khi môi nứt nẻ. Bạn có thể thoa gel lô hội nguyên chất lên môi vài lần trong ngày.[2]
  5. Dùng phương pháp trị liệu hoặc son dưỡng có ceramides. Môi của chúng ta thường có một lớp bảo vệ tự nhiên để giữ ẩm nhưng đôi khi thời tiết và thức ăn làm mất sự bảo vệ đó. Phương pháp trị liệu với ceramides thúc đẩy hàng rào đó tái sinh làm cho môi không còn nứt nẻ.[3]
  6. Dùng kem có chứa hydrocortisone. Nếu môi rơi vào tình trạng tồi tệ và những giải pháp khác cũng không cải thiện được, hãy thử dùng kem có chứa hydrocortisone vài lần trong ngày. Tuy nhiên, bạn không nên dùng phương pháp này trong thời gian dài, chỉ nên thực hiện khoảng 1 tuần để phục hồi và để môi trở nên khỏe mạnh.[4]
    • Thời điểm tốt nhất để bôi kem này là vào buổi tối khi bạn không còn ăn uống.[3]
    • Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều kem có chứa hydrocortisone hoặc corticosteroid có thể gây bệnh viêm da quanh miệng – xuất hiện mụn nhỏ trên da quanh vùng miệng.[5]
  7. Bôi sản phẩm dưỡng ẩm vào buổi sáng. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, thoa kem dưỡng ẩm để bắt đầu quá trình dưỡng ẩm cho cả ngày.[3]

Điều cần Tránh[sửa]

  1. Không liếm môi. Bạn thường dùng lưỡi để liếm môi theo một phản xạ tự nhiên khi cảm thấy môi bị khô. Tuy nhiên, làm vậy chỉ khiến tình trạng của môi trở nên tệ hơn vì nước bọt sẽ làm khô môi.[1]
  2. Tránh các sản phẩm không tự nhiên. Khi chọn son dưỡng môi, không nên chọn loại có chứa màu và mùi vị không tự nhiên. Các loại dầu tự nhiên như bơ hạt mỡ, dầu dừa giúp dưỡng ẩm môi tốt nhất.[6]
  3. Không ăn cam quýt. Axit trong loại quả này sẽ làm cho môi càng khô hơn, nên hãy dừng ăn chúng nếu môi của bạn ở tình trạng quá tệ.[7]
  4. Dừng ăn thực phẩm cay. Cũng như cam quýt, thực phẩm cay cũng gây kích ứng cho môi, đặc biệt là nếu có chứa axit như trong món cánh gà sốt cay. Bạn nên dừng ăn các thực phẩm này nếu môi bị khô.[2]
  5. Không dùng sản phẩm tẩy tế bào chết có chứa axit salicylic. Vì chúng sẽ làm khô môi, khiến cho môi trở nên tồi tệ hơn.[6]
  6. Kiểm tra thuốc bạn đang uống. Nếu môi bạn khô trong thời gian dài, có thể là vì thành phần thuốc bạn đang dùng. Ví dụ, thuốc điều trị cao huyết áp có thể làm khô môi. Tuy nhiên, bạn không nên ngưng dùng thuốc do môi bị nứt nẻ, hãy để bác sẽ kê một loại thuốc khác không làm cho môi bị khô.[7]
  7. Thay đổi kem đánh răng. Một số kem đánh răng, đặc biệt là loại chứa nguyên liệu không tự nhiên có thể gây kích ứng môi. Sự kích ứng đó có thể làm cho môi bị nứt nẻ sau một thời gian.[7]

Bảo vệ Môi[sửa]

  1. Dùng khăn choàng. Khăn choàng không chỉ giữ ấm cổ và vùng ngực, chúng còn có thể bảo vệ môi nếu bạn kéo khăn bao phủ môi. Gió là nguyên nhân gây khô môi nên hãy cản gió để bảo vệ môi.[6]
  2. Dùng son dưỡng hàng ngày. Thường xuyên bôi son dưỡng với thành phần tự nhiên, đặc biệt là vào mùa đông. Son dưỡng không chỉ giữ ẩm mà còn bảo vệ môi khỏi các yếu tố bên ngoài.[7]
    • Tuy nhiên, không nên lạm dụng son dưỡng. Vì nó có thể gây bệnh viêm da quanh miệng – xuất hiện mụn nhỏ trên da quanh vùng miệng.[5] Chỉ nên thoa son dưỡng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày.
  3. Bôi son dưỡng trước khi rửa mặt. Bạn thường dùng sữa rửa mặt có chức năng tẩy tế bào chết hoặc làm sạch dầu nhưng việc này có thể gây hại cho môi nên hãy bảo vệ môi bằng cách bôi son dưỡng trước khi rửa mặt. Lượng dầu trong son dưỡng sẽ giúp chống lại ảnh hưởng của sữa rửa mặt.[2]
  4. Thoa kem chống nắng. Dùng kem chống nắng chho môi hoặc chọn son dưỡng có chỉ số chống nắng SPF 15 trở lên. Nó sẽ bảo vệ môi khỏi ánh nắng mặt trời – nguyên nhân gây khô môi.[2]

Lời khuyên[sửa]

  • Đặt một túi trà xanh ướt lên môi khoảng từ 10 đến 15 phút để cấp nước cho môi sau đó thoa Vasaline hoặc dầu dừa. Tránh dùng son lì hoặc sản phẩm tương tự cho môi.
  • Bạn có thể dùng sáp mỡ vào buổi tối trước khi đi ngủ để dưỡng ẩm môi trong nhiều giờ sau khi thức dậy.
  • Luôn giữ son dưỡng trong giỏ hoặc bóp và thoa thường xuyên. Nên chọn son dưỡng có thể giữ ẩm trong thời gian dài.
  • Bạn có thể dùng dầu dừa để chăm sóc môi.
  • Gặp bác sĩ nếu tình trạng môi nứt nẻ xảy ra thường xuyên. Vì có thể bạn bị nhiễm men ở vùng miệng[7] hoặc bị dị ứng với một sản phẩm nào đó.[2]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây