Nước non nhà

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Nước non nhà  (năm 1931) 
của Diệp Văn Kỳ Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, các số 6350 (19.1.1931); số 6351 (20.1.1931); số 6352 (21.1.1931); số 6353 (22.1.1931); số 6355 (24.1.1931); số 6357 (27.1.1931); số 6358 (28.1.1931); số 6360 (30.1.1931); số 6361 (31.1.1931); số 6362 (2.2.1931).
Bài báo dài này, sau khi đăng ra, đã gây một vụ bê bối trong giới làm báo : hóa ra, để có bài này, Diệp Văn Kỳ đã nhờ Phan Khôi và Lê Cương Phụng cung cấp tư liệu, sau đó Phan Khôi viết thành văn khoảng 20 trang trao cho Diệp Văn Kỳ. Như vậy tư liệu trong bài có một phần của Phan Khôi, và bản phác thảo bài Nước non nhà là của Phan Khôi; cho nên ít ra phải xem Phan Khôi là đồng tác giả với Diệp Văn Kỳ.


Đây là nguyên văn của bài diễn thuyết mà ông Diệp Văn Kỳ định đem ra diễn trong bữa tiệc công đồng ở sân Cercle Sportif Annamite đêm thứ bảy 3 Janvier trước. Song không hiểu vì một lẽ riêng gì mà ban ủy viên tổ chức bữa tiệc ấy, do trạng sư Trịnh Đình Thảo làm hội trưởng, lại đã hết sức ngăn cản, không muốn cho ông Diệp nói trong đêm ấy. Nhơn được cái hân hạnh xem qua nguyên văn bài diễn thuyết của Diệp quân, chúng tôi không thể nhịn được mà không lục đăng lên báo chương, để cho ai nấy cùng biết rằng cái bài diễn thuyết hụt ở sân thể thao An Nam hôm nọ thiệt là một áng văn rất có đặc sắc. - T. L.

Thư quý bà, quý cô, quý ông.

Ai thường đi xem hát bộ tưởng cũng đã thấy lớp tuồng công tử bột đi coi vợ gặp phải chàng con nhà thi lễ đến tranh với mình. Vả bởi muốn rõ ai là giai tế đông sàng, nên thân phụ của tiểu thơ kia mới bày ra cuộc thi văn đặng thử tài quân tử. Lúc ra đề xong chàng kia thời hạ bút thành thi, còn công tử mình lại cứ ngậm viết cắn hết lông mèo, rặn hoài không ra một chữ.

- Rồi chưa, xin cậu đưa tôi xem?

Công tử mình nghe hỏi nôn ruột, không biết tính sao, liền đứng dậy thưa: "Thưa bác, thôi sẵn có viết rồi, bác đưa cho cháu điểm chỉ cũng được".

Mà có khi cũng bởi biết lớp tuồng trớ trêu đó nên ông bạn yêu quý của tôi là ông trạng sư Trịnh Đình Thảo, người có đứng tên tổ chức cuộc tiếp rước đoàn xe máy mấy bữa rày hết sức ngăn cản không muốn để tôi diễn thuyết hôm nay vì nghĩ rằng: ông Lưu Vĩnh Định đã thuật chuyện hành trình từ Nam ra Bắc một cách rất lỗi lạc, hùng hồn, nếu mình để Kỳ nói, thì tội nghiệp cho nó sẽ cắn hết lông mèo như công tử nọ. Còn tôi, tôi rủi chưa nghe người thanh niên mạo hiểm kia nói chuyện, nên cứ sân si tưởng là sẵn cuôc vui đây Nam-Bắc, mình cũng nên đem ít nhiều kiến văn chật hẹp nhắc lại "Nước non nhà" cống hiến cho đồng bào để làm một bài vỡ lòng sơ lược về địa dư lịch sử của quê cha đất tổ. ấy vậy mà bây giờ tôi mới nghe qua lời ông Lưu Vĩnh Định thuật chuyện, thì tôi lấy làm thâm cảm cái thạnh tình của trạng sư Trịnh Đình Thảo đối với tôi và lại muốn bắt chước cậu công tử kia mà thưa thiệt: Thôi, xin cho tôi điểm chỉ cũng được…

Nhưng, đem chuông đi đánh xứ người, không kêu cũng đánh một hồi cho kêu. Đi nước người mà còn dám làm như thế, huống chi ở xứ mình mà nhắc lại nước non nhà, thì tôi tưởng dầu cho ai lặp đi lặp lại mấy mươi lần cũng không chán.

Ư không chán thật. Tôi dám khuyên tất cả quý bà, quý cô, quý ông có mặt ở đây thử để trong trí một hồi rằng bây giờ chúng ta nắm tay nhau đi theo ba anh em thiếu niên mạo hiểm từ Nam ra Bắc, có mệt thì biểu họ đạp từ từ chờ mình đi cho kịp. Rồi nhắm lấy một dãy non sông tốt đẹp như gấm như thêu kia mà hỏi nhau như lời câu phong dao:

Núi cao ai đắp mà cao,
Sông sâu ai bới ai đào mà sâu.

Thiên tạo tự nhiên, nhưng nếu không nhơn túc, không có ông cha chúng ta, chưn bùn tay lấm, trải mấy ngàn năm nay, thì núi cao kia cũng vỡ vừng, mà sông sâu kia cũng chưa chắc còn nước chảy.

Điều đó chẳng cần đi đâu xa mới thấy chứng nghiệm. Cách nhà hàng Nguyễn Văn Trận là chỗ đoàn xe máy khởi hành tháng trước, chừng ba chục cây số, ở khúc sông Đồng Nai, tỉnh Biên Hòa, thì đã có chuyện Thủ Huồn ở đó.

Đời xưa, hồi các chúa Nguyễn người An Nam ta ở ngoài Trung kỳ lần lần vô đất Nam kỳ nầy mà bấy giờ là Chơn Lạp, là Cổ Chiêm Thành mới có tiếng Cochinchine. Hồi đó người mình ở đất Biên Hòa đã khá đông nhưng vì bên kia sông Đồng Nai thì chưa có dấu tích người mình mấy chút. Có một tên là Thủ Huồn, kết bè trên sông Đồng Nai ở tại chỗ ngã ba. Ông ta ở đó để tiếp rước những người ở ngoài vô, ai ở ngoài vô đến đó cũng trú ngụ tại bè ông ta, kẻ năm ba ngày người một đôi tháng để nghỉ chưn cho khoẻ rồi có qua bên kia sông mà đi xuống lần lần các miền phía Nam. Cả đời ông Thủ Huồn chỉ làm có bấy nhiêu chuyện mà để tiếng ngàn thu. Ngày nay, bởi cái cầu sắt bắc ngang sông Đồng Nai chếch về mạn dưới ngã ba, cho nên ít ai nói đến tên Thủ Huồn. Chớ kỳ thật đất Nam kỳ mà về ta đây cũng nhờ có cái bè Thủ Huồn nhiều lắm, mà cái tình hậu đãi anh em Trung-Bắc của người Nam cũng là do theo ý của ông Thủ Huồn vậy.

Hết Biên Hòa đến Phan Thiết. Mà đến Phan Thiết lại ngậm ngùi tới huyện người Nam kỳ ngày xưa. Sau khi Nam kỳ thuộc Pháp rồi có nhiều người như ông Nguyễn Thông, ông Phạm Trung không chịu ở đất nầy làm dân Pháp, bèn dời nhà cửa vợ con về ở Phan Thiết lập nghiệp mà lập một làng riêng gọi là làng Đông Châu. Những ông ấy, lúc bấy giờ người ta kêu là Nam trung nghĩa sĩ. Và nhờ có họ ra đó mà Phan Thiết mới lần lần phồn thạnh cho đến ngày nay, chớ trước kia Phan Thiết tức là tỉnh lỵ Bình Thuận là một chỗ có tiếng kêu tỉnh Hời, các quan ta ai mà được bổ vào làm quan cũng chẳng khác chi bị đày.

Phan Thiết có tòa nhà của ông Hoàng Duc de Montpentier cất trên đỉnh núi, tốt đẹp nguy nga hết sức, nhưng tối hôm nay tôi hứa nói chuyện xưa, cảnh nhà đó thuộc về đời nay và bất quá cũng là một dịp chỉ cho ta thấy sự xa hoa của người phương Tây thôi, chớ chẳng có chi lạ. Và:

Gió đưa mười tám lá xoài
Lấy chồng Gia Định cho dài đường đi

Đường thì dài, ngày giờ chúng ta thời ít, thôi đạp gấp gấp cho tới Ba Ngòi đặng hóng gió biển. Ba Ngòi, tên chữ là Cam Linh ở dưới đường xe lửa, có xe lửa nhỏ đi xuống mà lại ngang đường Cái quan.

Từ khi ông hầu tước Barthélémy lại đó kinh dinh sự nghiệp thì đã nẩy ra cái vấn đề lập một cái phụ đầu rất lớn, nhứt là để mà dùng thuỷ binh. Chỗ đó có khi là một chỗ rất lợi hại cho cái tương lai của mấy nước ở ven biển Thái Bình Dương, vì đó là đường chỉ đạo của người Nhựt. Người Pháp đặt ra một cái tên rất có nghĩa gọi rằng: La route du riz[1]. Song than ôi, cái tương lai của ai? Hiện tại mình còn chưa dám nói, huống chi là chuyện viển vông như thế ấy.

Ba Ngòi lên Nha Trang chừng ba chục cây số. Nha Trang tức là tỉnh Khánh Hòa. ở đó chỉ có đền thờ bà A-na-rang bà Chúa Ngọc là thanh tịch. Tục truyền bà ấy là một người con gái Chiêm Thành. Lúc bấy giờ, có một vị chúa Tàu ghé tàu lại đó, thấy bà xinh đẹp, bèn cưới làm vợ sanh đặng hai người con trai, sau huề quyến về Tàu, ra khỏi cửa biển Nha Trang, thì tàu chìm chết hết. Từ đó về sau, cửa biển Nha Trang sóng nổi lên rất dữ dội, ghe thuyền không vô ra được, phải dùng cửa khác, cửa Chút và cửa Bé.

Người Chiêm Thành lấy sự ấy làm linh ứng, bèn xây tháp có tạc hình để thờ. Bây giờ hương khói trong đền bà vẫn còn ngui ngút. Vua Đồng Khánh ta ngày xưa, lên ngôi rồi lại tự xưng mình con của bà A-na-rang bà Chúa Ngọc, em cậu Tài, cậu Quới là hai người đã chết cùng bà trước cửa biển Nha Trang. Ông Đồng Khánh mê tín cho đến nỗi lúc còn làm vua cứ mỗi buổi sáng thức dậy là lo lên Thái bình ngũ lâm thọ lầu, ngồi giữa, cung phi mỹ nữ ngồi hai bên, mạnh ai nấy lắc lên đồng một hai giờ mới chịu xuống. ở Huế bây giờ vẫn có cảnh chùa của vua Đồng Khánh lập ra đặng thờ bà A-na-rang kêu là Điền Ngọc Trang.

Di tích của người Chàm có mấy cái tháp và bấy nhiêu thôi. Trong dân gian chẳng còn dấu chi chỉ rằng nội vùng Bình Định vô cho đến Phan Thiết là đất nước của người Chàm ngày xưa. Chỉ thấy miền Khánh Hòa Bình Thuận có một câu phong dao nầy:

Chiều chiều sóng bổ biển đông
Qua cầu sông Lũy thấy ông vua Tần

Vua Tần tức là vua Chiêm Thành cũng có kêu bằng Tần vương hay Hoan vương.

Sông Lũy là một con sông nhỏ thuộc về Bình Thuận. Theo câu phong dao ấy, thì chính vua Tần đã bắc cầu trên sông Lũy, song bây giờ đi ngang qua sông Luỹ, cái cầu ấy mất dấu rồi mà chỉ thấy cái cầu xi-măng. Bởi vậy cho nên mới nói rằng "sóng bổ biển đông" nghĩa là cái công của vua Tần cũng theo luồng sóng mà đổ xuống biển đông mất hết. Than ôi, cái họa diệt vong của một dân tộc đến thế là cùng. Thấy người lại gẫm đến ta, ai ôi, đã biết tự cường chưa vậy?

Đèo Rù Rì. Hết Nha Trang qua đèo Cả. Đèo Cả, tên chữ là Đại Lãnh, là một dãy núi ngang ra tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Nay người ta có quy dân lập ấp tại đó, từ chưn núi bên nầy qua chưn núi bên kia là địa phận của làng Đại Lãnh.

Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận. Ma Bình Thuận chưa thấy ra sao chớ hồi xưa ở đó, cọp nhiều lắm, có ít người không dám đi qua. Người ta sắm có hằng mấy trăm cây côn bỏ ở hai bên chơn núi để cho hành khách cầm phòng cọp rồi qua chưn núi bên kia lại bỏ đó một đống. Rồi tới phiên người ở bên đó cầm đi, bỏ trở lại bên kia, cứ làm luân chuyển như vậy hoài.

Hồi đó hai đầu chưn núi có hai dãy quán, hành khách đến chơn núi nếu có ít người thì phải đợi đông mới dám qua. Phải năm ba chục người mỗi người cầm một cây côn mới đi được.

Ấy vậy mà phải chi ba ông bạn thanh niên mạo hiểm mà mình hoan nghinh hôm nay đạp xe ra Bắc trong khoảng năm 1905 lúc Nga Nhựt đánh nhau, qua đèo Đại Lãnh thì sẽ gặp ba người thanh niên khoát mỗi người một cây gậy, tuôn bụi lướt bể, một mình vò võ giữa chốn rừng rậm hang sâu, nhọc nhằn bao nhiêu, nguy hiểm bao nhiêu cũng chỉ biết lấy tấm nhiệt thành mà chống lại với đói lạnh, mà cự lại với cọp beo, đi từ ngoài Huế vô Cam Ranh.

Ba người đó là ai? Là ba ông Tấn sĩ tân khoa, là cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng cụ nghè Bất Nhị[2].

Nguyên lúc bấy giờ có trận Nga Nhựt đánh nhau, tin Nhựt thắng Nga đồn khắp thế giới, người mình đều có ý khuynh hướng về Nhựt Bổn. Lúc đó cũng chính là lúc sĩ phu ta có cái tư tưởng mới, nên ba người thanh niên kia, vừa thi đậu Tấn sĩ, thì liền bỏ hết công danh phú quý, vai mang gói hành lý, trong lòng giữ tấm đơn tâm, tuốt vô Cam Ranh đi tìm tàu Nhựt Bổn.

Khi đến Ba Ngòi rồi, ba ông giả dáng con buôn, nhờ có ông Phan Châu Trinh chèo ghe giỏi lắm, cứ hằng ngày mua trứng gà và gà giò, các thứ thịt cùng rau đậu đem ra bán lấy được mớ tiền vàng (roube) của Nga đem về. Nghe nói cụ Huỳnh Thúc Kháng ngày nay còn giữ lại ít đồng để làm kỷ niệm. Song ba ông, lúc bấy giờ đều thất vọng, tưởng gặp người Nhựt, té ra đụng tàu Nga thất trận mà chạy vào đó.

Lớn lao thay, đau đớn thay cái chí mạo hiểm của mấy nhà chí sĩ ngày xưa!

Ôi! mà thôi, "đương vui gảy khúc đoạn trường ấy chi"? Gần miền đèo Đại Lãnh, có hai hòn núi kêu là hòn Đực và hòn Cái.

Trần Cao Vân có bài thơ rằng:

Đất nắn, trời rèn, khỏi định đôi,
Hòn chồng đực cái phối hai đôi
Ông xây nên đống cây trồi mụt.
Bà đúc ra khuôn đá mọc côi.
Mây núi phủ giăng màn tinh túc,
Nước khe hầu rót chén giao bôi.
Non thề giai lão trơ trơ đó,
Gió chẳng lung lay sóng chẳng dồi.

Nửa đèo Đại Lãnh thuộc về địa phận Phú Yên, nên chi cái trạm ở trên chót đèo kêu là trạm Phú Hòa, nghĩa là giáp giới địa phận Phú Yên Khánh Hòa. Xuống đèo đi một khoảng xa mới tới phủ Tuy Hòa, ở đó có cái bungalow thiệt tốt. Song mình đã nắm tay nhau đi bộ, thì ghé bungalow làm chi, đi tuốt ra đèo Cù Mông cho mau tới.

Tiếng ai than khóc nỉ non,
Hay vợ chú lính, trên hòn Cù Mông?

Vì trên đèo nầy, ngày xưa có cái đồn lính. Tiếng than người vợ ở nhà tỏ lúc bấy giờ dân ta cũng đã chịu điêu phiền dịch trọng lắm.

Bình Định! Bình Định! Từ Huế trở vô, Bình Định có lẽ một tỉnh lớn nhứt giàu nhứt. Bình Định lại có lẽ là một nơi, từ hơn một thế kỷ nay, đã xảy ra nhiều chuyện anh hùng khẳng khái vẻ vang cho lịch sử nước nhà.

Cách thành Bình Định chừng 10 cây số là chỗ Thành cũ, chỗ ông Võ Tánh tự phần, ông Ngô Tùng Châu tuẫn tiết để cho vua Gia Long ta lấy Phú Xuân kinh mà dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn. Đoạn sử nầy tưởng ai cũng biết. Có một điều tôi muốn nhắc lại là cái nghĩa chữ trung, trung ngày xưa là ái quốc ngày nay, sở hành tuy có khác nhau, nhưng tâm lý cũng một đồng một thể.

Bình Định lại là chỗ nhau rún của anh em Tây Sơn. Muốn đi lên đó phải do con đường Bình Khê, cách thành cũ trên 20 cây số. Mả Tây Sơn chôn ở Phú Phong, tuy dấu cũ vẫn còn song hài cốt của đấng anh hùng kia, thì đã bị triều nhà Nguyễn đào đổ xuống sông hết. Từ khi trong luật An Nam có cái trọng tội lục thi, thì thi hành chỉ có hai lần, lần nầy với lần Nguyễn Thân ra dẹp Văn thân ở Nghệ, lục thi ông Phan Đình Phùng. Tàn ác đến thế, dua nịnh như kia, thật là cổ kim hi hữu.

"Đặng vua thua giặc", đối với nhà Nguyễn, thì Tây Sơn là người phản bạn, chớ đối với dân ta, Tây Sơn lại là người anh hùng đại lược. Lúc anh ta lên vương vị rồi, thì tu binh mãi mã, có chí qua lấy lại Quảng Tây, nói rằng đất đó là đất của mình ngày xưa. Cái chí viễn đại như thế, trong đời mấy ai hiểu đặng, nên ngày sau mới có câu ca dao:

Chim chích mà ghẹo bồ nông,
Đến cơn nó mổ, lạy ông tôi chừa.

Núi Phú Phong thật là nơi hiểm yếu, nên đến ngày chánh phủ Pháp đã sang đây rồi, lại có giặc Mai Xuân Thưởng, tục kêu giặc rựa, vì binh lính đều là bọn nông dân, không có súng ống gì, chỉ mỗi người cầm mỗi cái rựa mà đánh giặc.

Trong việc dẹp giặc nầy lại có tin của hai người Nam kỳ dính dấp vào. Hai người ấy là ông Trần Bá Lộc và cụ Phan Thanh Liêm con quan kinh lược Phan Thanh Giản. Lúc giặc Mai Xuân Thưởng nổi lên, thì chánh phủ Pháp ở Nam kỳ sai ông Trần Bá Lộc đem binh ra triệu vũ. Triều đình Huế nghe tin có người Nam kỳ, bèn sai cụ Phan Thanh Liêm đem binh vào, nghĩ rằng Nam kỳ với nhau thế vời cũng điều đình dễ hơn kẻ khác. ấy vậy mà cụ Phan đi vừa tới Quảng Nam, thì biết người kia là ông Trần Bá Lộc, liền bỏ binh ở đó chạy tuốt về nằm trên mé sông Hương mà nói: "Cha tôi điều đình với Trần Bá Lộc cũng không được, huống chi tôi!" Đến sau triều đình bắt tội cất chức làm án "lạc lịnh hồi quán" nghĩa là lột hết chức cho trở lại bình dân rồi buộc phải về làng mà ở. Cụ Phan Thanh Liêm gởi sớ hỏi lại: "Quán đâu nữa mà về"? vì lúc bấy giờ Nam kỳ thời đã nhượng giao cho chánh phủ Pháp rồi. Nghe như triều đình hơi mắc cỡ nên bỏ qua không bắt tội nữa.

Nãy giờ chúng ta nắm tay nhau đi, hơi cũng đã mệt đuối, thôi hãy dừng lại dưới bóng cây đại thọ bên góc đường cái quan mà đọc qua ít câu tục ngữ cho biết thổ sản phong tục của mình vừa trải qua và sắp đi đến.

"Nhứt Tam Kỳ. Nhì Bồng Sơn"

Câu nầy nói về sự nhiều món ăn, thì ở Trung kỳ duy có hai nơi nầy là nhiều hơn hết.

Tam Kỳ thuộc về Quảng Nam, tên phủ, ở thành phố nho nhỏ kêu là Tam Kỳ phủ. Phủ nầy là xứ nhà của ông Phan Tây Hồ.

Bồng Sơn cũng tên phủ, thuộc tỉnh Bình Định, ở ngoài Phú Mỹ, trong Tam Quan. Gần sông kêu là sông Lại Giang, đường Nha Trang - Tourane duy có sông nầy chưa có cầu.

Hai chỗ nầy tuy là thành phố nhỏ, song gần biển lại gần núi cho nên các món ăn rất là sung túc.

Lãnh Gò Duối, muối Cù Mông

Hai xứ nầy đều thuộc về tỉnh Phú Yên. Gò Duối ở phủ Tuy An, dân đó chuyên nghề dệt lãnh bán. Người ta thường mua lãnh trắng ở chỗ đó, đem ra nhuộm đen ở làng An Thái, thuộc tỉnh Bình Định, thì lại càng đẹp hơn nữa.

Lãnh mà thường khi người ta kêu là lãnh Tàu, có khi Chệt họ cũng xen lãnh Gò Duối vô, vì lãnh đó tốt chẳng kém chi lãnh Tàu mà giá rẻ hơn thập bội. Thế sẵn của mình mà mình cứ để cho người ngoài lợi dụng.

Cù Mông gần biển có ruộng muối nhiều. Mà thứ muối đó tốt lắm, trắng và chắc như thủy tinh, có bán ra đến Quảng đến Huế.

"Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên hay bỏ túi".

Câu nầy nói về tánh cách nhân dân của bốn tỉnh ấy. Quảng Nam người ưa nói lý sự, có tiếng là hay cãi, nghĩa là cãi lẽ cùng nhau. Quãng Ngãi dân tình cứng cỏi, thầy kiện thầy co, hay co tức là nghĩa ấy. Dân Bình Định hay đem tiền lo với quan, cho nên làm quan Bình Định là béo lắm,………..

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Nhưng thôi, muốn biết Thừa Thiên thật bỏ túi cùng chăng, thì mình phải đứng dậy đi gấp gấp. Đường thiên lý, từ Bình Định ra Tourane thật xinh đẹp, đường dài đằng đẵng nhiều khúc thẳng băng như tờ giấy trải. ở Bình Định ra Quảng Ngãi phải qua chuyến đò Bồng Sơn. Bồng Sơn là tên cái huyện ngày xưa, ngày nay đổi lại là phủ Hoài Nhơn. Bước lên bến đò thì phủ lỵ ở ngay đó. Thấy phủ Hoài Nhơn xây lưng ra trước đường cái quan, xây mặt xuống mé sông, chi cho khỏi sực nói đến một chuyện buồn cười của ông Nguyễn Đình Hiến (ông ấy sau làm đến tổng đốc, về hưu, hiện nay ông vẫn còn) lúc bấy giờ ông ngồi Tri phủ ở đó, chánh ông ta xây mặt tiền của phủ đường ra mặt hậu như thế.

Ông làm như vậy, ông nói có hai lẽ, một là ông nói rằng ông làm địa lý hay lắm, cho nên ông đổi hướng lại đặng cho mau thăng chức. Hai nữa ông muốn xây cái cửa phủ cho rộng và lớn, trên cửa làm vuông vức như cái đài đặng có chỗ cho ông chiều chiều lên đó nhắm cảnh sông, uống rượu mà thừa lương luôn thể.

Mà thật, sau khi làm cái đài ấy xong rồi, mỗi buổi chiều 5 giờ thì ông cùng phu nhơn lên đó, uống rượu thưởng cảnh chơi, rượu say rồi thì biểu con hát hát bội cho ông nghe, ông ngồi trên đài đánh trống chầu, coi khoái chí lắm. Lúc bấy giờ có người tặng cho ông bốn chữ "Phong lưu Thái thú" thì ông thích vô cùng.

Hiện nay, ai đi ngang qua phủ Bồng Sơn ngó cửa phủ phía trên có cái đài, đài ấy tức là cái dấu phong lưu của ông Nguyễn Đình Hiến vậy.

Từ phủ Bồng Sơn qua địa phận Quảng Ngãi có đèo Bến Đá cũng dài, qua khỏi đèo thì đi đường bằng tới Quảng Ngãi.

Tại tỉnh Quảng Ngãi có con sông Trà Khúc, sông ấy nước chảy mạnh mà sâu lắm. Hiện đi bộ từ Nam ra Bắc, chỉ còn hai chuyến đò nữa mà thôi là chuyến đò Trà Khúc và chuyến đò Bồng Sơn. Con sông Trà Khúc và hai hòn núi Bút núi ấn là danh thắng ở Quảng Ngãi. Hai hòn núi đối diện với nhau, một hòn nhọn như ngòi bút, một hòn bằng như cái ấn, cho nên đặt tên là Bút, ấn. Người ta nói ở xứ Trung kỳ mà xưa nay có nhiều vị quan to như Cần chánh, Đông các, Tổng đốc, Thượng thơ v.v. là nhờ địa mạch trong xứ có hai hòn núi và con sông ấy. Trước hồi ông Cần chánh Nguyễn Thân còn sống, nhà nước bảo hộ định đục lấy một ít đá ở núi ấn và ở mé sông Trà Khúc mà đắp đường, nhưng ông Nguyễn Thân nhứt định cự tuyệt, ông nói rằng làm đứt long mạch ở trong tỉnh ổng. Thế mà hồi nhà nước cũng nể vì ổng, nên không lấy đá ở đó nữa, mà phải lấy đá chỗ xa.

Ông Nguyễn Thân có cất một cái chùa trên núi Thiên ấn, đắp tam cấp đi lên chùa, còn công phu hơn tam cấp điện bà Tây Minh nha.

Công nghệ thổ sản tỉnh Quảng Ngãi có một món đặc biệt không ở đâu có là đường phèn mà ta thường ăn đó. Người Nam kỳ mình phần nhiều tưởng là đường bên Tàu của Chệt đem sang, chớ nó thật một mình Quảng Ngãi có mà thôi!

Xứ Sài Gòn thiệt là nhiều chuyện.

Mình mới rủ nhau đi chưa đến Quảng Ngãi, mà ở Sài Gòn đã xảy ra cái vấn đề Nước non giả, Nước non thiệt, Tấn sĩ giả, Tấn sĩ thiệt. Thiệt, giả, một ngày một hay, con đường của người ta dài rộng hơn đường cái quan mình đi hôm nay trên trăm hội, nếu như khách hành nhơn mỗi khi nghe đến tiếng chim kêu vượn hú, gà gáy khỉ ho, mà mỗi phải dừng chưn ngảnh mặt thì bao giờ cho đến chỗ mình muốn đi? Có ai nói rằng chuyện tôi đương nói với anh em giữa quan lộ nầy đây đều là chuyện tôi đã nhờ có người nầy nói giùm kẻ kia viết hộ, thì anh em hãy cứ tin là thật vì tôi đã nói bài nầy đây là bài học vỡ lòng về địa dư và lịch sử, thì có chuyện chi là của tôi sáng kiến ra đâu?

Nhưng những ai là người đã tự nhận của ta, của mầy, thì chừng họ xem lại câu chuyện tôi đương nói đây, có lẽ họ cũng sẽ học thêm đặng một mớ, một nhắm[3].

Thôi, xin chào mấy ông!

Đã đi ngang qua tỉnh Quảng Ngãi nói đến chuyện Nguyễn Thân thì tưởng cũng nên nhắc đến nhà họ Trương là một vọng tộc ở đó. Ai đã có biết sơ sự tích nhà Nguyễn từ thế kỷ nay thì chắc đã có nghe sơ việc ông Trương Đăng Quế và vua Tự Đức. Người ta đồn rằng bà mẹ ông Trương Đăng Quế lúc còn hàn vi, ở tại làng Mỹ Khê, Quảng Ngãi đào đất trồng khoai, được một lu vàng thật lớn. Nhưng tánh bà chẳng bao giờ chịu tham lam của người, nên vẫn cứ lam lũ làm ăn như thường, còn vàng thì giấu ở trong nhà không cho ai biết mà cũng không hề đả động đến. Cách vài năm sau, bà đương trồng cây ở vùng đất chung quanh nhà, thì lại thấy một người Khách trú cứ lại quanh quẩn ở đó như có ý tìm kiếm vật chi không biết. Thấy vậy bà hơi nghi mới mời vào nhà, dò la lần hỏi. Khi bà biết chắc vàng của bà được chánh là của riêng của người Khách trú nầy thì liền giao trọn y số cho nguyên chủ. Nguyên chủ năm ba lần năn nỉ để tặng hảo cho bà một ít vàng, song bà nhứt định không chịu. Người Khách trú thấy bà thanh khiết chẳng biết làm sao đặng trả ơn, nên mới về Tàu mà rước một ông thầy địa lý đại tài đem sang đặng lựa cho nhà bà một huyệt mả rất quý. Tục truyền ông thầy địa lý làm xong huyệt mả rồi, thì có nói lại rằng cái chỗ đất nầy sẽ phát ra nhiều đời làm tướng, mà có khi e lại phát đến đế vương, song đế vương thì chẳng bền. Đến nay hiện cũng còn có nhiều người tưởng rằng họ Trương làm tướng đến ba đời cũng là nhờ cái huyệt mả ấy phát.

Mà có khi cũng bởi cái lời ngoa truyền kia mới sanh ra cái chuyện vua Tự Đức là con ông Trương Đăng Quế. Ông Trương Đăng Quế, ở triều Thiệu Trị, là một ông cực phẩm nhơn thần và bà Trương Đăng Quế lại là em ruột của bà Thuận Hiếu, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức. Người ta đồn rằng hai chị em bà Thuận Hiếu và bà Trương Đăng Quế có thai, chuyển bụng một lần và lúc mới hạ sanh ra, thì bà Trương Đăng Quế tráo con mình qua cho bà Thuận Hiếu, đem con bà Thuận Hiếu ra làm con mình.

Cứ theo lời đồn ấy, thì vua Tự Đức là con thiệt ông Trương Đăng Quế, mà ông Trương Đăng Đản, ngày sau làm đến Đông các, lại là con của vua Thiệu Trị vậy. Lúc tôi còn nhỏ ở Huế cũng có thấy ông Trương Đăng Đản nhiều lần và cũng có nhiều khi thấy hệch ông Trương Đăng Đản mà nói[4]. Thật cái cử chỉ ông Trương giống người hoàng phái nhiều lắm. Tôi dẫn lời ấy vào đây là để chỉ rõ rằng cái chuyện kia bất quá cũng là một chuyện ngoa truyền song vẫn có nhiều người tin là thật. Họ tin cho đến nỗi họ phụ họa thêm mà bảo bởi trời chưa muốn tuyệt nhà Nguyễn nên mới xui cho ông Tự Đức lớn lên thì bị đậu trời chạy nọc phải chịu không con đến ngày chót.

Than ôi, Trời đâu mà lại rảnh rang đặng đi theo mà lo chuyện vặt vặt ở đời mãi thế!

Bao giờ sen mọc biển Đông,
Cha con nhà Nguyễn ẵm bồng nhau đi!

Đời một ngày một mắc mỏ, thế thì trời cũng bận việc làm ăn nên không rảnh mà lo chuyện ngày nay như xưa nữa!

Từ Quảng Ngãi ra Quảng Nam, chỉ có Ngũ Hành Sơn, tục danh chùa Non Nước là nơi thắng tích hơn hết. Nhưng "Non Nước" nó lại không phải ở ngay đường thiên lý từ Nam ra Bắc; muốn đến xem tất phải ghé Hàn (Tourane) trước rồi mướn ghe qua sông mới được; bên kia sông là Hà Thân. Có câu hát rằng:

Ngó qua bên kia Hà Thân nước xanh như tàu lá,
Ngó qua bên ni Hàn, phố xá nghinh ngang.
Kể từ ngày ông Tây lại đất Hàn
Đào sông Cá Nhí, bồn vàng Bồng Miêu. ò
Dặn tấm lòng em ai bậu đừng xiêu,
Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có qua.

Ừ mà thật đất Hàn có "phố xá nghinh ngang" cũng là từ khi ông Tây lại. Chớ xưa kia nguyên là một bãi cát trắng không có nhà cửa chi hết. Duy vì ở đó có cửa biển tàu lớn vô được; hồi Tây mới qua ghé tàu qua đó cho nên đời vua Tự Đức triều đình An Nam đặt ra ở đó một "nhà hải phòng" nghĩa là để ngăn giặc ở mặt biển. Bây giờ ai ghé Hàn vẫn cũng còn thấy cái nhà hải phòng nó nằm tuốt gần trên dinh huyện Hòa Vang. Phòng biển mà làm nhà gần trên núi, thì cũng thiệt là khôi hài hết sức!

Nói đến cái nhà hải phòng, làm sao cũng phải sực nhớ đến cách người An Nam đánh giặc ngày xưa, nhớ lại vua Tự Đức cầm binh, nhớ chuyện đục tàu, nhớ võ cử mình đòi bắt sống giặc.

Lúc nọ có hai chiếc tàu binh Pháp đậu tại Vũng Tàu gần bên núi Sơn Chà tức là ở ngay trước mặt Hàn, thì triều đình Huế có sai một đạo binh vào đó đặng phòng ngự. Quan quân tối ngày chỉ ở trên nha hải phòng nghĩa là xa cửa biển gần mười cây số. Nhưng khâm mạng vào đây chẳng lẽ chẳng gởi sớ về tâu cho có chuyện nầy chuyện khác. Tàu giặc kéo tới, tàu giặc kéo lên, mà kỳ thiệt thì năm ba ngày các quan mình mới sai một tốp lính, áo dấu điều nón đỏ đi ra ngoài mé biển phía bên nầy, nhắm chiếc tàu đậu xa tít mù mà bắn lên vài phát súng nạp tiền lấy lệ. ấy vậy mà vua Tự Đức ta ngồi ngoài Huế lại nghĩ ra cách cầm binh gián tiếp. Sắc dạy cho các quan trong nầy biểu mỗi bữa phát mã thượng báo đợi tin truyền vô làm sao rồi mới được phép cầm binh đi đánh. Ngài ngoài nầy cũng ngồi trước bức địa dư, cũng điều binh khiển tướng, nghĩ thầm trong bụng rằng mình ở theo sách: "Vận trù duy ốc chi trung, nhi quyết thắng ư thiên lý chi ngoại". Nhưng nếu như họa có giặc đánh mà phải chờ mã thượng đi tin ra, đem tin vào, ít nữa cả đi vừa về bốn năm ngày mới tới, thì ôi thôi! còn đâu là hải phòng! còn đâu là đạo binh phòng ngự! Huống chi ai có dịp lật bức địa đồ của Hoàng đế đã dùng lúc bấy giờ để cầm binh, thì ai lại chẳng, hỡi ôi, chẳng buồn cười: nơi sông vẽ núi, nơi núi vẽ biển!

Nhưng may là ngài cầm binh buổi ấy thế nào cũng vô hại. Vì mỗi khi binh mình xuống được bãi cát mà bắn bông lông vài ba mươi tiếng, thì dưới hai chiếc tàu kia, họ cũng chỉ xạt một chiếc cù-lạp vào đặng đáp lễ.

Và hễ bao giờ cù-lạp đi đến hơi gần gần, thì binh lính của mình lại kéo nhau mà chạy. Rồi đó mấy chục người mạch lô kia đã lại rủ nhau lên đứng bơ vơ trên bãi cát đất Hàn bắn vài tiếng súng lên trời, rồi trở xuống cù-lạp. Bởi thấy cách họ dễ đuổi, nên các quan ta mới nghĩ ra một cái kế mới: phục binh bắt giặc. Nghĩ rồi treo bảng mộ tinh những người võ sĩ nhứt nhị trường. Người ta cũng mộ gần năm trăm mà hỏi muốn dùng khí giới thức nào, thì đồng thanh chỉ xin mỗi người một sợi giây tre đánh là đủ; nói rằng bao giờ mấy chú mạch lô kia lên bờ, thì mấy ông võ sĩ nầy ở trong bụi tuốt ra đá mỗi thằng một cái bốc mà bắt sống, rồi lấy giây tre trói cổ đem về. … Ai ngờ, chừng lính chạy như mọi bữa thường, võ sĩ mình nhảy ra, thì lại bị đinh giày tây đá vào đau quá và hễ đã xáp lại gần, thì chịu sao cho nổi với lưỡi lê của mấy người lính thuỷ.

Đó là xong một chuyện bắt sống giặc.

Mà hết bắt sống lại còn cái kế đục tàu.

Không biết tại sao mà lúc bấy giờ người An Nam mình có cái chuyện đồn rằng hễ tối rồi, thì người Pháp mỗi người uống mỗi ly thuốc chi đỏ đỏ mà ngủ như chết. Và nếu ngủ như vậy, thì có chi hay bằng cái kế ban đêm sai người lén đến đục tàu. Chuyến nầy các quan lại mộ tù tử tội, nghĩ rằng rủi như cái thứ thuốc đỏ đỏ kia không thật như vậy, thì mấy tên tù nầy cũng chẳng hại gì: trước sau chi cũng chết. Mộ xong, phát cho ba người 4 chiếc xuồng câu cùng các thứ đục. Đêm trường lộp cộp, núp dưới boong tàu, ai lanh thì nhờ đó mà vượt ngục, ai khờ cũng chẳng ích gì; súng "Sentinelle" trên tàu bắn xuống cũng phải gởi thân cho cá mập.

Đường dài ngày vắn, nhắc lại chuyện nầy thật nghĩ mà cười ra nước mắt…

Phải chi tôi có ngày giờ rảnh mà chép lại một mớ chuyện vặt của triều đình Huế gần một thế kỷ nay, thật là thành ra một tấn tuồng Molière: trong cái cười lại thấy nhễu chẳng biết bao nhiêu nước mắt.

Nhưng chẳng lẽ nói mãi chuyện buồn mà để anh em ở lại Hàn không đi nơi khác.

Tôi đã nói, từ Bình Định ra tới Quảng Nam thì có cảnh "chùa Non Nước" là đệ nhứt thắng cảnh. Cảnh chùa nầy không phải ở ngay theo con đường Cái quan. Muốn đến đó tất phải mướn ghe qua sông. Nhưng ai đã đi đến Hàn, thì đừng nên bỏ cơ hội mà không đến viếng chùa Non Nước.

Chùa Non Nước, tiếng chữ gọi là Ngũ Hành Sơn, vì núi đó có năm hòn, năm cái đảnh chót vót. Và cái thứ đá giống như cẩm thạch mà mấy năm về sau đây người Nam kỳ mình hay dùng để làm mộ là đá làm ở Ngũ Hành Sơn nhiều nhứt.

Từ Hàn qua chùa, mất chừng 4 tiếng đồng hồ. ở chùa nầy có lắm chuyện hoang đàng mà nhứt là cái vú đá. Vú nầy dựa trên vách một cái hang đá gọi là động Huyền Không. Tục truyền ngày xưa hai cái vú đá ấy đều có chảy nước, nhưng từ khi vua Minh Mạng rờ tay vào một cái, thì chỉ còn một cái bên kia chảy nước.

Đá mà không lỳ!

Năm hòn núi mọc trơ trơ ở giữa một vùng cát lớn, trong núi có hai cảnh chùa, ở ngoài có cái tam cấp đi lên xem thật đẹp. Kế bên chùa hang động thiệt nhiều, có động Huyền Không, có hang Thủy Phủ. Đặt tên như vậy là vì bởi trong động Huyền Không trên nóc có một lỗ trống dòm thấy trời, còn hang Thủy Phủ, lại bởi cái hang đó thăm thẳm xa xa, chẳng biết đi đến đâu là cùng. Có người nói hang đó thông ra tới biển, liệng một trái bưởi trên miệng hang bữa nay, sáng ngày mai thấy trôi ra ngoài mặt biển. Ngoài hang động ra, thì ở đó lại còn hai cái cấp bằng đá thật đẹp. Cái kêu là Vọng Giang đài, cái kêu Vọng Hải đài, cái để đứng trên cao dòm ra sông, cái dòm ra biển.

Ai đã từng đứng trên hai cái đài ấy mới biết rõ thú vị. Kế bên Vọng Hải đài lại còn cái động tên là Tàng Trân. Vì vậy mới có câu thơ của Tùng Lâm, lúc bấy giờ cũng là một kẻ phong lưu niên thiếu:

Kìa động Tàng Trân nọ hải đài,
Bầu trời riêng một cảnh thiên thai.
Ba sanh ướm hỏi người trên đá
Mong gởi nhơn duyên chút một hai

Người du khách đến chơi ở đó làm thơ quá nhiều, nhiều cho đến nỗi trong mấy hòn đá dẫy đầy những thơ, gần đây quan sở tại phải lựa một mớ khả thủ khắc vào một tấm bia còn bao nhiêu biểu bôi hết.

Ở Hàn lại còn có cái viện "tàng trân" Chàm. Ai muốn biết lịch sử của một cái dân tộc ngày nay gần tiêu diệt hết, thì cũng nên ghé lại đó xem chơi cho biết. Lại thấy rồi thì chắc sao cũng gẫm sự diệt vong của người mà ngại ngùng cho tương lai của nòi giống mình.

Từ Hàn ra Huế, phải đi qua cái đèo "Hải Vân quan". Đèo cao lắm, nên vua An Nam xưa mới mạng danh là "đệ nhứt hùng quan":

Chiều chiều gió thổi Hải Vân,
Chim kêu gành đá, gẫm thân lại buồn

Đó là câu hát của mấy người đi thú ở Hải Vân quan nhớ nhà mà cảm hứng ra như thế.

Ở Hải Vân ngó sang, có hòn núi Tân núi làng Sấng, trên núi có con chim tục danh là "bóp thì bóp". Họ nói rằng xưa kia ở đó có một nhà, hai anh em mới lớn lên, một trai, một gái. Bữa nọ cha mẹ đi khỏi hết, con gái ở nhà tắm, đứa anh trông thấy, lại gần một bên rồi… đụng chạm sao đó… Đứa em hăm rằng để cha mẹ về sẽ học chuyện lại cho cha mẹ biết. Anh nghe sợ, bỏ đi trốn trong một hòn núi ở miền đó. Cha mẹ về, đi kiếm mãi không được. Đến sau người em gái nhớ anh mình quá, lén cha mẹ đi kiếm, cũng vào hòn núi ấy. Từ đó về sau hai anh em đều biệt tích. Cách một lúc sau, người ta nghe có hai con chim, một trống một mái, bắt đầu hiện ra miền núi ấy. Chim ấy người ta không biết tên nó là gì, chỉ theo tiếng nó kêu mà đặt là con chim "bóp thì bóp": Con trống tức là người anh, con mái là người em vậy.

Chuyện đó có lẽ cũng là một chuyện của người thổ nhơn thêu dệt. Song hiện nay dân ở vùng đó nhờ tiếng của hai con chim ấy kêu mà có thể chia đêm ra từng canh được. Vì chúng nó bắt đầu từ hồi chạng vạng đi ăn mà kêu nhau ở chơn núi đầu nầy, rồi đi lần chung quanh hòn núi, vừa kêu vừa đi kiếm ăn, cho giáp đến chỗ cũ, thì hơi sáng.

Câu chuyện nầy có khi họ bày ra đặng tỏ sự tương phản của ái tình và luân lý.

Qua gần khỏi Hải Vân quan lại sực nhớ đến bài thơ ngũ ngôn:

Ủi chà cao! ủi chà cao!
Trèo lên thử dường bao.
Cảnh thời đào lộn hột;
Rẫy mọi bắp phơi mao.
Suối gảy đờn thập ngộ;
Chim nói chuyện tam phao!
Mau chơn lên lánh hé!
Cho khỏi đứa tầm phào.

Bài thơ mà tôi vừa nhắc đó là nghe nói của một ông công thần người Nam kỳ ra viếng vua Gia Long sau khi lên Hoàng đế. Vi[5] trở về qua khỏi Hải Vân quan rồi cảm tác. Toàn bài có lẽ đúng với nguyên văn, duy 2 câu chuyển kiết thì xem như tuồng vô vị một chút. Song cái đại ý là như tuồng muốn bao biếm cái ngôi sang Hoàng đế nó đã làm cho mất cả tình bậu bạn giữa buổi gian nguy.

Tưởng ai cũng biết rằng trong lúc vua Gia Long bị Tây Sơn đuổi chạy tuốt vào Nam, thì từ một lúc nguy cấp cho đến kỳ đại định cũng đã đều nhờ một tay mấy ông công thần Nam kỳ vùa giúp. Nhưng lạ chi những ông tôi đương cơn bát loạn thì đều là người trung thành chất phác, chất thắng văn nhiều. Cái chuyện ông Quận công Trị, ông Quận công Chản cũng đủ chứng nghiệm.

Lúc bấy giờ, ai muốn có giấy thông hành cho tiện việc đi đường thì chỉ xin cái giấy chứng của một vị công thần nào là đủ. Song ngặt phần nhiều các ngài đều là dốt, mà ông quận công Trị lại dốt nhứt. Vậy mỗi khi ai đến xin giấy thông hành, thì ngài chỉ lấy viết mà viết đầy tinh những chữ Trị rồi đóng dấu vào, ai đặng ưa nhiều, thì chữ Trị nhiều, ai ưa ít là ít chữ Trị.

Còn ông kia, sau khi phục nghiệp, vua Gia Long hỏi muốn phong cho Quân công hiệu gì, ông liền đáp, lúc anh chị đương chạy ngược chạy xuôi, phần tôi giữ con voi Chản, thời bây giờ nó chết rồi, xin phong cho tôi là Chản quận công!

Mấy ngài đều là thành thật, chất phác như thế, và trước kia họ đều có thói quen kêu vua Gia Long và hai bà Thừa Thiên, Thuận Thiên Cao hoàng hậu bằng anh bằng chị. Vậy mà đến lúc thái bình, từ trong Nam kỳ ra tận Huế mà thăm "anh chị", thì "anh chị" đã bày ra lắm nghi vệ khó lòng, bắt chầu, bắt chực, bắt nằm chờ năm ba ngày mới cho yết kiến. Và cũng vì vậy, nên thăm rồi, họ đều kéo nhau trở về, qua Hải Vân quan nghĩ lại nhơn tình mà nói:

Ủi chà cao! ủi chà cao!
Trèo lên thử dường bao.

Hôm nay tôi dẫn bài nầy vào đây là có ý tỏ người Nam kỳ mình từ xưa đến nay vẫn có cái tánh chơn thành chất phác hơn kẻ khác vậy.

Thôi, đi chớ!

Qua khỏi Hải Vân quan rồi thì là bước đến địa phận Thừa Thiên tức là Huế là chỗ kinh đô triều Nguyễn.

Từ đó ra cho tới Huế, thời chỉ có núi Túy Vân là một nơi thắng cảnh, nhìn qua không khác chi bức tranh vẽ.

Túy Vân là cái cù lao, ở Cầu Hai phải mướn ghe băng ngang qua cái phá mới tới. Ngày xưa vua Tự Đức cũng phải ưa chỗ nầy lắm, ưa nên ngài có xây trên núi ấy một cái tháp, có từng cấp đi lên gọi là Ngự diên tháp, có cất cái đình hóng gió gọi là Tiên sảng đình. Tháp và Đình hiện nay vẫn còn, đến nay mà tôi cũng vẫn mường tượng nhớ lại mấy khi đi hầu mẹ tôi ra đó, lên ngồi trên đình hay đứng trên tháp thật là thanh sảng một cách lạ thường[6].

Diệp Văn Kỳ

   




Chú thích cuối trang[sửa]

  1. La route du riz : con đường lúa gạo.
  2. Cụ nghè Bất Nhị : ý muốn nói Trần Quý Cáp (1870-1908), quê xã Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  3. Đoạn từ "Xứ Sài Gòn thiệt là nhiều chuyện" đến đây, là đoạn tác giả Diệp Văn Kỳ viết thêm cho kỳ đăng báo này (27.1.1931), nhằm đối phó lại với dư luận, sau khi Đuốc nhà Nam đăng bài "Phua-nit-xơ văn chương" của Đào Trinh Nhất, nêu ra chuyện ông Diệp nhờ người khác viết bài cho mình.
  4. Chỗ này có thể tác giả viết không rõ, hoặc có lỗi in, nên ý hơi tối.
  5. Có lẽ là "Khi" (bản gốc in sai?)
  6. Bài chưa đăng hết.


PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)

Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)

Liên kết đến đây