Nộp đơn xét tuyển vào đại học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tại Mỹ việc nộp đơn xin vào đại học là quá trình khá căng thẳng, để dễ dàng hơn bạn phải có kế hoạch sớm và nghiên cứu kỹ. Tùy thuộc mục tiêu bạn đặt ra cao hay thấp, việc này có thể khó, dễ hoặc không khó cũng không dễ.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị về mặt học tập[sửa]

  1. Bất kì ai muốn học đại học đều có trường sẵn sàng đón nhận. Nước Mỹ có 4000 tổ chức cấp văn bằng đại học, đa số đều chấp nhận hầu hết các đơn xin nhập học, chỉ có một số nhỏ các trường cao cấp chấp nhận chưa tới phân nửa số người nộp đơn. Có hàng trăm trường chấp nhận gần như tất cả mọi sinh viên nộp đơn, vì vậy chắc chắn bạn sẽ được học đại học nếu muốn.
    • Ngược lại, các trường hàng đầu như Harvard, Stanford, Duke, Đại học Chicago và v.v... nhận hàng ngàn đơn xin nhập học từ những sinh viên giỏi. Điều quan trọng là bạn phải nhìn nhận thực tế về năng lực của mình và yêu cầu của những trường đó. Cố gắng so sánh điểm số và khả năng học tập của mình với tiêu chuẩn do trường đặt ra.
  2. Ngay khi còn học ở đại học dự bị, bạn phải định hướng hoàn thành các yêu cầu của trường đại học bạn dự định xin vào. Một số trường muốn bạn hoàn thành môn học phương pháp tính và xác suất thống kê trước khi nộp đơn, số khác chú trọng những môn học xã hội và nhân văn. Bạn phải hiểu về trường đại học mình muốn xin vào và bắt đầu chuẩn bị cho yêu cầu của họ.
    • Yếu tố đầu tiên mà nhà trường xem xét là điểm số học tập trước đó của bạn, đó là thước đo đánh giá khả năng trong môi trường học thuật. Bạn có cơ hội được chấp nhận cao hơn nếu điểm số ở trường phổ thông cao. Ngoài ra nhà trường cũng chú ý đến việc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Họ muốn biết học sinh đó làm gì với thời gian không đến lớp. Bạn càng tham gia nhiều vào hoạt động của trường phổ thông thì nhiều khả năng bạn cũng tham gia vào hoạt động của trường đại học, mà ví dụ điển hình là thể thao.
    • Bổ sung các hoạt động ngoại khóa bên ngoài trường học. Trong đơn xin bạn nên cung cấp thêm thông tin về việc tham gia một câu lạc bộ cộng đồng hay nhóm thể thao nào đó. Bất kì hoạt động tích cực nào đều làm lá đơn của bạn thêm giá trị.
  3. Hoàn thành chương trình học phổ thông hay một cấp học tương đương (như GED). Người ta có nhiều con đường học tập khác nhau để dẫn tới bậc giáo dục đại học. Trong số các sinh viên đại học cộng đồng ở Mỹ, có 43% từ 21 tuổi trở xuống, 42% ở độ tuổi 22-39 và 16% từ 40 tuổi trở lên. Tuổi tác không là vấn đề khi nộp đơn xin vào đại học.
  4. Tham dự kỳ thi SAT hay ACT vì có tới 85% các trường đại học yêu cầu một trong hai điểm số này đối với sinh viên năm nhất. Gần như tất cả các trường đều chấp nhận cả hai, nhưng một vài trường chỉ chấp nhận SAT hoặc ACT, vì vậy bạn phải lên trang web của trường để biết họ chọn loại điểm nào.

Chọn trường đại học[sửa]

  1. Dùng internet tìm kiếm trường đại học và học bổng. Chú ý những trường có đặc điểm nào đó thu hút bạn, chẳng hạn có ngành học lý tưởng, sỉ số lớp ít hay vị trí gần nhà, và v.v... Kiểm tra trang web của họ vì thông tin về việc nộp đơn có thể có trên đó. Sách viết về chương trình học bổng cũng đáng để bạn tìm hiểu, chúng có ở thư viện nhà trường hay thư viện công cộng.
    • Khi nói tới việc chọn một trường đại học phù hợp, quan trọng là bạn phải xem mình thích ngành học nào và có mong muốn gì cho sự nghiệp, nhiều khi bạn thích chơi một môn thể thao mà chỉ có vài trường đáp ứng được điều đó, hơn nữa bạn phải chọn một trường nằm trong khả năng của mình. Lên trang web collegeboard.com tìm hiểu về điểm trung bình GPA và điểm số bài thi xét tuyển để so sánh với điểm của bạn. Các yếu tố khác như kích cỡ, vị trí trường học và chi phí cũng phải được xem xét trước khi nộp đơn. Lập ra một danh sách và nộp đơn vào nhiều trường, không chỉ lựa chọn một trường duy nhất.
    • Hiện nay nhiều công ty có biên soạn các danh sách trường đại học mà bạn có thể xem qua hay mua về. Họ phân chia theo mức độ khắt khe trong việc xét tuyển, sử dụng điểm SAT hay ACT, đời sống trong khuôn viên trường và môi trường học thuật như thế nào, triển vọng công việc mà hội cựu sinh viên có thể cung cấp sau khi tốt nghiệp ra sao.
  2. Liên hệ với nhà trường để biết thông tin. Nếu bạn liên lạc với nhà trường bằng cách đăng nhập vào trang web, họ sẽ cung cấp cho bạn cả mớ thông tin. Ngày nay đa số các trường học đều có thông tin trực tuyến. Bạn nên làm việc này càng sớm càng tốt khi còn đang học ở phổ thông, vì nhiều trường có hạn nộp hồ sơ khác thường hoặc có danh sách một số môn học bắt buộc phải hoàn thành tại trường phổ thông. Họ sẽ gửi thông báo nhắc nhở các thời hạn và thông tin quan trọng.
  3. Sàng lọc danh sách. Ngay từ lúc còn học lớp 11 của trường phổ thông bạn nên sàng lọc danh sách các trường đại học mình muốn theo đuổi. Thậm chí bạn nên ghé thăm một số trường trong thời gian này. Việc quyết định chọn trường nào là phải căn cứ vào thông tin họ gửi, thông tin nhận được từ những người xung quanh và thông tin thăm dò được.
    • Vào tháng mười của năm lớp 12 là lúc bạn đã biết sẽ nộp đơn vào đâu và yêu cầu của trường đó là gì, như giấy giới thiệu, điểm thi và v.v... Không chờ đến sát ngày nộp đơn và chuẩn bị các loại giấy tờ mới quyết định. Bạn phải thu thập khá nhiều thông tin, đối với một số trường còn cần thư giới thiệu.
    • Quan trọng là bạn phải chắc chắn về lựa chọn của mình, không chỉ nộp đơn "cho có" hay vì ai cũng chọn trường ấy. Trường đó phải phù hợp với bạn và mong muốn của bạn.
  4. Tham quan một số trường đại học. Không trường nào giống trường nào, một số rất lớn với 30.000 sinh viên hoặc hơn, nhưng cũng có trường chỉ có vài trăm sinh viên. Bạn muốn học ở trung tâm thành phố hay ở ngoại ô? Miền bắc hay miền nam? Bạn thích vào một trường theo tôn giáo cụ thể nào đó? Nói chung bạn phải đến đó để tận mắt thấy. Nếu có bạn bè đang học ở trường đại học thì bạn nhờ họ dẫn đi tham quan quanh trường.
    • Cố gắng bắt chuyện với vài sinh viên ở nhiều cấp lớp khác nhau và xin họ cho ý kiến về trường. Chú ý lắng nghe nhưng bạn phải hình thành quan điểm riêng của mình về những gì tốt hay không tốt.
    • Dự giờ lớp học. Bạn thử tưởng tượng mọi việc sẽ như thế nào nếu mình là sinh viên của trường. Bạn có thấy cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn khi học ở đó không?
    • Nhiều trường còn tặng sinh viên tham quan phiếu miễn phí nộp hồ sơ, nó giúp bạn tiết kiệm được khoảng 50 đô-la, nhưng quan trọng hơn là việc tham quan cho bạn biết mình có nên nộp đơn vào trường không.

Viết đơn xin xét tuyển[sửa]

  1. Chỉ nộp đơn khi trường đó phù hợp với bạn và đáp ứng được các mong muốn. Việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận, vì lựa chọn đó sẽ ảnh hưởng đến bạn nhiều năm sau này. Nếu cảm thấy phải miễn cưỡng nộp đơn vào trường nào, bạn nên đánh giá lại tầm quan trọng của ngôi trường đó với việc xin vào một trường khác, dù không danh giá và tiện lợi bằng nhưng đáp ứng được mong muốn của bạn.
    • Đơn xin xét tuyển có vẻ yêu cầu lượng thông tin khá dư thừa nhưng bạn thật sự phải điền đầy đủ. Nhiều trường đại học và cao đẳng dùng mẫu đơn chung, trong đó nêu một loạt các câu hỏi về cá nhân và lịch sử của trường. Hãy viết hoàn chỉnh nhất có thể, nếu bạn không hiểu câu hỏi nào thì không được đoán mà nên gọi điện cho nhà trường.
    • Bạn cũng phải xem xét các vấn đề liên quan đến việc ăn ở, chi phí, uy tín tấm bằng tốt nghiệp, học bổng và bản thân bạn có đáp ứng được điều kiện của trường không, v.v...
  2. Hoàn tất các yêu cầu cụ thể của đơn. Nhiều trường đại học ở nhóm giữa và nhóm đầu yêu cầu viết bài luận, họ muốn bài viết phải hoàn hảo, sâu sắc và sáng tạo. Bạn phải thể hiện được cá tính của mình nhưng tránh lạc vào sự lập dị, như vậy sẽ càng bất lợi. Trên mạng có rất nhiều lời khuyên về cách viết bài luận xin xét tuyển, bạn nên tìm hiểu xem các sinh viên khác viết thế nào.
    • Mặc dù là phần đáng sợ nhất trên lá đơn, nhưng bài luận cũng mang lại nhiều lợi ích nhất. Nó buộc bạn phải thể hiện mình trên một trang giấy nhưng nhờ đó bạn nghĩ ra được đặc điểm đáng trân trọng nhất của mình là gì. Cố gắng chọn chủ đề nào đó thú vị vì người đọc sẽ không dành nhiều thời gian cho một bài viết. Bạn càng gây nhiều tò mò trong phần mở bài thì bài luận đó càng có khả năng được đọc đến hết. Ngữ pháp cũng phải hoàn hảo, do đó bạn nên nhờ một giáo viên tiếng Anh hay người bạn giỏi tiếng Anh kiểm tra lại bài.
  3. Chọn người viết thư giới thiệu. Cho họ nhiều thời gian để viết và giữ liên lạc để biết họ đã gửi thư đi chưa. Bạn phải sớm chọn sẵn trong đầu một giáo viên để nhờ họ viết thư giới thiệu. Cố gắng trò chuyện nhiều hơn với giáo viên đó cũng là một ý tưởng hay, để họ hiểu bạn hơn và chọn điều gì đó tốt về bạn viết trong thư.
    • Hầu hết các trường đại học và cao đẳng đều yêu cầu có thư giới thiệu của giáo viên để hoàn tất quá trình xét tuyển. Đó là lý do vì sao học giỏi ở trường phổ thông là điều có lợi. Nếu bạn biết một giáo viên nào đó có ấn tượng tốt với mình thì nên nhờ họ viết thư. Nhớ nhờ họ thật sớm vì có rất nhiều sinh viên cũng nhờ họ viết thư như bạn, đồng thời bạn phải cung cấp cho họ một danh sách các thành tựu học tập và hoạt động đã tham gia để đưa vào thư.
  4. Kiểm tra lại toàn bộ. Trước khi nộp đơn bạn phải đọc lại mọi thứ để tìm lỗi sai. Nộp đơn càng sớm càng tốt vì điều đó cho thấy khả năng hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng và quản lý thời gian tốt.
    • Nhân viên xét duyệt hồ sơ chỉ dành ít thời gian cho mỗi lá đơn, tùy thuộc vào thành tựu học tập và bài luận của bạn có đáng chú ý lắm không. Điểm bài thi, điểm trung bình GPA và số lượng hoạt động ngoại khóa là những mục thu hút sự chú ý của người đọc, chúng quyết định thời gian lá đơn có thể lưu lại trên tay người xét tuyển.
  5. Cân nhắc nộp hồ sơ theo quy trình Early Action (nộp sớm), Early Decision (quyết định sớm) hay một quy trình tương tự.
    • Quy trình Early Action không có ràng buộc. Nếu cảm thấy mình có kết quả học tập tốt để được chấp nhận sau khi học xong lớp 11, và không thấy cần thiết phải chờ tới học kỳ đầu của năm lớp 12, bạn hãy nộp đơn. Quy trình này chỉ có ý nghĩa nếu bạn đáp ứng được một thời hạn nào đó, và chắc chắn sẽ nhận được quyết định trước một ngày cụ thể, quyết định đó có thể là chấp thuận, tạm chờ hay từ chối. Bạn có cơ hội được gọi nhập học cao hơn vì lúc này không phải cạnh tranh với nhiều thí sinh khác. Tuy nhiên thuật ngữ Early Action không có ý nghĩa thống nhất. Một số trường chỉ cho phép bạn nộp đơn sớm vào một trường duy nhất, vì vậy nhớ kiểm tra lại điều khoản của mỗi trường.
    • Quy trình Early Decision có ràng buộc. Nếu nộp đơn theo quy trình Early Decision bạn cũng có cơ hội trúng tuyển cao hơn một chút. Trường đại học sử dụng hình thức nộp đơn này để đánh giá ai là người thật sự muốn vào trường của họ. Tuy nhiên nếu được lựa chọn theo hình thức này bạn sẽ không thể thay đổi. Bạn phải học trường đó cho dù được nhận học bổng ở trường khác, hoặc nếu có bạn thân vào học trường khác. Do đó bạn phải chắc mình thích học trường này trước khi quyết định nộp đơn theo hình thức Early Decision.
  6. Hoàn thành việc nộp đơn trước tháng một. Hầu hết các trường đại học danh giá đều yêu cầu phải nộp đơn trước tháng một của năm lớp 12. Khoảng tới ngày 1 tháng tư họ sẽ cho bạn biết hồ sơ được chấp thuận hay không, sau đó bạn có thời gian đến ngày 1 tháng năm để quyết định có học trường này không.
    • Đối với các trường đại học nhóm giữa hay trường ít người theo học, bạn có thể nộp đơn bất kì lúc nào và sẽ nhận được câu trả lời trong vòng vài tuần.
    • Cũng có những trường (không nổi tiếng) chưa tuyển đủ sỉ số sinh viên ngay từ lớp năm nhất khi khai giảng vào tháng chín. Vì vậy nếu không được nhận vào tháng tư, bạn có thể tìm những trường đó và viết đơn xin nhập học, họ sẽ nhận bạn vào học ngay đầu học kỳ mùa thu.
  7. Cảm ơn những người đã viết thư giới thiệu cho bạn. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ có thể bạn đã phải nhờ giáo viên viết thư giới thiệu. Không bao giờ quên cảm ơn họ, những người đã sẵn lòng viết thư cho bạn! Không có đóng góp của họ thì có thể bạn đã không được chấp nhận.
  8. Sau khi được chấp nhận vào học, bạn có thể nộp đơn xin hỗ trợ tài chính (tùy chọn). Bạn tới trực tiếp trường đại học đó để làm thủ tục hay nộp đơn cho FAFSA là một cơ quan chính phủ. Nhiều trường đại học hàng đầu miễn phí nộp hồ sơ nếu thu nhập gia đình bạn nằm dưới ngưỡng quy định nào đó. Nhờ nhân viên tư vấn của trường hướng dẫn nếu bạn cho rằng mình nằm trong trường hợp này.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn thấy bị áp lực phải học đại học vì nó giúp bạn ở gần một người nào, hãy suy nghĩ kỹ về những ưu tiên khác trong cuộc sống và liệu đó có phải là quyết định sáng suốt trong 5 hay 10 năm tới. Ngay lúc này có thể bạn thấy mình đúng nhưng đó sẽ không còn là quyết định sáng suốt khi nó che mất các cơ hội khác trong tương lai. Dĩ nhiên bạn có cách để đạt được một quyết định mang tính dung hòa nếu biết suy nghĩ kỹ từ sớm.
  • Biết mong muốn của mình là gì. Không theo học ngành nào đó vì bạn bè hay gia đình khuyên như vậy. Làm những gì mình thích vì sau này CÔNG VIỆC sẽ trở thành niềm vui trong cuộc sống.
  • Ngôi trường đó có thể là giấc mơ của bạn, hoặc là nơi mà bạn bè/bố mẹ/ông bà khuyên vào, nhưng khi nhìn kỹ hơn nó lại không phù hợp với bạn. Hãy thành thật với chính mình và bỏ ngoài tai áp lực do người khác gây ra hay quên đi sức ảnh hưởng của giấc mơ bấy lâu. Bạn phải chọn trường dựa trên mong muốn, khả năng và nhu cầu của mình, không phải vì sự ca tụng hay áp lực của người khác, và không để giấc mơ đặt mình nhầm chỗ.
  • Suy nghĩ nghiêm túc về số nợ bạn muốn gánh chịu. Đa số các khoản cho vay đều tính lãi suất 6,8% kể từ tháng bảy năm 2012. Khoản vay DirectPLUS yêu cầu phải đóng phí 4% ngay từ đầu. Nghĩ kỹ về con đường nghề nghiệp đã chọn và xác định xem liệu với mức lương trung bình của nghề đó có thể giúp bạn trả hết nợ sớm không. Vay với lãi suất 6,8% thì chỉ sau hơn 10 năm bạn sẽ phải trả số tiền gấp đôi số đã vay. Nếu không thể tìm ra kế hoạch thanh toán hợp lý để trả hết nợ trong thời gian ngắn nhất, bạn nên chọn trường khác để giảm bớt số nợ. Xét cho cùng bản thân bạn là quan trọng nhất, ngôi trường dù có danh tiếng thế nào cũng không thể gánh nợ cho bạn.
  • Tìm hiểu cách thức xin trợ cấp tài chính nếu bạn cần tiền đóng học phí. Một số trường đại học sẽ đáp ứng 100% nhu cầu bạn trình bày, nhưng đa số đều yêu cầu phải nộp đơn cho cơ quan trợ giúp sinh viên của liên bang là FAFSA để có cơ sở đánh giá nhu cầu tài chính.
  • Đối với học sinh cấp ba có điểm số tốt (GPA là 3,5+) và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa: Dù nộp đơn vào những trường hàng đầu như Ivies sẽ khiến bạn thấy hãnh diện hơn, nhưng nhớ rằng bạn có nhiều cơ hội được nhận trợ cấp hơn ở những trường thuộc nhóm giữa. Ngày nay không dễ để sinh viên kiếm được học bổng "toàn phần", số lượng loại học bổng này rất ít.*Có nhiều học bổng hỗ trợ sinh viên giỏi từ 40-60% chi phí học tập. Bạn cần thảo luận với bố mẹ để biết họ có thể giúp bạn bao nhiêu. Có đáng để bạn vào ngôi trường đại học đặc biệt đó nếu nó khiến bạn phải mang gánh nợ 50.000 đô-la, trong khi bạn cũng có thể chọn một trường khác với cùng ngành học mà hoàn toàn không phải vay tiền.
  • Không để ai ngăn cản bạn nộp đơn vào ngôi trường mình mong muốn. Nếu việc vào trường đại học này là quan trọng thì bạn phải cố gắng đạt được. Mục tiêu là một giấc mơ có thời hạn, hãy nhanh chóng đạt lấy mục tiêu đó.
  • Bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin xét tuyển sớm! Nhiều trường có ít người theo học hoặc trường đại học công lập có chế độ 'tiếp nhận hồ sơ quanh năm', nghĩa là nếu bạn nộp đơn sớm thì ít phải cạnh tranh hơn. Nộp đơn càng sớm bạn càng dễ trúng tuyển và sớm nhận được hồi đáp hơn. Nếu bạn nộp đơn muộn, số ghế trống còn ít và bạn phải cạnh tranh nhiều hơn. Thậm chí đối với những trường không tiếp nhận hồ sơ quanh năm, việc chuẩn bị sớm cho bạn nhiều thời gian để tinh chỉnh bài luận và xin thư giới thiệu.

Cảnh báo[sửa]

  • Không để thói thiếu quyết đoán làm chủ bạn. Nếu bạn không dám chấp nhận rủi ro thì sẽ không bao giờ thành công trong cuộc sống.
  • Không chuẩn bị đơn hay các giấy tờ khác trễ vì họ sẽ không chấp nhận lý do biện bạch, khi đó bạn chỉ còn cách chờ tới năm sau.
  • Suy nghĩ về tương lai và tình hình tài chính của mình sau khi tốt nghiệp. Số nợ càng nhỏ thì cuộc sống càng thoải mái, cuối cùng bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Đường truyền internet
  • Đơn xin xét tuyển
  • Nhân viên tư vấn của trường

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  • http://www.commonapp.org/ Save yourself time and make good use of the common application. You'll be glad you didn't spend so much time on individual applications.

Liên kết đến đây