Ngăn ngừa Chlamydia

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chlamydia là bệnh nhiễm khuẫn lây truyền qua đường tình dục. Nhiều người không thấy xuất hiện triệu chứng, vì thế rất khó nhận biết đối tác có nhiễm bệnh hay không. Để giảm nguy cơ lây truyền bạn nên áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.[1]

Các bước[sửa]

Ngăn ngừa lây bệnh trong khi quan hệ[sửa]

  1. Kiêng hoặc hạn chế hoạt động tình dục. Cách an toàn nhất để tránh khỏi chlamydia đó là kiêng quan hệ. Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục không an toàn, quan hệ cửa sau hoặc bằng miệng. [2][3]
    • Càng quan hệ với nhiều người, bạn càng có nguy cơ gặp phải đối tác mắc chlamydia.[2]
    • Nếu một người nhiễm chlamydia, vi khuẩn sẽ nằm trong tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo ngay cả khi họ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
    • Điều này có nghĩa là bạn có thể bị lây nhiễm vi khuẩn nếu bàn tay dính chất dịch và sau đó tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc đưa vào bên trong cơ thể.
  2. Sử dụng bao cao su. Bao cao su không hoàn toàn bảo vệ bạn tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh, nhưng chúng có thể hạn chế hiệu quả. Tuy nhiên, chất liệu bao cao su phải là latex hoặc polyurethane.[2]
    • Mang bao cao su đúng cách. Bóp nhẹ đầu bao cao su và giữ nguyên vị trí trong lúc kéo thân bao bọc kín toàn bộ dương vật. Đầu bao nên có khoảng trống để chứa tinh dịch sau khi xuất tinh.
    • Sau khi quan hệ, tháo bao cao su cẩn thận để tránh tinh dịch chảy ra ngoài.
    • Nếu quan hệ bằng miệng với phụ nữ, bạn nên dùng miếng bảo vệ miệng. Vật dụng này có chất liệu latex với tác dụng giảm thiểu nguy cơ truyền bệnh. Bạn có thể thay bằng bao cao su nam hở miệng để thực hiện hoạt động này.[4]
    • Để tránh nhiễm khuẩn, bạn phải mang bao cao su trong lúc quan hệ cửa sau.
    • Mang bao cao su hoặc miếng bảo vệ ngay trước khi tiến hành quan hệ.
    • Nếu bao cao su rách trong lúc giao hợp, bạn sẽ gặp nguy cơ lây nhiễm cao.
  3. Sử dụng đồ chơi tình dục an toàn. Nếu dùng chung đồ chơi, bạn có thể lây truyền chlamydia và các bệnh khác. Để ngăn chặn điều này, đồ chơi phải:[3]
    • Được khử trùng trước khi sử dụng.
    • Hoặc được bọc kín bằng bao cao su latex hoặc polyurethane thay mới mỗi lần sử dụng.
  4. Không thụt rửa. Việc thụt rửa ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trong âm đạo và có thể khiến cho phụ nữ dễ bị viêm nhiễm hơn.[2]
    • Thụt rửa không có tác dụng ngừa thai hoặc ngăn chặn bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  5. Đi khám phụ khoa thường xuyên để phát hiện sớm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn không dùng biện pháp bảo vệ, có nhiều bạn tình, và dưới 25 tuổi, hoặc đang mang thai.[5]
    • Nhóm người trẻ thường có nguy cơ mắc chlamydia cao nhất. Theo ước tính cứ 20 phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục thì 1 người bị lây nhiễm chlamydia. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao, bác sĩ có thể khuyến cáo tiến hành sàng lọc hằng năm.
    • Phụ nữ mang thai có thể truyền chlamydia sang đứa trẻ trong khi sinh, vì thế nhóm phụ nữ này cần đi khám bác sĩ, đặc biệt là trong trường hợp người này hoặc chồng/bạn trai bị nhiễm khuẩn.
    • Chlamydia có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm vi sinh. Đối với phụ nữ, tiến hành xét nghiệm vi sinh trong cổ tử cung, còn ở nam giới thì trong niệu đạo hoặc hậu môn.
  6. Nhận biết khi nào không lây nhiễm chlamydia. Bạn sẽ không mắc chlamydia khi:[3]
    • Hôn người khác
    • Dùng chung khăn tắm
    • Ngồi trên bồn cầu

Nhận biết dấu hiệu nhiễm Chlamydia và tiến hành điều trị[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng của chlamydia. Không phải người nào cũng biểu hiện triệu chứng, nhưng nếu có, thì triệu chứng sẽ xuất hiện khoảng một tháng sau khi lây nhiễm. [6][7][8] Các triệu chứng bao gồm:
    • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
    • Đau bụng
    • Dịch tiết ra từ âm đạo, dương vật, hoặc trực tràng
    • Phụ nữ có thể bị đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ hoặc giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nam giới có thể bị đau tinh hoàn.
    • Chảy máy nhiều trong thời gian có kinh nguyệt
    • Triệu chứng có thể biến mất một thời gian. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tình trạng lây nhiễm đã hồi phục.
  2. Ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Nếu nghi ngờ nhiễm chlamydia, bạn cần đi khám bác sĩ. Nếu không, tình trạng này có thể gây nên vấn đề sinh sản ở cả nam và nữ và làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.[9]
    • Cả hai giới có thể bị viêm khớp phản ứng lây truyền qua đường tình dục do chlamydia gây nên. Đây là dạng viêm khớp, mắt và/hoặc trực tràng. Đa số triệu chứng biến mất sau vài tháng, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không còn mắc chlamydia .
    • Nam giới có thể nhiễm chlamydia trong tinh hoàn và ống dẫn tinh. Khi đó khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng.
    • Phụ nữ có thể bị lây nhiễm chlamydia trong tử cung, buồng trứng, và vòi trứng, gây nên đau đớn và vấn đề sinh sản. Đây có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm vùng chậu và làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung có thể gây tử vong sau này.
    • Chlamydia cũng gây nguy hiểm cho thai nhi. Chúng làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu và sinh non. Nếu vi khuẩn lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh nở, đứa trẻ có thể bị viêm phổi hoặc mắt.
  3. Đi khám bác sĩ để tiến hành điều trị nếu nghi ngờ mắc chlamydia. Bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng sinh. Trên 95% bệnh nhân điều trị đều hồi phục bình thường.[10]
    • Bác sĩ có thể kê toa azithromycin, doxycycline, hoặc erythromycin. Bạn cần uống đủ liều kháng sinh để chữa trị có hiệu quả.
    • Không quan hệ, kể cả dùng bao cao su, cho đến khi bạn và đối tác đều kết thúc quá trình điều trị. Nếu dùng thuốc kháng sinh một ngày, bạn vẫn cần chờ một tuần nhằm đảm bảo không còn bị nhiễm vi khuẩn.
    • Tái khám sau khi kết thúc đợt điều trị trong trường hợp triệu chứng không biến mất, không dùng thuốc theo hướng dẫn, quan hệ trước khi kết thúc điều trị, hoặc mang thai.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]