Ngừng cảm thấy trống rỗng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy như chẳng có lý do gì để dậy và đối mặt với một ngày mới? Trống rỗng là cảm giác mà tất cả mọi người đều từng trải qua, và thật không dễ dàng gì để né tránh điều đó. Cảm thấy trống rỗng có thể là dấu hiệu của một bệnh trạng ẩn, ví dụ như trầm cảm và bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm lý nếu bạn luôn cảm thấy trống rỗng. Tuy nhiên, có một vài điều bạn có thể làm để chống lại cảm giác trống rỗng đôi lúc vẫn xảy ra, như viết nhật ký, thử những điều mới lạ và kết thêm nhiều bạn bè. Hãy đọc tiếp bài báo dưới đây để tìm hiểu thêm cách để ngừng cảm thấy trống rỗng.

Các bước[sửa]

Lấp đầy Cuộc sống của Bạn bằng Tình yêu[sửa]

  1. Dành thời gian với những người yêu thương bạn. Có thể là gia đình hay bạn bè thân thiết của bạn. Dành thời gian với những người thật sự hiểu và yêu thương bạn vì chính con người bạn là một biện pháp hữu hiệu để chống lại cảm giác trống rỗng. Tập trung vào việc xây dựng và củng cố mối quan hệ của bạn với những người này. Bạn có thể tìm được ý nghĩa từ một hành động đơn giản đó là dành thời gian với những người yêu thương bạn, những người luôn cảm thấy vui vẻ khi ở bên bạn. Dành thời gian với bạn bè và gia đình cũng có thể giúp giảm căng thẳng và cho bạn cảm giác thuộc về một nơi nào đó.[1]
    • Giảm thời gian ở bên những người có hại cho bạn, kể cả khi họ không cố tình làm vậy. Nếu bạn bắt buộc phải ở bên người khiến lòng tự trọng của bạn bị tổn thương hoặc khiến bạn cảm thấy bất lực, hãy đảm bảo rằng cuộc gặp của bạn luôn có giới hạn.
  2. Kết thêm bạn hoặc bắt đầu một mối quan hệ tình cảm. Cảm giác vui thích khi được gặp gỡ một ai đó phù hợp với bạn và để mối quan hệ đó phát triển một cách tự nhiên chính là một phương thuốc vô cùng hữu hiệu đối với cảm giác trống rỗng. Một người bạn hoặc một tình yêu mới có thể giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ và cho bạn thấy rằng bạn là một người thú vị, một người đáng để yêu thương. Bỗng nhiên bạn nhận ra rằng cả thế giới dường như có nhiều cơ hội hơn bạn vẫn tưởng. Kết bạn cũng có thể giúp bạn cảm nhận rõ hơn về mục tiêu của bạn thân cũng như cảm giác thuộc về một nơi nào đó.[2]
    • Đôi lúc việc gặp gỡ và kết bạn với những người khác khá khó khăn, đặc biệt là khi bạn đã ra trường. Tham gia câu lạc bộ, khóa học mới hoặc dành thời gian ở một nơi bạn yêu thích là những cách tuyệt vời để gặp gỡ mọi người.
    • Luyện tập để trở nên hào phóng hơn về thời gian của bạn và nói đồng ý khi bạn được mời làm một việc gì đó. Nếu bạn luôn cảm thấy mình không có đủ thời gian cho những mối quan hệ mới, chúng sẽ không bao giờ phát triển.
  3. Nhận nuôi thú cưng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vật nuôi có thể giúp cuộc sống của bạn trở nên trọn vẹn và có ý nghĩa hơn.[3] Những người nuôi thú cưng cũng thường ít phải đối mặt với bệnh trầm cảm và còn có thể nhận được những lợi ích nhất định về sức khỏe từ việc này.[4] Có một vật nuôi sống phụ thuộc và sự quan tâm chăm sóc của bạn cũng giúp cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa hơn. Cân nhắc tới việc nhận nuôi một chú chó hoặc mèo không có chủ để giảm bớt cảm giác trống rỗng.
  4. Đối xử tử tế với những người khác. Những hành động tử tế ngẫu nhiên có thể giúp bạn cảm thấy thỏa mãn hơn bằng việc lôi kéo sự chú ý của bạn vào những người khác. Tìm kiếm các cách khác nhau bạn có thể làm để thể hiện lòng tốt của mình đối với người khác. Những hành động tử tế của bạn sẽ khiến người khác cảm thấy vui vẻ và điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thỏa mãn hơn.
    • Ví dụ, bạn có thể khen ngợi một người không quen như, "Tôi thích chiếc váy của bạn! Nó thật đẹp". Tìm những cách khác nhau để thể hiện sự tử tế của bản thân trong bất cứ trường hợp nào. Thậm chí đơn giản như một nụ cười và một cái gật đầu có thể sẽ giúp một ngày của ai đó tươi sáng hơn và giúp bạn cảm thấy thỏa mãn hơn.[5]

Hiểu được Tại sao Bạn Cảm thấy Trống rỗng[sửa]

  1. Nói chuyện với một người bạn mà bạn tin tưởng về việc bạn cảm thấy trống rỗng như thế nào. Giữ khư khư những cảm xúc của bạn trong lòng sẽ có thể có hại. Đôi lúc việc nói chuyện với một ai đó về cảm xúc của bản thân cũng có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Hãy nói chuyện với người quan tâm và hiểu rõ bạn, hay ít nhất là người bạn tin tưởng; điều đó có thể tạo ra thay đổi lớn.
  2. Viết nhật ký để theo dõi suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Nhật ký có thể giúp bạn hiểu rõ cảm giác trống rỗng của bản thân hơn và nó cũng là một cách tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng.[6] Để bắt đầu viết nhật ký, chọn một nơi thoải mái và lên kế hoạch dành khoảng 20 phút mỗi ngày để viết. Bạn có thể bắt đầu bằng việc viết về cảm xúc hoặc suy nghĩ của bản thân, hoặc bạn có thể sử dụng gợi ý. Dưới đây là một vài ví dụ:[7]
    • Lần đầu tiên bạn cảm thấy trống rỗng là khi nào? Nó kéo dài trong bao lâu? Bạn đã cảm thấy như vậy bao lâu rồi?
    • Bạn trải qua những cảm xúc gì khi cảm thấy trống rỗng?
    • Bạn có thường dễ cảm thấy trống rỗng trong một khoảng thời gian nhất định hay tại một địa điểm nhất định nào đó không? Bạn chú ý đến những gì ở môi trường xung quanh khi bạn cảm thấy trống rỗng nhất?
    • Bạn có những suy nghĩ gì khi cảm thấy trống rỗng?
  3. Tìm kiếm dấu hiệu của chứng trầm cảm. Biểu hiện trầm cảm ở mỗi người đều khác nhau, nhưng những dấu hiệu thường gặp bao gồm buồn chán, cảm thấy trống rỗng hoặc vô nghĩa.[8] Trầm cảm có thể diễn ra theo từng đợt, bạn sẽ cảm thấy bình thường trong một khoảng thời gian sau đó lại vô cùng buồn chán trong khoảng vài tuần hay thậm vài tháng, hoặc cũng có thể đó là một cảm xúc cố định. Trầm cảm là một chứng bệnh khá phổ biến, 6.7% người trưởng thành tại Mỹ mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng. Tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm là 70%, nhiều hơn so với nam giới.[9] Nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị trầm cảm, hãy biết rằng không chỉ có một mình bạn cảm thấy như vậy. Tìm đến sự giúp đỡ của bác sỹ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm lý nếu bạn có một vài trong số các triệu chứng trầm cảm sau:[10]
    • Liên tục cảm thấy buồn chán, lo lắng hoặc "trống rỗng".
    • Cảm thấy tuyệt vọng hoặc bi quan.
    • Cảm thấy tội lỗi, vô dụng hoặc kém cỏi.
    • Cảm thấy tức giận hoặc bồn chồn một cách bất thường.
    • Thay đổi tính cách hoặc hành vi cư xử.
    • Mất hứng thú với những thứ bạn từng thích.
    • Mệt mỏi
    • Thay đổi thói quen ngủ
    • Thay đổi cân nặng
    • Có suy nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc người khác.
    • Các cơn đau nhức không có dấu hiệu thuyên giảm khi được chữa trị.
  4. Cân nhắc xem liệu bạn có đang trải qua mất mát nào hay không. Nỗi đau khi mất đi một thứ gì đó cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới cảm giác trống rỗng. Mặc dù nỗi đau khi mất người mà bạn yêu thương là thường xuyên gặp phải nhất, nhưng đó cũng có thể là do bất cứ mất mát nào khác bao gồm việc mất thú cưng, mất việc, con cái chuyển ra ở riêng hoặc một thay đổi quan trọng nào đó trong cuộc sống.[11][12] Cảm giác mất mát và đau lòng có thể sản sinh ra rất nhiều các cảm xúc khác nhau, bao gồm buồn bã, trống rỗng và chúng có thể gây ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác trong cuộc sống như sự thèm ăn, sức tập trung và các thói quen.[13] Nếu bạn đang phải trải qua một mất mát hay thay đổi có thể gây ra cảm giác đau buồn và trống rỗng, hãy cân nhắc tới việc chia sẻ điều đó với một ai đó bạn tin tưởng, như bạn bè hay người yêu.[14] Sắp xếp một cuộc hẹn với cố vấn, người được huấn luyện để giải quyết nỗi đau mất mát của mọi người cũng có thể sẽ có ích cho bạn.[12]
    • Có nhiều người tin rằng đau buồn có "năm giai đoạn", tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm. "Năm giai đoạn" của Elisabeth Kübler-Ross - phủ nhận, tức giận, thương lượng, buồn bã và chấp nhận - được đề cập tới trong nghiên cứu của bà vào năm 1969 về cái chết và trước khi chết. Tuy nhiên, Kübler-Ross sử dụng những giai đoạn này để mô tả cảm xúc của một người trước cái chết của chính anh ấy/cô ấy; chúng không phải quá trình chung cho tất cả các loại nỗi buồn.[15] Có thể bạn sẽ trải qua tất cả, một vài hoặc không giai đoạn nào trong số đó cả, và điều đó hoàn toàn bình thường - nỗi buồn là của riêng bạn, mỗi người đều có một cách đau buồn khác nhau.[16]
  5. Xác định xem liệu thói quen của bạn có liên quan đến việc này hay không. Sử dụng chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác trống rỗng. Những chất kích thích như rượu bia, ma túy và lạm dụng thuốc thuốc theo đơn có thể gây ra chứng lệ thuộc thể chất. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm trạng, suy nghĩ và cách cư xử của bạn. [17]Thông thường, mọi người sử dụng những chất này là bởi họ cảm thấy cuộc sống của họ có một "lỗ hổng" và những chất này có thể lấp đầy nó.[18] Nếu bạn nghĩ rằng bạn gặp rắc rối với việc sử dụng chất gây nghiện, hãy biết rằng bạn không phải người duy nhất: năm 2012, khoảng 7.2% dân số nước Mỹ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn do sử dụng rượu (AUD).[19] Có rất nhiều người mắc chứng Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, bao gồm cần sa, chất kích thích như cô-ca-in hay ma túy đá, chất gây ảo giác như LSD, và các chất opioid như heroin.[20] Nếu bạn lo lắng rằng có thể mình đang gặp vấn đề, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau: Trong năm vừa qua, bạn có:
    • từng ở trong tình huống khiến bạn sử dụng nhiều chất kích thích hơn dự kiến?
    • cố gắng cắt giảm việc sử dụng chất gây nghiện nhưng không thành công?
    • dành nhiều thời gian để sử dụng chất gây nghiện?
    • từng thèm khát sử dụng chất gây nghiện?
    • phải sử dụng lượng chất gây nghiện nhiều hơn để đạt hiệu quả giống như lần đầu tiên bạn sử dụng chúng?
    • trải qua triệu chứng vật vã vì thiếu thuốc như khó ngủ, run rẩy, dễ cáu bẳn, trầm cảm, lo lắng, bồn chồn hay đổ mồ hôi?
    • gây rối loạn trong cuộc sống hoặc trách nhiệm thường ngày do thuốc?
    • vẫn tiếp tục sử dụng chất gây nghiện cho dù điều đó gây rắc rối cho gia đình hay bạn bè bạn?
    • ngừng tham gia vào những việc bạn từng thích để sử dụng chất gây nghiện?
    • sử dụng chất gây nghiện trong những tình huống nguy hiểm như lái xe, hay điều khiển máy móc?
    • Thói nghiện có chứa thành phần di truyền cao. Ví dụ như, họ hàng của người có vấn đề do lạm dụng rượu thường có nhiều khả năng mắc nghiện, không phụ thuộc vào việc họ có quen biết nhau hay không.[21]
    • Nếu bạn đang phải đối mặt với chứng lệ thuộc vào thuốc và/hoặc rượu, hãy nói chuyện với bác sỹ về vấn đề này. Có thể bạn cần phải cai nghiện để ngừng cảm thấy trống rỗng.[17]
  6. Xem xét cách cư xử của bản thân để xem liệu bạn có mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) hay không. Những người mắc chứng BPD thường cảm thấy trống rỗng. Họ thường xuyên có những cảm xúc và cách cư xử không ổn định, điều này có thể khiến họ cảm thấy buồn phiền hoặc khiếm khuyết tương tác xã hội. Những người mắc chứng BPD có vấn đề trong việc kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc. Họ thường có xu hướng hành động thiếu suy nghĩ và khó kiểm soát xung động của bản thân. Mối quan hệ của họ với những người xung quanh cũng thường không bền vững.[22] Khoảng 1.6% người trưởng thành tại Mỹ được chuẩn đoán là mắc chứng BPD mỗi năm.[23] BPD có thể được điều trị hiệu quả với sự hướng dẫn của bác sỹ.[24] Nếu bạn có một hoặc một vài trong số các triệu chứng sau, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia sức khỏe tâm lý:
    • Bạn cố gắng hết sức để không bị bỏ rơi, điều thật sự đã xảy ra hoặc chỉ trong tưởng tượng. Bạn thường tin rằng bạn sẽ bị bỏ rơi hoặc tách khỏi những người bạn yêu thương. Bạn phản ứng một cách tiêu cực, như trở nên vô cùng giận dữ hoặc sợ hãi, cho dù việc xa cách đó chỉ là tạm thời (như chồng/vợ bạn đi công tác). Bạn vô cùng sợ hãi với việc chỉ có một mình.
    • Bạn hết hình tượng hóa những người bạn yêu rồi lại cho rằng họ thật độc ác. Những người mắc chứng BPD thường bắt đầu một mối quan hệ bằng việc sùng bái người kia, xem họ là hoàn hảo hay mẫu người lý tưởng. Sau đó, bạn lại bắt đầu nghĩ rằng người kia không đủ quan tâm tới bạn hay không bỏ nhiều công sức cho mối quan hệ đó. Các mối quan hệ của bạn thường sẽ không bền vững.
    • Bạn có nhận thức không ổn định về sự tồn tại của chính mình. Những người mắc chứng BPD thường gặp khó khăn trong việc duy trì nhận thức, sự tồn tại và hình ảnh của bản thân.
    • Bạn vô cùng thiếu thận trọng hoặc bốc đồng. Điều này đặc biệt đúng đối với trường hợp tự làm tổn thương bản thân. Bạn có thể làm những việc liều lĩnh như lái xe sau khi uống rượu, đánh bài, lạm dụng chất kích thích hoặc có hành vi quan hệ tình dục nguy hiểm.
    • Bạn thường xuyên suy nghĩ tới việc làm tổn thương bản thân và đe dọa tự tử. Bạn có thể gây thương tích cho chính mình bằng việc tự cắt, làm trầy xước hay đốt da. Hoặc bạn có thể đe dọa sẽ làm hại bản thân để thu hút sự chú ý của người khác.
    • Tâm trạng của bạn thường thay đổi thất thường. Những tâm trạng này thay đổi thường xuyên và vô cùng nghiêm trọng, như vừa cảm thấy vui vẻ nhưng ngay sau đó lại cảm thấy tuyệt vọng.
    • Bạn thường xuyên cảm thấy trống rỗng. Có thể bạn thường xuyên cảm thấy trống rỗng hoặc buồn chán hoặc như thể bạn cần một việc gì đó để làm.
    • Bạn gặp vấn đề trong việc kiểm soát cơn giận dữ của mình. Có rất nhiều việc khiến bạn cảm thấy giận dữ và bạn phản ứng vô cùng dữ dội như tỏ ra cay nghiệt, châm chọc hay dùng những lời lẽ không hay. Bạn sẽ đặc biệt cảm thấy tức giận nếu bạn nghĩ rằng ai đó không quan tâm tới bạn.
    • Đôi lúc, bạn có những suy nghĩ hoang tưởng về người khác, hoặc cảm thấy như thể môi trường xung quanh bạn không "thật".
  7. Tịnh tâm để hiểu được cảm giác trống rỗng của bản thân. Thiền có thể giúp bạn tiếp cận với cảm giác trống rỗng của mình và bắt đầu hiểu rõ chúng hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền 30 phút mỗi ngày có thể giúp thay đổi hành vi cư xử và hoạt động của não bộ.[25] Để bắt đầu thiền, hãy ngồi ở một nơi yên tĩnh, nhắm mắt lại và tập trung hít thở. Sử dụng những câu hỏi sau để tăng sự hiểu biết về cảm giác trống rỗng của bản thân thông qua việc ngồi thiền.
    • Chú ý tới cảm xúc của bạn trong từng thời điểm. Bạn có cảm thấy trống rỗng hay thiếu hụt, như thiếu giá trị, thiếu sáng suốt, hiểu biết hay thiếu cảm giác bình yên hoặc tình yêu? Hãy chấp nhận những cảm giác trống rỗng đó.
    • Chú ý tới việc bạn trải nghiệm cảm giác trống rỗng đó như thế nào. Bạn cảm thấy trống rỗng ở chỗ nào trên cơ thể? Nó chiếm bao nhiêu không gian?
    • Xem xét cảm giác trống rỗng của bản thân. Nó có gợi lại cho bạn những ký ức trong quá khứ? Cảm xúc nào hiện diện khi bạn để ý tới cảm giác trống rỗng của bản thân?
  8. Tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm lý. Nói chuyện với bác sỹ trị liệu về cảm giác của bản thân có thể giúp bạn hiểu rõ và vượt qua cảm giác trống rỗng. Cảm giác trống rỗng có thể cho thấy rằng bạn đang chán nản hoặc bạn đang mắc phải một chứng bệnh tâm lý ẩn khác. Đặc biệt nếu bạn có biểu hiện của trầm cảm, rối loạn sử dụng chất gây nghiện hay BPD, bạn nên tìm tới sự giúp đỡ của bác sỹ sức khỏe tâm lý.
    • Thông thường, có hai phương pháp chữa trị trầm cảm đó là sử dụng liệu pháp tâm lý, và thuốc theo đơn như SSRIs (Prozac, Zoloft, Lexapro) hoặc SNRIs (Effexor, Cymbalta) nếu cần. Cả hai liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (IPT) đều hiệu quả trong việc chữa trị chứng trầm cảm. Liệu pháp CBT dạy bạn cách để xác định và giảm thiểu các suy nghĩ tiêu cực và học cách suy nghĩ một cách có hiệu quả và hữu ích. Liệu pháp IPT tập trung vào việc giúp bạn vượt qua những mối quan hệ có thể khiến bạn gặp rắc rối.[26]
    • Mặc dù phương pháp điều trị cảm xúc buồn phiền phức tạp là phương pháp hiệu quả nhất cho những người phải vật lộn với phiền muộn trong một thời gian dài, nhưng một vài loại liệu pháp tâm lý cũng sẽ rất hữu ích trong việc giúp bạn vượt qua nỗi buồn.[27]
    • Phương pháp chữa trị chứng rối loạn do sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện thường tập trung vào việc tư vấn cá nhân hoặc theo nhóm, nhưng cũng có thể bao gồm việc sử dụng thuốc nếu cần. Phương pháp CBT thường được sử dụng để chữa trị chứng rối loạn do sử dụng rượu.[28]
    • Phương pháp chữa trị cho chứng BPD là liệu pháp tâm lý sử dụng Liệu pháp Hành vi Biện chứng (DBT). DBT tập trung vào việc học cách để xác định và kiểm soát cảm xúc của bản thân, giải tỏa căng thẳng, ứng dụng chánh niệm và tương tác với người khác theo một cách lành mạnh và có lợi.[29] Bạn sẽ học những cách khác nhau để đối mặt với cảm xúc của bản thân, cũng như những kỹ năng xã hội để tương tác với người khác.

Tìm thấy Ý nghĩa trong Cuộc sống Thường ngày[sửa]

  1. Luyện tập chánh niệm. Chánh niệm liên quan tới nhận thức về suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của bản thân ở thời điểm hiện tại mà không đưa ra đánh giá.[30] Nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích to lớn của chánh niệm, bao gồm việc giảm căng thẳng và lo lắng.[31][32] Thậm chí, chánh niệm còn có thể thay đổi phản ứng của não bộ đối với các tác nhân gây căng thẳng và giúp bạn cảm thấy kết nối với mọi người hơn.[33] Học cách nhận thức rõ ràng hơn đối với suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, và học cách chấp nhận chúng mà không đánh giá, có thể giúp bạn cảm thấy thư thái, cảm thông và hài lòng hơn. Bạn có thể luyện tập chánh niệm tại nhà, thông qua thiền hoặc tham gia khóa đào tạo. Dưới đây là bài tập có thể giúp bạn bắt đầu:[34]
    • Nhìn, gọi tên và chạm vào 5 đồ vật khác nhau, để ý tới màu sắc, kết cấu, nhiệt độ và khối lượng của từng đồ vật.
    • Nhìn, nếm thử và ngửi đồ ăn trong bữa tối hoặc hương hoa trong khi đi bộ, để ý tới màu sắc, kết cấu, hương vị và mùi thơm của chúng.
    • Nhắm mắt và nghe những âm thanh khác nhau. Để ý tới nhịp, cường độ và âm lượng của chúng.
    • Thiền chánh niệm cũng đã được chứng minh là vô cùng hữu ích. Trung tâm Nghiên cứu về sự Tỉnh giác tại trường đại học UCLA có cung cấp một vài phương pháp thiền trực tuyến dưới định dạng MP3.[35]
  2. Làm một điều gì đó mới. Nếu ngày nào bạn cũng cảm thấy trống rỗng, có thể bạn đang gặp bế tắc. Những công việc và thói quen hàng ngày nào khiến bạn cảm thấy mệt mỏi? Tìm cách để tiếp thêm những nguồn năng lượng mới cho cuộc sống của mình. Thay đổi thói quen hàng ngày hay thậm chí dành 30 phút mỗi ngày để thử một điều gì đó mới mà có thể giúp lấp đầy cảm giác trống rỗng bên trong bạn. [36]
    • Ví dụ như, nếu việc thức dậy và đi học hay đi làm mỗi ngày là điều khiến bạn mệt mỏi, hãy tìm cách để khiến mọi việc trở nên thú vị hơn. Bắt đầu một hoạt động ngoài giờ mới để giúp bản thân thêm hào hứng khi tới trường hoặc tham gia tình nguyện ở một dự án mới tại nơi làm việc.
    • Thử làm một việc gì đó nằm ngoài vòng an toàn của bạn. Đạt được thành tựu trong một lĩnh vực mới sẽ cho bạn một điều gì đó thú vị để nghĩ về và giúp bạn xây dựng sự tự tin.
    • Thậm chí những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên khác biệt lớn. Thử một món mới trong sách nấu ăn, đạp xe đi làm thay vì lái xe hoặc bắt đầu tập yoga vào buổi sáng trước khi đi học.
    • Thay đổi môi trường cá nhân cũng có thể có ích. Thay thế rèm cửa trong phòng ngủ của bạn bằng cái có màu sắc sáng sủa hơn, sơn lại tường, dọn dẹp đống bừa bộn và treo một vài bức ảnh thú vị,
  3. Theo đuổi mục tiêu và sở thích quan trọng với bạn. Để cảm thấy thỏa mãn, bạn nên làm việc hướng tới mục tiêu và sở thích quan trọng với bạn. Đừng để người khác kiểm soát mục tiêu hay sở thích mà bạn chọn để theo đuổi. Nếu những mục tiêu và mối quan tâm mà bạn đang theo đuổi không phải điều mà bạn muốn, có lẽ bạn cần phải tái điều chỉnh lại mọi việc để đảm bảo rằng bạn đang đi trên con đường mà bạn mong muốn.[37]
    • Nếu bạn đang đi học, hãy cân nhắc xem chuyên ngành mà bạn đang học là thứ mà bạn muốn học hay thứ mà cha mẹ muốn bạn học.
    • Những sức ép bên ngoài khác cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyết định mà chúng ta đưa ra. Quyết định xem liệu bạn có đang làm những việc mà bạn thật sự mong muốn, hay liệu bạn đang làm việc có thể gây ấn tượng với người khác.
    • Nếu bạn chắc chắn rằng bạn bị ép buộc hay có người ngăn cản bạn tự định hướng cuộc sống của chính mình, hãy áp dụng các biện pháp để thay đổi tình trạng hiện tại của bản thân. Khi bạn có thể kiểm soát mọi thứ, có thể bạn sẽ nhận thấy rằng những cảm xúc trống rỗng đang dần phai nhạt.
  4. Tìm ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày. Khi cuộc sống dần trở nên mệt mỏi và buồn tẻ, việc dành thời gian để tìm thấy những điều tốt đẹp, ý nghĩa trong những việc nhỏ nhặt mỗi ngày là vô cùng hữu ích. Điều gì khiến bạn cảm thấy tràn trề sức sống và hạnh phúc? Khi bạn tìm được điều gì đó giúp bạn có thêm năng lượng, hãy biến nó trở thành một phần cố định trong cuộc sống của bạn. Dưới đây là một vài ý tưởng cho việc giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn:
    • Luyện tập lòng biết ơn. Dành vài phút mỗi ngày để nghĩ về điều mà bạn cảm thấy biết ơn và tại sao có thể giúp cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa hơn.[38] Bạn có thể nói hoặc viết ra để cảm thấy biết ơn hơn. Ví dụ như, bạn có thể nói hoặc viết rằng, "Mình vô cùng biết ơn vì hôm nay trời nắng thật đẹp!" hoặc "Cảm ơn cuộc sống vì đã cho mình một gia đình luôn quan tâm tới mình; họ giúp mình cảm thấy thật đặc biệt".
    • Đừng kiềm chế ăn món ăn yêu thích của bản thân. Nếu bạn thích sô-cô-la, hãy ăn một chút! Bạn không cần phải làm quá mọi việc nhưng hãy cho phép bản thân hưởng thụ một chút niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
    • Ra ngoài và hít thở bầu không khí trong lành. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dành thời gian bên ngoài giúp mọi người cảm thấy có thêm sức sống và tràn đầy năng lượng.[39]Mỗi ngày, hãy dành một chút thời gian ở ngoài trời, dù mưa hay nắng. Tập trung vào việc hít thở không khí trong lành và quan sát thế giới tự nhiên một cách sâu sắc hơn.
    • Dành thời gian giúp thế giới của bạn trở nên phong phú và dễ chịu hơn. Biến những hoạt động trông có vẻ bình thường thành những điều tích cực. Ngồi xuống, vừa đọc báo vừa nhấm nháp chút trà hay cafe sáng thay vì lao vội ra khỏi cửa. Ngâm mình trong bồn tắm nóng vào cuối tuần thay vì tắm vòi hoa sen.
    • Giữ cho môi trường trong nhà luôn thoải mái và dễ chịu. Gấp quần áo gọn gàng trước khi cất đi. Rửa bát đĩa trước khi đi ngủ. Dọn giường ngăn nắp vào buổi sáng. Khiến nhà cửa trở nên thông thoáng hơn bằng việc mở rộng cửa sổ và đón chút nắng gió bên ngoài. Đừng lơ là việc dọn dẹp vệ sinh. Có thể bạn cảm thấy như bạn không có thời gian cho việc đó, hay việc đó hoàn toàn không quan trọng, nhưng khi căn nhà của bạn trở nên sạch sẽ và tươi mát, bạn sẽ dễ dàng đối mặt với cuộc sống buồn tẻ hơn.
  5. Chăm sóc tốt bản thân. Tập thể dục, ăn thức ăn khỏe mạnh, nghỉ ngơi và thư giãn là những yếu tố quan trọng để tạo nên một cuộc sống đầy ý nghĩa. Bằng việc chăm sóc tốt bản thân, bạn đang gửi tín hiệu cho não bộ rằng bạn xứng đáng được chăm sóc và rằng cuộc sống của bạn thật sự có giá trị. Đảm bảo rằng bạn dành đủ thời gian cho việc luyện tập thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi và thư giãn.[40]
    • Đặt mục tiêu tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
    • Ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe như hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc.
    • Ngủ 8 tiếng mỗi đêm.
    • Dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để luyện tập yoga, hít thở sâu hoặc thiền.

Xác định Nguyên tắc của Bản thân[sửa]

  1. Xác định nguyên tắc của bản thân. Nhắc nhở bản thân về những điều bạn coi trọng trong cuộc sống và ở chính bản thân bạn có thể giúp bạn cảm thấy thỏa mãn thay vì trống rỗng. Nguyên tắc của chúng ta, hay lòng tin cốt lõi về cuộc sống, thường dựa trên những điều mà chúng ta trải qua, nhưng có thể không phải lúc nào chúng ta cũng dành thời gian để kiểm tra được chúng. Để tìm ra những nguyên tắc của bản thân, bạn cần dành thời gian để suy nghĩ về điều đó. Xác định nguyên tắc của bản thân bằng việc viết ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:[41]
    • Xác định hai người mà bạn ngưỡng mộ nhất. Phẩm chất nào của họ khiến bạn ngưỡng mộ họ và tại sao?
    • Nếu nhà của bạn bị cháy và bạn chỉ có thể cứu được 3 thứ, bạn sẽ chọn gì và tại sao?
    • Chủ đề hoặc sự kiện gì khiến bạn bùng cháy nhiệt huyết? Điều gì về những chủ đề này là quan trọng đối với bạn? Tại sao?
    • Xác định khoảnh khắc bạn cảm thấy mãn nguyện và hài lòng. Điều gì trong khoảnh khắc đó khiến bạn cảm thấy như vậy? Tại sao?
  2. Xác định xem những điều gì phù hợp với nguyên tắc của bạn. Sau khi trả lời xong các câu hỏi trên, cố gắng tìm ra những điều đúng với nguyên tắc của bạn. Nói cách khác, đọc đáp án của bạn và quyết định xem những điều nào phù hợp với nguyên tắc của bạn nhất.[41]
    • Ví dụ như, nếu bạn chọn mang theo cuốn sách bạn yêu thích, đồ vật gia truyền và một món quà mà bạn thân bạn đã tặng, có thể nói rằng điều này đồng nghĩa với việc bạn coi trọng tri thức, lòng trung thành và tình bạn. Vì vậy, một vài trong số những phẩm chất của bạn có thể là thông minh, trung thành và là một người bạn tốt.
  3. Nghĩ về những hoạt động cho phép bạn làm theo nguyên tắc của bản thân. Khi bạn đã xác định được điều bạn coi trọng nhất và phẩm chất của bản thân, bạn có thể bắt đầu xác định những hoạt động có thể khiến bạn cảm thấy thỏa mãn. Lập một danh sách các hoạt động này và chọn ra ít nhất một trong số đó để thêm vào cuộc sống của bạn.[41]
    • Ví dụ như, nếu bạn coi trọng "Cộng đồng", bạn có thể tình nguyện phụ trách công việc theo dõi khu vực xung quanh nơi ở, làm gia sư tại trường học, hoặc làm việc tại nhà bếp. Nếu bạn coi trọng "Tín ngưỡng", bạn có thể tìm một vài cách để đưa nó vào một vài lĩnh vực đời sống của bạn, như tham gia một chuyến đi truyền giáo hoặc ghé thăm nhà thờ, đền chùa hoặc những nơi thờ cúng khác thường xuyên hơn.
    • Bằng việc sống "theo nguyên tắc của bản thân" (đồng nghĩa với việc những quyết định bạn đưa ra và cuộc sống của bạn phù hợp với nguyên tắc của chính bạn), bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc hơn.[42][43]

Lời khuyên[sửa]

  • Lấp đầy cuộc sống của bạn bằng tình yêu và nụ cười. Luôn ở bên gia đình nếu bạn có một gia đình vui vẻ và hạnh phúc. Nếu không, hãy tránh điều đó và tìm đến bạn bè những người luôn ủng hộ và tin tưởng bạn thay vào đó.
  • Tham gia một cái gì đó. Không có đam mê, sở thích và không có gì để làm sẽ khiến bạn chán nản và có thể dẫn tới vòng tuần hoàn không hồi kết của sự tự ti, cảm giác thiếu hụt và buồn chán.
  • Make it a routine. Thử một sở thích mới. Một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ. Một điều gì đó cho dù là không thật sự quá tuyệt vời hay thú vị.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng cố gắng che giấu chứng trầm cảm nghiêm trọng bằng việc tham gia nhiều hoạt động hay kết thêm vô số bạn bè. Nói chuyện về cảm giác của bạn với gia đình và bạn bè. Nếu bạn không cảm thấy khá hơn, hãy tìm đến sự giúp đỡ của người có chuyên môn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/social-support/art-20044445
  2. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/friendships/art-20044860
  3. http://usatoday30.usatoday.com/yourlife/pets/cats/2010-11-02-whycats02_ST_N.htm
  4. http://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/features/health-benefits-of-pets?page=2
  5. http://psychcentral.com/blog/archives/2013/09/15/the-power-of-random-acts-of-kindness/
  6. http://psychcentral.com/lib/the-health-benefits-of-journaling/721/
  7. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4552
  8. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml
  9. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml#part_145396
  10. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml#part_145397
  11. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/bereav3ement.html
  12. 12,0 12,1 http://cmhc.utexas.edu/griefloss.html
  13. http://www.cancer.gov/about-cance/advanced-cancer/caregivers/planning/bereavement-pdq#link/stoc_h2_2
  14. http://www.mysahana.org/2012/04/eight-healthy-coping-tips-to-manage-grief/
  15. http://www.ekrfoundation.org/five-stages-of-grief/
  16. http://www.centerforloss.com/who-are-you/i-want-to-help-someone-who%E2%80%99s-grieving/
  17. 17,0 17,1 http://www.health.harvard.edu/addiction/substance-addiction
  18. http://www.physicianhealthprogram.com/addiction-news/the-inner-emptiness-of-addicts-and-how-to-fill-it/
  19. http://www.niaaa.nih.gov/alcohol-health/overview-alcohol-consumption/alcohol-use-disorders
  20. http://www.samhsa.gov/disorders/substance-use
  21. https://ncadd.org/for-parents-overview/family-history-and-genetics
  22. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/borderline-personality-disorder/index.shtml
  23. http://www.nimh.nih.gov/health/publications/borderline-personality-disorder/index.shtml#pub7
  24. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/borderline-personality-disorder/index.shtml#part_145391
  25. http://www.mindful.org/the-science/this-neuroscientist-proves-well-being-can-change-the-brain-infographic
  26. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml#part_145399
  27. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2691160/
  28. http://www.samhsa.gov/treatment/substance-use-disorders#alcohol
  29. Linehan, M. M. (1993). Hướng dẫn luyện tập kỹ năng để chữa trị rối loạn nhân cách ranh giới. New York; Guilford Press.
  30. https://www.psychologytoday.com/articles/200810/the-art-now-six-steps-living-in-the-moment
  31. http://www.helpguide.org/harvard/benefits-of-mindfulness.htm
  32. http://www.health.harvard.edu/blog/mindfulness-meditation-may-ease-anxiety-mental-stress-201401086967
  33. http://news.harvard.edu/gazette/story/2012/11/meditations-positive-residual-effects/
  34. http://www.livingwell.org.au/mindfulness-exercises-3/2-mindfulness-of-the-external-world-2/
  35. http://marc.ucla.edu/body.cfm?id=22
  36. https://www.psychologytoday.com/blog/prescriptions-life/201406/finding-your-purpose-in-everyday-life
  37. https://www.psychologytoday.com/blog/meditation-modern-life/201406/why-pursuing-happiness-is-the-greatest-goal
  38. http://il.nami.org/M&G%20Final%2010.11.13.pdf
  39. http://www.rochester.edu/news/show.php?id=3639
  40. http://psychcentral.com/lib/how-to-raise-your-self-esteem/
  41. 41,0 41,1 41,2 http://www.wire.wisc.edu/yourself/selfreflectknowyourself/Yourpersonalvalues.aspx
  42. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19450005
  43. https://www.psychologytoday.com/blog/dont-delay/201004/are-your-goals-value-congruent

Liên kết đến đây