Ngừng nhớ ai đó

Từ VLOS
(đổi hướng từ Ngừng Nhớ Ai đó)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc đối phó với cảm xúc nhớ mong một người hoàn toàn không hề dễ dàng. Cho dù người đó rời xa bạn trong một khoảng thời gian ngắn, quyết định cắt đứt mối quan hệ giữa hai bạn, không còn trên đời này nữa hay đã chuyển tới một thành phố mới, nỗi đau và nỗi khát khao mà bạn cảm thấy là phản ứng hoàn toàn bình thường đối với mất mát này. Bạn phải học những kế hoạch đối phó để làm giảm bớt những khó khăn liên quan tới việc nhớ nhung ai đó. Chúng sẽ giúp bạn dần cảm thấy thanh thản, chấp nhận và hiểu được rằng họ đã không còn nữa, nhưng bạn sẽ không bao giờ quên họ.

Các bước[sửa]

Đối phó với Xa cách trong Thời gian Ngắn[sửa]

  1. Đếm ngược thời gian. Đánh dấu mỗi ngày qua đi trên lịch và chúc mừng bản thân vì đã hết một ngày. Tập trung vào cuộc sống của từng ngày một. Sự thiếu vắng của người bạn yêu thương sẽ khiến cuộc sống của bạn thay đổi. Đối với người phải sắp xếp cuộc sống khi người kia rời đi, việc tập trung làm thế nào để thành công sống qua mỗi ngày là vô cùng quan trọng!
  2. Tập trung vào những mối quan hệ khác. Thời gian là món quà vô giá. Giờ bạn đã có thời gian để nói chuyện với những người bạn quan tâm, nhưng không có nhiều thời quý báu bên nhau như bạn mong muốn. Những người đó bao gồm người yêu hoặc vợ/chồng của bạn và những người thân trong gia đình không sống cùng với bạn.
    • Nếu bạn đã kết hôn và con cái đều đã trưởng thành và chúng rời khỏi nhà để đi học đại học, vậy thì giờ bạn sẽ có thời gian để làm những việc mà bạn đã và đang trì hoãn.[1]
  3. Chuẩn bị quà. Chuẩn bị những món quà thể hiện sự quan tâm và gửi chúng cho người kia. Mỗi món đồ bạn mua sẽ cho bạn cơ hội để tập trung vào người đó, làm điều gì đó cho cô ấy, và sau đó gửi tình cảm thương mến của bạn đến cho cô ấy. Nếu bạn có con, dành một buổi tối trong tuần để bạn và bọn trẻ có thể vẽ và làm đồ thủ công và bạn có thể gửi kèm chúng trong gói quà.
  4. Dành thời gian cho các dự án mà bạn muốn. Bận rộn với công việc trong nhà sẽ giúp bạn phân tâm và giúp cải thiện môi trường sống của bạn. Tập trung vào các nhiệm vụ và hoàn thành chúng sẽ giúp thời gian trôi qua nhanh hơn. Có thể sẽ có những ngày khó khăn, nhưng sẽ luôn có một việc gì đó bạn có thể làm.
    • Sắp xếp lại cuộc sống khi người kia đi du lịch. Biến môi trường sống của bạn thành một nơi thật tuyệt vời để cô ấy sẽ cảm thấy vô cùng vui vẻ khi trở về. Thậm chí những việc đơn giản như dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa cũng được xem là một sự cải thiện đáng kể. Điều này cho bạn một việc gì đó để làm và kết quả bạn nhận được sẽ rất tích cực.
    • Trồng cây xanh để mang tới năng lượng sống cho nơi ở của bạn.
    • Lau cửa sổ và màn che. Mọi người đều thích có tầm nhìn sáng sủa ra bên ngoài.
    • Sơn lại hàng rào đã bị bạc màu.
    • Sửa lại cánh cửa kêu cót két, vòi nước bị rò rỉ hoặc mang những đồ vật bị hỏng đi sửa.
    • Cải thiện vẻ ngoài của ngôi nhà. Trồng một vài loại hoa nhiều màu sắc ở lối đi hoặc đặt một chậu cây xinh đẹp ở hiên nhà sẽ giúp căn nhà của bạn trông sáng sủa hơn.
  5. Lập kế hoạch lâu dài. Có một vài kế hoạch khiến bạn phải bỏ nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Nếu bạn có nhiều thời gian, hãy cân nhắc tới việc thực hiện một kế hoạch sẽ không kết thúc cho tới khi người kia trở về. Điều này sẽ cho bạn và người kia một điều gì đó để mong đợi và khiến bạn phải có trách nhiệm hoàn thành lời hứa của mình.
    • Nếu vợ của bạn đi công tác, hãy nói với cô ấy rằng bạn dự định sẽ hoàn thành một dự án như đóng một sàn gỗ nho nhỏ trong sân vườn.
    • Nếu hai bạn có con, hãy cùng tham gia một dự án mà bạn biết sẽ giúp bạn và bọn trẻ vượt qua được những ngày thiếu vắng người kia.
    • Bắt đầu thiết kế một khu vườn mà bạn vẫn luôn mong muốn.
    • Gây quỹ với lý do phục vụ quân đội hoặc một lý do bất kỳ quan trọng đối với vợ của bạn. Báo cáo tiến trình với cô ấy sẽ giúp cô ấy cảm thấy rằng mặc dù cô ấy không có nhà nhưng cô ấy vẫn được yêu thương và vẫn đóng một vai trò vô cùng thiết yếu.
  6. Lên kế hoạch liên lạc với nhau trong thời gian xa cách. Nói chuyện qua skype, email hoặc thư tay và thiệp. Điều này có lợi bởi bạn mong đợi được nói chuyện với nhau. Khi bạn viết thư cho cô ấy, bạn sẽ cảm thấy như cô ấy vẫn ở gần bên bạn và việc nhận thư hồi âm cũng là điều vô cùng thú vị. Cảm giác tích cực sẽ dần phai nhạt theo thời gian, điều này sẽ vô cùng hữu ích trong việc giúp bạn kiểm soát khoảng thời gian xa cô ấy.

Bước tiếp Sau khi Chia tay[sửa]

  1. Dành thời gian để xử lý cảm xúc của bản thân. Nếu bạn đang phải đối mặt với một ai đó sau khi chia tay, đặc biệt là nếu đó là mối quan hệ nghiêm túc, một trong những việc khó khăn nhất bạn từng phải làm đó là bước tiếp. Hãy để bản thân khóc lóc, giận dữ, bối rối và bộc lộ hết những cảm xúc bạn kìm nén bên trong.
    • Mỗi người sẽ trải nghiệm cảm xúc theo những cách khác nhau.[2] Có thể bạn sẽ khóc rất nhiều, nhưng cũng có thể bạn sẽ muốn viết ra những cảm xúc của bản thân. Mỗi người đều có những cách khác nhau.
    • Tránh những nơi đông người trong một thời gian ngắn hoặc giãi bày tâm sự với bạn bè hoặc người thân trong gia đình của bạn. Một vài người không thích chia sẻ cảm xúc của bản thân và điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.
    • Viết ra những suy nghĩ của bản thân có thể giúp bạn xác định cảm xúc đang khiến bạn cảm thấy đau buồn.
    • Đừng xấu hổ vì nỗi đau của bản thân, kể cả nếu những người khác cho rằng mối quan hệ của bạn không nghiêm túc. Không ai có thể hiểu được nỗi đau mà bạn đang trải qua bởi đó là nỗi đau của bạn.
  2. Đau buồn vì mối quan hệ tan vỡ. Hầu hết mọi người đều được dạy để tiếp nhận mọi thứ nhưng hầu như không có ai dạy họ cách để đánh mất thứ gì đó. Điều này khiến mọi người không có đủ kỹ năng để đối mặt với những nỗi mất mát mà cuộc sống mang tới. Cho dù thứ bạn mất là một mối quan hệ, người bạn yêu thương, công việc, khả năng thể chất hay lòng tin với một ai đó, những tổn hại mà chúng gây ra đều cần phải được hiểu rõ và giải quyết. Đau buồn là một cảm xúc phức tạp và mỗi người đều có những cách khác nhau để bộc lộ điều đó.
    • Nỗi đau không được giải quyết sẽ khiến cảm giác mắc kẹt trong nỗi nhớ nhung một người trở nên tồi tệ hơn.
    • Quá trình đau buồn có một vài bước nhất định có thể được sử dụng như một chỉ dẫn giúp bạn hiểu rõ hơn về nỗi buồn của bản thân: phủ nhận, chết lặng và kinh ngạc; thỏa thuận; tuyệt vọng; giận dữ; chấp nhận.[3]
    • Nỗi buồn là cuộc hành trình riêng biệt. Mỗi người đều sẽ trải nghiệm nó theo những cách khác nhau.[4]
    • Có thể bạn sẽ dành nhiều thời gian ở giai đoạn này hơn những giai đoạn khác.
    • Đừng thúc ép bản thân và cũng đừng để người khác thúc ép bạn vượt qua nỗi đau của chính bạn. Cần phải có thời gian cho nỗi đau và đó là điều thiết yếu cho quá trình chữa lành.
  3. Khi bạn đã sẵn sàng, hãy vứt bỏ những điều khiến bạn nhớ về người đó. Có thể việc nhìn thấy những đồ vật khiến bạn nhớ tới người đó sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng khó khăn. Bỏ những đồ vật cá nhân còn sót lại vào trong một chiếc hộp và trả lại cho người đó, ném chúng đi hoặc cất vào nơi bạn không nhìn thấy. Làm tương tự với những đồ vật bạn lưu giữ. Việc ngừng nhớ nhung một ai đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi bạn không còn nhìn thấy những đồ vật đó hàng ngày.
    • Nếu bạn thấy một điều gì đó vô cùng đặc biệt với bạn đến nỗi bạn không thể sống thiếu nó, hãy cất nó đi một thời gian.
    • Nếu bạn cảm thấy quá đau buồn để làm điều đó một mình, hãy nhờ bạn của bạn giúp đỡ. Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trong việc tiến về phía trước mà không cần có người kia.
    • Hãy nghĩ về việc: làm thế nào bạn có thể ngừng nhớ nhung một người nếu bức ảnh của anh ấy hoặc cô ấy vẫn nằm cạnh bên giường ngủ của bạn?
  4. Ngừng liên lạc với người kia. Nếu bạn chắc chắn rằng mối quan hệ đó đã kết thúc nhưng bạn vẫn nói chuyện hoặc gặp gỡ anh ấy thường xuyên, điều này sẽ khiến việc ngừng nhớ tới anh ấy trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn có thể hoàn toàn tránh gặp mặt người yêu cũ, hãy làm như vậy. Tiếp tục giữ liên lạc sẽ chỉ khiến bạn thêm giằng xé thâm tâm và điều đó hoàn toàn không có lợi cho bạn.
    • Đừng gọi điện hay nhắn tin cho người yêu cũ để biết tình trạng của anh ấy. Điều đó chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
    • Nếu bạn bắt buộc phải gặp anh ấy ở trường, nơi làm việc hoặc bất cứ nơi nào khác, hãy đơn giản nói, "Xin chào", và dành càng ít thời gian ở bên anh ấy càng tốt. Cảm xúc của bạn thường có xu hướng gia tăng sau khi gặp anh ấy, và điều đó sẽ khiến bạn nhớ anh ấy. Điều này chỉ là tạm thời vì vậy hãy thật mạnh mẽ và vượt qua nó.
    • Ngừng liên lạc với anh ấy trên tất cả các phương tiện mạng xã hội. Nếu bạn tiếp tục nhìn thấy ảnh của anh ấy, tâm trí của bạn sẽ lại thơ thẩn nghĩ và nhớ về mọi thứ đã xảy ra giữa hai bạn.
  5. Nói tạm biệt với người đó và mối quan hệ của cả hai. Các nghi lễ mà chúng ta vẫn làm khi một thứ gì đó kết thúc có một mục đích nhất định. Tốt nghiệp, tang lễ, lễ bế mạc - chúng đều đưa ra một điểm kết thúc. Chúng cho phép chúng ta nhận thức được rằng một điều gì đó đã chấm dứt. Tạo một nghi lễ tạm biệt sẽ giúp kết thúc mối quan hệ của bạn với nỗi đau và giúp bạn giảm cảm giác nhớ nhung người kia.
    • Viết một lá thư cho người kia, nhưng đừng gửi nó. Viết hết những điều mà hai bạn đã cùng nhau trải qua. Cảm ơn anh ấy vì những gì tốt đẹp và đau khổ mà anh ấy mang tới. Giải tỏa sự giận dữ. Nói với anh ấy rằng, "Em không còn cần nỗi đau mà em đang trải qua vì nhớ thương anh nữa vì vậy em trả lại nó cho anh. Tạm biệt".[5]
  6. Tìm hiểu những lựa chọn của bạn trong việc hẹn hò. Khi bạn cảm thấy sẵn sàng, hãy cân nhắc tới việc hẹn hò với người mới. Có thể bạn nghĩ rằng hẹn hò với ai đó ngay lập tức sẽ giúp nỗi đau nguôi ngoai; nhưng thường thì nó chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn vì đã đánh mất người kia. Hiếm có khi nào bạn lại có thể tìm thấy "người thích hợp" ngay sau khi mối quan hệ nghiêm túc của bạn kết thúc một tuần.
    • Ở bên người mới có thể khiến bạn nhớ tới tất cả những điều bạn yêu ở người cũ, và điều đó sẽ khiến bạn nhớ anh ấy nhiều hơn.
    • Hẹn hò với người mới khi bạn chưa sẵn sàng sẽ không thể lấp đầy cảm giác trống rỗng mà bạn đang trải qua.
    • Dành thời gian cùng với bạn bè, những người có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
  7. Thay đổi thói quen hàng ngày. Ngừng làm những việc mà hai bạn đã từng làm cùng nhau hoặc những việc gợi nhớ cho bạn về người cũ. Tránh đi tới nhà hàng nơi hai bạn lần đầu hẹn hò hay địa điểm yêu thích của bạn trong công viên gần nhà. Mua cafe hoặc bánh mỳ ở một cửa hàng khác trong vài tuần và xem liệu điều đó có khiến bạn cảm thấy khá hơn vào buổi sáng hay không. Đừng hoàn toàn từ bỏ tất cả những việc bạn đã từng làm, nhưng hãy làm điều gì đó mới mẻ để bạn sẽ bớt cảm thấy nhớ nhung người cũ.
    • Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi làm những việc bạn vẫn luôn muốn làm nhưng người cũ của bạn không thích như leo núi hoặc hoặc học nấu món mỳ ống. Tìm cách khẳng định bản thân mà không có người cũ, và bạn sẽ nhận ra rằng bạn sẽ sớm không còn nhớ tới anh ấy nữa.
    • Nếu người cũ của bạn nằm trong vòng tròn xã hội của bạn, bạn có thể tránh những bữa tiệc mà anh ấy có khả năng sẽ tham gia một thời gian. Tìm cách khác để khiến bản thân vui vẻ hơn.
  8. Dựa dẫm vào bạn bè.[6] Ở cùng với bạn bè là một trong những điều tốt đẹp nhất bạn có thể làm cho chính mình. Nếu bạn dành thời gian với những người bạn thân thiết, bạn sẽ cảm thấy cảm kích trước những tình cảm và sự ủng hộ mà bạn nhận được. Bạn luôn có một ai đó để tìm đến, người sẽ luôn ở bên bạn trong những lúc khó khăn.
    • Nếu có thể, một tuần hãy gặp ít nhất một vài người bạn để bạn ngừng để tâm tới người cũ.
    • Bạn bè của bạn sẽ không nói điều gì đó có thể khiến nỗi đau của bạn biến mất như một phép màu, nhưng có họ ở bên sẽ tạo nên thay đổi lớn.
  9. Cố gắng cải thiện bản thân. Khi bạn ở bên người cũ, có lẽ bạn không có thời gian để cải thiện bản thân. Tận dụng thời gian để tập trung vào việc trở nên khỏe mạnh, hạnh phúc và đạt được những điều bạn mong muốn. Đặt mục tiêu rèn luyện chạy marathon, hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, bớt cảm thấy ám ảnh hoặc làm điều bạn luôn muốn làm để cải thiện bản thân.
    • Xác định những điều bạn muốn cải thiện. Có lẽ sẽ có những điều ngăn cản bạn cảm thấy vui vẻ. Có thể bạn lo lắng quá nhiều hoặc bạn có thể nhận được những điều tốt đẹp nếu tự tin hơn.
  10. Tập trung vào việc nâng cao sự nghiệp. Dồn hết tâm trí vào việc thực hiện một công việc tích cực và có ý nghĩa. Bạn sẽ bớt cảm thấy nhớ nhung anh ấy nếu bạn có một công việc khiến bạn cảm thấy phấn khích khi thức dậy vào mỗi buổi sáng. Nhận phản hồi từ những người bạn làm việc cùng sẽ giúp cải thiện việc tự đánh giá chất lượng công việc của bạn.[7]
  11. Giữ cho bản thân bận rộn và năng động. Đừng quanh quẩn ở nhà hay nằm dài trên giường. Dành thời gian ở bên ngoài, với bạn bè và giữ cho lịch trình của bản thân bận rộn và thú vị để có một điều gì đó để mong đợi trong tương lai.
    • Đây có thể là khoảng thời gian tuyệt vời để bắt đầu một sở thích mới như tập yoga, bóng chuyền, chơi ghi-ta hoặc nấu ăn.[8]
  12. Tập trung vào những điều tích cực. Một mối quan hệ tan vỡ có thể khiến bạn tập trung vào tất cả những sai lầm trong mối quan hệ đó. Xác định những mặt tích cực của mối quan hệ đó, những gì bạn đã học được và những bài học đó sẽ giúp bạn như thế nào trong tương lai. Hãy biết trân trọng những trải nghiệm của bản thân.[9]
    • Biết ơn những gì bạn đã trải qua và những điều nó mang đến cho cuộc sống của bạn sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bạn. [10] Khi bạn khỏe mạnh, bạn sẽ sẵn sàng để giải quyết những cảm xúc liên quan tới việc nhớ thương một ai đó hơn.

Đối mặt với sự Ra đi của Người bạn Yêu[sửa]

  1. Cho phép bản thân đau buồn. Nếu bạn đang phải đối mặt với sự ra đi của người mà bạn yêu thương, bạn nên để cho bản thân thời gian để đau buồn và chấp nhận cảm xúc của chính bạn. Bạn sẽ không thể ngừng nhớ tới ai đó nếu bạn không cho bản thân thời gian để bình tĩnh, giải tỏa cảm xúc và đau buồn trước sự ra đi của người đó.[11]
    • Như đã được đề cập đến ở phần trước, quy trình đau buồn của mỗi người đều khác nhau. Nếu bạn cần ở một mình một thời gian, hãy đảm bảo rằng bạn bè và gia đình bạn hiểu được điều đó bằng việc nói với họ rằng "Mình đang rất đau buồn và điều đó vô cùng khó khăn, nhưng mình đang cố gắng vượt qua. Hy vọng rằng bạn có thể hiểu rằng điều đó mất thời gian và mình cũng không chắc nó sẽ kéo dài trong bao lâu. Mình đoán mình là người duy nhất có thể biết được điều đó".
    • Nếu bạn dành quá nhiều thời gian ở một mình và cảm thấy cô đơn, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ dành một chút thời gian ở bên những người khác.
    • Viết nhật ký,[12] nói về cảm xúc của bạn, xem lại những bức ảnh cũ của người đó hoặc đơn giản là khóc thật to. Nếu bạn không khóc, đừng cảm thấy tội lỗi vì điều đó. Mọi người đều có những cách khác nhau để bộc lộ nỗi buồn.
  2. Tôn trọng những ký ức của người đó. Đây là một cách lành mạnh để tiến về phía trước và tưởng nhớ người đã khuất, và tiếp tục những gì họ để lại. Điều này đồng nghĩa với việc nói chuyện về người đó với bạn bè hoặc gia đình bạn, làm một vài trong số những việc mà người đó từng thích, cho dù đó là tham gia tình nguyện cho cộng đồng hay đọc truyện cho bọn trẻ hay thậm chí là nghe bài hát mà người đó thích.
    • Nếu việc làm những điều người đó từng thích khiến bạn thêm đau buồn, hãy thay đổi thói quen thường ngày. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy rằng mình đã dần quên đi quá khứ, hãy tiếp tục duy trì một vài trong số những điều mà người đó thích. Điều đó có thể mang bạn tới gần hơn với những ký ức tích cực về người đó mà không nhớ nhung họ quá nhiều.
    • Hãy nhớ rằng bạn không cố gắng để quên người đó hay không bao giờ nghĩ tới anh ấy nữa. Bạn chỉ muốn cố gắng nhớ tớ người đó một cách tích cực, cảm nhận và sau đó để mọi người trôi vào quá khứ.
  3. Nói chuyện với những người cũng nhớ anh ấy. Việc không bao nhờ nhắc tới hay vứt bỏ tất cả những thứ khiến bạn nhớ tới anh ấy sẽ không tốt cho bạn. Tuy nhiên, bạn có thể tạm thời làm như vậy nếu bạn cảm thấy quá đau khổ, nhưng về lâu về dài bạn sẽ dần thoải mái hơn khi nói về người đó. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng việc cười đùa về những điều thú vị người đó từng nói hay làm giúp bạn bớt cảm thấy đau buồn và giúp vết thương mau lành hơn.[13]
    • Tái hiện những ký ức vui vẻ về người đó có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn với sự thật rằng người đó đã ra đi. Mặc dù bạn không thể mang người đó quay trở lại nhưng nói về những kỷ niệm đó có thể có ích cho quá trình hồi phục.
  4. Hiểu rằng mối quan hệ của hai bạn chưa kết thúc, nhưng nó đã thay đổi. Một mối quan hệ thường bao gồm hai phần: thể xác và tinh thần. Có thể mối quan hệ thể xác của bạn với người đó đã kết thúc nhưng mối quan hệ tinh thần thì vẫn còn đó. Bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn quên được người đó.
    • Việc cố gắng không nhớ tới anh ấy không đồng nghĩa với việc bạn đang phản bội anh ấy. Nếu người đó yêu bạn, vậy thì anh ấy sẽ hạnh phúc vì bạn đang cố gắng để bước tiếp.
    • Bạn không thể hoàn toàn thôi không nhớ về người đó nữa, đặc biệt là trong những dịp kỷ niệm, ngày lễ hay những khoảnh khắc quan trọng mà hai bạn đã cùng trải qua. Thay vì lờ đi cảm giác mất mát, hãy tự nói với chính mình hoặc người khác rằng, "Hôm nay, tôi thật sự rất nhớ ____. Anh ấy đã từng rất thích ngày này. Hãy cùng nâng cốc chúc mừng và tưởng nhớ tới____. Mọi người rất yêu anh". Điều này bày tỏ sự biết ơn đối với những ảnh hưởng của người đó và giúp cho quá trình hồi phục.
    • Thỉnh thoảng nhớ tới người đó sẽ không có hại, nhưng việc tận hưởng hiện tại thay vì khát khao quá khứ cũng rất có ích.
  5. Dành thời gian ở bên gia đình và bạn bè. Gia đình và bạn bè luôn ở đó để ủng hộ và giúp đỡ bạn trong khoảng thời gian khó khăn này. Có lẽ họ cũng cảm thấy đau buồn và mọi người có thể dựa dẫm vào nhau và dành nhiều thời gian để cảm nhận cảm giác được yêu thương, quan tâm và đơn giản là có người ở bên. Bạn cần tình yêu để vượt qua giai đoạn khó khăn này và dành thời gian ở bên những người bạn yêu sẽ giúp bạn bớt nhớ tới người đó hơn.[14]
    • Những người bạn mới hoặc những thành viên khác trong gia đình không bao giờ có thể thay thế vị trí của người đó trong trái tim bạn và khiến bạn quên đi anh ấy.
    • Nếu bạn nhận thấy rằng một vài trong số những bạn hay thành viên trong gia đình của bạn có vẻ như đã "vượt qua" mất mát nhanh chóng hơn, đừng bực bội. Mọi người đều có khoảng thời gian đau buồn khác nhau. Có thể bạn không biết được người đó đang thật sự cảm thấy như thế nào.
  6. Cân nhắc tới việc sử dụng liệu pháp tâm lý. Nếu bạn muốn được giúp đỡ để bước tiếp, hãy tới gặp bác sỹ. Nếu bạn không chắc liệu có liệu pháp nào phù hợp hay không, hãy thử trước khi quyết định. Nói chuyện với chuyên gia về tình hình của bạn có thể giúp bạn hiểu rõ hơn. Để tìm kiếm sự giúp đỡ và vượt qua khó khăn trong cuộc sống đòi hỏi bạn phải có can đảm và sức mạnh.[3]
    • Tự hào về bản thân vì đã tìm đến sự giúp đỡ cần thiết để sống khỏe mạnh. Bạn không nên cảm thấy xấu hổ hay yếu đuối vì cần tới liệu pháp tâm lý.
  7. Viết ra những suy nghĩ của bản thân. Thay vì để chúng đè nặng lên bạn suốt cả ngày, việc chuyển tải những cảm xúc của bản thân lên từng trang giấy có thể sẽ có ích. Hãy viết nó vào mỗi buổi sáng hoặc tối để tự kiểm tra và giảm bớt sức ép. Ngoài ra, bạn cũng có thể viết nó khi một suy nghĩ đột nhiên xuất hiện trong tâm trí bạn. Tìm ra điều phù hợp với bạn.
    • Viết cho người đó một lá thư, nhưng đừng gửi nó. Viết hết những điều mà hai bạn đã cùng nhau trải qua. Cảm ơn anh ấy vì những gì tốt đẹp và cả nỗi buồn mà anh ấy mang tới. Giải tỏa sự giận dữ. Nói với anh ấy rằng, "Em không còn cần nỗi đau mà em đang trải qua vì nhớ thương anh nữa vì vậy em trả lại nó cho anh. Tạm biệt".[5]
    • Đọc to lá thư cho bản thân hoặc một người bạn hoặc người thân trong gia đình mà bạn tin tưởng, sau đó đốt nó ở một nơi an toàn. Đốt cháy là một cách để xóa bỏ và thay đổi cảm xúc hỗn độn của bạn.
  8. Tìm một cách sống dễ chịu. Khi bạn mất một ai đó, có thể bạn sẽ cứ mãi tập trung vào mất mát đó và người đã ra đi đến nỗi bạn quên mất phải chăm sóc cho bản thân mình. Để bớt cảm thấy nhớ về người đó, hãy đảm bảo rằng thói quen hàng ngày của bạn giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm,[15] ăn đủ ba bữa cho dù bạn không cảm thấy đói, và dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.
    • Có lẽ bạn không nghĩ rằng việc ăn ngủ điều độ có thể tạo ra bất cứ khác biệt nào khi bạn đang vật lộn với nỗi đau tột cùng, nhưng nó hoàn toàn có thể. Một cơ thể khỏe mạnh giúp bạn thêm mạnh mẽ và có thể giải quyết khó khăn một cách hiệu quả hơn.
    • Tránh những thứ có thể tăng mức độ căng thẳng của bạn, bao gồm tắc đường, buổi hòa nhạc ồn ào, công việc ngoài giờ hoặc dành thời gian ở bên một người bạn bi quan. Mặc dù bạn không thể trút bỏ toàn bộ những căng thẳng mà bạn đang trải qua, nhưng bạn có thể cố gắng để giảm nó xuống mức tối thiểu.
    • Dành 15 phút mỗi ngày để tập yoga hoặc thiền.[16] Điều này có thể giúp bạn tiếp xúc nhiều hơn với tâm trí và cơ thể mình và trở nên bình tĩnh hơn trong suốt cả ngày.
    • Tập trung vào sức khỏe của bản thân. Một phần ba những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của một người quan trọng với họ phải đối mặt với vấn đề về cả thể chất và tinh thần.[17] Có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng, buồn phiền và không còn sức lực để làm bất cứ điều gì nhưng bạn cũng không thể lờ đi nhu cầu của bản thân.

Đối mặt với việc Người đó Chuyển đi Nơi khác[sửa]

  1. Tiếp tục giữ liên lạc. Nếu bạn của bạn chuyển đi nơi khác hoặc đi xa trong kỳ nghỉ hè, hãy đảm bảo rằng bạn giữ liên lạc với người đó. Nếu bạn biết rằng tuần nào hai bạn cũng sẽ nói chuyện với nhau qua điện thoại hoặc Skype, bạn sẽ cảm thấy thân thiết và bớt cô đơn hơn. Liên lạc thường xuyên với người đó có thể cho phép bạn mong đợi cuộc nói chuyện giữa hai người.
    • Nếu người đó đi tới một nơi rất xa, bạn có thể liên lạc thông qua email và phần mềm nhắn tin quốc tế. Có lẽ bạn nghĩ rằng trò chuyện sẽ khiến bạn nhớ người đó hơn, nhưng thực tế nó sẽ giúp bạn nhận ra rằng người đó chưa hoàn toàn rời xa bạn.
  2. Đừng nói chuyện quá thường xuyên. Đừng tạo thói quen nói chuyện với người đó mỗi ngày hoặc nhắn tin mọi lúc. Bạn sẽ không thể tận hưởng cuộc sống hiện tại của bản thân và thường sẽ không bước ra khỏi vòng tròn an toàn để thử những điều mới lạ hoặc gặp gỡ người mới.
    • Nếu người chuyển đi là người muốn nói chuyện nhiều hơn, hãy giải thích điều đó, việc hai bạn giữ liên lạc là rất quan trọng nhưng bạn cũng không muốn trở nên quá phụ thuộc vào nhau.[18]
    • Gọi điện cho người đó nếu bạn đang đưa ra một quyết định lớn hoặc một điều gì đó quan trọng mới xảy ra, nhưng cũng nên tìm một người ở gần bạn, người có thể ở bên bạn nữa.
  3. Lên kế hoạch tới thăm nếu có thể. Lên kế hoạch gặp người đó sẽ giúp bạn có thêm một điều gì đó để mong đợi và sẽ làm giảm cảm giác rằng bạn sẽ không bao giờ gặp lại người đó nữa. Nếu bạn biết rằng bạn sẽ tới chơi với anh ấy trong vài tuần, bạn sẽ bớt cảm thấy muốn nói chuyện với anh ấy mọi lúc và sẽ thật sự đỡ nhớ nhung anh ấy hơn.
    • Cả hai bạn đều đang sống cuộc sống của riêng mình và nếu hai bạn thăm nhau quá thường xuyên, bạn sẽ có khả năng ngăn cản bản thân tham gia các sự kiện xã hội với những người khác. Bạn sẽ không muốn người khác loại bạn ra khỏi các sự kiện xã hội vì họ nghĩ rằng lúc nào bạn cũng ở bên người bạn thương nhớ.
  4. Viết thư cho người đó. Nếu cứ vài tuần bạn lại làm vậy một lần, nó sẽ cho bạn cơ hội để tiếp cận cảm xúc và suy nghĩ của bản thân và giúp bạn bớt cả thấy bắt buộc phải gọi điện hay nhắn tin cho người đó mọi lúc. Đây là một cách thú vị để nói chuyện và nó sẽ giúp bạn bớt cảm thấy nhớ người đó hơn.
    • Viết thư là một cách nói chuyện thân mật và cho phép hai bạn vẫn cảm thấy gần gũi cho dù cách xa nhau cả nghìn cây số.
  5. Tìm những cách mới để lấp đầy thời gian của bản thân. Có thể bạn chỉ muốn ngồi một chỗ và nhớ nhung người kia. Thay vào đó, tìm những điều mới để làm để giữ cho bản thân bận rộn như, chơi bô-linh với những người bạn mới hoặc học cách chơi ghi-ta. Nếu kế hoạch của bạn trống trơn, bạn sẽ có xu hướng tiếp tục nhớ tới anh ấy.
    • Tham gia một môn thể thao mới, như chạy bộ hoặc bóng rổ.
    • Thử một sở thích mới, như nhiếp ảnh, vẽ vời hoặc nấu ăn.
    • Đăng ký tham gia các lớp học thú vị trong cộng đồng hoặc trường học, như nâng cao kỹ năng viết hoặc pha chế rượu.
    • Khám phá tình yêu với văn học. Đọc tất cả những cuốn sách bạn định đọc nhưng vẫn chưa làm.
    • Tìm một hình thức luyện tập thể dục mới. Đạp xe, leo núi và tập yoga vừa có thể giúp bạn lấp đầy thời gian vừa giúp bạn cảm thấy tuyệt vời.
  6. Cố gắng mở rộng trái tim với những người mới.[19] Cố gắng trở nên thân thiện hơn với những người mới. Nới rộng những lời mời để gặp gỡ mọi người. Mặc dù có thể bạn cảm thấy ngại ngùng, hãy cố gắng làm quen với mọi người từng chút một. Mỉm cười, thân thiện và cởi mở với những người bạn gặp.
    • Bắt đầu bằng việc hỏi một vài câu hỏi ngẫu nhiên. Kể một hoặc hai sự thật thú vị về bản thân hoặc đưa ra một vài nhận xét dí dỏm. Nếu bạn cố gắng hơn, bạn sẽ có thêm nhiều bạn bè và sẽ bớt nhớ nhung người đó hơn.
    • Đừng bao giờ dùng người khác để thay thế người đã rời đi. Anh ấy rất quan trọng với bạn và sẽ luôn là như vậy. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tìm những người mới thú vị để giúp cuộc sống của bạn trở nên sôi nổi hơn.
    • Cho người khác cơ hội. Có thể bạn và người bạn từng nghi ngờ trong quá khứ, có nhiều điểm chung hơn bạn nghĩ. Khi bạn dành thời gian với họ, bạn sẽ nhận ra rằng sau tất cả bạn thích có họ ở bên mình.

Lời khuyên[sửa]

  • Nụ cười là liều thuốc tốt nhất. Dù việc đau buồn trước sự ra đi của một ai đó sẽ có lợi nhưng bạn cũng cần đảm bảo rằng tinh thần của bạn luôn tốt và luôn giữ cho bản thân ở bên những người thú vị.
  • Cố gắng tìm một điều gì đó thú vị để giúp bản thân sao nhãng.
  • Đừng ngại khóc. Khóc sẽ có lợi cho bạn và cho phép bạn bộc lộ cảm xúc của bản thân.
  • Nhìn lại ảnh và thư hoặc lời nhắn nhủ mà người đó gửi cho bạn, nhưng hãy giới hạn thời gian làm việc đó để tránh việc hoàn toàn bị phân tâm.
  • Đừng nghĩ về những tranh cãi hai bạn từng có hoặc những lúc mệt mỏi. Phải sống thật tích cực.
  • Nếu bạn cần phải ngừng suy nghĩ về người đó, hãy tự nói với chính mình rằng, "Dừng lại. Mình sẽ không nghĩ tới anh ấy vào lúc này. Mình có rất nhiều việc phải làm và mình sẽ nghĩ về những việc đó bây giờ". Cố gắng gạt bỏ người đó ra khỏi tâm trí.
  • Hãy nhớ tới những điều thú vị hai bạn cùng làm và mong đợi gặp lại họ một lần nữa.
  • Bạn không thể khiến mọi việc quay trở về như quá khứ. Thay vào đó, hãy tập trung vào một tương lai tươi sáng hạnh phúc.

Cảnh báo[sửa]

  • Nỗi buồn không được giải quyết có thể được biểu lộ theo rất nhiều cách khác nhau về cả thể chất và tâm lý. Học cách xử lý nỗi buồn bằng việc tiếp cận thông tin từ những nguồn tin tưởng. Đừng ngăn chặn cơ hội để đau buồn của bản thân và kết thúc mối quan hệ với nỗi đau mất mát.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây