Ngừng cơn đau do trĩ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh trĩ hay trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở trực tràng dưới và hậu môn bị phình to và viêm nhiễm. Đây là căn bệnh phổ biến và ở Mỹ, có đến khoảng 50% người trưởng thành phải đối mặt với bệnh trĩ ít nhất một lần trước tuổi 50. Bệnh trĩ là do tăng áp lực ở tĩnh mạch vùng trực tràng dưới và hậu môn, khiến tĩnh mạch sưng lên.[1] Triệu chứng dễ nhận thấy gồm có xuất huyết không đau đớn khi đại tiện, đau trực tràng/hậu môn, ngứa hậu môn và/hoặc các cục u mềm gần hậu môn.[2] Có nhiều phương pháp, cả tại nhà và đi khám bác sĩ, để điều trị bệnh trĩ và đau do trĩ.

Các bước[sửa]

Điều trị bệnh trĩ tại nhà[sửa]

  1. Xác định loại bệnh trĩ. Bệnh trĩ có thể là trĩ nội hoặc trĩ ngoại. Triệu chứng đau thường là do trĩ ngoại. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
    • Trĩ nội phát triển ở trực tràng dưới, thường không gây đau do cơ thể không có thụ thể cảm nhận cơn đau ở trực tràng. Bạn có thể không biết bản thân bị trĩ nội, trừ khi nhìn thấy máu trong phân hoặc nhìn thấy búi trĩ sa ra ngoài (nhô ra khỏi hậu môn).[3]
    • Xuất hiện triệu chứng đau khi bị trĩ có thể là dấu hiệu trĩ ngoại, bệnh phát triển dưới da quanh hậu môn. Nếu có cục máu đông hình thành trong trĩ, người ta gọi đó là “trĩ thuyên tắc”, cơn đau được mô tả là rất dữ dội và đột ngột. Người bệnh có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy khối u xung quanh hậu môn. Cục máu đông thường tan dần và để lại phần da thừa nhô ra ở hậu môn.[4]
  2. Tắm bồn Sitz. Tắm bồn Sitz hay tắm ngồi có thể giúp giảm tức thời cơn đau và ngứa do trĩ. Ngâm vùng hậu môn trong nước ấm khoảng 10-20 phút, 2-3 lần mỗi ngày và sau khi đại tiện. Ở hiệu thuốc thường có bán các chậu nhựa nhỏ để vừa bồn vệ sinh. Hoặc bạn có thể đổ nước ấm vào bồn tắm sao cho nước ngập đến hông.[4][5]
    • Nhẹ nhàng dùng khăn lau khô hậu môn hoặc dùng máy sấy tóc để sấy khô sau khi tắm ngồi.
  3. Chườm lạnh lên hậu môn. Chườm lạnh có thể giúp giảm sưng và đau do trĩ. Bạn có thể chườm túi bóng chứa nước và đông lạnh hoặc đá viên quấn trong vải mềm lên vùng hậu môn 5-10 phút, 3-4 lần mỗi ngày.[5]
    • Nhẹ nhàng dùng khăn lau khô hậu môn hoặc dùng máy sấy tóc để sấy khô sau khi chườm lạnh.
  4. Thử dùng thuốc thoa tại chỗ không kê đơn. Ở hiệu thuốc có bán nhiều loại thuốc không kê đơn chuyên biệt giúp giảm đau và cảm giác bất tiện do trĩ. Một số sản phẩm bạn có thể tìm mua:[4][6]
    • Dùng miếng lót lạnh Tucks chườm lên vùng bị kích ứng do trĩ tối đa 6 lần mỗi ngày để giảm đau và ngứa. Miếng lót lạnh có chứa nước cây phỉ với đặc tính xoa dịu và kháng viêm tự nhiên.
    • Kem Preparation H là thuốc gây tê tại chỗ, giúp co mạch máu và bảo vệ da hữu hiệu trong việc điều trị bệnh trĩ. Kem Preparation H ngăn chặn các tín hiệu báo đau từ đầu dây thần kinh vùng hậu môn, đồng thời giúp thu nhỏ mô sưng, viêm.
    • Kem hoặc thuốc đạn không kê đơn chứa steroid hydrocortisone có thể giúp ích cho việc điều trị trĩ. Hydrocortisone là chất kháng viêm mạnh có thể giúp xoa dịu cơn đau và ngứa do trĩ. Thuốc Steroid thoa tại chỗ như Hydrocortisone chỉ nên được sử dụng không quá 7 ngày vì có thể dẫn đến tình trạng teo da vùng hậu môn.
    • Pramoxine, có ở dạng thuốc kê đơn và không kê đơn, là một loại thuốc gây tê tại chỗ khác dùng điều trị bệnh trĩ.
  5. Uống thuốc giảm đau. Thuốc uống giảm đau không kê đơn như Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil) hoặc Aspirin có thể dùng để giảm cảm giác khó chịu do trĩ.[3]
    • Acetaminophen có thể uống với liều 650-1000 mg mỗi 4-6 tiếng, không vượt quá 4 g trong 24 tiếng.
    • Ibuprofen có thể uống với liều 800 mg, tối đa 4 lần mỗi ngày.
    • Aspirin có thể uống với liều 325-650 mg mỗi 4 tiếng nếu cần, không vượt quá 4 g trong 24 tiếng.
  6. Uống thuốc làm mềm phân. Thuốc làm mềm phân có thể hữu ích nếu bạn bị táo bón do trĩ. Thuốc làm mềm phân không kê đơn như Docusate (Colace) có thể dùng để giữ cho phân được mềm, giảm táo bón và căng vùng hậu môn. Có thể uống 100-300 mg Docusate mỗi ngày, tối đa 7 ngày.[2]

Tiếp nhận điều trị y tế chuyên nghiệp[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Đôi khi bệnh trĩ sẽ thuyên giảm khi điều trị tại nhà và không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu triệu chứng bệnh trĩ không cải thiện sau một tuần điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể trao đổi với bạn về nhiều loại thuốc kê đơn mạnh hơn hoặc đề nghị phẫu thuật.
    • Đi khám bác sĩ ngay nếu trĩ gây đau.
    • Bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi chế độ ăn và lối sống trước khi thử dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Những thay đổi này có thể bao gồm việc tăng cường chất xơ và tập thể dục.
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc gây tê kê đơn mạnh hơn. Nếu cho rằng phương pháp phẫu thuật là chưa cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc gây tê mạnh hơn như Lidocaine (Xylocaine) để giúp bạn giảm đau, ngứa và cảm giác khó chịu do trĩ.
  3. Trao đổi với bác sĩ về phương pháp thắt trĩ bằng vòng cao su. Đây là thủ thuật phổ biến nhất để điều trị bệnh trĩ. Bác sĩ sẽ đặt một chiếc vòng nhỏ đàn hồi quanh trung tâm búi trĩ nội để chặn tuần hoàn đến búi trĩ. Khi máu không lưu thông đến, búi trĩ sẽ co lại và khô đi trong vòng 1 tuần.[7]
  4. Trao đổi với bác sĩ về phương pháp chích xơ tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ tiêm dung dịch hóa chất vào búi trĩ để gây sẹo và thu nhỏ mô. Phương pháp này không hiệu bằng cách thắt trĩ bằng vòng cao su.[7]
    • Phương pháp chích xơ tĩnh mạch không được một số bác sĩ khuyến nghị do các nghiên cứu cho thấy phương pháp này chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn và trĩ sẽ tái phát ở hầu hết người bệnh.[8]
  5. Nghiên cứu phương pháp đông máu. Kỹ thuật đông máu sử dụng đến tia laser, ánh sáng hồng ngoại hoặc nhiệt. Thủ thuật này ngăn chặn xuất huyết ở búi trĩ nhỏ và khiến chúng teo nhỏ lại. So với phương pháp thắt trĩ bằng vòng cao su, kỹ thuật chống đông có tỉ lệ trĩ tái phát cao hơn.[7]
    • Kỹ thuật này thường được áp dụng cho mô trĩ nhỏ (không áp dụng được phương pháp thắt bằng vòng cao su) hoặc dùng kết hợp với việc thắt trĩ bằng vùng cao su mang đến tỉ lệ thành công đến 97%. [8]
    • Người bệnh chỉ mất một thời gian ngắn (1-2 tuần) để phục hồi sau khi phẫu thuật.[9]
  6. Nghiên cứu việc loại bỏ trĩ. Thủ thuật này gọi là cắt bỏ trĩ. Trĩ nội hoặc trĩ ngoại sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị trĩ nghiêm trọng hoặc tái phát hiệu quả nhất, chữa khỏi cho 95% người bệnh và tỉ lệ biến chứng thấp. [7][4]
    • Thủ thuật cắt bỏ trĩ thường được tiến hành trong trường hợp trĩ nội bị thắt, trĩ nội kết hợp trĩ ngoại, hoặc vấn đề ở trực tràng cần được phẫu thuật.[10] Sau phẫu thuật cắt bỏ trĩ, cơn đau sẽ dữ dội hơn và thời gian phục hồi sau phẫu thuật cũng lâu hơn. [8]
    • Thời gian phục hồi sau phẫu thuật cắt trĩ thường là 2-3 tuần khi kết hợp tái khám. [11]
  7. Cân nhắc phương pháp cắt trĩ bằng kẹp. Trong phương pháp cắt trĩ bằng kẹp, bác sĩ sẽ dùng một thiết bị kẹp để ngăn trĩ xuất huyết hoặc sa trĩ ở vị trí bình thường của búi trĩ. Cắt trĩ bằng kẹp sẽ ngăn tuần hoàn máu đến trĩ, giúp thu nhỏ trĩ.
    • So với phương pháp cắt trĩ, cắt trĩ bằng kẹp có nguy cơ tái phát và sa trực tràng (trực tràng nhô ra khỏi hậu môn) cao hơn.[7][4] Tuy nhiên, so với cắt trĩ thông thường, cắt trĩ bằng kẹp giúp giảm đáng kể cơn đau sau phẫu thuật. [8]

Phòng ngừa bệnh trĩ[sửa]

  1. Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn. Tăng cường tiêu thụ chất xơ có thể ngăn ngừa táo bón - nguyên nhân chính gây trĩ. Chất xơ có nhiều trong rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt. Tăng cường chất xơ giúp làm mềm phân, giúp giảm căng hậu môn khi đại tiên - nguyên nhân chính gây trĩ.
    • Liều bổ sung chất xơ được khuyến nghị là khoảng 20-35 g mỗi ngày, tùy độ tuổi và giới tính. Phụ nữ dưới 51 tuổi cần 25 g chất xơ mỗi ngày, trong khi phụ nữ trên 51 tuổi cần 21 g mỗi ngày. Nam giới dưới 51 tuổi cần 38 g chất xơ mỗi ngày, trong khi nam giới dưới 51 tuổi cần bổ sung 30 g chất xơ.[12]
    • Ngoài ra, bạn có thể tăng cường chất xơ từ nguồn chất xơ không kê đơn như vỏ hạt mã đề (Metamucil, Citrucel).
    • Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn một cách từ từ để tránh đầy hơi.
    • Nếu tăng tiêu thụ chất xơ vẫn không giúp giảm táo bón, bạn nên kết hợp dùng thuốc làm mềm phân như Colace trong thời gian ngắn.[13]
  2. Uống nhiều nước. Bổ sung đủ nước giúp ngăn ngừa táo bón. Bạn nên uống 6-8 cốc nước, mỗi cốc 240 ml mỗi ngày. Nước làm mềm phân và giúp nhu động ruột diễn ra suôn sẻ hơn. Bước này đặc biệt cần thiết cho người đang tăng cường chất xơ vì không uống đủ nước khi tăng tiêu thụ chất xơ có thể gây táo bón hoặc khiến táo bón trở nặng.[7]
  3. Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng nhu động ruột để ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm cân, từ đó giảm áp lực lên trực tràng dưới và hậu môn để ngăn ngừa bệnh trĩ.[7]
    • Nên tập thể dục 30 phút, ít nhất 5 lần mỗi tuần. Bạn có thể chia thành nhiều phiên tập ngắn hơn. Ví dụ, tập thể dục 15 phút, 2 lần mỗi ngày hoặc 10 phút, 2 lần mỗi ngày nếu cảm thấy như vậy dễ hơn. [14]
    • Nên tham gia hoạt động mà bạn thích thú để tăng động lực. Có thể đi bộ sau bữa ăn, đạp xe đi làm hoặc tham gia lớp tập Aerobic vài lần mỗi tuần.
  4. Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu. Nhịn đại tiện có thể khiến táo bón trở nặng và kích thích bệnh trĩ. Bạn nên ở gần nhà vệ sinh khi đến giờ cần đi đại tiện để có thể đi ngay khi cảm thấy có nhu cầu.[7]
    • Nếu sau khi ngồi trên bồn vệ sinh 5 phút mà vẫn chưa thể đại tiện, bạn nên đứng dậy và quay lại sau. Ngồi trên bồn vệ sinh quá lâu có thể khiến bệnh trĩ trở nặng. [15]
  5. Tránh ngồi quá lâu. Ngồi lâu làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng dưới và hậu môn, góp phần gây bệnh trĩ. Nếu công việc buộc phải ngồi nhiều, bạn nên đứng dậy và đi lại dù chỉ trong vài phút khi được giải lao.[7]

Cảnh báo[sửa]

  • Bài viết này cung cấp thông tin liên quan đến bệnh trĩ nhưng không phải là tư vấn y tế. Bạn luôn phải tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách điều trị bệnh tốt nhất.
  • Người bị xuất huyết hậu môn-trực tràng khi uống thuốc làm loãng máu (thuốc chống đống máu) như Warfarin (Coumadin), Clopidogrel (Plavix), Enoxaparin (Lovenox), Rivaroxaban (Xarelto), Dabigatran (Pradaxa) hoặc Apixaban (Eliquis) cần tiếp nhận đánh giá y tế khẩn cấp.
  • Bệnh trĩ không gây đau bụng nên trường hợp xuất huyết hậu môn-trực tràng đi kèm đau bụng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • Trường hợp xuất huyết hậu môn-trực tràng đi kèm triệu chứng chóng mặt, hơi đau đầu hoặc ngất xỉu cũng nên được đánh giá y tế khẩn cấp. Những triệu chứng trên có thể là dấu hiệu mất máu đáng kể và cần được truyền máu.
  • Trường hợp sa trĩ nội không thể đẩy ngược vào hậu môn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
  • Trĩ thuyên tắc gây đau dữ dội cần được đánh giá y tế khẩn cấp và cần làm tan cục máu đông nếu được chỉ định. [1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]