Nghiên cứu mới về cơ chế tác dụng của châm cứu
Mặc dù có nhiều bằng chứng từ xa xưa cho rằng châm cứu có tác dụng trong điều trị nhiều bệnh, từ các bệnh dị ứng đến điều trị giảm hay cắt cơn đau, châm cứu vẫn đối mặt với hai vấn đề cần giải quyết để được chấp nhận rộng rãi. Thứ nhất, nhiều công trình tổng họp nghiên cứu cho rằng còn thiếu dữ liệu lâm sàng đối chứng (giả châm cứu); thứ hai, chưa có một cơ chế khoa học giải thích tác dụng của châm cứu. Chính vì hai lý do này, theo quan điểm của phần đông trong cộng đồng y học hiện đại, châm cứu không được coi là một liệu pháp điều trị thay thế.
Nhóm nhà khoa học tại Đại học Rochester (New York) vừa công bố kết quả nghiên cứu về cơ chế sinh học có thể giúp làm sáng tỏ cơ chế tác dụng của phương pháp chữa bệnh này,
Như chúng ta đã biết, khi mô bị tổn thương sẽ sản sinh adenosine có tác dụng giảm đau. Nhóm nghiên cứu cho rằng adenosine liên quan đến cơ chế tác dụng của châm cứu.
Thí nghiệm được Nedergaard và đồng nghiệp thực hiện như sau: gây đau chân sau của chuột (gây đau cơ giới hay bằng nhiệt) sau đó châm kim vào huyệt túc tam lý (ở phía dưới gò chày ngoài), vê kim. Sau khi châm một giờ, phản ứng với kích thích đau đến chậm hơn. Như vậy châm huyệt túc tam lý có tác dụng làm giảm đau. Các phương pháp nghiên cứu của nhóm cũng xác định được rằng lượng adenosine tăng cao tại vị trí châm. Để khẳng định vai trò của adenosine trong cơ chế tác dụng của châm cứu, các nhà khoa học châm huyệt túc tam lý của chuột thiếu thụ quan đối với adenosine (adenosine receptor). Kết quả, chuột không có đáp ứng như trên.
Vitaly Napadow, nhà thần kinh học tại ĐH Y khoa Harvard (Boston, Massschusettes) cho rằng cơ chế được Nedergaard và đồng nghiệp mô tả có thể giải thích tác dụng giảm đau đầu.
Dominik Irnich , giám đốc trung tâm nghiên cứu đau đa nguyên nhân và cũng là nhà châm cứu tại khoa y ĐH Munich (CHLB Đức) cho biết những nghiên cứu khác về cơ chế tác dụng của châm cứu cho biết các chất như endorphin hay các chất dẫn truyền trung gian thần kinh khác cũng có vai trò trong cơ chế tác dụng của châm cứu. Tuy nhiên Nedergaard cho rằng các chất dẫn truyền trung gian thần kinh có tác dụng với toàn bộ hệ thần kinh trong khi adenosine không có tác động như vậy. Kết luận của bà được đưa ra dựa trên cơ sở kết quả thí nghiệm: nếu châm vào chân không chịu tác động gây đau, adenosine không được sinh ra tại nơi châm.
Edzard Ernst, chuyên gia nghiên cứu các liệu pháp thay thế tại Exter (Anh) tin vào cơ chế này. Tuy vậy, phần còn thiếu ở đây, theo Edzard Ernst, là chứng minh hiệu quả của châm cứu; nếu tác dụng lâm sàng không dựa trên điều trị đối chứng (giả châm cứu) thì cơ chế đưa ra vẫn chưa thỏa đáng.
Jana Sawynok tại ĐH Dalhousie (Canada) cho rằng cafein đã khóa thụ quan adenosine trong nghiên cứu này. Nếu thực sự như vậy, việc thử nghiệm lâm sàng xác định cơ chế tác dụng của châm cứu tại các vùng tiêu thụ nhiều cafein sẽ là vấn đề gây tranh cãi.
Nedergaard cho rằng nghiên cứu của bà và cộng sự có thể tạo tiền đề giúp châm cứu mang lại hiệu quả cao hơn. Nhóm cũng tiến hành kiểm tra tác dụng kéo dài hiệu quả giảm đau khi châm của deoxycoformycin, chất có tác dụng ức chế phân giải adenosine. Thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ được Nedergaard và đồng nghiệp tiến hành.
Theo NatureNews, tháng 6/2010