Nhà nho với dân chủ
Nhà
nho
với
dân
chủ
(năm
1937) của |
Bài báo của Phan Khôi, đăng trên Đông Dương tạp chí số 33, 25 Décembre 1937 (25.12.1937), tờ báo do Nguyễn Giang tục bản. |
Nghe nói dạo trước đây, tại Dân viện Trung Kỳ có một cuộc bỏ thăm phi chính thức để biểu quyết về vấn đề chính thể; kết quả, trong 49 vị dân biểu, 22 lá thăm ngả về trực trị, không địch nổi với 27 lá ngả về lập hiến; phe lập hiến hát bài khải ca vang dậy trên sông Hương.
Nhiều ông thanh niên nghe thấy thế mà không vui, có kẻ đến bứt đầu bứt cổ. Nhưng tôi, hình như tôi đã biết trước được cái kết quả ấy, nên tôi chẳng hề ngạc nhiên chút nào. Một dân tộc trong khi phần rất đông còn ôm những tư tưởng cũ thì có thể nào nghĩ và làm được những sự ích lợi mới? Thứ nhất là chủ nghĩa dân chủ, trong khi tư tưởng của nhà nho còn ngầm ngấm thống trị mọi cái óc Việt Nam thì nó, cái chủ nghĩa ấy, chẳng làm sao thực hiện ra được giữa xã hội Việt Nam.
Nhà nho với dân chủ, hai cái ấy không có thể dung hợp nhau, còn là cừu thù nhau từ đời đức Khổng Tử cho đến đời ông Hà Đằng. Giữa viện Dân biểu Trung Kỳ, ông Hà Đằng làm nghị trưởng, lại thêm bọn các ông Ngô Văn Khải, Nguyễn Đơn Quế, Phan Triệu Khanh, Ngô Đạm, Đặng Cao Đệ, là những cử nhân, tú tài, làm nghị viên; mỗi một người họ lại kéo dăm ba kẻ khác theo mình nữa, linh hồn nhà nho đã thành ra linh hồn của viện, thì phe dân chủ phải thất bại là lẽ tất nhiên.
Đừng lấy làm lạ. Từ hồi nào đến giờ, chúng ta chưa hề có một phen bạo dạn và mạnh mẽ tuyên truyền tư tưởng mới, đánh đổ tư tưởng hủ bại của nhà nho; thứ tư tưởng này nó đâm rễ mọc mầm trong đầu người ta đã sâu rồi thì tự nhiên nó còn vững chãi lắm, dẫu là khi nho giáo đã điêu linh. Lại còn bởi cái nguyên tắc di truyền nữa: trong đám nghị viên có người theo Tây học mà vẫn ôm thứ tư tưởng hủ bại ấy, là vì tiền nhân họ vốn là nhà nho, tư tưởng hủ bại.
Bạn đọc hẳn muốn biết vì sao nhà nho không dung hợp được với dân chủ, hai cái lại còn là cừu thù với nhau. Phải, người Việt Nam ở thế kỷ này, nếu còn chưa biết điều ấy thì nguy hiểm cho cái đời chính trị của mình lắm; phải biết mới được.
Tổ nhà nho là đức Khổng Tử, thì ngài đã nêu ra một cái tiêu biểu quá đáng về sự thờ vua. Trong sự đó hình như có quan hệ với nhân cách, ta rất nên chú ý. Lạ làm sao, cũng đồng là giáo chủ mà các đấng kia uy nghiêm hách dịch bao nhiêu thì đức Khổng Tử lại xù xì lụm thụm bấy nhiêu! Kìa, Thích Ca xưng mình “Trên trời dưới đất, một mình ta là lớn”; Jésus-Christ bảo mình là con của đức Chúa Trời; Mahomet một tay cầm quyển kinh, một tay cầm thanh kiếm. Trước mặt ba vị đó, Khổng Tử chường mình ra, trông rất là thảm hại!
“Khi vào cửa nhà vua, ngài cúi mình xuống dường như chẳng lọt… Vén gấu áo bước lên đền, ngài cúi mình xuống, nín hơi dường như chẳng thở”. Đương thuở đó, lạy vua, người ta đều lạy ở trên đền ; một mình ngài lạy ở dưới. Ngài nói rằng: “Lạy ở dưới mới phải lễ; nay lạy ở trên là kiêu. Mặc dù trái với phần đông, ta cứ việc lạy ở dưới”. Những cái cử chỉ đó chép trong sách Luận ngữ là sách đáng tin. Tôi chẳng biết ngài làm làm chi cho khổ thân đến thế! Chắc lúc ấy cũng có người đã chỉ trích, cho nên có lần ngài phải tự giải rằng: “Thờ vua hết lễ, người ta lại cho là dua nịnh!” Theo con mắt chúng ta ngày nay, sự dua nịnh chẳng biết có hay không, nhưng hai chữ “hết lễ” thì thật chẳng biết đến đâu là giới hạn. Lễ gì lại có lễ: đã lạy, còn phải lạy ở dưới đền, tức là ngoài sân?
Đối với vua, đức Khổng Tử đã như thế, cho nên về sự lập thân hành đạo, ngài cũng trông ở vua chứ không dám cậy ở mình. Như ngài thường nói “nếu có ai dùng” thì ngài sẽ làm thế này thế khác. Dùng mới làm, không dùng thì thôi, cái thái độ ấy thật không dùng được dưới chính thể dân chủ.
Thế rồi đến đối với dân, cố nhiên ngài chủ trương cái chính sách ngu dân (obscurantisme). Đức Khổng nói rằng: “Dân, có thể khiến chúng noi theo, chứ không thể khiến chúng hiểu biết”. (Câu này còn có hai lối cắt nghĩa khác nữa, song gióng theo cả hai học thuyết của Khổng thánh thì duy có cắt nghĩa như thế mới phù hợp với nhau mà thôi).
Xem một thực sự ngài đã làm, càng thấy đức Khổng chẳng những ưa dùng ngu dân chính sách mà còn đến thẳng tay chuyên chế hay độc tài là khác nữa! Ấy là việc ngài mới lên làm quan toà có bảy ngày mà đã giết một viên quan ở triều là Thiếu Chính Mão. Theo ngài lên án thì viên quan ấy chỉ có tội: 1/ ở đâu có đồ đảng theo đó; 2/ nói ra chúng hay nghe; 3/ trái với lẽ phải, một mình một thế. Ấy chính là lập-hội-kết-xã tự do, ngôn luận tự do, tư tưởng tự do vậy! Chỉ có thế mà bị tử tội, đủ thấy ở dưới trị quyền của Khổng Tử, các quyền tự do dân chủ là quyền mà người Việt Nam chúng tôi đương nài xin, đều bị bóc lột. Trên kia nói nhà nho với dân chủ cừu thù nhau, là thế.
Cái giáo dục của đức Khổng lại tuyệt nhiên không phải là bình dân giáo dục nữa. Coi như sách Đại học, ngài chỉ dạy những việc tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, là việc của vua và các quan mà thôi; trong sách của ngài chưa hề nói đến phận sự làm một người dân phải thế nào. Rất đỗi đến cái vấn đề dân sinh ngài cũng không thèm giảng đến nữa. Có lần đệ tử của ngài là Phàn Trì xin học cấy lúa làm vườn, ngài đều không bảo cho. Khi Phàn Trì ra khỏi, ngài kêu tên tục ông ấy mà mắng rằng: “Thằng Phàn Tu thật là tiểu nhân thay! Người trên ưa lễ thì dân chẳng ai dám chẳng kính; người trên ưa nghĩa thì dân chẳng ai dám chẳng phục; người trên ưa tín thì dân chẳng ai dám chẳng dụng tình: Được thế thì các dân ở bốn phương đều cõng mang con cái nó mà đến, lọ phải cấy lúa làm chi?” Tôi dẫn đoạn sách đó vào đây để làm chứng chắc chắn rằng đức Khổng chỉ dạy cho một hạng người chực làm “người trên”, còn việc dân sinh như cấy lúa, làm vườn thì trối mặc, quả là hợp với cái ngu dân chính sách của ngài. Điều này cũng trái nhau với chủ nghĩa dân chủ nữa, vì theo chủ nghĩa ấy, trước hết phải lấy sự giáo dục công dân làm gốc.
Khổng Tử là thế, nhà nho là thế! Hạ mình một cách thái quá trước mặt vua, và khinh miệt một cách thậm tệ sau lưng dân. Chính ông giáo chủ đã tỏ bày ra cái thái độ như vậy, và cái thái độ ấy rất rõ ràng trong các sách.
Bên Tàu từ xưa có ba cái đạo đã thành lập, tức là Khổng, Lão, Mặc. Đạo Lão ít thịnh, còn đạo Mặc đã diệt vong rồi, là tại không có cái thái độ như đạo Khổng. Khổng giáo thịnh hành ở Trung Quốc hai ngàn năm nay, chẳng có cớ gì khác hơn nó làm lợi cho nhà vua, nhà vua tin dùng nó. Dù kém uy nghiêm hách dịch nhưng được vinh quang trường cửu, cái mánh khoé ở đời cũng khôn khéo lắm chứ phải chơi đâu!
Khổng giáo với dân chủ đã thế, không lẽ nào tín đồ của nó lại chịu làm trái giáo nghĩa đi mà thoả hiệp riêng. Bởi vậy mà dăm ba mươi năm nay, từ ngày cái chủ nghĩa dân chủ ở phương Tây truyền sang phương Đông, nó chẳng những không được nhà nho hoan nghinh mà còn luôn luôn bị họ phản đối và cự tuyệt.
Ở bên Tàu đã nghiệm thấy điều đó trước nhất. Trong lúc Tôn Văn lập những Hưng trung Hội, Đồng minh Hội, cổ xuý cuộc cách mạng cộng hoà, thì thầy trò Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu lập Bảo hoàng Hội để duy trì cái ngôi vua của nhà Mãn. Mở lý lịch họ ra mà xem, Khang là tiến sĩ, Lương là cử nhân, đều nhà nho đặc, thì còn đợi gì nữa mà chẳng bài xích cái chủ nghĩa dân chủ của Tôn Trung Sơn, học sinh tốt nghiệp ở một trường y học Thái Tây?
Phải chi cái công việc Khang, Lương làm đó mà thành, thì ta có thể bảo họ chẳng qua tuỳ thời để lập công danh. Nhưng họ đã thất bại, mỗi người đã bị rao mua cái đầu đến mười vạn bạc, lẩn lút ra ngoại quốc mới khỏi chết. Điều ấy chứng tỏ rằng họ đã liều mình theo chủ nghĩa, theo tư tưởng: bảo hoàng mà đến chết là họ cũng bảo hoàng! Chẳng vậy mà sáu ông nhà nho nữa, gọi là “lục quân tử” cũng trong đám Khang Lương, đã cùng nhau làm hy sinh cho chủ nghĩa, đồng một ngày bị phơi thây ra giữa chợ sau cơn chính biến năm Mậu Tuất. [1]
Thế cho biết họ dốc lòng thờ vua, dù có thiệt thòi đến tính mạng cũng lăn vào mà thờ cho kỳ được, nhà nho đã nhiễm sâu cái tư tưởng của đức Khổng mà có cái hoài bão trung thành chân xác như thế, thì họ không có thể thoả hợp được với chủ nghĩa dân chủ, ta cũng không nên trách họ làm chi.
Ở nước ta, ngoài cái trường hợp ông Hà Đằng còn có trường hợp khác nữa để chứng minh nhà nho với dân chủ là không thể dung nhau. Nhưng tôi thấy lý thuyết ấy đã rõ ràng chắc chắn quá lắm rồi, không cần phải viện thêm ra nữa. Chỉ trừ ra một vài người như ông Phan Chu Trinh, đã thoát được tư tưởng hủ bại thì mới có khuynh hướng về dân chủ. Trái lại, một người Tây học mà ông cha là nhà nho, thì, như tôi đã nói, có lẽ người ấy lại vì lẽ di truyền mà có cái khuynh hướng bảo hoàng.
Sự lý rành rành ra giữa đó, bây giờ chúng ta nên làm thế nào? Chúng ta nên làm thế nào trong khi các dân tộc khác đều ngả về dân chủ và chúng ta lại thấy dân chủ là có lợi?
Tuyên truyền dân chủ chăng? Một việc đó mà thôi, không đủ. Chúng ta phải hết sức tảo trừ những tư tưởng hủ bại của nhà nho, tức là của đức Khổng Tử mà trong bài này tôi đã kể ra một mớ. Hễ tư tưởng nhà nho còn thống trị cái óc mọi người thì tư tưởng dân chủ không thể nảy sinh ra được.
Chúng ta chớ thấy chữ Hán đã bỏ rồi[2] mà tưởng rằng Nho giáo không còn có ảnh hưởng nữa giữa người Việt Nam chúng ta. Chính ở giữa xã hội ta ngày nay, hầu hết mọi việc đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ trước. Chúng ta phải chọn ra cái nào hủ bại thì tẩy nó đi.
Chú thích cuối trang[sửa]
Tác
phẩm
này
thuộc
phạm
vi
công
cộng
vì
thời
hạn
bảo
hộ
bản
quyền
của
nó
đã
hết
ở
Việt
Nam.
Nếu
là
tác
phẩm
khuyết
danh,
nó
đã
được
công
bố
lần
đầu
tiên
trước
năm
1960.
Đối
với
các
loại
tác
phẩm
khác,
tác
giả
(hoặc
đồng
tác
giả
cuối
cùng)
của
nó
đã
mất
trước
năm
1974.
(Theo
Điều
27,
Luật
Sở
hữu
trí
tuệ
Việt
Nam
sửa
đổi,
bổ
sung
2009
bắt
đầu
có
hiệu
lực
từ
năm
2010
và
điều
khoản
kéo
dài
bản
quyền
đối
với
tác
phẩm
khuyết
danh
từ
50
thành
75
năm
nhưng
không
hồi
tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam) |