Nhân giống cây mọng nước từ lá

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhân giống cây mọng nước từ lá là một công việc đơn giản với vài bước thực hiện và một số công cụ. Một chiếc lá khỏe mạnh sau khi được cắt ra sẽ tự động đâm rễ, và một cây mới sẽ mọc lên. Cây mọng nước là một món quà đáng yêu, một cách tuyệt vời để chào đón người hàng xóm mới đến, là những vật trao đổi giữa bạn bè và các nhà làm vườn. Việc nhân giống cây mọng nước từ lá khá dễ dàng, nhưng không phải bất cứ lá nào cũng mọc được, vì thế bạn nên thử trồng mỗi lần ít nhất hai lá.

Các bước[sửa]

Ngắt lá và hong khô[sửa]

  1. Chọn đúng thời điểm. Thời điểm tốt nhất để nhân giống cây mọng nước là khi thân cây phát triển cao và cứng ở gần gốc. Điều này thường xảy ra khi cây không nhận đủ ánh sáng, do đó nó mọc cao hơn và những chiếc lá bắt đầu vươn ra xa để tìm ánh sáng.[1]
    • Cây mọng nước có thân dài gọi là cây gầy.
    • Sử dụng lá gần gốc cây, để lại những chiếc lá nhỏ và non ở gần ngọn cây.
  2. Chọn những chiếc lá khỏe mạnh. Kế hoạch nhân giống cây của bạn sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu bạn có những chiếc lá tươi tốt từ cây mẹ. Để có những chiếc lá cây mọng nước khỏe mạnh cho việc nhân giống, bạn cần tìm lá có những đặc điểm như sau:[2]
    • Màu sắc đồng nhất, không bị biến màu
    • Không bị rách hoặc sứt sẹo
    • Không có dấu hoặc đốm
    • Đầy đặn và căng mọng
  3. Vặn lá rời khỏi thân cây. Cách tốt nhất để lấy lá nhân giống là nhẹ nhàng ngắt bằng tay. Dùng ngón cái và ngón trỏ nắm vào lá. Giữ chặt nhưng nhẹ nhàng ở gần cuống lá, nơi lá gắn với thân cây. Khẽ vặn qua vặn lại đến khi chiếc lá rời ra.[3]
    • Cầm ở cuống lá để tránh bị gãy. Toàn bộ cuống lá phải tách rời khỏi thân, nếu không nó sẽ chết.
  4. Để cho lá khô vết thương. Sau khi ngắt lá khỏi thân, bạn hãy để lá trên một chiếc khăn hoặc tấm giấy nến dùng để nướng bánh. Đặt vào nơi ấm áp có ánh nắng mặt trời gián tiếp cho khô. Chờ khoảng ba đến bảy ngày cho đến khi vết thương trên lá lành lại và một lớp chai hoặc vảy hình thành bên ngoài.
    • Nếu bạn cắm lá xuống đất trước khi vết thương lành, chúng sẽ thối rữa và chết trước khi mọc thành cây.[1]

Cho cây ra rễ mới[sửa]

  1. Nhúng những chiếc lá đã đóng vảy vào hormone kích thích ra rễ. Rót hormone kích thích ra rễ vào một chiếc bát nhỏ. Dùng khăn ẩm lau đầu đóng vảy của lá để làm ẩm một chút. Nhúng vào hormone kích thích ra rễ. Đào một hốc nhỏ trong chậu đất và chấm nhanh đầu lá vừa nhúng hormone xuống đất. Dùng ngón tay vỗ đất xung quanh đầu lá.
    • Hormone ra rễ không phải là nhất thiết phải có trong quá trình nhân giống cây mọng nước bằng lá, nhưng nó sẽ giúp ra rễ nhanh hơn và khả năng thành công cũng cao hơn.[4]
  2. Đặt lá trên mặt đất. Đổ đất trồng cây xương rồng hoặc cây mọng nước (hoặc cát ẩm) vào một chiếc khay nông. Đặt lá cây lên mặt đất, mặt đóng vảy hướng lên trên, không để chạm đất.
    • Điều quan trọng là dùng đất trồng xương rồng hoặc cây mọng nước, vì những cây này cần loại đất thoát nước tốt để phát triển khỏe mạnh.
    • Bạn cũng có thể tự làm đất bằng cách trộn cát, đá trân châu và đất trồng cây với tỷ lệ bằng nhau.[4]
  3. Cung cấp nhiều ánh sáng gián tiếp cho lá. Hầu hết các loài cây mọng nước là cây sinh trưởng trong vùng sa mạc, điều này có nghĩa là cây trưởng thành cần nhiều ánh nắng toàn phần. Nhưng những chiếc lá đang được nhân giống sẽ cần ánh nắng gián tiếp cho đến khi cây cứng cáp.[3]
    • Đặt lá cạnh cửa sổ ấm áp không có nhiều ánh nắng trực tiếp, hay ở nơi có cây cối hoặc mành cửa che bớt nắng.
  4. Phun sương hàng ngày cho đến khi lá cây đâm rễ. Cây mọng nước đang mọc rễ cần nhiều nước hơn cây trưởng thành, nhưng quá nhiều nước cũng sẽ khiến chúng thối rữa và chết. Thay vì tưới, bạn nên dùng bình xịt để phun sương xuống đất hàng ngày. Mặt đất chỉ cần đủ độ ẩm.[4]
    • Nếu sống trong vùng có độ ẩm cao, có thể bạn không cần phun sương cho lá khi chúng đang ra rễ.
  5. Lấp đất lên rễ. Sau khoảng 4 tuần, lá cây sẽ mọc ra các rễ nhỏ màu hồng từ vết cắt. Bạn hãy rắc một lớp đất mỏng lên rễ cây để chúng khỏi bị khô.[5]
    • Khi rễ cây đã được lấp đất, chúng sẽ tiếp tục mọc thành cây mọng nước mới. Khi cây mới bắt đầu mọc ra lá riêng của nó, bạn có thể trồng cây vào chậu.

Trồng và chăm sóc cây mọng nước[sửa]

  1. Cắt rời chiếc lá mẹ ra khỏi cây. Cuối cùng, các cây sẽ bắt đầu bén rễ và cây mới sẽ ra lá của nó. Chiếc lá mẹ mà bạn sử dụng để nhân giống sẽ héo úa. Nhẹ nhàng vặn và dứt lá mẹ ra khỏi cây mới. Cẩn thận, kẻo bạn làm hỏng bộ rễ non của cây.
    • Khi chiếc lá mẹ đã héo là lúc bạn có thể trồng từng cây con vào một chậu riêng.[6]
  2. Chuẩn bị các chậu nhỏ thoát nước tốt. Bạn có thể bắt đầu bằng các chậu nhỏ khoảng 5 cm có lỗ thoát nước dưới đáy. Cây mọng nước sẽ sống tốt hơn trong các chậu nhỏ hơn là chậu to. Rải một lớp sỏi dưới đáy chậu để tăng khả năng thoát nước. Sau đó đổ đầy chậu với hỗn hợp đất trồng cây mọng nước bán sẵn hoặc tự làm.
    • Môi trường lý tưởng cho cây mọng nước là hỗn hợp cát, đá trân châu và đất trồng cây với tỷ lệ bằng nhau.
    • Bạn cần trồng mỗi cây mọng nước vừa được nhân giống vào một chậu riêng.
  3. Trồng cây. Dùng ngón tay chọc một lỗ giữa chậu đất. Đặt cây vào lỗ và gạt đất để che phủ rễ.
    • Cây mọng nước cần thời gian một năm để đạt tới kích thước bình thường. Khi chúng lớn lên, bạn có thể chuyển sang các chậu to hơn.[5]
  4. Tưới khi thấy đất khô. Khi cây mới mọc đã ra rễ và được trồng, bạn cần ngưng phun sương hàng ngày và chuyển sang chế độ tưới nước cho cây trưởng thành. Chờ cho đất khô hoàn toàn giữa mỗi lần tưới, và chỉ tưới khi cần thiết.
    • Khi tưới cho cây mọng nước, bạn hãy tưới đẫm cho đất ướt hoàn toàn.[7]
  5. Cung cấp nhiều ánh nắng mặt trời cho cây. Sau khi trồng cây mới, bạn có thể chuyển chúng ra vị trí ấm áp có nhiều ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Cửa sổ hướng nam và hướng đông sẽ nhận được nhiều ánh nắng nhất nếu không bị che lấp.[8]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Cây mọng nước khỏe mạnh
  • Giấy nến dùng để nướng bánh
  • Hormone kích thích ra rễ
  • Bát nhỏ
  • Khay nông
  • Đất trồng xương rồng hoặc cây mọng nước
  • Bình xịt
  • Chậu nhỏ thoát nước tốt
  • Sỏi

Nguồn và Trích dẫn[sửa]