Nhận biết tính ích kỷ

Từ VLOS
(đổi hướng từ Nhận biết Tính ích kỷ)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chẳng ai muốn bị người khác nói mình là người ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết quan tâm đến lợi ích của bản thân họ mà không quan tâm tới người khác.[1] Tất cả chúng ta đều muốn nghĩ rằng mình là con người biết đồng cảm và có lòng trắc ẩn, biết tôn trọng cảm xúc của người khác cũng như của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ vướng vào thói quen chỉ biết chăm lo cho bản thân mà quên đi những người xung quanh. Nếu nhận biết được các phẩm chất đặc trưng của một người ích kỷ, bạn có thể thay đổi thói quen và lối suy nghĩ của mình sao cho biết tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của người khác hơn.

Các bước[sửa]

Xác định Bản thân có Ích kỷ hay không[sửa]

  1. Xem xét các buổi nói chuyện. Tính ích kỷ thường lộ rõ nhất khi tương tác với người xung quanh. Nếu biết chú ý hơn tới bản chất và những diễn biến trong các lần nói chuyện với người khác, bạn có thể nhận ra được mình có ích kỷ hay không. Sau khi nói chuyện, hãy tự hỏi bản thân những câu sau:
    • Ai nói nhiều nhất?
    • Ai có khuynh hướng “dẫn dắt” hay chi phối buổi nói chuyện?
    • Bạn đã thu thập được những thông tin gì về đối phương?
    • Bạn có hỏi câu nào về đối phương mà không liên quan đến cuộc sống hay trải nghiệm của bạn?
  2. Đánh giá kỹ năng lắng nghe.[2] Những người ích kỷ có khuynh hướng đẩy nội dung buổi nói chuyện về bản thân họ. Nếu là người ích kỷ bạn sẽ không tỏ ra lắng nghe những điều người khác nói. Hãy đánh giá xem có phải bạn là người chịu lắng nghe, biết tham gia vào vấn đề của người khác hay không, thay vì chỉ chờ tới lúc dừng để lái chủ đề về phía mình.
    • Bạn có nghe những gì họ nói và cách họ diễn đạt không? Cô ấy có kể bạn nghe điều gì mới mà bạn chưa biết không? Bạn có đặt câu hỏi, gật đầu hay tỏ vẻ công nhận những gì cô ấy nói để kéo dài câu chuyện? Nếu cô ấy buồn, bạn có để ý thấy không? Nếu có thì mất bao lâu bạn mới nhận ra cô ấy buồn?[3]
  3. Để ý đến cảm xúc của mình sau khi tương tác với người khác. Bạn có cảm thấy buổi nói chuyện giống như cuộc tranh đua? Bạn có phải giành giật thời gian để nói, hay phải xen ngang hoặc nói át người khác để nêu ra ý kiến của mình? Bạn có thấy cần phải làm câu chuyện của mình thêm phần mãnh liệt hơn so với người khác? Đây có thể là dấu hiệu của sự ích kỷ.
    • Một dấu hiệu khác cho thấy bạn ích kỷ là quá tập trung chứng minh mình đúng, hoặc cố giành phần thắng khi tranh luận, thay vì thông cảm cho hoàn cảnh hay quan điểm của người khác.[4]
    • Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hay cạn kiệt sức lực sau khi nói chuyện, hoặc có tâm trạng không vui hay hờn dỗi như thể vừa mới “thua cuộc” trong buổi nói chuyện, đó là dấu hiệu của sự ích kỷ.
  4. Nghĩ xem đã dành bao nhiêu thời gian để quan tâm đến cảm xúc của người khác. Một dấu hiệu kinh điển của sự ích kỷ đó là không thể đặt mình vào vị trí của người khác.[5] Nếu bạn ít khi nghĩ xem bạn bè hay người thân của mình đang cảm thấy thế nào thì cũng chứng tỏ bạn ích kỷ. Đương nhiên ai cũng cần cảm giác hạnh phúc và vừa ý, điều đó hoàn toàn bình thường nhưng bạn cũng đừng bao giờ phớt lờ hay coi như không có người khác (đặc biệt những người thân yêu của bạn).
    • Nếu bạn thường xuyên làm người khác buồn bằng lối hành xử của mình và không để ý đến cảm xúc của họ, khi đó bạn cần xem xét lại bản thân để xây dựng sự đồng cảm với họ và bớt quan tâm đến mình.
  5. Liệu bạn có dành quá nhiều thời gian trong các dịp hội họp, xã giao ngoài xã hội để tự hỏi người khác nghĩ thế nào về mình. Người ích kỷ thường muốn mình trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, đáng yêu hay xuất chúng sau các dịp xã giao với người khác. Đó có thể là dấu hiệu ích kỷ nếu bạn thường xuyên kết thúc các buổi nói chuyện với suy nghĩ bạn đã tỏ ra khôn khéo hay tuyệt vời, mà không mảy may nghĩ xem người đối diện thế nào.
    • Bạn có thường xuyên xào trộn lại những gì đã nói, nhớ xem mình đã làm người khác cười bao nhiêu lần, hoặc nghĩ về người nào đó đã bị bạn lôi cuốn? Đây là những tính chất của sự ích kỷ.
  6. Đánh giá phản ứng của mình trước những lời phê bình hay phản hồi mang tính xây dựng.[6] Người ích kỷ có khuynh hướng không tin tưởng hay bác bỏ ý kiến của người khác. Dù ý tưởng chung là không nên để những đóng góp không thiện chí làm ảnh hưởng đến mình, nhưng bạn sẽ phá hỏng công việc và các mối quan hệ cá nhân nếu không bao giờ lắng nghe hay tôn trọng ý kiến của người khác. Hãy chú ý đến phản ứng của bạn trước phản hồi của đối phương, đánh giá xem những phản ứng đó có mang tính tự vệ hay tức giận thay vì cố gắng chấp nhận quan điểm của người khác.
  7. Bạn có thường đổ lỗi cho người khác khi có sự cố. Nếu bạn quên thanh toán tiền hóa đơn hay một dự án nào đó không thể hoàn thành đúng tiến độ, bạn có mặc nhiên đổ lỗi cho mọi người không?[7] Nếu đó là phản ứng tự nhiên thì có thể bạn là người ích kỷ và bạn thực sự tin rằng mình không thể mắc lỗi hay phạm sai lầm.[8]
  8. Cân nhắc sự khác biệt về tuổi tác. Các nghiên cứu cho thấy giới trẻ ngày nay ích kỷ hơn các thế hệ trước đó.[9][10] Thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 tới 2000, đó là lúc thế giới đang gặp nhiều cơn khủng hoảng và điều đó tác động sâu sắc tới cuộc sống của họ. Lối cư xử ích kỷ hiện nay có thể là cách để họ đương đầu với các khó khăn.
    • Nếu để sang một bên những khác biệt về mặt thế hệ thì không ai muốn giao du với người chỉ biết quan tâm đến mình hay phớt lờ lợi ích của người khác. Bạn cần học cách cư xử để thể hiện mình cũng biết suy nghĩ và lo lắng cho người khác, đó không nhất thiết là bản chất vốn có mà có thể rèn luyện được, và không bao giờ quá trễ để thay đổi lối ứng xử của mình.

Từ bỏ Cách Ứng xử Ích kỷ[sửa]

  1. Đừng mong đợi được ca tụng. Người ích kỷ thường muốn được người khác khen ngợi. Do đó nếu bạn không chỉ thích mà còn sống vì chúng thì chứng tỏ bạn đang ích kỷ. Vấn đề hoàn toàn bình thường nếu bạn chỉ xem lời khen là một niềm vui bất ngờ, nhưng nếu có cảm giác đang bị họ nợ một lời khen chỉ vì bạn quá tuyệt vời thì đó là tính ích kỷ.
    • Lời khen chỉ nên là “phần thêm” vào để giúp bạn vui vẻ và có động lực hơn, đó không thể là mong đợi cần đạt tới.
  2. Hãy linh động trong cách giải quyết công việc. Nếu bạn thấy khó chấp nhận các cách giải quyết khác trong công việc, điều đó cho thấy bạn tin rằng mình là người duy nhất biết rõ cách làm. Cho dù đó là việc lên kế hoạch cho một dự án hay tổ chức khiêu vũ tại trường học, nếu bạn nghĩ mình biết rõ cần làm gì và không thích người khác chiếm mất dây cương, đó là dấu hiệu bạn cần linh động hơn trong cách giải quyết. Có thể bạn ghét cảm giác không được người khác tin tưởng đối với công việc nào đó, hoặc khó chấp nhận người khác đúng, nhưng nếu có thể làm như vậy bạn sẽ trở thành một người cởi mở hơn.
    • Ví dụ, nếu bạn cảm thấy tức giận, bực mình hay điên tiết vì ai đó đang cố làm trái ý bạn, ngay cả khi đó là một cộng sự cùng làm việc chung trong dự án và bạn không thích ý tưởng mới anh ta đưa ra, chính cái tôi đang làm cản trở sự tiến bộ của bạn.
  3. Từ bỏ thói quen ghen tị khi người khác được khen.[11] Những người ích kỷ khó có cảm giác hạnh phúc cho người khác khi họ được khen ngợi. Nếu ai đó trong số những người bạn quen được khen thưởng, chẳng hạn một người anh hay em được tán dương vì nhận được điểm số cao hay đồng nghiệp của bạn kết thúc thành công một dự án, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy vui mừng cho họ. Ngược lại, nếu có cảm giác ghen tị, bực tức hay rối bời vì không hiểu vì sao mình không được tuyên dương, khi đó bạn cần xem lại tính ích kỷ của mình.
  4. Bạn có nhớ ngày sinh nhật, các thời điểm quan trọng hay những sự kiện trọng đại trong cuộc đời người khác. Nếu bạn thường hay quên ngày sinh nhật, lễ tốt nghiệp, lễ nhậm chức hay những sự kiện quan trọng của người khác, nhưng lại mong họ nhớ những ngày đó của mình, đó là bởi vì bạn quá tập trung vào bản thân. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều có những lúc quên như vậy, nhưng nếu điều này diễn ra thường xuyên thì đó là dấu hiệu của sự ích kỷ.
    • Xem xét lại thói quen sắp xếp công việc. Nếu bạn hay quên những sự kiện đó, đồng thời cũng không nhớ các cuộc hẹn hay buổi họp, thì đó có thể là do tính cách bừa bộn không biết tổ chức công việc. Hoặc nếu bạn mắc chứng Rối loạn Thiếu Chú ý hay Rối loạn Tăng động Thiếu Chú ý thì tính hay quên này có thể bắt nguồn từ căn bệnh đó, không phải vì ích kỷ.
  5. Kết bạn với nhiều người có tính cách khác nhau.[12] Người ích kỷ không thích kết bạn với những người thân thiện hòa đồng, người nói lớn tiếng hay có nhiều bạn bè. Họ không muốn phải tranh giành sự chú ý về phía mình và do đó muốn được ở một mình trong tâm điểm. Người ích kỷ không thích đứng cạnh người có bề ngoài đẹp hơn hay hấp dẫn hơn, do đó họ kết bạn với những ai trầm tính hay e thẹn, để có thể làm tâm điểm của buổi diễn. Nếu phát hiện mình có khuynh hướng này thì bạn nên cố gắng kết thân với nhiều người có tính cách khác nhau. Bạn nên dành thời gian giao lưu với cả những người hòa đồng và người có lối sống khép kín, cần học cách tương tác với nhiều loại người khác nhau.
    • Điều này cũng đúng với quan hệ nam nữ. Nếu bạn không thích hẹn hò với người nổi trội hơn mình, đó có thể là vì bạn sợ người khác không còn để ý tới mình.
  6. Hãy tốt bụng với mọi người. Người ích kỷ có khuynh hướng thô lỗ với người khác vì thái độ xem thường họ. Nếu bạn nói chuyện cộc lốc với các nữ bồi bàn, khiếm nhã với đồng nghiệp hay tới trễ cả tiếng đồng hồ trong các buổi hẹn ăn tối với bạn bè, thì đó là tín hiệu cho thấy họ không xứng đáng được bạn chú ý hay tốn thời gian. Dù đó không phải là ý định của bạn nhưng cách ứng xử này khiến bạn dường như ích kỷ hơn và chỉ biết quan tâm đến mình.
    • Người ích kỷ sẽ rất khó chịu khi bị ngược đãi, dù họ thường xuyên lạnh lùng với người khác mà thậm chí không nhận ra sự đạo đức giả của mình. Nếu mình mong muốn được đối xử thế nào thì hãy đối xử với người khác như vậy, đó là cách để bạn xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp và tạo hình ảnh tích cực trong mắt người khác.

Quan tâm đến Mọi người[sửa]

  1. Biết chú ý hơn. Hầu hết chúng ta đều không nhận thức rằng mình đang hờ hững với người khác và cảm xúc của họ. Bạn có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách xem lại cách ứng xử của mình và tự quan sát bản thân.[13] Một khi đã nhận thức được các hành vi thì bạn có thể điều chỉnh chúng cho phù hợp hơn, và để làm được điều đó bạn cần tự hỏi những câu dưới đây sau mỗi lần gặp gỡ nói chuyện với bạn bè:
    • “Tôi đã làm gì để buổi nói chuyện không chỉ xoay quanh đề tài về bản thân hay các sở thích của cá nhân?”
    • “Tôi biết thông tin gì về đối phương, cảm xúc của họ thế nào, tình hình cuộc sống ra sao?”
  2. Bắt đầu đặt câu hỏi mỗi khi giao du hay hội họp với người khác. Việc đặt các câu hỏi cho người khác chứng minh bạn đang tham gia tích cực vào câu chuyện của họ. Nếu đang nói chuyện với bạn hay người quen thì bạn nên hỏi xem họ cảm thấy thế nào về tình huống đó, họ đã đạt được mục tiêu hay hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn bằng cách nào. Người ta rất thích khi biết họ đang được quan tâm, được tìm hiểu về cách xử lý các tình huống trong cuộc sống. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên với lượng thông tin nhận được từ phía họ nếu bạn biết cách đặt các câu hỏi mở và đặt chúng đúng chỗ.[14]
    • Trong các tình huống công việc, bạn có thể hỏi trực tiếp đồng nghiệp của mình về cách hoàn thành một dự án. Trong trường hợp này, bạn phải chú ý lắng nghe đề xuất của cô ấy, đừng ép cô ấy phải chấp nhận ý tưởng của mình.[15]
  3. Xin lỗi khi làm tổn thương người khác. Người ích kỷ thường không quan tâm đến việc họ đang làm tổn thương người khác, một phần vì họ không để ý tới cảm xúc của người nghe. Nếu bạn đang cố sửa đổi tính ích kỷ của mình thì hãy đặt bản thân vào vị trí của người nghe và xin lỗi nếu đã làm điều gì khiến họ buồn.
    • Xin lỗi một cách chân thành. Những gì bạn nói không quan trọng bằng việc bạn thật sự cảm thấy hối tiếc và cảm thông cho họ.[16] Nếu bạn không quen với việc xin lỗi hay thể hiện sự cảm thông với người khác thì lời xin lỗi có thể nghe hơi lạ tai, nhưng cũng không sao. Từ từ bạn sẽ quen hơn và cơ hội để phải nói lời xin lỗi cũng ít dần theo thời gian.
  4. Hãy để tâm vào buổi nói chuyện. Cẩn thận đừng xen vào để kể về kinh nghiệm của mình trước khi người khác đã nói xong phần của họ. Hãy lắng nghe những gì họ nói và dựa vào đó để tiếp tục câu chuyện, cho dù bạn không có cơ hội để đóng góp câu chuyện của riêng mình. Bạn nên chú tâm nghe để có thể lập lại vấn đề, nhớ được những lời nói quan trọng của họ.[15]
    • Thói quen này sẽ khiến người nói nhận ra bạn đang lắng nghe và tôn trọng họ. Đừng khư khư một quan điểm cứng nhắc trước buổi nói chuyện, mà hãy để quan điểm và ý tưởng của người khác thuyết phục bạn. Hãy tận tâm lắng nghe để có thể tóm tắt nội dung câu chuyện và hiểu được cảm nghĩ của họ trong tình huống đó.[15]
  5. Thực sự quan tâm đến người khác. [17] Bắt đầu suy nghĩ và quan tâm đến bạn bè cho dù bạn không ở cùng họ. Nếu một người quen của bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn, bạn hãy gởi một tin nhắn hay làm điều tốt gì đó cho cô ấy để chứng tỏ bạn vẫn đang suy nghĩ về họ. Hãy nhớ những gì họ nói trong lần gặp mặt gần nhất, và sau đó tiếp tục hỏi han hay bình luận về vấn đề này. Hãy thử làm những việc nhỏ nhưng chứng minh bạn có quan tâm. Ví dụ, nhấc điện thoại hỏi thăm để cho thấy bạn cũng quan tâm tới vấn đề đang làm họ phiền lòng hoặc ngược lại.[18]
    • Đừng chỉ nói suông rằng bạn ủng hộ hay quan tâm đến họ, mà hãy thể hiện thông qua hành động. Điều này không chỉ bao gồm việc lắng nghe mà còn phải cố gắng làm điều gì đó để đề cao ý kiến của họ.[18] Ví dụ, ban có thể xin cô ấy cho ý kiến về một thương vụ mua sắm lớn mà bạn đang cân nhắc, việc xin lời khuyên từ người khác sẽ khiến họ cảm thấy mình có giá trị hơn.
  6. Làm điều gì đó cho người khác. Tạm dừng suy nghĩ về bản thân và nên làm việc tốt cho những người đang cần giúp đỡ. Bạn có thể cân nhắc tham gia làm việc tình nguyện cho một tổ chức từ thiện hay một cơ sở phát thức ăn miễn phí. Hãy tập làm những công việc mà không cần được đền đáp, đây là cách xây dựng lòng cảm thông, cũng như sự quan tâm tới những người xung quanh.[19]
    • Hãy chắc chắn rằng bạn quý trọng tình bạn vì bản chất thực sự của nó, không phải vì những lợi ích mà tình bạn có thể mang lại. Hãy ngừng ngay việc lợi dụng con người hay lợi dụng các hoạt động cho mục đích cá nhân.
  7. Giữ lòng tự trọng và yêu quý bản thân ở mức độ phù hợp. Ranh giới giữa việc yêu quý bản thân và sự ích kỷ rất khó xác định.[20] Thật sự bạn cần phải yêu và công nhận cái tôi của mình, đồng thời phải chắc chắn người khác lắng nghe lời nói của bạn. Lòng tự trọng giúp người khác tôn trọng bạn và tránh cho bạn bị tổn thương, nhưng không có nghĩa bạn có thể lợi dụng người khác.
    • Điều quan trọng trong khái niệm tự yêu quý bản thân chính là tìm sự cân bằng. Nếu có lòng trắc ẩn với bản thân cũng như với những người xung quanh thì bạn sẽ không bị xem là ích kỷ.

Lời khuyên[sửa]

  • Đọc sách về đề tài tăng lòng tự trọng, khống chế cơn tức giận và cách để kiên nhẫn. Hãy nhớ có rất nhiều tài nguyên có sẵn để bạn tham khảo.
  • Nếu mọi người nói bạn ích kỷ thì đừng nghĩ đơn giản rằng họ là người thô lỗ, ghen tị và gạt họ đi. Bạn có thể làm họ tổn thương, vì vậy hãy xem đó là cách họ muốn bạn dừng lại, không phải để sỉ nhục bạn.
  • Tỏ ra tôn trọng và đồng cảm với suy nghĩ hay ý kiến của người nói. Nếu ý kiến đó không phù hợp với quan điểm của bạn thì hãy nhẹ nhàng và tế nhị giải thích cho họ chỗ nào đúng, chỗ nào sai.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng ngạc nhiên nếu người khác cố ý tạo khoảng cách với bạn và không muốn xuất hiện ở những nơi bạn tới. Đây là cách đối xử bình thường vì những người không ích kỷ biết rằng họ không thể thay đổi con người bạn. Hãy xem việc họ vắng mặt là dấu hiệu cho thấy sự ích kỷ của bạn đã quá mức chịu đựng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.merriam-webster.com/dictionary/self-absorbed
  2. http://extension.missouri.edu/p/CM150
  3. http://changingminds.org/techniques/listening/bad_listening.htm
  4. https://www.psychologytoday.com/blog/the-mindful-self-express/201109/how-keep-your-cool-competitive-people
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/stop-walking-eggshells/201201/lack-empathy-the-most-telling-narcissistic-trait
  6. http://psychologytoday.tests.psychtests.com/take_test.php?idRegTest=1612
  7. https://www.psychologytoday.com/blog/communication-success/201411/how-stop-blaming-others-and-be-free-and-powerful
  8. http://www.mdjunction.com/forums/aging-discussions/general-support/10184264-psychological-projectionblaming-others-for-our-shortcomings
  9. https://www.psychologytoday.com/blog/what-the-wild-things-are/201006/are-today-s-youth-even-more-self-absorbed-and-less-caring
  10. http://www.joshuadfoster.com/twengefoster2008jrp.pdf
  11. http://psychcentral.com/blog/archives/2014/03/04/8-healthy-ways-to-deal-with-jealousy/
  12. http://www.ptdirect.com/training-design/exercise-behaviour-and-adherence/personality-types-and-their-influence-on-behaviour
  13. http://blogs.psychcentral.com/relationships/2011/11/7-steps-to-develop-awareness-of-your-feelings-and-thoughts/
  14. http://www.improveyoursocialskills.com/conversation/invitation
  15. 15,0 15,1 15,2 http://www.mindtools.com/pages/article/EmpathyatWork.htm
  16. http://psychcentral.com/blog/archives/2011/12/12/how-to-make-an-adept-sincere-apology/
  17. http://www.forbes.com/sites/theyec/2012/04/25/the-7-pillars-of-connecting-with-absolutely-anyone/
  18. 18,0 18,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2009/12/14/5-ways-to-show-you-care/
  19. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/six_habits_of_highly_empathic_people1
  20. https://www.psychologytoday.com/blog/compassion-matters/201206/self-esteem-versus-narcissism

Liên kết đến đây