Nhận biết vàng thật

Từ VLOS
(đổi hướng từ Nhận biết Vàng Thật)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Theo tiêu chuẩn của Việt Nam, vàng giả là loại vàng dưới 10 Karats/Carats. Nếu bạn đang thắc mắc muốn biết liệu trang sức vàng mà bạn sở hữu có phải là vàng thật, cách đáng tin cậy nhất để tìm hiểu đó là đem chúng đến tiệm vàng để kiểm tra. Nếu bạn muốn tự mình kiểm tra, sau đây là danh sách phương pháp mà bạn có thể thực hiện để xác định xem liệu trang sức của bạn làm bằng vàng thật hay vàng giả.

Các bước[sửa]

Phương pháp Kiểm tra bằng Mắt thường[sửa]

Điều đầu tiên mà bạn cần làm để kiểm tra xem liệu sản phẩm vàng mà bạn sở hữu có phải là vàng thật hay không là bằng cách nhìn vào nó. Tìm kiếm dấu hiệu cụ thể để chứng tỏ nó là vàng thật.

  1. Kiểm tra con số được khắc trên vàng. Con số được khắc trên vàng sẽ cho biết độ tuổi của vàng (1-999 hoặc .1-.999) hoặc đơn vị tính tuổi karat của vàng (10K, 14K, 18K, 22K hoặc 24K). Sử dụng một chiếc kính lúp sẽ giúp bạn có thể quan sát một cách dễ dàng hơn.
    • Tình trạng hao mòn có thể làm mờ con số này.
    • Vàng giả cũng thường có khắc con số này và trông khá đáng tin; bạn nên tiến hành kiểm tra thêm.
  2. Kiểm tra sự đổi màu. Bạn nên kiểm tra dấu hiệu đổi màu tại khu vực thường xuyên bị ma sát (thường là tại các cạnh).
    • Nếu vàng của bạn trông có vẻ phai màu hoặc lộ rõ chất liệu kim loại khác bên dưới lớp vàng, sản phẩm bằng vàng của bạn chỉ là mạ vàng.
Ảnh minh họa

Kiểm tra bằng Phương pháp Cắn[sửa]

Bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đã từng xem một bộ phim nào đó trong đó người tìm vàng cắn thử một miếng vàng để kiểm tra. Chúng ta cũng đã thấy vận động viên Olympic cắn thử chiếc huy chương “vàng” của họ khi họ nhận được nó. Mục đích của hành động này là gì lại là một câu chuyện khác.

  1. Cắn vào vàng với một lực vừa phải.
  2. Kiểm tra dấu vết trên vàng. Theo lý thuyết, vàng thật sẽ để lộ vết hằn dấu răng của bạn; dấu vết càng sâu sẽ càng chứng tỏ độ nguyên chất của vàng càng cao.
    • Thật ra, đây không phải là phương pháp kiểm tra được khuyên dùng, vì nó có thể gây tổn hại cho răng của bạn. Ngoài ra, chì lại càng mềm hơn vàng và sản phẩm bằng chì được mạ vàng sẽ khiến bạn tưởng nhầm là vàng thật khi bạn cắn nó.

Phương pháp Kiểm tra bằng Nam châm[sửa]

Đây là phương pháp kiểm tra dễ dàng, nhưng đây không thể giúp bạn xác định vàng thật một cách chính xác và rõ ràng. Loại nam châm yếu như nam châm trang trí tủ lạnh sẽ không giúp ích được gì cho bạn, nhưng loại nam châm mạnh hơn mà bạn có thể tìm mua tại cửa hàng đồ ngũ kim hoặc trong những vật dụng phổ biến chẳng hạn như chốt ví của phụ nữ, đồ chơi trẻ em, hoặc thậm chí trong chiếc ổ cứng cũ không sử dụng cũng đủ mạnh để bạn thực hiện phương pháp kiểm tra này.

  1. Đặt một thỏi nam châm phía trên vàng. Vàng không phải là kim loại từ tính, vì vậy, nếu nó bị kéo lên trên hoặc dính vào nam châm, nó là vàng giả. Tuy nhiên, chỉ bởi vì nó không phản ứng với nam châm cũng không có nghĩa là nó là vàng thật, vì vàng giả cũng không sử dụng kim loại từ tính.

Phương pháp Kiểm tra bằng Trọng lượng[sửa]

Kim loại nặng hơn vàng rất hiếm. Trọng lượng của vàng 24k nguyên chất là vào khoảng 19,3 g/ml, đây là con số cao hơn hầu hết các loại kim loại khác. Kiểm tra trọng lượng sản phẩm bằng vàng của bạn có thể giúp bạn xác định liệu chúng có phải là vàng thật. Đây là nguyên tắc kiểm tra thô sơ, trọng lượng càng nặng thì vàng càng nguyên chất. Hãy chắc chăn rằng bạn thực hiện biện pháp này trên sản phẩm bằng vàng không đính đá quý hoặc bất kỳ một dạng trang trí nào khác. Tham khảo phần cảnh báo bên dưới bài viết này để tìm hiểu thêm về phương pháp kiểm tra này.

  1. Cân đo trọng lượng vàng của bạn. Thợ kim hoàn thường có thể giúp bạn thực hiện điều này một cách miễn phí nếu bạn không có sẵn chiếc cân tại nhà. Bạn sẽ cần phải cân theo gram.
  2. Cho nước vào một chiếc lọ.
    • Sẽ tốt hơn nếu chiếc lọ có phân vạch millilit phía bên ngoài, vì như vậy bạn sẽ có thể dễ dàng quan sát hơn.
    • Bạn có thể sử dụng bao nhiêu nước tuỳ thích miễn là bạn không đổ nước ngập miệng lọ, vì nước sẽ tràn ra ngoài khi bạn cho vàng vào trong lọ.
    • Bạn cũng cần nhớ phải ghi chú lại chính xác lượng nước trước và sau khi ngâm vàng.
  3. Cho vàng vào trong lọ. Ghi chú lại mực nước mới và tính toán sự khác biệt giữa hai con số này theo đơn vị millilit.
  4. Sử dụng công thức sau để tính toán tỷ trọng của vàng: Tỷ trọng = trọng lượng/thể tích tăng thêm. Kết quả gần với 19g/ml là dấu hiệu cho thấy rằng đó là vàng thật, hoặc loại chất liệu có tỷ trọng tương tự như vàng. Sau đây là ví dụ cụ thể:
    • Vàng nặng 38 g và nó khiến nước tăng thêm 2 millilit. Sử dụng công thức của [trọng lượng (38 g)]/[thể tích tăng thêm (2 ml)], kết quả của bạn sẽ là 19 g/ml, hoàn toàn giống với tỷ trọng của vàng.
    • Cần nhớ rằng độ nguyên chất khác nhau sẽ cho tỷ lệ g/ml khác nhau:
    • Vàng 14K – 12,9 đến 14,6 g/ml
    • 18K vàng màu vàng – 15,2 đến 15,9 g/ml
    • 18K vàng trắng – 14,7 đến 16,9 g/ml
    • Vàng 22K – 17,7 đến 17,8 g/ml

Phương pháp Kiểm tra bằng Gốm[sửa]

Đây là cách dễ dàng để nhận biết liệu vàng của bạn có phải là vàng giả. Bạn nên nhớ rằng biện pháp này có thể khiến cho vật dụng của bạn bị trầy xước.

  1. Tìm một chiếc đĩa bằng gốm không tráng men. Nếu bạn không có sẵn vật dụng này, bạn có thể tìm mua một loại sản phẩm bằng gốm không trang men nào đó tại siêu thị.
  2. Chà vàng trên bề mặt của gốm. Nếu một vệt đen xuất hiện thì có nghĩa đó là vàng giả, trong khi một vệt vàng là dấu hiệu của vàng thật.

Phương pháp Kiểm tra bằng Axit Nitric[sửa]

Đây chính là nguồn gốc xuất phát của cụm từ “kiểm tra bằng axit”, và nó cũng là một cách tuyệt vời để kiểm tra vàng. Tuy nhiên, vì sự khó khăn trong việc tìm mua axit, và vì sự an toàn của bạn, tốt hơn hết là bạn nên để thợ kim hoàn tiến hành phương pháp kiểm tra này thay bạn.

  1. Đặt vàng vào trong một vật chứa nhỏ bằng thép không gỉ.
  2. Cho một giọt axit nitric lên vàng và quan sát phản ứng xảy ra.
    • Phản ứng có màu xanh chỉ ra rằng vật dụng bằng vàng của bạn có thể được làm từ kim loại hoặc mạ vàng. Phản ứng có màu vàng chứng tỏ vật dụng của bạn là đồng thau mạ vàng.
    • Phản ứng màu trắng sữa cho thấy vật dụng của bạn là bạc được mạ vàng.
    • Nếu không có bất kỳ phản ứng nào xảy ra thì điều này có nghĩa đó là vàng thật.

Lời khuyên[sửa]

  • Vàng 24kt hoặc vàng 24K có nghĩa là trong tất cả 24 phần của vàng đều là vàng nguyên chất không pha bất kỳ một kim loại nào khác. Đây được coi là vàng nguyên chất 99,9%. Vàng 22K có nghĩa là nữ trang có chứa 22 phần vàng và 2 phần kim loại khác. Đây được coi là vàng nguyên chất 91,3%. Vàng 18K có nghĩa là trong sản phẩm có 18 phần vàng và 6 phần kim loại khác. Tỷ lệ này bằng với 75% độ nguyên chất. Độ nguyên chất của vàng giảm xuống từ mức này với mỗi karat bằng khoảng 4,2%.
  • Trong sản phẩm vàng ít hơn 24K, các hợp kim khác giúp vàng cứng hơn và tạo màu sắc cho vàng. Chúng ta có thể nói rằng vàng 24K là vàng mềm nhất và 10K là vàng cứng nhất, bởi vì 10K có chứa đến 41,6% vàng và phần còn lại là kim loại khác cứng hơn vàng. Màu sắc của kim loại khác giúp làm tăng vẻ đẹp của trang sức, chẳng hạn như vàng trắng, vàng màu vàng, vàng đỏ, v.v.
  • Bất kỳ một sản phẩm nào có chữ GF có nghĩa là công nghệ bọc vàng, và thật sự là chúng được bọc một lớp vàng. Được phân loại bằng con số đứng trước con số karat. Ví dụ... 1/20 14k GF là 1 phần vàng 14K được bọc bên ngoài 19 phần kim loại khác. Như vậy có nghĩa là 5% là vàng 14K và 95% là kim loại khác.
  • Vàng 24K là vàng nguyên chất[1] nhưng thường quá mềm để có thể sử dụng cho nữ trang hoặc tiền xu. Vì lý do này, các kim loại khác sẽ được thêm vào sản phẩm để tăng cường độ cứng và điều này là kết quả của sự khác nhau trong trọng lượng.
  • Con số được khắc trên vàng được làm từ Châu Âu có một chút khác biệt và là dấu hiệu nhận biết độ nguyên chất của vàng. Con số được khắc trên vàng thường có ba chữ số như sau:
    • Vàng 10K được khắc con số 417: độ nguyên chất của vàng là 41,7%
    • Vàng 14K được khắc con số 585: độ nguyên chất của vàng là 58,5%
    • Vàng 18K được khắc con số 750: độ nguyên chất của vàng là 75%
    • Vàng 22K được khắc con số 917: độ nguyên chất của vàng là 91,7%
    • Vàng 24K được khắc con số 999: độ nguyên chất của vàng là 99,9%
  • Ở Bồ Đào Nha, vàng thường có độ nguyên chất là 80%, hoặc vào khoảng 19,2K, và có ba màu:
    • Màu vàng - Bao gồm 80% vàng nguyên chất, 13% bạc và 7% đồng.
    • Màu đỏ - Bao gồm 80% vàng nguyên chất, 3% bạc và 17% đồng.
    • Màu xám hoặc trắng - Bao gồm 80% vàng nguyên chất pha trộn palladium và các kim loại khác; chủ yếu là niken.

Cảnh báo[sửa]

  • Các phương pháp kiểm tra trong bài viết này có thể sẽ không có khả năng phân biệt vàng khối và vonfam được phủ vàng thật.
  • Cảnh báo cho Phương pháp Kiểm tra bằng Trọng lượng: Phương pháp kiểm tra bằng trọng lượng không phải là cách chính xác nhất để nhận biết vàng thật, trừ khi bạn biết chính xác sản phẩm vàng của bạn có chứa kèm nguyên liệu nào khác, và biết rõ những đặc tính có liên quan đến trọng lượng của nó.
  • Cảnh báo cho Phương pháp Kiểm tra bằng Trọng lượng: Do sự cần thiết của tính chính xác trong việc tính toán khi tiến hành phương pháp kiểm tra này, trừ khi bạn có sẵn một lọ chứa có vạch sẵn millilit và một chiếc cân chuẩn xác, phương pháp này sẽ không chính xác.
  • Cảnh báo cho Phương pháp Kiểm tra bằng Axit Nitric: Axit nitric có tính ăn mòn cao. Bạn nên cẩn thận nếu sử dụng nó để kiểm tra vàng. Bản thân vàng sẽ không bị hư hại, vì nó không thể hòa tan trong axit nitric, tuy nhiên, phần không phải là vàng có thể bị hư hại trong quá trình kiểm tra bằng loại axit này.
  • Cảnh báo cho Phương pháp Kiểm tra bằng Trọng lượng: Nhiều loại nữ trang trông khá chắc chắn thực chất đều rỗng ruột. Nếu không khí bị kẹt bên trong, nó SẼ làm mất hiệu quả của việc kiểm tra bằng trọng lượng, vì vàng sẽ trở nên nhẹ hơn, trong khi thể tích nước vẫn không đổi, gây nên tỷ trọng thấp hơn. Biện pháp kiểm tra này chỉ có thể được sử dụng cho vật dụng rắn, hoặc đồ vật có thể loại bỏ hoàn toàn không khí bên trong khi được ngâm trong nước. Một chiếc bong bóng không khí nhỏ còn vương lại bên trong nữ trang có thể cho kết quả không chính xác.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Kính lúp (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Mắt thường)
  • Nam châm (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Nam châm)
  • Cân (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Trọng lượng)
  • Lọ (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Trọng lượng)
  • Máy tính (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Trọng lượng)
  • Đĩa gốm không tráng men (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Gốm)
  • Axit Nitric (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Axit Nitric)
  • Vật đựng bằng Thép không gỉ (cho Phương pháp Kiểm tra bằng Axit Nitric)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này