Nhận biết chứng rối loạn lo âu xã hội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rối loạn lo âu xã hội (SAD), còn gọi là ám ảnh sợ xã hội, là một bệnh lý rất phổ biến nhưng có thể khó xác định và thậm chí còn bị nhầm lẫn với một số vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Người bị SAD thường cảm thấy cực kỳ hồi hộp hoặc sợ hãi khi bị chất vấn hay khi ở trong môi trường xã hội.Thậm chí họ còn biểu hiện một số dấu hiệu thể chất của sự hồi hộp như run rẩy, toát mồ hôi và đỏ bừng mặt.[1] Có một số dấu hiệu thường gặp mà bạn cần lưu ý nếu bạn lo ngại rằng bản thân bạn hoặc người thân yêu của bạn mắc chứng lo âu xã hội.

Các bước[sửa]

Hiểu về rối loạn lo âu xã hội (SAD)[sửa]

  1. Tìm hiểu về các triệu chứng của SAD. Việc hiểu biết về một số triệu chứng thường gặp của SAD sẽ giúp bạn nhận ra rối loạn này. Người mắc chứng SAD thường sợ hãi tột độ ở những tình huống mà họ phải đối mặt với người lạ hoặc bị người khác quan sát và xem xét. Những tình huống này bao gồm: nói trước đám đông, thuyết trình, gặp gỡ những người mới và tương tác xã hội. Người mắc chứng SAD có thể phản ứng với những tình huống đó bằng cách:[2]
    • lo âu căng thẳng
    • tránh né tình huống
    • có các triệu chứng thực thể của chứng lo âu như đỏ bừng, run rẩy hoặc nôn ói
  2. Phân biệt giữa lo âu thông thường và lo âu xã hội. Mọi người ai cũng có đôi lúc trải qua lo âu. Một tình huống không quen thuộc hoặc các kiểu tình huống như phát biểu hoặc tương tác trước đám đông hoặc bị người khác quan sát gây chút lo âu sợ hãi cũng là bình thường. Kiểu lo âu này giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống sắp đến. Tuy nhiên vấn đề sẽ xuất hiện khi các nỗi sợ và lo âu đó trở nên tràn ngập, làm bạn mất khả năng biểu hiện, có tính chất phi lý, và/hoặc buộc bạn phải tránh né hoặc chạy trốn khỏi tình huống đó.[3]
    • Dấu hiệu lo âu bình thường bao gồm: lo sợ trước khi xuất hiện trước đám đông, phát biểu hoặc trình diễn trước công chúng; rụt rè và bối rối khi gặp người lạ; không thoải mái khi bắt đầu cuộc trò chuyện hoặc tương tác xã hội.
    • Chứng lo âu xã hội bao gồm các dấu hiệu: cực kỳ lo âu và sợ thất bại, có các triệu chứng thực thể như toát mồ hôi, run rẩy, thở nhanh; có những ý nghĩ tiêu cực về việc biểu hiện mình; cảm giác kinh hãi quá mức khi đối mặt với người lạ; lo lắng tột độ và mong muốn tránh né bằng mọi giá; từ chối lời mời tụ tập giao lưu vì sợ mình sẽ lúng túng hoặc không được chấp nhận.[3]
  3. Xem xét yếu tố nguy cơ gây SAD. Một số người có rủi ro phát triển SAD cao hơn, nguyên nhân là do các trải nghiệm, gen di truyền và cá tính. Cho dù bạn có một trong số các yếu tố nguy cơ cũng không có nghĩa là bạn sẽ mắc chứng SAD, tuy nhiên mức độ rủi ro phát triển SAD của bạn sẽ cao hơn. Nếu bạn đã mắc chứng SAD thì việc nhận biết các yếu tố nguy cơ có thể giúp bạn hiểu được nguyên nhân gây nên rối loạn này.[4]
    • Hiện tượng bắt nạt. Sự sỉ nhục hoặc sang chấn thời thơ ấu, chẳng hạn như bị bắt nạt, có thể gây ám ảnh sợ xã hội và những nỗi sợ hãi. Ngoài ra, cảm giác không hòa hợp với những người xung quanh có thể dẫn đến lo âu xã hội.
    • Yếu tố di truyền. Được nuôi dưỡng bởi cha mẹ cũng có biểu hiện ám ảnh sợ xã hội. Thông thường khi cảm thấy khổ sở trong các tình huống xã hội, người chăm sóc sẽ tạo ra một môi trường tránh né các sự kiện xã hội, từ đó dẫn đến sự hạn chế phát triển các kỹ năng xã hội và hành vi tránh né ở con cái của họ.
    • Nhút nhát. Tính nhút nhát liên quan đến cá tính và không phải là chứng rối loạn, nhưng nhiều người mắc chứng lo âu xã hội cũng có tính rụt rè. Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng rối loạn lo âu xã hội trầm trọng hơn nhiều so với tính nhút nhát “bình thường”. Những người nhút nhát đơn thuần không phải chịu đựng như người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.[5]
  4. Tìm hiểu về mối liên quan giữa SAD và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Một số vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan đến SAD, thậm chí SAD có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm một số vấn đề khác. Điều quan trọng là nhận thức được các rắc rối khác có thể nhầm lẫn với SAD hoặc liên quan đến SAD.[4]
    • SAD và rối loạn hoảng sợ. Rối loạn hoảng sợ biểu thị một người có phản ứng thể chất trước sự lo âu và thường có biểu hiện giống như cơn đau tim. SAD khác với rối loạn hoảng sợ nhưng cả hai chứng rối loạn này có thể đồng thời tồn tại. Một trong những nguyên nhân gây nhầm lẫn là người mắc chứng rối loạn hoảng sợ cũng thường tránh né các tình huống xã hội để đề phòng lên cơn hoảng sợ trước những người có thể nhìn thấy và phán xét họ. Người bị SAD tránh các tình huống xã hội là vì sợ hãi.[6]
    • SAD và trầm cảm. Trầm cảm là chứng bệnh phổ biến cùng tồn tại với SAD vì những người bị SAD thường hạn chế tiếp xúc với người khác. Điều này tạo nên cảm giác cô đơn có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chứng trầm cảm.[7]
    • SAD và lạm dụng chất. Có một tỷ lệ cao nghiện rượu và lạm dụng các chất kích thích khác trong số người bị SAD. Khoảng 20% người bị SAD cũng có vấn đề lạm dụng chất cồn. Điều này có thể là do tác động giảm lo âu của chất cồn và chất kích thích trong các tình huống xã hội.[7][8]

Nhận diện SAD trong môi trường xã hội[sửa]

  1. Chú ý đến nỗi sợ. Có phải bạn bị nỗi kinh hãi xâm chiếm trước ý nghĩ bị chất vấn ở một sự kiện xã hội? Nỗi sợ hãi này có thể xuất phát từ việc bị hỏi về các vấn đề cá nhân trước mặt những người khác, hoặc thậm chí khi được mời đến bất cứ sự kiện xã hội nào. Nếu bạn bị SAD, nỗi sợ hãi này sẽ thống trị mọi ý nghĩ của bạn và khiến bạn hoảng loạn.[9]
    • Ví dụ, nếu mắc chứng SAD, bạn có thể cảm thấy kinh hãi khi một người bạn hỏi bạn điều gì đó trước những người lạ.
  2. Lưu ý khi bạn trở nên ngượng ngập trong môi trường xã hội. Một triệu chứng phổ biến của SAD là cảm giác e dè chi phối cách người đó tương tác với những người khác. Người bị SAD luôn lo sợ rằng họ sẽ lúng túng hoặc bị từ chối theo cách nào đó. Nếu bạn cảm thấy vô cùng ngượng ngập trong môi trường xã hội, khi tương tác với xã hội hoặc nói trước đám đông, có thể bạn mắc chứng SAD.[10]
    • Ví dụ, nếu bạn cảm thấy mình không có gì xứng đáng để nói khi thảo luận về một đề tài mà bạn thực sự say mê, có lẽ bạn mắc chứng lo âu xã hội. Thay vì đóng góp các ý tưởng và quan điểm của mình, bạn lại bị ám ảnh bởi những ý nghĩ rằng người khác không thích cách ăn mặc của bạn hoặc họ không nghĩ rằng bạn thông minh.
  3. Suy nghĩ xem bạn có tránh né môi trường xã hội không. Một đặc tính chung của người bị SAD là tránh né những hoàn cảnh buộc họ phải nói chuyện hoặc tương tác trong môi trường xã hội. Nếu bạn cố gắng hết sức để tránh né các tương tác xã hội hoặc nói chuyện trước mọi người, có lẽ bạn mắc chứng lo âu xã hội.[11]
    • Ví dụ, bạn được mời dự tiệc nhưng bạn lại từ chối vì quá lo lắng về việc giao tiếp với người khác, bạn có thể mắc chứng lo âu xã hội.
  4. Để ý xem bạn có hay im lặng trong các cuộc thảo luận không. Người bị SAD thường lùi lại trong các cuộc thảo luận vì họ quá lo sợ nói lên suy nghĩ của mình. Họ sợ những điều mình nói sẽ làm phật lòng người khác hoặc bị chế giễu. Nếu bạn thường thấy mình im lặng trong các buổi trò chuyện vì sợ hãi, điều này có thể là dấu hiệu rằng bạn mắc chứng SAD.[12]
    • Ví dụ, khi đang thảo luận với mọi người, có phải giọng của bạn càng về sau càng nhỏ dần và bạn tránh giao tiếp bằng mắt với người khác?

Nhận diện SAD ở trường học hoặc nơi làm việc[sửa]

  1. Theo dõi những khi bạn bắt đầu lo lắng về một sự kiện sắp tới. Người bị SAD sẽ bắt đầu lo lắng về bài phát biểu họ phải trình bày hoặc sự kiện xã hội mà họ sẽ tham dự thậm chí nhiều tuần trước khi sự kiện thực sự diễn ra. Sự lo lắng này có thể gây ra những rắc rối về tiêu hóa như ăn không ngon miệng và những vấn đề về giấc ngủ. Mặc dù cảm giác lo lắng vào ngày hôm trước hoặc buổi sáng trước khi phát biểu là hoàn toàn bình thường, nhưng lo âu ngay từ nhiều tuần trước thì thông thường đó là dấu hiệu của chứng SAD.[13]
    • Ví dụ, nếu hai tuần nữa bạn phải phát biểu và bạn đã viết ra những điều sẽ nói, có lẽ bạn sẽ thấy khá yên tâm. Tuy nhiên, người bị SAD có thể thao thức cả đêm vì lo lắng cho buổi thuyết trình trong suốt hai tuần trước khi thực sự phải trình bày.
  2. Suy nghĩ về sự tham gia của bạn trong lớp hoặc trong các cuộc họp. Một dấu hiệu thường gặp của chứng lo âu xã hội là sự ngại ngần tham gia trong lớp hoặc trong các cuộc họp. Điều này nghĩa là bạn không dám giơ tay để hỏi hoặc trả lời câu hỏi, hoặc bạn chọn các dự án riêng lẻ hơn là làm việc nhóm. Người bị SAD thường tránh né làm việc nhóm vì họ quá lo lắng về những đánh giá của các thành viên trong nhóm về mình.[14][15]
    • Ví dụ, nếu trong lớp bạn không dám giơ tay để hỏi điều gì đó ngay cả khi bạn không hiểu tài liệu, có thể đó là dấu hiệu của chứng lo âu xã hội.
  3. Để ý nếu bạn có các triệu chứng thực thể cho thấy sự lo âu. Những người bị SAD thường biểu hiện những triệu chứng lo âu về thể chất và cả tinh thần. Những triệu chứng thực thể bao gồm đỏ bừng mặt, toát mồ hôi, run rẩy, thở hổn hển và tê cứng.[9]
    • Ví dụ, nếu trong lớp bạn được gọi và bạn biết câu trả lời, nhưng thay vì trả lời thì bạn lại đỏ bừng, bắt đầu toát mồ hôi và dường như không thở được, như vậy có thể bạn mắc chứng lo âu xã hội.
  4. Suy nghĩ xem có bao giờ bạn thay đổi ý kiến để tránh phải nói lên suy nghĩ của bạn không. Người bị SAD thường thay đổi ý kiến của họ để khỏi phải lên tiếng bảo vệ những suy nghĩ của mình. Họ muốn tránh cảm giác bị cô lập hoặc bị chất vấn bằng mọi giá.
    • Ví dụ, tưởng tượng bạn đang tham gia vào một dự án của nhóm, có người đưa ra một ý tưởng, và bạn có ý khác hay hơn. Tuy nhiên bạn có thể chọn cách làm theo ý tưởng kém hiệu quả hơn của người kia, đơn giản chỉ vì bạn không muốn bị cật vấn và phải giải thích ý tưởng của mình.
  5. Ngẫm nghĩ về cảm giác của bạn về việc nói trước đám đông. Những người mắc chứng SAD sẽ cố hết sức tránh việc thuyết trình, phát biểu và các tình huống phải nói trước đám đông khi mọi cặp mắt đều đổ dồn vào mình. Xem xét cảm giác của bạn về việc phát biểu trước đám đông và số lần mà bạn cố gắng hết sức để tránh né việc đó.[12]
    • Trong các tình huống đó, có thể bạn suy nghĩ: nhỡ mình quên mất những thứ đã chuẩn bị thì sao? Nhỡ mình dừng lại giữa chừng? Nhỡ đầu óc mình trống rỗng trong khi thuyết trình? Mọi người sẽ nghĩ gì? Mọi người sẽ cười mình. Mình sẽ thành kẻ ngớ ngẩn.

Xác định SAD ở trẻ em[sửa]

  1. Hiểu rằng trẻ em có thể phát triển chứng SAD. SAD thường xuất hiện ở tuổi vị thành niên, nhưng cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn. Cũng như người trưởng thành mắc chứng ám ảnh sợ xã hội, trẻ em có chứng SAD sợ bị phán xét hoặc chỉ trích đến mức chúng có thể cố gắng tìm cách tránh né một số kiểu tình huống xã hội nhất định. Đó không phải là một “giai đoạn” hoặc hành vi xấu.[16]
    • Trẻ em có chứng SAD có thể nói những câu cho thấy sự sợ hãi của trẻ. Thông thường những câu đó bao gồm từ “lỡ như”, ví dụ Lỡ như trông con có vẻ ngớ ngẩn thì sao? Lỡ con nói điều gì đó sai thì sao? Lỡ con làm hỏng mọi việc thì sao? [17]
  2. Phân biệt SAD và tính nhút nhát ở trẻ em. Cũng như SAD ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành, SAD ở tuổi thơ ấu không chỉ là nhút nhát. Một đứa trẻ cảm thấy lo lắng trong tình huống không quen thuộc là điều bình thường, và sau khi đã tiếp xúc với tình huống mới cộng với sự ủng hộ của cha mẹ và bạn bè, chúng có thể vượt qua. Ngược lại, SAD cản trở khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Trẻ em mắc chứng SAD có thể có những hành động như trốn tránh đến trường, không trả lời trong lớp học, tránh các buổi tiệc, v.v…[14]
    • Trẻ em mắc chứng SAD vô cùng sợ hãi những lời chỉ trích từ bạn bè cũng như người lớn. Nỗi lo sợ này thường gây trở ngại cho các hoạt động thường ngày vì trẻ sẽ có những hành động tránh né các tình huống gây căng thẳng cho mình. Một số trẻ sẽ khóc, la hét, ẩn nấp hoặc có những hành động khác để tránh những tình huống đó. Một số trẻ cũng có biểu hiện phản ứng của cơ thể trước sự lo lắng như run rẩy, toát mồ hôi và thở nhanh. Những triệu chứng này nếu kéo dài hơn 6 tháng thì được coi là SAD.[16]
    • Trẻ em nhút nhát đôi khi có thể cố tránh các hoạt động hoặc tỏ ra hơi lo lắng trong một số tình huống, nhưng sự hồi hộp đó không quá mức hoặc không kéo dài như trẻ bị SAD. Tính nhút nhát không cản trở niềm vui của trẻ như chứng SAD.[17]
    • Ví dụ, việc trình bày bài phân tích tác phẩm có thể là khó khăn đối với một đứa trẻ, nhưng một học sinh nhút nhát vẫn làm được nếu cần thiết. Tuy nhiên trẻ có chứng SAD thường từ chối nhiệm vụ này do sợ hãi tột độ hoặc thậm chí trốn học để tránh né. Hiện tượng này có thể bị hiểu lầm như hành vi của học sinh hư, nhưng gốc rễ của vấn đề là sự sợ hãi.
  3. Quan sát cách mà trẻ tương tác với mọi người. Chứng SAD thường khiến trẻ cực kỳ khó chịu, thậm chí kinh sợ khi tương tác với người lớn và với những trẻ khác. Thậm chí một vài câu trò chuyện đơn giản với người họ hàng hoặc bạn chơi chung cũng có thể khiến trẻ khóc lóc, nổi cơn thịnh nộ hoặc thu mình lại.[18]
    • Trẻ có thể diễn tả cảm giác sợ hãi về những người lạ, không chịu gặp gỡ làm quen với các bạn mới, hoặc tránh đến những nơi có mặt người lạ.
    • Trẻ cũng có thể từ chối hoặc cố gắng tránh né tham dự các sự kiện có mặt những người khác, đặc biệt ở nơi đông người như các chuyến đi thực tế, những buổi vui chơi hoặc các hoạt động ngoại khóa.[18]
    • Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện hồi hộp ngay cả trong những tương tác xã hội có vẻ đơn giản như hỏi mượn bạn bè một cây bút chì hoặc trả lời ai đó ở cửa hàng. Trẻ có thể có các triệu chứng hoảng loạn như tim đập nhanh, toát mồ hôi, tức ngực, run rẩy, buồn nôn, thở nhanh và chóng mặt.[18]
  4. Hỏi giáo viên ở trường về biểu hiện của trẻ. Trẻ em có chứng SAD có thể khó tập trung và tham gia trong lớp vì chúng lo sợ bị đánh giá hoặc bị điểm kém. Những hoạt động đòi hỏi sự tương tác hoặc trình diễn như thuyết trình hoặc nói trước lớp có lẽ là một việc “bất khả thi” với trẻ.[18]
    • Đôi khi SAD cũng xảy ra đồng thời với những rối loạn khác như rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn học tập. Điều quan trọng là trẻ phải được đánh giá bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần để biết chính xác vấn đề là gì và cách xử trí.[18]
  5. Hiểu về những thách thức trong việc xác định SAD ở trẻ em. Việc nhận biết SAD ở trẻ em có thể khó khăn vì trẻ thường vật lộn để diễn tả cảm giác của mình và có những hành động phản ứng với sự sợ hãi. Trẻ em mắc chứng SAD có thể gặp các vấn đề về hành vi hoặc trốn học để đối phó với SAD. Ở một số trẻ, nỗi sợ gắn liền với SAD thậm chí được biểu hiện qua những hành vi như nổi cơn thịnh nộ hoặc khóc lóc.[16]
  6. Tìm hiểu xem trẻ có bị bắt nạt không. Sự quấy rối có thể là nguyên nhân gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng lo âu xã hội ở trẻ. Bị bắt nạt là một yếu tố nguy cơ chủ yếu trong việc phát triển chứng lo âu xã hội, do đó rất có khả năng con của bạn đang phải đối phó với một hình thức quấy nhiễu nào đó.[19] Bạn nên nói chuyện với giáo viên hoặc người giám sát trẻ khi con bạn đang ở giữa các trẻ khác để phát hiện xem trẻ có bị bắt nạt không và lên kế hoạch can thiệp.

Kiểm soát SAD[sửa]

  1. Thực hành thở sâu. Khi căng thẳng, bạn có thể thấy tim đập nhanh, toát mồ hôi, căng cơ và thở nhanh. Động tác thở sâu sẽ giúp bạn giảm những triệu chứng tiêu cực do stress bằng cách điều hòa hệ thần kinh.[20][21]
    • Bắt đầu bằng động tác đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng.
    • Hít một hơi sâu qua mũi, đếm đến 7 trong khi hít vào.
    • Sau đó thở ra qua miệng, đếm đến 7, đồng thời co cơ bụng để tống hết không khí ra ngoài.
    • Lặp lại quá trình này 5 lần, trung bình 10 giây mỗi hơi thở.
  2. Ngừng những ý nghĩ tiêu cực. Những suy nghĩ tiêu cực có thể làm trầm trọng thêm chứng lo âu xã hội, do đó quan trọng là bạn cần ngăn mình lại khi có suy nghĩ tiêu cực. Lần sau, khi những ý nghĩ tiêu cực xuất hiện, bạn đừng chờ đợi cho những ý nghĩ đó qua đi. Dành một vài phút để phân tích và cố gắng tìm ra chỗ sai.[22]
    • Ví dụ, một ý nghĩ tiêu cực có thể là, “Mình sẽ thành kẻ ngốc trước mặt mọi người khi thuyết trình bài này”. Khi nhận thấy mình đang nghĩ như vậy, bạn hãy tự hỏi, “Có chắc là mình sẽ tự biến mình thành kẻ ngốc không?” và “Nếu mình làm hỏng việc thì liệu điều đó có nghĩa là mọi người sẽ nghĩ mình ngốc không?”[22]
    • Câu trả lời cho những câu hỏi trên có thể là “Không” và “Không” vì bạn không thể biết rằng mọi người sẽ nghĩ hoặc làm gì. Kết quả nhiều khả năng xảy ra là bạn sẽ làm tốt và không ai nghĩ bạn là kẻ ngốc.[22]
  3. Chăm sóc bản thân. Việc chăm sóc tốt cho bản thân có thể giúp bạn đối phó với chứng lo âu xã hội.[3] Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập luyện thân thể thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn cả về thể chất và tinh thần.[23][24][25] Bạn cần đảm bảo chế độ ăn cân bằng, ngủ đầy đủ và tập luyện thường xuyên để có được trạng thái khỏe khoắn nhất.
    • Áp dụng chế độ ăn cân bằng với nhiều hoa quả tươi và rau, ngũ cốc nguyên cám và đạm gầy.
    • Ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm.
    • Tập thể dục mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 30 phút.
    • Hạn chế lượng caffeine và thức uống có cồn.
  4. Cân nhắc đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để được giúp đỡ. Có thể bạn sẽ rất vất vả nếu một mình cố gắng vượt qua chứng lo âu ở mức độ trầm trọng. Nếu bạn hay người thân của bạn bị SAD, bạn hãy nghĩ đến việc tìm sự giúp đỡ của một chuyên gia sức khỏe tâm thần có giấy phép. Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn xác định nguồn gốc của chứng lo âu xã hội và khắc phục những vấn đề đó.[20]
    • Bạn cũng có thể cân nhắc tham gia nhóm trị liệu hành vi dành cho những người mắc chứng lo âu xã hội. Các nhóm này có thể giúp bạn xây dựng lòng tự tin và học các liệu pháp nhận thức – hành vi, nhờ đó bạn có thể cải thiện khả năng xử trí những tình huống khó khăn.[26]
  5. Hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc. Bạn không thể chữa khỏi chứng lo âu xã hội chỉ nhờ thuốc, nhưng thuốc cũng giúp ích trong một số trường hợp. Một số loại thuốc có thể hiệu quả hơn loại khác cho trường hợp của bạn, do đó quan trọng là bạn cần trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng của bạn và các lựa chọn.[27]
    • Các loại thuốc thông dụng điều trị SAD bao gồm: benzodiazepines như Xanax; thuốc chẹn beta như Inderal hoặc tenormin; Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIS) như Nardia; thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên serotonin (SSRI’s) như Prozac, Luvox, Zoloft, Paxil, Lexapro; thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIS) như Effexor, Effexor XR, và Cymbalta.[28]

Kiểm soát SAD ở trẻ em[sửa]

  1. Hiểu rằng việc điều trị sớm là quan trọng. Tuổi trung bình khởi phát SAD là 13, nhưng SAD cũng xảy ra ở trẻ nhỏ hơn.[29] Chứng bệnh này cũng liên quan đến sụ phát triển chứng trầm cảm và lạm dụng chất ở trẻ vị thành niên.[17] Do đó, tìm lời khuyên của bác sĩ là cực kỳ quan trọng nếu bạn nghi ngờ con mình bị SAD.
  2. Đưa trẻ đến gặp chuyên gia trị liệu. Chuyên gia trị liệu có thể sẽ rất hữu ích trong việc các định nguồn gốc lo âu ở trẻ và sẽ giúp bạn kiểm soát nguyên nhân. Chuyên gia trị liệu cũng có thể giúp con bạn trải qua liệu pháp tiếp xúc, trong đó trẻ sẽ dần dần đối mặt với nỗi sợ của mình bằng cách tiếp xúc với những nỗi sợ hãi đó trong tình huống được kiểm soát.[17]
    • Chuyên gia trị liệu cũng có thể cho bạn lời khuyên làm cách nào để giúp đỡ trẻ.
    • Một cách điều trị phổ biến khác là liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), có thể giúp trẻ học các nhận ra và chế ngự các kiểu suy nghĩ tiêu cực và không có lợi.[18]
    • Chuyên gia trị liệu cho trẻ còn có thể giới thiệu liệu pháp nhóm. Điều này có thể giúp ích cho con của bạn vì trẻ sẽ thấy rằng trẻ không đơn độc với các nỗi sợ hãi và rằng có những người khác cũng đang phải chống chọi như mình.
    • Chuyên gia trị liệu gia đình có thể giúp bạn truyền sự ủng hộ cho trẻ và cùng trẻ nỗ lực kiểm soát chứng lo âu. Hình thức trị liệu này đặc biệt hữu ích nếu chứng lo âu của trẻ gây khó khăn cho cả gia đình.[18]
  3. Hỗ trợ trẻ. Nếu lo ngại con mình bị SAD, bạn hãy tìm sự giúp đỡ chuyên môn để hỗ trợ trẻ. Tránh ép trẻ chữa tính nhút nhát bằng cách buộc trẻ lên trình diễn hoặc đẩy trẻ vào những tình huống xã hội gây căng thẳng cho trẻ. Làm mọi việc có thể để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong những tình huống xã hội.[30]
    • Đảm bảo thấu hiểu cảm giác của trẻ.
    • Làm gương về sự tự tin cho trẻ, chẳng hạn như tỏ ra thư giãn trong các tình huống xã hội.
    • Giúp trẻ học những kỹ năng giao tiếp xã hội như kết bạn, bắt tay, than phiền, v.v…
  4. Giúp trẻ đối phó với sự lo âu. Nếu con bạn mắc chứng SAD, việc giúp trẻ đối phó với lo âu là điều quan trọng. Có nhiều cách để bạn có thể giúp trẻ ứng phó và phần nào vượt qua chứng lo âu xã hội, trong đó bao gồm việc dạy trẻ các bài tập thở, giúp trẻ điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực, cung cấp tín hiệu giúp trẻ an lòng, và dịu dàng khích lệ trẻ.
    • Dạy trẻ bình tâm lại bằng cách thở sâu và chậm. Dạy trẻ bài tập thở sâu và hướng dẫn trẻ dùng kỹ thuật này bất cứ khi nào trẻ cảm thấy hồi hộp.
    • Giúp trẻ điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ, nếu con bạn nói những câu như, “Con sẽ làm hỏng bài phân tích tác phẩm ngày mai!”, bạn hãy đáp lại, “Nếu con luyện tập kỹ, con sẽ có ý tưởng hay để trình bày, và con sẽ làm tốt”.
    • Đưa cho trẻ một tấm ảnh để làm tín hiệu giúp trẻ an tâm. Ví dụ, nếu con bạn lo lắng hồi hộp về bài phân tích tác phẩm, bạn có thể đưa cho trẻ một bức ảnh nhỏ của bạn để gắn vào đầu trang giấy. Như thế, con bạn có thể giả vờ như đang đọc bài phân tích tác phẩm cho bạn nghe.
    • Dịu dàng khuyến khích thay vì ép buộc trẻ tham gia vào các hoạt động khiến trẻ lo sợ. Ví dụ, nếu con bạn không thấy thoải mái khi chơi trò chơi với những trẻ khác, bạn đừng thúc ép trẻ tham gia. Nhưng nếu con bạn quyết định chơi, bạn hãy kín đáo khen ngợi trẻ, và khen trẻ thật nhiệt liệt khi không có mặt những người khác.[31]
  5. Không xử lý chỉ bằng cách tránh những tình huống căng thẳng. Mặc dù bạn dễ có xu hướng bảo vệ con mình khỏi những tình huống có thể gây lo âu cho trẻ, nhưng điều này thực ra lại khiến chứng lo âu của trẻ trầm trọng thêm. Việc hỗ trợ trẻ học cách kiểm soát phản ứng đối với những tình huống căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày sẽ có lợi hơn cho trẻ.[16]
    • Thay vào đó, bạn hãy nhắc con rằng trẻ đã từng vượt qua được những tình huống căng thẳng, và trẻ có thể tiếp tục thành công.[18]
  6. Hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc. Nếu chứng lo âu của trẻ là nghiêm trọng hoặc không cải thiện, bạn nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc có thể dùng để điều trị. Đối với một số trẻ em, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên serotonin (SSRI’s) có thể đem lại hiệu quả giảm lo âu do SAD gây ra.[16]
    • Các loại thuốc kê toa cho trẻ em phổ biến gồm có citalopram (Celexa), escitalopram (Lexapro), fluoxetine (Prozac), và paroxetine (Paxil).[18]
    • Venlafaxine HCI (Effexor) là một loại thuốc thông dụng khác để điều trị trầm cảm, nhưng đó là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIS).[18][32]

Lời khuyên[sửa]

  • Người mắc chứng SAD cũng cảm thấy không thoải mái khi ăn uống trước những người khác vì họ lo rằng mọi người phán xét món ăn hoặc cách ăn của họ.[33]
  • Người mắc chứng SAD cũng cảm thấy khó khăn khi nói chuyện điện thoại hoặc gửi lời nhắn trong hộp thư thoại vì sợ rằng những lời nói của mình ngớ ngẩn hoặc tầm thường.[33]

Cảnh báo[sửa]

  • SAD là một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần. Nếu lo ngại mình mắc chứng lo âu xã hội, bạn hãy nói chuyện với chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ để được giúp đỡ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/social-anxiety-disorder/basics/definition/con-20032524
  2. http://www.webmd.com/anxiety-panic/guide/mental-health-social-anxiety-disorder
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.helpguide.org/articles/anxiety/social-anxiety-disorder-and-social-phobia.htm
  4. 4,0 4,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2515922/
  5. https://socialanxietyinstitute.org/shyness-or-social-anxiety-disorder
  6. https://socialanxietyinstitute.org/differences-between-social-anxiety-and-panic-disorder
  7. 7,0 7,1 https://www.psychologytoday.com/blog/shyness-is-nice/201305/is-social-anxiety-getting-you-down
  8. http://www.adaa.org/understanding-anxiety/social-anxiety-disorder/social-anxiety-and-alcohol-abuse
  9. 9,0 9,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20143427
  10. http://www.adaa.org/sites/default/files/July%2015%20Social%20Anxiety_adaa.pdf
  11. http://www.nimh.nih.gov/health/publications/social-phobia-social-anxiety-disorder-always-embarrassed/index.shtml
  12. 12,0 12,1 http://www.helpguide.org/articles/anxiety/social-anxiety-disorder-and-social-phobia.htm#signs
  13. https://education.ucsb.edu/sites/default/files/hosford_clinic/docs/Social_Phobia.Fact_Sheet.pdf
  14. 14,0 14,1 http://www.childanxiety.net/Social_Phobia.htm
  15. http://www.anxietybc.com/parenting/social-anxiety-disorder
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 16,4 http://www.childmind.org/en/health/disorder-guide/social-anxiety-disorder
  17. 17,0 17,1 17,2 17,3 http://careforyourmind.org/when-young-people-suffer-social-anxiety-disorder-what-parents-can-do/
  18. 18,0 18,1 18,2 18,3 18,4 18,5 18,6 18,7 18,8 18,9 http://www2.massgeneral.org/schoolpsychiatry/info_socialphobia.asp
  19. http://www.promises.com/articles/teens/bullies-can-have-lifelong-impact-on-their-victims/
  20. 20,0 20,1 http://psychcentral.com/lib/6-ways-to-overcome-social-anxiety/
  21. http://psychcentral.com/lib/learning-deep-breathing/
  22. 22,0 22,1 22,2 http://www.helpguide.org/articles/anxiety/social-anxiety-disorder-and-social-phobia.htm#challenge
  23. http://www.mentalhealth.org.uk/help-information/mental-health-a-z/D/diet/
  24. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/sdd/why
  25. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression-and-exercise/art-20046495
  26. https://socialanxietyinstitute.org/comprehensive-cognitive-behavioral-therapy-social-anxiety-disorder
  27. http://socialphobia.org/social-anxiety-disorder-definition-symptoms-treatment-therapy-medications-insight-prognosis
  28. http://www.anxieties.com/152/introduction-common-medications-for-anxiety-disorders#.VaLCfkfF-7Y
  29. http://www.adaa.org/understanding-anxiety/social-anxiety-disorder
  30. http://www.ahaparenting.com/parenting-tools/social-intelligence/shyness
  31. http://raisingchildren.net.au/articles/social_anxiety.html
  32. http://www.drugs.com/effexor.html
  33. 33,0 33,1 http://www.anxietybc.com/parenting/social-anxiety-disorder