Nhận biết dấu hiệu chó bị đau

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các chuyên gia tin rằng chó có khả năng chịu đau hơn con người, do đó, rất khó có thể nhận biết dấu hiệu chó bị đau. Một số con chó biểu hiện đau đớn một cách rõ ràng, còn một số khác lại có khả năng chịu đựng cao nên sẽ rất khó nhận biết.[1] Mặc dù vậy, có nhiều cách giúp nhận biết dấu hiệu đau của chó. Phát hiện càng sớm, cơ hội giảm đau cho chó càng cao. Đau tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn để mặc chó.

Các bước[sửa]

Tìm những thay đổi trên cơ thể[sửa]

  1. Theo dõi dấu hiệu đi khập khiễng. Một trong những dấu hiệu đau rõ ràng nhất là đi khập khiễng. Chó sẽ đi khập khiễng vì đau khi đặt trọng lượng lên một chân. [2]
    • Nếu bị đau một chân, chó sẽ hạn chế sử dụng chân đó và đôi khi dựa hoàn toàn vào 3 chân còn lại.
    • Chó bị đau cũng thường ít xoay vòng hơn. [3]
  2. Lưu ý các vấn đề liên quan đến di chuyển khác. Ngoài đi khập khiễng, bạn có thể nhìn thấy những thay đổi khác về khả năng di chuyển của chó. Ví dụ, chó có thể đi lên hoặc đi xuống khó khăn. Chó cũng có thể xoay vòng chậm hơn so với bình thường hoặc tỏ ra miễn cưỡng đối với một hoạt động nhất định. [3]
    • Chần chừ khi lên hoặc xuống cầu thang, chạy hoặc nhảy cũng là dấu hiệu chó bị đau.
  3. Quan sát thay đổi về tư thế. Bạn nên lưu ý cách chó giữ đuôi và đầu. Những thay đổi bất thường trong tư thế, chẳng hạn như treo đuôi, gập đuôi hoặc đuôi mất đi tính linh hoạt có thể là dấu hiệu chó đang bị đau.[3]
    • Chó có thể bị đau nếu cách giữ chân của chó khác với bình thường.
    • Đau có thể làm chó cúi khom lưng và gây khó khăn khi đứng hoặc di chuyển.
  4. Lưu ý cách chó thở. Nếu bị đau, chó có thể thở nhanh hoặc thở một cách nặng nhọc.[1]
    • Chó có thể đang bị đau nếu thở nhanh trong điều kiện thời tiết mát mẻ.
  5. Kiểm tra mắt chó. Đôi mắt có thể cho bạn biết bất kỳ dấu hiệu đau đớn nào của chó. Nếu bị đau vùng mắt, chó có thể nheo mắt, mắt đỏ, vẩn đục, hoặc đổ ghèn.[3]
    • Chó có thể chà xát khu vực bị đau. Nếu chà mắt liên tục, chó có thể đang bị khó chịu ở vùng mắt.
    • Đôi mắt cũng có thể tiết lộ cơn đau ở những vị trí khác. Chó nheo mắt có thể là đang đau ở mắt hoặc ở một vị trí khác trên cơ thể.
    • Giãn đồng tử cũng có thể là dấu hiệu chó bị đau.[3]

Tìm những thay đổi trong hành vi[sửa]

  1. Coi chừng chó cắn. Đau đớn có thể khiến chó thay đổi hành vi. Chó hiền bị đau cũng có thể cắn.[3]
    • Ngay cả một con chó chưa bao cắn người cũng có thể cắn khi bị đau nghiêm trọng.
    • Chó có thể cắn nếu bạn chạm hoặc di chuyển chỗ đau của chó.[3] Phản ứng tự nhiên khi chỗ đau bị chạm vào là quay về phía chỗ đó. Chó có thể cố gắng cắn theo bản năng.
    • Trước tiên, bạn có thể để ý các dấu hiệu cảnh báo như gầm gừ. Chó chuẩn bị cắn có thể hất tai về phía sau và nhe răng ra. Đây là cơ chế tự vệ tự nhiên của chó để ngăn cơn đau nặng thêm.[4]
  2. Giám sát những thay đổi trong cách ăn uống. Chó bị đau có thể ăn ít lại. Nếu đột nhiên chán ăn, chó rất có thể đang bị đau.[3]
    • Chó bị đau miệng cũng có thể nhả thức ăn ra.[3]
  3. Theo dõi dấu hiệu bồn chồn. Chó bị đau thường hay bồn chồn hoặc khó thả lỏng. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu bồn chồn của chó bằng cách quan sát chó đi tới đi lui, thay đổi tư thế liên tục hoặc đi lên/đi xuống thường xuyên.[4]
  4. Chú ý thay đổi trong giấc ngủ. Chó bị đau có thay đổi thói quen ngủ nghỉ. Chó bị đau có thể ngủ nhiều hơn bình thường[4] hoặc khó ngủ. [5]
  5. Lắng nghe những thay đổi liên quan đến âm thanh. Chó có thể phát ra những âm thanh bất thường như rên rỉ, thút thít, thậm chí gầm gừ khi bị đau đớn.[4]
    • Những âm thanh này thường liên quan đến một chuyển động nào đó, ví dụ như thức dậy. Bạn nên chú ý điều này để nhận biết cơn đau của chó.[4]
    • Chó sủa bình thường có thể đột nhiên im lặng khi bị đau.[1]
  6. Chú ý hành vi né tránh. Chó có thể biểu hiện hành vi né tránh như trốn hoặc ngại tiếp xúc với người hoặc con vật khác khi bị đau.[1] Đây giống như nỗ lực giúp chó tránh đau nặng thêm.
    • Nếu chó xoay đầu sang chỗ khác hoặc tránh tiếp xúc khi bạn vuốt ve, chó có thể đang chịu đau đớn. Hãy lưu ý những hành vi này đối với những con chó thường thích tiếp xúc với bạn.
    • Những hành vi này có thể đi kèm với việc chó không hoặc ngại giao tiếp hơn bình thường.
    • Bạn cũng có thể nhận chó trở nên trầm cảm hoặc thờ ơ nếu bị đau.[1]
    • Bạn nên lưu ý vì một số con chó cần được quan tâm hơn là né tránh khi bị đau. [4] Bạn nên chú ý một khi chó né tránh hoặc muốn được quan tâm nhiều hơn.
  7. Chú ý cách chó đi vệ sinh. Quan sát thói quen vệ sinh bình thường của chó có thể giúp bạn nhận ra nhiều vấn đề khác nhau.
    • Nếu bị đau, chó có thể biểu hiện tư thế đi tiểu hoặc đại tiện khác. Ví dụ, bình thường chó đực thường nhấc một chân lên khi đi tiểu, nhưng chó sẽ không nhấc khi bị đau.
    • Bạn cũng có thể nhận thấy thay đổi trong tần xuất đi vệ sinh. Hoặc chó có thể gặp tai nạn khi cố đến chỗ thường hay đi vệ sinh trong tình trạng đau đớn.
    • Phân chó cũng có thể thay đổi độ kết dính do chó quá căng thẳng khi đại tiện trong tình trạng đau đớn. Điều này có thể dẫn đến táo bón. [3]

Lời khuyên[sửa]

  • Nên cẩn thận tránh làm chó đau nặng thêm. Đôi khi bạn cần xác định đúng vị trí đau của chó. Cách duy nhất để biết điều này là chạm vào hoặc di chuyển vị trí mà bạn cho là có thể khiến chó đau. Có thể nhờ bác sĩ thú y khám và xác định giúp bạn vì chỉ có bác sĩ thú y mới đủ chuyên nghiệp và không gây tổn thương thêm cho chó. Bạn có thể làm chó bị thương khi thiếu chuyên nghiệp trong quá trình tự chẩn đoán cho chó.
  • Bạn không nhất thiết phải xác định vị trí đau của chó. Thay vào đó, bạn cần xác định chó đang bị đau. Sau khi xác định chó đang bị đau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để tìm phương pháp giảm đau cho chó.
  • Dấu hiệu đau của chó thường rất khó nhận ra. Chú ý những thay đổi bất thường dù là nhỏ nhất giúp bạn chẩn đoán chó bị đau dễ dàng hơn. Nếu lưu ý những hành động và hành vi bình thường của chó, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy bất kỳ thay đổi nào.[1]

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng cố gắng tự cho chó uống thuốc khi chưa được bác sĩ thú y hướng dẫn. Thuốc giảm đau và giảm viêm cho người có thể nguy hiểm đối với chó, đặc biệt khi cho dùng sai liều lượng.
  • Các dấu hiệu trên không những chứng minh chó đang bị đau đớn mà còn chỉ ra nhiều vấn đề khác. Nếu các dấu hiệu không dứt và trở nên nghiêm trọng hơn sau 24-48 tiếng, bạn nên đưa chó đi khám bác sĩ thú y ngay.
  • Mặt khác, nếu không chắc chắn chó đang bị đau, tốt nhất bạn nên đưa chó đi khám bác sĩ thú y.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]