Nhận biết người rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một người được coi là Sociopath khi họ mắc chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Sociopathic). Chứng bệnh này bao gồm các đặc điểm như: coi nhẹ cảm giác của mọi người, không có cảm giác hối hận hoặc xấu hổ, thao túng người khác, ích kỉ vô lối, luôn lừa dối để đạt được mục đích của mình. Sociopath có thể cực kỳ nguy hiểm, hoặc có thể gây ra sự khó chịu cho mọi người. Bạn cần phải nhận ra mình có đang ở gần một người như vậy không, có thể đó là người yêu của bạn hoặc một đồng nghiệp nào đó. Nếu bạn muốn biết những cách để nhận ra một người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Sociopath), bạn phải hết sức để ý tới những gì người đó nói hoặc làm. Chúng ta hãy bắt đầu từ bước 1.

Các bước[sửa]

Nhận ra những Dấu hiệu[sửa]

  1. Hãy để ý nếu người đó không biết xấu hổ. Hầu hết, người mắc chứng bệnh này đều có những hành vi xấu nhưng lại không cảm thấy ăn năn hối lỗi. Những hành vi đó có thể bao gồm: xâm phạm thân thể hoặc xúc phạm người khác ở nơi công cộng. Nếu đúng là một người có nhân cách bệnh lý, anh ta hoặc cô ta sẽ không cảm thấy hối hận vì đã làm đau người khác, nói dối, thao túng hoặc những hành vi sai trái khác.
    • Khi Sociopath làm một điều sai trái, họ sẽ không bao giờ nhận lỗi và sẽ đổ tội cho người khác.
    • Họ sẵn sàng làm người khác tổn thương bất kì lúc nào, miễn là đạt dược mục đích của mình. Đó là lí do những Sociopath thường là những người thành đạt.
    • Họ đối xử tàn bạo với động vật và hoàn toàn không cảm thấy ăn năn vì điều đó.
  2. Hãy để ý xem họ có thường xuyên nói dối không. Những người mắc hội chứng này hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc nói dối về tất cả mọi thứ. Thực tế, họ sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu khi phải nói ra sự thật. Nếu sự dối trá bị lật tẩy, họ vẫn sẽ tiếp tục nói dối quanh co. Dù vậy, nếu họ sắp sửa bị lật tẩy một chuyện tày đình, họ sẽ thú nhận toàn bộ mọi chuyện để duy trì niềm tin nơi bạn.
    • Họ cũng rất thích nói dối về quá khứ của mình. Hãy để ý những điều bất hợp lý trong câu chuyện mà họ kể.
    • Một vài người có khả năng che giấu những lời dối trá của mình rất giỏi. Ví dụ, họ có thể giả vờ ra khỏi nhà để đi làm hàng ngày trong khi đang thất nghiệp.
    • Nhiều người bệnh còn hoang tưởng đến mức tin rằng: mọi điều dối trá mà họ nói đều là sự thật. Ví dụ, Charles Manson, một tên tội phạm giết người nguy hiểm đã từng tuyên bố: “Tôi chưa từng giết người! Tôi đâu có cần phải giết người!” (Hắn cho rằng tất cả là do đàn em của hắn gây ra chứ không phải bản thân hắn.)[1]
  3. Hãy để ý xem họ có vẻ bình thản tới mức kỳ lạ trong mọi hoàn cảnh không. Sociopath có thể trải qua một sự kiện chấn động mà không mảy may có chút cảm xúc gì, ngay cả nét mặt cũng không thay đổi. Họ thường đón nhận tin vui với vẻ lạnh lùng và trống rỗng. Họ không tiếp nhận các sự kiện như người bình thường. Họ có thể chỉ phản ứng tối thiểu trong tình huống nguy hiểm hoặc đáng sợ.
    • Nếu bạn nhận thấy mình đang bối rối hoặc sợ hãi mà người ở cạnh bạn lại không có phản ứng gì, có thể họ không đón nhận sự kiện đó giống như bạn. Có hai loại người có phản ứng này: thứ nhất là người cực kỳ dũng cảm – sẵn sàng đối mặt và vượt qua vấn đề. Loại thứ hai là người bị tâm lý phân ly, không có cách nào để lay động cảm xúc của họ. Đây chính là biểu hiện của việc phân ly nhân cách, và nó tồn tại ở những người không thể đạt tới sự thấu cảm của bản thân, hoặc họ không hề có sự thấu cảm. Trong số đó, có những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, những người không có lòng cảm thông với người khác.
    • Hãy kiểm tra xem họ có bao giờ cảm thấy bồn chồn hoặc lo lắng không, nhất là khi ở trong những tình huống gây ra trạng thái đó. Tất nhiên, có những người bình tĩnh hơn những người khác, nhưng rồi họ cũng sẽ thể hiện ra một chút bối rối.
    • Nhiều nghiên cứu cho thấy một Sociopath sẽ không cảm thấy sợ hãi ngay cả khi được xem những hình ảnh kinh khủng hoặc khi bị điện giật nhẹ. Trong khi đó, những người bình thường sẽ cảm thấy khó chịu và sợ hãi trong những trường hợp đó.[2]
  4. Hãy để ý xem họ có cực kỳ thu hút lúc mới quen không. Những người mắc chứng này rất biết cách thu hút người khác, bởi vì họ biết cách đạt được thứ mình muốn. Những người hấp dẫn luôn có thể khiến cho người khác cảm thấy đặc biệt, họ biết hỏi đúng câu cần hỏi và được đánh giá là những người vui tính, dễ mến và thú vị. Những người thật sự quyến rũ có khả năng thu hút bất kì ai, từ trẻ nhỏ tới người già. Nếu người đó thu hút bạn từ cái nhìn đầu tiên, nhưng sau này lại có những hành vi khiến bạn sợ hãi hoặc lo lắng, thì có thể bạn đã gặp phải một Sociopath.
    • Cũng có thể coi họ như những nghệ sỹ trong việc điều khiển người khác vì họ có những bí quyết riêng. Họ cần phải thu hút người khác để có được thứ mình cần. Để thực hiện được mục đích của mình, họ cần phải hòa nhập vào đám đông, nghĩa là họ phải biết cách cười nói, chào đón mọi người và khiến mọi người thấy thoải mái.
    • Cho dù những Sociopath rất quyến rũ nhưng họ đều có xu hướng chống đối xã hội rất mạnh. Họ thường gặp khó khăn với việc giao tiếp trong một khoảng thời gian dài. Họ đi vào phòng vệ sinh nhiều lần và ngồi đó rất lâu. Họ có thể vô cùng hấp dẫn rồi sau đó lại lạnh lùng và xa cách. Họ cũng không giao tiếp một cách tự nhiên được. Trong khi tính cách của mọi người đều dao động từ điểm rất khó gần tới điểm rất thu hút, những người mắc chứng này lại ở hai thái cực đó rất rõ ràng. Họ cũng có thể tìm ra những điểm yếu hoặc bí mật của người khác để thao túng. Việc này thường đi kèm với biểu hiện thiếu lòng trắc ẩn hoặc vô cảm với cuộc sống người người khác.
    • Nhiều người mắc chứng này còn quyến rũ tới mức người khác cho rằng họ có nhu cầu tình dục cao.
  5. Hãy để ý xem họ có phải là người rất thông minh không. Những Sociopath thường cực kỳ thông minh và có thể đạt điểm rất tốt trong học tập mà không cần đọc quá nhiều sách, tất nhiên là nếu họ muốn đạt điểm cao. Tuy nhiên, thay vì giúp đỡ người khác, họ lại thường sử dụng trí thông minh của mình vào việc thao túng và làm tổn thương mọi người. Trí thông minh của họ là một trong những yếu tố khiến họ trở nên nguy hiểm, bởi vì nhờ nó, họ sẽ luôn đi trước người khác một bước, đồng thời che dấu được động cơ không tốt của mình.
    • Những kẻ giết người hàng loạt nguy hiểm nhất có chỉ số IQ rất cao. Đó là lí do vì sao chúng thường lẩn trốn được cảnh sát trong một thời gian dài.
  6. Hãy để ý xem họ có thao túng người khác không. Những người mắc chứng bệnh này đều có khả năng nắm bắt điểm yếu của người khác và khai thác nó tối đa. Khi đã quyết định, họ sẽ thao túng bất kỳ ai để làm bất kỳ việc gì. Họ thường nhắm tới những người yếu đuối và tránh xa những người mạnh mẽ hơn mình. Đối tượng họ tìm kiếm sẽ là những người đang buồn chán, bất an hoặc mất phương hướng. Đó là những đối tượng dễ tấn công nhất. Nói cách khác, người có những nhu cầu chưa được đáp ứng là người dễ bị thao túng nhất bằng chính những nhu cầu đó. Hãy xem liệu anh ta hoặc cô ta có giỏi trong việc bắt người khác làm theo ý mình không.
    • Những Sociopath thật sự sẽ dần mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và điều khiển được người khác mà không bị ai nhận ra. Họ thích kiểm soát mọi trường hợp và không thoải mái khi ở cạnh những người mạnh mẽ. Họ luôn lo sợ bị phát hiện. Họ sẽ giữ khoảng cách nhất định, và từ đó, lân la tiếp xúc với người “mạnh mẽ” để xem mình đã bị phát hiện chưa. Mặt khác, người bệnh lại rất thích bám đuôi những người mà họ cảm thấy có thể lừa được. Nếu bị phát hiện, họ sẽ chơi bài ngửa, hoặc bỏ đi với những lí do rất vô lý. Phần lớn, họ chiếm được ưu thế bằng cách bạo hành tinh thần, khiến người khác phải phụ thuộc vào họ. Họ muốn khiến người khác ngày một yếu thế hơn mình. Họ cho rằng, chừng nào còn chưa bị phát hiện thì họ còn được an toàn.
    • Hãy để ý xem họ có lừa dối người khác một cách thản nhiên để đạt được mục đích không, họ làm vậy có chút áy náy hay xấu hổ gì không.
  7. Hãy để ý tới những dấu hiệu của hành vi bạo lực. Khi còn bé, một số người mắc chứng này đã từng hành hạ những động vật nhỏ như ếch, mèo con, chó con hoặc những người không có khả năng tự vệ. (Lớn lên, những biểu hiện này càng rõ rệt, nhưng thường họ sẽ bạo hành về mặt tinh thần hơn.) Những hành vi đó luôn có ác ý chứ không nhằm mục đích tự vệ. Họ sẽ bất ngờ tạo ra tình huống xấu hoặc bẻ cong lời người khác nói. Nếu bị chất vấn, họ sẽ lập tức đổ lỗi cho người khác, vin vào lòng trắc ẩn của mọi người để lảng tránh, miễn là họ vẫn được an toàn.
    • Nếu bạn cảm thấy người đó có vẻ bề ngoài rất bình thản, đồng thời lại có thể trở nên bạo lực một cách đột ngột thì có lẽ, họ đang có hành vi chống đối xã hội.
  8. Hãy để ý xem họ có cái tôi lớn hay không. Những người này bị hoang tưởng và cho rằng họ là người tuyệt nhất thế giới. Họ không chấp nhận những lời chỉ trích và thường tự mãn về bản thân. Họ rất nhạy cảm với vấn đề quyền lực và tự cho rằng mình xứng đáng được người khác phục tùng mà không cần quan tâm tới ai. Họ chỉ muốn lợi dụng người khác.[3]
    • Họ cũng có những cách nhìn nhận thiếu thực tế về khả năng của bản thân. Ví dụ, họ có thể nghĩ rằng họ rất có tài năng ca hát hoặc nhảy múa, trong khi thực tế, họ chẳng có chút năng khiếu nào. Họ bị ảo tưởng và/hoặc luôn nói những điều để củng cố cho những lời nói dối của mình.
    • Họ luôn tin rằng mình giỏi hơn tất cả mọi người trong khi không hề có một chứng cứ gì thuyết phục.
    • Họ cũng có thể chỉ biết yêu bản thân. Do đó, họ thường thích nói về bản thân hơn là nghe người khác kể chuyện. Họ cũng dành rất nhiều thời gian để nhìn ngắm bản thân trong gương thay vì quan sát cuộc sống. Nhìn chung, họ không thích nghe những gì người khác muốn nói.
  9. Hãy để ý xem họ có thể giao tiếp bằng mắt không. Những Sociopath thường thấy khó chịu khi gặp tình huống thân mật. Họ không thích giao tiếp bằng mắt vì điều đó dẫn đến sự thấu cảm, điều mà họ rất e ngại. Họ có thể nhìn đi chỗ khác hoặc đánh lạc hướng câu chuyện. Tuy nhiên, nếu họ cảm thấy đối phương là một người yếu đuối, họ sẽ nhìn chăm chằm một cách kì lạ vì cho rằng đối phương chưa chú ý tới mình. Lúc này, họ sẽ thử áp đặt mong muốn của mình. Hành vi này có tính chất đồng phụ thuộc, luôn muốn người khác phải làm theo ý mình hoặc ít nhất là đồng tình với mình. 
  10. Hãy xem tướng mặt. Khuôn mặt thường bộc lộ khá nhiều về tính cách con người. Mỗi nét trên khuôn mặt đều nói lên một điều gì đó. Nếu bạn biết cách xem tướng, bạn sẽ phân biệt được người bình thường và người bị nhân cách bệnh lý rất dễ dàng. Đôi mắt là nơi thể hiện tâm tính con người rất rõ.
  11. Hãy xem người đó có ít bạn bè không. Cho dù không phải ai cũng là người có rất nhiều bạn, nhưng bạn nên đề phòng ngay nếu người đó không hề có một người bạn nào. Có thể anh ta hoặc cô ta có những kẻ xu nịnh vây quanh, nhưng bạn hãy tìm hiểu xem họ có mối quan hệ nào thật sự có ý nghĩa không. Nếu họ gần như không có bạn bè gì thì rất có thể họ có vấn đề, trừ khi họ là người rất nhút nhát hoặc có lí do bắt buộc nào khác.[4]
    • Tương tự là với người nhà của họ. Nếu họ không có liên hệ gì với gia đình và không bao giờ nhắc tới gia đình thì rất có thể đó là vấn đề. Tất nhiên là họ có thể có lí do để làm vậy, ví dụ như những kí ức xấu hồi còn bé.
    • Hãy để ý nếu họ không có liên quan gì tới quá khứ của họ. Nếu họ không có bạn bè nào từ thời trung học hoặc đại học, hoặc bất kỳ giai đoạn nào trước đây, rất có thể họ bị nhân cách bệnh lý. Khi bị phát hiện hoặc tìm thấy một đối tượng khác phù hợp hơn, họ sẽ bỏ đi.
  12. Hãy xem người đó có muốn cô lập bạn không. Những người bị hôi chứng này thích gặp gỡ mọi người và làm thân rất nhanh. Vì thế, bạn không có cơ hội rút lui hoặc thay đổi quyết định. Có thể sau vài tuần, bạn sẽ nhận ra họ trở nên cực kỳ thân mật với bạn nếu hai người đang hẹn hò. Anh ta hoặc cô ta sẽ khiến bạn cảm thấy hai người như đôi tri kỷ, đó là do họ có khả năng nói đúng những gì bạn muốn nghe. Khi họ nhận ra bạn có nhu cầu nào đó chưa được thỏa mãn, họ sẽ coi đó là một cơ hội tốt để nhập vai và thỏa mãn mong muốn của bạn. Họ sẽ muốn độc chiếm bạn, thay vì “chia sẻ” bạn với những người khác.[5]
    • Nếu hai bạn đang hẹn hò, người đó sẽ nhanh chóng ngăn cản bạn đi chơi với bạn bè do họ cảm thấy bị đe dọa. Họ sẽ đưa ra mọi lý do để không đi chơi với bạn bè của bạn như: “Họ không hiểu em bằng anh” hoặc “Họ không muốn anh đi cùng” hoặc “Họ đang cố chia rẽ đôi ta vì họ không ưa anh”. Họ sẽ đóng vai người bị hại để thu hút sự đồng cảm và bảo vệ của bạn. Họ sẽ khiến bạn cảm thấy chỉ có bạn mới giúp được họ, rằng bạn nên dành thời gian ở bên họ và chỉ lắng nghe họ mà thôi.
  13. Hãy để ý xem họ có phải là người thiếu chín chắn không. Sociopath không bao giờ học được gì từ sai lầm, và họ sẽ mắc sai lầm hết lần này tới lần khác. Vì vậy, họ không biết rút kinh nghiệm như người khác. Hãy để ý những hành vi thiếu chín chắn mà họ che giấu dưới sự khéo léo và quyến rũ. Dưới đây là một vài hành vi như vậy:
    • Vô cùng ích kỷ. Họ muốn có mọi thứ bằng mọi giá. Kèm theo đó là việc không thích chia sẻ với người khác.
    • Có một cái tôi rất lớn. Họ bị ám ảnh về bản thân mình đến nỗi không quan tâm tới bất kỳ ai khác nữa.
    • Đeo bám. Họ muốn bạn luôn ở bên họ bất kỳ khi nào họ cần.
    • Không thích gánh trách nhiệm. Họ không sẵn sàng hoặc không thể giải quyết bất cứ một trách nhiệm nào được giao. Hoặc là họ sẽ đẩy việc cho người khác rồi cướp công hoặc là họ sẽ hoàn toàn trốn tránh trách nhiệm đó.

Tránh xa và Chấm dứt Mối quan hệ[sửa]

  1. Đừng cho họ những gì họ muốn từ bạn. Khi giao tiếp với họ, bạn nên tỏ ra thật tẻ nhạt để không làm thỏa mãn nhu cầu ham vui của họ. Những người đó rất nhanh chán. Việc nay bao gồm cả về mặt tinh thần. Khi nói chuyện với họ, hãy luôn điềm đạm. Đừng tỏ ra hào hứng hoặc tranh cãi với họ. Luôn giả vờ rằng bạn không có những điều họ muốn, ví dụ như: bị mất tiền, bị ăn trộm… Dù họ muốn gì, hãy từ chối một cách lạnh lùng và điềm tĩnh.
  2. Hãy tránh xa nếu có thể. Khi bạn đã chắc chắn ai đó là một Sociopath, bạn hãy tránh họ càng xa càng tốt. Nếu người đó là đồng nghiệp hoặc chơi cùng nhóm với bạn, có lẽ bạn sẽ không thể tránh mặt họ tuyệt đối được. Nhưng bạn hãy lánh mặt họ một cách lịch sự và khéo léo. Bạn nên nhớ, họ sẽ nhận ra bạn đang cố tình xa lánh họ, và kết quả là họ càng muốn tiếp cận bạn hơn. Bạn hãy cứng rắn và dành càng ít thời gian cho họ càng tốt.
    • Bạn không nên tỏ ra xấu tính hoặc lạnh lùng quá đáng. Việc đó rất dễ khiến bạn gặp nguy hiểm.
    • Đừng bảo với họ: “Cậu bị bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội”. Việc này sẽ khiến họ tức giận và càng muốn lôi kéo bạn hơn. Bạn không nên để họ biết rằng bạn đang cảnh giác với họ. Hãy lánh mặt họ một cách thật khéo léo.
  3. Hãy học cách “miễn nhiễm” với sự thu hút của họ. Người có nhân cách bệnh lý luôn muốn chinh phục bạn bằng quà cáp, lời khen hoặc những câu chuyện để lôi kéo cảm tình của bạn. Nhưng hãy nhớ, một khi bạn đã nhận ra con người của họ, đừng bao giờ quay đầu lại. Không có hành vi mua chuộc hoặc lời nói dối nào có thể khiến bạn cho họ một cơ hội thứ hai. Bạn thông minh hơn thế nhiều.
    • Đừng nhượng bộ. Họ có thể khiến bạn cảm thấy thương hại. Họ sẽ nói về việc họ cảm thấy cô đơn thế nào, bạn quan trọng với họ ra sao. Nhưng nếu họ đúng là một người hay lừa dối và muốn thao túng bạn, bạn không nên thực lòng thương họ. Bạn chỉ nên thông cảm vì họ có một tâm lý không bình thường.
  4. Nếu bạn đang hẹn hò với một người như vậy, hãy thoát khỏi mối quan hệ đó ngay. Bạn càng nấn ná, mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn, và bạn càng dễ bị cuốn vào những suy nghĩ của họ. Nếu bạn muốn kết thúc mối quan hệ này, bạn phải nói chia tay càng sớm càng tốt. Nhưng bạn đừng nói lý do chia tay là vì bạn nghĩ họ có bệnh về tâm lý.
    • Hãy nhớ người thực sự vô tâm khác với người bị nhân cách bệnh lý. Chỉ vì một người đối xử tệ bạc và vô tâm với bạn, không có nghĩa là họ bị bệnh, mà có thể họ chỉ là một người tồi tệ thôi. Một Sociopath thật sự sẽ không quan tâm tới cảm giác của bất kỳ ai.
    • Nếu bạn thực sự bị kiểm soát hoặc bị thao túng, bạn hãy chủ động cắt đứt quan hệ. Bạn có thể nói chia tay qua điện thoại hoặc nhờ bạn bè giúp đỡ nếu cần phải đến dọn đồ của mình đi. Đối với một Sociopath, câu nói “Không” không phải là một câu trả lời. Nếu bạn muốn chia tay, họ có thể sẽ tuyệt vọng và dùng tới bạo lực để ép bạn ở lại.
  5. Hãy cảnh báo mọi người. Dù bạn không nhất thiết phải đi loan truyền khắp nơi rằng người đó bị nhân cách bệnh lý, trừ phi người đó thật sự nguy hiểm, bạn vẫn nên cảnh báo với những người quen của họ. Đặc biệt là nên cảnh báo những người đang muốn hẹn hò với người bị bệnh. Đừng chọc giận họ bằng cách kể cho tất cả mọi người cùng biết sự thật. Trong trường hợp bạn thấy có người sắp trở thành nạn nhân của họ, bạn chắc chắn nên nói ra điều bạn nghĩ.
    • Hãy ứng biến tùy trường hợp. Nếu người này ở một cấp cao hơn bạn trong công ty, bạn không nên đi nói sự thật với mọi người. Bạn chỉ cần tránh họ càng xa càng tốt.
  6. Hãy biết nghĩ cho bản thân. Mục tiêu của những Sociopath là những người thiếu chính kiến hoặc luôn cần sự giúp đỡ. Để tránh trở thành mục tiêu của họ, bạn nên tự tin vào chính mình và có chính kiến riêng. Người có nhân cách bệnh lý luôn tránh xa những người mạnh mẽ và cứng rắn. Họ biết rằng họ không thể thao túng những người như vậy.[1]
    • Có thể việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng bằng cách luôn tỉnh táo với mọi thứ, tiếp cận vấn đề từ nhiều hướng, dành thời gian với những người có suy nghĩ khác mình, bạn có thể trở thành một người có chính kiến hơn.
    • Sự tự tin cũng rất cần thiết. Nếu bạn tự tin, bạn sẽ có những suy nghĩ độc lập. Như vậy, những người mắc chứng bệnh này sẽ không dám tiếp cận bạn.
  7. Đừng sợ những Sociopath. Hãy vận dụng kỹ năng tư duy của bản thân (như vừa đề cập), sử dụng lí lẽ và sự điềm đạm để đối đáp với họ. Ban đầu, họ có thể nói dối về mọi thứ. Nếu người này giả vờ, bạn không nên a dua theo những lời nói rống tuếch của họ. Thứ hai, họ rất thông minh. Điều đó cũng có thể khiến bạn khó chịu khi phải gồng mình lên hoặc cố tổ ra thông minh bằng họ. Hoặc rất có thể, bạn phải lẩn tránh nhu cầu muốn trở thành trung tâm của sự chú ý của họ. Nếu bạn không còn thấy sợ họ, ngừng ganh đua với họ, biết chấp nhận bản thân và trân trọng giá trị của mình, họ sẽ không còn cơ hội thao túng bạn nữa. Phần đông những Sociopath không phải là kẻ sát nhân, độc ác hay quái dị. Họ cũng là con người, những người mà bạn nên cẩn trọng trong giao tiếp. Họ không hề lựa chọn để trở thành người như vậy, và bạn cũng không hề lựa chọn để trở thành nạn nhân của họ. Tuy nhiên, bạn có thể khiến việc thao túng của họ trở nên dễ hơn hoặc khó hơn, lựa chọn này là của bạn. Hãy tìm hiểu cách mà họ thao túng người khác, đồng thời, hãy nắm chắc các phương pháp để tự bảo vệ bản thân.
    • Tất nhiên, Sociopath sẽ không thích khi bạn thể hiện tính cách mạnh mẽ hoặc từ chối họ. Nhưng nhờ đó, họ sẽ thôi đeo bám và ngừng cố gắng thao túng bạn, bởi vì họ biết kiểu gì cũng không lôi kéo được bạn. Đối với họ, việc đó rất đáng chán.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu có ai đó tốt đến không tưởng tượng được thì rất có thể họ có vấn đề. Đây là kết quả của bất kỳ chẩn đoán rối loạn tâm thần nào, từ rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới và chứng ái kỷ.
  • Sociopath luôn biết cách khiến người khác nghĩ mình là nạn nhân, trong khi bản thân họ mới chính là thủ phạm. Đó là cách họ đấu trí với bạn.
  • Họ sẽ nói đủ thứ để khiến bạn tha lỗi, rồi sau đó lại bảo rằng: họ chưa từng nói thế bao giờ.
  • Vài chuyên gia cho rằng: những người mắc chứng này bị tổn thương ở phần vỏ não trước trán – nơi điều khiển cảm xúc, đạo đức...
  • Sociopath thường trách móc nạn nhân vì những thiếu sót của chính mình. Họ không bao giờ tự nhận lỗi mà thay vào đó lại chỉ trích nạn nhân. Đó là điểm mấu chốt trong các chẩn đoán về rối loạn tâm thần.
  • Phần lớn họ đều biết cách che giấu sự vô cảm của mình. Họ là những diễn viên giỏi (nhập vai trong mọi hoàn cảnh). Vì thế, những điều này được phát hiện ra dựa trên những hành vi lộ liễu của những Sociopath thiếu kinh nghiệm, trẻ tuổi hoặc bị tự kỷ dạng thấp (những người không che giấu những hành vi hung hăng chống đối xã hội).
  • Vài chuyên gia nói rằng: phần đông những người mắc chứng này đều từng bị bạo hành khi còn nhỏ.
  • Hành vi chống đối xã hội là hành vi được di truyền. Hãy quan sát kỹ gia đình của họ để nhận ra nhân cách thật sự của người đó.
  • Những người chống đối xã hội hay nói dối về quá khứ, bạn đừng tin vào những gì họ nói. Thay vào đó, hãy để ý tới những điểm bất nhất trong câu chuyện của họ. Thông thường, sẽ có một hoặc hai chi tiết trong những câu chuyện giả đối của họ không hề thay đổi. Hoặc đó là sự thật, hoặc đó chỉ là điều mà họ tin là thật mà thôi.
  • Hãy nhận ra khi nào họ muốn thao túng bạn. Nếu không, họ sẽ khiến bạn phải làm những điều bạn không muốn.
  • Hãy cố gắng thao túng họ. Việc này rất khó, nhưng nếu làm được, nó sẽ có lợi cho bạn. Để làm được, bạn phải khiến họ nghĩ rằng: đó (điều mà bạn muốn) là ý tưởng của họ. Hãy khiến họ tin rằng họ cũng muốn làm điều đó. Nếu họ cho rằng bạn không liên quan gì tới ý tưởng đó, họ sẽ thực hiện ngay.
  • Họ thường phản ứng thái quá. Họ sẽ quan sát phản ứng của người khác trong từng hoàn cảnh rồi sẽ bắt chước theo. Bạn hãy chú ý kỹ và sẽ thấy: phản ứng của họ thường diễn ra sau khi họ quan sát xong. Họ thường nắm bắt cảm xúc rất nhanh nhưng cũng sẽ diễn tả thái quá.

Cảnh báo[sửa]

  • Sociopath là những người nói dối rất giỏi vì họ không cảm thấy ăn năn. Họ sẽ biện minh đủ điều cho hành động của mình để tránh bị lộ chân tướng.
  • Dù không phải tất cả những người đó đều bạo lực, nhưng tốt nhất là bạn vẫn nên tránh xa họ trong mọi mối quan hệ.
  • Chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội rất dễ bị nhầm với chứng rối loạn tự kỷ (Asperger) hoặc ngược lại. Điểm khác biệt mấu chốt chính là: Sociopath không biết ăn năn, còn người bị rối loạn tự kỷ thì không có khả năng suy nghĩ.
  • Sociopath có ít cảm xúc nên họ có thể dùng cảm xúc để chống lại bạn. Giao tiếp hiệu quả là khi bạn tiếp cận người khác bằng những gì mà họ có thể hiểu được. Đối với những người này, bạn hãy để cảm xúc sang một bên, nếu không, họ sẽ tìm được cách điều khiển bạn.
  • Đừng để họ biết rằng bạn cảnh giác với họ. Mỗi một Sociopath sẽ tiếp nhận việc này theo một cách riêng, nhưng tốt nhất, họ không được biết những điều mà bạn biết.
  • Đương nhiên, bạn hãy luôn tỉnh táo trước sức hút của họ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây