Nhận biết triệu chứng bệnh giang mai

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu không chữa trị bệnh có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho dây thần kinh, mô tế bào và não bộ. Căn bệnh mãn tính này hầu như tác động tới mọi mô tế bào và cơ quan trong cơ thể.[1] Tỷ lệ mắc bệnh giang mai giảm cho đến năm 2000, nhưng sau đó lại tăng (chủ yếu ở nam giới).[2] Năm 2013 có tới 56.471 ca bệnh mới chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ.[3] Bạn cần học cách nhận biết triệu chứng và điều trị nếu nghi ngờ mình mắc giang mai. Cho dù không mắc bệnh bạn cũng nên tìm hiểu cách phòng ngừa.

Các bước[sửa]

Nhận diện triệu chứng bệnh giang mai[sửa]

  1. Tìm hiểu con đường lây bệnh. Sau khi tìm hiểu cách lây truyền của bệnh giang mai bạn sẽ biết mình có nguy cơ mắc bệnh hay không. Giang mai lây từ người này sang người khác khi có sự tiếp xúc với vết loét của bệnh. Những vết loét này xuất hiện trên dương vật và bên ngoài khu vực âm đạo, hoặc ở trong đường âm đạo, hậu môn và trực tràng. Chúng cũng có thể xuất hiện trên môi và trong miệng.
    • Bạn có nguy cơ lây bệnh nếu đã quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người mắc bệnh.
    • Tuy nhiên, bạn chỉ bị lây khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương có vi khuẩn.[4][5] Giang mai không thể lây qua đường dùng chung bát đũa, bồn cầu, nắm tay cửa, bồn tắm hay bể bơi.
    • Đàn ông quan hệ tình dục với nhau rất dễ nhiễm giang mai, trong năm 2013 có 75% số ca mới mắc là do đường quan hệ này. Tình dục an toàn đặc biệt quan trọng đối với đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.[6][3]
  2. Nên nhớ nhiều người hoàn toàn không hay biết dù đã mang vi khuẩn giang mai nhiều năm. Giai đoạn đầu mắc bệnh không có triệu chứng đáng kể nên nhiều người không thể nhận ra mình đã mắc giang mai.[5] Cho dù thấy vết loét và triệu chứng họ vẫn không biết đó là bệnh lây truyền qua đường tình dục, và để yên không điều trị trong thời gian dài. Những vết loét nhỏ phát triển rất chậm trong 1-20 năm sau khi nhiễm trùng, vì vậy người mang mầm bệnh lây cho người khác mà không biết.[4]
  3. Nhận biết triệu chứng trong giai đoạn 1. Quá trình phát triển của bệnh giang mai có 3 giai đoạn: giai đoạn 1, 2 và 3. Giai đoạn 1 thường bắt đầu khoảng 3 tuần sau khi tiếp xúc với vết loét bệnh. Tuy nhiên triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kì thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 10-90 ngày sau khi tiếp xúc lần đầu tiên.[4]
    • Giai đoạn 1 thường có biểu hiện dưới dạng vết loét không đau gọi là “săng”, có dạng hình tròn nhỏ, cứng và không đau. Phổ biến chỉ có một vết loét nhưng cũng có thể có nhiều hơn.
    • Vết loét này xuất hiện ở đúng nơi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, thường nhất là ở miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn.[4]
    • Vết loét sẽ tự lành trong khoảng 4 tới 8 tuần và không để lại sẹo, tuy nhiên điều này không có nghĩa bệnh đã hết. Nếu không điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng dần dần phát triển sang giai đoạn 2.
  4. Phân biệt sự khác nhau giữa giai đoạn 1 và 2. Giai đoạn 2 bắt đầu sau khi nhiễm trùng lần đầu khoảng 4 tới 8 tuần, và kéo dài từ 1 tới 3 tháng.[7] Đặc điểm của giai đoạn này là "phát ban dát sần" trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Loại ban này không ngứa nhưng tạo ra các điểm sần sùi, có màu nâu đỏ trên da.[7] Lúc này các loại ban có bề ngoài nhìn hơi khác cũng xuất hiện ở những bộ phận khác. Có khi người ta không nhận ra mình phát ban, hoặc không nghĩ do giang mai gây ra, đây thường là lý do dẫn đến điều trị bệnh trễ.
    • Không chỉ phát ban mà còn có những triệu chứng khác xuất hiện trong giai đoạn 2, tuy nhiên người ta cũng hay nhầm lẫn chúng với các bệnh khác như cúm hoặc stress.
    • Các triệu chứng này bao gồm: mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, sốt, đau họng, nhức đầu, sưng tuyến bạch huyết, mất từng mảng tóc và giảm cân.[7]
    • Khoảng một phần ba số ca mắc giang mai không điều trị trong giai đoạn 2 sẽ phát triển sang giai đoạn tiềm ẩn hay giai đoạn 3.[7] Giai đoạn tiềm ẩn là thời kỳ không phát sinh triệu chứng, xảy ra trước giai đoạn 3.
  5. Học cách phân biệt triệu chứng của giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn 3. Giai đoạn tiềm ẩn bắt đầu khi triệu chứng của giai đoạn 1 và 2 biến mất. Vi khuẩn giang mai vẫn tồn tại trong cơ thể nhưng không còn bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào. Giai đoạn tiềm ẩn có thể kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, khoảng một phần ba số bệnh nhân không điều trị trong giai đoạn này sẽ phát triển sang giai đoạn 3 với triệu chứng rất nặng. Có thể phải mất từ 10 tới 40 năm sau khi nhiễm trùng lần đầu giai đoạn 3 mới xuất hiện.[4]
    • Thời gian này giang mai có thể tấn công vào não, tim, mắt, gan, xương và khớp xương. Tổn thương nghiêm trọng đến độ đủ để gây tử vong.
    • Các triệu chứng khác của giai đoạn 3 bao gồm khó vận động cơ, tê cứng, liệt, mù tiến triển và sa sút trí tuệ.[8]
  6. Cảnh giác với triệu chứng giang mai ở trẻ sơ sinh. Nếu phụ nữ có thai mắc giang mai họ có thể truyền vi khuẩn sang thai nhi thông qua nhau thai. Việc chăm sóc tốt trước khi sinh giúp bác sĩ chuẩn bị biện pháp ứng phó với biến chứng có thể xảy ra. Triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh mắc giang mai bao gồm:[9]
    • Sốt từng cơn
    • Lá lách to và gan to
    • Sưng hạch bạch huyết
    • Hắt hơi hoặc chảy mũi mãn tính mà không biết nguyên nhân gây dị ứng (viêm mũi kéo dài)
    • Phát ban dát sần trên lòng bàn tay và lòng bàn chân

Chẩn đoán và điều trị giang mai[sửa]

  1. Đi khám bệnh nếu bạn nghi ngờ mình mắc giang mai. Bạn phải đi khám bệnh ngay nếu nghĩ mình đã tiếp xúc với vết loét bệnh, hoặc nếu có dịch tiết bất thường, loét hoặc phát ban, đặc biệt ở bộ phận sinh dục.
  2. Xét nghiệm định kỳ nếu bạn nằm trong nhóm "có nguy cơ". Nhóm đặc nhiệm về dịch vụ phòng bệnh Hoa Kỳ (USPSTF) đặc biệt khuyến cáo những người thuộc nhóm "nguy cơ" nên xét nghiệm giang mai hằng năm, cho dù họ không có triệu chứng.[10] Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nếu bạn không phải đối tượng có “nguy cơ” thì việc xét nghiệm tầm soát chẳng có ích gì. Thật ra điều này còn khiến bạn lo lắng hoặc dùng thuốc kháng sinh một cách không cần thiết.[11] Những người thuộc nhóm có “nguy cơ” là người:
    • Quan hệ tình dục bừa bãi
    • Quan hệ với bạn tình dương tính với giang mai
    • Nhiễm HIV
    • Là phụ nữ mang thai
    • Là nam giới có quan hệ đồng tính
  3. Xét nghiệm máu để xác nhận kết quả chẩn đoán. Cách hiệu quả nhất để chẩn đoán giang mai là xét nghiệm máu tìm kháng thể của bệnh. Xét nghiệm giang mai rẻ tiền và dễ làm, bạn có thể thực hiện ở phòng khám hoặc bệnh viện. Nhân viên y tế sẽ dùng một trong các phương pháp sau để tìm kháng thể giang mai trong máu:
    • Xét nghiệm không nhiễm treponemal: Xét nghiệm này phù hợp cho mục đích tầm soát, độ chính xác khoảng 70%. Nếu kết quả là dương tính bác sĩ sẽ xác nhận lại kết quả chẩn đoán bằng xét nghiệm nhiễm treponemal.[4]
    • Xét nghiệm nhiễm treponemal: Xét nghiệm tìm kháng thể treponemal có tính cụ thể hơn, được dùng để khẳng định chắc chắn thay vì chỉ mang tính tầm soát.
    • Nhân viên y tế xét nghiệm giang mai bằng cách lấy mẫu ở vết loét nghi ngờ do bệnh gây ra. Họ quan sát mẫu đó dưới kính hiển vi chuyên dụng để tìm vi khuẩn treponema pallidum gây ra giang mai.[8]
    • Tất cả bệnh nhân giang mai đều phải xét nghiệm HIV. [4]
  4. Điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bệnh giang mai khá dễ điều trị nếu được chăm sóc y tế đúng cách. Phát hiện bệnh càng sớm càng dễ điều trị, nếu bệnh được phát hiện trong vòng năm đầu tiên thì chỉ cần một liều penicillin duy nhất có thể chữa khỏi hoàn toàn. Thuốc kháng sinh rất hiệu quả với bệnh giang mai giai đoạn đầu, nhưng kém hiệu quả khi điều trị trễ.[12] Những người đã mắc bệnh trên một năm có thể phải dùng nhiều liều kháng sinh. Bệnh nhân trong giai đoạn tiềm ẩn hay giai đoạn 3 phải uống 3 liều mỗi tuần.[12]
    • Cho bác sĩ biết nếu bạn dị ứng với penicillin. Họ sẽ thay thế bằng thuốc doxycycline hay tetracycline với thời gian điều trị kéo dài 2 tuần. Nên nhớ những thuốc này có thể không phù hợp cho phụ nữ mang thai vì có nguy cơ gây khiếm khuyết cho thai nhi.[13] Nếu bạn rơi vào trường hợp này bác sĩ sẽ tìm phương pháp điều trị khác cho bạn.
  5. Không tự mình điều trị giang mai. Thuốc penicillin, doxycycline và tetracycline hoạt động trên nguyên tắc tiêu diệt vi khuẩn giang mai và trục xuất chúng khỏi cơ thể. Không một loại thuốc không kê toa hoặc cách tự điều trị nào có thể làm việc này. Chỉ có bác sĩ mới kê đúng liều thuốc cần thiết cho căn bệnh.
    • Dù thuốc trị được giang mai nhưng nó không thể khắc phục các tổn thương đã xảy ra.
    • Lưu ý là việc xét nghiệm và điều trị cũng tương tự cho trẻ sơ sinh.
  6. Để bác sĩ theo dõi tiến trình phục hồi. Sau khi bạn đã hoàn thành đợt điều trị bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm không nhiễm treponemal 3 tháng một lần. Việc này giúp họ theo dõi phản ứng của bạn với thuốc. Nếu kết quả xét nghiệm không cho thấy cải thiện trong vòng 6 tháng, điều đó chứng tỏ thuốc không phù hợp hoặc có sự tái nhiễm trùng.[12]
  7. Tránh quan hệ tình dục cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn. Nhất thiết bạn phải tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị, đặc biệt với bạn tình mới. Chừng nào các vết loét chưa lành và bác sĩ chưa khẳng định giang mai đã khỏi, bạn vẫn có nguy cơ lây bệnh cho người khác.[12]
    • Bạn nên thông báo cho các bạn tình trước đây biết về việc mình mắc giang mai để họ cũng đi xét nghiệm và điều trị.

Đề phòng mắc giang mai[sửa]

  1. Sử dụng bao cao su thiên nhiên, bao cao su làm từ chất liệu polyurethane hoặc miếng bảo vệ miệng. Đeo bao cao su trong khi quan hệ tình dục bằng đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng có thể giảm nguy cơ nhiễm giang mai. Tuy nhiên bạn phải mang bao cao su che hết vết loét hoặc vị trí nhiễm trùng.[14] Luôn luôn sử dụng bao cao su với bạn tình mới vì bản thân họ cũng không biết mình có nhiễm giang mai hay không - đặc biệt khi chưa có vết loét nhìn thấy được.
    • Nên nhớ bạn vẫn có nguy cơ mắc giang mai cho dù vết loét đã được bao cao su che kín.
    • Tốt nhất bạn nên mang miếng bảo vệ miệng khi quan hệ bằng miệng với phụ nữ, vì chúng có thể che phủ một diện tích lớn hơn so với bao cao su được cắt ra. Nhưng nếu bạn không có miếng bảo vệ miệng thì có thể cắt một chiếc bao cao su dùng cho nam giới để dùng tạm.
    • Bao cao su làm từ cao su thiên nhiên hay chất liệu polyurethane đều có hiệu quả chống lây nhiễm bệnh qua đường tình dục như nhau. Bao cao su làm từ "màng ruột con cừu" không thể bảo vệ chống lại bệnh một cách hiệu quả.[15]
    • Sử dụng bao cao su mới cho mỗi lần quan hệ. Không sử dụng lại bao cao su, ngay cả trong một lần quan hệ với các hình thức khác nhau (âm đạo, hậu môn, miệng), bạn cũng phải dùng nhiều bao cao su cho mỗi hình thức.[15]
    • Sử dụng chất bôi trơn gốc nước cùng với bao cao su thiên nhiên. Chất bôi trơn gốc dầu như sáp nguyên chất chưng cất từ dầu hỏa, dầu khoáng hoặc dầu dưỡng thể có thể làm yếu chất liệu cao su thiên nhiên và tăng nguy cơ lây bệnh.[15]
  2. Tránh quan hệ tình dục bừa bãi. Bạn không thể biết chắc những bạn tình mới quen biết sơ sơ không mang bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chính vì vậy bạn nên tránh quan hệ bừa bãi. Nếu biết chắc bạn tình đang mắc giang mai bạn phải tránh quan hệ với họ hoàn toàn, cho dù họ có mang bao cao su.[14]
    • Lựa chọn tốt nhất là có quan hệ một vợ một chồng, quan hệ dài hạn với một bạn tình âm tính với giang mai hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
  3. Tránh uống rượu bia quá nhiều hoặc dùng ma túy. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ khuyến cáo không uống quá nhiều rượu bia hoặc dùng ma túy. Các chất này làm tăng nguy cơ thực hiện hành vi tính dục rủi ro ở người sử dụng và đặt họ vào nhóm có "nguy cơ" cao.[8]
  4. Chăm sóc đúng cách trước khi sinh nếu đang mang thai. Phụ nữ mang thai phải được chăm sóc tốt, nghĩa là phải xét nghiệm giang mai. Các chuyên gia y tế và nhóm USPSTF khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm tầm soát vì giang mai có thể lây từ mẹ sang con, gây ra bệnh nặng hoặc tử vong cho trẻ sơ sinh.[11] [14]
    • Trẻ sơ sinh mắc giang mai từ mẹ thường nhẹ cân, sinh non hoặc chết non.
    • Cho dù khi sinh ra trẻ không có triệu chứng gì, nhưng bệnh sẽ tiến triển nặng chỉ trong vài tuần nếu để yên không chữa. Giang mai khiến trẻ gặp những vấn đề như điếc, đục thủy tinh thể, động kinh và nguy cơ tử vong.
    • Việc này có thể tránh được nếu phụ nữ mang thai xét nghiệm giang mai trong suốt thai kỳ và vào lúc sinh. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, cả mẹ và bé phải được điều trị.[5]


Lời khuyên[sửa]

  • Bệnh giang mai dễ điều trị nếu được phát hiện sớm. Nếu người bệnh chỉ mới mắc giang mai chưa đến một năm thì chỉ cần một liều tiêm penicillin là có thể trị khỏi. Ngược lại bạn cần phải sử dụng nhiều liều thuốc nếu bệnh đã kéo dài hơn một năm.
  • Cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục là kiềm chế ham muốn, hoặc có quan hệ chung thủy một vợ một chồng với người không mắc bệnh.
  • Giang mai không thể lây qua đường dùng chung bát đũa, nắm tay cửa, bể bơi hay bồn cầu.
  • Những người đang điều trị không nên quan hệ tình dục cho đến khi săng giang mai lành hoàn toàn. Nếu phát hiện mình nhiễm giang mai bạn cũng nên cho bạn tình biết để họ tìm cách chữa trị.
  • Bác sĩ chẩn đoán giang mai bằng cách lấy mẫu xét nghiệm ở săng, ngoài ra xét nghiệm máu cũng có thể phát hiện bệnh. Hai xét nghiệm này rẻ tiền, đơn giản nhưng chính xác và có thể cứu sống bạn, vì vậy hãy đi khám bệnh nếu bạn nghi ngờ mình mắc giang mai.

Cảnh báo[sửa]

  • Bạn dễ dàng lây và nhiễm HIV khi tiếp xúc với săng trong quá trình hoạt động tình dục.
  • Bao cao su bôi trơn bằng thuốc diệt tinh trùng không hiệu quả hơn các loại bao cao su bôi trơn khác trong việc ngăn chặn bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Không có loại thuốc không kê toa hoặc phương pháp tự điều trị nào có thể chữa khỏi giang mai.
  • Phụ nữ mang thai nhiễm giang mai mà không điều trị có thể lây bệnh và khiến thai nhi tử vong.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Centers for Disease Control and Prevention. Sexually Transmitted Disease Surveillance 2007 Supplement, Syphilis Surveillance Report. Atlanta, GA: U.S. Department of Health and Human Services, Centers for Disease Control and Prevention, March 2009.
  2. Centers for Disease Control and Prevention. Sexually Transmitted Disease Surveillance 2007 Supplement, Syphilis Surveillance Report. Atlanta, GA: U.S. Department of Health and Human Services, Centers for Disease Control and Prevention, March 2009
  3. 3,0 3,1 http://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis-detailed.htm
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 4,5 4,6 Agabegi, S. (2013). Step-up to medicine (3rd ed.). Philadelphia: Wolters Kluwer/Lippincott Williams & Wilkins.
  5. 5,0 5,1 5,2 http://www.cdc.gov/std/syphilis/the-facts/syphilis_2010_508_final.pdf
  6. http://www.cdc.gov/std/syphilis/stats.htm
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 Le, T., & Bhushan, V. (2010). First aid for the USMLE step 2 CK (7th ed.). New York: McGraw-Hill Medical.
  8. 8,0 8,1 8,2 http://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis.htm
  9. Stead, L., & Kaufman, M. (2011). First aid for the pediatrics clerkship (3rd ed.). New York: McGraw-Hill Medical.
  10. http://www.uspreventiveservicestaskforce.org/Page/Name/uspstf-recommendations-for-sti-screening#age-and-periodicity-of-screening
  11. 11,0 11,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1466700/
  12. 12,0 12,1 12,2 12,3 Agabegi, S. (2013). Step-up to medicine (3rd ed.). Philadelphia: Wolters Kluwer/Lippincott Williams & Wilkins.
  13. http://www.cdc.gov/std/syphilis/the-facts/syphilis_2010_508_final.pdf
  14. 14,0 14,1 14,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/syphilis/basics/prevention/con-20021862
  15. 15,0 15,1 15,2 http://www.cdc.gov/std/treatment/2010/clinical.htm