Nhận biết triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN) là tình trạng mất cân bằng hormone ảnh hưởng đến khoảng 10% nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Phụ nữ mắc hội chứng BTĐN thường gặp tình trạng kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, tăng cân, vấn đề về khả năng sinh sản và các triệu chứng khác. Ngoài ra còn có u nang lành tính trong buồng trứng có thể phát hiện bằng phương pháp siêu âm. Hội chứng BTĐN có thể xuất hiện ở bé gái từ 11 tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở độ tuổi teen, tuổi hai mươi hoặc cao hơn. Vì hội chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hormone, chu kỳ kinh nguyệt, ngoại hình và khả năng sinh sản nên việc chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng. Nhận biết hội chứng buồng trứng đa nang sớm và điều trị y tế có thể giúp tránh được biến chứng lâu dài.

Các bước[sửa]

Nhận biết triệu chứng quan trọng để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang[sửa]

  1. Theo dõi kinh nguyệt. Nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN), kinh nguyệt sẽ không đều hoặc không có kinh nguyệt. Bạn nên chú ý đến những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt như chu kỳ kinh nguyệt cách xa nhau, tắc kinh kéo dài, chảy máu kinh quá nhiều hoặc quá ít, xuất huyết giữa các kỳ kinh nguyệt. Lưu ý đến những dấu hiệu sau:[1]
    • Thời gian giữa các kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày
    • Ít hơn 8 kỳ kinh nguyệt mỗi năm
    • Không có kinh trong vòng 4 tháng hoặc hơn
    • Thời gian kinh nguyệt chảy máu quá nhiều hoặc quá ít
    • Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% phụ nữ mắc hội chứng BTĐN có thời gian giữa các kỳ kinh nguyệt dài hơn (kinh thưa). Khoảng 20% phụ nữ mắc hội chứng BTĐN không có kinh nguyệt (vô kinh). Rụng trứng không thường xuyên hoặc không đều được gọi là ít rụng trứng (oligoovulation). Không rụng trứng (Anovulation) là sự biến mất hoàn toàn của quá trình rụng trứng. Đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ bản thân không rụng trứng - dù gốc rễ của vấn đề là do hội chứng BTĐN hay vấn đề nào khác.
  2. Quan sát tình trạng tăng lông mặt và lông trên cơ thể. Nữ giới khỏe mạnh có một lượng nhỏ androgen (hormone nam giới) trong cơ thể. Buồng trứng đa nang thường sản sinh một lượng androgen nhiều hơn do nồng độ hormone luteinizing cao (hormone này với nồng độ bình thường sẽ giúp điều tiết chu kỳ kinh nguyệt và sản sinh trứng[2]) cùng insulin). Vấn đề này có thể gây ra triệu chứng đáng lo ngại như lông mặt và lông cơ thể phát triển. Tình trạng này được gọi là chứng rậm lông.[3]
    • Lông có thể mọc nhiều ở mặt, bụng, ngón chân, ngón tay, ngực và lưng.
  3. Theo dõi tình trạng rụng tóc và hói. Nồng độ androgen trong cơ thể tăng cũng có thể gây rụng tóc, mỏng tóc hoặc hói đầu giống nam giới. Tóc có thể rụng từ từ. Ví dụ, bạn nên lưu ý nếu thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường khi tắm.
  4. Quan sát tình trạng da dầu, mụn trứng cá hoặc gàu. Tăng tiết androgen cũng có thể khiến da dầu và mọc nhiều mụn trứng cá. Bạn cũng có thể bị gàu - da đầu bong tróc vảy.[4]
  5. Hỏi bác sĩ về buồng trứng đa nang. Buồng trứng đa nang là buồng trứng với hơn 12 nang, mỗi nang có đường kính 2-9 mm. Nang nằm xung quanh bên ngoài buồng trứng, dẫn đến tăng khối lượng buồng trứng. Trong một số trường hợp, bạn cần được phẫu thuật loại bỏ các nang này. Để xác định bạn có buồng trứng đa nang không, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm.[5]
    • Kết quả siêu âm cần được chuyên gia sức khỏe nội tiết sinh sản đánh giá. Bác sĩ nội tiết sinh sản chuyên về các vấn đề về sinh sản và khả năng sinh sản, ví dụ như hội chứng BTĐN, lạc nội mạc tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm và các bất thường ở tử cung.[6] Nếu kết quả siêu âm do bác sĩ không chuyên đánh giá, buồng trứng đa nang thường được gọi là 'bình thường', tức không nhìn thấy khối u. Lý do là vì bác sĩ không được đào tạo để nhìn thấy những bất thường này. Đôi khi, bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm hoặc khuyến nghị bệnh nhân tập thể dục để giảm cân do hội chứng BTĐN. [7]

Nhận biết triệu chứng liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang[sửa]

  1. Lưu ý tình trạng tăng insulin. Tăng insulin là tình trạng nồng độ insulin tăng quá cao. Đôi khi triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với bệnh tiểu đường hoặc hạ đường huyết. Đối với phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, tình trạng này là do cơ thể có xu hướng kháng hiệu quả của insulin.[8] Đi khám bác sĩ ngay nếu gặp những triệu chứng sau:[9]
    • Tăng cân
    • Thèm đường hay thèm ngọt
    • Cảm thấy đói thường xuyên và dữ dội
    • Khó tập trung
    • Lo lắng hoặc hoảng loạn
    • Mệt mỏi
    • Là triệu chứng của hội chứng BTĐN, tăng insulin liên quan đến tình trạng tăng sản sinh androgen. Kết quả dẫn đến là da nhờn, mụn trứng cá, mọc nhiều lông trên mặt và cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể tăng cân vùng bụng.
    • Nếu nghi ngờ bạn bị tăng insulin, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm mức độ dung nạp glucose (GTT).
    • Điều trị tăng insulin bao gồm thông qua chế độ ăn và tập luyện, có thể kết hợp dùng thuốc Metformin để hạ nồng độ insulin. Dù được bác sĩ kê đơn thuốc Metformin, bạn cũng nên yêu cầu được giới thiệu đến gặp chuyên gia dinh dưỡng. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị.[10]
    • Kiểm tra nồng độ insulin, glucose, hemoglobin A1c and c-peptit. Không có xét nghiệm nhất định nào giúp chẩn đoán tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, nồng độ các chất kể trên thường cao hơn bình thường ở bệnh nhân mắc hội chứng BTĐN và kháng insulin.
  2. Lưu ý đến tình trạng vô sinh. Bạn có thể mắc hội chứng BTĐN nếu khó mang thai và có kinh nguyệt không đều. Trên thực tế, hội chứng BTĐN là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh. Rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng khiến bạn khó hoặc không thể thụ thai.
    • Nồng độ hormone cao đôi khi có thể làm tăng nguy cơ sảy thai ở nữ giới mắc hội chứng BTĐN và đang muốn mang thai. Đi khám bác sĩ ngay nếu bạn không thể thụ thai.
  3. Đặc biệt lưu ý tình trạng béo phì. Béo phì luôn là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại và đó cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng BTĐN. Vì nồng độ insulin tăng cao nên nữ giới mắc hội chứng BTĐN thường tích tụ mỡ quanh eo và có thân hình quả lê. Những đối tượng này cũng khó giảm cân.[11]
    • Có khoảng 38% phụ nữ mắc hội chứng BTĐN bị béo phì. Người trưởng thành bị béo phì thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 30. [12]
  4. Lưu ý những thay đổi trên da. Nếu mắc hội chứng BTĐN, trên da vùng cổ, dưới cánh tay, đùi và ngực có thể xuất hiện các mảng da màu đỏ nhung, nâu nhạt hoặc đen (chứng gai đen). Trên da cũng có thể xuất hiện phần da dư (mụn thịt), thường là ở dưới cánh tay hoặc trên cổ.
  5. Theo dõi triệu chứng đau bụng và đau vùng chậu. Một số phụ nữ mắc hội chứng BTĐN có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu vùng chậu, bụng hoặc lưng dưới. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc nhói, mức độ nhẹ đến dữ dội. Cơn đau hay khó chịu có thể tương tự với cơn đau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. [11]
  6. Theo dõi chất lượng giấc ngủ. Một số phụ nữ mắc hội chứng BTĐN có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ, tức tình trạng ngáy và ngưng thở từng cơn khi ngủ. Nguyên nhân có thể là do tăng nồng độ estrogen hoặc testosterone hoặc do béo phì - cả hai đều liên quan đến hội chứng BTĐN.
  7. Cảnh giác với các triệu chứng tâm lý. Phụ nữ mắc hội chứng BTĐN thường dễ cảm thấy lo âu hoặc trầm cảm. Nguyên nhân có thể là do những thay đổi trong cơ thể như mất cân bằng hormone. Hoặc có thể là phản ứng đối với các triệu chứng khác của hội chứng BTĐN như vô sinh.
  8. Kiểm tra tiền sử gia đình. Hội chứng BTĐN có thể là bệnh di truyền. Bạn có thể mắc hội chứng này nếu có mẹ hoặc chị gái cũng mắc phải. Nên kiểm tra tiền sử bệnh tật trong gia đình để xác định xem bạn có dễ mắc hội chứng BTĐN hay không. [13]
    • Nữ giới mắc hội chứng BTĐN thường có thành viên trong gia đình bị tiểu đường.
    • Nữ giới mắc hội chứng BTĐN thường là trẻ sơ sinh từng nhỏ bất thường hoặc lớn bất thường.

Tìm hiểu biến chứng lâu dài của hội chứng buồng trứng đa nang[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Bạn nên đi khám bác sĩ hoặc bác sĩ phụ khoa nếu nghi ngờ bản thân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN). Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng và hỏi bạn về triệu chứng cũng như tiền sử bệnh lý. [11], [14]
    • Tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về tiền sử gia đình và lối sống của bạn như tập thể dục, hút thuốc, chế độ ăn và mức độ căng thẳng. Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về ý muốn mang thai.
    • Khám sức khỏe tổng thể và khám phụ khoa. Bác sĩ có thể cân trọng lượng, kiểm tra chỉ số khối cơ thể cho bạn. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành đo huyết áp, kiểm tra các tuyến và khám phụ khoa.
    • Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ glucose, insulin, cholesterol và androgen cùng với một số yếu tố khác.
    • Siêu âm âm đạo: Bạn có thể cần được siêu âm âm đạo để xác định xem có nang trên buồng trứng không.
  2. Kiểm soát cân nặng. Bạn có thể gặp nhiều triệu chứng của hội chứng BTĐN hơn nếu bị thừa cân hoặc béo phì. Lối sống lành mạnh có thể giúp bạn tránh được một vài trong số các hậu quả nghiêm trọng của hội chứng BTĐN.
    • Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, tránh ăn thức ăn không tốt cho sức khỏe, tập thể dục đều đặn và không hút thuốc.
    • Tập làm quen với chỉ số glycemic. Đây là chỉ số tương ứng với mức độ làm tăng nồng độ insulin của thực phẩm khi bạn tiêu thụ. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có chỉ số glycemic thấp và tránh tiêu thụ thực phẩm có chỉ số glycemic cao. Có thể tham khảo các trang thông tin trên mạng để xác định chỉ số glycemic của hầu hết thực phẩm. .
  3. Chú ý đến huyết áp. Huyết áp cao là tình trạng rất phổ biến ở nữ giới mắc hội chứng BTĐN. Do đó, bạn nên kiểm tra huyết áp đều đặn.
    • Huyết áp bình thường và khỏe mạnh ở nữ giới là huyết áp tâm thu dưới 120, huyết áp tâm trương dưới 80.[15]
  4. Cảnh giác với vấn đề về tim mạch. Phụ nữ mắc hội chứng BTĐN có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, bạn nên đi khám sức khỏe đều đặn, bao gồm kiểm tra sức khỏe tim.
    • Chế ăn độ uống lành mạnh, tập thể dục và giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ mắc vấn đề về tim mạch.
  5. Cảnh giác với dấu hiệu tiểu đường. Phụ nữ mắc hội chứng BTĐN có nguy cơ cao bị tiểu đường. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường gồm có:[16]
    • Đi tiểu thường xuyên
    • Cảm thấy rất khát nước hoặc rất đói
    • Mệt mỏi dữ dội
    • Vết bầm tím hoặc vết cắt lâu lành
    • Mờ mắt
    • Cảm giác tê nhói hoặc đau ở bàn tay hoặc bàn chân
  6. Cảnh giác với nguy cơ ung thư. Mắc hội chứng BTĐN có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, đặc biệt là nếu kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh và không được bác sĩ điều trị. Khi nồng độ hormone bất thường như tăng nồng độ estrogen và androgen, hạ nồng độ progesterone, bạn có nguy cơ ung thư cao.[17], [18]
    • Có thể giảm nguy cơ mắc ung thư bằng cách điều hòa kinh nguyệt, thông qua việc dùng thuốc ngừa thai hoặc tiêm progesterone dạng tổng hợp định kỳ để kích thích kinh nguyệt. Hoặc bạn có thể điều hòa kinh nguyệt bằng cách sử dụng vòng tránh thai chứa progestin như Mirena hoặc Skyla.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu được chẩn đoán mắc hội chứng BTĐN, bạn nên tìm đọc bài viết “Cách điều trị hội chứng buồng trứng đa nang” để biết cách điều trị và sống chung với bệnh.
  • Chẩn đoán sớm có thể giúp tránh được một vài trong số các triệu chứng gây khó chịu nhất của hội chứng BTĐN. Nếu thấy có dấu hiệu, bạn nên điều trị y tế ngay. Luôn trao đổi với bác sĩ về tất cả triệu chứng mà bạn gặp phải. Không nên chỉ chú trọng vào một vấn đề như vô sinh hoặc béo phì. Nên cung cấp cho bác sĩ thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Nữ giới mắc hoặc nghi ngờ bản thân mắc hội chứng BTĐN có thể cảm thấy xấu hổ, trầm cảm hoặc lo lắng về triệu chứng bệnh. Trong trường hợp đó, bạn cũng không được để những cảm giác này ảnh hưởng đến quá trình điều trị và nên sống hết mình. Nếu bắt đầu cảm thấy trầm cảm hoặc lo lắng, bạn nên trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]