Nhận ra người rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder, viết tắt APD) là một chứng bệnh tâm thần, với biểu hiện là một người trưởng thành thiếu sự thông cảm và không biết ăn năn. Trong đời sống thường ngày, người ta hay dùng từ “nhân cách bệnh” (psychopath) và “thái nhân cách xã hội” (sociopath) để chỉ người APD, nhưng đây không phải thuật ngữ dùng trong y khoa.[1] Theo y học, người mắc chứng APD là người thao túng người khác, lừa lọc, liều lĩnh và thường nguy hiểm. Những người APD rơi vào nhóm với nhiều sắc thái, biểu hiện các triệu chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau (không phải tất cả những người APD đều là kẻ giết người hàng loạt hoặc là bậc thầy lừa đảo như phim ảnh thường mô tả), nhưng bất cứ ai trong nhóm này đều gây khó chịu cho người khác và đôi khi nguy hiểm. Hãy học cách nhận biết một người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội để có thể tự bảo vệ mình và người mắc chứng rối loạn này.

Các bước[sửa]

Xác định các Triệu chứng của APD[sửa]

  1. Biết về các tiêu chí chẩn đoán chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Một người được chẩn đoán là mắc chứng APD phải có biểu hiện ít nhất ba hành vi chống đối xã hội được phân loại trong DSM (Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê).[2] DSM là tài liệu chính thức về tất cả các bệnh tâm thần và triệu chứng, được các nhà tâm lý học sử dụng để chẩn đoán bệnh.[3]
  2. Kiểm tra tiền án tiền sự về hành vi phạm tội hoặc bị bắt giữ. Người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ có tiền sự nhiều lần bị bắt giữ vì phạm tội, có thể nghiêm trọng hoặc không. Các tội này thường bắt đầu từ tuổi thiếu niên và tiếp diễn cho đến khi trưởng thành. Những người APD cũng thường có vấn đề về lạm dụng rượu và chất kích thích, nghĩa là họ có thể bị bắt vì tội tàng trữ hoặc sử dụng ma túy hoặc tội DUI (tội lái xe khi say rượu hoặc dưới ảnh hưởng của chất kích thích).
    • Bạn có thể cần phải tự mình điều tra quá khứ của người đó nếu họ không tiết lộ với bạn.
  3. Xác định bệnh nói dối và hành vi lừa gạt. Người APD có thói quen nói dối một cách tự phát, thậm chí về cả những chuyện vặt vãnh hoặc không có liên quan. Qua thời gian, thói quen này có thể trở thành hành vi bịp bợm khi họ dùng những lời nói dối để thao túng người khác nhằm đạt lợi ích của mình. Một triệu chứng có liên quan là họ có thể nấp sau các tên giả với mục đích lừa đảo hoặc chỉ là một hình thức nói dối khác.
  4. Quan sát sự liều lĩnh bất chấp nguy hiểm. Người rối loạn nhân cách chống đối xã hội có xu hướng không màng đến an toàn của người khác và của cả chính họ. Họ có thể phớt lờ các tình huống ẩn chứa nguy hiểm hoặc cố ý đặt bản thân họ và người khác vào hiểm nguy. Ở phạm vi hẹp, đó có thể là kiểu phóng xe bạt mạng hoặc gây hấn với những người lạ. Ở phạm vi nghiêm trọng hơn thì đó có thể là hành vi làm tổn thương thể xác, hành hạ, hoặc bỏ rơi một người khác.
  5. Xác định những hành vi bộc phát hoặc không lường trước hậu quả. Người APD thường tỏ ra thiếu khả năng trù tính cho tương lai, dù là việc trước mắt hoặc kế hoạch xa hơn. Họ có thể không cảm nhận được sự tương quan giữa hành vi hiện tại của mình và hệ quả lâu dài về sau, chẳng hạn như dùng ma túy và bị bắt vào tù ở thời điểm hiện tại có thể sẽ ảnh hưởng đến những dự định trong tương lai của họ. Họ có thể lao ngay vào hành động mà không suy xét, hoặc ra những quyết định vội vàng thiếu suy nghĩ.
  6. Chú ý đển hành vi nhiều lần tấn công thân thể người khác. Hành vi tấn công thể chất của người APD gồm nhiều mức độ khác nhau, từ việc xô xát ở quán rượu cho đến việc bắt cóc và hành hạ. Một số người rối loạn nhân cách chống đối xã hội có tiền sử bạo hành thể chất người khác, nhưng họ có thể bị bắt hoặc không. Nếu mắc chứng rối loạn hành vi khi còn bé thì họ sẽ có biểu hiện ngay từ thời niên thiếu qua cách cư xử bạo lực với những đứa trẻ khác hoặc thậm chí là cả với cha mẹ hay người chăm sóc.
  7. Quan sát công việc và cách quản lý tiền yếu kém của họ. Những người APD thường khó khăn khi duy trì công việc, luôn bị sếp và đồng nghiệp phàn nàn, và có thể ngập đầu trong đống hóa đơn quá hạn và nợ nần. Nói chung, người mắc chứng bệnh này không có công việc và tài chính ổn định và thường tiêu tiền một cách thiếu khôn ngoan.
  8. Nhìn vào sự thiếu cảm thông và sự bao biện cho tổn thương mà họ gây ra. Đây thường là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh rối loạn này. Người bị APD không có lòng cảm thông với người mà họ đã làm cho đau khổ. Nếu bị bắt vì một tội nào đó, anh ta sẽ tìm cách biện hộ cho động cơ/hành động đó và hầu như không có cảm giác tội lỗi vì hành vi của mình. Anh ta cũng tỏ ra khó thông cảm với người đang buồn bực vì hành vi của anh ta.

Đối phó với Người APD[sửa]

  1. Tránh tiếp xúc nếu có thể. Mặc dù thật khó mà cắt đứt quan hệ với một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình, nhưng bạn cũng có thể tạo ra khoảng cách với người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Điều này là để an toàn cho tinh thần và cả thể chất của bạn.
  2. Vạch ranh giới thích hợp. Duy trì quan hệ với một người APD có thể thực sự khó khăn. Nếu không thể tránh né người mắc chứng bệnh này, bạn nên đặt ranh giới mà bạn cho là có thể chấp nhận được khi tương tác với người APD. [4]
    • Do bản chất của căn bệnh, người APD có thể thách thức và xâm phạm ranh giới. Điều quan trọng là bạn cần giữ vững lập trường, đồng thời tìm kiếm lời khuyên và sự hỗ trợ của nhiều nhóm người để giúp kiểm soát tình huống.[4]
  3. Lường trước những dấu hiệu của hành vi bạo lực tiềm tàng. Nếu đang có quan hệ với một người APD, nhất là khi người đó còn lạm dụng chất kích thích,[5] bạn cần nhận ra những dấu hiệu cảnh báo hành vi bạo lực để bảo vệ bản thân và những người khác. Không có dự đoán nào là chính xác 100%, nhưng giáo sư Gerald Juhnke có lời khuyên quan sát những dấu hiệu cảnh báo với những chữ đầu viết tắt là DANGERTOME:[6]
    • Delusions - Có ảo giác (hoặc ảo giác bạo lực)
    • Access to weapons – Tiếp cận với vũ khí
    • Noted history of violence – Có tiền sử bạo lực ghi trong hồ sơ
    • Gang involvement – Dính líu đến băng nhóm
    • Expressions of intent to harm others – Bộc lộ ý định làm hại người khác
    • Remorselessness about harm inflicted – Không cảm thấy ăn năn vì những tổn hại họ đã gây ra
    • Troublesome abuse of alcohol or drugs – Có vấn đề về lạm dụng rượu hoặc ma túy
    • Overt threats of harm to others – Công khai đe dọa làm hại người khác
    • Myopic focus on harming others – Nhắm vào việc làm hại người khác một cách thiếu suy nghĩ
    • Exclusion from others or increased isolation – Tách biệt khỏi mọi người hoặc gia tăng tính cô độc
  4. Liên hệ với cảnh sát. Nếu để ý thấy sự đe dọa leo thang hoặc cảm thấy như bạo lực sắp xảy ra, bạn hãy liên lạc với phòng cảnh sát địa phương. Có thể bạn cần thực hiện các bước bảo vệ bản thân và những người khác.

Hiểu về Rối loạn Nhân cách Chống đối Xã hội[sửa]

  1. Nhờ chuyên gia tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần chẩn đoán. Chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể khó xác định vì có nhiều triệu chứng và biến thể tiềm tàng. Vì vậy, có khả năng là một người mắc chứng này không có biểu hiện tất cả các triệu chứng cần thiết cho việc chẩn đoán. Chỉ có chuyên gia sức khỏe tâm thần đủ năng lực mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra những dấu hiệu của chứng rối loạn này bằng cách tìm sự kết hợp các triệu chứng xảy ra trong cả cuộc đời họ.[1]
    • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội có nhiều mặt tương tự như rối loạn nhân cách ái kỷ; có những người được chẩn đoán với các triệu chứng của cả hai chứng bệnh này.
    • Người rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có biểu hiện thiếu sự thông cảm; họ cũng bộc lộ hành vi thao túng và lừa dối.
  2. Tránh đưa ra sự chẩn đoán không chuyên nghiệp. Nghi ngờ một người mắc chứng rối loạn nhân cách là một chuyện, nhưng để "chẩn đoán" một người có bệnh lại là chuyện khác, trừ khi bạn là bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý đủ năng lực. Nếu người đó là bạn bè của bạn hoặc thành viên trong gia đình bạn, bạn hãy tìm sự hỗ trợ cho họ qua sự giúp đỡ chuyên môn.

    Việc điều trị có thể bao gồm liệu pháp tâm lý và phục hồi.
    • Hành vi chống đối xã hội không nhất thiết có liên quan đến chứng bệnh rối loạn. Đối với một số người, đó chỉ là vì họ thấy thoải mái với cách sống bất cần và tạo nên thói quen xấu với hành vi tùy tiện và vô trách nhiệm.
    • Hiểu rằng người APD rất hiếm khi muốn điều trị vì họ thường không tin rằng ở họ có điều gì không ổn.[7] Bạn có thể phải rất kiên gan bền bỉ để giúp đỡ người đó và cố gắng giữ họ không phải vào trại giam.
  3. Tìm các dấu hiệu rối loạn nhân cách chống đối xã hội qua suốt cuộc đời người đó. Chứng APD là do một sự kết hợp đặc biệt của các yếu tố xã hội và sinh học gây ra, tác động đến cả cuộc đời của một người. Người APD có biểu hiện các triệu chứng từ khi còn bé, nhưng chưa được chẩn đoán chính thức cho đến khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, các triệu chứng APD thường sẽ lắng xuống khi đã qua tuổi 40-50; các triệu chứng này không hoàn toàn biến mất nhưng thường giảm nhẹ do các yếu tố sinh học hoặc điều kiện xã hội.[8]
    • Các chứng rối loạn nhân cách được cho là một phần do gien di truyền, và do đó sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.[8]
  4. Quan sát việc lạm dụng thuốc kèm với chứng APD. Người mắc chứng rối loạn này thường tiềm ẩn vấn đề lạm dụng chất kích thích như nghiện ma túy hoặc lệ thuộc thuốc. Một cuộc khảo sát dịch tễ đã phát hiện ra rằng người rối loạn nhân cách chống đối xã hội có nguy cơ lạm dụng và nghiện rượu cao gấp 21 lần người bình thường.[5] Tuy nhiên điều này cũng không nhất thiết xảy ra. Mỗi cá nhân là một trường hợp APD riêng biệt và không nhất định lạm dụng rượu hay chất kích thích.
  5. Hiểu rằng chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội hiếm khi xảy ra ở nữ giới. Dù các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân, nhưng chứng bệnh này chủ yếu xuất hiện ở nam giới. Nghiên cứu cho thấy nam giới chiếm 3/4 số trường hợp được chẩn đoán APD.[9]
    • Chứng APD có thể biểu hiện khác nhau ở nam giới và nữ giới. Trong khi nam giới thường biểu hiện sự liều lĩnh và bạo lực dưới dạng vi phạm luật giao thông, hành hạ súc vật, gây hấn, sử dụng vũ khí, phóng hỏa, thì ở nữ giới thường biểu hiện qua hành vi quan hệ với nhiều bạn tình, bỏ trốn và bài bạc.[10][11]
  6. Xác định tiền sử ngược đãi ở những người APD. Vì chứng APD được cho rằng chỉ một phần là do gien di truyền, do đó một nhân tố gây bệnh quan trọng khác là sự ngược đãi triền miên thời niên thiếu. Người rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường bị người sống gần gũi với họ trong nhiều năm ngược đãi thể chất và tinh thần. Họ cũng có thể bị bỏ rơi trong thời gian dài khi còn bé. Người ngược đãi họ thường là cha mẹ, những người cũng có xu hướng chống đối xã hội, và xu hướng này được truyền lại cho con cái của họ.[12]

Xem xét các Dấu hiệu Cảnh báo Sớm[sửa]

  1. Nhận biết mối liên hệ giữa rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Rối loạn hành vi là chứng bệnh ở tuổi thiếu niên tương ứng với rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Về bản chất, rối loạn hành vi chính là rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở trẻ em, biểu hiện ở hành vi bắt nạt, coi thường sinh mạng (ngược đãi động vật), có vấn đề về tính giận dữ và quyền lực, không có khả năng bộc lộ hoặc có cảm giác hối hận, nói chung là có hành vi xấu hoặc phạm tội.[13]
    • Các hành vi này thường bộc lộ rất sớm và phát triển trước 10 tuổi.[14]
    • Đa số các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần đều cho rằng rối loạn hành vi là dấu hiệu quan trọng nhất để chẩn đoán chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội về sau.[15]
  2. Quan sát các đặc điểm của chứng rối loạn hành vi. Rối loạn hành vi biểu hiện qua hành vi cố ý gây hại cho người khác, bao gồm thái độ gây hấn với các trẻ khác, với người lớn và với động vật. Hành vi này lặp đi lặp lại và phát triển qua thời gian chứ không chỉ giới hạn ở một sự việc duy nhất.[2] Rối loạn hành vi có thể biểu hiện qua các hành vi sau đây:[14]
    • Cuồng phóng hỏa (ám ảnh với lửa)
    • Đái dầm kéo dài
    • Độc ác với động vật
    • Bắt nạt
    • Phá hoại tài sản
    • Ăn cắp
  3. Nhận ra sự giới hạn trong điều trị bệnh rối loạn hành vi. Cả hai chứng bệnh rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội đều không dễ chữa trị bằng liệu pháp tâm lý.[16] Việc điều trị trở nên phức tạp do xu hướng xuất hiện nhiều vấn đề cùng một lúc như lạm dụng chất kích thích, rối loạn tâm trạng hoặc nhân cách bệnh.[8]
    • Tình trạng mắc nhiều chứng bệnh cùng lúc này khiến việc điều trị cho bệnh nhân càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp của liệu pháp tâm lý, thuốc men và các phương pháp khác.[4]
    • Ngay cả cách điều trị kết hợp nhiều mặt cũng có hiệu quả khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Những ca nặng ít có khả năng đáp ứng tốt với điều trị như những ca nhẹ hơn.[4]
  4. Phân biệt giữa rối loạn hành vi và rối loạn thách thức chống đối (ODD). Trẻ em mắc chứng ODD thường thách thức với người lớn hơn, nhưng chúng cảm thấy có trách nhiệm cho những hậu quả do hành động của mình gây ra.[17] Chúng thường thách thức người lớn, vi phạm luật lệ và đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề của mình.
    • ODD có thể chữa khỏi bằng liệu pháp tâm lý và thuốc. Việc điều trị này thường bao gồm sự tham gia của cha mẹ với liệu pháp hành vi – nhận thức gia đình, đồng thời dạy cho trẻ các kỹ năng xã hội.[18]
  5. Bạn đừng mặc nhiên cho rằng rối loạn hành vi nhất định sẽ dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Chứng rối loạn hành vi có thể chữa trị khỏi trước khi phát triển thành APD, nhất là khi triệu chứng rối loạn hành vi có biểu hiện nhẹ.[15]
    • Trẻ có các triệu chứng rối loạn hành vi càng nặng thì càng có khả năng cao phát triển thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội khi trưởng thành.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn cho rằng một người bạn hay người thân trong gia đình bạn mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, bạn nên giục họ tìm cách điều trị ngay. Cố gắng giữ an toàn cho bản thân cũng như tránh để họ thao túng hoặc lạm dụng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://psychcentral.com/disorders/antisocial-personality-disorder-symptoms/
  2. 2,0 2,1 American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5. Washington, D.C: American Psychiatric Association
  3. http://www.drugs.com/health-guide/antisocial-personality-disorder.html
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 Mayo Clinic Staff. (2013). Antisocial personality disorder. Mayo Clinic. Retrieved from http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/antisocial-personality-disorder/basics/treatment/con-20027920
  5. 5,0 5,1 Moeller, F.G., & Doughert, D.M. (2001). Antisocial personality disorder, alcohol, and aggression. Alcohol Research and Health, 25(1), pp. 5-11.
  6. Juhnke, G. (2010). The DANGERTOME personal risk threat assessment scale: An instrument to help aid immediate threat assessment for counselors, faculty, and teachers. Journal of Creativity in Mental Health, 5, p. 177-191.
  7. http://www.mentalhealthamerica.net/conditions/personality-disorder
  8. 8,0 8,1 8,2 Glenn, A.L., Johnson, A.K., & Raine, A. (2013). Antisocial personality disorder: A current review. Current Psychiatry, 15, pp. 427-435. DOI: 10.1007/s11920-013-0427-7
  9. Alegria, A.A., Blanco, C., Petry, N.M., Skodol, A.E., Liu, S.M., Grant, B., & Hasin, De. (2013). Sex differences in antisocial personality disorder: Results from the National Epidemiological Survey on Alcohol and Related Conditions. Personality Disorders: Theory, Research, and Treatment, 4(3), pp. 214-222. DOI: 10.1037/a0031681
  10. Robins, L.N., Tipp, J.E., & Przybeck, T. (1991). Antisocial personality. in L.N. Robins & Regier (Eds.), The epidemiologic catchment area study (pp. 258-290). New York, NY: The Free Press.
  11. Mikulich-Gilbertson, S.K., Slomonsen-Sautel, S., Sakai, J.T., & Booth, R.E. (2007). Gender similarities and differences in antisocial behavioral syndromes among injection drug users. The American Journal of Addictions, 16, 372-382. DOI: 10.1080/10550490701525558
  12. http://psych.med.nyu.edu/patient-care/conditions-we-treat/antisocial-personality-disorder
  13. http://www.webmd.com/mental-health/mental-health-conduct-disorder
  14. 14,0 14,1 Stickle, T. R., Kirkpatrick, N.M., & Brush, L.N. (2009). Callous-unemotional traits and social information processing: Multiple risk-factor models for understanding aggressive behavior in antisocial youth. Law and Human Behavior, 33. pp. 515-529. DOI: 10.1007/s10979-008-9171-1
  15. 15,0 15,1 Corff, Y.L., & Toupin, J. (2014). Overt versus covert conduct disorder symptoms and the prospective prediction of antisocial personality disorder. Journal of Personality Disorders, 28(6), pp. 864-872.
  16. Hatchett, G.T. (2015). Treatment guidelines for clients with antisocial personality disorder. Journal of Mental Health Counseling, 37(1), pp. 15-27.
  17. American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5. Washington, D.C: American Psychiatric Association
  18. Mayo Clinic Staff. (2015). Oppositional defiant disorder. Mayo Clinic. Retrieved from http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/oppositional-defiant-disorder/basics/treatment/con-20024559

Liên kết đến đây