Nhận ra người có tính thích kiểm soát

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Để nhận ra một người có tính kiểm soát, hãy bắt đầu bằng việc quan sát hành vi của họ. Để ý tới sự thay đổi tâm trạng và phản ứng của họ đối với những câu hỏi đơn giản. Quan sát cách họ phản ứng khi bạn nói "không" hoặc khi bạn muốn được là chính mình hoặc làm việc riêng của mình. Quan sát cả cách họ tương tác với người khác, nhất là trong nhóm bạn. Hãy chú ý tới việc lạm dụng quyền lực, nhất là khi quyền lợi là của chung.

Các bước[sửa]

Kiểm tra hành vi của họ[sửa]

  1. Xem xét cảm giác của bạn khi ở cạnh mọi người. Có mối quan hệ nào khiến bạn cảm thấy bức bối, bị điều khiển, ức chế hoặc chỉ đơn giản là bạn cảm thấy phát chán vì bị họ sai khiến thường xuyên không? (Và bạn cảm thấy tội lỗi vì luôn phải nhún nhường?) Có ai đó khiến bạn cảm thấy mình phải dè chừng để cư xử cho phải phép hoặc phải xoa dịu họ không? Có người quen nào dường như luôn vô cớ "xù lông" với bạn vì những điều đơn giản nhất mà bạn nói hoặc làm không? Nếu bạn cảm thấy những tình huống trên có gì đó quen quen, có thể bạn đang phải đối mặt với một người có tính thích kiểm soát.[1]
    • Người thích kiểm soát có thể là đàn ông, phụ nữ hoặc đơn giản là bất kì ai. Những mối quan hệ mang tính kiểm soát có thể là tình yêu hoặc quan hệ thông thường. Bạn cũng nên thận trọng với một người bạn hay ghen tị và ghét người yêu của bạn, nhất là khi người đó đang không hạnh phúc với mối tình hiện tại của họ.
    • Một người có tính cách mạnh mẽ chưa hẳn đã là người thích kiểm soát. Bạn có thể kiểm tra như sau: "Họ có cho phép bạn được là chính mình không, hay họ gây ảnh hưởng quá mức tới hành vi của bạn?"
    • Phân biệt người có ranh giới rõ ràng với người thích kiểm soát bằng cách kiểm tra phản ứng của họ với những chủ đề khác. Nếu một người luôn nổi giận khi bị chạm vào cơ thể mà không được báo trước, nhưng lại không phản ứng theo kiểu áp đặt khi bạn đổi kiểu tóc, tăng hoặc giảm cân... Đó là người có ranh giới rõ ràng. Sự lựa chọn riêng tư của người khác về thay đổi tôn giáo, ăn uống, cách ăn mặc hoặc tập thể dục cũng là vấn đề về ranh giới. Dù bạn nghĩ bạn đúng và họ sai, một người nhạy cảm với những chủ đề trên thường có một ranh giới rõ ràng về những gì họ muốn làm với cuộc đời họ, cũng như cách bạn đối xử với họ và những người khác. Chỉ khi nào họ bắt đầu nói rằng bạn phải trở thành ai, phải mặc gì, cảm thấy như thế nào và cư xử ra sao, họ mới là những người thích kiểm soát.
    • Đừng cảm thấy tồi tệ khi phát hiện ra chính mình đôi khi cũng kiểm soát người khác, nhất là khi cha mẹ bạn cũng là người như vậy. Ở mức độ sâu sắc hơn, bạn sẽ cảm thấy bình thường với môi trường mà bạn đã lớn lên, và sẽ tốn kha khá thời gian để ngừng đối xử với người khác theo cách mà bạn được cha mẹ nuôi dạy. Đây là một phần quan trọng trong việc tự thay đổi cách cư xử của mình. Nếu bạn kịp nhận ra, hãy lùi lại và xin lỗi người vừa bị bạn xâm phạm ranh giới. Việc này có thể bảo vệ được tình bạn và các mối quan hệ khác trong cuộc sống.
  2. Để ý tới sự thay đổi tâm trạng. Thay đổi tâm trạng là dấu hiệu điển hình của người có tính kiểm soát. Những người có tâm tính thất thường có xu hướng nghiền ngẫm những nỗi đau và sự bất công mà họ phải chịu, họ sẽ tìm cách chữa lành và cải thiện tình trạng của họ bằng cách kiểm soát người khác.[2] Còn gì tuyệt hơn là có một người chịu phục tùng bạn và có một người khác để bạn đổ lỗi hoặc đe doạ khi bạn không muốn đối mặt với của mình?
    • Những người hay thay đổi tâm trạng thường hờn dỗi hoặc tạo ra bầu không khí u ám ngay giữa khoảnh khắc hạnh phúc.
    • Họ luôn tỏ thái độ không hài lòng khi mọi người không chú ý đủ tới họ và nhu cầu của họ. Đây là một cách kiểm soát thao túng mà bạn rất khó từ chối vì người đó sẽ nói là họ đang bị đau/đang buồn/bị tổn thương...với mục đích khiến người khác phải thương cảm.
  3. Nghi ngờ bất kì ai có tính nóng nảy và thường xuyên thể hiện điều đó. Thường xuyên bộc phát sự nóng giận, nhất là khi đi kèm với hành động bắt nạt (kẻ hèn nhát đang cố điều khiển người khác) hoặc đe doạ (la hét hoặc cảnh cáo sẽ làm hại "bạn" thì dễ hơn là tìm hiểu về nguồn gốc vấn đề trong con người họ).[1] Cơn nóng giận bộc phát thường xảy ra khi bạn bất đồng quan điểm với họ (dù bạn có ý tốt hay chỉ vô tình), hoặc khi bạn không làm chính xác những gì họ muốn (mà việc này thì đôi khi quá khó vì nhiều người có tính kiểm soát lại muốn bạn "đọc được suy nghĩ của họ" cơ.) Trong tâm trí họ, bạn đang thách thức quyền lực của họ đối với bạn khi tỏ ý bất đồng hoặc không làm theo những điều họ mong muốn.[2]
    • Với tâm trạng dễ thay đổi, những người hay nóng nảy bột phát sẽ khiến bạn cảm thấy rất phiền hà vì bạn "chẳng bao giờ" biết được mình đang ở vị trí nào đối với họ. Không may, vì không có khả năng xử lý cơn giận, họ sẽ trút nó lên bạn dưới hình thức bạo hành thân thể, lời nói, cảm xúc hoặc tình dục. Đừng bao giờ cố gắng chịu đựng một người đang làm hại bạn. Họ bị tổn thương "không" phải là lỗi của bạn. Thật đáng buồn, có thể ai đó trong quá khứ đã từng đối xử với họ như vậy nên giờ họ cũng lặp lại vòng luẩn quẩn đó.
  4. Nghĩ về cách họ phản ứng khi bị hỏi những câu hỏi bình thường. Các câu hỏi có thể bộc lộ vài điều về người có tính kiểm soát khi họ đáp lại một cách khó hiểu hoặc chiếu cố:[2]
    • Như đã nói ở trên, một người có tính kiểm soát nghĩ rằng bạn có thể đọc được suy nghĩ của họ. Nếu bạn hỏi về những chuyện bình thường như: làm gì cùng nhau, đi đâu, họ muốn gì... Họ dễ dàng bực mình vì họ đã mong đợi bạn phải hiểu hết mọi nhu cầu của họ và ưu tiên chúng hơn nhu cầu của bạn. Khi bạn hỏi nghĩa là họ phải ra quyết định, trong khi họ nghĩ rằng mọi quyết định đều đã có sẵn theo ý họ và phải tiện cho họ.
    • Những người thích kiểm soát thường cho rằng họ đã hiểu bạn nghĩ gì, ngay cả khi sự thật không phải thế. Họ có thể sẽ tỏ ra bối rối khi hình ảnh họ vốn mặc định cho bạn khác với những gì mà bạn nói ra.[3]
    • Những câu hỏi có thể mang lại cảm giác khó chịu cho người thích kiểm soát bởi vì họ muốn làm chủ tình huống chứ không phải ai khác.
    • Tuy nhiên, câu hỏi cũng có thể khiến người thích kiểm soát cho rằng: người nêu câu hỏi đang cần được hướng dẫn và chỉ đạo vì họ không biết câu trả lời. Tình trạng này có thể ngày càng tệ hơn vì người thích kiểm soát sẽ tìm cách để khiến bạn đoán già đoán non về khả năng ra quyết định của mình.
  5. Lắng nghe cách họ nói chuyện với bạn. Những người này sẽ tìm cách kiểm soát bạn bằng cách tạo cho bạn cảm giác bạn là "tất cả mọi thứ" đối với họ.[3] Họ có thể nịnh bạn mặc dù những lời khen đó là rỗng tuếch hoặc không chính xác. Tuy nhiên, thường thì người thích kiểm soát sẽ nhanh chóng coi thường bạn và cư xử thô lỗ, nhất là khi họ nghĩ rằng bạn đã làm gì sai.[4] Nếu bạn luôn thấy mình thấp kém, xấu hổ, bị chế nhạo hoặc buồn bã sau khi người đó nói chuyện với bạn, bạn có thể đang dính phải một người thích kiểm soát.
    • Ví dụ: Chi là người luôn giúp Mai cảm thấy tốt về bản thân và Mai thích điều khiển Chi. Vì thế, Mai thường nói với Chi rằng Chi là người bạn tốt, nhưng chưa bao giờ cô ấy coi Chi là bạn thân dù Chi luôn coi Mai là bạn thân nhất của mình. Nhờ đó, Mai không có trách nhiệm gì nhưng lại có thể kiểm soát Chi.
    • Người thích kiểm soát có thể hạ thấp bạn hoặc khiến bạn cảm thấy ngốc nghếch để bạn nghĩ rằng mình cần họ. Ví dụ: Văn nói với bạn gái của mình rằng cô ấy bị thừa cân và sẽ không bao giờ tìm được một người bạn trai nào khác. Anh ta nói rằng cô ấy thật may mắn vì đã có anh ấy. Đây là hành vi bạo hành và kiểm soát, và bạn không cần phải chịu đựng điều đó.
    • Người thích kiểm soát thường tỏ ra nhỏ nhen hoặc chỉ trích người khác như một cách để đề cao bản thân và tỏ ra hơn người. Thực tế, nhận diện một người thích kiểm soát rất dễ nếu bạn chú ý tới những màn độc thoại của họ về việc những người khác xấu xa, ngốc nghếch, lố bịch, phiền phức...ra sao (như thể họ không hề như vậy).
  6. Coi chừng bất kì người nào không hiểu hoặc không chấp nhận câu trả lời "không".[1] Người này sẽ có xu hướng nài nỉ cho tới khi bạn nản lòng, biến câu từ chối dứt khoát của bạn thành sự đồng tình yếu ớt, rồi khiến bạn cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về bản thân. Hãy nhớ rằng bạn có quyền được ra quyết định, kể cả phải từ chối không làm những gì người đó đòi hỏi.
    • Một kiểu kiểm soát phổ biến thường xảy ra trong tình yêu là áp lực quan hệ tình dục.[4] Nếu người yêu của bạn ép buộc bạn phải quan hệ tình dùng khi bạn không muốn, họ đang cố kiểm soát hành vi của bạn để có được những gì họ muốn. Bạn luôn có quyền từ chối.
  7. Xem xét những chuyện đã xảy ra khi bạn muốn được là chính mình hoặc được làm việc của mình. Bạn có thấy mình đang "tự điều chỉnh cá tính, kế hoạch hoặc quan điểm của mình cho phù hợp với người khác" không?[3] Nếu có, bạn đang gặp phải một người thích kiểm soát. Dưới đây là một số dấu hiệu:
    • Người đó có phớt lờ hoặc không thèm đếm xỉa tới trải nghiệm hoặc sự bày tỏ cảm xúc của bạn không? Người thích kiểm soát "luôn cố gắng định nghĩa thực tại" của bạn. Nếu bạn nói rằng bạn mệt, người đó sẽ nói là không phải thế, đó chính là dấu hiệu cho thấy họ là người thích kiểm soát. Nếu bạn nói là bạn đang buồn và họ lờ đi, họ cũng có thể là một người thích kiểm soát.
    • Bạn có thường thấy mình luôn tìm cách thay đổi kế hoạch vì người đó không? Giả sử bạn đã lên kế hoạch cho cả ngày, rồi bạn nhận được cuộc gọi từ một người bạn và bạn kể cho họ nghe về những kế hoạch đó. Người bạn này sẽ muốn tham gia vào kế hoạch của bạn và nói rằng chúng không phù hợp với thời gian của họ, hoặc đó không phải là nơi mà họ muốn đến. Ngay sau đó, kế hoạch của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn. Bạn sẽ đi xem một bộ phim mà bạn không thích, vào một thời điểm mà bạn thấy không phù hợp.
  8. Đánh giá cách họ đối mặt với các tình huống khó khăn, ra quyết định chung hoặc các vấn đề về trách nhiệm. Đây là những lúc bạn có thể nhận diện chính xác một người có tính thích kiểm soát. Không giống với người cứng đầu (người có thể khăng khăng giữ vững ý kiến của mình nhưng không kiểm soát người khác, họ chỉ muốn nêu rõ quan điểm thôi), một người thích kiểm soát không có khả năng chấp nhận những sự khác biệt giữa bạn và họ. Thực tế, người thích kiểm soát luôn tìm cách thay đổi một vài nét trong cá tính của bạn, biến bạn thành một phần trong nỗ lực yếu ớt nhằm kiểm soát cuộc sống của họ. Nếu coi các mối quan hệ là dân chủ thì có thể coi những người đó là những kẻ độc tài. Quan trọng là bạn phải tìm ra sự cân bằng trong mọi mối quan hệ và khả năng thoả hiệp, nhường nhịn, linh hoạt đối với nhau, cũng như luôn nhớ "có qua có lại mới toại lòng nhau".[2]
    • Hầu hết những người thích kiểm soát đều hay nói những câu như "Bạn chính là vấn đề" hoặc "Bạn đang có vấn đề". Chẳng có vấn đề nào là lỗi của họ hết.
    • Người thích kiểm soát thường gặp khó khăn khi phải giải quyết vấn đề theo hướng khách quan và sẽ thao túng cuộc trò chuyện để "đổ lỗi cho người khác" khi lỗi của họ được chỉ ra. Khi đó, hãy kết thúc cuộc tranh luận và không để người đó đổ tội cho bạn hoặc tranh công của bạn.
    • Nếu bạn thực sự yêu người này, quan điểm "đóng đinh" của họ dành cho bạn sẽ khó bị nhận diện và giải quyết hơn, vì tình yêu của bạn sẽ khiến bạn dễ bỏ qua cho họ.

Quan sát sự tương tác của họ[sửa]

  1. Để ý những chuyện xảy ra với những mối quan hệ khác của bạn. Khi người thích kiểm soát ở bên bạn bè và những người ủng hộ bạn, bạn nên cẩn thận. Người thích kiểm soát sẽ gây rắc rối giữa bạn và những người đó, lan truyền tin đồn, chia cắt (chia để trị) và thậm chí là nói dối (ra vẻ tốt bụng) về bạn với họ hoặc về họ với bạn, phá vỡ mối quan hệ giữa hai bên với nhau.[4]
    • Mục đích sau cùng của họ là cô lập bạn với người khác để họ có thể kiểm soát bạn bằng cái thực tại mà họ thêu dệt nên. Hãy luôn cảnh giác, mọi hành động chia cắt hoặc hạ thấp bạn bè của bạn đều là báo động đỏ.[3]
    • Người thích kiểm soát thường hay ghen vô cớ. Việc này còn hơn cả việc không thích người khác liếc nhìn bạn. Người thích kiểm soát sẽ cư xử như bạn thuộc sở hữu của họ và họ có quyền được quyết định bạn sẽ đi chơi với ai, làm gì, đi đâu và khi nào phải về nhà.[4] Việc này hoàn toàn không đáng yêu cũng như không phải là dấu hiệu của sự say mê: đây là sự kiểm soát.
  2. Kiểm tra tình bạn của riêng người đó.[5] Người thích kiểm soát thường không có bạn thân, hoặc hiếm khi kết bạn với những người hấp dẫn hơn, thông minh hơn hoặc được yêu mến hơn họ. Họ thường ghen tị với những người nổi tiếng và thành công, và sẽ chỉ trích những người được trọng vọng. Không có bạn thân có thể là một dấu hiệu bổ sung cho tình trạng thiếu khả năng nhường nhịn người khác và nhu cầu kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ.
    • Các mối quan hệ và tình bạn không thể hình thành với một người thích kiểm soát. Chúng là sự tương tác dựa trên việc cho và nhận từ đôi bên và luôn hướng tới sự cân bằng.
  3. Để ý việc lạm dụng quyền lực, kể cả khi lợi ích là của chung. Người thích kiểm soát thường thích giữ chặt những mối quan hệ xã hội và pháp lý bằng bất kì biện pháp nào, bao gồm: đe doạ kiện tụng, li hôn, thao túng hôn nhân, hợp đồng cho ở ghép, chia sẻ hợp đồng dịch vụ điện thoại di động, sử dụng thẻ tín dụng hoặc các hợp đồng tương tự sai mục đích. Ngay cả trên mạng xã hội, họ có thể chặn hoặc bỏ chặn một người thay vì xoá bỏ hoàn toàn mối liên hệ, có thể coi đó là một cách để kiểm soát một mối quan hệ thất bại hoặc có vấn đề. Nguyên nhân là vì những người thích kiểm soát và bạo hành luôn thèm muốn quyền lực.[6]
    • Hãy nghi ngờ mọi sự hào phóng quá mức từ một người thích kiểm soát nhằm gây ấn tượng và thao túng bạn. Bằng cách sẵn lòng cho bạn nhiều thứ để bạn cảm thấy mình được lợi, họ sẽ khiến bạn cảm thấy bạn đang nợ họ, thậm chí là nợ trong dài hạn. Sau đó, họ sẽ dùng ràng buộc này để kiểm soát bạn.[2]

Giải thoát bản thân khỏi người thích kiểm soát[sửa]

  1. Chấp nhận bản chất của người đó. "Hãy tin tưởng cảm nhận của bản thân và luôn thành thật với chính mình". Nếu bạn thấy những dấu hiệu trên ở bất kì ai, và bạn cảm thấy thật tồi tệ khi ở bên họ, đã tới lúc bạn đối mặt và loại bỏ họ ra khỏi cuộc sống của mình, hoặc là đối xử với họ theo cách khác. Ngoài ra, hãy đối xử tốt với bản thân. Đây không phải là lúc để nhiếc móc bản thân vì đã trở thành trò đùa của một người thích kiểm soát; Một mối quan hệ kiểm soát có thể bất ngờ len lỏi vào cuộc sống của bạn, được che giấu bởi tình cảm và sự quan tâm dành cho bạn - thứ mà sau đó sẽ trở thành vũ khí để thao túng bạn khi người đó nhận ra bạn đã "trúng bẫy".[4]
    • Bạn càng mạnh mẽ bao nhiêu, người đó càng khó kiểm soát bạn bấy nhiêu. Việc này giống như một thử thách cái tôi của họ. Nói cách khác, có thể coi đây là một lời khen đối với bạn. Bạn thực sự là một người mạnh mẽ và biết quan tâm, và người đó nhắm vào bạn vì họ ngưỡng mộ phẩm chất của bạn nhưng không có đủ can đảm để trở nên giống như thế.
    • Đừng ngại phải nhờ tới những người đáng tin cậy để được hỗ trợ về mặt tinh thần. Việc này sẽ giúp bạn có được cái nhìn lành mạnh hơn về cuộc sống cũng như khiến bạn muốn tìm tới sự độc lập và tự chủ của mình khi rời xa người đó. Đừng giải thích với người đó về nhu cầu thay đổi của bạn. Việc đó sẽ chỉ kích động họ kiểm soát bạn nhiều hơn vì họ biết bạn định làm gì và sự thao túng của họ sẽ sớm bị lộ. Hãy cứ thay đổi.
  2. Chuẩn bị sẵn sàng để thiết lập ranh giới, nêu và giữ vững quan điểm của mình. Sẵn sàng đối mặt với việc người đó sẽ tạo áp lực hoặc buộc tội bạn để bạn làm những gì họ muốn. Ho có thể dùng cách thao túng bạn như "Chắc rồi, cậu sẽ phải đồng ý với việc...", hoặc "Nếu yêu anh thì em sẽ...”[7] Hoặc họ có thể dùng cách ép buộc thẳng thừng như: "Nếu em bỏ đi thì...", "Em cần phải...", vân vân. Khi nghe thấy những kiểu nói này, đừng rút lại ranh giới của mình.[8]
    • Luôn kiên định và nói thẳng thắn, rõ ràng như "Em sẽ không chấp nhận anh kiểm soát việc sử dụng mạng của em nữa. Nếu định ở bên nhau thì anh phải tôn trọng sự riêng tư của em."
    • Đừng ngạc nhiên với những phản ứng xấu khi bạn tìm cách thoát khỏi vòng kiểm soát của họ. Khi họ nhận ra họ sắp mất kiểm soát, họ có thể phát sinh những vấn đề thể chất bắt nguồn từ tâm lý như: đau lưng, đau bụng, đau đầu, khóc lóc, ngất xỉu... Đây cũng chỉ là một cách để giành thế kiểm soát bằng cách lôi kéo sự chú ý, đồng cảm và sự quan tâm của người khác. Bằng mọi cách, hãy đưa họ đi khám nếu bạn thực sự quan tâm (một cách tốt để nhận ra xu hướng bệnh thần kinh của họ), tuy nhiên, đừng vì thế mà ở bên họ để làm điều họ muốn.
    • Người thích kiểm soát thường có tính thao túng cao, dù lí do họ muốn kiểm soát người khác là gì. Họ sẽ không thích khi bạn vùng dậy để được làm những việc quan trọng đối với bản thân. Luôn bình tĩnh trong những cuộc tranh luận mâu thuẫn và đừng nổi nóng. Tuy nhiên, họ có thể sẽ nổi giận vì bạn đang thách thức sự kiểm soát của họ. Kết thúc cuộc nói chuyện ngay lập tức - nếu họ bắt đầu thể hiện sự giận dữ - hoặc là bằng cách bỏ đi, hoặc là nói tạm biệt và gác máy.
  3. Đừng tìm cách thay đổi họ. Bạn biết họ có nhu cầu kiểm soát, nhưng bạn không cần phải tìm cách để "thay đổi họ". Bạn không những không thể thay đổi bất kì ai - trừ khi họ muốn thế - mà bạn còn có thể khiến họ trở nên thao túng hơn khi giải thích nguyện vọng của mình.[9] Luôn nhớ rằng đây là vấn đề của họ chứ không phải là của bạn. Bạn có thể điều chỉnh hành vi và vấn đề của bản thân nhưng bạn không thể "thay đổi" một người thích kiểm soát.
  4. Là một người đáng tin cậy (công bằng và chân thật) nhưng luôn giữ vững quan điểm trước một kẻ chuyên thao túng và bóp méo sự thật. Người thích kiểm soát thường muốn ép buộc bạn cung cấp thông tin cá nhân hoặc trả lời những câu hỏi về những vấn đề nhỏ để làm lộ những trải nghiệm xấu, điểm yếu và sự thất bại của bạn.[10] Thông tin này có thể được dùng để thuyết phục hoặc đấu trí với bạn sau này (họ nhớ rất dai những thông tin đó).
    • Nếu một người bạn mới quen đã tỏ ra thân thiết hoặc dò la những thông tin cá nhân của bạn, hãy nghi ngờ họ. Đó có thể là người thích kiểm soát.
  5. Quyết định giữ khoảng cách.[11] Khi có thể, hãy tránh mặt người mà bạn tin là họ đang muốn kiểm soát bạn. Bạn có thể quyết định sẽ cắt đứt liên lạc với họ, nhưng việc này sẽ bất khả thi nếu họ là người nhà hoặc đồng nghiệp. Bạn có thể dùng các cách đối phó sau:
    • Giao tiếp ngắn gọn.
    • Tránh nhầm lẫn và kết hợp quyền lợi và lựa chọn của cá nhân hoặc vô cớ khích lệ sự kiểm soát của họ đối với bạn. Người đó muốn tìm cách để hướng những quyết định của bạn chệch khỏi mong muốn của bản thân về giáo dục, cách sống, mục tiêu nghề nghiệp... Khi họ không chấp nhận và tôn trọng quan điểm của bạn - trừ khi bạn đồng tình với họ - thì họ đang phủ nhận con người bạn. Hãy đảo ngược tình thế bằng cách nói rằng: bạn biết ơn ý kiến của họ nhưng đó mới là những gì bạn muốn. Sau đó, bạn có thể tiếp tục theo đuổi những mục tiêu của mình.
  6. Có lòng trắc ẩn vừa đủ.[12] Có lòng trắc ẩn là một điều quan trọng, nhưng bạn cũng phải biết giữ khoảng cách và bỏ qua quan điểm và vấn đề của người đó. Chúng không phải là việc của bạn và bạn không cần (cũng như không đáng) phải gánh vác vấn đề của họ. Chúng ta cần phải học cách để khiến những ưu điểm toả sáng; khi bạn biện hộ cho những hành vi kiểm soát của người khác rằng họ đã có một cuộc sống tồi tệ hoặc tương tự như vậy, bạn sẽ chỉ càng khích lệ thêm những hành vi xấu đang làm tổn thương họ và bạn. Khi bạn có lòng trắc ẩn vừa đủ, bạn có thể quan tâm tới họ mà không làm ảnh hưởng tới cảm xúc của mình và mắc phải bẫy của họ.
    • Khi có lòng trắc ẩn hợp lý, bạn sẽ quan tâm tới người đó nhưng vẫn nhận ra rằng hành vi của họ là sai trái, và bạn không thể tha thứ cho điều đó. Bạn không ủng hộ hành vi của họ hoặc chấp nhận cho chúng tiếp diễn trong cuộc sống của mình.[13] Ví dụ: nếu bạn của bạn đang định kiểm soát việc bạn đi chơi với ai, hãy nói với cô ấy: "tớ rất trân trọng cậu nhưng tớ không thể làm bạn với một người không cho tớ chơi với bất kì ai khác. Nếu cậu có thể thoải mái và cởi mở với tớ hơn, chúng ta vẫn có thể làm bạn. Nếu cậu vẫn tiếp tục thế này, tình bạn của chúng ta sẽ kết thúc."
    • Đây không phải là việc mà bạn có thể học được ngay, và bạn sẽ thất bại nhiều lần trong quá trình đó. Tuy nhiên, bạn cũng sẽ học được bằng cách thực hành, và bạn thực hành càng nhiều thì bạn càng cảm thấy tự do hơn. Bạn cũng sẽ học được cách để cho người khác được yên mà không cố cứu vớt hoặc thay đổi họ nữa. Dù không dễ dàng, nhưng việc này còn dễ hơn là trở thành nô lệ cảm xúc cho người khác suốt đời.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn là người mạnh mẽ, bạn sẽ cảm thấy hơi kì quặc vì mình gần như chẳng bao giờ làm đúng việc gì khi ở cạnh người đó, nhất là khi gặp phải chủ đề mà người đó cảm thấy tự tin hoặc biết rõ. Hãy lắng nghe những cảm giác này, chúng xuất hiện là để giúp bạn. Nếu không, một thời gian nữa, bạn sẽ chỉ còn là cái bóng của chính người mà bạn định trở thành. Đừng để việc đó xảy ra.
  • Không để người đó dồn ép hoặc khiến bạn bất lực. Dù bạn có gặp khó khăn về mặt tài chính hay cuộc sống nói chung sau khi rời bỏ người đó, CHẤT LƯỢNG cuộc sống của bạn sẽ xứng đáng với chi phí bỏ ra.
  • Không cho người đó biết những trải nghiệm khác thường hoặc những suy nghĩ thầm kín của bạn, họ có thể dùng chúng để chống lại hoặc kiểm soát bạn. Những suy nghĩ đó thường sẽ được sử dụng để cô lập bạn, khiến người khác không còn yêu mến hoặc tin tưởng bạn. Dù họ có nói những điều đó trước mặt hoặc sau lưng bạn, có thể họ đang muốn dồn bạn vào thế bí - giật dây bạn như một con rối - để được làm "người bạn" duy nhất của bạn ("quân sư").
  • Hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát người khác, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng đối với họ. Đảm bảo xử lý mọi việc theo cách mà bạn tin tường, nhưng không đối xử với họ theo đúng cách họ đối xử với bạn để họ hiểu ra hoặc để trả đũa. Việc này sẽ không dẫn bạn tới đâu cả.
  • Nếu bạn bị cô lập hoặc bị ép phải dành thời gian để chơi với mỗi bạn bè và người thân "của họ", điều đó cho thấy họ không tôn trọng cảm nhận và mong muốn của bạn.
  • Một người thích kiểm soát và có quyền lực có thể dùng người khác để kiểm soát bạn. Họ có thể bắt người khác đi hỏi xem bạn cảm thấy như thế nào về họ. Bạn sẽ cảm thấy có gì đó không đúng. Đừng để bị lôi kéo vào những cuộc hội thoại quá chi tiết với bên thứ ba nếu bạn nghi ngờ họ làm thế là có mục đích, hãy luôn nói chung chung và khái quát.
  • Những người bị phụ thuộc sẽ thu hút những người đồng phụ thuộc. Nếu bạn có khuyết tật, hoặc có vấn đề tài chính, hoặc gặp phải các vấn đề nghiêm trọng khác, rất có thể bạn sẽ bị phụ thuộc vào những người thích kiểm soát vì những nhu cầu sinh tồn. Việc thoát khỏi họ khi họ là người chịu trách nhiệm cho những lợi ích hoặc thuốc thang của bạn có thể sẽ rất khó khăn. Ghi lại mọi thứ và tìm tới các dịch vụ tương tự hoặc những người khoẻ mạnh hơn. Ở một số nơi, chính quyền hoặc một số tổ chức có thể can thiệp khi những nhân viên xã hội, cán bộ y tế hoặc người giúp việc có hành vi kiểm soát và giới hạn cuộc sống của bạn.
  • Tình trạng khuyết tật nên được xem xét. Một số người khuyết tật có thể luôn thay đổi kế hoạch hoặc không thể bắt kịp những việc bạn muốn làm. Nếu họ từ chối nhiều việc và đề nghị làm những việc bạn không thích, hãy tìm hiểu lí do. Kiểm tra tình bạn này bằng cách đưa ra những vấn đề thuộc về cá nhân của bạn như: đầu tóc, quần áo hoặc những thứ không liên quan tới họ. Vì nhiều người bị dị ứng với nhiều mùi hương và nước hoa, nếu ai đó bảo bạn đừng dùng một loại dầu gội nhất định, hoặc đừng dùng nước hoa khi tới nhà họ, đó là vấn đề về ranh giới. Tuy nhiên, nếu họ nói rằng bạn PHẢI dùng loại mùi hương theo ý họ, đây là vấn đề về kiểm soát.

Cảnh báo[sửa]

  • Đặt ra ranh giới rõ ràng về những điều bạn chấp nhận và không chấp nhận khi đối mặt với người thích kiểm soát. Họ sẽ phá vỡ các ranh giới để kiểm tra bạn. Hãy luôn kiên định và đừng lùi bước.
  • Nếu bạn thấy mình đang thay thế sở thích của mình bằng sở thích của họ, hoặc từ bỏ một số thói quen và bạn bè nhất định, bạn đang mắc phải một mối quan hệ kiểm soát.
  • Để ý tới những người giả lả với cảm xúc của bạn để bạn tin tưởng họ ngay từ giai đoạn đầu của tình bạn. Ví dụ họ có thể nói rằng: họ đã có một cuộc sống khó khăn vì bị bắt nạt 6 năm về trước, và họ chỉ có thể tin vào mỗi mình bạn -- đồng thời, ép buộc bạn kể ra những trải nghiệm khó khăn của mình. Sau khi đã tìm ra những tổn thương mà người khác gây ra cho bạn, họ sẽ liên tục lôi chúng ra: "Cảm giác bị phản bội thế nào? Em không nghĩ rằng em đã làm gì sai thì mới bị thế à?" Ban đầu họ sẽ rất chân thành và tử tế, nhưng rồi họ sẽ lôi những chuyện đó ra và dùng chúng để hạ thấp bạn, cho tới khi bạn đồng tình với họ. Đây là một dạng đấu trí, khiến bạn phải nghĩ về chính mình theo cách họ muốn. Bạn sẽ thường xuyên thấy mình buồn bã, giận dữ và thấp kém sau mỗi lần nói chuyện với họ, và họ sẽ thuyết phục bạn làm những việc mà họ biết bạn không thích. Bạn có thể nhận ra sự khác biệt giữa việc này và sự chia sẻ lành mạnh. Thông thường, sau khi chia sẻ những trải nghiệm đau lòng với nhau, người ta sẽ cảm thấy tốt hơn và được thấu hiểu hơn. Khi cảm giác không giống như thế, hãy cẩn trọng vì người đó có thể đang đấu trí với bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]