Phát hiện huyết tương ở dây rốn của trẻ sơ sinh có khả năng chống lão hóa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Một loại protein được tìm thấy trong huyết tương ở dây rốn của trẻ sơ sinh có khả năng cải thiện chức năng não ở những con chuột già. Đây là lần đầu một loại protein của người được chứng minh có tác động như vậy. Phát hiện nói trên được công bố trên tờ Nature hôm 19/4.

Máu từ dây rốn trẻ sơ sinh có thể có tác động trẻ hóa đối với những con chuột già như máu chuột non.

Hàng thập kỷ nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của máu chuột non đối với sự lão hóa ở loài này thông qua một kỹ thuật gọi là sống ghép (parabiosis), trong đó một con chuột già được khâu ghép lại với con chuột non hơn để chúng chia sẻ hệ thống tuần hoàn.

Cho đến nay, các thuộc tính trẻ hóa của “máu non” chỉ được chứng minh khi chuyển từ chuột qua chuột. Tuy nhiên, công trình này đã truyền cảm hứng cho những thử nghiệm lâm sàng do ít nhất hai công ty đang tiến hành.

Một trong những thử nghiệm lâm sàng này được tài trợ bởi một công ty mà nhà khoa học thần kinh Tony Wyss-Coray ở Đại học Stanford, California, đang tham gia - ông là chủ tịch hội đồng tư vấn khoa học của công ty này. Trong công trình của mình, ông và nhà thần kinh học Joseph Castellano, cũng ở Đại học Stanford, bắt đầu thử nghiệm huyết tương thu từ dây rốn của trẻ sơ sinh. Mục đích của họ là tìm hiểu xem máu ở trẻ sơ sinh có thể tác động đến các triệu chứng lão hóa như thế nào.

Tác dụng huyền thoại[sửa]

Truyền thứ huyết tương nói trên của người vào mạch của những con chuột già, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, việc này đã giúp cải thiện khả năng định hướng của chúng trong mê cung và khả năng học cách tránh những điểm trong lồng có thể gây ra những cú điện giật đau đớn. Khi các nhà nghiên cứu giải phẫu não chuột, họ thấy rằng các tế bào trong vùng hồi cá ngựa (hippocampus) - liên quan đến khả năng học tập và trí nhớ - biểu lộ các gene khiến các tế bào thần kinh hình thành nhiều liên kết hơn trong não. Điều này không xảy ra ở những con chuột được điều trị bằng máu từ những người hiến máu lớn tuổi.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã so sánh 66 protein được tìm thấy trong huyết tương ở dây rốn với các protein trong huyết tương từ người lớn tuổi, cũng như với các protein được nhận biết trong những thí nghiệm sống ghép của chuột. Họ tìm thấy một số “ứng viên” tiềm năng và tiêm từng loại một vào tĩnh mạch của những con chuột già. Nhóm nghiên cứu sau đó đã tiến hành những thí nghiệm về trí nhớ với các con chuột.

Chỉ một trong số các protein này, TIMP2, đã cải thiện hoạt động của chuột. Tuy nhiên, TIMP2 không tái tạo được các tế bào não bị mất trong quá trình lão hóa bình thường. Tiêm huyết tương từ dây rốn người mà không có TIMP2 thì không tác động gì đến trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu TIMP2, được biết là có tham gia vào việc duy trì cấu trúc tế bào và mô, tác động lên bộ nhớ như thế nào. Và mặc dù nó được biểu lộ trong não của chuột non, nhưng trước đây các nhà khoa học chưa bao giờ liên hệ TIMP2 với khả năng học tập hay ghi nhớ. Wyss-Coray ngờ rằng protein này có chức năng như một “chất điều chỉnh chính” của các gene liên quan đến sự phát triển của các tế bào và các mạch máu, và việc tăng mức độ của TIMP2 ảnh hưởng đến nhiều chuỗi phản ứng hóa sinh.

Hộp đen[sửa]

“Tôi nghĩ đây là một bài báo tuyệt vời,” Michal Schwartz, nhà miễn dịch học thần kinh ở Viện Khoa học Weizmann, Rehovot, Israel, nói. Và bà lấy làm hứng thú rằng các nhà khoa học có thể rút ra tác động đối với những con chuột mà không cần truyền huyết tương vào não. Bà nghi ngờ rằng TIMP2 đã làm biến đổi hệ miễn dịch hoặc quá trình chuyển hóa theo cách có thể tác động gián tiếp đến não.

Lee Rubin, nhà nghiên cứu tế bào gốc ở ĐH Harvard, Cambridge, Massachusetts, cũng là thành viên hội đồng khoa học ở cùng công ty với Wyss-Coray, đồng ý với Schwartz. Năm 2014, ông và phòng thí nghiệm của mình phát hiện ra rằng máu chuột non có mức của một loại protein gọi là GDF11 cao hơn, và việc tiêm GDF11 vào cơ thể sẽ kích thích tăng trưởng mạch máu trong não. Họ cũng phát hiện ra rằng GDF11 không bao giờ đi vào não, và nghi ngờ TIMP2 có thể cũng chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến não bằng cách tác động lên các hệ thống trên toàn cơ thể.

Wyss-Coray and Castellano nói, ưu tiên tiếp theo của họ là xác định TIMP2 tác động đến não như thế nào. Hơn thế, Wyss-Coray còn muốn biết liệu protein nào có tác động đặc biệt đến quá trình lão hóa hay sức khỏe tổng quan của tế bào.

“Đó có phần là một thí nghiệm kiểu hộp đen, bởi họ không biết điều gì đang xảy ra,” Philip Landfield, nhà khoa học thần kinh ở ĐH Kentucky, Lexington, nhận xét. Khía cạnh hứa hẹn nhất của thí nghiệm này, theo ông, là tiềm năng chuyển nó thành một liệu pháp.

Việc truyền huyết tương thu được từ dây rốn hiến tặng có thể là một cách điều trị tiềm năng đối với các bệnh liên quan đến tuổi tác, trong đó có Alzheimer. Ngoài ra, một ngày nào đó, các bệnh nhân cao tuổi có thể được truyền những hỗn hợp của các protein như GDF-11 và TIMP2, hoặc các loại thuốc mô phỏng tác dụng của chúng. Nhưng Wyss-Coray nói rằng, việc phát triển những loại thuốc như thế sẽ mất nhiều năm hơn so với việc điều trị bằng giải pháp huyết thanh. “Ở tầm khái quát, nghiên cứu mới này thú vị bởi nó củng cố quan điểm cho rằng có những yếu tố ‘có lợi’ chỉ có ở máu trẻ sơ sinh.”

Nguồn[sửa]

  • Tạp chí Tia Sáng, Nhàn Vũ dịch
  • Bài gốc: nature
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này