Phân biệt luật mềm và luật cứng trong luật quốc tế

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các luật gia trên thế giới thường sử dụng thuật ngữ “luật cứng” và “luật mềm” để mô tả một số văn bản luật quốc tế nhất định. Nếu đang tìm hiểu về luật quốc tế, dù với mục đích học hỏi hay để hiểu rõ hơn về những sự kiện toàn cầu, bạn sẽ gặp khó khăn khi phân biệt luật cứng và luật mềm. Phức tạp hơn thế, vì luật quốc tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc chủ quyền của các quốc gia thành viên độc lập, không điều ước quốc tế nào hoàn toàn cứng hoặc hoàn toàn mềm. Khi đọc các điều khoản của một hiệp ước hoặc các điều ước quốc tế khác, những yếu tố cơ bản nhất định có thể giúp bạn xác định độ cứng hoặc mềm của văn bản đó. Nhận ra những yếu tố này sẽ hỗ trợ bạn hiểu rõ hơn về cách thức luật quốc tế điều chỉnh hành vi của mỗi quốc gia cũng như mối quan hệ của các quốc gia với nhau.

Các bước[sửa]

Xác định Các Nghĩa vụ Pháp lý[sửa]

  1. Xác định loại văn bản hoặc điều ước. Một điểm khác biệt cơ bản giữa luật mềm và luật cứng là luật cứng có tính ràng buộc pháp lý, còn luật mềm thì không. Nét khác biệt này sẽ khiến các học giả tranh cãi về mặt ngữ nghĩa: liệu rằng một điều ước không có tính ràng buộc về mặt pháp lý có thể được coi là luật không? Tuy vậy, nhiều loại điều ước quốc tế tự động được coi là luật cứng.[1]
    • Hiệp ước là ví dụ điển hình của loại điều ước tự động được coi là luật cứng. Khi các quốc gia phê chuẩn một hiệp ước, nếu pháp luật trong nước mâu thuẫn với nội dung hiệp ước này, các quốc gia đó có nghĩa vụ thay đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với nội dung hiệp ước.
    • Mỹ cho rằng hiệp ước ràng buộc pháp lý ở cả phạm vi quốc tế và trong nước. Sau khi Thượng viện phê chuẩn hiệp ước, Quốc hội Mỹ sẽ ban hành những văn bản pháp luật liên bang cần thiết để tuân thủ nội dung của hiệp ước.[2]
    • Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ràng buộc tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc về mặt pháp lý, căn cứ vào quyền của Hội đồng theo Điều 25, Hiến chương Liên hợp quốc.[1]
  2. Xác định mức độ ràng buộc về mặt pháp lý của điều ước. Bên cạnh nhiều yếu tố, mức độ nghiêm ngặt hơn về nghĩa vụ pháp lý có thể thể hiện rằng một điều ước quốc tế cứng hơn so với các văn bản khác.
    • Vì các điều ước quốc tế thường được xây dựng để thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ký kết, những quốc gia này thường không có động cơ để vi phạm điều ước. Do đó, bản thân điều ước có thể không có những điều khoản thể hiện tính ràng buộc pháp lý.
    • Đôi khi những hiệp ước liên quan đến nhân quyền hoặc những nguyên tắc tiêu chuẩn được gọi là “công ước.” Những điều ước này ràng buộc các quốc gia thành viên về mặt pháp lý tương tự như hiệp ước, mặc dù chúng có thể không quy định những nghĩa vụ chủ yếu cần thực thi.[3]
    • Một quốc gia có thể ký kết hiệp ước và bảo lưu một số điều khoản trong hiệp ước đó. Việc bảo lưu sẽ hạn chế nghĩa vụ pháp lý của quốc gia này liên quan đến điều khoản mà quốc gia chưa chấp thuận.[4]
    • Điều ước quốc tế không ràng buộc các quốc gia thành viên về mặt pháp lý đều là luật mềm. Những văn bản này thường đưa ra những điều kiện hoặc điều khoản giải thoát, cho phép các quốc gia ký kết đưa ra cam kết chung đối với một số nguyên tắc nhất định, đồng thời duy trì chủ quyền và sự độc lập của các quốc gia đó.[5]
  3. Hãy hiểu rằng những điều ước không có tính ràng buộc vẫn có thể điều chỉnh hành vi của các quốc gia thành viên và mối quan hệ giữa những quốc gia đó. Dù một điều ước quốc tế có tính ràng buộc hay không, nếu nhiều quốc gia thành viên đồng thuận về những nguyên tắc cơ bản của điều ước, những quốc gia này có thể gây áp lực chính trị để buộc các quốc gia thành viên còn lại cũng phải tuân thủ.
    • Một vài văn bản luật quốc tế có thể ràng buộc một số quốc gia về mặt pháp lý nhưng không ràng buộc các quốc gia khác. Ví dụ, phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu về một vụ việc cụ thể chỉ ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia liên quan tới vụ việc đó. Tuy nhiên, phán quyết trên cũng có thể thay đổi quan điểm của một tòa án khác hoặc một tổ chức quốc tế khi giải quyết một vụ việc tương tự.[1]
    • Luật mềm có thể đưa ra những nguyên tắc bao quát được nhiều quốc gia đồng thuận, kể cả khi những quốc gia này không đồng ý với những quy định cụ thể. Những thỏa thuận mềm này là cơ sở cho những thỏa thuận cứng trong tương lai.[4]
    • Một quốc gia chấp thuận nguyên tắc của hiệp ước nhưng không thể hoàn thiện thủ tục phê chuẩn hiệp ước vẫn có thể ban hành những văn bản pháp luật trong nước với nội dung tuân thủ quan điểm của hiệp ước.

Phân tích Ngôn từ[sửa]

  1. Tìm kiếm ngôn từ cụ thể và chuẩn xác. Thông thường, quy định trong luật cứng sẽ có mức độ chuẩn xác cao hơn, còn luật mềm sẽ sử dụng những quy định chung chung mơ hồ, thể hiện tư tưởng, hoặc đưa ra các nguyên tắc đạo đức bao quát.
    • Việc mô tả cam kết bằng ngôn từ chuẩn xác đảm bảo rằng các quốc gia thành viên hiểu rõ giới hạn nghĩa vụ của mình, tránh được những hành vi tư lợi hoặc hành vi cơ hội trong tương lai.
    • Luật cứng cũng sử dụng ngôn từ chuẩn xác đối với những điều kiện hoặc các trường hợp ngoại lệ trong thực hiện nghĩa vụ. Điều này giúp tránh khả năng một quốc gia lợi dụng lỗ hổng pháp lý để phá hỏng mục đích của điều ước.
  2. Phân biệt những từ tạo ra nghĩa vụ với những từ mô tả quan niệm. Những từ như “sẽ” hoặc “phải” cho bạn biết rằng ai đó buộc phải làm gì, còn những từ như “có thể” hay “có khả năng” thể hiện rằng ai đó được phép làm gì.
    • Luật cứng thường bao gồm những yêu cầu hoặc nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ. Thông thường, luật cứng sẽ quy định hình phạt hoặc các hình thức trừng phạt khác áp dụng cho những quốc gia không hoàn thành nghĩa vụ theo điều ước khi tới một thời điểm nhất định.
    • Trái lại, luật mềm thường liệt kê những điều mà các quốc gia thành viên được phép làm trong phạm vi điều ước và không yêu cầu các quốc gia này thực hiện nghĩa vụ cụ thể.
    • Nếu điều ước đề cập tới cam kết của các quốc gia thành viên về việc điều tra một vấn đề hoặc nghiên cứu tiền khả thi trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng lại không yêu cầu thực hiện bất kỳ biện pháp nào cụ thể, những điều khoản đó là quy định mềm.
  3. Tìm kiếm những thuật ngữ quan trọng và định nghĩa của chúng trong điều ước. Các văn bản pháp luật quốc tế thường sử dụng ngôn từ mà các nhà ngoại giao, nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu trong chính phủ hoặc ngành kinh tế phải giải thích được. Độ dài và tính cụ thể của các định nghĩa này là yếu tố chủ đạo để xác định độ cứng hoặc mềm của văn bản.
    • Luật mềm thường sử dụng thuật ngữ mang nghĩa rộng để người đọc có thể giải thích văn bản theo nhiều cách, còn luật cứng bao gồm những mô tả tổng quát về đối tượng điều chỉnh của văn bản. Có thể tìm thấy một ví dụ về việc mô tả tổng quát trong luật cứng tại một chỉ thị của Liên minh Châu Âu, cụ thể là định nghĩa dài 12 trang về những thành phần được phép sử dụng trong mứt hoa quả, thạch và các món tương tự dùng để phết lên bánh.[6]
    • Không phải tất cả các luật cứng đều có định nghĩa cụ thể như vậy. Ví dụ, Công ước Châu Âu về Nhân quyền bỏ ngỏ một vài thuật ngữ để người đọc có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như phần về các yếu tố cấu thành "hành vi đối đãi vô nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm". Điều này cho phép lãnh đạo của các quốc gia có sự linh hoạt nhất định trong một vài tình huống mà họ không thể lường trước được khi soạn thảo điều ước.[3]
    • Việc đưa ra định nghĩa thu hẹp của thuật ngữ sẽ hạn chế khả năng một quốc gia thành viên bào chữa cho hành vi tư lợi của mình trong tương lai, đồng thời xóa bỏ những cách giải thích quy định không rõ ràng. Tuy nhiên, các quốc gia có thể xây dựng một văn bản mềm, cho phép giải thích luật theo nhiều cách khác nhau, với điều kiện các quốc gia này đồng thuận về một quan điểm chủ đạo.

Hiểu rõ về Giải thích và Thực thi[sửa]

  1. Xác định cơ quan có thẩm quyền giải thích điều ước. Luật cứng thường quy định một cơ quan độc lập thứ ba có nghĩa vụ giải thích điều ước, còn luật mềm cho phép các quốc gia thành viên giải thích điều ước.
    • Những cơ quan độc lập cung cấp giải thích về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp là những cơ quan phổ biến trong các tổ chức quốc tế. Quyết định của những cơ quan này có tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên. Ví dụ, Tòa án Quốc tế về Luật Biển có vai trò giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, căn cứ Công ước về Luật Biển năm 1982.
    • Thông thường, phán quyết của các tòa án quốc tế chỉ có giá trị ràng buộc các bên liên quan tới tranh chấp cụ thể.[4]
  2. Xác định cơ chế thực thi điều ước được quy định trong điều ước quốc tế. Vì mối tác động lẫn nhau phức tạp giữa pháp luật quốc tế và chủ quyền quốc gia, ngay cả luật cứng nhất cũng có thể bỏ sót những điều khoản thực thi nghiêm ngặt.
    • Theo Hiến chương Liên hợp quốc, nếu được Hội đồng Bảo an chấp thuận, các quốc gia có thể thực thi điều ước quốc tế bằng biện pháp vũ trang. Đây là cơ chế thực thi nghiêm ngặt nhất theo pháp luật quốc tế.
    • Những luật gia duy thực thường nhắc tới thiếu sót về các biện pháp thực thi pháp luật quốc tế để tranh luận rằng tất cả các văn bản luật quốc tế đều có bản chất là luật mềm.
  3. Lưu ý liệu điều ước quốc tế có thiết lập hoặc quy định về một tổ chức quốc tế độc lập hay không.
    • Các tổ chức chủ quản quốc tế như Liên minh Châu Âu có quyền lực thực thi tối thượng. Liên minh Châu Âu cũng có những cơ quan quản lý chuyên sâu khác.
    • Các luật cứng thường quy định thành lập những cơ quan độc lập để giải thích và thực thi luật đó. Ví dụ, Công ước Châu Âu về Nhân quyền được Tòa án Nhân quyền Châu Âu giải thích và thực thi.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]