Rosa Luxemburg

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rosa Luxemburg (tiếng Ba Lan: Róża Luksemburg; 5 tháng 3 năm 1871 - 15 tháng 1 năm 1919) là một nhà lý luận Marxist, nhà triết học xã hội người Đức gốc Ba Lan-Do Thái. Bà cũng là nhà cách mạng của đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan và Litva, thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Đức và Đảng Dân chủ Xã hội Độc lập Đức.

Tiểu sử[sửa]

Thời niên thiếu, vào con đường chính trị, thời gian ở đại học (1871–1897)[sửa]

Rosa Luxemburg là người con thứ năm của một gia đình gốc Do thái giàu có sống tại Ba lan trong một vùng bị Nga chiếm đóng. Bà dáng người nhỏ nhắn, có tật nên đi lại khó khăn.

Khi gia đình dọn lên Warszawa bà học từ năm 1880 tại một trường trung học phổ thông dành cho thiếu nữ. Ngay từ khi còn đi học, bắt đầu từ năm 1886 bà đã tham gia vào đảng Công nhân Ba Lan. Đảng này được thành lập vào năm 1882 và ngay năm sau đã là đảng công nhân đầu tiên tổ chức biểu tình tập thể. Nhiều người cầm đầu do đó bị xử tử và đảng bị giải tán. Một vài nhóm trong đảng này phải hoạt động bí mật, Rosa Luxemburg đã tham gia vào một trong những nhóm đó.

Năm 1888 bà đậu tú tài một cách xuất sắc được khen thưởng. Năm kế tiếp bà gặp nguy cơ là có thể bị bắt, vì đã bị lộ là thành viên đảng phái bất hợp pháp nên phải chạy trốn sang Zürich, Thụy Sĩ, nơi tị nạn của nhiều nhà trí thức Ba Lan và Nga. Ở đó bà tham dự vào nhóm công nhân và di cư của địa phương, chẳng bao lâu có tiếng là những nhà lý thuyết dẫn đầu của phong trào công nhân Ba Lan. Bà học tại đại học Zürich các môn triết học, khoa học lịch sử, chính trị học, kinh tế toán học. Bà chú trọng vào khoa học kinh tế chính trị và chính trị học, thời trung cổ cũng như khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng hối phiếu.

Tập tin:RLuxemburgCpWz.jpg
Rosa Luxemburg (năm 1895)

Năm 1893 Rosa Luxemburg cùng với Leo Jogiches và Julian Marchlewski thành lập đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan (SDKP), năm 1900 đổi tên thành đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan và Litva (SDKPiL), có khuynh hướng cách mạng hơn là đảng Xã hội chủ nghĩa Ba Lan đương thời (PPS). Đảng này tranh đấu cho sự độc lập của Ba Lan và muốn xây dựng một chế độ dân chủ. Rosa Luxemburg chỉ trích nặng nề tư tưởng Dân tộc này trong tờ báo tị nạn ở Paris Sprawa Robotnicza với quan điểm là Ba Lan chỉ có thể độc lập qua một cuộc cách mạng tại đế quốc Đức, tại đế quốc quân chủ Áo-Hung và đế quốc quân chủ Nga. Bởi vậy vấn đề ưu tiên phải là cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa Tư bản Chế độ quân chủ tại khắp mọi nơi ở Âu châu. Chỉ khi nào những việc này thành công thì mới có thể thực hiện được quyền tự chủ của các dân tộc. Niềm tin này là một phần của những tranh cãi với Vladimir Ilyich Lenin, người cho rằng phong trào giải phóng Ba Lan và các quốc gia khác là bước đầu dẫn đến Chủ nghĩa xã hội vì vậy muốn ủng hộ nó.

Năm 1897 Rosa Luxemburg lấy bằng tiến sĩ tại Zürich với điểm tối cao về đề tài Sự phát triển kỹ nghệ tại Ba Lan.

Lãnh tụ phái tả trong đảng SPD (1898–1914)[sửa]

Tập tin:Gedenktafel Wielandstr 23 (Schön) Rosa Luxemburg.jpg
Bảng tưởng niệm tại nhà Wielandstraße 23, ở Berlin-Schöneberg
Tập tin:Gedenktafel Cranachstr 58 (Schö) Rosa Luxemburg.jpg
Bảng tưởng niệm trước nhà Cranachstraße 58, ở Berlin-Schöneberg

Năm 1898 Rosa Luxemburg làm đám cưới với một người làm nghề thợ khóa 24 tuổi tên Gustav Lübeck, để có quốc tịch Đức. Bà chuyển tới Berlin và gia nhập đảng SPD, đảng mà lúc đó trong phong trào công nhân được cho là một đảng xã hội cấp tiến nhất Âu châu.[1]

Rosa Luxemburg chủ trương đấu tranh giai cấp và thực hiện cách mạng vô sản. Nhờ tài ăn nói và khả năng phân tích bà trở thành lãnh tụ nhóm khuynh tả trong Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD). Với vai trò đó năm 1899 bà tham dự vào cuộc thảo luận về cái gọi là chủ nghĩa xét lại (Revisionismus). Eduard Bernstein đại diện cho quan điểm, lợi ích của nhiều phía cho rằng những cải tổ xã hội sẽ điều chỉnh chủ nghĩa tư bản đưa đến xã hội chủ nghĩa, cũng có nghĩa là thay thế cách mạng bằng tiến hóa xã hội cho nên đảng SPD có thể sử dụng phương tiện nghị trường để đạt mục tiêu của họ (đảng SPD được hoạt động trở lại vào năm 1890, sau khi bị luật Sozialistengesetz cấm từ năm 1878).

Trong khi đó Rosa Luxemburg cho là, cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ làm rõ ràng sự đối nghịch giữa Tư bản và Lao động, cho nên Xã hội chủ nghĩa chỉ có thể hình thành được khi giai cấp vô sản lên nắm chính quyền và thực hiện một cuộc cách mạng quan hệ sản xuất. Bà đòi loại những người xét lại ra khỏi đảng vì họ đã không còn theo đuổi mục đích ban đầu của đảng. Mặc dù những đòi hỏi này không được thực hiện, SPD dưới sự lãnh đạo của August Bebel Karl Kautsky vẫn giữ chủ nghĩa Marx trong chương trình của họ. Trên thực tế họ theo đuổi con đường cải cách xã hội và cố gắng làm tăng số đại biểu trong quốc hội.

Năm 1903 Rosa Luxemburg bị xử 2 tháng tù vị tội nhục mạ hoàng đế trong một cuộc vận động tranh cử. Năm 1905 một lần nữa bà lại bị xử 2 tháng tù vì đã kích động sự thù hận giai cấp. Sau đó, Luxemburg dạy môn Chủ nghĩa Marx và kinh tế tại trung tâm huấn luyện của đảng SPD tại Berlin. Một trong những học trò của bà có Friedrich Ebert, người mà sau đó trở thành lãnh tụ SPD, và là Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Weimar. Năm 1912 đại diện cho đảng SPD tại hội nghị xã hội chủ nghĩa Âu châu. Cùng với nhà xã hội Pháp Jean Jaures bà kêu gọi các đảng Xã hội Âu châu hãy tổ chức một cuộc tổng đình công khi chiến tranh bộc phát. Nhưng vào năm 1914, khi bạo động và chiến tranh xảy ra tại Balkan, không có tổng đình công và đa số đảng viên SPD đã ủng hộ cuộc chiến tranh.

Từ Chiến tranh thế giới thứ nhất cho tới khi chết[sửa]

Sau khi đảng Dân chủ Xã hội ủng hộ sự tham chiến của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bà cùng với Karl Liebknecht đã đồng thành lập Liên đoàn Spartacus (tiếng Đức: Spartakusbund) mà sau đó trở thành Đảng Cộng sản của nước Đức. Liên đoàn Spartacus tham gia trong cuộc cách mạng Berlin tháng 1 năm 1919. Tuy nhiên Luxemburg chủ trương không sử dụng bạo lực cướp chính quyền. Cuộc nổi dậy này bị Tổng thống Cộng hòa Weimar Friedrich Ebert ra lệnh cho Freikorps (một lực lượng dân quân phe cánh hữu) đàn áp và dập tắt. Luxemburg và hàng trăm nhà cánh mạng cánh tả bị bắt, tra tấn và giết hại. Từ sau cái chết của họ, Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht đã trở thành biểu tượng của những thành viên đảng dân chủ xã hội và những người theo chủ nghĩa Marx.

Quan điểm về cuộc Cách mạng tháng Mười tại Nga[sửa]

Trong bài viết về cuộc Cách mạng tại Nga (Die Revolution in Russland)[2] Rosa Luxemburg hoan nghênh nỗ lực cách mạng của Lenin, để giải tán Duma (Quốc hội). Tuy nhiên bà chỉ trích, nhóm Bolshevik đã loại trừ mọi sự kiểm soát của quốc hội. Bà đã nhận ra là, Lenin không những chỉ tiêu diệt các đảng phái khác, mà còn bắt đầu đè bẹp nền dân chủ trong đảng của mình, và như vậy theo bà, đe dọa sự góp phần thiết yếu cũng như sự lãnh đạo của giới công nhân trong công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa:

Tự do chỉ cho những người theo chính quyền, chỉ cho các đảng viên của một đảng - cho dù là số đảng viên đó có nhiều bao nhiêu đi nữa - không phải là tự do thật sự. Tự do luôn luôn là tự do của kẻ bất đồng chính kiến. Không phải vì công bằng một cách mù quáng, mà vì hiệu quả của tự do chính trị: mang lại sinh khí mới, hàn gắn và làm trong sạch. Những điều này sẽ không có, khi tự do chỉ là một đặc ân.

Tuy nhiên nhà sử học Heinrich August Winkler nhấn mạnh, khi nói tới tự do của những người bất đồng chính kiến bà Luxemburg không nghĩ tới "những kẻ thù của Giai cấp công nông" hay "những kẻ phản lại Giai cấp công nhân". Bà ta không có cái nhìn của một người dân chủ cấp tiến, mà chỉ là cái nhìn đa phương trong xã hội chủ nghĩa.[3]

Tham khảo[sửa]

  1. Ossip K. Flechtheim: Rosa Luxemburg. SOAK-Einführungen im Junius-Verlag 18, 1. Auflage 1985, S. 13.
  2. "Die Revolution in Russland", GW 4. (online)
  3. Heinrich August Winkler: Der lange Weg nach Westen. Band I. Deutsche Geschichte vom Ende des Alten Reiches bis zum Untergang der Weimarer Republik. Bundeszentrale für politische Bildung, Bonn 2002, S. 357.

Thư mục[sửa]

  • Lelio Basso: Rosa Luxemburg: A Reappraisal, London 1975
  • Stephen Eric Bronner: Rosa Luxemburg: A Revolutionary for Our Times, 1984
  • Raya Dunayevskaya: Rosa Luxemburg, Women's Liberation, and Marx's Philosophy of Revolution, New Jersey, 1982
  • Elzbieta Ettinger: Rosa Luxemburg: A Life, 1988
  • Paul Frölich: Rosa Luxemburg: Her Life and Work, 1939
  • Norman Geras: The Legacy of Rosa Luxemburg, 1976
  • Klaus Gietinger: Eine Leiche im LandwehrkanalDie Ermordung der Rosa L. (A Corpse in the Landwehrkanal — The Murder of Rosa L.), Verlag 1900 BerlinISBN 3-930278-02-2
  • Peter Hudis and Kevin B. Anderson (eds.): The Rosa Luxemburg Reader, Monthly Review 2004
  • Frederik Hetmann: Rosa Luxemburg. Ein Leben für die Freiheit, Frankfurt 1980, ISBN 3-596-23711-4
  • Ralf Kulla: "Revolutionärer Geist und Republikanische Freiheit. Über die verdrängte Nähe von Hannah Arendt und Rosa Luxemburg. Mit einem Vorwort von Gert Schäfer", Hannover: Offizin Verlag 1999 (=Diskussionsbeiträge des Instituts für Politische Wissenschaft der Universität Hannover Band 25) ISBN 3-930345-16-1
  • J. P. Nettl, Rosa Luxemburg, 1966 - long considered the definitive biography of Luxemburg
  • Donald E. Shepardson: Rosa Luxemburg and the Noble Dream, New York 1996
  • Tony Cliff: Rosa Luxemburg, London 1959. First published as a pamphlet in 1959 (International Socialism, No.2/3). Reprinted 1968, 1969 and 1980) [1]

Xem thêm[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây