Sống có tổ chức nhờ thời gian biểu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thiết lập một cuộc sống có tổ chức và nhất quán là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, khi không có một thời gian biểu để bám sát, mọi việc sẽ trở nên lộn xộn trong chớp mắt. Có một thời gian biểu mô tả những công việc có thể đoán trước là rất cần thiết để làm việc theo trật tự và giúp gia đình bạn hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết.

Các bước[sửa]

Lập thời gian biểu hằng ngày[sửa]

  1. Tạo một bảng có tám cột. Bảng này sẽ thể hiện lịch trình công việc một tuần của bạn. Cột bên trái sẽ bắt đầu với nội dung về thời gian bạn thức dậy và kết thúc với thời gian bạn đi ngủ. Các cột khác sẽ tương ứng với tên các ngày trong tuần.
    • Ví dụ, nếu bạn thức dậy vào lúc 7 giờ sáng và đi ngủ lúc 11 giờ tối thì tương ứng với hàng đầu tiên ở cột bên trái sẽ là 07:00. Tiếp tục di chuyển dần xuống hàng dưới, tăng dần thêm 1 giờ cho đến 23:00.
    • Thử tạo thời gian biểu cá nhân cho từng thành viên trong gia đình để mọi người làm việc có tổ chức hơn.
  2. Ghi lại các giờ cố định. Rà soát lại thời gian biểu và xác định những khoảng thời gian đã được dành cho một hoạt động nào đó.[1] Ví dụ, nếu giờ ăn trưa là 12:00–13:00 chiều, hãy ghi nó vào thời gian biểu. Một số hoạt động khác có thể liệt kê bao gồm:
    • Những cuộc hẹn
    • Thời gian lên lớp và học tập
    • Thời gian ngủ
    • Nhà thờ
    • Cuộc họp
    • Hoạt động của trẻ
    • Kế hoạch dự định thực hiện với vợ/chồng
    • Thời gian di chuyển
    • Tập thể dục
  3. Lên lịch cho các hoạt động giải trí. Hoạt động giải trí cũng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng cuộc sống tương tự như công việc và học tập. Trong thực tế, việc vui chơi giải trí được liên kết với những lợi ích sức khỏe liên quan đến bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và béo phì.[2] Nó làm giảm mức độ căng thẳng. Vì vậy, hãy chủ động lên lịch cho các hoạt động giải trí trong những khung giờ cố định khác. Một số hoạt động giải trí tuyệt vời bao gồm:
    • Thể thao giải trí
    • Hoạt động tại hiệp hội thanh niên cơ đốc (YMCA- Young Men’s Christian Association)
    • Hoạt động ở nhà thờ
    • Chương trình tại công viên địa phương và trung tâm cộng đồng
    • Xem xét việc lên lịch cho thời gian giải trí cùng cả gia đình. Hiện có rất nhiều chương trình dành cho gia đình có thể đáp ứng nhu cầu giải trí của mọi thành viên.
  4. Thử làm theo thời gian biểu trong một tuần. Đảm bảo giám sát bản thân xem bạn đã phân bổ đủ thời gian cho các hoạt động nhất định chưa. Ví dụ, bạn có cho mình đủ thời gian để di chuyển tới công ty và ngược lại chưa, hay là bạn thấy mình thường bị muộn hoặc phải chạy đua để đến nơi kịp lúc?
  5. Điều chỉnh khi cần thiết. Hãy sửa đổi thời gian biểu dựa trên những vấn đề mà bạn ghi lại trong khi thực hiện lịch trình ban đầu.[1] Bằng cách này, thời gian biểu sẽ phản ánh đúng thực tế hơn.
    • Ví dụ, nếu thấy rằng bạn liên tục đến công ty trễ 15 phút, bạn nên sửa đổi lịch trình để có thêm 20 phút cho thời gian di chuyển.

Tạo thói quen cho buổi sáng[sửa]

  1. Xác định thời gian ngủ. Điều quan trọng là chọn thời gian ngủ dựa trên nhu cầu giấc ngủ của bạn. Một trong những điều cần thiết nhất để sống có tổ chức là thức dậy đúng giờ vào mỗi buổi sáng. Hãy thừa nhận là nếu bạn thức dậy trễ thì nó sẽ ảnh hướng đến phần còn lại trong ngày. Tuy nhiên, khi ngủ đủ giấc thì bạn sẽ thức dậy đúng giờ hơn vào mỗi buổi sáng. Đảm bảo bạn cũng chọn thời gian ngủ thích hợp cho trẻ.
    • Xác định bạn cần ngủ bao nhiêu là đủ để cảm thấy thoải mái vào buổi sáng. Sau đó tìm ra thời điểm chính xác mà bạn cần đi ngủ để có năng lượng cho ngày mới. Có thể bạn cần thử nghiệm bằng cách ngủ với thời lượng khác nhau trong vài đêm để biết được thời gian ngủ tốt nhất.
    • Nhớ rằng hầu hết người lớn khỏe mạnh cần ngủ 7-9 giờ và trẻ em cần ngủ 10-14 giờ tương ứng với các độ tuổi khác nhau.[3]
    • Sẽ hữu ích nếu bạn bắt đầu thư giãn khoảng 30 phút trước giờ đi ngủ. Thử tắt các thiết bị điện tử để có thời gian yên tĩnh trước khi ngủ. Đây là cách tuyệt vời để chuyển đổi từ hoạt động trong ngày sang trạng thái ngủ.
  2. Đặt đồng hồ báo thức. Nhiều người nghĩ rằng thói quen buổi sáng bắt đầu vào sáng sớm. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Đặt báo thức vào đêm trước sẽ giúp bạn thức dậy đúng giờ vào sáng hôm sau.
    • Để tránh việc tạm tắt báo thức vào buổi sáng và có nguy cơ làm trái với thời gian biểu, hãy đặt đồng hồ báo thức ở một nơi cách xa giường. Bằng cách này, bạn sẽ phải tỉnh dậy để tắt nó.
    • Một cách khác, bạn có thể đặt hai đồng hồ báo thức khác nhau cách xa giường. Đặt khoảng cách giữa hai lần báo thức khoảng 10 phút. Với cách này, ngay cả khi bạn nằm xuống ngủ lại sau khi tắt báo thức lần đầu, báo thức lần hai sẽ vẫn giúp bạn tuân thủ theo thời gian biểu.
    • Đảm bảo giờ báo thức được thiết lập cho bạn đủ thời gian để bắt đầu đánh thức trẻ dậy kịp thời. Bạn có thể bắt đầu đánh thức chúng một vài phút trước đó.
  3. Tạo thời gian cho các nghi thức buổi sáng. Nhiều người muốn tiến hành một số nghi thức nào đó trước khi bắt đầu một ngày mới. Nghi thức đó có thể bao gồm cầu nguyện, tập thể dục, thiền, viết nhật ký, hoặc thậm chí là dành thời gian yên tĩnh với những người thân yêu vào buổi sáng. Dù nghi thức của bạn là gì, hãy đưa nó vào thời gian biểu. Chủ động sắp xếp thời gian cho các nghi thức sẽ giúp bạn tránh bị chậm trễ.
    • Sắp xếp thời gian cụ thể để thực hiện các nghi thức. Thử dành ra nửa giờ, 1 giờ, hoặc 2 giờ.
    • Nghi thức buổi sáng thường giúp đầu óc tỉnh táo và có thể tăng năng suất công việc. Bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể làm tăng lưu lượng máu và là cách nhanh chóng nâng cao năng suất làm việc cả ngày. Một vài động tác đơn giản như duỗi người có thể là một phần trong bài tập thể dục.[4]
  4. Sử dụng đồng hồ bấm giờ khi làm vệ sinh cá nhân. Bạn rất dễ quên mất thời gian khi đang tắm, đắm chìm vào việc làm đẹp, mặc quần áo hoặc các hoạt động vệ sinh cá nhân khác. Tuy nhiên, sử dụng đồng hồ bấm giờ có thể giúp bạn theo kịp tiến độ. Bạn có thể mua một chiếc đồng hồ với giá rẻ ở hầu hết cửa hàng.
    • Một số phụ huynh chọn đi tắm trong lúc trẻ đang ăn sáng.[5] Tuy nhiên, một số phụ huynh khác lại thích ăn sáng cùng với trẻ.
    • Tắm vào đêm trước cũng là một giải pháp giúp bạn biết cách sắp xếp vào buổi sáng.
  5. Tìm cách sử dụng thời gian khôn ngoan. Đảm nhận nhiều nhiệm vụ là một cách tuyệt vời giúp bạn giải quyết công việc gia đình ngăn nắp. Ví dụ, bạn có thể nghĩ ra một số cách để hoàn thành công việc vặt và sẵn sàng cho buổi sáng. Để trẻ giúp bạn cũng là biện pháp hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý:[6]
    • Cho quần áo vào máy giặt trước khi đi làm. Bạn có thể cho chúng vào máy sấy khi về nhà.
    • Nếu có nuôi chó, bạn có thể nhờ trẻ chuẩn bị để dắt chó đi dạo trong lúc bạn tắm. Ví dụ, trẻ có thể chuẩn bị trước dây xích và "túi phân" giúp bạn. Khi tắm xong, bạn có thể nhanh chóng dắt chó đi tản bộ cùng trẻ.
    • Để cho trẻ lớn tuổi hơn giúp đỡ các em nhỏ chuẩn bị vào buổi sáng. Để đứa trẻ đã lên mười giúp em nhỏ học mẫu giáo tìm đôi giày là cách thực sự tiết kiệm thời gian.
  6. Ăn bữa ăn sáng dinh dưỡng. Thực phẩm là nhiên liệu cho cơ thể, do đó bạn cần có thói quen ăn sáng lành mạnh.[7] Nếu có xu hướng bỏ qua bữa sáng, hãy cố gắng tìm ra lý do khiến bạn bỏ bữa. Lý do đó có thể là do bạn đang vội vàng vào buổi sáng hoặc đơn giản vì bạn không thích đồ ăn sáng. Dù lý do là gì, chắc rằng bạn biết rõ nguyên nhân và sau đó tìm cách để hình thành thói quen ăn sáng mỗi ngày.
    • Nếu không thích đồ ăn sáng, hãy thử dùng đồ ăn trưa cho bữa sáng.
    • Nếu phải vội vã vào buổi sáng, hãy đi ngủ sớm hơn một chút vào buổi tối để có thể thức dậy sớm hơn.
    • Nếu không thấy đói vào buổi sáng, ít nhất nên có một bữa ăn nhẹ. Nhớ rằng thực phẩm là nhiên liệu cho cơ thể và nạp năng lượng đầy đủ cho cơ thể vào buổi sáng là rất quan trọng.
  7. Rời khỏi nhà đúng giờ. Rời khỏi nhà đúng giờ quy định là điều quan trọng. Chắc chắn rằng bạn đã tính toán thời gian cho tất cả điểm dừng theo dự định. Từ việc chở con đến trường đến việc uống cà phê buổi sáng, đảm bảo bạn có đủ thời gian để đến nơi đúng giờ.
    • Xác định bạn cần bao nhiêu thời gian để di chuyển tới điểm đến, bao gồm tất cả thời gian cho những điểm dừng trên đường. Thử thực sự sắp xếp thời gian cho bản thân trong một buổi sáng để ước tính chính xác. Sau đó, cộng thêm 15 phút vào khoảng thời gian này để tính đến việc kẹt xe hoặc những vấn đề không lường trước. Bị chậm trễ sẽ khiến thời gian biểu của bạn mất tác dụng và bạn sẽ cảm thấy mọi việc trở nên lộn xộn.
    • Đồng thời, thử tập hợp mọi vật dụng cần thiết vào đêm hôm trước. Bạn có thể tiết kiệm thời gian và ra khỏi nhà đúng giờ hơn vào buổi sáng.
    • Xem lại các đồ dùng cần thiết cho bài kiểm tra hay thực hành tập đánh vần, hoặc xem qua nội dung môn toán trong lúc đang ngồi trên xe hơi là cách tận dụng thời gian tuyệt vời, đặc biệt nếu bạn đã có một đêm bận rộn trước đó.

Chuẩn bị vào buổi tối[sửa]

  1. Chọn trang phục cho ngày hôm sau. Lựa chọn trang phục cho ngày hôm sau trong khi trẻ đang vệ sinh cá nhân vào buổi tối là một cách tiết kiệm thời gian tuyệt vời.[5] Trong khi trẻ đang ở trong phòng tắm, bạn có thể dành thời gian đó để lựa chọn quần áo giúp chúng để bạn không phải vội vã vào ngày mai.
    • Nếu trẻ vẫn còn rất nhỏ, ĐỪNG để chúng không được giám sát khi đang ở trong bồn tắm. Ngoài ra, nếu trẻ lớn hơn, thì trẻ có thể tự chọn quần áo cho ngày mai sau khi vệ sinh xong.
    • Đảm bảo mọi thứ đều được chuẩn bị từ đêm hôm trước. Chúng bao gồm giày, tất, và các phụ kiện khác như băng đô và trang sức. Đồng thời chắc chắn các vật dụng như lược, cây tăm, hoặc bàn chải tóc đều được đặt ở đúng chỗ để tránh phải tìm chúng vào buổi sáng.
    • Ngoài ra, bạn có thể chọn ra những bộ quần áo, bao gồm tất cả phụ kiện, cho cả tuần vào tối Chủ nhật.
    • Đảm bảo áo khoác, nón, và găng tay đều được đặt đúng chỗ để dùng vào những ngày lạnh hơn.
  2. Chuẩn bị các túi sẵn sàng. Chuần bị các túi sẵn sàng và đặt ở đúng chỗ trước khi đi ngủ.[5] Bằng cách này, điều bạn phải làm chỉ là cầm chúng và ra khỏi nhà. Các túi được chuẩn bị bao gồm:
    • Túi đựng sách vở
    • Túi đựng đồ làm việc
    • Túi đồ ăn trưa cho trẻ, cho bạn và vợ/chồng có thể gồm những đồ ăn không bị hỏng qua đêm. Có thể thêm vào loại thực phẩm dễ bị hỏng và túi nước đá vào buổi sáng.
  3. Chuẩn bị bữa ăn sáng từ trước. Dọn bàn ăn sáng vào đêm trước sẽ giúp bạn có một buổi sáng gọn gàng hơn. Trải khăn ăn, chén, bát, thìa và ngũ cốc vào đêm trước để mọi người có thể tự phục vụ mình khi họ thức dậy.[8] Tất cả những gì bạn cần làm buổi sáng là chuẩn bị sữa và nước trái cây. Sẽ rất hữu ích nếu gia đình bạn muốn ăn ngũ cốc.
    • Bạn có thể bỏ chén đĩa vào máy rửa chén ngay sau khi ăn tối. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo chén đĩa được sạch sẽ để chuẩn bị bàn ăn trước khi đi ngủ.
  4. Điền các mẫu đơn. Chờ đến buổi sáng mới điền vào các mẫu đơn của nhà trường là một điều khủng khiếp. Chúng sẽ tốn rất nhiều thời gian và bạn sẽ rối tung đến những phút cuối cùng, hoặc bạn hoàn toàn quên mất chúng. Chuẩn bị một cái khay để đựng tất cả giấy tờ ở trường khi trẻ mang về nhà vào buổi chiều.[8] Sau khi trẻ đi ngủ, hãy điền các mẫu giấy tờ và đặt chúng trong ba lô sẵn sàng để trẻ mang đi vào buổi sáng.
  5. Tạo danh sách công việc hàng ngày. Sẽ rất hữu ích nếu bạn tạo danh sách những việc cần làm sẵn vào đêm trước. Điều này giúp bạn quản lý công việc một cách có tổ chức. Đảm bảo bạn sẽ kiểm tra lịch và thời gian biểu trước khi tạo danh sách để không bỏ sót bất cứ việc gì.
    • Treo một tờ lịch gia đình sẽ có ích.[8] Tất cả mọi người, trừ trường hợp có con nhỏ, cần có trách nhiệm ghi chú ngày tháng cho sự kiện sắp tới. Ví dụ, Tuấn sẽ có nhiệm vụ ghi vào lịch ngày giờ cho buổi khiêu vũ hoặc buổi chơi bóng rổ sắp tới.

Thiết lập thói quen cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD - Attention Deficit Hyperactive Disorder)[sửa]

  1. Áp dụng thời gian biểu hằng ngày có thể đoán được. Xác định thời gian trẻ tham gia từng hoạt động và cố gắng thực hiện cùng một thời gian vào mỗi ngày. Khi trẻ và bố mẹ biết rõ điều gì xảy ra tiếp theo thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Các hoạt động cụ thể mà bạn có thể muốn kết hợp trong thời gian biểu bao gồm:
    • Đi ngủ, thức giấc, và ngủ trưa
    • Tắm
    • Đến trường học hoặc nhà trẻ
    • Hoạt động ngoại khóa
    • Các bữa ăn
    • Các hoạt động được định sẵn
  2. Sắp xếp nhà cửa ngăn nắp. Trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp khó khăn với việc ghi nhớ nơi mình đã đặt mọi đồ vật. Điều này khá rắc rối khi bạn đang cố gắng tuân theo một thời gian biểu nhưng lại bị phá vỡ khi trẻ không thể nhớ mình đã đặt túi ăn trưa ở đâu. Đảm bảo bạn đã sắp xếp căn nhà ngăn nắp để trẻ có một không gian hợp lý chứa đồ vật. Ví dụ, trẻ có thể để cặp sách trong một cái thùng bên cạnh cửa trước hoặc để bút chì vào ngăn kéo bàn học tập. Hãy sắp xếp nhà sao cho tiện lợi nhất đối với mọi người trong gia đình và lối sống của họ.
  3. Lên kế hoạch cho bài tập về nhà. Cho phép trẻ hoàn thành bài tập về nhà theo từng phần nhỏ. Giữa mỗi phần, để trẻ được nghĩ giải lao. Sẽ có ích nếu sử dụng đồng hồ canh giờ để giúp trẻ hoàn thành đúng tiến độ. Lên kế hoạch có thể giúp ích cho thói quen làm bài tập về nhà.
    • Dành cho trẻ không gian riêng để làm bài tập về nhà và cất giữ đồ vật riêng. Nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Một số trẻ có thể cần một nơi yên tĩnh, cách xa những người khác để tập trung trong khi những đứa trẻ khác cần bố mẹ bên cạnh giúp đỡ chúng làm bài tập.
  4. Tận dụng những hướng dẫn được viết sẵn. Sử dụng giấy nhắc nhở giúp trẻ bám vào các thói quen hằng ngày. Thông tin hướng dẫn nên ngắn gọn nhằm tránh gây phân tâm.
    • Bảng liệt kê rất hiệu quả giúp trẻ bị bệnh ADHD sống có tổ chức. Thử dán bảng liệt kê tại lối ra, trong phòng của trẻ, hoặc bất cứ nơi nào khác có thể giúp trẻ nhớ ra thời gian biểu.
  5. Dành nhiều lời khen. Khi bạn thấy trẻ đang cố gắng bám theo thời gian biểu hàng ngày, khen ngợi trẻ là điều rất quan trọng. Điều này sẽ động viên trẻ tiếp tục rèn luyện thói quen tốt nhất có thể. Đảm bảo bạn không chỉ tập trung vào từng chi tiết hoàn thành mà còn công nhận nỗ lực của trẻ.

Lời khuyên[sửa]

  • Dành thời gian vào đầu mỗi tuần, tốt nhất là đêm Chủ Nhật để tạo lịch trình công việc cho tuần sắp tới.
  • Dán lên tủ lạnh một tờ liệt kê các hoạt động khác nhau của trẻ mỗi ngày. Điều này sẽ giúp bạn nhớ được các hoạt động cụ thể đang diễn ra từng ngày. Ví dụ, Hùng tập luyện đá bóng vào thứ Ba và Tuyền có thể diễn tập ca hợp xướng vào thứ Tư.
  • Lên kế hoạch thực đơn cho cả tuần vào ngày Chủ nhật là một cách tuyệt vời khác để tận dụng tối đa thời gian và giữ mọi việc được sắp xếp. Bằng cách này, bạn sẽ biết mình luôn dự trữ đủ các loại thực phẩm cần thiết cho mỗi ngày trong tuần sắp tới.
  • Tạo thói quen có khu vực nhất định để đặt mọi vật dụng mà bạn sẽ cần vào buổi sáng (như chìa khóa, cặp sách, thức ăn cho vật nuôi, v.v.)
  • Tự thưởng cho chính mình khi nhận ra bạn đã thực hiện đúng thời gian biểu suốt cả ngày.
  • Bất cứ khi nào có thể, dành lời ngợi khen khi trẻ hoàn thành một mục tiêu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây