Sử dụng các phương tiện dạy học khác như tranh ảnh sơ đồ, biểu bảng, ... trong dạy học hóa học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ngoài thí nghiệm hóa học giáo viên còn sử dụng các phương tiện dạy học hóa học khác như: mô hình, sơ đồ, hình vẽ, biểu bảng, phương tiện nghe nhìn: máy chiếu, bản trong, băng hình, máy tính, … Phương tiện dạy học được sử dụng trong các loại bài dạy hóa học phổ biến hơn cả là các bài hình thành khái niệm, nghiên cứu các chất. Các bài dạy hóa học có sử dụng phương tiện dạy học đều được coi là giờ học tích cực nhưng nếu giáo viên dùng phương tiện dạy học là nguồn kiến thức để học sinh tìm kiếm, phát hiện, kiến tạo kiến thức mới sẽ là các giờ học có tính tích cực cao hơn nhiều. Hoạt động của giáo viên bao gồm:

- Nêu mục đích và phương pháp quan sát phương tiện trực quan.

- Trưng bày phương tiện trực quan và nêu yêu cầu quan sát.

- Nêu yêu cầu nhận xét, kết luận và giải thích.

Hoạt động tương ứng của học sinh gồm:

- Nắm được mục đích nghiên cứu qua phương tiện trực quan.

- Quan sát phương tiện trực quan, tìm ra những kiến thức cần tiếp thu.

- Rút ra nhận xét, kết luận về những kiến thức cần lĩnh hội qua các phương tiện trực quan đó.

a) Việc sử dụng mô hình, hình vẽ nên thực hiện một cách đa dạng dưới các hình thức như[sửa]

- Dùng mô hình, hình vẽ, sơ đồ, … có đầy đủ chú thích là nguồn kiến thức để học sinh khai thác thông tin, hình thành kiến thức mới. Ví dụ như các hình vẽ, dụng cụ điều chế các chất giúp học sinh nắm được các thông tin về thiết bị, dụng cụ, hóa chất dụng để điều chế chúng.

- Dùng hình vẽ, sơ đồ, … không có đầy đủ chú thích giúp học sinh kiểm tra các thông tin còn thiếu.

- Dùng hình vẽ, mô hình, … không có chú thích nhằm yêu cầu học sinh phát hiện kiến thức ở mức độ khái quát hoặc kiểm tra kiến thức, kỹ năng.

Ví dụ: Dụng cụ dưới đây dùng để điều chế chất khí nào trong số các khí sau: O2, Cl2, H2, NO, N2, CO2, C2H2, NH3, CH4. Hãy xác định các chất trong phễu nhỏ giọt A, bình cầu B được dùng để điều chế các khí đó.

Như vậy học sinh phải quan sát hình vẽ, phân tích đi đến nhận xét khái quát:

- Chất khí được điều chế phải nặng hơn không khí và không tác dụng với không khí ở nhiệt độ thường.

- Chất khí được điều chế bằng tương tác của một chất rắn với một chất lỏng hoặc tương tác giữa một chất lỏng với một chất lỏng.

Từ sự phân tích khái quát đó học sinh xác định dụng cụ trên được dùng để điều chế các chất khí: O2, Cl2, CO2.

Các chất dùng để điều chế các khí đó được chứa trong:

- Phễu nhỏ giọt A: H2O2, HCl đặc, dung dịch HCl hoặc H2SO4.

- Bình cầu B: MnO2, KMnO4, CaCO3.

b) Sử dụng bản trong và máy chiếu[sửa]

Thực tế dạy học đã xác định sử dụng bản trong và máy chiếu đã trợ giúp tích cực cho quá trình dạy học hóa học ở tất cả các cấp học, bậc học. Việc sử dụng bản trong, máy chiếu rất đa dạng giúp cho giáo viên cụ thể hóa các hoạt động một cách rõ ràng và tiết kiệm được thời gian cho các hoạt động của giáo viên và học sinh. Bản trong và máy chiếu có thể được sử dụng trong các hoạt động:

- Đặt câu hỏi kiểm tra: giáo viên thiết kế câu hỏi, làm bản trong và chiếu lên.

- Giáo viên giao nhiệm vụ, điều khiển các hoạt động của học sinh (qua phiếu học tập), giáo viên thiết kế nhiệm vụ, làm bản trong, chiếu lên và hướng dẫn học sinh thực hiện.

- Hướng dẫn cách tiến hành thí nghiệm và nghiên cứu tính chất các chất.

- Giới thiệu mô hình, hình vẽ mô tả thí nghiệm, … giáo viên chụp vào bản trong, chiếu lên cho học sinh quan sát, nhận xét, …

- Tóm tắt nội dung, ghi kết luận, tổng kết một vấn đề học tập, lập sơ đồ tổng kết vào bản trong rồi chiếu lên.

- Chữa bài tập, bài kiểm tra: giáo viên in nội dung bài giải, đáp án vào bản trong và chiếu lên.

Hoạt động của học sinh chủ yếu là đọc thông tin trên bản trong, tiến hành các hoạt động học tập và dùng bản trong để viết kết quả hoạt động (câu trả lời, báo cáo kết quả hoạt động, nhận xét, kết luận, …) rồi chiếu lên để cho cả lớp nhận xét đánh giá.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây