Tăng cân an toàn khi bị tiểu đường trong thai kỳ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiểu đường trong thai kỳ xảy ra ở khoảng 9% phụ nữ mang thai và thường phát triển ở tuần 24 của thai kỳ.[1] Phần lớn bệnh không gây triệu chứng đáng chú ý nhưng bác sĩ có thể sẽ đề nghị sàng lọc bệnh tiểu đường trong thai kỳ như một phần của quy trình khám thai định kỳ.[2] Glucose là một loại đường. Tế bào của phụ nữ bị tiểu đường trong thai kỳ khó nhận đường nên đường sẽ còn trong đường máu. Glucose (đường) trong máu tăng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Các bước[sửa]

Áp dụng chế độ ăn kiểm soát cân nặng và đường huyết[sửa]

  1. Tiêu thụ lượng calo được khuyến nghị mỗi ngày. Phụ nữ có cân nặng trước khi mang thai ở mức bình thường nên tiêu thụ khoảng 30 calo/kg/ngày, dựa trên cân nặng khi mang thai. Phụ nữ bị béo phì trước khi mang thai có thể giảm lượng calo xuống 33%, tức khoảng 25 calo/kg/ngày, dựa trên cân nặng khi mang thai.[3] Nên nhớ đây chỉ là hướng dẫn chung. Bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để được khuyến nghị lượng calo phù hợp nhất.
    • Mua cân thực phẩm để cân thức ăn. Cách này giúp bạn biết được một phần ăn là bao nhiêu. Bằng cách đọc nhãn thực phẩm, bạn có thể ước tính lượng calo và chất dinh dưỡng đại lượng chứa trong mỗi phần thực phẩm.
    • Mua cân thực phẩm để cân thức ăn. Cách này giúp bạn biết được một phần ăn là bao nhiêu. Bằng cách đọc nhãn thực phẩm, bạn có thể ước tính lượng calo và chất dinh dưỡng đại lượng chứa trong mỗi phần thực phẩm.
    • Kết hợp ghi chép nhật ký thực phẩm với việc cân trọng lượng đều đặn để xác định bạn đang tăng hay sụt cân.
    • Nếu chưa tăng đủ cân, bạn nên tăng lượng calo lên 200-500 calo mỗi ngày. Tiếp tục theo dõi để xem cân nặng đã tăng đúng chưa.
  2. Theo dõi lượng cacbon-hydrat dung nạp. Cacbon-hydrat là một trong ba dưỡng chất đại lượng cần thiết, bên cạnh protein và chất béo. Có 3 loại cacbon-hydrat chính là đường, tinh bột và chất xơ. Đường là dạng cacbon-hydrat đơn giản nhất. Đường bao gồm fructose, glucose, sucrose và một số phân tử khác. Tinh bột còn được gọi là cacbon-hydrat phức hợp và được cấu thành từ nhiều loại đường liên kết thành chuỗi với nhau. Chất xơ là loại cacbon-hydrat mà cơ thể người không thể phân giải. Khi bạn ăn đường hoặc tinh bột, chúng sẽ được phân giải và chuyển thành glucose. Đường (glucose là một loại đường) được chuyển thành glucose nhanh hơn so với cacbon-hydrat phức hợp. Chất xơ không được chuyển hóa thành glucose vì không thể tiêu hóa được.
    • Không có con số nhất định về lượng cacbon-hydrat cần thiết cho phụ nữ mang thai. Do đó, bạn nên trao đổi vấn đề này với bác sĩ. Theo dõi lượng cacbon-hydrat dung nạp cùng với lượng glucose trong máu. Nếu glucose trong máu luôn ở mức cao, bạn nên giảm tiêu thụ đường, cacbon-hydrat phức hợp và tăng tiêu thụ chất xơ.
    • Không cần thiết phải hạn chế chất xơ. Lượng được khuyến nghị là 20-30 g chất xơ mỗi ngày.[4]
    • Ghi chép nhật ký thực phẩm để theo dõi lượng cacbon-hydrat dung nạp. Các ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể giúp bạn dễ dàng theo dõi lượng cacbon-hydrat và đường dung nạp.
    • Giảm tiêu thụ đường.
  3. Ăn tinh bột với khẩu phần vừa phải. Ngay cả khi tiêu thụ nguồn tinh bột có chỉ số glycemic thấp như lúa mạch, bột yến mạch và hạt diêm mạch, bạn vẫn chỉ nên tiêu thụ ở mức vừa phải. Tinh bột được chuyển hóa thành glucose trong tế bào. Nguyên tắc chuẩn là tiêu thụ khoảng một cốc tinh bột trong mỗi bữa ăn.[5]
  4. Ăn hoa quả vừa phải. Ngay cả khi tiêu thụ hoa quả có chỉ số glycemic thấp, bạn cũng chỉ nên tiêu thụ 1-3 phần hoa quả mỗi ngày. Bên cạnh đó, chỉ tiêu thụ một phần hoa quả một lúc.[5]
    • Tránh tiêu thụ hoa quả có chỉ số Glycemic cao như dưa hấu.
    • Tránh tiêu thụ hoa quả đóng hộp, ngâm trong sirô ngọt.
    • Tránh tiêu thụ nước ép hoa quả có đường phụ gia.
    • Kết hợp hoa quả với các thực phẩm khác chứa chất béo như các loại hạt, bơ lạc hoặc phô mai để giảm ảnh hưởng đến đường huyết.
  5. Cân bằng khẩu phần ăn trong suốt cả ngày. Ăn quá nhiều một lúc có thể làm tăng đường huyết. Tốt nhất bạn nên chia thành 3 bữa chính, 2-3 bữa ăn nhẹ trong suốt cả ngày.[6]
    • Mang theo món nhẹ như các loại hạt hoặc rau củ cắt nhỏ để ăn nhẹ.
    • Ăn nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa chất béo tốt cho sức khỏe và protein như quả bơ, dầu dừa, thịt nạc và các loại hạt.

Tập thể dục để kiểm soát cân nặng[sửa]

  1. Tập thể dục điều độ. Tập thể dục không chỉ giúp giảm glucose trong máu mà còn thay đổi phản ứng của tế bào với insulin. Tế bào trở nên nhạy cảm với insulin, tức có thể không phải tạo quá nhiều insulin để giúp tế bào nhận glucose. Tế bào nhận glucose từ máu sẽ giúp hạ glucose trong máu. Các chuyên gia khuyến nghị nên tập thể dục điều độ 30 phút mỗi ngày đối với phụ nữ mang thai.[7]
    • Trao đổi với bác sĩ về hình thức tập thể dục phù hợp nhất với bạn.
    • Nếu chưa từng tập thể dục đều đặn trong một thời gian dài, bạn nên bắt đầu thật chậm. Nên bắt đầu tập thể dục 10 phút vài ngày trong tuần, sau đó tăng dần lên 30 phút mỗi ngày.
    • Bơi lội. Bơi lội là bài tập thể dục tuyệt vời cho phụ nữ mang thai. Di chuyển trong nước giúp giảm căng thẳng ở khớp và lưng.
  2. Di chuyển nhiều hơn. Bạn không nhất thiết phải tập thể dục ở phòng tập. Những hành động đơn giản như gửi xe xa siêu thị/chợ, đi thang bộ hoặc dẫn chó nuôi đi dạo thường xuyên cũng rất có ích.
  3. Tránh các hoạt động mang nguy hiểm tiềm ẩn đối với thai phụ. Bên cạnh phần lớn các bài tập thể dục mà phụ nữ mang thai có thể tham gia, bạn cần tránh một số bài tập nhất định như gập bụng hay bài tập đưa chân lên cao khiến bạn phải nằm ngửa. Nên tránh những bài tập này trong 3 tháng đầu thai kỳ.[8] Ngoài ra, nên tránh hoặc hạn chế tham gia các môn thể thao cần tiếp xúc mạnh gây hại cho thai phụ và bé như võ thuật, đá bóng và bóng rổ. Cũng nên tránh tham gia các môn thể thao có nguy cơ bị ngã cao.[8]

Theo dõi đường huyết[sửa]

  1. Theo dõi đường (glucose) trong máu theo khuyến nghị của bác sĩ. Các chuyên gia khuyên nên dùng máy đo đường huyết đo lượng đường trong máu hàng ngày để tránh tình trạng hạ đường huyết. Cách này còn giúp bạn xác định nhu cầu insulin lý tưởng. Việc học cách sử dụng máy đo đường huyết là rất quan trọng. Bạn nên chọn mua máy đo có băng thử dễ lấy. Ban đầu, có thể bạn sẽ phải kiểm tra nồng độ đường huyết 3-4 lần mỗi ngày hoặc thậm chí vào buổi tối.
  2. Hiểu rõ lợi ích của liệu pháp Insulin. Kiểm soát nồng độ insulin giúp cải thiện quá trình chuyển hóa cacbon-hydrat và hạ đường huyết. Liệu pháp Insulin được áp dụng riêng biệt cho từng trường hợp, dựa vào cân nặng, lối sống, độ tuổi, sự hỗ trợ từ gia đình và nghề nghiệp. Tốt nhất bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi tiêm insulin.
  3. Nhận biết thời điểm nên áp dụng liệu pháp Insulin. Nếu cần dùng thuốc, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn bắt đầu uống thuốc kiểm soát đường huyết như Metformin hoặc Glyburide.[9] Khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bạn sẽ được khuyến nghị phép điều trị truyền thống là tiêm insulin tác dụng trung bình (như NPH) vào buổi sáng và tối, và tiêm insulin tác dụng ngắn trong một vài hoặc tất cả bữa ăn. Liều tiêm tùy thuộc vào cân nặng, thai kỳ ở quý thứ mấy và đường huyết tăng bao nhiêu.[10]

Trang bị kiến thức cho bản thân[sửa]

  1. Nhận biết lượng cân nặng cần tăng. Viện Quốc gia Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người (Mỹ) có đưa ra hướng dẫn về số cân nặng nên tăng (tổng thể và theo từng tuần) dành cho phụ nữ mang thai dựa trên chiều cao, cân nặng trước khi mang thai và số thai nhi.[11]
    • Nói chung, nếu thiếu cân, bạn có thể tăng cân an toàn ở mức 13-18 kg.
    • Nếu cân nặng ở mức bình thường, bạn có thể tăng cân an toàn 13-15 kg.
    • Nếu thừa cân, bạn có thể tăng cân an toàn 10-12 kg.
    • Nếu béo phì, bạn có thể tăng cân an toàn 7-9kg.
    • Nếu béo phì, bạn có thể tăng cân an toàn 7-9kg.
  2. Nhận biết mức đường huyết cần đạt. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đưa ra hướng dẫn về mức đường huyết cần đạt ở phụ nữ bị tiểu đường khi mang thai như dưới đây.[12] Nên nhớ rằng mức đường huyết cần đạt của mỗi người sẽ khác nhau nên bạn cần trao đổi trước với bác sĩ để đặt ra mục tiêu phù hợp.
    • Trước bữa ăn, nồng độ đường huyết nên ở mức 95 mg/dL hoặc thấp hơn.
    • Một tiếng sau bữa ăn, nồng độ đường huyết nên ở mức 140 mg/dL hoặc thấp hơn.
    • Hai tiếng sau bữa ăn, nồng độ đường huyết nên ở mức 120 mg/dL hoặc thấp hơn.
  3. Trao đổi với bác sĩ khi có dự định mang thai. Nếu dự định mang thai, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng thể, bao gồm trao đổi với bác sĩ về nguy cơ mắc tiểu đường trong thai kỳ. Biện pháp phòng ngừa giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường trong thai kỳ gồm có chế độ ăn uống lành mạnh, luôn vận động và duy trì cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai.[13] Bác sĩ có thể giúp bạn đặt ra kế hoạch tăng cường sức khỏe khi bạn muốn mang thai.
  4. Nhận biết triệu chứng đường huyết cao. Bệnh tiểu đường khi mang thai không gây triệu chứng ở hầu hết phụ nữ mang thai nhưng tình trạng đường huyết cao sẽ có triệu chứng. Nếu đường huyết ở mức 130 mg/dL hoặc cao hơn, bạn có thể gặp triệu chứng:[14]
    • Khát nước dữ dội
    • Đau đầu
    • Mờ mắt
    • Mệt mỏi
    • Đi tiểu thường xuyên
    • Đi khám bác sĩ ngay nếu có những triệu chứng trên hoặc kết quả đo đường huyết cao.
  5. Nhận biết triệu chứng hạ đường huyết. Nếu bạn bị tiểu đường khi mang thai và đang dùng insulin và có những triệu chứng sau, bạn cần kiểm tra nồng độ đường huyết. Nếu số đo thấp, bạn nên ăn một viên kẹo ngậm hoặc uống một ít nước hoa quả. 15 phút sau, tiếp tục đo nồng độ đường huyết.[14]
    • Đổ mồ hôi
    • Cảm thấy mệt mỏi
    • Chóng mặt
    • Run rẩy
    • Lú lẫn
    • Da nhợt nhạt

Lời khuyên[sửa]

  • Nên bổ sung đủ nước cho cơ thể bằng cách uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày.

Cảnh báo[sửa]

  • Trao đổi với bác sĩ nếu gặp tình trạng cân nặng thay đổi đáng kể hoặc không tăng đủ cân.
  • Tiểu đường khi mang thai nếu không được điều trị có thể tăng nguy cơ thai nhi có kích thước quá lớn, nguy cơ phải mổ lấy thai, vấn đề về đường huyết ở trẻ sơ sinh và nguy cơ tiền sản giật.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]