Tại sao không dịch giáo trình chuẩn nước ngoài?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Hội nhập sâu hơn vào sân chơi chung của thế giới đồng nghĩa với việc tất cả mọi lĩnh vực ở nước ta cũng phải được cập nhật và chuẩn hoá theo tiêu chuẩn chung toàn cầu. Truyền thông nói chung và xuất bản sách nói riêng ở Việt Nam dường như không nằm ngoài quỹ đạo đó. Tuy nhiên, lĩnh vực sách giáo dục hay cụ thể ở đây là sách giáo trình (ít nhất ở bậc Đại học) nước ta vẫn ở một tầm thấp so với thế giới.

“Lem nhem” giáo trình trong nước[sửa]

Lĩnh vực xuất bản sách ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có những bước phát triển khá mạnh và cập nhật so với thế giới. Nhiều tác phẩm giá trị thuộc nhiều lĩnh vực được dịch ra tiếng Việt. Nhiều ấn phẩm “nóng” và best seller trên toàn thế giới như Harry Porter cũng nhanh chóng được dịch và xuất bản ở nước ta.

Lĩnh vực xuất bản sách thị trường rõ ràng đang hội nhập vào sân chơi chung của thế giới. Tuy nhiên, có một lĩnh vực sách mà theo đánh giá chủ quan của tôi, chúng ta đang ở một tầm thấp so với thế giới, đó là sách giáo trình.

Chúng ta hãy thử nhìn nhận bức tranh chung của sách giáo trình bậc đại học ở nước ta hiện nay và so sánh với thế giới. Rất dễ nhận thấy rằng sách giáo trình của Việt Nam không thể so sánh được với sách nước ngoài về cả nội dung lẫn hình thức.

Những cuốn giáo trình tốt của nước ngoài rất hiếm ở Việt Nam (Nguồn: iucn)

Bước vào hiệu sách của một trường kinh tế, chúng ta thấy đa số các giáo trình là do giảng viên trong trường tự biên soạn và được in ấn, trình bày thiếu chuyên nghiệp. Cách viết giáo trình của ta tương đối khô cứng, nặng nề.

Những cuốn giáo trình ở các nước phát triển hoàn toàn ngược lại. Nội dung hết sức sinh động, phong phú với nhiều hình ảnh minh họa. Cách viết của các học giả nước ngoài hết sức dễ hiểu, cơ bản và lôi cuốn người học. Cách in ấn, chế bản, trình bày đều khiến người học cảm thấy muốn nâng niu cuốn giáo trình, bởi đó thật sự là một tài liệu học tập và nghiên cứu quý giá cho sinh viên.

Khi còn là sinh viên, tôi vẫn nhớ mình đã vui sướng thế nào khi cầm trên tay bản dịch cuốn Kinh tế học vĩ mô của giáo sư nổi tiếng Mankiw. Đó là một trong số ít những cuốn sách kinh tế được dịch chuẩn từ bản gốc tiếng Anh và chế bản khá đẹp. Chính nhờ cuốn sách đó, tôi đã hiểu ra rất nhiều những vấn đề cơ bản trong Kinh tế học mà tôi cảm thấy còn mập mờ khi đọc giáo trình tiếng Việt. Thậm chí, nhiều sinh viên còn nhận xét: Đọc giáo trình Tây bằng tiếng nước ngoài còn dễ hơn đọc giáo trình ta bằng tiếng Việt.

Tiếc rằng, những cuốn giáo trình quý mà chúng tôi muốn lưu giữ như vậy không nhiều. Giáo trình chuẩn dịch của nước ngoài còn ít, một số cuốn được dịch ra nhưng với chất lượng không cao, trình bày bên trong lẫn vẽ bìa bên ngoài rất cẩu thả.

Tục ngữ có câu: Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Cuốn giáo trình cũng vậy, một cuốn sách đẹp, nội dung hấp dẫn làm cho người học cảm thấy yêu môn học hơn, ham thích tìm tòi, đào sâu nghiên cứu môn học hơn. Rõ ràng là đa số giáo trình ở nước ta không làm cho sinh viên có được tinh thần đó.

Theo ý chủ quan của tôi, đa số sinh viên vẫn dùng giáo trình như một công cụ để đọc trước mỗi kỳ thi, mục đích chính là ôn luyện để thi cho qua chứ không coi giáo trình như một tài liệu nghiên cứu lâu dài, cô đọng và chắt lọc nhất. Nhiều khi, sinh viên đi mượn hay đi photo giáo trình chứ không mua, dù có khi photo còn đắt hơn mua sách. Sự “lem nhem” về nội dung và hình thức của giáo trình khiến cho ngay cả những sinh viên thích tự học, tự nghiên cứu cũng không muốn giữ lại những giáo trình đó làm gì.

Chúng ta tự hào là một dân tộc hiếu học nhưng ý thức tôn trọng sách vở (cụ thể ở đây là những cuốn giáo trình) của những người làm sách và cả những người đọc sách, dường như ở mức rất thấp.

Xây dựng nền tảng bằng cách dịch giáo trình[sửa]

Giáo trình là một tài liệu mang tính nền tảng, cơ bản, toàn diện và chắt lọc những gì tinh hoa nhất của môn học. Giáo trình ở nước ta chưa đạt tiêu chuẩn và cập nhật như thế giới thì tại sao chúng ta không dịch một cách hệ thống những cuốn giáo trình tốt nhất của các môn học cơ bản ra tiếng Việt. Nếu không thể làm giáo trình chính thức thì ít nhất đó cũng là những tài liệu tham khảo quý giá cho người học.

Chúng ta thực hiện nhiều cải cách ở khía cạnh này, khía cạnh khác trong giáo dục Đại học nhưng vấn đề cốt tử là sách thì vẫn thiếu và yếu. Do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, chúng ta có thể chưa có nhiều giáo viên tốt, những phòng thí nghiệm khang trang và đầy đủ hay trường sở hiện đại như ở nước ngoài.

Nhưng tôi tin rằng: có một điều chúng ta có thể làm nhưng chưa làm một cách bài bản. Đó là hãy cho sinh viên được đọc những cuốn giáo trình tốt nhất. Nếu coi nền tảng của việc học là quá trình tự học thì sách chính là con đường ngắn nhất, chắc chắn nhất và quan trọng là rẻ nhất để chúng ta nhanh chóng nắm bắt những kiến thức của thế giới.

Không khó thực hiện[sửa]

Thời gian gần đây, một số dự án sách mang tính giáo dục như dự án Tủ sách Tinh Hoa của NXB Tri Thức hay dự án Sách Hay của PACE ra mắt. Đó thật sự là một bước tiến mạnh mẽ của xuất bản Việt Nam. Chính nhờ những đơn vị tâm huyết đó, chúng ta mới được đọc những cuốn sách tốt và giá trị của thế giới.

Cần phải dịch giáo trình chuẩn nước ngoài (Nguồn: concurringopinions)

Chúng ta có thể tiếp tục xây dựng một tủ sách Giáo Trình Nền Tảng như vậy. Tủ sách có thể tuyển chọn những cuốn giáo trình đẳng cấp nhất của các bộ môn cơ bản hiện đang được các trường đại học hàng đầu thế giới sử dụng và sau đó tiến hành dịch thuật. Với một Hội đồng biên tập bao gồm những học giả uy tín đầu ngành, tôi tin rằng chúng ta có thể xây dựng được một tủ sách tốt có ảnh hưởng lâu dài.

Mỗi năm, chúng ta tốn kém không ít tiền cho giáo dục. Các quỹ học bổng của cả nhà nước và nước ngoài cấp không ít học bổng cho sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học. Trong khi đó, chỉ cần số tiền đầu tư ban đầu khá nhỏ bé tương đương tổng học bổng cho vài sinh viên du học, chúng ta đã có thể triển khai một tủ sách Giáo trình cho vô vàn sinh viên trong nước mà vì điều kiện kinh tế hay trình độ ngoại ngữ còn chưa có điều kiện ra nước ngoài học tập.

Nếu một cơ quan giáo dục hay NXB uy tín đứng ra vận động tài trợ ban đầu và tổ chức thực hiện bài bản dự án này, tôi tin rằng đó sẽ là một dự án mang lại giá trị tốt cho cộng đồng và có ý nghĩa thương mại nhất định cho nhà sản xuất. Theo tôi, nhu cầu đọc những giáo trình chuẩn là không nhỏ trong sinh viên và nhu cầu đó đủ để mang lại mức doanh thu vừa phải để phát triển Tủ sách.

Cải cách giáo dục nên bắt nguồn từ sách giáo trình. Sẽ rất tốn kém để có được một trường Đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam nhưng không hề tốn kém để có những cuốn giáo trình đẳng cấp quốc tế, ít ra là để sinh viên nước ta tham khảo. Tôi tin rằng, những sinh viên cầu thực học trong nước vẫn khao khát cầm trên tay những cuốn giáo trình chuẩn quốc tế để biết rằng: họ không lạc hậu so với sinh viên thế giới…

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này