Tạo dáng khi chụp ảnh

Từ VLOS
(đổi hướng từ Tạo dáng khi Chụp ảnh)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có bao giờ bạn gặp phải tình trạng không biết phải tạo dáng như thế nào khi chụp ảnh? Cho dù là người chụp ảnh chính là bạn hoặc bạn đang tạo dáng để người khác chụp ảnh, nhận biết một vài thủ thuật khi chụp ảnh có thể giúp bạn cải thiện bức ảnh của mình. Hãy tiến hành tìm hiểu về sự ảnh hưởng của góc độ tạo dáng, vị trí máy ảnh, và ánh sáng cho các bức ảnh của bạn.

Các bước[sửa]

Tạo dáng cho Khuôn mặt[sửa]

  1. Điều chỉnh góc độ của khuôn mặt. Tốt nhất là bạn nên tránh chụp ảnh trực diện. Chụp ảnh trực diện không giúp tạo bóng cho khuôn mặt, khiến khuôn mặt của bạn trông to hơn và khiến bạn “béo hơn khoảng 5 kg”, đây là vấn đề mà hấu hết mọi máy chụp ảnh đều mắc phải.
    • Di chuyển khuôn mặt hơi xa khỏi máy chụp ảnh một chút để có thể tạo bóng dọc theo xương gò má và mũi.
    • Hạ cằm xuống. Ngước cằm lên cao sẽ khiến bạn trông không tự nhiên, ngoài ra, cách này còn khiến cho máy ảnh hướng thẳng về phía lỗ mũi của bạn. Hãy thử cố gắng đưa cằm về phía trước. Hoặc tìm cách đưa hai tai hướng về phía trước khi tạo dáng. Biện pháp này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng cằm hai ngấn (cằm xị) và giúp bạn hình thành một đường thẳng bên dưới quai hàm của bạn.[1]
    • Tránh tạo dáng theo tư thế cứng nhắc. Hãy thoải mái di chuyển đầu của bạn để dáng điệu của bạn không trở nên gượng ép.
  2. Tập trung vào đôi mắt. Điều này không chỉ có nghĩa rằng máy ảnh phải thật sự hướng về phía đôi mắt của bạn, mà bố cục của toàn bộ bức ảnh chân dung cũng phải khiến người xem tập trung vào đôi mắt của bạn.
    • Mở to mắt nhưng không tỏ vẻ như bạn đang sợ hãi. Tránh cụp mắt xuống vì như vậy sẽ khiến bạn trông như đang buồn ngủ.
    • Nếu bạn muốn nhìn sang một bên, hãy tránh đảo mắt hoàn toàn khỏi máy ảnh. Cách này sẽ khiến bạn càng trông như đang nhắm mắt và khiến cho người xem chỉ có thể nhìn thấy tròng trắng đôi mắt của bạn. Thay vì vậy, hãy nhìn sang một bên theo kiểu mắt hơi lệch khỏi tâm của máy ảnh. Và hãy di chuyển mũi theo hướng của đôi mắt.[2]
    • Lông mày cũng quan trọng như đôi mắt vì chúng giúp truyền tải cảm xúc của bạn, vì vậy, hãy chắc chắn rằng cả hai yếu tố này đều đang trong trạng thái thả lỏng và phù hợp với cảm xúc mà bạn đang muốn truyển đạt.
    • Hãy nhắm mắt trong một vài giây trước khi chụp ảnh để tránh gặp phải tình trạng chớp mắt khi đang chụp ảnh.
  3. Lựa chọn vị trí máy ảnh. Vì khuôn mặt là trọng tâm của bức ảnh chân dung, máy ảnh phải được đặt tại vị trí giúp nhấn mạnh trọng tâm của bức ảnh. Máy ảnh được sắp xếp tại một vị trí cao là phù hợp nhất, tuy nhiên, vị trí ngang tầm mắt cũng sẽ đem lại kết quả tốt cho hầu hết mọi tình huống.
    • Để chụp các bức ảnh tự nhiên, hãy đặt máy ảnh tại vị trí ngang tầm mắt.
    • Để chụp một bức ảnh cho thấy quyền lực và sự vượt trội, hãy đặt máy ảnh tại vị trí hơi thấp hơn tầm mắt một chút và hướng lên trên.
    • Bố trí máy ảnh hơi nhếch lên cao để đem lại hiệu ứng thon thả cho cơ thể và nhấn mạnh đường quai hàm của khuôn mặt bạn.[3]
  4. Mỉm cười một cách tự nhiên. Một nụ cười giả tạo sẽ nhanh chóng làm hỏng bức ảnh. Cảm xúc gượng ép sẽ khiến bức ảnh cũng trông tương tự như cảm xúc – đó là sự gượng ép. Hãy bỏ qua mọi lo lắng và mỉm cười một cách tự nhiên.
    • Hãy nhớ cười khoe răng. Những người có hàm răng không đều, vàng, hoặc không hoàn hảo theo cách nào đó thường có xu hướng mím môi khi cười để che đậy sự không hoàn hảo của họ. Bạn không nên làm vậy – một nụ cười tự nhiên phải là một nụ cười khoe ra hàm răng của bạn. Để bức ảnh chân dung của bạn trông chân thật hơn, hãy khoe răng đôi chút, ngay cả khi nó chỉ thông qua hành động hé môi.
    • Khi có thể, hãy yêu cầu một người nào đó làm bạn cười. Nụ cười chân thật sẽ giúp bạn tạo được những tấm hình đẹp nhất và giúp bạn tránh suy nghĩ về nụ cười của mình quá nhiều.
    • Làm ướt môi trước khi mỉm cười, cho dù là thông qua hành động liếm môi hoặc bôi son gió. Phương pháp này sẽ giúp bạn che đậy những vết nứt nẻ khó coi trên đôi môi của bạn và sẽ khiến khuôn mặt của bạn tươi sáng hơn một chút.[4]

Tạo dáng cho Cơ thể[sửa]

  1. Điều chỉnh góc độ của cơ thể. Chụp ảnh trực diện sẽ khiến thân hình của bạn trông béo hơn và không cân xứng. Thay vì vậy, hãy xoay người sang ⅔ để tạo sự thon thả cho cơ thể của bạn. Xoay vai hướng xa khỏi máy chụp ảnh.[1]
    • Không nên thõng vai, hãy luôn thẳng lưng. Dáng điệu tốt sẽ khiến bạn trông cao hơn và ốm hơn.
    • Tập trung vào những bộ phận thon thả nhất trên cơ thể. Nếu bạn sở hữu một chiếc eo thon, hãy xoay người theo góc độ có thể giúp bạn khoe vòng eo thon nhỏ của mình. Nếu đôi chân của bạn là phần đẹp nhất trên cơ thể, hãy xoay người theo hướng khiến chúng trở nên nổi bật hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn không tăng thêm trọng lượng cho phần thân của cơ thể thông qua hành động đặt hai cánh tay tại vị trí gần thân người. Thay vì vậy, hãy đặt cánh tay của bạn tại vị trí giúp hình thành khoảng không gian giữa eo và cánh tay của bạn. Nhiếp ảnh gia của bạn sẽ có thể hướng dẫn cho bạn. [1]
    • Tạo dáng theo một đường chéo. Điều này có nghĩa là bạn cần phải di chuyển cơ thể sao cho cánh tay, chân, và thân mình của bạn không nằm trên một đường thẳng.
  2. Đặt chân tại vị trí phù hợp. Không nên đứng thẳng hai chân vì cách này sẽ khiến cho cơ thể của bạn trông cứng đờ và khiến bạn trông ít thoải mái hơn.
    • Hãy thử đứng chếch một chân một góc khoảng 90 độ so với chân còn lại.
    • Đặt một chân của bạn trên bề mặt cao hơn để hình thành chiều sâu cho bức ảnh.
    • Dồn toàn bộ trọng lượng của cơ thể trên một chân. Đối với nữ giới, hãy dồn trọng lượng của cơ thể lên gót chân. Phương pháp này sẽ giúp hình thành dáng đứng phù hợp cho bạn. Đối với nam, hãy dồn trọng lượng của cơ thể lên phía mũi chân để hình thành dáng vẻ rắn chắc hơn.[3]
  3. Xác định vị trí để đặt bàn tay. Cách dễ dàng nhất là đặt hai tay sang hai bên cơ thể, nhưng phương pháp này có thể sẽ khiến bức ảnh của bạn trở nên vô hồn. Thay vì vậy, hãy thử sử dụng nhiều cách tạo kiểu khác nhau cho đôi bàn tay của bạn. Và đừng quên cánh tay của bạn. Những người đàn ông muốn cánh tay của mình trông to hơn có thể để tay gần sát thân hình của họ, ngược lại những người phụ nữ muốn cánh tay của mình trông nhỏ hơn nên nhớ đặt tay tại vị trí xa tay khỏi cơ thể.[5]
    • Khi bạn đã tìm được vị trí phù hợp để đặt bàn tay khi chụp ảnh, hãy động đậy bàn tay của bạn thay vì chỉ đặt tay một cách cứng nhắc lên một vị trí nào đó. Di chuyển bàn tay quanh vị trí mà bạn lựa chọn sẽ giúp bạn hình thành tư thế tự nhiên hơn cho bức ảnh của mình.[5]
    • Đặt tay gần túi áo. Túi áo là điểm dừng tự nhiên cho bàn tay của bạn, vì vậy, hãy đặt tay lên túi áo hoặc cho hờ tay vào túi áo. Đối với nam giới, cho tay vào túi áo sẽ là một tư thế đẹp để chụp ảnh.[3]
    • Chống một tay lên hông. Tư thế này chủ yếu chỉ dành cho phụ nữ, nhưng nó thật sự đem lại hiệu quả trong việc nhấn mạnh vòng eo của bạn – bộ phận thon thả nhất trên cơ thể của bạn. Nó cũng giúp bạn tránh làm cho cánh tay của bạn trông to hơn.[6]
    • Luôn nhớ uốn cong các ngón tay và cổ tay. Bạn sẽ hiếm khi đứng hoặc ngồi mà không thực hiện động tác này một cách tự nhiên, vì vậy, hãy tái tạo lại chúng trong các bức ảnh của bạn. Nam giới có thể tạo dáng như thể họ đang cầm một vài hòn đá nhỏ trên tay, trong khi nữ giới có thể tạo dáng một cách thanh lịch với bàn tay cong và dài.[7]
    • Tránh xòe bàn tay tại vị trí gần mặt. Mặt và bàn tay có kích thước gần giống nhau và hành động này sẽ khiến khuôn mặt của bạn trông thiếu cân đối. Nếu bạn đặt tay gần mặt, hãy chụm bàn tay của bạn lại một chút hoặc luồn một phần của bàn tay vào tóc của bạn.[3]
    • Tránh chắp hai bàn tay của bạn lại với nhau. Chắp tay sẽ khiến bạn mất đi vẻ tự nhiên trừ khi bạn đang ngồi.[8]
  4. Di chuyển đôi chân của bạn. Cũng giống như mọi tư thế khác, bạn nên tránh trở nên cứng nhắc. Thư giãn và cong chân sẽ khiến cho bức ảnh trông tự nhiên hơn. Hãy thử bắt chéo hai mắt cá chân hoặc bắp chân với nhau nếu bạn là phụ nữ.[6] Đối với nam giới, hãy thử dạng hai chân sang hai bên một chút.
    • Co một đầu gối đôi chút và đặt nó phía trước đầu gối còn lại sẽ khiến đôi chân của bạn trông thon thả hơn.
    • Tránh dang chân quá rộng vì tư thế này sẽ hình thành điệu bộ giả tạo và không tự nhiên. Hai chân dang rộng cũng có thể cho thấy sự hung hăng, điều mà bạn cần tránh khi chụp ảnh.
    • Chụp ảnh theo hướng từ dưới lên sẽ khiến cho đôi chân của bạn trông dài hơn, một phương pháp khá hữu ích nếu bạn bạn sở hữu một đôi chân ngắn.[9]
  5. Thả lỏng vai. Vai cứng đờ sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bạn. Bạn không nên hướng vai trực diện với máy ảnh, hãy nghiêng vai một chút.
    • Hãy thử chụp ảnh từ phía sau lưng, và xoay đầu của bạn hướng về phía máy ảnh. Đây là một góc chụp khá thú vị và sẽ giúp cơ thể của bạn trông nhỏ hơn.
    • Đặt vai tại nhiều vị trí khác nhau có thể giúp tạo chiều sâu cho bức ảnh của bạn. Nếu có thể, hãy thoải mái hạ một bên vai xuống thấp hơn bên còn lại.[10]
  6. Động đậy các khớp xương của bạn. Có một câu nói được dành riêng cho việc chụp ảnh chân dung đó là “hãy uốn cong cơ thể nếu bạn có thể”. Khớp xương đang co lại trông sẽ tự nhiên hơn khớp xương cứng đờ. Các khớp xương này bao gồm khuỷu tay, cổ tay, đầu gối, hông và mắt cá chân của bạn.[2]

Tạo dáng cho Ảnh chân dung[sửa]

  1. Tập trung vào các đặc điểm nổi bật trên cơ thể. Bởi vì bạn đang tạo dáng để chụp ảnh một mình, bạn không cần phần phải lo lắng về cách tạo dáng của người khác trong bức ảnh của bạn. Hãy tạo dáng theo phương pháp giúp nhấn mạnh những đặt điểm nổi bật nhất trên cơ thể bạn.
  2. Hãy sáng tạo. Thay vì chụp ảnh chân dung thông thường, hãy chụp những bức ảnh mang phong cách riêng của chính mình. Bạn không cần phải chụp những bức ảnh theo kiểu mà bạn bè của bạn thường chụp. Thay vì vậy, hãy tìm tư thế, phông nền, ánh sáng, hoặc trang phục giúp bạn nổi bật hơn người khác.
    • Chụp ảnh chân dung khi bạn đang thực hiện một điều nào đó mà bạn yêu thích. Cho dù đó có là việc chơi thể thao, đọc sách, hoặc đi dạo trong vườn, hãy tìm một hành động nào đó mà người khác có thể dễ dàng nhận thấy rằng bạn đang được thực hiện điều mà bạn yêu thích.
    • Lựa chọn trang phục cho bức ảnh để có thể thể hiện phong cách độc đáo của mình.
    • Bạn có thể sử dụng đạo cụ để tăng thêm sự độc đáo cho bức ảnh của bạn, nhưng hãy cẩn thận đừng tỏ vẻ như thể bạn đang “diễn tuồng” với chúng.[11]
  3. Chụp ảnh đời thường. Những bức ảnh đời thường sẽ lưu giữ lại khoảnh khắc tự nhiên nhất của bạn khi bạn đang làm một việc gì đó thay vì được tạo kiểu từ trước. Mặc dù các bức ảnh đời thường đẹp nhất được hình thành khi bạn hoàn toàn không nhận thức được sự hiện diện của nhiếp ảnh gia, bạn vẫn có thể tái tạo được những bức ảnh đời thường khá đẹp thông qua việc tạo dáng.

Tạo dáng cho Ảnh đôi hoặc Ảnh tập thể[sửa]

  1. Hãy duy trì vẻ tự nhiên. Quy tắc chụp ảnh cá nhân cũng được áp dụng tương tự cho ảnh đôi. Nếu bạn đang tạo dáng để chụp ảnh cùng ai đó, tránh hình thành tư thể khô cứng và bất bình đẳng giữa hai bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn và người còn lại trong bức ảnh đều tỏ thái độ thư giãn khi chụp ảnh để không một ai trong số hai bạn tạo dáng không tự nhiên.
    • Không nên chụp ảnh trực diện, hãy nhớ điều chỉnh góc độ của cơ thể.[3]
  2. Tạo dáng khác nhau. Thay vì cả nhóm cùng tạo dáng theo một tư thế nhất định, hãy cho phép mọi người được tự do thể hiện theo phong cách riêng của họ hoặc tiến hành tạo dáng khác nhau cho từng người.
    • Bức ảnh sẽ trông tự nhiên hơn một khi mọi người tạo dáng theo những tư thế khác nhau. Phương pháp này cũng giúp bạn tránh gặp phải tình trạng một người nào đó trong nhóm trông đẹp hơn hoặc xấu hơn những người còn lại khi mọi người cùng tạo kiểu giống nhau.[6]
  3. Tận dụng những góc độ khác nhau. Xu hướng chụp ảnh tập thể là theo cách trực diện và tại vị trí trung tâm của bức ảnh để có thể chụp được toàn bộ mọi người. Thay vì vậy, hãy thử chụp ảnh theo các hướng và các góc khác nhau để hướng trọng tâm vào từng cá thể khi chụp ảnh tập thể hoặc chụp ảnh đôi.
    • Thay vì yêu cầu mọi người nhìn về phía máy ảnh, hãy bảo mọi người nhìn nhau. Đây là một cách tuyệt vời để tạo dáng nếu bạn đang chụp ảnh đôi. Hãy nhìn nhau hoặc hãy yêu cầu một người nhìn người còn lại.[12]
  4. Tránh sử dụng phông nền rối rắm. Bởi vì ảnh tập thể thường có nhiều người, lựa chọn phông nền với quá nhiều chi tiết có thể gây rối mắt. Thay vì vậy, hãy tận dụng độ sâu trường ảnh hoặc một phông nền tĩnh để hướng trọng tâm về chủ thể của bức ảnh.

Lời khuyên[sửa]

  • Để hình thành ảo giác khiến các bộ phận trên cơ thể bạn trở nên nhỏ hơn, hãy di chuyển bộ phận to nhất của cơ thể xa khỏi máy ảnh. Đối tượng ở gần với máy ảnh hơn sẽ trông to hơn đối tượng ở xa.
  • Chụp ảnh trong môi trường có ánh sáng tốt. Quá nhiều ánh sáng trực tiếp có thể hình thành nhiều bóng hơn và khiến bạn trông già hơn.
  • Tham khảo ý kiến của nhiếp ảnh gia để có được tư thế chụp ảnh đẹp nhất. Một nhiếp ảnh gia giỏi sẽ biết cách hướng dẫn bạn tạo dáng phù hợp với thân hình và vị trí của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây