Tạo sơ yếu lý lịch trong Microsoft Word

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sơ yếu lý lịch liệt kê chi tiết kinh nghiệm làm việc, học vấn, kỹ năng và thành tựu của một người. Sơ yếu lý lịch chuẩn để xin việc cần rõ ràng, súc tích và dễ đọc. Sơ yếu lý lịch cần được xử lý câu chữ, gọn gàng và sạch đẹp. Microsoft Word cung cấp tùy chọn tạo sơ yếu lý lịch theo các bản mẫu, hoặc bạn có thể tự tạo theo cách của mình bằng cách sử dụng các định dạng trong Word.

Các bước[sửa]

Tạo Sơ yếu lý lịch Từ Bản mẫu (Word 2003, 2007, 2010, 2013)[sửa]

  1. Sử dụng bản mẫu được tích hợp sẵn trong Word. Bước đầu tiên, mở tài liệu mới trong Word bằng cách nhấp chuột vào “New” (Mới) trong trình đơn File (Tập tin). Sau khi mở trang tài liệu mới, bạn có thể lựa chọn từ nhiều bản mẫu được tích hợp sẵn trong Word. Nhấp chuột vào “Templates” (Bản mẫu) và chọn mẫu sơ yếu lý lịch bạn thấy trên trang.
    • Trên Word 2007, bạn phải nhấp chuột vào “installed templates” (cài đặt bản mẫu).
    • Trên Word 2010, bạn chọn “sample templates” (ví dụ bản mẫu).
    • Trên Word 2011, chọn “new from template” (tạo trang mới từ bản mẫu).[1]
    • Trên Word 2013, bản mẫu sẽ hiển thị khi bạn nhấp chuột vào “New.”
  2. Tải mẫu sơ yếu lý lịch trong Word. Word tích hợp sẵn nhiều bản mẫu để bạn sử dụng, nhưng bạn vẫn còn nhiều lựa chọn hơn trên Office Online. Bạn có thể tìm mẫu sơ yếu lý lịch trên cơ sở dữ liệu và tải bản bạn thích. Mở tài liệu mới và tìm “resumes” (sơ yếu lý lịch) trong phần Microsoft Office Online.
    • Trên Word 2013, sau khi nhấp chuột vào “New” bạn sẽ thấy nhiều bản mẫu và thanh tìm kiếm có ghi “search for online templates” (tìm bản mẫu trực tuyến).
    • Sau khi tìm kiếm, bạn sẽ thấy nhiều mẫu sơ yếu lý lịch khác nhau để dùng thử.
  3. Tải bản mẫu trực tiếp từ Office Online. Bạn có thể xem và tải bản mẫu trực tiếp từ Office Online mà không cần thông qua Word. Chỉ cần truy cập vào trang web https://www.templates.office.com và nhấp chuột vào mục sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Bạn sẽ thấy mục này được liệt kê trong mô-đun “Browse by Category” (Truy cập theo Danh mục) phía bên trái màn hình.
    • Tại đây bạn có thể xem nhiều mẫu sơ yếu lý lịch và đơn xin việc, tải về máy hoàn toàn miễn phí và có thể chỉnh sửa trên Word.
    • Có thể bạn phải đăng nhập tài khoản Microsoft trực tuyến để sử dụng bản mẫu.[2]
  4. Hoàn thành bản mẫu. Sau khi quyết định bản mẫu nhìn chuyên nghiệp và phù hợp với công việc bạn đang tìm kiếm, bạn có thể xóa văn bản mặc định và thêm thông tin cá nhân vào. Định dạng, giao diện và cách trình bày là những điểm cần thiết cho một sơ yếu lý lịch chuẩn, nhưng chúng cũng không thể che giấu lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, giọng văn lủng củng.[3]
    • Đảm bảo viết thật cẩn thận từng chi tiết trong sơ yếu lý lịch và soát lại một lượt.
    • Tất cả phiên bản Word từ 2003 đến 2013 đều tích hợp sẵn một vài mẫu sơ yếu lý lịch.
  5. Tạo sơ yếu lý lịch với trình hướng dẫn (chỉ trên Word 2003). Nếu dùng Word 2003, bạn có thể sử dụng trình hướng dẫn tích hợp trong phần mềm. Nó sẽ hướng dẫn bạn toàn bộ quá trình viết và định dạng sơ yếu lý lịch. Bước đầu tiên là nhấp chuột vào "New" trong trình đơn File. Đây là thao tác mở bảng nhiệm vụ New Document (Tài liệu Mới). Bạn chọn “My Computer" (Máy tính của Tôi) trong mục Templates ở phía bên trái bảng nhiệm vụ.
    • Nhấp chuột vào tab “Other Documents” (Tài liệu Khác) rồi chọn “Resume Wizard” (Trình hướng dẫn Sơ yếu lý lịch).
    • Làm theo hướng dẫn. Trình hướng dẫn sẽ giúp bạn tạo sơ yếu lý lịch theo từng bước một.
    • Nếu bạn không tìm thấy tùy chọn này tức là nó chưa được cài đặt khi bạn cài đặt Word, bạn cần chạy chương trình cài đặt một lần nữa để cài trình hướng dẫn.

Tạo Sơ yếu lý lịch Không dùng Bản mẫu[sửa]

  1. Biết cần thêm thông tin gì. Mẫu sơ yếu lý lịch là công cụ hữu dụng nếu bạn không nắm chắc về cách định dạng sơ yếu lý lịch, hay chưa tự tin khi sử dụng công cụ định dạng trên Word hoặc chương trình xử lý văn bản khác. Nếu bạn muốn tự tạo sơ yếu lý lịch theo định dạng riêng và không sử dụng bản mẫu, hãy bắt đầu bằng việc lên kế hoạch sẽ viết những mục gì trong sơ yếu lý lịch và cách sắp xếp. Sơ yếu lý lịch cần có những mục sau:
    • Học vấn và trình độ.
    • Kinh nghiệm làm việc và tình nguyện.
    • Kỹ năng và phẩm chất.
    • Bạn cần ghi thông tin liên hệ chi tiết và khẳng định sẽ cung cấp thêm tài liệu nếu có yêu cầu.[4]
  2. Cân nhắc làm sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian. Có nhiều kiểu sơ yếu lý lịch khác nhau: sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian, sơ yếu lý lịch chức năng, sơ yếu lý lịch kết hợp, lý lịch trích ngang (CV). Sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian liệt kê cụ thể kinh nghiệm làm việc của bạn từ vị trí gần đây nhất cho tới vị trí đầu tiên: bao gồm chức danh, ngày tháng làm việc và trách nhiệm công việc. Kiểu sơ yếu lý lịch này giúp thể hiện sự tiến bộ của bạn theo thời gian.[3]
    • Đa phần các sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian chỉ bao quát được 5-10 năm làm việc.
    • Có thể bạn muốn bổ sung các vị trí từ trước đó vì bạn nghĩ kinh nghiệm đó phù hợp với vị trí bạn đang tìm kiếm.
    • Đây là định dạng sơ yếu lý lịch được lòng phần đông nhà tuyển dụng ở Mỹ.
  3. Thận trọng với một bản lý lịch chức năng. Sơ yếu lý lịch chức năng sẽ liệt kê kỹ năng công việc đầu tiên, sau đó mới đến các vị trí bạn đã đảm nhận. Nó có vẻ hữu dụng nếu bạn muốn làm nổi bật kỹ năng của bản thân và che đi khoảng trống trong lịch sử làm việc, tuy nhiên sinh viên hoặc sinh viên mới tốt nghiệp không nên dùng định dạng này.[3] Sơ yếu lý lịch kiểu này chỉ phù hợp với những người muốn chuyển đổi từ công việc hiện tại sang một ngành nghề khác.
  4. Thử dùng sơ yếu lý lịch kết hợp. Lựa chọn thứ 3 là bản lý lịch kết hợp, hay còn được gọi là lý lịch dựa vào kỹ năng. Định dạng này làm nổi bật các kỹ năng một cách tốt nhất, đồng thời kết hợp chúng với kinh nghiệm làm việc thực tế. Lý lịch kiểu này sẽ hữu ích hơn nếu kỹ năng của bạn có liên quan nhiều với vị trí ứng tuyển hơn là kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, một vài nhà tuyển dụng không quen với định dạng này và họ thích lý lịch theo trình tự thời gian hơn.
    • Lý lịch kết hợp có thể liệt kê các kỹ năng chủ chốt ở phần đầu trước khi đề cập tới kinh nghiệm.
    • Kiểu lý lịch này phù hợp với người ra nhập thị trường lao động không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, hay đang cố đổi ngành nghề.[3]
  5. Cân nhắc việc viết lý lịch trích ngang. Lý lịch trích ngang về cơ bản cũng giống sơ yếu lý lịch, chỉ khác về quy ước cách viết. Lý lịch trích ngang là một danh sách liệt kê toàn diện về công việc gần đây nhất bạn làm cho tới những việc trước đó. Khác với sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian hay chức năng dài 1 hoặc 2 trang, trong lý lịch trích ngang bạn chỉ cần viết kinh nghiệm làm việc của bản thân.
    • Lý lịch trích ngang thường được dùng để xin việc ở Châu Âu, nộp đơn vào cao đẳng, đại học trên toàn thế giới.
    • Lý lịch trích ngang được coi như tài liệu sống ghi lại toàn bộ công việc và thành tựu, thường tiến bộ và phát triển theo thời gian hơn là một bản sơ yếu lý lịch thông thường.[5]

Viết Sơ yếu lý lịch[sửa]

  1. Hoàn thành thông tin liên hệ. Sau khi chọn được kiểu sơ yếu lý lịch, bạn có thể bắt tay vào viết. Bước đầu tiên là cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ ở đầu trang thứ nhất của sơ yếu lý lịch. Thông tin liên hệ bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử.
    • Nếu sơ yếu lý lịch của bạn dài hơn một trang, đừng quên thêm tên vào header của mỗi trang.
    • Địa chỉ thư điện tử phải phù hợp để ứng tuyển công việc. Bạn nên dùng tên thật hoặc chữ viết tắt tên riêng nếu có thể.
    • Không sử dụng địa chỉ thư điện tử thiếu nghiêm túc, chẳng hạn như "sly-dude", "foxymama" hay "smokinhot."
  2. Cân nhắc việc thêm mục tiêu. Sau phần thông tin liên lạc, bạn có thêm một dòng mục tiêu để khẳng định mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Nhà tuyển dụng có những ý kiến trái chiều về việc tuyên bố mục tiêu, nên bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem có nên thêm vào sơ yếu lý lịch hay không. Nếu quyết định thêm mục tiêu thì hãy viết ngắn gọn và tập trung vào vị trí bạn ứng tuyển.
    • Ví dụ, bạn có thể viết mục tiêu là “Muốn đóng góp vào việc thiết kế phần mềm xử lý văn bản mới.”[4]
    • Ngoài ra, bạn có thể viết thêm vị trí bạn mong muốn, chẳng hạn như “Một vị trí ở bộ phận nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe.”
    • Ngày nay ít người viết mục tiêu vào sơ yếu lý lịch, bạn có thể bổ sung thông tin vào đơn xin việc.[6]
  3. Phác thảo học vấn và bằng cấp của bản thân. Thứ tự các mục có thể khác nhau nhưng thường bắt đầu bằng trình độ học vấn và bằng cấp. Ở mục này bạn chỉ cần liệt kê bằng cấp học thuật. Liệt kê danh sách trường đại học hay trường nghề bạn tham gia theo trình tự thời gian đảo ngược. Đừng quên ghi thời điểm tốt nghiệp.
    • Bạn có thể bổ sung một hoặc hai gạch đầu dòng về thông tin chuyên ngành nếu thấy phù hợp với vị trí ứng tuyển.
    • Mục này thường xếp sau mục kinh nghiệm làm việc trừ phi bạn vừa tốt nghiệp đại học. Trong trường hợp này mục trình độ học vấn sẽ xếp trên đầu.
    • Nếu bạn giành được bằng khen hay giải thưởng trong quá trình học tập và rèn luyện thì nhớ ghi vào sơ yếu lý lịch.[7]
  4. Kể chi tiết kinh nghiệm làm việc. Liệt kê các vị trí bạn đã đảm nhiệm theo trình tự thời gian đảo ngược, ghi rõ thời điểm bắt đầu và kết thúc (tháng và năm). Trong sơ yếu lý lịch thời gian thì bạn nên ghi ngày tháng trước. Còn trong lý lịch chức năng thì bạn nên liệt kê chức danh trước. Lựa chọn những nhiệm vụ và trách nhiệm chính của từng vị trí, thành tích và kỹ năng phát triển được khi làm việc ở đó.
    • Dùng gạch đầu dòng để trình bày rõ ràng, dễ đọc hoặc có thể đọc lướt những đoạn quan trọng liên quan đến vị trí ứng tuyển.[8]
    • Bạn có thể bổ sung vị trí tình nguyện nếu liên quan tới công việc ứng tuyển hay giúp bạn tích lũy kinh nghiệm.[9]
  5. Thêm mục kỹ năng đặc biệt. Bạn nhận thấy rằng phần lớn các kỹ năng đều được liệt kê ở mục trình độ học vấn và kinh nghiệm, tuy nhiên bạn vẫn nên tạo riêng một mục kỹ năng. Đây là cơ hội để làm nổi bật kỹ năng và hiểu biết liên quan đến vị trí ứng tuyển, nhưng đừng áp dụng vào những sơ yếu lý lịch cho vị trí khác.
    • Bạn có thể đặt tên đề mục là “Các kỹ năng liên quan khác” hoặc đơn giản là “Kỹ năng”.
    • Các kỹ năng bao gồm: thành thạo ngoại ngữ, hiểu biết đặc biệt về phần mềm và chương trình máy tính, bất kỳ kỹ năng đặc biệt nào chưa được đề cập tới.[9]
    • Cận thận để tránh không lập lại. Bạn không cần nhắc lại nhiều lần rằng mình có “kỹ năng giao tiếp tuyệt vời”.
  6. Cân nhắc thêm tên người giới thiệu. Thông thường, bạn chỉ nên thêm tên người giới thiệu và thông tin liên lạc nếu được yêu cầu. Thường thì thư giới thiệu sẽ được gửi sau vài ngày. Nếu trong hồ sơ xin việc không yêu cầu thư giới thiệu, bạn chỉ cần viết “có thể gửi thư giới thiệu khi được yêu cầu” ở cuối sơ yếu lý lịch.[6]
  7. Điều chỉnh định dạng lần cuối. Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn có thể điều chỉnh định dạng như mong muốn. Chọn phông chữ đơn dễ đọc, phông serif (Times New Roman, Book Antiqua) hoặc phông sans serif (Arial, Calibri, Century Gothic). Nên chọn cỡ chữ 10-12, ngoại trừ phần tên bạn ở đầu trang nhất có thể đặt cỡ 14-18. In đậm phần tên bạn, đề mục và chức danh.
    • Căn lề căn góc hợp lý. Cài đặt mặc định của Word cũng khá hợp lý.
    • Căn lề trái phần tiêu đề. Giữa tiêu đề và nội dung cách dòng đơn, chuyển sang tiêu đề mới thì cách dòng kép.
    • Nếu có thể hãy tóm gọn sơ yếu lý lịch trong một trang. Bạn có thể điều chỉnh khoảng cách giữa các dòng trong hộp thoại Paragraph (Đoạn văn) nhưng đừng để lộn xộn quá.
    • Nghĩ kỹ cách dùng từ và cố gắng diễn đạt chính xác hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Điều chỉnh sơ yếu lý lịch sao cho phù hợp với vị trí ứng tuyển. Bạn có thể bổ sung, sắp xếp lại, xóa các thành tựu hoặc đề mục theo yêu cầu của vị trí đó.
  • Đừng đợi đến khi tìm việc mới cập nhật sơ yếu lý lịch. Bất cứ khi nào bạn được thăng chức hay đạt được thành tựu to lớn, hãy thêm thông tin mới vào lý lịch ngay.

Cảnh báo[sửa]

  • Hình thức và định dạng sơ yếu lý lịch phản ánh năng lực của bạn vậy nên hãy cố trình bày tốt nhất có thể.
  • Đảm bảo toàn bộ thông tin trong sơ yếu lý lịch đúng sự thật và đúng ngữ pháp, không sai chính tả.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]