Tản mạn về sở hữu trí tuệ … lậu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Steve Ballmer đang đi thăm Việt Nam, đàm phán với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đề tài mua bản quyền phần mềm (PM) của Microsoft trong các cơ quan nhà nước. Có vẻ như một thỏa thuận nho nhỏ nào đó đã được ký kết, mặc dù chi tiết không được tiết lộ. Việt Nam vẫn đang đứng trên top-5 thế giới về tỉ lệ phần mềm lậu (88%) năm 2006. Không chỉ phần mềm lậu, Việt Nam vốn nổi tiếng là “thiên đường” của các sản phẩm sở hữu trí tuệ (Intellectual Property, viết tắt là IP) … lậu, nhất là phim ảnh, âm nhạc, sách tiếng Anh, và games. Trong khi đó, chúng ta đã ký công ước Berne và nó có hiệu lực từ ngày 26 tháng 10 năm 2004.

Về nguyên tắc, cho dù ta không ký công ước Berne, không gia nhập WTO, thì việc dùng phần mềm, download sách, mua phim, download nhạc/phim/games lậu rõ ràng là việc không nên làm. Common-sense bảo ta như thế. Tương tự như việc vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, hay xả rác ngoài đường phố. Cho dù tất cả mọi người đều xả rác, vượt đèn đỏ, và đi ngược chiều, thì điều đó cũng không làm cho việc xả rác, vượt đèn đỏ, và đi ngược chiều trở nên lẽ đương nhiên. Theo một nghĩa nào đó, tỉ lệ dân số vi phạm trong các ví dụ trên tỉ lệ thuận với trình độ văn minh của một nước. Bạn có thể cãi là đây là vấn đề thuần túy kinh tế, nhưng — về nguyên tắc — nghèo không phải là cái cớ để dùng đồ không phải của mình, để vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, và xả rác. Bạn cũng có thể cãi rằng trình độ văn minh tỉ lệ thuận với GDP, và vì thế vấn đề vẫn là vấn đề kinh tế, nhưng lý luận này lòng vòng tránh vấn đề quá.

(Nguồn: www.bsa.org/globalstudy/)

Nếu mà lý luận về nguyên tắc thì sẽ không thể “bào chữa” cho việc dùng đồ lậu. Bỏ qua phạm trù nguyên tắc, có vài câu hỏi cơ bản mà tôi sẽ thảo luận trong chuỗi bài này:

  1. Tại sao chúng ta dùng đồ lậu nhiều đến thế?
  2. Có lý do gì chính đáng cho tỉ lệ dùng các sản phẩm trí tuệ lậu nhiều đến thế hay không?
  3. Nếu không thì ta nên làm thế nào?
  4. Các công ty bán các sản phẩm PM, nhạc, phim, sách, … nên làm thế nào?

Trước khi tản mạn về các câu hỏi trên, hãy nói về thực tế của vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Trên thực tế thì tỉ lệ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung vẫn là rất cao.

Ví dụ, nếu chỉ tính các phần mềm lậu thì theo báo cáo mới nhất của BSA:

While the worldwide weighted average piracy rate is 35%, the median piracy rate is 62%, meaning half of the countries studied have a piracy rate of 62% or higher. In just under one-third of the countries, the piracy rate is higher than 75%.

Về phim ảnh và âm nhạc thỉ tỉ lệ dùng lậu ở Việt Nam có lẽ tương đương với Trung Quốc: vẫn 90% theo báo cáo này của MPAA năm 2006. Đa phần (60%) Internet traffic là P2P traffic, đa phần P2P traffic chứa nhạc/phim (mà tôi tin chắc là) lậu. (Xem thêm báo cáo cuối năm 2006 của Morgan Stanley về các xu hướng trên mạng.)

(Nguồn ảnh: readwriteweb.com)

Việc download nhạc/phim lậu rất phổ biến trong các khuôn viên đại học. RIAA đã đẩy vấn đề này lên đến quốc hội Mỹ. Nhiều trường đại học đã phải thay đổi chính sách truy cập Internet và phạt các sinh viên download đồ lậu.

Sách vở cũng thế. Bản thân tôi không dùng e-books, nhưng tôi nhớ là có các websites và các torrents để download rất nhiều e-books lậu. (May ra bạn đọc blog có thể cung cấp vài cái links.)

1. Tại sao chúng ta dùng các sản phẩm sở hữu trí tuệ lậu nhiều thế?

Ở đây, tôi dùng “chúng ta” vì hai lý do: (1) “chúng ta” đại diện cho một số lượng lớn … chúng ta, và (2) “chúng ta” đại diện cho một vấn đề công cộng. Với mỗi loại sản phẩm sở hữu trí tuệ (viết tắt là IP) như nhạc, phim, games, phần mềm, sách, thì lý do chúng ta dùng đồ lậu có lẽ hơi khác nhau. Thay vì phân tích từng loại IP một, tôi sẽ lấy phần hợp của các lý do và phân tích chung cho tiện. Chú ý rằng đối với từng cá nhân thì các lý do anh/chị ta dùng mỗi loại IP lậu có thể là một hoặc một bộ các lý do dưới đây.

Lý do 1: ta có ít nhiều lợi ích khi dùng IP, trong khi IP lậu giá rất bèo, khả năng bị phạt cực kỳ bé, và chi phí cơ hội của việc dùng đồ gốc cao.

Lợi ích ở đây có thể là giải trí vài phút (chơi games, nghe nhạc, xem phim), thuận tiện cho công tác và học tập (phần mềm, sách vở). Giá bèo bao gồm giá đi mua/chép đĩa lậu ở các cửa hàng, hoặc giá download phần mềm, nhạc, phim, trên Net. Khả năng bị phạt tùy thuộc vào luật pháp và độ nghiêm túc trong hành pháp liên quan đến IP ở nước sở tại. Ở Mỹ rất khó tìm mua một đĩa phần mềm lậu vì giá phải trả cho việc mua, sản xuất, và phân phối phần mềm lậu là rất cao. Trong khi đó, việc download nhạc/phim dùng các mạng P2P vẫn phổ biến vì khả năng bị bắt rất thấp. Nếu sự khác biệt chi phí giữa đồ lậu và đồ gốc tương đối thấp thì tình trạng dùng đồ lậu tràn lan đã không tệ như thế. Một điểm quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là: nếu bỏ một, hai, hoặc ba trong bốn yếu tố (a) lợi ích, (b) giá bèo, (c) khó bị phạt, (d) chi phí cơ hội cao, thì lý do 1 sẽ không còn đúng nữa.

Dĩ nhiên, lý do này rất cơ bản và ta thấy nó ở rất nhiều phương diện khác nhau trong kinh tế chính trị loài người. Phạm trù IP (và Việt Nam) không độc quyền sự phạm pháp ở diện rộng.

Lý do 2: văn hóa.

Khi tôi mới vào học đại học, còn dùng các mẻ kho như DOS, Borland Turbo Pascal, thì ý nghĩ rằng tôi đang dùng đồ không phải của mình chưa bao giờ xuất hiện trong đầu. Bây giờ nghĩ lại mới thấy đây là vấn đề văn hóa. Tôi đồng ý với điều bạn linhnam đã viết trong phần lời bình của phần 1 bài này, người Việt chúng ta không có thói quen trả giá cho những sản phẩm sở hữu trí tuệ nói riêng và những sản phẩm “vô hình” nói chung. Như tôi đã nói trong bài đầu tiên, dùng IP lậu, vượt đèn đỏ và xả rác có nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa. Mọi người đều làm thế. Ta cũng làm thế. Tương tự như vậy, các sinh viên đại học trên toàn thế giới download nhạc/phim lậu theo một trào lưu “hip” của giới trẻ mà ít khi suy nghĩ về hành vi của mình. Ian Condry của MIT có một bài về văn hóa dùng nhạc lậu khá hay. Ông so sánh văn hóa dùng nhạc lậu ở Mỹ và ở Nhật, và thái độ của các tập đoàn kinh doanh âm nhạc của hai nước.

Việc hình thành một văn hóa dùng IP lậu là hệ quả trực tiếp của sự thiếu nghiêm minh trong luật pháp và hành pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Ở nước ta, phim ảnh và sách lậu tràn lan trên thị trường. Thỉnh thoảng có một đợt càn quét nào đó, chủ yếu đi tìm các sản phẩm “nhạy cảm” (về chính trị hoặc thuần phong mỹ tục), rồi đâu lại vào đấy. Cực kỳ khó có thể làm giàu bằng cách viết sách ở Việt Nam.

Lý do 3: dùng IP lậu như một tuyên ngôn chính trị.

Hồi mới sau giải phóng, người ta chuyền tay nhau các “sản phẩm đồi trụy” như truyện chưởng, nhạc vàng. Rồi khi có các hồi ký “nhạy cảm” của các nhà hoạt động chính trị không chính thống, hoặc các tác phẩm văn học bị cấm, người ta cũng chuyền tay nhau. Đây không còn là vấn đề kinh tế vì đa số mọi người chuyền nhau các tác phẩm nọ có đủ khả năng mua chúng nếu được bán rộng rãi. Công bằng mà nói, đôi khi người ta tìm đọc/nghe vì tò mò. Nhưng việc tò mò các tác phẩm bị cấm cũng là một loại tuyên ngôn chính trị. Điểm oái oăm là đa số các “sản phẩm đồi trụy” đó từ từ được hợp pháp hóa. Nhạc Phạm Duy và truyện chưởng là các ví dụ tốt.

Trong lĩnh vực phần mềm, tôi đã nghe có người nói rằng các tập đoàn phần mềm lớn trên thế giới “bóp chẹt” người dùng bằng giá cắt cổ, vì thế họ dùng phần mềm lậu như một cách chống đối. Đó cũng là một tuyên ngôn chính trị, cho dù là tuyên ngôn sai lầm. Nếu không đồng ý với cái status-quo của công nghiệp phần mềm thế giới thì phải làm như Knuth (viết phần mềm TeX miễn phí), như Stallman (viết các PM của GNU, khởi tạo copyleft), hay Torvalds (viết Linux), hay nghìn nghìn vạn vạn các lập trình viên khác đang ngày đêm đóng góp vào phong trào tri thức miễn phí của nhân loại. Nếu một cửa hành bán mỹ phẩm giá cắt cổ thì khách hàng nên đi mua hoặc sáng tạo ra mỹ phẩm khác, hoặc không dùng mỹ phẩm, thay vì đi làm và tiêu thụ các mỹ phẩm nhái của người ta.

Một loại tuyên ngôn chính trị nữa liên quan đến luật copyright của các sản phẩm IP. Copyleft creative commons license là các ví dụ của xu hướng ngược lại. Ví dụ cụ thể hơn: người ta đã bàn tán khá nhiều về tính vô lý của bộ luật Digital Millenium Copyright Act (DMCA). Các hackers vẫn hack các hệ thống quản trị bản quyền số (DRM) của CD/DVD vì bất đồng chính kiến với loại luật copyright kiểu DMCA. (Dù rằng một trong những hệ quả là DVD lậu vẫn tràn lan.)

Câu hỏi then chốt ở đây là: nếu ta bất đồng ý kiến với một đạo luật nào đó thì việc vi phạm nó có phải là phương cách tốt nhất (hoặc văn minh nhất) để thể hiện chính kiến không? Trong trường hợp nghe nhạc vàng hay đọc sách nhạy cảm thì có lẽ câu trả lời là có. Trong luật copyright các IP thì câu trả lời có lẽ là không.

Có một ví dụ thú vị gần đây liên quan đến đề tài này. AACS là một kỹ thuật dùng để bảo vệ copyright của các HD-DVD và đĩa Blu-ray. Ai đó đã crack cái khóa 128-bit của AACS và phát tán trên Internet. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, bọn AACS LA (cơ quan quản lý AACS) gửi thư đến rất nhiều các website đăng tải cái key này yêu cầu họ không được đăng tải cái key này trên website. Một trong những website như vậy là digg.com. Sau khi digg.com tuân thủ yêu cầu của AACS LA, người dùng của digg.com rất tức giận vì họ cho rằng AACS LA dùng sức mạnh luật sư để “bịt miệng” họ, vi phạm quyền tự do ngôn luận trên Internet. Digg.com là website chứa các links được giới thiệu nhiều nhất của người dùng. Link nào càng được giới thiệu nhiều thì sẽ “nổi” lên đầu trang, tương tự như ranking của các search engines. Người dùng digg.com tuyên ngôn bằng cách liên tục giới thiệu các websites chứa cái key của AACS, làm cho cái key này chiếm lĩnh toàn bộ trang chủ của digg.com. Xem thêm các phát triển sau đó ở đây, đây, và đây. Cộng với một bài viết của giáo sư Randy Picker (khoa luật, đại học Chicago) liên quan đến câu hỏi then chốt mới đề cập. Dĩ nhiên, sau vụ này AACS được cập nhật và … tiếp tục bị cracked.

Trong ba lý do trên thì tôi tin chắc rằng lý do 1 đóng góp vào đại đa số việc dùng IP lậu, lý do 2 càng lúc càng yếu, và lý do 3 chỉ áp dụng vào một số rất ít các IP và người dùng. Về văn hóa thì hiện nay Việt Nam đã giao lưu văn hóa đủ để ta biết rằng dùng IP lậu là phạm pháp. Thậm chí ta đã ký cả công ước Berne để “hợp thức hóa” luật IP. Chẳng ai download nhạc của Queen vì một tuyên ngôn chính trị. Ngoài ra, các lý do chính trị thường đòi hỏi một cơ sở lý luận khá sâu sắc mà người dùng thông thường thường không để ý tới. Do đó, các lý do chính trị rất dễ bị sai lầm.

Trong bài tới, tôi sẽ thảo luận câu hỏi số 2: “có lý do gì chính đáng để dùng IP lậu không?” Trên thực tế, tôi sẽ phân tích nhiều hơn về các lý do không chính đáng để dùng IP lậu.


Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này