Tập yoga cho mắt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các bài tập Yoga đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, có thể giúp cơ mắt chắc khỏe cũng như thư giãn mắt. Những bài tập này dành cho những người vốn có đôi mắt khỏe nhưng mắt bị căng thẳng hoặc bị mỏi quá mức, thường là do sử dụng máy tính nhiều. Những người từng bị chẩn đoán có bệnh về mắt như tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, bệnh liên quan đến mắt hoặc bất cứ nhiễm trùng nào khác, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập.[1]

Các bước[sửa]

Tập Thể dục cho Mắt[sửa]

  1. Tăng cường mí mắt. Cơ xung quanh mắt có thể được tăng cường giống như các cơ khác trên cơ thể. Bắt đầu bằng nhắm mắt một phần; mí mắt chỉ nhắm nửa chừng. Bạn sẽ thấy mí trên của mắt rung rung. Hãy tập trung cố gắng để mắt không bị rung.[2]
    • Gợi ý: Có thể dễ dàng làm cho mí mắt đỡ bị rung hơn nếu tập trung nhìn vào đồ vật ở xa.
    • Sau khi giữ trong vòng 10-15 giây, nhắm mắt thật chậm. Hít thở sâu một vài lần để tăng lượng ôxi trong máu. Khi hít vào, hãy tưởng tượng một luồng không khí tươi mát, giàu ôxi chạy qua mũi vào mắt. Thở ra. Tiếp tục bài tập thở này từ một đến hai phút.[3]
  2. Rèn luyện sự tập trung. Bằng cách tập trung vào các đồ vật ở những khoảng cách khác nhau, bạn luyện cho mắt tập trung vào các khoảng cách cả xa và gần đồng thời giúp mắt giảm căng thẳng. Dưới đây là hai bài tập tăng khả năng tập trung bạn có thể thử làm:
    • 1) Giữ một chiếc bút ở khoảng cách một cánh tay. Nhìn chăm chú vào đầu bút. Đưa bút lại gần mũi với tốc độ chậm và đều. Lặp lại bài tập này 5-10 lần.[4]
    • 2) Tập trung nhìn vào chóp mũi. Sau đó chỉnh tầm nhìn vào đồ vật ở xa cách một cánh tay hoặc cách 6 mét. Rồi chuyển tầm nhìn về chóp mũi. Lặp lại bài tập này 10 lần.
    • Hãy sáng tạo và thử thách bản thân. Chọn đồ vật ở các khoảng cách khác nhau để tập trung ánh nhìn vào đó.
  3. Căng mắt sang hai bên và ở giữa. Những bài tập này kéo giãn và củng cố các cơ mắt cụ thể, giúp mắt chuyển động từ bên này sang bên kia. Ví dụ, khi nhìn sang bên phải, bạn đang sử dụng cơ thẳng bên của mắt phải và cơ thẳng giữa của mắt trái. Khi nhìn sang bên trái, bạn đang sử dụng cơ thẳng bên của mắt trái và cơ thẳng giữa của mắt phải.[5]
    • Ngồi thẳng, thoải mái. Bắt đầu bằng nhìn sang góc xa bên trái (không di chuyển đầu) và giữ cho cơ mắt giãn ra. Đếm đến 5. Chớp mắt và nhìn thẳng về phía trước. Tiếp theo, nhìn sang góc xa bên phải, giữ vị trí đó và đếm đến 5. Lặp lại 3 lần, chớp mắt giữa mỗi lần căng giữ cơ.
    • Sau đó, lặp lại bài tập này theo hướng ngước lên và nhìn xuống. Đừng quên chớp mắt.
  4. Giãn cơ theo đường chéo. Giống như bài tập trước, giãn cơ theo đường chéo đòi hỏi nhìn vào vị trí cố định trong vài giây. Tuy nhiên, có thêm các cơ khác phải làm việc trong bài tập này. Ví dụ, khi nhìn chếch lên bên trái, bạn đang sử dụng cơ chéo trên của mắt trái và cơ chéo dưới của mắt phải.[6]
    • Ngồi thẳng và thoải mái. Nhìn lên sang bên phải trong 5 giây. Trở lại vị trí nhìn chính giữa. Nhìn lên sang bên trái trong 5 giây. Trở lại vị trí nhìn chính giữa. Nhìn xuống sang bên phải trong 5 giây. Trở lại vị trí nhìn chính giữa. Nhìn xuống sang bên trái trong 5 giây. Trở lại vị trí nhìn chính giữa. Lặp lại các động tác này 3 lần.
  5. Dùng mắt vẽ dấu vô cực. Hãy tưởng tượng có dấu vô cực hoặc số 8 nằm ngang trước mặt bạn. Hãy dùng mắt vẽ số 8 đó một cách chậm rãi khoảng 10 lần mà không di chuyển đầu. Chớp mắt sau mỗi lần thực hiện.
  6. Dùng mắt vẽ hình tròn. Một cách rất hữu ích để thực hiện bài tập này là tưởng tượng bạn đang nhìn vào số 12 trên đồng hồ. Hãy nhìn theo các số vòng quanh đồng hồ. Lặp lại theo chiều ngược lại.

Thư giãn Mắt[sửa]

  1. Mát xa mắt. Mát xa là biện pháp trị liệu phổ biến để làm dịu căng thẳng vì nó giúp tăng cường lưu thông máu về những khu vực bạn muốn. Bắt đầu bằng mát xa mí mắt trên trong 10 giây. Sau đó, mát xa mí mắt dưới.
    • Ấn nhẹ khi mát xa và dùng ba ngón tay đầu trên bàn tay.[7] Chuyển động nhẹ nhàng theo vòng tròn.
    • Ấn nhẹ vào tuyến lệ, nơi tạo ra phần lớn nước mắt của bạn, sẽ giúp kích thích tạo ra nước mắt và độ ẩm cho mắt. Nói cách khác, động tác này giúp mắt đỡ mỏi và bớt khô.
    • Khi mát xa mí mắt dưới, đảm bảo bạn mát xa cả xương lệ, bộ phận này nằm sát với phía bên trong mắt.[7]
  2. Chớp mắt nhiều hơn. Chớp mắt giúp mắt nghỉ nhiều hơn và thư giãn hơn. Tuy nhiên, đó là điều mọi người thường hay bỏ qua vì là hành động tự nhiên ít phải suy nghĩ. Tuy vậy, cố gắng chớp mắt thường xuyên sẽ giúp cải thiện sự mỏi mắt.
    • Chớp mắt giúp bôi trơn và tạo độ ẩm cho mắt. Chớp mắt không chỉ đẩy bụi bẩn ra ngoài bằng nước mắt mà còn tạo ra một lớp màng nước mắt dàn đều khắp mắt của bạn.[8] Chớp mắt giúp cải thiện tình trạng khô mắt.[9]
    • Cố gắng chớp mắt 4 giây một lần để giúp mắt đỡ bị khô.
  3. Nghỉ ngơi. Cho mắt nghỉ nhiều hơn trong những lúc tập trung căng thẳng, đặc biệt trước màn hình máy tính, sẽ giúp giảm mỏi mắt.
    • Thử phương pháp 20-20-20: Cứ sau 20 phút, rời mắt khỏi màn hình để nhìn một vật cách xa 6 mét trong 20 giây.[10]
    • Nếu bạn khó nhớ được việc nghỉ giữa giờ, hãy đặt chuông đồng hồ nhắc bạn nghỉ ngơi để mắt phục hồi.
    • Bạn cũng có thể thỉnh thoảng thử mở to mắt hết cỡ và nhắm mắt lại. Nghiên cứu cho thấy động tác này có thể giảm triệu chứng mỏi và khô mắt.[10]
  4. Áp lòng bàn tay vào mắt để thư giãn. Cách này có thể thực hiện một cách đơn giản. Úp hai lòng bàn tay vào mắt trong vài phút.
    • Ngồi thoải mái trên ghế với lưng giữ thẳng. Đặt khuỷu tay lên bàn, ở trên gối hoặc chăn để có cảm giác dễ chịu hơn. Xát hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng lên trước khi bắt đầu úp vào mắt giúp tăng độ thư giãn của kỹ thuật này. Khum lòng bàn tay lại và nhắm mắt. Đặt lòng bàn tay lên mắt. Hít thở bình thường và nghỉ ngơi ở tư thế này trong 5-10 phút. Có thể bạn cần đặt báo thức để căn giờ cho phù hợp.[11]
    • Nếu sau khi hết giờ, bạn cảm thấy thư giãn thì đó là khoảng thời gian phù hợp để thực hiện động tác này. Nếu chưa thấy dễ chịu, hãy tăng thêm 5 phút và quan sát bất cứ thay đổi nào sau đó.[12]

Lời khuyên[sửa]

  • Khi bắt đầu thực hiện những bài tập và kỹ thuật thư giãn này, bạn cần dành thời gian luyện tập hàng ngày. Cố gắng đạt mục tiêu 30 phút tập mắt mỗi ngày. Nếu hoặc khi thấy mắt cải thiện, bạn có thể giảm thời gian tập.
  • Luôn đảm bảo tay sạch khi áp vào mắt. Rửa sạch tay với xà phòng và nước để tránh làm nhiễm bẩn mắt. Ngoài ra, giữ cho móng tay được cắt ngắn để tránh làm xước hoặc chọc vào mắt.[7]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn bị đau, thay đổi thị lực, chóng mặt hoặc bất cứ triệu chứng nào khác, hãy dừng tập ngay lập tức. Nếu tiếp tục có những triệu chứng như vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Tiếp tục công việc chăm sóc mắt thường làm hàng ngày dù là liên quan đến dùng thuốc hay đeo kính thuốc và kính áp tròng.
  • Chú ý là với một số người, thực hiện bài tập mắt có thể giúp trì hoãn việc sử dụng kính đeo hoặc kính áp tròng, việc này cũng có thể làm được bằng cách cho mắt nghỉ ngơi đối với những công việc làm mắt bị mỏi (như nhìn chăm chú vào máy tính). Tập cơ mắt không xử lý được những vấn đề phổ biến nhất cần phải đeo kính như cận, viễn, loạn thị và lão thị (tình trạng cứng thủy tinh thể liên quan đến tuổi già). Các bài tập mắt cũng không có tác dụng đối với bệnh tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng. Về cơ bản, các nghiên cứu cho rằng chế độ bài tập mắt không dùng thuốc không giúp bạn đỡ phải đeo kính nếu bạn cần đến chúng một ngày nào đó, cũng như không thay đổi được tình trạng bệnh cụ thể ở mắt.[1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây