Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt/6

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nguyên nhân và giải pháp cứu vãn

Về nguyên nhân và giải pháp cứu vãn những thói hư tật xấu của người Việt hiện đại, chúng tôi cũng chỉ xin tóm thuật bằng cách ghi lại một số ý kiến đã được phát biểu trên hai diễn đàn liên quan chủ đề này do báo Tiền phong (online) (viết tắt: TPO) và báo Tuổi trẻ (viết tắt TT) tổ chức trong khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4/2014 vừa qua. Chúng tôi tin cách làm này tuy có vẻ đơn giản nhưng lại nhiều khả năng đạt được tính khách quan cao, nhờ thu thập được ý kiến từ nhiều phía của mọi thành phần dân Việt cũng như của vài người ngoại quốc có quá trình sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

1. Về nguyên nhân những thói hư tật xấu, có những ý kiến đáng chú ý như sau:[sửa]

- Đào Duy Anh khẳng định trong sách Việt Nam văn hóa sử cương (Quan Hải tùng thư, Huế, năm 1938) rằng: “Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”. Song, ông cũng nhận rõ đấy là “sinh khí mạnh” của nền văn hóa nông nghiệp Việt, với văn minh lúa nước cổ truyền, 37 vốn là “xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy” (theo Nguyễn Thị Minh Thái, “Tính xấu người Việt: Cần soi gương…”, TT, 8/4/2014). Có thể nói thói hư tật xấu của người Việt Nam ta nó xuất phát từ lối sống, lối làm việc, tập tục văn hóa tích lũy từ bao đời mà hình thành… (TPO). “Cái xấu” mà người Việt hiện đang mắc phải nó rất biện chứng và là hệ quả của một thời gian dài ít hòa nhập với thế giới, ta chỉ thường ca ngợi ta “anh hùng, cần cù, thông minh...” như là khỏa lấp những vấn đề yếu kém vẫn đang tồn tại trong xã hội. “Cái xấu” ở đây không phải sinh ra là đã thế mà nó bị ảnh hưởng của cách giáo dục, từ thực tế cuộc sống, từ những “bài học sinh tồn” mà cha ông ta dặn lại; nó chỉ thuần túy là khả năng chống chọi với thiên nhiên, ngoại xâm, với các thế lực muốn thôn tính ta. Khi ta hội nhập thì cái mặt bằng ngàn năm đó cũng cần được nhìn nhận theo “tiêu chuẩn quốc tế” và điều đó dân Việt ta cũng phải suy nghĩ! (TPO).

- Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn thay đổi, tức vẫn non trẻ. Trong xã hội chưa được thiết lập một tiêu chuẩn về lối sống có tính đạo đức một cách vững vàng (TT, 31/3/2014).

- Do ở trình độ dân trí của mọi người, do trình độ văn hóa chung của toàn xã hội… (TPO). Những thói xấu mà người Việt thể hiện như mọi người đã chỉ ra chỉ là sản phẩm của một nền văn hóa hiện nay. Văn hóa được định hình bởi các giá trị… Vấn nạn đối với người Việt hiện nay là những “giá trị” ngầm rất tệ hại đã và đang là kim chỉ nam cho những hành vi hằng ngày của rất nhiều người… (TT, 12/4/2014).

- Do hiệu quả của hệ thống pháp luật, do kỷ cương phép nước, do cơ chế quản lý xã hội… Hơn nữa, việc coi thường pháp luật và việc chế tài xử phạt không nghiêm cũng góp phần làm trì trệ thêm tình hình… Cơ chế quản lý xã hội (thông qua hệ thống luật pháp chính thống của Nhà nước, các quy định của các cấp chính quyền, đoàn thể) còn những chỗ chưa chặt chẽ (TPO).

- Do khuyết tật của nền giáo dục, do chất lượng thực chất của nền giáo dục phổ thông. Chúng ta đang chú trọng việc “dạy chữ” mà xem nhẹ việc “dạy làm người”. Lòng nhân ái, tính khoan dung, tình yêu thương gia đình, đồng loại, tính cộng đồng... là những bài học sơ đẳng để hoàn thiện nhân cách một con người và nó phải được thường xuyên nuôi dưỡng trong một môi trường xã hội lành mạnh. Đây là điều mà nền giáo dục hiện nay khiếm khuyết (TPO). Sự khủng hoảng của nền giáo dục ở các cấp đã có ảnh hưởng tức thời đến hiện tượng “người Việt xấu xí” đang có chiều hướng gia tăng - một bộ phận trẻ em hư hỏng, bất cần đời đi bụi, thanh niên đua xe, nghiện ma túy rồi phạm pháp v.v… Giáo trình môn đạo đức học trong nhà trường rất thiếu những bài giảng sinh động mang tính thực tiễn đề cập thẳng thắn tới những thói hư tật xấu hay gặp nhất của người Việt trong bối cảnh của hội nhập quốc tế. Chẳng có tiết giảng nào răn dạy các em không nên ngoáy mũi hay nói to nơi công cộng… Và đáng 38 thất vọng hơn là xã hội chưa có chế tài xử phạt những hành vi thiếu văn hóa trên quy mô cả nước (Phạm Gia Minh, Tlđd).

- Điểm xuất phát của chặng đường tự sửa mình gian nan đó phải được bắt đầu từ gia đình - tế bào của xã hội, cụ thể là hình thành và gìn giữ gia phong hay còn gọi là “văn hóa gia đình”. Nhưng cái văn hóa gia đình ấy gắn liền với chữ “lễ” lẽ ra cần được ưu tiên thấm nhuần, để dẫn truyền kiến thức văn hóa, trên thực tế đã bị coi thường, là nguyên nhân gây ra những biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa. “Trong thực tế người ta đã nhồi nhét tới mức quá tải những mái đầu còn non nớt bằng bao tiết học chính khóa lẫn học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, v.v… trong khi đó giáo dục thể chất và tinh thần chưa bao giờ được đầu tư đúng mức. Rút cuộc, chúng ta đã tạo ra một nền giáo dục đầy bức xúc và stress, có nguy cơ sản sinh ra những thế hệ công dân tư duy thụ động theo lối mòn, xơ cứng giáo điều, nghèo nàn và ‘cục súc’ trong văn hóa giao tiếp, yếu ớt về thể chất và dị biệt với các bạn đồng lứa trên thế giới” (Phạm Gia Minh, Tlđd).

- “Nhân chi sơ tính bản thiện”, tính xấu là do hoàn cảnh bên ngoài tạo nên: Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học thói hay lên án; những đứa trẻ sống trong bầu không khí thù địch thì hay đánh nhau; những đứa trẻ sống trong sự hãi hùng thì học được thói sợ sệt… (TPO).

- Tiền lương của người lao động còn thấp nên không có tác dụng khích lệ tính tốt (như nhân viên phục vụ cửa hàng không biết tươi cười với khách…) (TPO).

- Cách quản lý xã hội lỏng lẻo, bất hợp lý đã vô tình tạo điều kiện cho tính xấu ngày càng bành trướng, tính tốt càng bị chèn ép mất hút. Đầu tiên là một số ít lợi dụng sự lỏng lẻo để lách, rồi họ thu được lợi thay vì bị phạt, vậy là số đông hùa theo, làm theo, hành vi xấu nhanh chóng nhân rộng. Một người không xếp hàng nhưng vẫn được bán vé trước, vào trước, số còn lại sẽ không xếp hàng nữa. Một số ít hay đi trễ nhưng vẫn được chờ đợi, số người đi đúng giờ sẽ rút kinh nghiệm không đúng giờ nữa, làm thành một tập thể trễ nải, như chuyện đi đám cưới. Anh đút lót, mọi sự dễ dàng hơn thì tôi dại gì đi đường chính vòng vèo... Không có sự nghiêm minh, công bằng thì người ta sẽ tìm cách đạt lợi ích bằng hành vi xấu. Lâu dần lan dần thành thói quen, thói xấu của cả cộng đồng (TT, 31/3/2014).

- Bốn nguyên nhân của xấu xí: 1) Di sản đạo đức không kết thành một khối từ quá khứ đến hiện tại. “Một triều đại mới bắt đầu là một sự thay đổi tận gốc rễ, nhiều “nguyên khí quốc gia”, nhiều tư tưởng lớn bị phế bỏ chỉ vì không cùng “nhóm”, có phải vậy mà giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống truyền đến hôm nay chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc”; 2) Không trải qua những hình thái lịch sử hình thành nên tính cách cộng đồng… Kỷ luật roi vọt của chiếm hữu nô lệ và kỷ luật đói rét của lao động công nghiệp tư bản buộc các quốc gia - dân tộc phải trở thành một dân tộc có ý thức kỷ luật. Do không trải qua hai hình thái này mà chúng ta không có thói quen tôn trọng và thực thi pháp luật, là những người lề mề, thất tín, hời hợt, đại khái, ngẫu hứng, kém kỷ luật, trung thành thấp... Việt Nam cũng không trải qua một phương thức sản xuất nào trọn vẹn từ đầu đến cuối, do vậy mà các chủ thể xã hội không đạt 39 đến độ chín muồi về đạo đức, tư tưởng và triết học; 3) Không được chuẩn bị cho kinh tế thị trường. Sau gần 20 năm đói khát bởi cấm vận, khủng hoảng kinh tế, cuộc sống khốn khó đến mức làm bất cứ cái gì để tồn tại, khi xã hội chuyển từ nền kinh tế bao cấp (cũng là một trạng thái bất bình thường) sang kinh tế thị trường thì xã hội phải đối mặt với trạng thái phát triển quá đột ngột, không ai từ lãnh đạo đến người dân được chuẩn bị về tâm thế nên rơi ngay vào trạng thái bất bình thường khác. Tăng trưởng GDP lên hai con số thành mục tiêu quan trọng nhất, người dân giẫm đạp lên mọi đạo lý để kiếm tiền. Sự hoang dại của thời đói kém cộng với thứ kinh tế thị trường non yếu đã làm đậm hơn lên những tính cách xù xì, méo mó vốn có, và được bổ sung thêm những cái gớm ghiếc từ bên ngoài tràn vào. Phàm cái gì nôn nóng thì dễ hỏng, bằng chứng cho thấy tiền của nhiều hơn nhưng đạo đức suy thoái, đời sống tinh thần bị chao đảo khủng khiếp. Không ở đâu có chuyện thay vì cứu người bị nạn thì lại lao vào hôi của, nhặt tiền với một tinh thần man dại; 4) Hệ thống quản trị quốc gia chưa phải là tấm gương. Muốn hay không cũng phải nhìn nhận rằng dân tình trong một quốc gia có ra sao thì người đóng vai trò quản lý, dẫn dắt phải chịu trách nhiệm. Có một sự thật là bên cạnh những thành tựu nhất định, bộ máy quản lý nhà nước hoạt động ở một số nơi còn kém hiệu quả, vận hành làm sao mà khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn, tham nhũng, quan quyền hưởng lợi trên sự thiệt của dân, oan sai còn nhiều, gây bất bình... Niềm tin đạo đức, công bằng, đạo lý sa sút. Phản ứng xã hội chuyển sang thành những tiêu cực như trộm cắp, tham nhũng vặt, lập băng đảng, bóp cổ khách du lịch, chích hút ma túy... “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hiển nhiên là như vậy, bởi thiết chế xã hội như khuôn đúc nên con người. Nhưng hình như cái khuôn của chúng ta có vấn đề cho nên nhiều sản phẩm không dài, không tròn mà lại dị dạng (ý kiến của Nguyễn Minh Hòa, TT, 15/4/2014).

2. Về giải pháp cứu vãn những thói hư tật xấu, có những ý kiến tóm tắt như sau:[sửa]

- Phải có một nền giáo dục tốt, phải giáo dục thế hệ trẻ ngay từ lúc này, mà trước tiên nhà trường và gia đình là những tấm gương… Sửa dần thói xấu vặt từ thế hệ 8X. Đối với người Việt Nam ta, người lớn đã sống theo quán tính rồi, sửa những thói xấu vặt như chúng ta thường nói một cách hiệu quả là khó… Nhưng nếu nhà trường có môn học làm người, dạy các em từ lời ăn tiếng nói, dáng đi, tác phong ăn uống, tiếp bạn, chung sức học tập và làm việc, biết ganh đua nhau để tiến lên, tôn vinh những thành tích thực sự, ai, nhóm nào cũng có thể nổi tiếng đúng nghĩa... thì có lẽ hiệu quả hơn… Vấn đề là ở hệ thống chương trình giáo dục (TPO). Nhà trường luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức cho dân chúng... Người nước ngoài cũng không hơn gì ta cả, chẳng qua họ được giáo dục tốt, từ trong nhà trường ra tới ngoài xã hội… Dù có nói gì đi nữa, nếu không có sự cải cách thì khó hy vọng có một thay đổi lớn ở ý thức xã hội trong những năm tới (TT, 12/4/2014). Trong cải cách giáo dục, nên chăng chúng ta hãy có hẳn một bài lên án nạn “ăn cắp vặt” của người Việt. Đồng thời đưa ra bài học đạo đức “không nên ăn cắp vặt”, “không nên tham vặt”... Hãy dạy một cách thẳng thắn, nêu đúng tội, dẫn chứng đúng chuyện để học sinh lấy đó làm bài học. Đừng đưa ra những lý luận, những học thuyết hay 40 danh từ cao siêu… Một khi tính tham vặt không tồn tại sẽ không còn tham của công, tham nhũng và những cái tham khác... (TT, 13/4/2014).

- Điểm xuất phát của chặng đường tự sửa mình gian nan đó phải được bắt đầu từ gia đình - tế bào của xã hội, cụ thể là hình thành và gìn giữ gia phong hay còn gọi là văn hóa gia đình (Phạm Gia Minh, Tlđd).

- Nên chủ động kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng khác, kết hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa xã hội, các đoàn thể quần chúng và kết hợp với đông đảo độc giả xa gần trong và ngoài nước để phát động một phong trào sâu rộng bài trừ thói hư tật xấu của người Việt chúng ta (TPO).

- Nên khuyến khích mọi người sưu tầm thơ, ca dao, tục ngữ nói về thói hư tất xấu, về tệ nạn lãng phí, tham nhũng. Đó cũng là cách thu hút mọi người quan tâm đọc, góp ý kiến và giải pháp (TPO).

- Xử phạt để răn đe, cảnh cáo hành vi phạm lỗi… (TPO). Tuyên truyền, giáo dục là cần thiết nhưng thiết nghĩ cũng cần có biện pháp xử lý khi có người cố ý coi thường các quy tắc chung (TT, 11/4/2014).

- Cách trước mắt để loại bỏ thói hư tật xấu tạm thời, đó là: - Làm gương cho người khác từ chính mình từ việc nhỏ nhất. - Hãy có một lòng tin vào thế hệ trẻ, vào tương lai ngày mai sẽ khác (TPO).


<<< Mục lục

Liên kết đến đây