Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt/7
Tạm kết
Qua sự khảo sát tìm hiểu tương đối toàn diện vấn đề thói hư tật xấu người Việt như trên, bao gồm cả việc phân tích nguyên nhân và đề nghị giải pháp khắc phục, chúng tôi xin phép được đưa ra một số nhận xét riêng có tính chung nhất như sau để thay cho lời tạm kết:
- Không phải người Việt nào cũng có đủ những thói hư tật xấu như đã được nêu ra trong các phần trên, mà con người có sự khác nhau tùy theo tư chất bẩm sinh và điều kiện hấp thụ văn hóa (gia đình, học đường, xã hội). Đối với không ít người chú trọng việc rèn luyện bản thân, thói hư tật xấu sẽ ngày càng ít đi. Một số thói hư tật xấu trên thực tế cũng là khuyết tật chung của loài người, đâu đâu cũng có, ít hoặc nhiều. Vì thế chúng tôi rất chia sẻ với ý kiến của một tác giả tham gia diễn đàn trên TPO: “Người Việt có tính xấu chung của thế giới, có tính tốt rất riêng và rất đặc thù. Người Việt ở đâu cũng vậy, vẫn giữ những nét xấu riêng của mình, để đi đến đâu họ cũng bị nhận ra rằng: Đó chính là người Việt! Nhưng người Việt không bao giờ chỉ có tính xấu, người Việt cũng có rất nhiều cái tốt như mọi người đã biết! Tính xấu và tính tốt của người Việt hình như là bằng nhau”.
Một số ý kiến táo bạo như của Bá Dương trong Người Trung Quốc xấu xí, hoặc những lời phê phán mạnh mẽ của một số trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX đối với thói hư tật xấu người Việt, đôi khi cũng có chỗ khó tránh khỏi rơi vào cực đoan mà chúng ta ngày nay cần phải thận trọng xem xét. Việc trung thực vạch ra những thói xấu/ khuyết tật nhiều như vậy là cần thiết để cầu tiến bộ, song cũng cần khẳng định những tính cách/ đức tính tốt cơ bản của người dân Việt, miễn đừng tự hào quá đáng, bởi nếu không, sẽ rất dễ rơi vào hướng ngược 41 lại là tình trạng tự ti mặc cảm, bất lợi cho sự phát triển mọi mặt của dân tộc trong tương lai.
- Một số tính cách được ghi nhận bị cho là xấu/ tiêu cực nhưng đôi khi không hẳn là tính xấu/ tiêu cực thật sự (như: lười biếng, không thiết việc đời, thích an nhàn, dĩ hòa vi quý, trung dung, an phận thủ thường…). Có trường hợp bị coi là xấu chỉ vì nó hạn chế sự tiến bộ theo kiểu văn minh vật chất phương Tây, nhưng lối sống cực đoan theo các nước tiên tiến phương Tây cũng gặp phải nhiều vấn nạn và chưa hẳn đã là mô hình phát triển tuyệt vời đáng để cho mọi quốc gia khác trên thế giới noi theo. Một nước Nhật noi gương phương Tây thành công, ai cũng khâm phục, giàu có nhờ khả năng phát triển thần tốc của khoa học-kỹ thuật và kinh tế với thu nhập đầu người tính bằng tiền rất cao, tính cách của người Nhật cũng có những mặt thay đổi tích cực phù hợp theo hướng kinh tế thị trường, nhưng trong đó con người luôn phải tất bật căng thẳng trong cuộc sống liên tục bị dồn nén, bệnh tật cũng nhiều theo do ăn uống quá thừa mứa, để xảy ra nhiều trục trặc trong đời sống tâm lý khiến hạnh phúc bị giới hạn…, nếu xét kỹ, chưa chắc xứng đáng là mô hình gương mẫu của nền văn minh hiện đại. Hình ảnh ngược lại với một số cường quốc đang ngông cuồng chạy theo nền văn minh vật chất là các nước Lào, Campuchia, Myanmar… Trước đây, theo truyền thống, nhờ nền kinh tế Phật giáo (Buddhist Economy), họ có được cuộc sống tương đối bình ổn, nhưng bây giờ thì đã khác rồi, và ngày càng giống với Trung Quốc, Việt Nam… hơn do bị cuốn hút vào trào lưu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Họ vì thế đang phải đứng trước những thách thức thật sự đáng lo ngại trong việc phải đối đầu với hiểm họa môi trường từ các dự án xây dựng gây ra, kèm theo là hiện tượng tiêu cực tham nhũng, hố ngăn cách giàu nghèo ngày một gia tăng…
Một xã hội “tiêu cực” có nhiều người làm thơ, uống rượu, đi tu…, coi thường của cải vật chất, chắc chắn chậm phát triển nhưng cũng sẽ ít có sự giành giật, cướp bóc, và nhất là chiến tranh. Một xã hội ít dùng luật pháp theo kiểu “dĩ hòa vi quý” cũng sẽ giảm bớt được nạn kiện tụng… Nói chung, trong lối sống tiêu cực vẫn có mặt tích cực, và ngược lại. Vì vậy người Việt Nam hiện nay tuy vẫn phải tự điều chỉnh tính cách của mình theo hướng tích cực để phát triển kinh tế-xã hội nhưng chỉ nên tham khảo học hỏi theo lối sống văn minh để xây dựng riêng cho đất nước dân tộc mình cuộc sống ấm no hạnh phúc trong sự hài hòa vừa phải chứ không nên nhất nhất đều rập khuôn chạy theo các nước tiền tiến Âu Mỹ.
- Thói hư tật xấu của người Việt thường dân và người Việt công quyền đã thật sự tăng lên khá nhiều trong khoảng nửa thế kỷ nay. Đó là hậu quả của môi trường văn hóa đạo đức xuống cấp ngày càng trầm trọng trong một bối cảnh chuyển biến hết sức đặc thù của lịch sử. Về mức độ trầm trọng, “mật độ lỗi văn hóa trong ứng xử của người Việt hôm nay đang thành vấn nạn, bởi sự dày đặc đáng lo ngại của nó đang được thông tin hằng ngày trên báo chí truyền thông” (Nguyễn Thị Minh Thái, Tlđd).
Một độc giả tham dự diễn đàn “Người Việt-Phẩm chất và thói hư tật xấu” trên TPO thừa nhận “Chúng ta cứ ca ngợi văn hóa của người Hà Nội nhưng 42 thực tế văn hóa đó không còn nữa rồi”. Ý nói người Hà Nội đã không còn thanh lịch so với trước đây khoảng 50-60 năm. Trong bài viết “Chỉ tên những tật xấu của người Việt thời nay” (Tuanvietnam.net, Tlđd), tác giả Phạm Gia Minh, người gốc Bắc, cũng đưa ra nhận định: “Chắc nhiều người còn nhớ thời kỳ sau năm 1975, ai đi Nam về cũng có chung một nhận định: trẻ con trong đó hầu như rất ít nói bậy và viết những điều tục tĩu lên tường nơi công cộng, đi đâu về nhà thì lễ phép cung kính chắp hai tay thưa gửi người bề trên. Đặc biệt, chẳng may ra đường có bị đụng xe thì người ta cũng không mấy khi nổi khùng cãi vã dẫn tới xô xát như bây giờ. Trẻ em ở vùng bà con theo Thiên Chúa giáo cũng có những nét sinh hoạt như vậy, và nhiều bậc cha chú cho tới nay vẫn còn giữ những hoài niệm đẹp về người Tràng An thuở trước thanh lịch, tế nhị mà rất đỗi phong lưu”.
Những sự thay đổi theo hướng ác hóa (xấu đi) như vừa nêu trên cho thấy xã hội đã và đang “có vấn đề”. Mà vấn đề chỉ là ở chỗ các loại thói hư tật xấu biểu hiện đa dạng đã tăng mạnh trong một không gian-môi trường xã hội hoặc bối cảnh lịch sử cụ thể nhất định nào đó. Trong trường hợp này, thói hư tật xấu có những nguồn cội phát triển rõ ràng từ sự suy thoái chung của cả một thời kỳ lịch sử-xã hội trong đó các yếu tố tiêu cực tác động làm tha hóa con người có thể được tìm thấy nhiều hơn so với những thời kỳ khác trước đó…
Ở Liên Xô trước đây, sau Cách mạng tháng 10 (1917), nhà văn Macxim Gorki đã từng nêu lên nhận xét rằng, cuộc cách mạng đã có tác dụng tích cực lật đổ được chế độ phong kiến Sa hoàng nhưng với sự nắm quyền và quản lý xã hội của giai cấp vô sản ít học, nước Nga sẽ phải đối đầu với một tình trạng còn nguy hiểm hơn, đó là “lâm nguy văn hóa”.
Bây giờ, nếu xem xét nguyên nhân các thói hư tật xấu người Việt từ hiệu quả của một nền giáo dục bất toàn, đầy khiếm khuyết, như ai cũng thừa nhận, thì công bằng mà nói, nền giáo dục miền Bắc nhờ xây dựng tốt tinh thần đấu tranh giai cấp và căm thù đế quốc nên đã huy động được sức mạnh của quần chúng tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhưng với sự trả giá rất đắt: do phải tập trung vào những mục tiêu và lý tưởng chính trị to tát, nền giáo dục miền Bắc đã có thời gian dài khá lơ là với việc giáo dục những giá trị văn hóa-đạo đức truyền thống của dân tộc, thậm chí còn đi tới chỗ cực đoan chống lại các tôn giáo hoặc ý thức hệ đối lập, tiến hành phê phán nặng nề lối sống bị cho là tàn dư của chủ nghĩa thực dân phong kiến, cực lực đề cao giai cấp vô sản và coi sự làm giàu là có tội… Một số khẩu hiệu được giương cao như “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”… xem ra có vẻ lý tưởng hấp dẫn nhưng lại khó theo, thực tế chỉ là ảo tưởng vì bất cận nhân tình, rốt cuộc, trong điều kiện của một nền kinh tế tập thể quan liêu bao cấp, một thứ chủ nghĩa cá nhân cực đoan và biến tướng đã phát tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết, từ đó dồn dập sinh ra những thói hư tật xấu vốn chỉ tồn tại ít hơn trong những thời kỳ lịch sử trước đó. Miền Nam trái lại, tiếp tục chịu ảnh hưởng của chế độ thực dân phong kiến, quan điểm giáo dục ít bị chính trị hóa hơn nhưng lại thiên về cổ điển nếu không muốn nói vẫn còn khá nặng màu sắc phong kiến của giai đoạn những năm 40 trước Cách mạng 43 tháng Tám, còn về các khoa học nhân văn (quốc văn, đức dục, công dân giáo dục…) thì căn bản vẫn dạy dỗ từ khuôn phép lễ nghĩa xưa phát huy lên, chú trọng rèn luyện nhiều thứ tình cảm đan xen nhau (cá nhân, gia đình, tổ quốc, nhân loại), trông giống như một cây đàn muôn điệu… Đây cũng là lý do quan trọng giải thích sự khác biệt về nếp sống/ lối sống giữa người dân Việt ở hai miền Nam, Bắc.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, đem lại niềm phấn khởi chung cho cả dân tộc từng chịu đựng cuộc chiến tranh đau khổ kéo dài 30 năm. Một luồng di dân mới ồ ạt từ Bắc vào Nam như là sự tiếp tục của quá trình và quy luật Nam tiến, đã tạo điều kiện cho Nam Bắc sum họp một nhà, chung tay xây dựng lại đất nước, trong đó khách quan có sự hòa trộn và tham khảo lẫn nhau những đức tính tốt đặc trưng vùng miền giữa người dân hai miền Nam, Bắc, nhưng rồi những thói hư tật xấu của mỗi bên vì thế cũng nhân cơ hội mà hòa trộn xen vào, tạo nên tình huống không mấy gì lạc quan tốt đẹp như chúng ta đã từng chứng kiến trong suốt vài chục năm gần đây. Trong điều kiện phát triển hòa bình với nền kinh tế từ quan liêu bao cấp chuyển sang hướng thị trường, khía cạnh cá nhân chủ nghĩa cố hữu của con người lâu nay bị dồn nén trong thời kỳ chiến tranh được cơ hội “bung ra”, một bộ phận không nhỏ trong xã hội trở nên thực dụng thô thiển, nhắm mắt chạy theo tiền và quyền, triệt tiêu mọi thứ đạo đức, lý tưởng.
Trong hệ giải pháp được đề nghị trên kia để khắc phục thói hư tật xấu, giải pháp chỉnh đốn nền giáo dục và củng cố luật pháp xem ra có tầm quan trọng hơn cả. Ngoài ra, còn có vai trò tích cực của các phương tiện truyền thông qua việc góp phần phê phán, như từ trước tới nay vẫn làm, để đẩy lùi những thói hư tật xấu ra khỏi đời sống hiện đại của người Việt, ngành báo chí-xuất bản vì thế cũng tỏ ra hết sức quan trọng. Nhưng trong điều kiện “chính trị thống soái”, “kinh tế quyết định”, mọi nỗ lực cải cách trong nhiều năm nay đều chỉ được tiến hành một cách nửa vời, không đưa đến những hiệu quả thực tế như mong muốn. Thí dụ nói về bệnh giả dối đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay, có ý kiến chính đáng cho rằng, muốn chữa được, “cần phải có một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… đòi hỏi sự trung thực và can đảm của hệ thống chính trị” (xem Tuổi trẻ, 10/10/2012).
Cho nên có thể nói, cải cách chính trị cũng là tiền đề của cải cách văn hóa, giáo dục, lối sống, cũng như của mọi công cuộc cải cách khác. Không có cái nền đó thì bao nhiêu tiếng nói, đề án của giới nhân sĩ trí thức văn hóa giáo dục rốt cuộc cũng chỉ trở thành những tiếng kêu gào vô vọng!
Người dân Việt Nam lâu nay đã quen sống ì với những thói xấu/ khuyết tật của mình, không chịu “cải hóa tự tân” vì thiếu cả lòng tin lẫn động lực thúc đẩy đổi mới, cho nên vấn đề bức thiết cốt lõi hiện nay vẫn là cần tiến hành sớm việc cải cách thể chế, như một cách để phà vào xã hội một luồng không khí mới tươi mát, có tác dụng kích hoạt mạnh mẽ, tương tự như phong trào Tân văn hóa ở Trung Quốc hay Duy tân ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX vậy.
Công cuộc cải tạo văn hóa thông qua quá trình giáo dục công dân là một quá trình của lượng biến thành chất, đòi hỏi thời gian lâu dài. Nhưng để có 44 được bước đột phá, nhằm thúc đẩy nhanh các quá trình thực hiện, điều kiện tiên quyết vẫn là phải can đảm thừa nhận các thói xấu/ khuyết tật, và trung thực chỉ ra những sự thật nào là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh ra chúng, không chút úy kỵ.
Về cải cách chính trị và kinh tế, điều kiện cơ bản để xây dựng đạo đức- văn hóa-giáo dục, chúng ta đã bắt đầu thấy được vài tín hiệu lạc quan hơn rồi. Đặc biệt, với bản thông điệp tuyên bố vào đầu năm nay, người đứng đầu Chính phủ đã bàn trúng vấn đề cơ bản nhất: phải cải cách thể chế, mở rộng mạnh mẽ dân quyền và dân chủ.
15/5/2014
T V C