Tự cắt cơn nghiện rượu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nghiện rượu là vấn đề xã hội nghiêm trọng. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính có khoảng 12 triệu người nghiện rượu và phần lớn trong số họ cần sự trợ giúp. Để cai được rượu phải qua một bước rất quan trọng gọi là cắt cơn nghiện, hay cắt cơn, là giai đoạn cơ thể cách ly hoàn toàn với rượu trong khoảng một tuần. Quá trình khó khăn này đôi khi cần sự trợ giúp của cơ sở y tế, nhưng nếu bác sĩ cho rằng trường hợp của bạn là an toàn thì bạn có thể tự cắt cơn tại nhà sử dụng những phương pháp sau.

Các bước[sửa]

Quyết định Cai Rượu[sửa]

  1. Tự đánh giá lối sống và thói quen uống rượu. Trong khi nhiều người đôi khi vẫn uống rượu mà không gặp vấn đề gì thì có người lại nghiện rượu đến mức độ nguy hiểm. Nếu có một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây, bạn có thể đã nghiện rượu và nên suy nghĩ đến việc bỏ uống rượu.[1]
    • Uống rượu vào buổi sáng
    • Uống một mình
    • Cảm giác tội lỗi sau khi uống
    • Cố gắng che giấu việc bạn uống rượu
    • Khó kiềm chế bản thân sau khi đã uống ly đầu tiên
    • Từng trải qua triệu chứng cai rượu khi không dùng rượu trong vài giờ, như đổ mồ hôi, run rẩy, lo lắng và buồn nôn
  2. Đề ra mục tiêu. Sau khi đưa ra quyết định giảm bớt lượng rượu uống hoặc cai rượu hoàn toàn, bạn cần có mục tiêu cụ thể.[2]
    • Nếu mục tiêu là cai rượu hoàn toàn, hãy viết ra giấy “Tôi sẽ ngừng uống rượu vào ngày này” và đề ra một ngày cụ thể. Cách này giúp bạn có mục tiêu rõ ràng để nhắm đến.
    • Có thể bạn không muốn bỏ rượu hoàn toàn, mà vì lý do sức khỏe, bạn quyết định chỉ uống vào thứ sáu và thứ bảy. Cách này được gọi là “giảm bớt tác hại”. Đầu tiên, hãy viết ra mục tiêu: “Từ ngày này tôi sẽ chỉ uống rượu vào thứ sáu và thứ bảy". Việc đề ra ngày cụ thể để bắt đầu cũng rất quan trọng. Ngoài ra, nên tăng khả năng nhận thức lượng rượu bạn đã uống và cảm giác lúc đó ra sao. Thay vì định trước số lượng rượu sẽ uống, bạn nên biết được lúc nào thì bạn đang uống quá nhanh hoặc uống nhiều hơn khi có người lạ. Càng hiểu rõ được thói quen dùng rượu của chính mình, khả năng kiểm soát của bạn càng cao.
    • Nếu chỉ định uống ít đi, có thể bạn phải cắt cơn hoàn toàn hoặc cũng có thể là không, phụ thuộc vào lượng rượu bạn uống hàng ngày. Dù gì việc cắt giảm đột ngột chất gây nghiện cũng sẽ làm bạn cảm thấy vật vã.
  3. Tuyên bố mục tiêu. Để mọi người xung quanh biết dự định của bạn, bằng cách này, bạn sẽ tạo được một hệ thống hỗ trợ khi bạn bắt đầu.[2]
    • Để mọi người xung quanh biết bạn cần gì. Có thể chỉ đơn giản là không mời, hoặc uống rượu trước mặt bạn. Cho dù bạn cần gì, cũng nên trao đổi thẳng thắn với họ.
    • Việc tuyên bố rõ ràng mục tiêu với những người bạn từng uống cùng là rất quan trọng, vì áp lực từ bạn bè thường làm cho nhiều người bỏ cuộc. Nếu bạn bè của bạn không ủng hộ bạn thực hiện mục tiêu, bạn nên giữ khoảng cách với họ.
  4. Loại bỏ hết rượu trong nhà. Khi hội chứng cai rượu bắt đầu, bạn có thể không kiểm soát được cơn thèm rượu. Vì vậy, để tránh sự cám dỗ, bạn không nên để rượu trong nhà.[2]
  5. Tìm sự hỗ trợ bên ngoài. Bạn có thể tìm và tham gia các buổi sinh hoạt của Hội Cai Nghiện Rượu Ẩn Danh (AA) để được hỗ trợ và gặp những người đồng cảnh ngộ. Bạn nên tham gia trước khi bắt đầu việc cắt cơn và duy trì trong suốt quá trình này.

Chuẩn bị Cắt cơn[sửa]

  1. Đến gặp bác sĩ. Nếu thực hiện không đúng cách sẽ rất nguy hiểm, do đó bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ. Họ sẽ tư vấn trong trường hợp của bạn, tự cắt cơn có an toàn hay không. Nếu bạn nghiện rượu quá nặng, bạn có thể cần đến sự chăm sóc y tế. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc đề nghị thêm một số vitamin và thực phẩm bổ sung để hỗ trợ bạn trong quá trình cắt cơn.[3]
    • Bác sĩ cũng có thể xác nhận đơn xin nghỉ ốm để đảm bảo bạn không bị mất việc.
  2. Nhờ một người bạn hoặc người thân ở bên trong giai đoạn cắt cơn. Bạn tuyệt đối không được tự thực hiện, vì có nhiều nguy hiểm mà có thể cần đến sự hỗ trợ y tế. Một số người lên kế hoạch một mình và chỉ gọi cấp cứu khi họ cần giúp đỡ nhưng như vậy là quá nguy hiểm. Hội chứng cắt cơn có thể diễn biến rất nhanh và làm bạn mất ý thức trước khi có thể gọi giúp đỡ. Vì vậy, bạn cần ai đó ở bên cạnh trong trường hợp khẩn cấp. Ít nhất trong 3 ngày đầu tiên, người đó sẽ ở bên bạn 24/24, và sẽ phải thường xuyên kiểm tra tình hình của bạn vào các ngày còn lại trong tuần.[4]
  3. Nắm được những rủi ro và triệu chứng khi cắt cơn. Đây không phải là trải nghiệm dễ dàng, đặc biệt đối với người nghiện rượu nặng trong thời gian dài, thậm chí nó còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu thực hiện sai cách. Bạn và người hỗ trợ nên sẵn sàng cho các triệu chứng sau đây, chúng sẽ xuất hiện trong vòng vài giờ sau lần uống cuối và kéo dài khoảng 3 ngày, hay thậm chí một tuần.[4]
    • Đau đầu dữ dội
    • Đổ mồ hôi trộm
    • Nhịp tim nhanh
    • Buồn nôn và nôn mửa
    • Mất nước
    • Run rẩy
    • Triệu chứng tâm lý như lẫn lộn, cáu kỉnh, buồn phiền và lo lắng
    • Một số triệu chứng nguy hiểm hơn như bị ảo giác và co giật.
    • Chứng mê sảng (DTs): Thường xuất hiện trong khoảng từ 24 đến 72 giờ sau khi ngừng uống rượu, đặc trưng bởi sự kích động dữ dội, mất phương hướng và run toàn thân. Người nghiện rượu nặng từ 10 năm trở lên hay mắc phải triệu chứng này.[5]
  4. Gọi trợ giúp y tế đúng lúc. Người ở bên bạn nên biết khi nào cần gọi hỗ trợ y tế. Nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào sau đây, người đó nên gọi 115 hoặc đưa bạn đi cấp cứu ngay lập tức.[4][2]
    • Sốt cao từ 38°C trở lên
    • Co giật
    • Ảo giác hình ảnh hoặc âm thanh
    • Nôn liên tục, dữ dội hoặc nôn ra dịch khi không có gì trong bụng
    • Kích động cực độ hoặc bộc phát hành vi bạo lực
    • DTs
  5. Dự trữ thức ăn và nước uống. Bạn có thể không đủ khỏe để ra khỏi nhà, và người chăm sóc bạn thì không nên để bạn một mình trong vài ngày đầu. Vì vậy, dự trữ thực phẩm tươi sống và nước uống cho vài ngày là rất quan trọng. Ướp lạnh các phần thức ăn nhỏ sẽ giúp bạn chuẩn bị bữa ăn dễ dàng hơn khi không được khỏe. Bạn cũng cần những thực phẩm có lợi cho sức khỏe để bù đắp chất dinh dưỡng bị tiêu hao trong quá trình cắt cơn nghiện rượu. Sau đây là một vài sự lựa chọn tốt:[6]
    • Trái cây và rau tươi.
    • Thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá và bơ đậu phộng.
    • Yến mạch, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
    • Món súp. Trong giai đoạn này thường mất cảm giác ngon miệng, vì vậy thức ăn lỏng như súp giúp bạn dễ ăn hơn.
    • Thực phẩm bổ sung vitamin. Người nghiện rượu thường thiếu vitamin, vì vậy để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, bạn nên bổ sung chúng, đặc biệt là vitamine B, C và Magiê. Lưu ý chỉ sử dụng thực phẩm bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
  6. Xin nghỉ việc ít nhất một tuần. Trong quá trình cắt cơn, bạn sẽ không đủ sức khỏe để làm việc. Triệu chứng nặng nhất có thể sẽ mất đến 7 ngày để thuyên giảm, vì vậy nếu bạn bắt đầu vào thứ bảy, nên chuẩn bị xin nghỉ việc và ở nhà trong một tuần liền sau đó.[3]Nếu cần thiết, nhờ bác sĩ xác nhận đơn xin nghỉ ốm.

Quá trình Cắt cơn[sửa]

  1. Viết thư cho chính mình. Trong những giờ đầu cắt cơn, bạn nên viết một lá thư để nhắn nhủ chính mình về lý do bạn muốn bỏ rượu và những điều bạn hi vọng. Khi các triệu chứng thể chất trở nên dữ dội hơn, bạn có thể đọc lá thư đó để có thêm động lực.[3] Bạn muốn là người như thế nào? Bạn xấu hổ về điều gì? Không nên tránh né những cảm xúc tiêu cực. Viết ra lý do bạn bỏ rượu vì ai, bạn từng làm tổn thương ai, bạn đã làm tổn thương chính mình và người bạn yêu thương ra sao. Viết ra các giá trị sống bạn hướng đến và lý do.
  2. Luyện tập kỹ thuật “kiểm soát”. Kỹ thuật này tương tự sự tập trung cao độ, được nghiên cứu để hỗ trợ người cai rượu vượt qua cơn nghiện bằng cách tập trung vào thời điểm hiện tại.[7] Khi cơn nghiện kéo đến, sử dụng giác quan để kiểm soát bản thân bằng cách chú tâm vào những gì ngay trước mặt bạn. Bạn có thể luân phiên giữa các kỹ thuật nếu một trong số chúng không hiệu quả. Luyện tập như sau:
    • Không đánh giá, chỉ miêu tả chi tiết môi trường xung quanh bạn. Ví dụ như, bạn có thể thấy tấm thảm dày và mềm, tường màu xanh, vết nứt trên trần nhà, và bầu không khí trong lành.
    • Đánh lạc hướng cơn thèm rượu bằng cách đọc tên theo chủ đề, ví dụ như tên các loại trái cây, hoặc tên các quốc gia theo thứ tự bảng chữ cái.
    • Kiểm soát cơ thể bằng cách thực hiện động tác thể dục đơn giản, hoặc vuốt bàn tay qua bề mặt xù xì.
    • Nghĩ về những điều vui vẻ như các món ăn hay nhân vật truyền hình bạn yêu thích.
    • Nghĩ trong đầu hoặc tuyên bố thật to “tôi đã làm được”, để giúp bạn đương đầu với cơn thèm rượu.
  3. Uống nhiều nước. Giai đoạn cắt cơn thường gây ra nôn mửa và tiêu chảy, làm bạn dễ bị mất nước. Hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ nước đề bù vào lượng mất đi. Bạn cũng có thể dùng nước uống thể thao để bổ sung chất điện giải, nhưng chỉ dùng hạn chế từ 1 đến 2 chai mỗi ngày, vì nếu uống nhiều, lượng đường cao trong loại thức uống này có thể làm tình trạng của bạn tệ hơn.[3]
  4. Ăn nhiều nhất có thể. Mặc dù không cảm thấy ngon miệng, bạn vẫn cần dinh dưỡng để vượt qua giai đoạn này. Không nên cố ăn thật nhiều một lúc, như vậy sẽ làm bạn mệt mỏi. Chỉ cần bổ sung dinh dưỡng thường xuyên và dùng thức ăn bạn đã dự trữ nếu bạn quá yếu để đi ra ngoài. Thay vì ăn qua loa, bạn nên dùng những thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để bù đắp cho cơ thể trong quá trình cai rượu. [3]
  5. Hít thở không khí trong lành. Ở mãi trong phòng sẽ làm bạn mệt mỏi hơn. Ra ngoài vài phút để đón ánh nắng cùng không khí trong lành có thể giúp bạn khỏe khoắn hơn.[3]
  6. Tập thể dục. Mặc dù không đủ sức để chạy bộ hay nâng tạ, bạn vẫn nên hoạt động nhiều nhất có thể, vì ngồi yên một chỗ sẽ làm sức khỏe và tinh thần của bạn tệ hơn. Hoạt động thân thể giúp giải phóng hóc môn endorphin, chống lại trầm cảm và sự lo lắng do quá trình cắt cơn gây ra. Thỉnh thoảng bạn nên đi bộ một đoạn ngắn, hoặc vươn vai duỗi thẳng để cảm thấy khỏe hơn.[3]
  7. Đánh giá tình trạng của bạn. Nói chuyện với người hỗ trợ thường xuyên để họ có thể nắm được tình trạng của bạn. Việc này không chỉ giúp bạn khuây khỏa, mà còn để người đó có thể gọi trợ giúp y tế khi cần thiết.
  8. Cân nhắc sự trợ giúp chuyên nghiệp nếu bạn phải thực hiện lại việc cắt cơn. Do hội chứng cai rượu tác động lên cả thể chất và tinh thần, người ta thường bỏ cuộc trong giai đoạn này. Như vậy không có nghĩa là bạn yếu đuối, chỉ cần nỗ lực lại lần nữa. Trong trường hợp đó, bạn cần có sự giám sát chuyên nghiệp. Bạn nên xem xét việc tham gia trung tâm cai nghiện để giúp bạn vượt qua giai đoạn này.[2]

Sau khi Cắt cơn[sửa]

  1. Lường trước những ảnh hưởng kéo dài. Hội chứng cai rượu thường biến mất sau một tuần, nhưng một số triệu chứng vẫn có thể kéo dài trong vài tuần, như dễ bị kích động, đau đầu, và buồn nôn.[2]
  2. Tìm kiếm sự tư vấn tâm lý. Người nghiện rượu trong giai đoạn hồi phục thường chịu đựng trầm cảm, lo lắng, và hàng loạt vấn đề tinh thần khác. Vì vậy việc giải quyết chúng với bác sĩ chuyên khoa hay chuyên gia tư vấn là rất quan trọng. Nếu bạn đã cắt cơn nhưng không giải quyết được vấn đề tinh thần thì khả năng bạn tái nghiện là rất cao.
  3. Tham gia nhóm hỗ trợ. Dù cho cắt cơn thành công, bạn vẫn cần một mạng lưới hỗ trợ để vượt qua cuộc chiến dai dẳng với rượu. Ngoài gia đình và bạn bè, nhóm hỗ trợ là rất cần thiết. Vì họ từng trải qua cùng hoàn cảnh nên có thể cho bạn lời khuyên và sự hỗ trợ. Gọi cho họ khi bạn cảm thấy vật vã hoặc cần bất kỳ sự giúp đỡ nào.[2]
  4. Tìm thú vui và sở thích mới. Hoạt động trong quá khứ của bạn có lẽ thường liên quan đến rượu, vì vậy để có cuộc sống lành mạnh hơn bạn nên tham gia các hoạt động mới.[2]
    • Nghĩ về những điều bạn từng yêu thích, nhưng lâu rồi bạn không làm. Việc khơi dậy thú vui cũ cũng là cách tuyệt vời giúp đầu óc bạn tích cực hơn.
    • Bạn cũng nên tham gia các hoạt động giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, như công việc tình nguyện.
  5. Tránh dùng chất gây nghiện thay thế. Người cai rượu trong quá trình hồi phục thường dùng chất khác để thay thế như cafêin hay thuốc lá. Các chất gây nghiện này cũng có thể gây hại, vì vậy thay vì sử dụng chúng, bạn cần tập trung vào việc sống cuộc sống lành mạnh hơn.
  6. Chế ngự cơn thèm rượu. Người cai rượu không thể tránh khỏi cảm giác thèm rượu, vì vậy có vài cách bạn có thể dùng để chế ngự nó và tránh tái nghiện.[2]
    • Tránh xa nguồn cám dỗ. Nếu ai đó, nơi nào đó hoặc tình huống nào đó làm bạn thấy thèm rượu, hãy tránh thật xa. Nếu bạn bè cũ cứ ép bạn phải uống rượu, bạn nên loại bỏ họ ra khỏi cuộc sống của bạn.
    • Tập nói “không”. Sẽ không thể nào tránh được mọi tình huống liên quan đến rượu, vì vậy bạn nên chuẩn bị tinh thần để từ chối khi được mời.
    • Đánh lạc hướng cơn thèm rượu bằng cách đi bộ, nghe nhạc, lái xe đi chơi, hoặc bất kỳ hoạt động nào giúp bạn quên đi rượu.
    • Trò chuyện với ai đó. Cởi mở về tình trạng của bạn, không cần phải giấu họ. Nếu bạn có người hỗ trợ cai rượu hay tư vấn, bạn nên trò chuyện với họ bất cứ khi nào bạn lên cơn thèm hoặc cảm thấy không đủ nghị lực.
    • Tự nhắc nhở bản thân tại sao bạn bỏ rượu. Khi thèm rượu, bạn nên nghĩ về việc cai rượu khó như thế nào và lý do khiến bạn làm điều đó.
  7. Lường trước thất bại. Thật không may những người nghiện rượu đang hồi phục thường dùng rượu lại. Nhưng nên nhớ tái phạm một lần không có nghĩa là bạn đã thất bại. Hãy sử dụng tất cả kỹ năng mà bạn đã học được trong suốt hành trình để vượt qua chuyện này.[2]
    • Dừng uống ngay lập tức và tránh xa bất cứ nơi nào bạn từng uống.
    • Gọi cho người hỗ trợ hoặc một người bạn và kể họ chuyện đã xảy ra.
    • Nhớ rằng một bước lùi nhỏ không thể hủy hoại tất cả sự tiến bộ của bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Chỉ được tự cắt cơn khi có sự tư vấn của bác sĩ. Họ có thể đánh giá tình hình và xác định xem bạn có nguy cơ gặp biến chứng nặng hay không. Nếu có, bạn chắc chắn phải thực hiện việc cắt cơn tại cơ sở y tế.
  • Không cố gắng cắt cơn một mình, vì như vậy rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Hãy chắc chắn rằng bạn có người bên cạnh trong ít nhất 3 ngày đầu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây