Thành công trong cuộc sống

Từ VLOS
(đổi hướng từ Thành công Trong Cuộc sống)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cho dù bạn bao nhiêu tuổi, sống ở đâu, mục tiêu sự nghiệp là gì, mục đích cuối cùng trong cuộc sống của chúng ta chắc hẳn vẫn là hạnh phúc và thành công. Hãy đọc bài viết này để biết cách đạt được thành công trong cuộc sống bên ngoài (hoàn cảnh sống) và cả đời sống nội tâm (hạnh phúc về tình cảm).

Các bước[sửa]

Thành công Trong Cuộc sống Bên Ngoài[sửa]

  1. Xác định niềm đam mê. Trước khi tiến đến thành công, bạn phải định nghĩa thành công là gì đối với mình. Dù có thể phải mất nhiều năm mới biết được điều mình muốn làm trong cuộc sống, nhưng việc xác định những đam mê, mối quan tâm và những giá trị sẽ giúp bạn đặt ra mục tiêu và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Bạn hãy tự hỏi bản thân những điều sau đây:
    • Bạn muốn gia sản để lại của mình là gì?
    • Bạn muốn mọi người nhớ về bạn như thế nào?
    • Bạn muốn làm cho cộng đồng của mình trở thành một nơi tốt đẹp như thế nào?
    • Những điều gì làm bạn thích thú trong cuộc sống?
  2. Lên một danh sách những mục tiêu và việc mà bạn có thể làm để đạt được những mục tiêu đó. Chú ý xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; cố gắng suy nghĩ vượt ra khỏi những mục tiêu về tài chính/ sự nghiệp.
    • Suy nghĩ về những môn học bạn đã từng thích thú khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và lý do tại sao. Việc này có thể cho bạn ý tưởng về những việc mà bạn có thể làm giỏi nhất hoặc yêu thích hơn.
  3. Sống có mục đích. Để đạt được những giấc mơ và trở thành người mình muốn, bạn sẽ phải chú ý đến những hành động của mình. Bạn hãy tự hỏi bản thân rằng, những điều bạn đang làm có đưa bạn đến nơi bạn muốn đến trong cuộc sống không?
    • Nếu cảm thấy luôn buồn chán, mơ tưởng hão huyền về tương lai hay quá khứ, hoặc chỉ biết đếm ngược thời gian cho đến hết ngày, có lẽ bạn đã mất kết nối với những việc mình đang làm. Hãy cân nhắc đến việc chuyển đổi nghề nghiệp hoặc ngành học sang một lĩnh vực mà bạn thích. Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng điều này có thể đem đến những thay đổi mà bạn chưa nghĩ đến. Công việc đó có đem lại thu nhập đủ sống không? Liệu rằng sau cùng bạn cũng sẽ chán với nó không? Bạn có thực sự muốn gắn bó với công việc đó không?
    • Yêu mến thời gian của mình. Bạn hãy cố gắng dành những lúc rảnh rỗi để làm những điều bạn thích hơn là bỏ phí thời gian. Ví dụ, thay vì cuối tuần chỉ biết ngồi xem ti vi, bạn hãy chia sẻ những sở thích của mình hoặc ở bên cạnh những người thân yêu.
    • Nhớ rằng khái niệm "thời gian bỏ phí" chỉ là tương đối. Không nhất định là việc gì bạn làm cũng phải có ích theo nghĩa thông thường, mà nó phải hấp dẫn và đem lại sự thích thú cho bạn.
  4. Học tập. Học tập cho bạn kiến thức, kỹ năng và sự tín nhiệm, giúp bạn tận dụng tối đa tiềm năng của mình. Trong lĩnh vực thành công về tài chính, các con số thống kê cho biết bạn càng học nhiều (bằng cấp bạn đạt được càng cao) thì dường như bạn càng kiếm được nhiều tiền.
    • Trong năm 2011 ở Mỹ, thu nhập trung bình một tuần của người tốt nghiệp trung học là 638 USD, trong khi người có bằng cử nhân là 1053. Cũng năm đó, những người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ kiếm được 1263 USD và 1551 USD.
    • Hình thức giáo dục không nhất định phải là chính quy. Những chương trình học nghề và huấn luyện dài hạn cũng có tác động tích cực đến thu nhập.
  5. Quản lý tài chính. Việc biết cách quản lý tiền bạc sẽ giúp bạn đảm bảo sự ổn định tài chính lâu dài, bất kể thu nhập của bạn nhiều hay ít.
    • Theo dõi chi tiêu của bạn. Thường xuyên kiểm tra sao kê của ngân hàng và lưu ý bạn đã tiêu tiền vào việc gì. Nếu sử dụng dịch vụ ngân hàng online, bạn cũng nên chú ý giữ hồ sơ cá nhân của mình. Điều này sẽ giúp bạn tránh tiêu pha quá mức và đảm bảo sao kê của ngân hàng là chính xác.
    • Biết rõ về thu nhập của bạn. Khi tính toán số tiền thu nhập, bạn nhớ trừ đi các khoản thuế và bảo hiểm phải đóng. Con số tính ra sẽ là thu nhập thực mà bạn có thể đem về nhà.
    • Ưu tiên những khoản chi. Ưu tiên hàng đầu của bạn sẽ là những khoản chi thiết yếu như thức ăn, chỗ ở và quần áo. Bạn đừng tiêu pha vào những thứ xa xỉ như quần áo đắt tiền, xe sang hoặc các kỳ nghỉ xa hoa trước khi những nhu cầu thiết yếu đã được đáp ứng đầy đủ. Bạn hãy thành thật với bản thân và phân biệt giữa những nhu cầu cơ bản và những thứ xa xỉ.
    • Tiết kiệm tiền. Mỗi tháng bạn nên bỏ một số tiền vào tài khoản tiết kiệm. Bạn có thể đề nghị chủ lao động trả trực tiếp một phần lương của bạn vào tài khoản tiết kiệm đó.
  6. Quản lý thời gian. Việc cứ lần lữa để những nhiệm vụ quan trọng đến phút cuối có thể gây cho bạn những áp lực không đáng có và tăng khả năng phạm sai sót. Bạn nên quản lý thời gian của mình sao cho có đủ thì giờ hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả.
    • Lập bản kế hoạch điện tử hoặc trên giấy để tổ chức công việc hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng.
    • Liệt kê những thứ bạn cần làm trong ngày và kiểm tra từng nhiệm vụ khi đã hoàn thành. Việc này sẽ giúp bạn có tổ chức và có động lực.

Thành công Trong Đời sống Nội tâm[sửa]

  1. Tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Nếu cứ mãi gặm nhấm quá khứ hoăc mơ mộng về tương lai, bạn sẽ bỏ lỡ những phút giây hiện tại. Hãy nhớ rằng quá khứ và tương lai chỉ là những ảo ảnh, cuộc sống thực sự của bạn đang ở đây, ngay lúc này.
    • Bắt đầu chú ý đến những ý nghĩ tiêu cực, qua đó bạn có thể học cách để chúng ngủ yên và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Nếu một ý nghĩ tiêu cực hiện lên trong đầu, bạn hãy gắn nhãn cho nó là tiêu cực, và để nó phai nhạt đi.
    • Tập thói quen để tâm đến những chi tiết nho nhỏ trong cuộc sống quanh bạn. Cảm nhận ánh mặt trời trên da, cảm giác bàn chân bước trên mặt đất, những tác phẩm nghệ thuật bày trong nhà hàng bạn đang ngồi ăn. Khi chú ý đến những điều như vậy, bạn có thể khiến tâm trí ngừng đi lan man và trân trọng từng phút giây hiện tại.
  2. Không so sánh cuộc sống của bạn với cuộc sống của những người khác. Không may là có nhiều người đánh giá thành công của mình bằng cách so sánh với những người xung quanh. Nếu muốn có cảm giác thành đạt và hạnh phúc, bạn sẽ phải ngừng so sánh cuộc sống của mình và của người khác.
    • Nhiều người có xu hướng so sánh những điểm trừ trong cuộc sống của mình với những điểm cộng trong cuộc sống của người khác. Bạn hãy nhớ rằng, cho dù cuộc sống của ai đó có vẻ hoàn hảo đến thế nào, đằng sau cánh cửa đóng kín kia, ai cũng phải đối mặt với những đau khổ, bất an và những khó khăn khác nữa.
    • Thay vì so sánh mình với những người “sướng” hơn mình, bạn hãy nghĩ về những người không nhà cửa, người bệnh tật triền miên hoặc sống trong nghèo khổ. Điều này sẽ giúp bạn trân trọng những gì mình có hơn là cứ mãi thương thân.
  3. Hãy đong đếm những gì bạn có. Cho dù có thành công đến thế nào, bạn cũng sẽ không thể hạnh phúc nếu chỉ luôn chú ý vào những thứ bạn không có. Thay vì vậy, mỗi ngày bạn nên dành thời gian đánh giá những gì bạn có. Hãy suy nghĩ vượt ra khỏi những giá trị vật chất; trân trọng những điều bạn yêu quý và nhớ về những phút giây hạnh phúc.
  4. Chăm sóc sức khỏe. Một cơ thể khỏe khoắn mang một tâm hồn lành mạnh. Hãy áp dụng một chế độ ăn cân bằng và chú ý không để thiếu những dưỡng chất thiết yếu. Xác định nguyên nhân những vấn đề mà bạn có thể gặp phải như thiếu năng lượng hoặc thiếu tập trung và tham khảo bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia về sức khỏe. Bạn cũng nên tích cực tập thể dục, nhưng hãy chọn những môn bạn yêu thích hơn là những môn bạn cảm thấy phải tập nhưng không thích.

Đặt Mình Vào Môi trường Thích hợp[sửa]

  1. Môi trường. Môi trường xung quanh có tác động to lớn lên chúng ta trên nhiều phương diện ý thức (tiềm thức và vô thức). Môi trường bao gồm nơi ta sinh sống, bạn bè ta có, những điều ta được đọc, những người ta gặp, và còn nhiều thứ khác nữa. Môi trường có tính lây lan. Thomas A Edison nói rằng, ông trở thành một nhà phát minh thành công là nhờ ông đã làm bạn với những người thông minh hơn ông nhiều[1] và như vậy ông có thể học được từ họ. Phần lớn những ý nghĩ của chúng ta xuất hiện như một phản ứng[2] với môi trường đang tác động lên chúng ta.
    • Thử thực hành thí nghiệm này. Bạn hãy thỉnh thoảng giao du với những người cờ bạc, hoặc say mê thứ gì đó rồi để ý những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bạn có nhận thấy rằng mình cảm thấy thanh thản và yên bình khi ở bên một hồ nước thơ mộng hoặc một quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp?
  2. Môi trường vĩ mô. Những yếu tố chiếm phần lớn thời gian của chúng ta đều nằm trong môi trường vĩ mô. Đó là nơi bạn sống, nơi bạn làm việc, là những đồng nghiệp, bạn bè, v.v… chiếm hầu hết thời gian của bạn. Tất cả đều là thành phần của môi trường vĩ mô. Điều vô cùng quan trọng là bạn phải đặt mình vào một môi trường vĩ mô, trong đó bạn liên tục được thúc đẩy hướng đến thành công. Điều này bao gồm cả bạn, nếu bạn dành nhiều thời gian cho bản thân mình (trong trường hợp này, bạn chính là môi trường), bộ não của bạn sẽ phản ứng lại, và như vậy hầu như chắc chắn rằng bạn sẽ có những suy nghĩ tác động trở lại, trừ khi bạn thay đổi môi trường.
  3. Môi trường vi mô. Đây là những đối tượng không chiếm nhiều thời gian của chúng ta, ví dụ như quán cà phê, những người quen sơ, cửa hàng thực phẩm, những người mới gặp ở quán bar, v.v… Môi trường vi mô không tác động lâu dài đến bạn, trừ khi bạn chuyển nó thành môi trường vĩ mô.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy giữ niềm say mê với những thứ truyền cảm hứng cho bạn: âm nhạc, nhiếp ảnh, thời trang, v.v… Không gì có thể khơi gợi ngọn lửa nhiệt tình trong bạn hơn là nguồn cảm hứng tràn trề.
  • Việc có những hình mẫu tích cực trong cuộc sống sẽ giúp bạn có động lực và dẫn bạn đi đúng hướng. Hình mẫu đó có thể là một người mà bạn biết hoặc không. Hãy tìm hiểu về câu chuyện cuộc đời họ và cố gắng làm theo những nguyên tắc đạo đức của họ.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng bao giờ ghen tỵ với những thành quả của người khác mà hãy làm việc tích cực để vươn lên những tầm cao hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây