Thảo luận:Nền giáo dục Thụy Điển tiên tiến nhất thế giới hiện nay?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Người Thụy Điển có một cái "luật" như vậy (Jante lagen) thật: Never think you are better than others. Nhưng trong thế hệ những người Thụy Điển hiện đại, nhiều người cũng không ngần ngại khẳng định bản thân họ và cho rằng, Jante lagen làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, rằng điều đó không khuyến khích cạnh tranh và khiến triệt tiêu khả năng phát triển của từng cá nhân. Nhưng cũng thật hay cái luật này không dẫn đến một xã hội bình quân chủ nghĩa và cào bằng mọi giá trị. Người Thụy ĐIển có chăng chỉ hơi e dè và không ưa thể hiện bản thân mà thôi. Nếu các bác viết 1 cái đơn xin việc kèm sơ yếu lí lịch kiểu Mỹ (tôi là số một, tôi là ứng viên tốt nhất, tôi đứng đầu...) thì nói chung là bác thất nghiệp. Người ta sẵn lòng chọn một người đứng thứ 5 thứ 3 nhưng dễ dàng hòa nhập với cả nhóm làm việc và có khả năng phát triển tốt cùng nhóm thay vì một cá nhân chỉ xuất sắc một mình. Với rất nhiều người Thụy Điển, việc để người khác phục dịch mình (cho dù đó là dịch vụ) cũng là hết sức kỳ quoặc. Một ông bộ trưởng cũng hàng ngày đi tàu điện đi làm, hết nhiệm kỳ làm việc lại về với công việc cũ như một người bình thường. Thủ tướng ốm cũng ra trạm y tế gần nhà khám bệnh và xếp hàng lấy số thứ tự như mọi người thôi. Không vì anh là chính khách mà anh to hơn, quan trọng hơn được ưu tiên hơn tôi là người lái xe bus. Vì thế mới có chuyện Thủ tướng Olof Palmer bị ám sát khi ông đi xem phim về, hay ngoại trưởng Anna Lindh bị sát hại khi đang đi shopping. Em đố bác nào gặp bác Dũng chở vợ đi chơi ngoài phố như các bác bố ở WTT đấy.

Về phần giáo dục, em không biết nghiên cứu này được thực hiện từ khi nào nhưng có nhiều điểm em thấy không được cập nhật. Ví dụ ở bậc trung học (Gymnasiet - high school), theo quy định từ 2007, bọn trẻ học 8 môn bắt buộc, tương đương với 600 điểm: tiếng Thụy Điển, Toán, tiếng Anh, Project work (4 môn này mỗi môn 100 điểm, tương đương với việc học mỗi tuần tối thiểu 2 tiết, mỗi tiết 120 phút trong 1 học kỳ), khoa học tôn giáo, kiến thức xã hội, lịch sử, giáo dục thể chất (4 môn này mỗi môn 50 điểm). Ngoài 8 môn hạt nhân 600 điểm này, bọn trẻ tùy theo định hướng phân ban/ngành nghề sẽ học ở đại học và làm việc trong tương lại để chọn lựa học các môn khác. Để tốt nghiệp trung học và được xét tuyển vào đại học, các em phải học đủ 2500 điểm. Chính vì thế mà khối lượng học của chúng không hề ít và yêu cầu về điểm thi phải cao đều ở tất cả các môn học thì cơ hội được vào đại học mới cao. Mỗi môn xuất sắc lại được tính 20 điểm, đỗ giỏi - 15, đỗ - 10. Các trường tốt, chương trình đào tạo tốt có thể yêu cầu điểm trung bình từ 18 trở lên.

Người Thụy Điển ưa dân chủ và bất kỳ vấn đề gì cũng được họ thảo luận rất lâu trước khi quyết định. Riêng chuyện cho điểm như thế nào (tương đồng với hệ thống điểm của EU hay giữ kiểu cho điểm của Thụy Điển với 4 mức: trượt, đỗ, đỗ giỏi và xuất sắc) người ta cũng trình qua trình lại trước quốc hội mà mãi chưa thông qua. Bọn trẻ nhỏ nhít từ lớp 1 đã phải làm quen với việc họp hành, thảo luận, biểu quyết và một khi chúng đã biểu quyết thì quyết định của chúng sẽ được thực hiện cho dù kết quả đó không thật như cô giáo hay bố mẹ mong muốn. Hội đồng nhà trường không chỉ có giáo viên mà có cả đại biểu của học sinh từ mọi lớp học. Điểm quan trọng là người ta lắng nghe ý kiến của bọn trẻ và chúng thực sự đóng góp vào việc phát triển nhà trường. Ví dụ Kiki được tham gia hội đồng học sinh và kiến nghị với nhà trường về chất lượng vệ sinh trong phòng tắm/thay đồ trong nhà tập thể thao của trường. Sau đó nhà trường đã có thay đổi, thuê công ty khác dọn dẹp, nhắc nhở nội quy vào từng lớp học và từng câu lạc bộ thể thao, nhắc mọi người giữ vệ sinh tốt hơn. Mình quả thực là không mong đợi ý kiến của 1 thằng cu nhập cư 7 tuổi được tôn trọng đến như thế.

Trường học của Thụy Điển theo như mình nhận xét thì khá tự do. Mình không thấy có những thầy giám thị hay đội cờ đỏ ở trong trường. Học sinh của họ thì khá là ngoan nhưng dù sao cũng là trẻ con nên cũng đủ thứ lộn xộn. Nhưng quan điểm giáo dục của họ là như vậy. Bọn trẻ đầu năm được nhận một bản nội quy mang về nhà nghiền ngẫm cùng bố mẹ. Sau khi đọc xong, nếu không có ý kiến gì thì ký vào đó, coi như một thứ cam kết sẽ thực hiện đúng nội quy. Nếu có ý kiến thì cũng ghi vào đó, đem đến trường thảo luận với trước hết là thầy cô trực tiếp phụ trách, hoặc là với hiệu trưởng nếu đó là vấn đề lớn. Không co chuyện chúng buộc phải tuân thủ các quy định khi mà chúng không hiểu, không thông. NHiều quy định của trường Kiki do học sinh đề xuất và cùng nhau thực hiện. Cũng chính vì thế nên trong trường cảm giác thấy bọn chúng khá là tự do thoải mái, thay vì rất là răm rắp, kỷ luật. Bạn nào vi phạm thì trước hết là các bạn khác có ý kiến, nhắc nhau trước. Sau đó mới viện đến thầy cô để nhắc nhở. Rất nhiều "tội lỗi" của con ở trường phạm phải bố mẹ không hề biết. Chỉ đến khi họp phụ huynh (tên gọi chính thức là buổi thảo luận về sự tiến bộ của học sinh) cô giáo mới kể lại như một ví dụ về "ngày xưa" để so với sự tiến bộ của "ngày nay", chứ không phải với ý nghĩa là kể tội trẻ con. Cô giáo nói rằng những lỗi đó con đã hiểu ra và không mắc lại nữa rồi. Thầy cô ở đây mình thấy rõ ràng là nhẫn nại. Luật lệ, quy định là cái cuối cùng họ viện ra để thuyết phục bọn trẻ con làm điều đúng. Trước đó, họ lắng nghe bọn trẻ nói lý do tại sao chúng hành xử như vậy rồi giải thích tại sao như thế lại là không nên và đúng ra chúng nên xử sự thế nào. Với quy mô một lớp trung bình 20 học sinh, 1 thầy cô giáo chủ nhiệm và 4-8 thầy cô giáo bộ môn (kèm theo nhóm giáo viên ngoại khóa, hỗ trợ đặc biệt...) thầy cô giáo nhìn chung là có đủ điều kiện để quan tâm đến từng bạn.

Cái gọi là "utveckling samtal" - nôm na là họp phụ huynh cũng được, theo mình là cái rất thú vị. Ngay từ khi con bạn học nhà trẻ (từ 12 tháng), bạn đã làm quen với thứ này. Cho đến trước khi bạn về hưu, bạn vẫn sẽ có buổi thảo luận này với cấp trên, đồng nghiệp của bạn. Trước đây, mình chờ đợi họp phụ huynh là buổi trao đổi riêng giữa thầy cô giáo và bố mẹ, bàn cách "chống lại mafia". Nhưng buổi họp phụ huynh đầu tiên của Kiki khiến mình ngạc nhiên. Kiki là nhân vật chính, tự trình bày các "vấn đề" của mình, các tiến bộ đạt được và các nguyện vọng của con trong việc học hành, sự quan tâm của thầy cô và bố mẹ. Cô giáo chỉ là người gợi mở, dẫn dắt, bố mẹ tham giao trao đổi, trả lời câu hỏi, còn thì Kiki làm là chính. Trước buổi họp khoảng 2 tuần, cô giáo phát cho một bảng câu hỏi để cả nhà cùng suy nghĩ. Khi chưa biết viết, Kiki tự vẽ smileys vào đó để bày tỏ ý kiến của mình. Mình thấy cách làm này giúp bọn trẻ nghiêm túc và có trách nhiệm với bản thân. Tuy vậy, vai trò định hướng của cha mẹ và thầy cô là cực kỳ quan trọng. Các nội dung theo kiểu họp phụ huynh truyền thống như ở ta thì được thầy cô gửi đến bố mẹ hàng tuần bằng thư. Bất kỳ khi nào có câu hỏi, bố mẹ có thể liên hệ, hẹn gặp thầy cô để nói chuyện hoặc ngược lại. (trời ạ, con mình đi học 1 tháng, mình được cô giáo mời đến 4 lần).

Một cải cách hiện nay của chính phủ cầm quyền đang bị chỉ trích là "khoán" hoàn toàn các trường về cho quận (như bài viết trên gọi là học khu). Điều này dẫn đến sự không đồng đều về chất lượng giáo dục mà Cục Nhà trường (Cơ quan thuộc chính phủ - bên cạnh bộ Giáo dục) cảnh báo. Quận giàu thì bọn trẻ được học hành tử tế hơn, nhiều hoạt động ngoại khóa, cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên vừa giỏi vừa đông. Học sinh có nhiều chọn và nhận được nhiều trợ giúp đến từng học sinh... Quận nghèo thì chỉ co kéo sao cho đủ tiền mà phủ mạng lưới giáo dục, không đầu tư nâng cao chất lượng học tập được. Rất nhiều người quen cuả mình chuyển nhà chỉ vì lí do học hành của con (hihihi, thế mới thấy hệ thống trường trái tuyến của ta thật ưu việt. Ở đây thì đừng có mơ học trái tuyến. Không có tiêu cực phí, mình xếp hàng cho con vào một trường tạm coi là rất tốt, nhiều bố mẹ nhắm nhe cho con và nhận số thứ tự 1530, trong khi mỗi năm nhà trường nhận có 120 học sinh. Khi trường xét tuyển, ưu tiên số một là đúng tuyến, thứ 2 là có anh chị em ruột đang học tại trường, thứ 3 mới đến cái số thứ tự xếp hàng). Trường công trường tư, đúng tuyến trái tuyến gì thì học phí cũng bằng nhau, chỗ còn lại nhà trường nhận được từ quận theo số lượng học sinh học tại trường. Chính vì thế, các bộ mẹ lại càng lao vào những trường mà nhân dân xếp hàng đông đảo mà đâm đơn cho con vì như thế, trường có nhiều tiền đầu tư cơ sở vật chất và giáo dục. Trường nào vắng vẻ đìu hiu thì lại càng hẻo về kinh phí, chất lượng giáo dục có thể vì thế mà bị ảnh hưởng.

Nói cho công bằng, chẳng có hệ thống nào là hoàn hảo. Hệ thống của Thụy Điển tốt với hoàn cảnh của Thụy Điển thôi và ngay cả nhân dân của họ cũng đang kêu ồi ồi về nhiều điểm. Hệ thống K-12 của các bác Mỹ có vấn đề gì đi nữa thì cũng vẫn là cái tốt nhất họ có thể làm ở thời điểm này vì nếu có thể làm tốt hơn thì chắc họ cũng chẳng ngại gì mà không làm. Tương tự như ở VN, tuy mọi người ra rả chỉ trích thì không vì thế mà cả hệ thống thay đổi hết trong năm học tới. Phụ huynh chúng mình ở đâu thì cũng phải tìm cách gạn đục khơi trong cho con cái mình được hưởng lợi tốt nhất từ cái hệ thống mà mình lựa chọn thôi. Ở chỗ nào đục nhiều hơn trong thì công cuộc giáo dục của bố mẹ vất vả hơn nhiều, vậy thôi.

Sue-Kiki

Nguyenthephuc viết ...[sửa]

Không rõ nghiên cứu này được thực hiện vào năm nào?

Nguyễn Thế Phúc thảo luận 03:48, ngày 13 tháng 12 năm 2009 (CET)