Thừa nhận mình có bạn trai với bố mẹ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có thể bạn chỉ là một cô gái mới lớn lần đầu có bạn trai, hoặc cho dù bạn đã lớn hơn một chút nhưng luôn gặp khó khăn khi muốn thông báo về việc mình có người yêu cho bố mẹ biết, đặc biệt khi bố mẹ bạn khó tính. Hoặc có khi bạn là con trai nhưng không biết làm sao nói cho bố mẹ biết mình bị đồng tính. Bất kể bằng cách nào thì việc thú nhận với bố mẹ mình có bạn trai cũng rất đáng lo, nhưng nếu bạn tiếp cận chủ đề một cách phù hợp, có thể họ sẽ sẵn lòng chấp nhận tin tức đó. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ họ thậm chí còn cảm thấy vui cho bạn. Sau đây là những gợi ý giúp bạn vượt qua nhiệm vụ này một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Các bước[sửa]

Tiết lộ tin tức[sửa]

  1. Suy nghĩ xem nên nói cho ai trước. Có thể bạn cảm thấy gần gũi hơn với bố hoặc mẹ, hoặc một trong hai người đó có khuynh hướng khoan dung hơn. Thông thường chia sẻ tin tức với người dễ tính hơn sẽ mở đường cho bạn nói chuyện với người còn lại.[1]
    • Ví dụ, nếu bạn là đứa "con gái rượu" của bố, nghĩa là có thể thuyết phục ông một cách dễ dàng, thì bạn nên bắt đầu nói với bố trước. Ngược lại nếu bố bạn có khuynh hướng bảo vệ bạn quá mức, khi đó hãy nói chuyện với mẹ trước.
    • Cách tiếp cận này đặc biệt hữu ích nếu bạn là một thiếu nữ lần đầu có bạn trai.
    • Mặt khác nếu cho rằng cả hai bố mẹ đều tiếp nhận thông tin như nhau, bạn cố gắng chịu đau để nói với cả hai người một lúc.
  2. Chọn thời điểm thích hợp. Bạn không nên nói chuyện với bố mẹ khi họ đang bận việc gì đó, hoặc khi họ không có tâm trạng tốt. Nếu muốn bạn có thể hỏi họ lúc nào thích hợp để nói chuyện. Cố gắng chọn thời điểm khi cả nhà đều thong thả, bố mẹ không bị căng thẳng hay xao nhãng bởi bất kì vấn đề gì.[2]
    • Tuy nhiên bạn không nên lợi dụng lý do phải chọn thời gian thích hợp để liên tục trì hoãn tiết lộ thông tin. Cuối cùng rồi bạn cũng phải nói ra nên tốt hơn không cần trì hoãn.
  3. Tập nói hay viết ra. Nếu sợ không nói được vì quá bối rối, bạn hoàn toàn nên viết ra những gì dự định nói, sau đó luyện tập nói trước gương. Như vậy khi thời khắc căng thẳng đến, bạn có thể nói ra vấn đề mà không ngắt quãng giữa chừng.[3]
  4. Xác định cảm xúc của mình. Bạn đang e ngại không muốn nói cho bố mẹ biết vì một lý do. Bạn có nghĩ bố mẹ sẽ nổi giận vì bạn đang hẹn hò? Có thể bạn nghĩ họ không tán thành người bạn đang quen, hoặc đơn giản chỉ là bạn muốn giữ kín chuyện riêng tư của mình. Cảm xúc của bạn là điều quan trọng vì bạn có thể sử dụng nó trong buổi nói chuyện.[3]
    • Ví dụ, nếu bạn cho rằng bố mẹ nghĩ mình vẫn chưa sẵn sàng cho chuyện hẹn hò thì có thể nói "Bố mẹ à, con có chuyện muốn nói. Con hơi ngại khi phải nói rằng con có bạn trai, vì con nghĩ bố mẹ vẫn xem con còn nhỏ.".
  5. Kết thúc vấn đề nhanh gọn. Sau khi ngồi xuống bạn chỉ cần nói ra vấn đề thật nhanh gọn, không nên nói vòng vo. Tuy nhiên bạn nên tìm lời lẽ mở đầu câu chuyện để làm dịu vấn đề. Ví dụ, bạn nên nói "Con rất yêu bố mẹ và con không muốn làm bố mẹ nổi giận. Và con cũng muốn nói thật về cuộc sống của mình. Con muốn thông báo về người bạn trai mà con đã bắt đầu hẹn hò.".
  6. Nói lý do vì sao bạn cảm thấy đã sẵn sàng cho chuyện hẹn hò. Nếu muốn thuyết phục bố mẹ về vấn đề này thì bạn phải nêu ra lý do vì sao bạn nghĩ mình đã đủ lớn để hẹn hò. Ví dụ, bạn nghĩ mình đủ tuổi có bạn trai vì đã học cấp ba, và hầu hết những bạn cùng lứa tuổi đã được phép hẹn hò. Tỏ ra có lý lẽ và không nổi giận nếu bố mẹ không đồng ý.[4]
    • Có lẽ bố mẹ bạn không chấp nhận lý do "Tất cả những người khác đều như vậy!". Tuy nhiên bạn có thể lấy các số liệu thống kê từ internet về tuổi trung bình mà người ta bắt đầu hẹn hò, và nêu ra những ví dụ cho thấy mình đã trưởng thành trong năm vừa qua.
  7. Sẵn lòng thương lượng. Nếu bố mẹ không đồng ý mà bạn muốn thuyết phục họ cho phép mình, bạn cần phải sẵn lòng thương lượng. Bạn có thể gợi ý rằng mình chỉ gặp bạn trai ở trường hoặc chỉ gặp người ấy khi có mặt các bạn khác trong nhóm. Bố mẹ chỉ muốn bảo vệ bạn nên bạn phải sẵn sàng hy sinh một phần tự do của mình.[5]
  8. Nói về người bạn trai. Kể cho bố mẹ nghe về bạn trai bạn. Cho họ biết về gia đình anh ấy và bạn thích gì ở người đó. Làm nổi bật những đặc điểm tốt của anh ta để họ hình dung người bạn đó thế nào. Cho họ xem hình anh ấy cũng là điều tốt.[1]
    • Bố mẹ bạn có lẽ sẽ đặt nhiều câu hỏi. Bạn nên trả lời mọi câu hỏi một cách trung thực và đầy đủ để làm họ yên tâm về mối quan hệ này. Nếu bạn cố gắng che giấu hoặc nói dối về điều gì, họ sẽ trở nên nghi ngờ và lo âu.
    • Nếu bạn trai có quan hệ tốt với gia đình anh ta thì bạn phải nói cho bố mẹ mình biết. Đặc điểm này là một điểm cộng lớn đối với các bậc cha mẹ vì nó cho thấy anh ta biết tôn trọng người khác và vì vậy sẽ xem trọng các sợi dây ràng buộc trong gia đình.
  9. Không cố gắng che giấu. Một trong những điều quan trọng nhất cần làm nếu bạn muốn bố mẹ chấp nhận người bạn trai là phải trực tiếp nói cho họ biết chuyện của mình. Nếu họ biết về mối quan hệ này từ một người khác, họ sẽ cho rằng bạn đang giấu vì bạn cảm thấy đang làm điều sai trái.[5]
    • Bạn nên cho họ biết cho dù chưa dự định đưa bạn trai về giới thiệu cho gia đình trong tương lai gần. Nguyên tắc chung là bạn nên thừa nhận mình có bạn trai càng sớm càng tốt. Tránh nói chuyện sẽ chỉ làm vấn đề càng khó hơn sau này, và tăng rủi ro bố mẹ bạn phát hiện ra câu chuyện từ một người khác.
    • Sau khi trưởng thành hơn và đã dọn ra ở riêng, bạn không nhất thiết phải nói ra từng người bạn trai mình quen. Chờ đến khi có một người bạn thật sự cảm thấy chắc chắn và nghiêm túc, khi đó hãy chính thức thông báo cho mọi người.

Đối phó với các tình huống đặc biệt[sửa]

  1. Hoãn đề cập những khuyết điểm. Nếu bạn biết điều gì đó ở bạn trai mà bố mẹ sẽ phiền lòng thì không nên bắt đầu buổi nói chuyện về vấn đề đó. Thay vào đó bạn nên chờ đến giữa hoặc cuối buổi nói chuyện hãy nói. Ví dụ, nếu bạn trai lớn hơn nhiều tuổi, bạn nên trì hoãn tiết lộ thông tin này cho đến gần cuối buổi nói chuyện.[1]
  2. Bố mẹ có thể thất vọng. Nếu bạn đang đi ngược lại mong muốn của bố mẹ thì chắc chắn họ sẽ buồn. Việc bạn phải làm là đối phó với cơn tức giận và thậm chí là nước mắt của họ, làm sao để họ hiểu được lý lẽ của bạn.[6]
  3. Phải chờ đợi. Có thể bố mẹ bạn cần một khoảng thời gian nhất định để làm quen với thông tin này. Nếu trong lúc bạn đang nói mà họ nổi giận và nói "không", họ có thể sẽ thay đổi quan điểm sau đó khi đã bớt giận. Dù thế nào bạn cũng phải tôn trọng sự thật rằng bạn cần duy trì mối quan hệ với bố mẹ mình, nghĩa là bạn không thể liệt họ vào danh sách người xấu chỉ vì họ không đồng ý.[6]

Thú nhận đồng tính với bố mẹ[sửa]

  1. Chờ đến lúc thích hợp. Đây là buổi nói chuyện khó khăn, đặc biệt nếu bạn không chắc bố mẹ mình sẽ phản ứng thế nào. Tốt hơn bạn nên chờ đến khi cảm thấy thoải mái về buổi nói chuyện này. Vấn đề sẽ không dễ dàng nếu bạn đang nghi ngờ về giới tính của mình, vì bố mẹ thường cố gắng thuyết phục rằng bạn không đồng tính.[7]
    • Nếu bạn tỏ ra lưỡng lự về giới tính của mình, họ sẽ đặt những câu hỏi như "Con có chắc không?". Thảo luận những thắc mắc của bạn với họ là chuyện bình thường, nhưng bạn nên biết họ thường sẽ hỏi bạn có chắc chắn về cảm xúc của mình không. Nếu bạn không chắc chắn thì nói chung vẫn ổn. Bây giờ có thể bạn có cảm xúc với một gã nào đó, và sau này lại quyết định thích phụ nữ. Giới tính có thể thay đổi theo thời gian.[8]
  2. Thử nghiệm trước. Tự nhận đồng tính với mọi người là chuyện khó, do đó bạn nên thú nhận với ai đó biết thông cảm trước. Chẳng hạn nếu bạn có một người bạn đồng tính hoặc biết ai đó ủng hộ người đồng tính, nói chuyện với họ về giới tính của bạn trước khi gặp bố mẹ. Lần thổ lộ đầu tiên rất khó khăn, vì vậy bạn thử nói ra với người khác trước để khi nói chuyện với bố mẹ thì bạn dễ mở lời hơn. Hơn nữa người đó có thể cho bạn lời khuyên nếu họ cũng bị đồng tính. Quan trọng là bạn phải hoàn toàn tin tưởng họ.[7]
  3. Trình bày những thông tin khách quan. Nếu bạn cần thuyết phục bố mẹ thì cố gắng trình bày cho họ nghe những thông tin khách quan về đồng tính luyến ái.[8] Có rất nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy về vấn đề đồng tính, chẳng hạn như trang web của Planned Parenthood về cộng đồng người đồng tính và chuyển giới.[9]
    • Bạn cũng nên chuẩn bị tài liệu cho họ xem hoặc cho địa chỉ trang web để họ tự tham khảo.[10]
  4. Cho họ thời gian. Nhiều bậc cha mẹ cần thời gian để thích nghi với tuyên bố mới này, vì hầu hết họ đều mong đợi con mình là nam hoặc nữ hoàn chỉnh, giờ đây họ phải thay đổi cách suy nghĩ về con người bạn. Cho bố mẹ bạn biết họ không nhất thiết phải chấp nhận sự thật ngay lúc đó.[10]
    • Ví dụ bạn có thể nói "Con biết đây là một thông tin rất quan trọng, và con hiểu bố mẹ cần thời gian để thích nghi với sự thật này.".
  5. Khi nào đó không phải là ý tưởng hay. Nếu bạn biết chắc bố mẹ sẽ phản ứng rất tiêu cực vì tín ngưỡng của họ, bạn nên suy nghĩ lại về việc thú nhận này. Điều đó có nghĩa nếu bạn nghĩ bố mẹ sẽ đuổi mình ra khỏi nhà hoặc có hành động bạo lực, tốt nhất bạn nên chờ đến khi đủ khả năng tự lập.[10]
    • Bạn cũng không nên cho họ biết nếu mình là người dễ mất thăng bằng về tình cảm, và biết rõ họ sẽ hành xử rất thô bạo.[10]

Cách phản ứng khi bố mẹ không tán thành[sửa]

  1. Lắng nghe những mối lo của họ. Tình yêu có thể làm chúng ta mù quáng. Bố mẹ có thể phản ứng thái quá với việc bạn có bạn trai, ngược lại họ cũng có những mối lo chính đáng mà bạn nên suy xét.[11]
    • Hỏi bố mẹ một cách bình tĩnh và lễ phép về lý do vì sao họ không tán thành. Có lẽ một đặc điểm của anh ấy khiến họ lo lắng và nỗi lo đó cũng rất hợp lý. Cho dù các lý do họ đưa ra dường như không quan trọng, việc lắng nghe những nghi ngờ và lo toan của bố mẹ sẽ giúp bạn hiểu mình cần phải làm gì để thuyết phục họ chấp nhận mối quan hệ này.
  2. Hiểu về vai trò của bố mẹ. Bố mẹ tốt phải có nhiệm vụ bảo vệ con cái thật nghiêm túc, vì vậy điều đó là hiển nhiên khi họ khó chấp nhận sự thật là con mình đã trưởng thành. Bạn nên có chút thông cảm cho họ.[12]
    • Ngoài thông cảm bạn cũng phải kính trọng bố mẹ mình. Cho dù buổi nói chuyện diễn ra thế nào bạn cũng nên đối xử với họ một cách tôn trọng. Nếu bạn có thể nói nên sự bất đồng của mình một cách tôn trọng, họ sẽ bớt cảm thấy buồn và thậm chí cuối cùng đồng ý với bạn.
  3. Xác định liệu có nên duy trì mối quan hệ với bạn trai. Bạn nên cân nhắc mức độ sâu đậm của mối quan hệ với người bạn trai đó, và tình cảm với bố mẹ mình sẽ bị ảnh hưởng đến cỡ nào nếu bạn tiếp tục hẹn hò. Cân đo những cái mất và được của tất cả các bên để đi đến kết luận cần phải làm gì. Vâng, đúng là bạn yêu anh ấy nhưng cả đời bạn chỉ có họ là bố mẹ bạn.[12]
  4. Tiếp tục thuyết phục. Nếu bạn không sẵn lòng bỏ bạn trai mình, tiếp tục đem đề tài này ra nói chuyện với bố mẹ. Bạn càng chịu khó thuyết phục thì hai bên sẽ càng hiểu nhau hơn. Có khi họ sẽ nhượng bộ bạn.[12]
    • Bạn cũng nên tạo nhiều cơ hội để bố mẹ hiểu hơn về bạn trai mình. Họ càng có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau thì nhận thức của bố mẹ bạn về anh ấy cũng dần thay đổi. Nếu anh ấy là người tốt thì rốt cuộc họ cũng sẽ nhận ra.
  5. Thảo luận vấn đề này với bạn trai. Nếu là một người tốt anh ấy sẽ hiểu việc giành được sự ủng hộ của bố mẹ người yêu là bước đi quan trọng trong mối quan hệ của hai người. Cả hai bạn phải cùng nhau tìm cách thuyết phục bố mẹ chấp nhận.[12]
    • Nếu bố mẹ bạn chưa từng gặp người bạn trai này, anh ấy nên tự giới thiệu mình với họ và xem đây như cách để làm họ an tâm hơn.
    • Nếu bố mẹ bạn nói rõ lý do vì sao không chấp nhận mối quan hệ này, bạn nên cho anh ấy biết và khi đó có thể anh ấy sẽ cố gắng khắc phục những khuyết điểm đã khiến bố mẹ lo lắng.
  6. Nhờ bố mẹ anh ấy giúp đỡ. Trao đổi với bố mẹ của bạn trai về mối quan hệ của hai người và tìm sự ủng hộ của họ. Nếu tán thành họ sẽ sẵn sàng nói chuyện với bố mẹ bạn để thuyết phục họ.[12]
    • Bước đi này đặc biệt hữu ích nếu bạn còn là một thiếu nữ lần đầu có bạn trai. Người lớn thường khó có tiếng nói chung với giới trẻ nhưng lại hiểu nhau dễ hơn. Do đó nếu họ đồng ý tiếp cận bố mẹ bạn và bảo vệ mối quan hệ của hai người, đồng thời đảm bảo trước mặt họ về con trai mình, bố mẹ bạn có thể chấp nhận xem xét bằng chứng mới này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]