Thay đổi chính mình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tất cả chúng ta vào lúc này hay lúc khác đều đã từng thay đổi chính mình. Sự thay đổi có thể đến từ sự chủ tâm hoặc vô thức. Nếu mong muốn thay đổi bản thân, bạn có thể làm điều này bằng cách xem xét thói quen, niềm tin và cách nhìn của mình. Thay đổi bản thân không phải là quá trình dễ dàng, nhưng bạn có thể làm được.

Các bước[sửa]

Thay đổi thói quen[sửa]

  1. Xác định điều mà bạn muốn thay đổi. Nếu muốn thay đổi bản thân, bạn hãy suy nghĩ về thói quen hàng ngày của mình. Những thói quen nào bạn muốn thay đổi? Phát triển thói quen mới đồng nghĩa với việc từ bỏ thói quen cũ. Ví dụ, bạn muốn giao lưu kết bạn, nhưng nếu bản tính bạn khá rụt rè và vốn ít ra ngoài, bạn có thể phải cân nhắc tìm những thói quen mới bao gồm những người khác trong đó.[1]
    • Nếu thường lo âu và sợ hãi, bạn hãy ngẫm nghĩ xem những thói quen của mình góp phần vào những nỗi sợ đó như thế nào. Nhiều người kể rằng việc tạm ngừng tiếp xúc với truyền thông xã hội sẽ đem đến cảm giác hạnh phúc hơn.
    • Bắt đầu bằng những việc nhỏ. Những thay đổi nho nhỏ sẽ dễ thực hiện hơn những thay đổi lớn.
  2. Ưu tiên những điều bạn mong muốn thay đổi. Nếu muốn sống khỏe mạnh hơn, bạn hãy thay đổi một thói quen có thể đem lại nhiều lợi ích. Ví dụ, nếu bạn muốn khỏe mạnh hơn, thì bỏ thuốc lá là một thói quen mới có lợi. Điều này sẽ giúp bạn khỏe khoắn hơn, dễ dàng tập luyện hơn, và bạn sẽ ít tốn tiền hơn.[1]
    • Bạn có thể thay thế một thói quen xấu bằng thói quen tốt. Nếu bạn nhận thấy mình bắt đầu dính vào hành vi tiêu cực, thì cho dù đó là gì, bạn hãy cân nhắc xem mình có thể làm việc gì khác thay vào đó.
    • Suy nghĩ xem bạn muốn trở thành người như thế nào, sau đó nghĩ về tất cả các thói quen mà con người mới của bạn cần có trong cuộc sống của mình. Đâu là thói quen mà bạn dễ thay đổi? Đó có thể là bước khởi đầu tốt.
    • Nguyên tắc cơ bản cần nhớ là bạn nên bắt đầu bằng một thói quen dễ thay đổi, hoặc một thói quen gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Bạn có thể quyết định phải bắt đầu bằng thói quen nào.
  3. Sử dụng yếu tố nhắc nhở để kích hoạt thói quen mới của bạn. Cho dù ý định của bạn có tốt đến mấy, nhưng nếu bạn cố gắng dựa vào động cơ và trí nhớ để học một thói quen mới, bạn sẽ không thể đi xa được. Một lời nhắc nhở tốt không phụ thuộc vào động cơ hoặc trí nhớ mà dựa trên thói quen tốt đang có.[2] Như vậy, nếu bạn đang cố gắng cải thiện làn da bằng cách dưỡng ẩm trước khi đi ngủ mỗi đêm, hãy bắt đầu thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt, một việc mà bạn đang thực hiện mỗi tối. Chẳng bao lâu hành động rửa mặt sẽ kích hoạt thói quen thoa kem dưỡng ẩm.[3]
  4. Lặp lại thói quen mới càng thường xuyên càng tốt. Học một thói quen mới có thể phải mất thời gian dài - từ 15 đến 254 ngày.[3] Sự lặp lại là yếu tố cần thiết để thói quen mới bén rễ. Thậm chí cả khi cảm thấy nản lòng, bạn vẫn cứ cố gắng tiến tới. Nếu thấy quá khó khăn, bạn hãy cân nhắc tìm một yếu tố nhắc nhở mới hoặc dễ hơn cho thói quen mới của bạn.
  5. Cân nhắc thay đổi thói quen của bạn trong khoảng thời gian một ngày mỗi lần. Ngay cả khi bạn muốn thay đổi mãi mãi một thói quen xấu, nhưng việc tưởng tượng trước mắt mình là cả một quá trình dài và gian nan có thể khiến bạn nản lòng và choáng ngợp. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng tự nhủ rằng mình sẽ thay đổi thói quen đó vào ngày hôm nay, và không suy nghĩ về tương lai. Nếu một ngày dường như quá dài, bạn hãy cố gắng không thực hiện hành vi đó trong 10 phút. Mỗi lần nghĩ quá trình đó chỉ xảy ra một ngày sẽ giúp bạn thấy nhiệm vụ đó có vẻ dễ kiểm soát hơn, hơn nữa bạn cũng bớt choáng ngợp.
    • Nếu đang bắt đầu tạo dựng thói quen mới, bạn nên cố gắng thực hiện hàng ngày vào cùng một giờ. Nếu nó trở thành một phần trong thông lệ hàng ngày, bạn sẽ dễ nhớ hơn. Ví dụ, bạn có thể cố gắng đi bộ 10 phút mỗi ngày sau bữa tối, hoặc sang thăm cụ già hàng xóm mỗi chiều chủ nhật.
    • Tự nhắc mình rằng bạn không phải thực hiện thói quen mới mãi mãi, mà thay vào đó mỗi lần chỉ trong một ngày. Thế rồi ngày hôm sau bạn lại tập trung vào việc thực hiện thói quen mới trong ngày hôm đó, và cứ như thế.
  6. Hãy thoải mái. Nhớ rằng bạn không phải thay đổi mọi thứ ngay lập tức. Cảm giác thất bại tạo ra sự giới hạn mà có lẽ bạn không muốn có chút nào! Thay vì thế, khi muốn thay đổi mình, bạn hãy tập trung vào những gì bạn đang làm tốt. Kiên nhẫn với chính mình và tin tưởng rằng sự thay đổi rồi sẽ đến.[4]
    • Nếu bạn phạm sai lầm và rơi lại vào hành vi cũ, bạn cũng đừng vì thế mà căng thẳng. Chỉ cần bạn bắt đầu lại vào ngày hôm sau.
    • Bạn không cần phải thấu hiểu những thói quen cũ hoặc những sai lầm của mình khi nỗ lực tập luyện những kiểu hành vi mới. Thay vào đó, tiếp tục tập trung vào con người mà bạn muốn trở thành.
  7. Nghĩ đơn giản. Nếu thấy rằng thói quen mà bạn đang gắng sức để thay đổi là quá khó, bạn hãy suy nghĩ xem có thể chia thành nhiều phần nhỏ hơn không. Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng trở thành người nhân hậu hơn, bạn có thể bắt đầu bằng việc cho phép người khác dùng chỗ đậu xe của bạn, hoặc luôn giữ cửa cho người đi sau. Bạn không cần nghỉ việc hoặc lập bếp ăn từ thiện để trở thành người tốt bụng.[1]
    • Trở thành người nhân hậu hơn là một mục tiêu lớn bao gồm nhiều bước nhỏ. Mọi việc bạn cần làm là chọn một bước.
    • Nếu bạn đang nỗ lực học một kỹ năng mới, hãy bắt đầu bằng việc tập trung vào đó trong khoảng 10-30 phút mỗi ngày. Thực hiện hàng ngày.
  8. Cam kết với một người khác. Nhờ một người khác giúp mình đạt được mục tiêu thay đổi là một trong những bước đi thiết thực nhất. Đó có thể là một người bạn thân nhưng phải sẵn sàng đóng vai trò là một đối tác nắm giữ trách nhiệm. Người đó phải kiểm tra mọi hệ thống mà bạn đã đồng ý sử dụng và phải nghiêm túc trong vai trò của họ.[1]
    • Nhiều người nhận thấy rằng việc kiểm tra hàng ngày là quan trọng nhất trong trách nhiệm đó. Kiểm tra mỗi ngày là một cách để duy trì thông lệ hàng ngày.
    • Có khả năng là người kia cũng muốn dùng cam kết này để trở nên có trách nhiệm trong việc gì đó của riêng họ. Việc hợp tác với một người cũng quyết tâm thay đổi trong cuộc sống có thể là một động lực tuyệt vời.
    • Nếu biết những ai cũng đang muốn thay đổi cơ bản trong cuộc sống, bạn có thể cùng họ lập thành một nhóm trách nhiệm. Khi là một thành viên của nhóm, bạn sẽ được hỗ trợ và động viên trong quá trình thay đổi.
    • Những người khác có thể nhận ra những thay đổi trong cuộc sống của bạn trước cả bạn. Đôi khi những đổi thay căn bản dễ nhận biết hơn khi nhìn từ bên ngoài.
  9. Đặt ra những hệ quả và phần thưởng. Một phần của việc cùng làm việc với những người khác chính là họ sẽ biết về thành công và cả thất bại của bạn. Điều đó tạo ra hệ quả của động lực xã hội. Nếu bạn thực hiện một mình, hoặc nếu muốn đặt ra một hệ quả cụ thể hơn, bạn nên kết hợp phần thưởng để tự khuyến khích mình. Bạn cũng có thể đặt ra những hệ quả xấu để ngăn cản bản thân khỏi lười biếng trong việc thực hành thói quen mới.[1]
    • Ví dụ, bạn có thể sử dụng hệ quả tích cực bằng cách tính toán xem bạn đã từng phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua thuốc lá trong một khoảng thời gian và dùng số tiền đó mua một thứ đáng yêu cho mình.
    • Phần thưởng có thể đơn giản chỉ là lời reo mừng “Chiến thắng!” mỗi khi bạn hoàn thành xuất sắc một thói quen mới.[2]
    • Một hệ quả xấu bạn có thể đặt ra là làm những việc nội trợ mà bạn hoàn toàn không thích mỗi lần phạm vào hành vi mà bạn đang cố gắng thay đổi. Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng từ bỏ thói quen tán chuyện tầm phào, nhưng bạn lại nhận ra mình vừa kể lại một tin giật gân nóng hổi với đồng nghiệp, vậy thì bạn phải bỏ thời gian ít nhất một tiếng đồng hồ để kỳ cọ phóng tắm và toa-lét như một hình phạt.
  10. Kiên nhẫn. Bạn cần hiểu rằng thay đổi bản thân là một quá trình lâu dài. Bạn có thể thay đổi theo những cách mà chính bạn cũng khó nhận ra, dù cho những thói quen mà bạn tập trung để thay đổi là rất cụ thể.[1]
    • Người xưa có nói, “Hành trình nghìn dặm khởi đầu từ một bước đi”. Cho dù có vẻ không phải như vậy, mỗi bước đi trên con đường cũng giúp lấp đầy khoảng cách.
    • Đừng từ bỏ! Khả năng duy nhất khiến bạn không thể thay đổi bản thân mình chính là bạn quyết định không thay đổi. Ghi nhớ điều đó và làm theo các hướng dẫn ở trên, nhớ rằng bạn sẽ thay đổi nếu tiếp tục cố gắng.

Thay đổi tính cách[sửa]

  1. Tin rằng bạn có khả năng thay đổi. Yêu cầu đầu tiên để thay đổi một mặt nào đó trong tính cách của bạn là tin tưởng rằng mình có thể thay đổi. Nếu bạn không có niềm tin này thì tính cách của bạn sẽ vẫn giữ nguyên như cũ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc tin rằng mình có thể thay đổi sẽ là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công trong quá trình thay đổi tính cách của bạn.[5]
    • Hầu hết chúng ta lớn lên với niềm tin rằng những phẩm chất và tính cách của mình sẽ luôn theo một kiểu. Nghiên cứu đã cho thấy rằng sự thực không phải như vậy.
    • Nếu không tin rằng mình có thể thay đổi, bạn hãy nghĩ xem tại sao điều này có thể xảy ra. Suy nghĩ xem bằng cách nào mà các đặc điểm trong tính cách của bạn tuy ít được bạn quan tâm lại có thể làm lợi cho bạn. Nếu có nỗi sợ nào đó khiến bạn không tìn tưởng rằng mình có thể thay đổi, bạn hãy xử trí nỗi sợ đó.
  2. Chọn một khía cạnh trong tính cách của mình để thay đổi. Xem xét “năm yếu tố chủ yếu” (“Big Five”) mà các nhà tâm lý học tin rằng chúng làm nên tính cách của một người.[6] Bạn có thể dùng mô hình này như một bản hướng dẫn để tìm ra những gì mà bạn mong muốn thay đổi. Một khi đã xác định được đặc điểm chung cần thay đổi, bạn hãy bắt đầu nghĩ về những bước nhỏ hơn, cụ thể hơn để thực hiện. Sự thay đổi đó càng cụ thể càng tốt, đặc biệt là cách thức mà bạn muốn thực hiện trong việc này.[5] Năm yếu tố đó là:[6]
    • Sẵn sàng trải nghiệm: Yếu tố này bao gồm sự sẵn sàng trải nghiệm, chiều sâu cảm xúc, tính ham học hỏi và sự chấp nhận tính đa dạng.
    • Tận tâm: Còn gọi là tinh thần làm việc, các khía cạnh của yếu tố này bao gồm tính tự giác, kỷ luật, ý thức về thẩm quyền và ý thức về trách nhiệm.
    • Hướng ngoại: Nếu là một người nhút nhát, bạn sẽ cân nhắc cải thiện đặc điểm này, cũng như sự quyết đoán, lòng nhiệt thành, tính thích giao lưu và mức hoạt động của bạn.
    • Dễ chịu: Những đặc điểm như chân thành, khiêm nhường, tin tưởng người khác, cảm thông và vị tha thuộc về yếu tố này.
    • Phản ứng tự nhiên: Xem xét các phản ứng cảm xúc của bạn. Bạn có những phản ứng căng thẳng trước những sự việc nhỏ nhặt không? Có thể bạn sẽ muốn rèn luyện về đặc điểm này, chẳng hạn như lo âu, thù địch, nhạy cảm với sự căng thẳng, ngượng ngập, và buông thả bản thân.
    • Nếu không biết chắc mình muốn thay đổi điều gì mà chỉ cảm thấy muốn mình khác đi theo một cách nào đó, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn để suy xét về những điều khiến bạn không thoải mái.
    • Nếu vẫn không biết phải suy xét thế nào về điều đó, bạn hãy nhờ sự giúp đỡ. Những người có thể giúp bạn bao gồm: cha mẹ, bạn thân, chuyên gia tư vấn, chuyên gia trị liệu, nhà chức sắc tôn giáo hoặc một người đáng tin cậy khác. Điều quan trọng bạn cần nhớ là bạn không đơn độc.
  3. Cân nhắc về những mặt lợi và hại của những tính cách mới. Trước khi lao vào nuôi dưỡng một tính cách mới, bạn cần suy xét tính cách đó có thể giúp đỡ hoặc gây trở ngại cho bạn như thế nào, và nó có phù hợp với niềm tin về giá trị của bạn hay không. Nếu bạn đang định trở thành người từ tốn và phục tùng, nhưng trong niềm tin giá trị của bạn lại bao gồm việc đứng lên đấu tranh trước sự bất công và sai trái, vậy thì tính cách mới sẽ mâu thuẫn với niềm tin giá trị của bạn, có thể gây lúng túng và khó chịu. Có lẽ bạn cần suy nghĩ lại vì tính cách đó không phù hợp với quan điểm của bạn.[7]
  4. Lưu ý cảm giác của bạn trước sự thay đổi. Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là bạn thấy gắn bó với đặc điểm đó trong tính cách của mình như thế nào. Phần đông mọi người tạo nên nét riêng qua những đặc điểm trong tính cách của mình. Ví dụ, nếu bạn là người phản ứng nhanh trước nguy hiểm, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lo âu khi từ bỏ đặc điểm phòng vệ trong tính cách của mình. Bạn sợ mọi người sẽ nghĩ rằng bạn yếu đuối hoặc sợ họ lợi dụng bạn.[5]
    • Sợ hãi sự thay đổi tính cách là cảm giác tự nhiên! Điều quan trọng là thừa nhận sự nỗi sợ đó để bạn có thể gạt nó qua một bên.
    • Lên kế hoạch xử lý sự mâu thuẫn mà bạn có thể cảm thấy khi nghĩ về việc thay đổi tính cách. Sử dụng lời khẳng định tích cực, phương pháp thư giãn và đối tác trách nhiệm của bạn là những yếu tố giúp bạn xử lý bất cứ nỗi sợ hãi hoặc nghi ngại nào về việc thay đổi bản thân.
  5. Tưởng tượng ra con người của bạn với tính cách mới. Một phần của việc tin tưởng rằng bạn có thể thay đổi là hình dung ra chính mình trong một cuộc sống mới, một phong cách mới. Ví dụ, nếu tin rằng mình có thể trở thành một người sống nội tâm, bạn hãy hình dung ra mình đang tiếp nhận năng lượng từ việc dành thời gian ở một mình. Phát triển niềm tin đó với hình ảnh một đêm yên tĩnh đang nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Tưởng tượng bản thân cảm thấy hạnh phúc với các hoạt động đơn độc.[5]
    • Tâm thế sẵn sàng học những tính cách mới đồng nghĩa với việc từ bỏ các ý tưởng có thể bạn đã nghĩ về mình. Nếu đang học cách cảm nhận niềm hạnh phúc khi ở một mình, bạn hãy lưu ý mỗi lần bạn bắt đầu cảm thấy mình không thích hợp cho việc ở một mình. Tự cười mình vì những lầm lỗi đó.
    • Để ý những người cũng có những tính cách mà bạn muốn tạo dựng cho mình và bắt chước họ trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
  6. Xác định những hình mẫu mới. Đó là những người biểu hiện cho cuộc sống hoặc phong cách sống mà bạn mong muốn tạo dựng cho mình. Một việc có thể giúp ích cho bạn khi hình dung bản thân mình trong tính cách mới là nhìn ra xung quanh để thấy những người dường như đang biểu lộ những phẩm chất hoặc tính cách đó.[8]
    • Ví dụ, nếu muốn trở thành người nồng ấm hơn, bạn hãy để ý những người có vẻ nhiệt tình và hạnh phúc khi giúp đỡ mọi người. Họ yêu thích điều gì, và họ thường làm gì? Bạn có thể học được nhiều điều bằng cách bắt chước họ.
    • Đừng quên rằng bạn cũng là hình mẫu của những người khác – điều đó có thể giúp bạn bền chí trong việc thay đổi cuộc sống. Bạn có đang sống một cuộc sống mà bạn muốn mọi người nhìn vào và bắt chước không? Những thay đổi mà bạn đang thực hiện có tạo ra cuộc sống đáng để bạn tự hào không?
  7. Thực hành nét tính cách mới của bạn. Càng được thực hành thường xuyên thì nét tính cách mới của bạn càng trở nên lan tỏa. Yếu tố cần thiết để khiến tính cách mới trở nên tự nhiên là thực hành trong nhiều tình huống và nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.[9]
    • Chú ý những cơ hội để hành động theo kiểu mới thay vì kiểu cũ. Ví dụ, nếu bạn đang thực hành sống ngẫu hứng thay cho tính thận trọng, bạn hãy mời một người bạn mới đi trượt pa-tanh. Hãy làm những việc mà bạn không dự định trước.
    • Thoạt đầu có thể bạn thấy hành động theo cách mới có vẻ giả tạo, nhưng bạn cũng đừng lấy làm lạ. Ngạn ngữ xưa có câu, “Cứ giả vờ đi, cho đến khi bạn thực sự làm được!”
  8. Thử sử dụng những lời khẳng định. Lời khẳng định là những câu nói tích cực về những điều mà bạn tin tưởng hoặc muốn tin. Nếu muốn thay đổi bản thân, có lẽ bạn phải thay đổi những điều bạn vẫn tin về bản thân và về những nhược điểm của mình. Những niềm tin tiêu cực đó là niềm tin giới hạn. Niềm tin giới hạn có thể được thay thế bằng niềm tin tích cực, hoặc những lời khẳng định.[4]
    • Ví dụ, nếu bạn tin rằng mình thuộc típ người dễ bị choáng ngợp, bạn nên thay thế bằng ý tưởng rằng bạn có sức chịu đựng mạnh mẽ.
    • Viết những lời khẳng định của bạn vào mảnh giấy ghi chú và dán vào nơi mà hàng ngày bạn có thể trông thấy nhiều lần. Mỗi khi nhìn vào đó, bạn hãy đọc to lên. Dần dần, điều này sẽ bắt đầu trở thành một phần niềm tin về bản thân trong tâm thức của bạn.
  9. Tìm người hướng dẫn. Việc huấn luyện hoặc tư vấn về thay đổi tính cách có thể giúp bạn xác định những đặc điểm nào mà bạn muốn thay đổi, và làm sao để đạt được những thay đổi đó.[7] Bạn có thể thảo luận về những niềm tin về giá trị và quan điểm của bạn về cái tôi lý tưởng của bạn, và chuyên gia tư vấn có thể dạy bạn các phương pháp như liệu pháp nhận thức – hành vi, liệu pháp chấp nhận và cam kết, hoặc liệu pháp tập trung vào giải pháp để giúp bạn vươn tới mục tiêu của mình.

Thay đổi về ngoại hình[sửa]

  1. Thay đổi vẻ ngoài. Cắt tóc, cập nhật phong cách trang điểm, sửa soạn tủ quần áo mới là các cách để bạn làm mới mình. Nếu đang thay đổi cuộc sống, bạn hãy thử thay đổi ngoại hình sao cho phù hợp với con người mới của mình.[10]
    • Phần đông chúng ta cứ sau năm năm lại cần một vẻ ngoài mới. Những bộ trang phục thường mặc khi học trung học sẽ trở nên lỗi thời khi bạn vào đại học. Nếu đã trở thành một chuyên viên trẻ thì đã đến lúc bạn đổi những bộ đồ thoải mái của sinh viên đại học bằng những bộ trang phục chuyên nghiệp hơn.
    • Quan sát hình ảnh của những người đang có cuộc sống mà bạn đang mong muốn để có vài ý tưởng về sự thay đổi mà bạn có thể áp dụng cho vẻ ngoài của mình.
    • Mặc dù những thứ như mái tóc, kiểu trang điểm hay áo quần có vẻ chỉ là một cách nông cạn để thay đổi bản thân, chúng vẫn phản ánh tính cách của bạn. Vẻ ngoài của bạn có thể ảnh hưởng đến cách mọi người đối xử với bạn và cách mà bạn nghĩ về mình.
  2. Tô điểm thêm bằng màu sắc. Nhiều người nhận thấy mình bị kẹt trong một lối mòn với cách ăn mặc đơn điệu một màu. Nếu tủ quần áo của bạn chỉ toàn một màu đen từ khi bạn còn chưa đến hai mươi tuổi, thì bây giờ là lúc bạn nên thêm sắc màu vào đó. Những màu sắc mới trên trang phục sẽ tạo cho bạn một vẻ ngoài hoàn toàn mới.[11]
    • Loại bỏ những bộ quần áo bạn không muốn mặc nữa. Soát lại tủ quần áo của bạn và đem tặng hội từ thiện những bộ quần áo cũ và để dành chỗ cho những bộ cánh mới.
    • Đừng quên các phụ kiện. Những chiếc thắt lưng, khăn choàng và trang sức mới sẽ đem lại vẻ tươi mới cho những bộ đồ cũ.
  3. Làm một điều gì đó ngoạn mục với mái tóc của bạn. Không gì khẳng định sự thay đổi mới của bạn mạnh mẽ hơn thay đổi mái tóc. Cho dù là nhuộm tóc, cắt tóc, nối tóc hay cạo trọc, việc thay đổi hoàn toàn kiểu tóc sẽ tác động đến vẻ ngoài của bạn.[12]
    • Kiểu tóc thích hợp sẽ giúp bạn trông mảnh mai hơn, trẻ trung hơn và khỏe khoắn hơn.
    • Thử làm kiểu tóc mà trước giờ bạn chưa bao giờ nghĩ đến, và bạn sẽ thấy nó tác động đến con người của bạn như thế nào.
  4. Đơn giản hóa vẻ ngoài của bạn. Nếu bạn đang thay đổi bản thân, bạn sẽ cần một tủ quần áo cơ bản. Nếu đã có ý tưởng rõ ràng về con người mà bạn đang mong muốn trở thành, bạn cần đảm bảo mọi thứ trong tủ quần áo của bạn phải hỗ trợ cho vẻ ngoài cơ bản đó.[13]
    • Sắm ít nhất 10 món trang phục phù hợp với phong cách mới của bạn, và đảm bảo chúng có thể kết hợp với nhau.
    • Mười món trang phục này sẽ khác nhau tùy từng người. Trang phục cần thiết của một chuyên viên tư vấn đầu tư sẽ khác với trang phục của một họa sĩ ở Soho. Hãy chọn quần áo phù hợp với ngoại hình mới của bạn.
  5. Cân nhắc việc xăm hình hoặc xỏ khuyên. Xăm một hình mới hoặc xỏ khuyên không nhất thiết phải là một hành động nổi loạn, mà đó có thể là một cách hay để khẳng định rằng bạn đang thay đổi chính mình. Hình xăm nào có thể biểu trưng cho bạn? Người ta thường dùng những biểu tượng như bướm, tiên cá hoặc các hình trừu tượng để nhìn nhận sự chuyển biến của họ.[13]
    • Đảm bảo đến dịch vụ xăm hình hoặc xỏ khuyên chuyên nghiệp và đảm bảo an toàn.
    • Hiểu rằng hình xăm là vĩnh viễn. Trước khi quyết định xăm hình, bạn cần chắc chắn rằng đó là hình xăm mà bạn muốn lưu giữ mãi mãi.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]