Thay đổi sợi bọc tuyến vú (u xơ tuyến vú)
Thay đổi sợi bọc tuyến vú là thuật ngữ y học thay cho khái niệm: u xơ tuyến vú được dùng trước đây. Thay đổi sợi bọc tuyến vú sẽ làm cho vú xuất hiện những u cục và nhạy cảm đau. Những thay đổi này thường xảy ra trong khoảng thời gian gần với chu kỳ kinh nguyệt. Thay đổi sợi bọc tuyến vú không phải là bệnh và chúng cũng không làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Vú được tạo thành từ các tuyến, mô mỡ, và mô sợi. Mỗi vú có từ 15 đến 20 thùy. Mỗi thùy bao gồm nhiều tiểu thùy nhỏ hơn. Các tiểu thùy tận cùng bởi hàng tá những tuyến nhỏ có thể sản xuất ra sữa. Vú đáp ứng với những thay đổi trong nồng độ của các hormon progesterone và estrogen.
Thay đổi sợi bọc tuyến vú là lành tính. Nó là những mô cục, dày lên, và sưng xuất hiện bên trong vú. Những thay đổi này thường xảy ra ở độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên thay đổi sợi bọc tuyến vú cũng có thể xảy ra sau tuổi mãn kinh.
Có thể một bên vú sẽ bị nhiều hơn bên còn lại. Những trường hợp xuất tiết dịch ở núm vú nên được các bác sĩ kiểm tra lại.
Nếu bạn bị thay đổi sợi bọc tuyến vú, bạn nên chú ý đến những cảm giác ở vú. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện ra kịp thời nếu như có những sự thay đổi nào mới xuất hiện.
Mọi phụ nữ nên được khám vú hằng tháng. Biết được như thế nào là bình thường sẽ giúp bạn phát hiện ra được bất kỳ thay đổi nào ở vú có thể là tín hiệu báo động.
Cuối cùng, thay đổi sợi bọc tuyến vú là tình trạng rất thường gặp. Mô vú sẽ thay đổi khi nồng độ hormon trong cơ thể bạn thay đổi. Bạn nên chụp nhũ ảnh thường xuyên nếu bạn trên 40 tuổi hoặc đang có nguy cơ cao. Tự khám vú mỗi tháng. Những điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hai bầu vú của mình và biết được như thế nào là bình thường.
Mục lục
Đại cương[sửa]
Thay đổi sợi-bọc tuyến vú còn gọi là xơ nang tuyến vú không phải là ung thư. Đó chỉ là hiện tượng thường gặp do ảnh hưởng của tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi. Kết quả nhiều nghiên cứu cho biết trên 60 % các cục u trong vú phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không phải là ung thư, trên 90% phụ nữ tuổi tiền mãn kinh có thay đổi sợi-bọc và được xem là một biểu hiện của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, thay đổi sợi-bọc được quan tâm nhiều vì có liên quan đến ung thư vú. Thay đổi sợi-bọc cũng thường bị nhầm với ung thư vì cũng xuất hiện những cục “u” và thường xảy ra ở độ tuổi phụ nữ dễ bị ung thư vú nhất. Nếu có sự phối hợp tốt giữa kinh nghiệm của bác sĩ và các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, nhũ ảnh, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết... thì tỷ lệ chẩn đoán nhầm sẽ rất thấp.
Các dạng thay đổi sợi-bọc[sửa]
Thay đổi sợi-bọc tuyến vú có biểu hiện khá đa dạng, bởi vì trong thay đổi sợi-bọc có thể có kết hợp của các thay đổi, bao gồm: Tạo nang, hóa sợi và tăng sản biểu mô. Để có thể có thái độ xử trí cụ thể, người ta phân loại thay đổi sợi-bọc tuyến vú thành 3 dạng chính.
A. Bệnh nang
Thường gặp nhất, dưới dạng một (nhưng thường là nhiều) khối tròn hay bầu dục, kích thước khác nhau, vài mm đến vài cm, bên trong chứa dịch (thường dịch màu vàng trong, đôi khi màu kem, xanh nâu, xanh đen, rất hiếm khi màu đỏ). Vỏ nang thường mỏng, đôi khi dầy và có hóa canxi. Đây là dạng dễ điều trị nhất vì đa số ca chỉ cần rút dịch nếu nang to.
B. Bệnh hóa sợi của vú
Biểu hiện dưới dạng mảng hay khối đặc, kích thước vài cm, giới hạn không rõ, thường ở ¼ trên ngoài của 1 vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh. Dạng bệnh hóa sợi đơn thuần này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp thay đổi sợi-bọc. Bệnh nhân thường có cả tổn thương hóa sợi xen lẫn với tổn thương dạng nang kể trên.
C. Tăng sản ống tuyến vú
Thường biểu hiện dưới dạng mảng hay khối đặc (không chứa dịch), có kích thước từ 1 – 4 cm, có thể chỉ có 1 mảng nhưng thường thì có nhiều mảng ở 1 hoặc 2 vú. Các mảng này có giới hạn không rõ ràng, mật độ chắc hơn tuyến vú xung quanh, đau khi ấn. Tính chất của mảng này thay đổi theo chu kỳ kinh: Gần ngày có kinh, kích thước sẽ to hơn và đau hơn. Khi có kinh, kích thước các mảng sẽ nhỏ lại và đau cũng sẽ giảm.
Đây là dạng phức tạp và cần được lưu ý theo dõi kỹ dù chỉ có rất ít bệnh nhân bị dạng này có ung thư vú.
Nguyên nhân của thay đổi sợi-bọc[sửa]
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác động của nội tiết tố nữ estrogen và progesterone, mô tuyến vú giãn nở, giữ nước lại và căng lên, những vùng có mật độ chắc hơn bình thường sẽ cho cảm giác như “bướu”. Sau khi hành kinh, các cảm giác này giảm dần rồi trở lại bình thường. Qua các chu kỳ kinh nguyệt, sự kích thích lặp đi lặp lại làm cho mô vú trở nên chắc và hình thành các nang nhỏ chứa dịch trên các ống dẫn bị tắc hoặc bị giãn, nhất là khi có tình trạng mất quân bình giữa 2 nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone) ở người tiền mãn kinh hoặc người thường xuyên bị tress; khi đó tuyến vú có những vùng bất thường tạo thành những cục “bướu” hay những mảng chắc gồ lên dưới da hoặc những hạt rất nhỏ rải rác khắp 2 vú.
Triệu chứng của thay đổi sợi-bọc[sửa]
A. Đau vú
Thường gặp nhất, có nhiều người do triệu chứng đau này mà sợ hãi đi khám bệnh. Cũng có nhiều người xem triệu chứng đau này là “bình thường”, đặc biệt khi họ tự nhận thấy tính chất của triệu chứng đau này thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt
- Thường xảy ra ở bệnh nhân còn trong thời kỳ kinh nguyệt, nhất là trong độ tuổi tiền mãn kinh, ở những bệnh nhân có bộ ngực dày.
- Có thể đau ở 1 hoặc cả 2 vú, vị trí thường đau nhiều là 1/4 trên-ngoài hoặc vùng 1/2 dưới của vú, có thể đau lan ra cánh tay cùng bên.
- Mức độ đau và thời gian đau rất thay đổi: Có người chỉ đau nhẹ vào 1 tuần lễ trước ngày có kinh, ít đau hơn khi có kinh. Có người đau liên tục, gần ngày có kinh thì đau nhiều hơn và ít đau hơn khi có kinh.
- Cùng với triệu chứng đau vú, nhiều bệnh nhân có cảm giác căng ở 2 vú.
Ở phụ nữ tiền mãn kinh, các nang bị xơ có thể to lên và gây cảm giác khó chịu như bị căng tức, rất nhạy cảm khi sờ vào, có cảm giác nóng phỏng và đau lăn tăn, có khi đau nhiều đến nỗi hạn chế cử động và khó nằm sấp. Sau khi mãn kinh, hiện tượng này thường giảm dần và mất đi.
B. Có tổn thương dạng mảng, dạng cục ở vú:
là dấu hiệu thường gặp. Nhiều bệnh nhân tự sờ thấy, sợ hãi đi khám bệnh. Cũng có nhiều bệnh nhân không biết, chỉ phát hiện khi làm siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh.
Khi khám vú có thể sờ được 1 hay nhiều mảng (hay khối) có kích thước khác nhau ở 1 hoặc cả 2 vú. Các mảng này thường có giới hạn không rõ, tùy theo tính chất đặc hay nang mà có mật độ khác nhau nhưng nói chung là người khám sẽ có cảm giác mô vú nơi đó chắc hơn mô tuyến vú xung quanh. Bệnh nhân thường có cảm giác đau hay khó chịu khi ấn vào tổn thương. Đặc biệt, tính chất thay đổi theo chu kỳ kinh của các mảng này thường được bệnh nhân nhận biết dễ dàng: mảng này thường to hơn, đau hơn khi gần có kinh và nhỏ hơn, ít đau hơn khi có kinh.
Một số trường hợp có nang to, tròn, chắc, di động, chứa nhiều dịch tạo cảm giác căng căng khi ấn lên và đau khi khám. Loại nang này thường biến mất sau vài lần hút dịch hoặc sau mãn kinh.
C. Chảy dịch ở đầu núm vú :
Ít gặp, ở một số ít bệnh nhân thay đổi sợi-bọc dạng tăng sản tuyến. Dịch có thể tự chảy ra, được phát hiện khi dính vào áo, đôi khi có rất ít chỉ chảy ra khi bóp nặn vào vùng có tổn thương. Chất dịch thường có màu vàng trong, hơi nhầy, đôi khi có màu trắng nhu sữa loãng, hoặc nâu xanh, hiếm khi có màu đỏ.
D. Triệu chứng cơ năng
Bệnh nhân có thể có rối loạn kinh nguyệt, đau bụng hoặc đau lưng nhiều khi hành kinh.
Chẩn đoán[sửa]
Hình thái của các tổn thương ở vú nói chung, của thay đổi sợi-bọc nói riêng thường đa dạng, phức tạp. Để chẩn đoán một tổn thương của tuyến vú cần có sự phối hợp của bộ ba: lâm sàng – chẩn đoán hình ảnh – giải phẫu bệnh, trong đó xét nghiệm giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán chắc chắn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể dùng được cả 3 phương tiện trên. Có những trường hợp bệnh nhân còn trẻ, có tổn thương dạng lan tỏa, cần phải cân nhắc khi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh vì việc sinh thiết để đạt yêu cầu chẩn đoán có thể ảnh hưởng đến chức năng và vẻ thẩm mỹ của tuyến vú. Có trường hợp bệnh nhân đau vú nhiều nhưng không phát hiện được tổn thương rõ ràng trên lâm sàng hay trên siêu âm và nhũ ảnh. Có những tình huống chẩn đoán chỉ dựa trên lâm sàng cùng với chẩn đoán hình ảnh.
A. Dựa vào lâm sàng :
Độ tuổi (nhất là tuổi tiền mãn kinh), triệu chứng đau ở vú, tính chất nhiều cục...
B. Siêu âm
Rất cần và luôn luôn nên thực hiện, vì :
- Giúp xác định tính chất đặc hay nang.
- Giúp xác định số lượng tổn thương.
- Giúp xác định vị trí tổn thương.
- Giúp phân biệt với bướu sợi tuyến, với ung thư, với các lạoi bệnh khác.
- Giúp hướng dẫn cho xét nghiệm tế bào học (FNA) khi cần.
- Không tốn kém nhiều, không gây hại sức khỏe.
C. Nhũ ảnh
Chỉ sử dụng khi thật cần thiết, vì gây đau nhiều, có tia phóng xạ và không có giá trị hơn siêu âm trong các trường hợp tuyến vú mỏng (rất nhiều bệnh nhân người Việt có tuyến vú mỏng).
Chỉ nên dùng trong những trường hợp sau :
- Phụ nữ có tiền căn gia đình ung thư vú.
- Khi siêu âm “thấy’’ có tổn thương nghi ngờ.
- Tuyến vú dày, siêu âm và lâm sàng không phát hiện được các tổn thương nhỏ.
D. Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA: Fine Needle Aspiration)
Để giúp xác định bản chất tế bào của tổn thương, được dùng khi:
- Tổn thương dạng đặc. Nếu có nhiều tổn thương thì siêu âm và/hoặc nhũ ảnh sẽ hướng dẫn cho biết những tổn thương nào cần được làm FNA.
- Tổn thương dạng nang: Rút dịch, giúp giải áp (đỡ căng đau, khó chịu) xét nghiệm tế bào học.
E. Sinh thiết
Để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, được dùng khi:
- Tổn thương dạng đặc có giới hạn rõ.
- Tổn thương dạng nang chứa dịch đỏ.
- Tổn thương dạng nang tái lập nhiều lần sau chọc hút và làm bệnh nhân lo lắng hoặc đau nhiều.
- Kết quả của FNA có tế bào tăng sản không điển hình.
F. Xét nghiệm khác
Các xét nghiệm định lượng estradiol, progesterone, prolactine trong huyết thanh không thực sự cần thiết vì tốn kém và không đặc hiệu, không giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân bệnh.
Phết tế bào của dịch tiết từ đầu núm vú: thường không có hoặc có một ít tế bào mỡ, tế bào biểu mô, bọt bào… Xét nghiệm này có độ nhạy rất thấp và thường không giúp phát hiện được ung thư vú.
G. Chẩn đoán phân biệt
- Đau vú cần phân biệt với: Đau dây thần kinh liên sườn, đau xương sườn (trong viêm xương sụn - Hội chứng Tieze), bệnh zona ở vùng ngực, đau thắt ngực trong bệnh của mạch vành tim. Các loại đau này thường không thay đổi tính chất theo chu kỳ kinh nguyệt.
- Các tổn thương dạng mảng, dạng cục của vú cần được phân biệt với ung thư vú, bướu sợi-tuyến của vú.
Điều trị[sửa]
Nguyên tắc điều trị[sửa]
- Trước khi điều trị cần loại trừ hoàn toàn khả năng bị ung thư vú.
- Cần đánh giá chính xác và đầy đủ dạng tổn thương, đặc hay nang, có tăng sản tuyến không điển hình hay không.
Mục đích điều trị[sửa]
- Giảm các triệu chứng đau và tăng nhạy cảm vú.
- Giảm thiểu mô vú bị thay đổi sợi-bọc: Để đạt được mục tiêu này, nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng đến nay, chưa có phương pháp điều trị nào đạt được hiệu quả hoàn toàn. Cần lưu ý rằng việc điều trị nội khoa không thể làm giảm nguy cơ bị ung thư vú hoặc làm giảm mức độ tăng sản không điển hình của tổn thương. Do đó, nếu có tổn thương nghi ngờ, dù chỉ là nghi ngờ tăng sản không điển hình cũng cần phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.
Điều trị nội khoa[sửa]
1. Điều trị thông thường:
Nhằm mục đích làm giảm bớt các triệu chứng gây ra do tác động của sự mất quân bình nội tiết tố sinh dục lên mô vú. Tuy nhiên, kết quả của điều trị nội khoa rất này rất khó đánh giá và rất khác nhau tùy từng bệnh nhân và tùy theo dạng tổn thương của thay đổi sợi bọc.
Tùy trường hợp cụ thể, việc điều trị có thể là:
- Những trường hợp đau nhẹ, chỉ xảy ra vài ngày trước khi có kinh. Chẩn đoán hình ảnh học không ghi nhận tổn thương thì có thể không cần điều trị, chỉ theo dõi, khám định kỳ khoảng 6 tháng một lần.
- Nếu đau nhiều: Làm giảm cảm giác đau và khó chịu tại chỗ. Uống thuốc giảm đau và vitamine E; tránh dùng thức ăn thức uống có cafein (như cà phê, trà đặc, sôcôla, một số loại nước uống có gas); chườm nóng tại chỗ, dùng nịt ngực thích hợp.
2. Các thuốc khác
Trong một số nghiên cứu, người ta thấy có một số thuốc có thể giúp làm giảm bớt hoặc làm “biến mất” các tổn thương thực thể của thay đổi sợi-bọc, nhưng cũng các nghiên cứu này lại cho thấy các kết quả đó chỉ có tính chất tạm thời. Các tổn thương sẽ xuất hiện trở lại sau một thời gian ngưng thuốc. Do đó, nhiều tác giả khuyến cáo không nên dùng các thuốc này khi so sánh giữa lợi ích của thuốc với những tác dụng phụ, đôi khi nặng nề và các chi phí quá tốn kém mà bệnh nhân phải trả (có những thuốc có giá đắt). Ngoài ra, như ở phần trên đã nhận định, việc điều trị nội khoa không làm giảm nguy cơ bị ung thư vú và tăng sản không điển hình có trên bệnh nhân thay đổi sợi-bọc. Các thuốc đã được đề nghị bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu.
- Vitamin B6 (pyridoxine)
- Nội tiết tố của tuyến giáp
- Thuốc ngừa thai loại có nhiều progesterone
- Progesterone: thuốc uống và thuốc bôi ngoài da.
- Gamma linoleic acid (GLA).
- Danazol.
- Tamoxifen.
- Bromocriptine.
- Goserelin.
- Testosterone.
- Gestrinone.
- Cabergoline.
Điều trị ngoại khoa[sửa]
Được chỉ định hạn chế trong các tình huống sau:
- Nếu chỉ có một cục u hoặc các xét nghiệm không cho chẩn đoán rõ rệt: Mổ sinh thiết để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh xác định tính chất của tổn thương.
- Nếu là nang chứa dịch, nhất là các nang to gây căng đau, bác sĩ sẽ rút hết dịch ra để làm giảm căng đau và làm xét nghiệm tế bào học.
- Mổ cắt rộng mô vú, trong đó có khối tổn thương hoặc đoạn nhũ nếu: có tăng sản không điển hình với tiền căn gia đình có bị ung thư vú, hoặc khi một bên vú đã bị ung thư, bên còn lại có tăng sản không điển hình.
Mối liên hệ giữa thay đổi sợi-bọc với ung thư vú[sửa]
Mối liên hệ giữa thay đổi sợi-bọc với ung thư vú chưa được chứng minh rõ ràng, dù nhiều nghiên cứu đã đưa ra các nhận định sau đây:
- Có mối liên hệ giữa thay đổi sợi-bọc với ung thư vú.
- Rất khó xác định sự gia tăng thực sự nguy cơ bị ung thư vú ở những người có thay đổi sợi-bọc. Nguy cơ này không phân bố đồng đều ở mọi bệnh nhân mà hầu như tập trung ở những người đã có sẵn những yếu tố nguy cơ, đặc biệt là ở những người có tiền căn gia đình có ung thư vú.
- Thay đổi sợi-bọc là dạng tổn thương thường gặp ở phụ nữ, ngay cả khi không có triệu chứng. Trong các dạng của thay đổi sợi-bọc thì có khoảng 60% là dạng nang, khoảng 25-30% là có tăng sản biểu mô. Trong dạng tăng sản biểu mô thì chỉ có khoảng 1-3% có tăng sản không điển hình.
- Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những bệnh nhân thay đổi sợi-bọc là có nguy cơ bị ung thư vú. Trong đó, đáng kể nhất là dạng tăng sản không điển hình. Bệnh nhân thay đổi sợi-bọc có dạng tăng sản biểu mô thì nguy cơ bị ung thư vú gấp 2 so với bệnh nhân không có dạng tăng sản. Bệnh nhân có dạng tăng sản không điển hình thì nguy cơ ung thư vú gấp 5 lần so với người không có dạng tăng sản.
- Tỷ lệ thay đổi sợi-bọc ở những bệnh nhân bị ung thư vú ít hơn ở những người không bị ung thư vú.
Phụ nữ cần làm gì khi đau vú và phát hiện cục “bướu” ở vú?[sửa]
Mỗi tháng nên tự khám vú, tốt nhất là trong vòng một tuần sau khi vừa sạch kinh. Nếu đã mãn kinh thì nên chọn một ngày cố định trong tháng. Dùng đầu ngón tay kiểm tra toàn bộ vú 2 bên, từ trên xuống dưới và cả vùng hố nách. Qua những lần đầu tự khám, phụ nữ sẽ cảm nhận, làm quen được với mật độ mềm hay chắc hay lổn nhổn ở vú và khi có bất kỳ một sự thay đổi nào trong vú sẽ được nhận ra ngay. Khi phát hiện có “chuyện lạ” trong vú cần đến bác sĩ khám và theo dõi ngay.
Phụ nữ sau 30 tuổi nên đi khám vú (khám lâm sàng, siêu âm) định kỳ 6 tháng một lần tại các nơi có khám chuyên khoa.
Điều cần lưu ý là khi có phát hiện khối u trong vú cũng đừng quá lo lắng, sợ hãi vì đa số các khối u này là những tổn thương lành tính.