Thoát khỏi mối quan hệ bạo hành

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc thoát khỏi hoặc chấm dứt mối quan hệ bạo hành không phải là điều dễ dàng. Nạn nhân bị bạo hành thường không nhận biết được họ đang bị lạm dụng hoặc cho rằng chính bản thân mình là nguyên nhân của sự bạo hành. Khi phát hiện mình đang bị bạo hành và sẵn sàng đối mặt với vấn đề, bạn cần thực hiện nhanh chóng và thận trọng nhằm tránh gia tăng căng thẳng và bạo lực có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống. Không nên ngại ngần trong việc nhờ giúp đỡ, tận dụng mọi nguồn lực xung quanh và thoát khỏi mối quan hệ bạo hành một cách an toàn.

Các bước[sửa]

Tìm kiếm sự trợ giúp[sửa]

  1. Tìm kiếm sự hỗ trợ an toàn. Thông tin cuộc gọi có thể bị xâm nhập. Lịch sử trình duyệt có thể bị truy ra. Bạn nên xóa thông tin cuộc gọi hoặc lịch sự duyện web. Một số trình duyệt có sẵn chế độ “riêng tư”. Tuy nhiên, nếu cho rằng kẻ bạo hành đang theo dõi hoạt động liên lạc với người khác, bạn nên dùng máy tính hoặc điện thoại khác.[1]
    • Thư viện công cộng cung cấp máy tính kết nối internet cho các thành viên cộng đồng. Bạn có thể bắt đầu từ đây.
    • Bạn có thể dùng thuê bao điện thoại trả trước. Thiết bị này sẽ hữu ích trong trường hợp bạn cần giúp đỡ sau khi rời khỏi mối quan hệ không lành mạnh.
    • Bạn có thể dùng máy tính hoặc điện thoại của bạn bè hoặc hàng xóm. Nếu cần, bạn nên viện cớ rằng máy tính hoặc điện thoại của mình bị hỏng.
  2. Liên hệ với các tổ chức hỗ trợ. Hầu hết các địa phương đều có dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành. Nếu không biết phải bắt đầu từ đâu hoặc muốn trao đổi với người khác về kế hoạch thoát khỏi mối quan hệ bạo hành, bạn có thể gọi đến các số điện thoại sau đây.
    • Đường dây nóng Phòng chống Bạo lực Gia đình: (04) 37 359 339 (tại Việt Nam)
    • Đường dây nóng 24-giờ khi bị khủng hoảng: 408-975-2739 (Nhà Tạm Trú dành cho Phụ Nữ gốc Á Châu - số tại Mỹ)
    • Đường dây Khẩn Cấp Chương Trình Quốc Gia Chống Bạo Hành Trong Gia Đình: 1-800-799-SAFE (7233) hay TTY 1-800-787-3224 (tại Mỹ)
    • 1800 1567 - Phát hiện vụ bạo hành trẻ em, phụ nữ, bạo hành gia đình (tại Việt Nam)
    • Trên toàn thế giới: Truy cập trang web danh bạ cơ quan phòng chống bạo lực quốc tế
  3. Tìm nơi ẩn náu an toàn. Nếu là phụ nữ bị bạo hành, bạn cần tìm nơi trú ẩn tại địa phương. Bạn cần lưu ý rằng địa điểm này thường được giữ bí mật để bảo vệ nạn nhân, nhưng vẫn phải có thể gọi đường dây nóng hoặc thực hiện sàng lọc tại vị trí nơi ẩn náu. Sau đó bạn sẽ được giới thiệu đến trung tâm bảo vệ.[2]
    • Đa số nơi trú ẩn cung cấp chỗ ở an toàn cho cả phụ nữ lẫn trẻ em. Những địa điểm này có thể bảo đảm và hỗ trợ trong thời gian nạn nhân hồi phục, nhưng bạn chỉ có thể ở đó trong một khoảng thời gian nhất định.[2]
  4. Trao đổi với bạn bè hoặc gia đình.[3] Thật không may là nhiều nạn nhân bị bạo hành thường tách khỏi hoặc bị buộc phải cô lập với xã hội. Điều này khiến họ nghĩ rằng không ai có thể giúp họ thoát khỏi kẻ bạo hành. Tuy nhiên, bạn bè và người thân, ngay cả khi đã mất liên lạc, vẫn có thể giúp đỡ bạn thoát khỏi tình huống xấu. Liên lạc với người mà bạn tin tưởng và nhờ giúp đỡ.
    • Cung cấp chi tiết cho họ biết phải giúp đỡ bạn như thế nào (chẳng hạn như cho bạn ở nhà của họ, giữ hộ “hành lý trốn thoát,” gọi cảnh sát khi bạn cung cấp “mật mã,” v.v…)

Lên kế hoạch trốn thoát[sửa]

  1. Lập quỹ hoặc tín dụng khẩn cấp. Nếu kẻ bạo hành nắm giữ tiền, lấy hết tiền bạc, hoặc không cho đi làm, bạn khó có thể tự tạo quỹ khẩn cấp cho mình. Cất hết toàn bộ tiền lẻ, trả lại hàng để được hoàn tiền, giấu tiền được người khác cho, hoặc tìm cách khác để thu thập tiền mặt khẩn cấp. Nếu không thể tạo một khoản tiền mặt, bạn có thể làm thẻ tín dụng bằng tên mình, nhưng phải yêu cầu gửi hóa đơn tín dụng đến hộp thư, địa chỉ công sở, hoặc địa chỉ nhà bạn bè để kẻ bạo hành không phát hiện ra. Không truy cập tài khoản thẻ tín dụng bằng máy tính ở nhà.[1]
    • Lập thẻ tín dụng có thể giúp bạn tạo khoản tín dụng (miễn là bạn có trách nhiệm thanh toán) cần dùng sau khi rời khỏi nhà để sống tự lập.[1]
  2. Chuẩn bị và giấu “hành lý bỏ trốn.” Bạn cần chuẩn bị sẵn hành lý khẩn cấp với các vật dụng cần thiết.[3] Hành lý phải được cất kỹ (có thể là để ở nhà người khác.) Bạn chỉ nên chuẩn bị ít đồ đạc nhưng phải bao gồm những thứ sau đây [4]
    • Quần áo của mình và con cái
    • Tài liệu quan trọng (giấy khai sinh, hộ chiếu, bằng lái xe, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc tín dụng, phiếu lương, thẻ an sinh xã hội, v.v…)
    • Thuốc men của bản thân và con cái
    • Vật dụng cá nhân đặc biệt như là ảnh chụp hoặc trang sức
    • Đồ ăn vặt có thể bảo quản lâu[3]
  3. Thu thập bằng chứng bạo hành. Bạn không nên kích động tình huống bạo hành để thu thập chứng cứ, nhưng điều này có thể giúp bạn tiến hành hoạt động pháp lý sau này nếu có đủ bằng chứng. Chụp ảnh vết thương, đồ vật bị phá hủy, hoặc căn phòng trong tình trạng xô xát, giữ lại quần áo hoặc khăn dính máu, và tài liệu khám chữa vết thương do bạo hành.[4]
    • Bất cứ khi nào bị thương do bạo hành, bạn cần đến phòng cấp cứu để chữa trị và giữ lại hồ sơ. Đây là tài liệu quan trọng để nhận được lệnh bảo vệ, trông nom con cái, hoặc ly hôn có tranh chấp.
  4. Giấu chìa khóa phụ.[2] Nếu bị hạn chế sử dụng phương tiện, bạn nên chuẩn bị thêm chìa khóa xe. Nếu có sẵn thì bạn nên cất ở nơi dễ tìm thấy trong trường hợp cần trốn thoát. Kiểm tra tình trạng chìa khóa trước khi rời đi để bảo đảm rằng kẻ bạo hành không tìm thấy chìa khóa và vứt đi.
    • Bạn cần sắp xếp phương tiện hướng ra ngoài đường để có thể chạy đi thật nhanh. Đổ xăng đầy bình nhằm tránh trường hợp hết xăng trong lúc khẩn cấp.[2]
  5. Xác định nơi cần đến. Đôi khi việc trốn thoát là điều quan trọng nhất, nhưng bạn có thể trốn thoát an toàn và tránh xa kẻ bạo hành nếu đã lên kế hoạch trước. Bạn cần trao đổi trước với trung tâm bảo vệ, phòng chống bạo lực, hoặc bạn bè hay người thân. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp thì đây phải là những nơi an toàn nếu không có thông báo trước.
    • Nếu định ở nhà bạn bè hoặc người thân, bạn nên chọn người mà kẻ bạo hành không biết đến.
  6. Chuẩn bị cho thú cưng. Rất nhiều người (đặc biệt là phụ nữ) cố gắng chịu đựng sự bạo hành vì họ sợ thú cưng bị tổn thương nếu họ rời khỏi nhà. Một số nơi trú ẩn cho phép mang theo thú cưng. Nếu không thể, bạn nên để chúng ở nhà hàng xóm hoặc bạn bè, thậm chí là đưa đến trại động vật nhân đạo để trú ẩn. Sau cùng thì bạn phải chấp nhận sự thật là cuộc sống của mình quan trọng hơn của vật nuôi.
  7. Cân nhắc dẫn theo con cái. Bạn cần trao đổi với luật sư trước khi rời khỏi nhà về việc dắt con cái đi cùng. Tất nhiên bạn phải bảo vệ chúng khỏi cái xấu, nhưng cũng không nên làm ảnh hưởng đến quyền bảo vệ và nuôi dưỡng con cái sau này.

Trốn thoát[sửa]

  1. Rời khỏi nhà trong thời điểm thích hợp. Bạn nên đi khỏi trong lúc kẻ bạo hành không có ở nhà (trừ khi tình huống bạo lực khiến bạn phải chạy đi ngay lập tức). Lên kế hoạch và chuẩn bị khi kẻ bạo hành sắp đi vắng khoảng vài tiếng. Dành ra thời gian thu dọn đồ đạc và đến nơi an toàn trước khi kẻ bạo hành phát hiện ra bạn đã trốn thoát.
    • Bạn không cần phải để lại lời nhắn hay giải thích lý do trốn thoát. Chỉ cần rời khỏi nhà là được.
    • Nếu không có xe, bạn có thể nhờ người đến đón. Nếu sợ có nguy hiểm sắp xảy ra, bạn có thể nhờ cảnh sát đến đón bạn đi.
  2. Ra khỏi nhà ngay lập tức và bảo đảm không có ai đi theo. Bạn nên chạy ngay đến nơi an toàn (trung tâm bảo vệ hoặc nhà bạn bè hay người thân), và đi đường vòng cũng như quan sát xem có ai theo sau hay không. Bạn nên hòa vào dòng phương tiện đang lưu thông, đi đường tắt, vòng lại và đi theo tuyến đường, cũng như lưu ý bất kỳ phương tiện phía sau đi cùng hướng với bạn.
  3. Không mang theo điện thoại. Ghi lại số điện thoại quan trọng vào giấy (hoặc ghi nhớ trong đầu[3].) Điện thoại có thể đã cài đặt chế độ theo dõi mà bạn không hề biết, do đó không nên mang theo nhằm tránh kẻ bạo hành có thể tìm ra bạn.[5]
    • Cân nhắc mua điện thoại dùng sim trả trước và cất vào hành lý khẩn cấp. Điều này giúp bạn thực hiện các cuộc gọi quan trọng liên quan đến việc trốn thoát và bảm đảm an toàn mà không làm cho kẻ bạo hành phát hiện ra bạn.[5]
  4. Để lại dấu vết đánh lạc hướng sau khi rời khỏi nhà. Nếu cho rằng kẻ bạo hành sẽ truy đuổi, bạn nên tạo hiện trường giả sau khi trốn thoát. Gọi đến khách sạn cách nhà 6 tiếng đi xe để che giấy đích đến thật sự. Dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ngân hàng chung để đặt phòng khách sạn, hoặc gửi thư điện tử xác nhận đến tài khoản thư điện tử chung hoặc theo dõi. Ngoài ra bạn có thể thuê xe ở khách sạn hoặc nhắn cho nhân viên gọi vào số điện thoại nhà.[4]
    • Không thực hiện các bước này trước khi rời khỏi nhà, vì kẻ bạo hành có thể biết bạn đang sắp sửa trốn thoát và gây ra hành vi bạo lực.[4]
    • Nếu dùng điện thoại của mình để tạo dấu vết giả, bạn nên vứt đi trước khi đến địa điểm thực tế.
  5. Đến ngay nơi an toàn. Bất kể đó là đâu thì bạn cũng nên đến đó. Trung tâm bảo vệ hoặc tổ chức hỗ trợ nạn nhân bạo hành có đội ngũ nhân viên hoặc tình nguyện viên có khả năng giúp bạn xác định điều cần làm sau khi trốn thoát.
    • Nếu đến nhà bạn bè hoặc người thân, bạn vẫn nên xem xét liên lạc với tổ chức hỗ trợ nạn nhân để được hướng dẫn tiếp cận trợ giúp pháp lý, tư vấn, nhóm hỗ trợ, đào tạo việc làm, và hỗ trợ tài chính.[2]
  6. Lên kế hoạch bảo đảm an toàn cho bản thân. Cho dù thận trọng đến đâu, kẻ bạo hành vẫn có thể lần theo dấu vết của bạn. Bạn cần chuẩn bị trước cho tình huống bất ngờ này. Khi đó bạn cần gọi điện cho cảnh sát ngay lập tức.
    • Nếu kẻ bạo hành xuất hiện và nài nỉ bạn về nhà, bạn không được đi theo. Lúc này chúng sẽ cố gắng dỗ ngọt để bạn quay về, nhưng nếu nghe theo lời bạn sẽ gặp nguy hiểm.

Đảm bảo bí mật danh tính[sửa]

  1. Dùng tên giả. Khi đến trung tâm bảo vệ dành cho phụ nữ, bạn không cần phải cung cấp thông tin cá nhân của mình. Bạn có thể dùng tên giả để đăng ký, đặc biệt là trên giấy tờ.[2] Cách này không áp dụng cho trường hợp tư vấn pháp lý hoặc tài chính, nhưng trong lúc này bạn có thể sử dụng để bảo đảm an toàn hơn.
  2. Không tiết lộ địa điểm. Không bao giờ cung cấp vị trí trung tâm bảo vệ cho người khác. Nếu tiết lộ cho kẻ bạo hành, người thân hoặc gia đình kẻ bạo hành, hay bạn bè của bạn và kẻ bạo hành, bạn đang khiến mình và những phụ nữ cũng như như trẻ em khác trong trung tâm rơi vào tình huống nguy hiểm.
    • Bạn có thể phải ký giấy tờ đảm bảo không tiết lộ vị trí trung tâm bảo vệ trước khi tổ chức dẫn bạn đến địa điểm bí mật.
  3. Thay đổi thói quen công việc. Nếu đang đi làm, bạn cần trao đổi với nhà tuyển dụng về sự thay đổi nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân. Một số địa phương quy định các công ty phải tạo điều kiện cho nạn nhân bị bạo hành.[3] Tìm hiểu về việc thay đổi địa điểm, giờ làm việc, hoặc tăng cường an ninh khi di chuyển từ nơi làm việc đến bãi để xe.
  4. Dùng số điện thoại không công khai và địa chỉ bí mật. Khi chuyển sang nơi ở mới, bạn cần có số điện thoại nhà không công khai. Đối với thư từ thì dùng hộp thư hoặc hỏi bưu điện về chương trình địa chỉ bí mật tại địa phương.[2] Điều này khiến cho kẻ bạo hành khó tìm ra vị trí hiện tại của bạn.
    • Nếu có con nhỏ, bạn cần nói với chúng không được tiết lộ địa chỉ nhà cho kẻ bạo hành hay người lạ.
  5. Thay toàn bộ mật khẩu. Bất kỳ tài khoản trực tuyến nào cũng có thể là nguồn cung cấp thông tin. Để đảm bảo an toàn, bạn cần đổi mật khẩu tài khoản tài chính, mạng xã hội, thư điện tử, v.v...[2] Trên thực tế, bạn nên khóa tài khoản mạng xã hội tạm thời (hoặc vĩnh viễn) và đổi địa chỉ thư điện tử.
  6. Yêu cầu tăng cường bảo vệ. Một số công ty chỉ yêu cầu Số an sinh xã hội và họ tên trước khi kết hôn của mẹ bạn để truy cập thông tin mật. Nếu bạn kết hôn với kẻ bạo hành, người này có thể nắm được thông tin đó. Trao đổi với công ty về an ninh tài khoản tăng cường, hoặc cung cấp câu trả lời cho câu hỏi bảo mật không chính xác (nhưng bạn vẫn còn nhớ). Ví dụ, bạn có thể cung cấp họ tên trước khi kết hôn của bà nội thay vì mẹ bạn.

Thực hiện thủ tục pháp lý[sửa]

  1. Nhờ trung tâm bảo vệ hướng dẫn hoặc cung cấp nguồn hỗ trợ. Hầu hết trung tâm bảo vệ tiến hành hướng dẫn thủ tục pháp lý. Một số trung tâm còn đưa ra dịch vụ pháp lý miễn phí cho nạn nhân của bạo lực gia đình.[6] Ngay cả khi không ở trung tâm bảo vệ, bạn nên liên lạc tổ chức (đa số đều có đường dây hỗ trợ) để tham khảo dịch vụ pháp lý miễn phí hoặc giá rẻ.
    • Một số tổ chức cung cấp dịch vụ di trú cho nạn nhân nhập cư của bạo lực gia đình; không nên chịu đựng bạo hành vì sợ bị trục xuất. Bạn có quyền chống lại bạo hành ngay cả nếu là người nhập cư.
  2. Liên lạc với luật sư. Bạn sẽ cần luật sư để hỗ trợ trong cuộc chiến pháp lý mà bạn có thể phải đối mặt. Nếu kết hôn với kẻ bạo hành, có con chung, hoặc là người nhập cư, bạn cần thực hiện thủ tục pháp luật với sự trợ giúp của luật sư.
    • Nếu không có tiền, bạn vẫn có thể thuê luật sư. Một số luật sư sẽ tiến hành đề nghị bồi hoàn từ kẻ bạo hành trong trường hợp vụ kiện có lợi cho bạn. Những luật sư khác có thể nhận giải quyết hồ sơ của bạn bằng hành động từ thiện.
  3. Nộp đơn xin lệnh bảo vệ cá nhân (PPO). PPO là văn bản quy phạm pháp luật của pháp luật cho phép bạn được nhận bảo vệ khỏi kẻ bạo hành. Để nộp hồ sơ xin PPO, bạn cần thu thập bằng chứng bạo hành cũng như viết thư mô tả tình trạng bạo hành và mối quan hệ giữa bạn và kẻ bạo hành cho tòa án địa phương. Tòa sẽ hướng dẫn điền vào giấy tờ cần thiết để xin PPO hợp pháp.[7]
    • Sau khi nộp đơn xin PPO, nếu được chấp thuận, lệnh bảo vệ sẽ được gửi đến kẻ bạo hành, và bạn cần nộp văn kiện chứng minh cho tòa án. Trao đổi với thư ký tòa án về cách tiến hành thủ tục.[7]
    • Sau khi nhận PPO, bạn phải luôn giữ bên mình. Nếu kẻ bạo hành vi phạm điều khoản của PPO, bạn cần xuất trình PPO cho cảnh sát. [7]
    • Nhận thức rằng PPO không bảo đảm sự an toàn của bạn.[2] Giấy này chỉ có tác dụng khiến cho kẻ bạo hành bị bắt giữ trong trường hợp gây ra bạo lực, nhưng PPO thường không đủ khả năng giúp bạn tránh xa hoàn toàn kẻ bạo hành.
  4. Nộp đơn cáo buộc hành hung. Nếu gần đây bị hành hung, hoặc có hồ sơ bạo hành (hồ sơ cảnh sát và/hoặc y tế), bạn cần nộp đơn cáo buộc hành hung chống lại kẻ bạo hành. Bạn có thể nộp đơn không cần bằng chứng thể chất (đặc biệt nếu bạn có nhân chứng chống lại kẻ bạo hành), nhưng thủ tục sẽ nhanh gọn hơn nếu bạn thu thập bằng chứng hành hung về thể chất trước khi rời khỏi kẻ bạo hành.
    • Rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với vụ án nhiều cấp độ (ví dụ, bạn có thể nộp đơn ly hôn, giành quyền nuôi con, cáo buộc hành hung, và yêu cầu PPO). Do tính chất phức tạp của những thủ tục này, bạn cần phải thuê luật sư.
  5. Thực hiện các thủ tục phù hợp để ly hôn hoặc giành quyền nuôi con. Sau khi thoát khỏi kẻ bạo hành, bạn cần phải loại bỏ mọi sự ràng buộc về mặt pháp lý. Nếu chưa kết hôn và chưa có con, bạn chỉ cần hủy bỏ sự liên quan là đủ. Nếu đã kết hôn và có con, bạn sẽ phải đối mặt với tranh chấp pháp lý hết sức cam go bắt buộc bạn phải xuất hiện trước kẻ bạo hành (ví dụ như trong phiên tòa). Bạn cần chuẩn bị tinh thần cho sự kiện này bằng cách tận dụng hỗ trợ có sẵn thông qua trung tâm bảo vệ, tư vấn pháp lý, bạn bè và người thân, và bác sĩ trị liệu.
  6. Đi khám bác sĩ trị liệu. Bạn cần tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ trị liệu hoặc nhóm trị liệu cộng đồng (hoặc cả hai!). Vượt qua sự bạo hành không phải là điều dễ dàng, và để thoát khỏi nó cần rất nhiều nỗ lực. Bạn có thể dựa vào những người xung quanh để hồi phục tinh thần hiệu quả, luôn luôn mạnh mẽ, và chuẩn bị cho mối quan hệ tốt đẹp sau này. [2]

Cảnh báo[sửa]

  • Gọi 113 hoặc dịch vụ khẩn cấp khác nếu cảm thấy bị đe dọa hoặc nguy hiểm. Bạn nên gọi cảnh sát nếu có xảy ra bạo lực.
  • Không để sự thiếu chuẩn bị khiến bạn trốn thoát chậm trễ khi đang gặp nguy hiểm cận kề. Ví dụ, nếu có cơ hội và phương tiện để chạy trốn nhưng chưa chuẩn bị hành lý khẩn cấp, bạn vẫn phải rời khỏi đó ngay lập tức.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]