Tránh đổ mồ hôi quá nhiều

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Bạn tránh nắm tay người khác vì tay mình đổ nhiều mồ hôi? Chân bạn nhiều mồ hôi đến mức vớ và giày luôn có mùi? Bạn xấu hổ vì các vết ố vàng do mồ hôi lan rộng dưới cánh tay? Đây là những vấn đề không chỉ riêng bạn gặp phải. Có thể bạn đang mắc một loại bệnh lý gọi là tăng tiết mồ hôi. Hoặc ngay cả khi không phải do bệnh lý mà vẫn đổ mồ hôi nhiều thì bạn vẫn có thể tiến hành các bước giúp ngăn mùi hôi, cảm giác ẩm ướt khiến bạn mất tự tin và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Con người đổ mồ hôi để hạ nhiệt cơ thể. Ảnh: YouTube.

Các bước[sửa]

Dùng sản phẩm ngăn tiết mồ hôi[sửa]

  1. Bắt đầu dùng sản phẩm dạng sáp ngăn tiết mồ hôi dưới cánh tay. Đọc kỹ nhãn để chắc chắn đó là sản phẩm ngăn tiết mồ hôi chứ không chỉ là sản phẩm khử mùi. Sản phẩm khử mùi che đi mùi hôi dưới cánh tay nhưng không giúp kiểm soát tình trạng tiết quá nhiều mồ hôi.
  2. Tìm mua sản phẩm được dán nhãn "đặc trị". Sản phẩm ngăn tiết mồ hôi đặc trị có giá cao hơn nhưng hiệu quả hơn trong việc giảm tiết mồ hôi.
  3. Dùng sản phẩm ngăn tiết mồ hôi một lần vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ. Thoa sản phẩm ngăn tiết mồ hôi hai lần mỗi ngày được chứng minh lâm sàng là rất hiệu quả trong việc ngăn tiết mồ hôi quá mức. Nếu chỉ dùng một lần, bạn nên thoa trước khi đi ngủ thay vì thoa vào buổi sáng. Ngoài ra, nên mát-xa cho sản phẩm ngăn tiết mồ hôi cho thấm vào da.
  4. Chỉ thoa sản phẩm ngăn tiết mồ hôi lên da khô. Nếu vùng dưới cánh tay đổ mồ hôi hoặc sau khi vừa tắm xong, bạn nên dùng khăn lau khô hoặc dùng máy sấy cài chế độ gió mát để sấy khô. Thoa sản phẩm ngăn tiết mồ hôi lên vùng dưới cánh tay đang ướt có thể gây kích ứng da.
  5. Dùng sản phẩm ngăn tiết mồ hôi cho các vị trí khác trên cơ thể ngoài vùng dưới cánh tay. Sản phẩm ngăn tiết mồ hôi dạng xịt Aerosol là giải pháp tuyệt vời cho tình trạng đổ mồ hôi chân, miễn là bạn đảm bảo xịt lên cả lòng bàn chân và giữa các ngón chân. Nếu vùng mặt đổ nhiều mồ hôi, bạn nên thử thoa một ít sản phẩm ngăn tiết mồ hôi dọc theo đường viền tóc. Nên thử trước khi dùng ở nơi công cộng để đảm bảo sản phẩm ngăn tiết mồ hôi không kích ứng da mặt. [1]

Mặc quần áo phù hợp[sửa]

  1. Chọn chất liệu vải thấm mồ hôi. Vải cotton sẽ hút ẩm tương tự như loại vải dùng để may trang phục tập thể thao (có cấu tạo giúp hút ẩm). Ngoài ra, bạn có thể chọn quần áo từ vải dệt thưa, ví dụ như vải lanh.
  2. Mặc nhiều lớp. Nam giới nên mặc áo lót giúp thấm mồ hôi, còn nữ giới có thể mặc áo hai dây Camisole có khả năng thấm hút hoặc sử dụng miếng dán thấm hút mồ hôi.
  3. Chọn đúng màu sắc. Nếu bạn mặc đồ trắng, mọi người sẽ dễ nhận thấy bạn đổ mồ hôi. Nếu chọn màu hồng hoặc vải có hoa văn thì mồ hôi sẽ không hiện quá rõ.
  4. Chọn giày "dễ thở" nếu bị đổ mồ hôi chân. Các nhãn hiệu như Geox có bán lót giày hút ẩm và giúp hơi ẩm thoát qua các lỗ trong miếng lót giày. Mặt khác, bạn có thể giảm đổ mồ hôi chân bằng cách mang giày làm từ da hoặc các chất liệu tự nhiên khác.[2] Mang giày xăng-đan hoặc đi chân trần khi có thể để chân được thoáng khí.
  5. Mang quần áo dự phòng. Mang thêm áo thun hoặc áo khoác để thay vào giữa ngày, khi trên quần áo có dấu vết của mồ hôi. Thay quần áo trong nhà vệ sinh hoặc trong xe hơi, đồng thời dùng miếng vải hoặc khăn tay để lau bớt mồ hôi trước khi mặc đồ mới. Ngoài ra, nếu chân đổ mồ hôi và có mùi, bạn nên mang thêm vớ và giày dự phòng.[3]

Thay đổi lối sống và dùng nguyên liệu tại nhà chưa được kiểm chứng[sửa]

  1. Không ăn thức ăn cay. Các loại thực phẩm như ớt cay khiến bạn đổ nhiều mồ hôi hơn, còn hành tây và tỏi khiến mồ hôi có mùi khó chịu. Bạn nên ăn thức ăn nhạt trong suốt cả ngày nếu đang ở nơi làm việc hoặc nơi công cộng.
  2. Giảm cân. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì thì việc giảm cân sẽ giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra. Càng nặng cân thì bạn càng đổ nhiều mồ hôi vì cơ thể khó hạ nhiệt một cách hiệu quả.
  3. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Có thể giảm mùi mồ hôi một cách đáng kể bằng cách thói quen đơn giản là vệ sinh cá nhân thường xuyên.
    • Tắm hàng ngày (tắm vòi sen hoặc tắm bồn) và trong trường hợp nặng, bạn nên tắm hai lần mỗi ngày. Dùng xà phòng khử mùi để giúp loại bỏ vi khuẩn gây mùi.
    • Khi ra ngoài, bạn nên mang theo khăn ướt dành cho bé hoặc các loại khăn ướt tương tự. Vào nhà vệ sinh để dùng khăn ướt lau mồ hôi dưới cánh tay và trên cơ thể một cách nhanh chóng để sạch sẽ như ban đầu.
    • Luôn mang sản phẩm ngăn tiết mồ hôi bên người để sử dụng nhanh chóng, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất hoặc hoạt động gây căng thẳng như diễn thuyết. Nếu có không gian làm việc riêng, bạn có thể đặt thanh lăn ngăn tiết mồ hôi trong hộc tủ bàn. Chỉ cần đảm bảo không đặt sản phẩm ngăn tiết mồ hôi trong xe hơi nóng để tránh khiến sản phẩm tan chảy.
  4. Bỏ uống thức uống chứa caffeine. Các thức uống này khiến bạn đổ mồ hôi quá mức.
  5. Thử dùng lá xô thơm. Một số người tin rằng lá xô thơm có thể giúp xoa dịu sợi thần kinh khiến bạn đổ mồ hôi nhiều. Thử dùng công thức từ lá xô thơm dưới đây để ngăn tiết mồ hôi quá mức:
    • Cho 4 thìa lá xô thơm vào 2 cốc (500 ml) nước sôi. Đun liu riu 5 phút rồi đổ nước qua sàng lỗ nhỏ để chắt lấy nước uống.
    • Kết hợp 5 thìa lá xô thơm, 1 thìa rễ cây nữ lang và 1 thìa cỏ đuôi ngựa. Đổ 1 cốc (250 m) nước sôi lên hỗn hợp thảo mộc rồi đun cho sôi lại. Lọc bỏ lá rồi dùng nước thảo mộc để uống hàng ngày.
  6. Rửa tay, chân bằng hỗn hợp thảo mộc. Trộn lá khuynh diệp, vỏ sồi, lá cây óc chó, lá cây phỉ và rễ cây Tormentil với lượng bằng nhau. Cho 5 thìa hỗn hợp vào 2 lít nước. Đun sôi hỗn hợp khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Đổ thêm vào 1 lít nước mát rồi dùng hỗn hợp để ngâm tay và chân.
  7. Dùng thảo mộc để ngăn đổ mồ hôi trộm. Trộn 3 phần lá xô thơm, lá cây óc chó với 2 phần lá cây tầm ma và lá dâu tây. Đổ 1 cốc (250 ml) nước đang bốc hơi vào hỗn hợp để uống trước khi đi ngủ.
  8. Uống trà từ lá bạc hà, hạt thìa là hoặc tía tô đất nếu đổ mồ hôi do lo âu hoặc căng thẳng. Uống các loại trà này trước khi đi ngủ giúp bạn thư giãn và nghỉ ngơi một chút, nhờ đó giảm cảm giác lo âu.
  9. Sử dụng thêm tinh dầu khi tắm. Thử dùng tinh dầu hoa hồng, hoa oải hương hoặc tinh dầu cam để tạo mùi hương dễ chịu và che mùi hôi cơ thể.
  10. Thoa tinh dầu thành một lớp mỏng lên bàn tay và bàn chân. Chọn tinh dầu phong lữ, tràm trà hoặc tinh dầu cây bách.[4]

Tìm sự trợ giúp y tế[sửa]

  1. Trao đổi trước với bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu. Nếu gặp tình trạng quần áo ướt sũng, xấu hổ hoặc không thể kiểm soát mùi mồ hôi, bạn nên đi khám bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra tuyến giáp hoặc tìm dấu hiệu nhiễm trùng, hoặc tiến hành các xét nghiệm khác tùy theo chuyên môn.
  2. Thử phương pháp điện chuyển ion đối với tình trạng đổ nhiều mồ hôi ở bàn tay và bàn chân. Bác sĩ có thể cho bạn dùng máy điện chuyển ion tại nhà - máy dùng dòng điện nhẹ chạy ra nước để “ngắt” tuyến mồ hôi.[5]
  3. Hỏi về việc tiêm Botox. Botox có thể tạm thời gây tê liệt tuyến mồ hôi trong 7-19 tháng sau mỗi lần tiêm. Botox thường được dùng kiểm soát tình trạng đổ mồ hôi dưới cánh tay nhưng cũng có thể được tiêm vào mặt, bàn tay hoặc bàn chân. [6]
  4. Dùng máy MiraDry. Thiết bị này tác động đến vùng da dưới cánh tay hoặc các vị trí đổ mồ hôi khác có một lớp mỡ bảo vệ. Thiết bị cầm tay đưa năng lượng điện từ được kiểm soát, còn nguồn nhiệt sẽ khiến tuyến mồ hôi phân hủy. Bác sĩ thường khuyến nghị 2 lần điều trị cách nhau 3 tháng. [7]
  5. Uống thuốc kháng cholin. Mặc dù không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA chấp thuận nhưng từ lâu, các thuốc này đã được kê đơn cho tình trạng đổ nhiều mồ hôi. Vận động viên, người tập thể thao và người làm việc ngoài trời nên tránh dùng các thuốc này vì thuốc làm mất khả năng tiết mồ hôi, từ đó có thể khiến cơ thể khó hạ nhiệt.[8]
  6. Nhờ sự can thiệp về tâm lý. Nếu bạn đổ nhiều mồ hôi do lo âu thì khóa trị liệu hành vi nhận thức hoặc trị liệu tâm lý có thể giúp bạn giảm tiết mồ hôi.
  7. Chỉ tiến hành phẫu thuật như một giải pháp cuối cùng. Bạn có 2 lựa chọn.
    • Phẫu thuật vùng dưới cánh tay. Quy trình này được tiến hành sau khi được gây tê cục bộ tại phòng khám của bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ dùng phương pháp hút, nạo hoặc laser để phá hủy tuyến mồ hôi. Bạn thường phục hồi sau 2 ngày nhưng cần hạn chế sử dụng cánh tay trong khoảng 1 tuần. Rất tiếc là bảo hiểm sức khỏe có thể không chi trả cho quy trình phẫu thuật này.
    • Nội soi cắt hạch giao cảm. Bác sĩ phẫu thuật sẽ gây mê toàn thân cho bệnh nhân rồi cắt các dây thần kinh từ cột sống chịu trách nhiệm kích thích đổ mồ hôi quá mức. Quy trình phẫu thuật này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm hạ huyết áp, không dung nạp nhiệt và loạn nhịp tim. Vì vậy, phương pháp này chỉ được khuyến nghị khi các phép điều trị khác thất bại.
  8. Hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị thử nghiệm. Ví dụ gồm có châm cứu, phản hồi sinh học, thôi miên hoặc kỹ thuật thư giãn.[9]

Lời khuyên[sửa]

  • Uống nước càng nhiều càng tốt (đặc biệt là vào ngày nóng) để thải độc cơ thể.
  • Ngay cả khi mồ hôi hiện rõ thì bạn cũng không nên mặc thêm quần áo để che đi. Làm vậy chỉ gây mùi hôi và khiến tình trạng nặng hơn. Cuối cùng mồ hôi sẽ khô đi. Nếu không, bạn nên vào phòng tắm để lau sạch.
  • Không uống sữa nếu định ra ngoài trời nắng nóng cả ngày. Uống sữa khiến bạn thấy mệt và đổ mồ hôi nhiều hơn.
  • Nếu ra ngoài trời, bạn nên giải lao thường xuyên. Tiêu thụ một chút chế phẩm từ sữa động vật trong khi giải lao. Ngoài ra, mang theo bình xịt khi ở ngoài trời. Xịt lên những vùng cơ thể cảm thấy nóng để dưỡng ẩm cho da và ngăn đổ mồ hôi.
  • Chứng tăng tuyến giáp có thể gây hậu quả thứ phát là đổ mồ hôi quá mức. Nếu mắc chứng tăng tuyến giáp, bạn phải tìm sự giúp đỡ y tế. Đó có thể là dấu hiệu bệnh tiểu đường.
  • Cố gắng không cảm thấy xấu hổ vì vết ố do đổ mồ hôi.
  • Đôi khi đổ mồ hôi là do chế độ ăn uống nghèo nàn. Chế độ ăn không lành mạnh hoặc quá nhiều đồ ăn ngọt có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng tiết mồ hôi. Đó cũng có thể là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Tắm nước lạnh để ngăn đổ mồ hôi thêm, đồng thời uống nước mát để cung cấp nước và làm mát cơ thể.
  • Cố gắng giữ bình tĩnh để tránh đổ mồ hôi do lo lắng.
  • Quần áo tối màu có khả năng hấp thụ nhiệt, khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu tình trạng đổ mồ hôi nhiều đi kèm triệu chứng chóng mặt, đau ngực hoặc đau bụng, ớn lạnh thì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng như lên cơn đau tim. Bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.[10]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Sản phẩm ngăn tiết mồ hôi
  • Quần áo hút ẩm
  • Áo lót cotton hoặc áo Camisole
  • Miếng dán hút mồ hôi
  • Giày cho chân dễ thở
  • Xà phòng khử mùi
  • Sản phẩm khử mùi
  • Khăn ướt dành cho bé
  • Lá xô thơm
  • Rễ cây nữ lang
  • Cỏ đuôi ngựa
  • Lá khuynh diệp
  • Vỏ sồi
  • Lá cây óc chó
  • Lá cây phỉ
  • Rễ Tormentil
  • Cây tầm ma
  • Lá dâu tây
  • Trà làm từ hạt thìa lá, tía tô đất hoặc lá bạc hà
  • Tinh dầu hoa hồng, hoa oải hương hoặc tinh dầu cam
  • Tinh dầu cây bách, tràm trà hoặc tinh dầu phong lữ

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này