Trò chuyện với Cao Xuân Hạo và Trịnh Hữu Tuệ về tiếng Việt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhân đọc một số bài viết trao đổi về tiếng Việt giữa Gs. Cao Xuân Hạo và anh Trịnh Hữu Tuệ, tôi muốn xin phép dùng bài viết này để góp một vài ý kiến. Nó có thể hời hợt do kiến thức có hạn của tôi, nhưng vẫn hy vọng qua đó, một lần nữa, bạn đọc có thể nhận ra những vấn đề có liên quan đến tiếng Việt, người nghiên cứu nó cũng như cộng đồng của nó. Tôi sẽ ráng viết thật đơn giản và tránh lý thuyết để mọi người đọc được. Bạn đọc nào quan tâm đến lý thuyết, xin vui lòng xem chi tiết ở phần tài liệu Tiếng Việt và Ngôn ngữ học hiện đại – Sơ khảo về cú pháp (Adobe® PDF - 365 trang - 2.73 MB [*]) và Phép biến hình trong Ngữ pháp tạo sinh (Adobe® PDF - 29 trang - 430 kB) hoặc liên lạc trực tiếp với tác giả.

Trước hết xin bắt đầu bằng sự suy ngẫm về nhận xét của Cao Xuân Hạo trong bài viết "Vài lời nhân bài viết của Trịnh Hữu Tuệ" của ông:

"Ở ta có một hiện tượng lạ (tôi biết câu này rất thừa, bởi vì ở ta chỉ có toàn những hiện tượng lạ mà thôi) là những người làm văn học (nghiên cứu hay phê bình) chưa bao giờ thèm chú ý đến ngôn ngữ, mặc dầu ngôn ngữ chính là chất liệu của văn học. Làm văn học mà không biết gì về ngôn ngữ chẳng khác nào làm âm nhạc mà không biết gì về âm thanh (cao độ, khoảng cách, âm giai, hòa âm, điệu thức, v.v.) hay làm hội họa mà không biết gì về mầu sắc, hình thể, đường nét, nhãn giác, viễn cận, bố cục, v.v. Ở ta, sự dốt nát về ngôn ngữ (về tiếng Việt) có một lý do tự nhiên: đó là sách và bài vở của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chưa bao giờ viết một câu nào về tiếng Việt: tất cả đều dịch từ sách ngữ pháp tiếng Pháp, và các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chưa bao giờ dành ra một phút để quan sát xem thử người Việt nói năng như thế nào. Lác đác trong sách của vài người như Trương Vĩnh Ký (1883) hay Phạm Duy Khiêm (trong sách của Trần Trọng Kim & Bùi Kỷ 1940) có viết về một vài sự thật không thể chối cãi của tiếng Việt, nhưng chẳng có ai thèm nghe, vì cái định kiến cho rằng tiếng Việt chính là tiếng Pháp được coi là một chân lý thiêng liêng hơn cả sự thật khoa học".

Dẫu lời phê phán của ông không được vui nhưng tôi vẫn đồng ý với ông phần nào.


Tri thức ngôn ngữ của người Việt[sửa]

Khách quan mà nói, tri thức ngôn ngữ của người Việt xưa nay - nhìn chung – còn khá yếu. Theo tôi, nguyên do chính nằm ở sự yếu kém của nền giáo dục ngôn ngữ của Việt Nam. Báo chí vẫn thường xuyên lên tiếng về vấn đề dùng tiếng Việt. Nó không chỉ xảy ra ở người thường mà còn ở người cầm bút (viết văn, làm thơ, ...).

Trời sinh, con người có một thẩm năng hơn hẳn mọi loài sinh vật khác, đó là thẩm năng ngôn ngữ. Ngôn ngữ của con người cực kỳ phức tạp. Mặc dù một ai đó có khả năng dùng tiếng mẹ đẻ của mình rất thành thạo để diễn tả ý tưởng, đàm thoại, truyền tin ..., thế nhưng khi được hỏi tại sao anh lại đặt câu cú như thế, hành ngôn như thế, chưa chắc gì anh ta đã giải thích được. Vì thế mà ngôn ngữ học đã hình thành. Như một loại khoa học nhận thức (cognitive science), nó có nhiệm vụ đi giải thích những suy nghĩ của con người mà bình thường con người không giải thích được.

Mỗi khoa học đều có lý thuyết. Lý thuyết có thể phức tạp và khô khan. Lý thuyết ngôn ngữ cũng vậy. Thế nhưng có những kiến thức phổ thông thực sự cần thiết, cần được giảng dạy trong học đường. Đặc biệt, đối với người sinh hoạt thường xuyên với chữ nghĩa, những kiến thức này lại càng cần thiết. Chỉ cần nắm kiến thức phổ thông, chứ không cần đi sâu vào chi tiết như người nghiên cứu, cũng đủ giúp ta hiểu được ngôn ngữ mình sử dụng tốt hơn, nhận thức được cái căn cước của nó rõ ràng hơn, ý thức hơn khi dùng nó hoặc sáng tạo ra những sản phẩm ngôn ngữ. Chẳng hạn cách lập từ của tiếng Việt thế nào, ngữ pháp, ngữ nghĩa, cách hành ngôn thông dụng của nó ra sao.


Nhiệm vụ và vấn đề của giới ngôn ngữ học Việt Nam[sửa]

Đưa kiến thức ngôn ngữ phổ thông đến mọi người là nhiệm vụ của giới ngôn ngữ học. Công việc cần làm trước nhất là soạn giáo liệu. Nó đòi hỏi phải có những kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng và quan trọng hơn hết là cách giải thích sao cho đúng ngôn ngữ, thì mới đúng nghĩa khoa học nhận thức. Thế nhưng ngay điểm cơ bản này, nội bộ giới ngôn ngữ học Việt Nam đã để lộ vấn đề.

Nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam thường mắc một căn bệnh là khi nghiên cứu tiếng Việt, họ thường quên mất đối tượng nghiên cứu của mình chính là tiếng Việt. Chìm đắm trong lý thuyết ngôn ngữ là nguyên do chính. Có khi người nghiên cứu còn quên cả tiếng Việt, quên cả những nét đặc trưng của nó mà bình thường, khi không nghiên cứu, mới nhớ.

Chìm đắm trong lý thuyết là tâm lý tự nhiên của con người khi mải mê, tập trung quá sức vào nó. Người nghiên cứu tự nhốt mình vào trong thế giới ấy và tự động tách mình ra khỏi thế giới nơi đối tượng nghiên cứu của mình tồn tại. Trong hoàn cảnh này, người nghiên cứu sống với cái "là" của lý thuyết nhiều hơn với cái "là" của đối tượng mình muốn tìm hiểu. Từ sự chịu ảnh hưởng nặng nề của lý thuyết, người nghiên cứu có thể vô tình áp đặt nó một cách cứng nhắc lên ngôn ngữ mình muốn khảo sát, mặc dù tự bản thân nó chưa hẳn đã có giá trị tuyệt đối cho mọi ngôn ngữ con người trên hành tinh này. Tiếng Việt là một trường hợp điển hình. Chưa hẳn một lý thuyết ngôn ngữ của Tây phương đã có thể giải thích được tiếng Việt một cách hoàn hảo. Ðó là sự hoài nghi của tôi vào lúc ban đầu, nhưng theo thời gian, nó đã thành sự thật. Một ví dụ chứng minh:

Như ta biết, theo lý thuyết cú pháp Tây phương, ngữ pháp tạo sinh (generative grammar) [1] chẳng hạn, thì từ (word) được coi là đơn vị cú pháp nhỏ nhất có âm, ý nghĩa và loại từ vựng (lexical) nhất định (danh từ, động từ, tính từ, v.v.). Đây là quan điểm chung của những nhà ngôn ngữ học Tây phương (không nói là tất cả). Nó có thể đúng đối với ngôn ngữ Âu châu, nhưng đối với tiếng Việt thì không. Chẳng hạn người Việt nói:

1. Đi đâu mà vội vàng thế?


Trong câu này, "vội vàng" là một từ tiếng Việt. Trên lý thuyết, ta không thể chặt nó ra làm hai khúc nhưng trên thực tế lại khác. Xem câu sau:

2. Đi đâu mà vội mà vàng thế cô?


Trong câu này từ "vội vàng" bị tách đôi: "vội" và "vàng". "Vàng" ở đây không có nghĩa và cũng không có một chức năng từ vựng (động từ, danh từ, tính từ, ...) nào cả. Mặc dù đối với phạm trù từ vựng (lexical category) theo lý thuyết X-gạch (X-Bar) [2] , ta có thể tự đặt tên cho nó là một loại từ vựng X nào đó tùy ý (không bắt buộc phải là danh từ, động từ, tính từ, ...), nếu muốn, thế nhưng điều kiện không cho phép vì nó không phải là một từ.

Thú thực lâu nay tôi không còn theo dõi, xem giới ngữ pháp tạo sinh có cách giải thích mới nào về hiện tượng tiếng Việt này không, nhưng vào giữa những năm 80, khi còn làm việc trong một đồ án nghiên cứu về ứng dụng trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) cho hệ nhận diện ngôn ngữ tự nhiên (natural language), chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn và không thể thí nghiệm tiếp cho tiếng Việt với những trường hợp tương tự. Từ kết quả thực tế, tôi nghĩ, đơn vị cú pháp nhỏ nhất trong cấu trúc câu tiếng Việt không phải là từ mà là tiếng/chữ (đại để, nói thì gọi là tiếng, viết thì gọi là chữ), tức một bậc thấp hơn từ. Gần đây, tình cờ đọc được cuốn sách Ngữ Pháp Tiếng Việt của Nguyễn Tài Cẩn, tôi mới biết ông cũng có cùng nhận xét như vậy (xem Nguyễn Tài Cẩn 1999:10).

Một lý thuyết không giải thích được điểm này hoặc gặp khó khăn ở điểm khác là chuyện bình thường. Lý thuyết ngôn ngữ cũng thế. Gặp trường hợp ấy, có lẽ cách hành xử tốt nhất của người nghiên cứu là nên dè dặt, nên tự ngẫm, phê phán, đánh giá lý thuyết thật khách quan. Mặt khác cũng cần để ý đến phối cảnh quan sát đối tượng ngôn ngữ. Ví dụ phối cảnh chức năng hay cấu trúc. Về điểm này, Cao Xuân Cao Xuân Hạo và Trịnh Hữu Tuệ đã trao đổi với nhau, nay tôi xin được góp ý thêm.

Ngôn ngữ: Phối cảnh chức năng - phối cảnh cấu trúc[sửa]

Chomsky cho ngôn ngữ là một tập hợp (hữu hạn hoặc vô hạn) chứa mọi câu (Chomsky 1957: 13). Tất cả mọi câu đều có cấu trúc nhất định. Mỗi cấu trúc đều mô tả được nhờ quy tắc. Mỗi quy tắc chứa đựng nhiều phần tử ngôn ngữ. Một phần tử có thể sản sinh ra nhiều phần tử khác. Với suy nghĩ ấy, ông đã tìm cách lập một mô hình. Khởi đầu bằng một chân lý và một tập hợp những quy tắc chuẩn hình, những kết quả sẽ tuần tự được tạo sinh theo dạng tổng quát: φ → ψ .

Tuy nhiên, không phải mọi người đều đồng ý với cách nhìn ngôn ngữ theo kiểu cấu trúc cực đoan của Chomsky. Vào khoảng đầu thập niên 80, Bresnan và Kaplan đã bày tỏ tư tưởng đối lập của mình qua lý thuyết Ngữ pháp chức năng từ vựng (Lexical Functional Grammar) (Bresnan 1982). Thuộc một hướng khác có tính thực dụng hơn, Ngữ pháp chức năng (Functional Grammar), Halliday cũng có cùng quan điểm. Theo ông, ngôn ngữ không hiện hữu, nó chỉ xảy ra. Nó không phải là một bộ phận hữu cơ như nhiều nhà ngôn ngữ học trong thế kỷ 19 đã trông thấy vậy; nó cũng chẳng phải là một tòa nhà như người ta đã nhìn ngắm vào đầu thời cấu trúc luận hiện đại của ngành ngôn ngữ học (Halliday et al. 1964:9).

Có thể tóm gọn sự khác biệt giữa hai phối cảnh ấy như sau:

Phối cảnh cấu trúc: Ngôn ngữ được coi như một tập hợp quy tắc cấu trúc, và ngữ pháp chính là một tập hợp quy tắc của những cấu trúc ngữ pháp nhất định ấy, chẳng hạn cấu trúc trong câu chứa transitive verb: verb + object. Phối cảnh này mang nặng tính logic và duy lý, v.d. ngay tiền cảnh của câu, câu được coi là đơn vị cơ bản được tổ chức theo một mô hình logic: Chủ ngữ + Vị ngữ. Bởi câu là đơn vị cơ bản, cho nên nó được khảo sát một cách cô lập.

Phối cảnh chức năng: Ngôn ngữ được coi như nguồn lực (resource) [3] tạo thành ý nghĩa, và ngữ pháp là một nguồn lực được ví như một phương tiện sắp đặt từ để tạo thành ý nghĩa. Phối cảnh này mang tính tu từ học và dân tộc học, v.d. ngay tiền cảnh văn bản, văn bản được coi như đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, được tổ chức tùy vào tính tu từ học. Bởi văn bản là đơn vị cơ bản, cho nên câu sẽ được khảo sát trong môi cảnh ngôn từ ấy.

Tất nhiên cũng có sự trà trộn hoặc dung hòa hai cách nhìn trên. Pollard và Sag với lý thuyết Head-Driven Phrase Structure Grammar (HPSG) (Pollard, Sag 1994) là một ví dụ điển hình, dù cũng nghiêng về phía Ngữ pháp cấu trúc ngữ đoạn (Phrase Structure Grammar (PSG)). Ngay cả giới Ngữ pháp chức năng cũng không thể phủ nhận hẳn yếu tố cấu trúc của ngôn ngữ. Khi phân tích một lời nói, Dik [4] hoặc Halliday cũng sẽ tìm cách giải thích rằng nó bao gồm hai phần: Đề (Theme) và Thuyết (Rheme) [5] . Mỗi phần còn có thể chia nhỏ được cũng theo mô hình Theme-Rheme ấy. Có phải đó là thao tác phân tích để định hình cấu trúc ngôn ngữ không ? Thuộc phái ngữ pháp chức năng, Cao Xuân Hạo cũng làm như thế chứ không khác. Kết quả là ông cũng có trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ,... (xem Cao Xuân Hạo 2000).

Tôi cho sự tồn tại của hai yếu tố chức năng và cấu trúc trong ngôn ngữ là một điều hết sức tự nhiên. Ta biết, mỗi dân tộc nói chung hoặc từng người sử dụng ngôn ngữ nói riêng đều có cách diễn đạt điều muốn nói bằng một cách hành ngôn nhất định. Hành ngôn là thành lập lời nói. Mỗi lời nói bao gồm nhiều thành phần; mỗi thành phần đều có chức năng riêng biệt và được xếp đặt như thế nào đó để thành hình dạng một lời nói. Hình dạng đó chính là cấu trúc. Xét thử một câu:

3. Cuốn sách này dở quá.


Xét sơ về mặt chức năng thì câu trên bao gồm hai phần:

  • "Cuốn sách này" là chủ đề, tức phần Đề (Theme).
  • "Dở quá" là phần diễn tả tính chất, tức phần Thuyết (Rheme) (thuyết minh).


Xét sơ về mặt cấu trúc thì câu trên bao gồm hai phần:

  • "Cuốn sách này" là chủ ngữ (Subject) (và cũng là chủ thể tâm lý theo cách nhìn của giới ngữ pháp chức năng, xem bên dưới)
  • "Dở quá" là vị ngữ (Predicate).


Xét sâu nữa thì:

  • "Cuốn sách này" là một ngữ đoạn danh từ (noun phrase (NP)). NP này chứa 2 phần nhỏ hơn: NP "cuốn sách" và chỉ định từ (determinator (Det)) "này".
  • "Dở quá" là một ngữ đoạn động từ (verb phrase (VP)). VP này chứa hai phần nhỏ hơn: tính từ (adj) "dở" và trạng từ (adv) "quá" [6] .


Câu S trên có thể được lập thức một cách hiển ngôn bằng cây cú pháp (syntax tree) theo mô hình ngữ pháp tạo sinh như sau:

  • S → NP VP
  • NP → NP Det
  • VP → adj adv
  • NP → "cuốn sách"
  • Det → "này"
  • adj → "dở"
  • adv → "quá"


Theo nguyên tắc Đề-Thuyết (nhìn tổng quát), thì một lời nói có trật tự: Đề đi trước ("cuốn sách này"), Thuyết đi sau ("dở quá"). Xét về mặt chức năng là vậy, còn xét về mặt cấu trúc, thì trật tự Chủ ngữ + Vị ngữ ở ví dụ này giống như trật tự của Đề + Thuyết: Chủ ngữ đi trước, Vị ngữ đi sau.

Nhưng cách hành ngôn theo nguyên tắc Đề-Thuyết nhiều khi không đơn giản vậy. Ví dụ người Việt cũng có thể nói:

4. Cuốn sách này, tôi chưa đọc bao giờ.


Ở đây, "cuốn sách" là cái muốn nói đến (tức chủ đề). Nó làm sao ? À, nó là cuốn sách mà tôi chưa đọc. Đó là sự thông báo. Ở đây, chủ thể chính (main subject) là “cuốn sách", cái xuất hiện trước tiên trong đầu óc người phát ngôn. Xét sơ về mặt chức năng thì câu trên bao gồm hai phần:

  • "Cuốn sách này" là chủ đề, tức phần Đề (Theme)
  • "Tôi chưa đọc bao giờ" là phần nói thêm về cuốn sách, tức phần Thuyết (Rheme).


Nhưng nếu xét về mặt cấu trúc theo mô hình Chủ-Vị (Chủ ngữ-Vị ngữ), ta sẽ gặp vấn đề, bởi vì:

1. câu này có đến hai chủ thể (subject): "cuốn sách này" và "tôi".
1. động từ xuyên tính (transitive verb) "đọc" thiếu một tham số "cái gì" (đọc "cái gì").


Cổ điển hơn nữa là quy tắc Subject + Verb + Object (đại để như ta từng biết là: Chủ từ + Động từ + Túc từ). Dùng quy tắc này, ta không giải thích được trường hợp trên vì động từ "đọc" thiếu túc từ. Đây là điểm mà các thày cô dạy tiếng Việt ở hải ngoại thường thắc mắc.

Ngay đây, ta thấy có sự bất đồng về cách lý giải của hai trường phái chức năng và cấu trúc. Giới ngữ pháp chức năng cho rằng, trong một câu không nhất thiết chỉ có một chủ ngữ và chủ ngữ này phải làm chủ động từ để thỏa công thức Chủ-Vị của phái tạo sinh cổ điển. Họ có thể giải thích một cách dễ dàng rằng, một lời nói có thể chứa nhiều loại chủ thể khác nhau (chủ thể tâm lý, chủ thể logic, chủ thể ngữ pháp) (Halliday 1994:32).

Đó là về phía giới ngữ pháp chức năng, còn về phía giới ngữ pháp tạo sinh, thì "cuốn sách này" sẽ được giải thích như một bổ ngữ của động từ "đọc" được chuyển vị trí từ đằng sau ra đằng trước: một hình thức chuyển vị NP (NP movement) (xem Dũng Vũ 2003, ch. 12).

Theo tôi, cách lý giải của giới tạo sinh không được tự nhiên cho lắm. Nếu chuyển vị như vậy thì, theo họ, cái cấu trúc nguyên thủy nằm trong đầu người phát ngôn phải có dạng cấu trúc D (D-structure, một tên gọi khác của cấu trúc sâu) như sau:

5. Tôi chưa đọc cuốn sách này bao giờ.


Tôi không nghĩ, trước khi phát ngôn, những ý tưởng trong đầu người phát ngôn đã được sắp xếp theo trật tự ấy. Tôi nghĩ, cái bật ra trong đầu người phát ngôn trước nhất là hình ảnh "cuốn sách" chứ không phải là hành động "đọc". Thành thử cái trật tự của ý tưởng phải là: "cuốn sách" và kế tiếp mới là "đọc". (Bạn đọc cũng có thể tự kiểm chứng điều này). Cái khuôn ý tưởng nằm trong đầu người nói là như vậy. Đến lúc ý tưởng bộc ra ngoài bằng lời nói, thì lời nói tự động mang luôn cái khuôn ấy và thành câu: "Cuốn sách này, tôi chưa đọc bao giờ".


Vấn đề đề hóa trong câu tiếng Việt[sửa]

Cái ví dụ của Trịnh Hữu Tuệ đưa ra trong bài "Một cách nhìn tiếng Việt ‚quái gở’?":

6. [sách của nhau] thì chắc chắn vợ họ sẽ đọc

cũng giống như ví dụ tôi vừa nêu. Anh cho đó là hiện tượng hiện "đề hóa" rồi dùng hình thức chuyển vị NP để giải thích. Tôi nghĩ, cả hai câu không trải qua bất kỳ quá trình đề hóa nào cả, bởi vì - như đã nói - đối tượng "sách" nguyên thủy đã là cái đề nằm trong ý tưởng của người nói. Cấu trúc ý tưởng đã được dựng sẵn như vậy và được di truyền qua lời nói, chứ không cần phải có lý do để mà chuyển vị. Tất nhiên ngay hai ví dụ này, Chomsky và Trịnh Hữu Tuệ sẽ có lý, nếu hành động "đọc" là ý tưởng thực sự xuất hiện trước vật thể "sách" trong đầu người nói.

Cho nên, theo tôi, 2 câu sau đây:

7. Tôi chưa đọc cuốn sách này bao giờ.
8. Cuốn sách này, tôi chưa đọc bao giờ.


là hai cách hành ngôn khác nhau của người Việt. Chỉ đơn thuần là vậy chứ không phải câu "Cuốn sách này, tôi chưa đọc bao giờ" là kết quả đề hóa của câu "Tôi chưa đọc cuốn sách này bao giờ" . Cấu trúc hai câu khác nhau. Giải thích theo giới ngữ pháp chức năng thì:

  • Trong câu "Tôi chưa đọc cuốn sách này bao giờ", thì "tôi" là chủ thể logic (logical subject), người hành động (actor). Ở đây, nó cũng là chủ thể ngữ pháp (grammatical subject) và chủ thể tâm lý (psychological subject), tức Ðề.
  • Trong câu "Cuốn sách này, tôi chưa đọc bao giờ", thì "cuốn sách này" là chủ thể tâm lý (psychological subject), tức Đề (Theme), còn "tôi" là chủ thể logic.


Quan điểm của phái ngữ pháp chức năng thực ra không dở vì nó cho phép ta giải thích khá hữu lý, đâu là chủ thể và có chức năng gì (logic, tâm lý, ngữ pháp). Chỉ có điều hơi lộn xộn là cách hiểu Đề là gì (tiêu đề, chủ đề, sở đề, chủ thể, ...). Theo Halliday:

  • psychological subject: Theme
  • grammatical subject: Subject
  • logical subject: Actor


Nếu hiểu Đề là cái chủ thể chính, cái đối tượng chính trong lời nói, có lẽ vấn đề sẽ đơn giản hơn. Ví dụ: "Tôi" là chủ thể chính trong câu "Tôi chưa đọc cuốn sách này bao giờ" hoặc "cuốn sách này" là chủ thể chính trong câu "Cuốn sách này, tôi chưa đọc bao giờ", còn "tôi" chỉ là một chủ thể phụ nằm trong phần diễn giải "tôi chưa đọc bao giờ".

Hiểu như vậy, ta dễ thấy rằng, ở ví dụ trên không hề có một quá trình đề hóa nào cả bởi vì câu nào nguyên thủy cũng có chủ thể chính riêng của nó. Tùy mỗi trường hợp, chủ thể chính đã được định sẵn trong dòng ý tưởng của người nói khi chưa phát ngôn. Lời nói chẳng qua chỉ là cái kết quả của sự phản chiếu dòng ý tưởng ấy. Chính vì vậy, gặp hai câu hỏi sau đây, ta mới thấy người Việt sẽ có cách trả lời tương ứng khác nhau:

9. Hỏi: Cuốn sách này, anh đã đọc chưa?
10. Trả lời: Cuốn sách này, tôi chưa đọc.
11. Hỏi: Ai chưa đọc cuốn sách này?
12. Trả lời: Tôi chưa đọc cuốn sách này.


Ở trường hợp đầu, người hỏi chú tâm vào "cuốn sách này", còn ở trường hợp sau, người hỏi lại chú tâm vào “ai" (chưa đọc ...). Đó là chủ thể chính của câu hỏi. Do cấu trúc câu trả lời giống như cấu trúc câu hỏi, cho nên chủ thể chính ("cuốn sách này", "tôi") trong câu trả lời cũng nằm cùng vị trí. Đây là một đặc tính của tiếng Việt, tôi tạm gọi là tính tịnh (một thuộc tính của tính tịnh tiến) (Dũng Vũ 2003:21).

Thực ra cấu trúc tịnh không phải chỉ có tiếng Việt mới có mà nhiều ngôn ngữ Á đông khác cũng có. Cả những ngôn ngữ Âu châu cũng có cấu trúc này trong đàm thoại thực dụng. Ví dụ một người A nói:

13. I bought a car.


Khi nghe vậy, một người B có thể hỏi lại:

14. You bought a car?


Cách hỏi này là cách lặp lại cấu trúc câu nói của người A; tạm gọi là câu hỏi hồi ngôn (echo question). Loại câu hỏi này giống như câu hỏi có/không (yes/no question), bởi người A có thể trả lời bằng yes/no.

Tương tự, người B cũng có thể hỏi:

15. You bought a what?


Ngược với câu hỏi hồi ngôn trong tiếng Anh là câu hỏi phi hồi ngôn (nonecho question) (s.s. Radford 1981:149), điển hình là câu hỏi-wh. Thay vì hỏi một cách thực dụng như trên, thì hình thức hỏi chuẩn mực nhất vẫn là:

16. What did you buy?


Cấu trúc câu hỏi và câu trả lời khác nhau. Giới ngữ pháp tạo sinh cho sự khác biệt này có liên quan đến cấu trúc sâu (deep structure) [7] và cấu trúc bề mặt (surface structure) và đã tìm cách giải thích bằng một phép biến hình (transformation) tương xứng: chuyển vị-wh (wh-movement). Đối với ví dụ này, cái cấu trúc sâu nằm trong dòng ý tưởng người nói là: "You bought a what?", một câu hỏi, nhưng ở bề mặt, tức khi hành ngôn thực tế, nó chứa một trật tự khác: "What did you buy?". Trật tự này được giải thích bằng phép chuyển vị wh (tức "what" được chuyển từ sau ra trước). Đây là một hình thức tiêu biểu của ngôn ngữ nghịch đảo (inversion language), mà tiếng Anh là một ngôn ngữ điển hình.

Đó là tiếng Anh, còn tiếng Việt khác. Tiếng Việt không được xếp vào loại ngôn ngữ nghịch đảo. Trong tiếng Việt, hầu hết mọi cấu trúc câu hỏi đều giống cấu trúc câu trả lời, cho nên không có lý do gì để giải thích bằng phép chuyển vị cả. Quan sát kỹ và rộng hơn nữa, và cũng không cần kiến thức ngôn ngữ học, mỗi người Việt đều thấy hầu như cấu trúc câu xác định và phủ định của tiếng Việt không quá khác cấu trúc câu hỏi trong khi đàm thoại. Những cấu trúc này chính là những quy tắc ngữ pháp nằm trong vô thức của mỗi người, nhờ đó mà khi nghe một câu, ta có thể nhận biết câu ấy nói được hay không.

Cấu trúc câu văn viết cũng giống như câu văn nói. Khi viết, người viết cũng dựa vào các quy tắc ngữ pháp trong vô thức của mình. Sau khi đã lập một câu, người viết có thể sửa đổi cho nó hay hơn, văn chương hơn bằng thao tác hoán vị từ/ngữ đoạn. Dù có hoán vị thế nào đi nữa, câu trúc câu cũng phải tuân theo những mẫu quy tắc ngữ pháp ấy. Đừng nhầm lẫn ý nghĩa "hoán vị" ở đây với "chuyển vị" của thuyết ngữ pháp tạo sinh. Hoán vị (permutation) là một thao tác phân tích câu thông dụng của giới cấu trúc luận.

Tôi cho rằng việc làm của anh Trịnh Hữu Tuệ rất bổ ích. Phải có người chịu khó bỏ công tìm hiểu lý thuyết ngôn ngữ Tây phương, dùng thử nó để giải thích tiếng Việt, chúng ta mới nhận ra được vấn đề. Phải có những kết quả khảo sát nghiêm túc, chúng ta mới hiểu rõ nó có những ưu/khuyết điểm gì, có thể sử dụng được cho tiếng Việt hay không. Tất cả mọi cố gắng như thế đều quý báu, kể cả những phản biện đáng thuyết phục. Tựu trung, mọi khám phá đáng tin cậy đều có ích cho giới ngôn ngữ học Việt Nam.


Tham vọng của giới ngôn ngữ học Tây phương[sửa]

Dĩ nhiên người bình thường khó hiểu được giới ngôn ngữ học làm gì. Thể nào cũng có người đặt câu hỏi, có cần phải có lý thuyết ngôn ngữ, chúng ta mới nói được tiếng Việt không ? Lý thuyết ngôn ngữ có giúp ích gì cho con người không? Dĩ nhiên giới ngôn ngữ học Việt Nam thừa khả năng trả lời những câu hỏi ấy. Thế nhưng về phần mình, không rõ là giới ngôn ngữ học Việt Nam có hiểu giới ngôn ngữ học Tây phương muốn gì không.

Ta biết, người Tây phương đã đẻ ra rất nhiều lý thuyết ngôn ngữ. Chính nhờ vậy mà trong quá khứ, họ đã khá thành công trong việc giải thích ngôn ngữ của họ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, ...). Họ đã có thừa tri thức, kinh nghiệm để viết sách giáo khoa dạy học sinh dùng đúng các ngôn ngữ ấy. Còn ngày nay, nếu không muốn nói là đã từ vài ba thập niên qua, tham vọng của giới ngôn ngữ Tây phương đã rẽ sang hướng khác, đó là dạy máy học tiếng người.

Thực vậy, xử lý ngôn ngữ con người là một thứ công nghệ cao của tương lai mà phương Tây đã đeo đuổi từ bấy lâu nay. Dù không đơn giản; nghiên cứu rất tốn kém, dai dẳng; lý thuyết cứ phải được phát triển, điều chỉnh mãi từ những kết quả thực nghiệm, nhưng họ vẫn quyết tâm đạt tham vọng này. Riêng ở Đức, trong vài chục năm qua, không chỉ đại học, viện khoa học mới nghiên cứu về đề tài này mà còn cả kỹ nghệ (v.d. IBM, Siemens).

Nói ngắn gọn, chiều hướng chung của giới ngôn ngữ học Tây phương ngày nay là tìm cách dạy máy dùng tiếng người cho đúng, trong khi đó, giới ngôn ngữ học Việt Nam vẫn còn tìm cách giải thích ngữ pháp tiếng Việt để dạy cho học sinh dùng tiếng mẹ đẻ của mình cho đúng.

Thực tế là như thế. Các nhà khoa học Việt Nam cứ nói mãi “đi tắt, đón đầu” nhưng Việt Nam vẫn còn quá chậm. Tôi thường thắc mắc, không hiểu sao Việt Nam có một đội ngũ khoa học gia ngôn ngữ hùng hậu [8] làm việc ngày 8 tiếng đã ba bốn chục năm rồi mà cho tới giờ này vẫn chưa thực hiện được một chương trình giáo dục Việt ngữ cho đàng hoàng để nâng trình độ tri thức và ý thức ngôn ngữ của dân mình lên cao hơn nữa. Đã vậy, người dân còn chịu ảnh hưởng xấu của những sản phẩm ngôn ngữ nặng tính thực dụng, kém văn hóa. Nạn dùng sai tiếng Việt, chế biến ngôn từ một cách vô hệ thống đang tràn lan khắp xã hội. Vấn đề ngôn ngữ không chỉ tồn tại ở nơi người bình thường, người kém may mắn không được đến trường mà còn ở nơi người có học, người thường xuyên sinh hoạt với chữ nghĩa (học sinh, biên tập viên báo chí/đài phát thanh/đài truyền hình, nhà văn, ...). Cộng đồng tiếng Việt hôm nay thực sự đang có vấn đề. Giới ngôn ngữ học Việt Nam cần làm việc hiệu quả hơn nữa, và chỉ cần thế thôi. Ðừng đi tắt, đón đầu nữa!

Tất nhiên, ta cũng cần thông cảm cho những nhà ngôn ngữ học Việt Nam chân chính. Không thiếu người đam mê làm việc nhưng vẫn gặp khó khăn, mà cái khó khăn lớn nhất lại chính là tiếng Việt. Tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ đơn giản như ta hằng tưởng, không dễ khảo sát.


Vài ví dụ về cái khó của tiếng Việt – Xem một quy tắc của Cao Xuân Hạo

Không cần tìm đâu xa, ta thử xem một vài ví dụ cụ thể, Trịnh Hữu Tuệ đã đề cập đến trong bài viết "Trả lời Cao Xuân Hạo". Trịnh Hữu Tuệ viết:

"Cao Xuân Hạo đưa ra một quy tắc là trong một ngữ đoạn vị từ có bổ ngữ trực tiếp, bổ ngữ này chỉ có thể tách ra khỏi vị từ trung tâm bằng một trạng ngữ nếu nó là một danh ngữ được đánh dấu một cách hiển ngôn là không xác định. [...]. Dựa vào nó, Cao Xuân Hạo đưa ra những câu mà ông tuyên bố là "sai" sau đây:

17. Nó gửi cho mẹ bức thư ấy
18. Họ tiếp tục giết trên biển Bắc cá voi xanh.
19. Những người cứu hộ lôi ra từ đống đổ nát các nạn nhân.
20. Họ cần biết sử dụng thành thạo la bàn."


Trước hết, thử hiểu rõ ý Cao Xuân Hạo bằng câu "Nó gửi cho mẹ bức thư ấy". Theo tôi hiểu:

  • một danh ngữ được đánh dấu một cách hiển ngôn là không xác định: thì không thể là một danh ngữ được đánh dấu bằng một chỉ định từ xác định, v.d. "ấy", "này", ... (bức thư ấy/này).
  • ngữ đoạn vị từ có bổ ngữ trực tiếp: là một ngữ đoạn chứa vị từ và khách thể (object) nằm ngay đằng sau. Điển hình nhất là trường hợp: động từ xuyên tính (transitive verb (vt)) + khách thể ở dạng danh ngữ. V.d. trong câu "nó viết thư" thì "viết thư" là vị ngữ (predicate). Vị ngữ này chứa hai phần vt (động từ "viết") và một bổ ngữ trực tiếp ("thư").
  • trạng ngữ có thể hiểu như một ngữ đoạn bắt đầu bằng một trạng từ (ở đây trạng từ là đầu (head) ngữ đoạn ). V.d. "cho mẹ" là một trạng ngữ (adv. phrase), trong đó "cho" là trạng từ (adv.).


Ta thấy trong câu "Nó gửi cho mẹ bức thư ấy" :

  • "bức thư ấy" là một danh ngữ xác định (khác với trường hợp không xác định "một bức thư").
  • "bức thư" là bổ ngữ trực tiếp của vị từ (động từ) "viết".
  • "cho mẹ" là trạng ngữ.


Cao Xuân Hạo cho câu "Nó gửi cho mẹ bức thư ấy" là sai ngữ pháp, không nói được. Vậy xin mời bạn đọc xem câu sau nói được không (thay vì dùng trạng ngữ "cho mẹ" như Cao Xuân Hạo, ta thử dùng trạng ngữ "giùm cho mẹ"):

21. Nó gửi giùm cho mẹ bức thư ấy.


Hoặc một câu tương tự khác:

22. Nó làm giùm cho mẹ công việc ấy.


Chiếu theo quy tắc của Cao Xuân Hạo, thì 2 câu trên cũng sai ngữ pháp vì lý do: chỉ có bổ ngữ trực tiếp ("bức thư", "công việc") mới có thể tách rời khỏi vị từ trung tâm ("gửi", "làm") bằng danh ngữ được đánh dấu một cách hiển ngôn là không xác định. Còn nếu được xác định bằng "ấy" như "bức thư ấy", "công việc ấy", thì không được. Theo ông, phải nói như sau mới đúng:

23. Nó gửi bức thư ấy giùm cho mẹ.
24. Nó làm công việc ấy giùm cho mẹ .


Không biết bạn đọc nghĩ thế nào, chứ tôi nghĩ là 2 câu (21), (22) người Việt mình nói được chứ ? Bây giờ dùng lại trạng ngữ "cho mẹ":

25. Nó làm cho mẹ công việc ấy.


Tôi cho là câu trên cũng nói được. Thế nhưng phải công nhận rằng, gặp câu sau, quy tắc của Cao Xuân Hạo lại có hiệu lực:

26. * Mày đánh cho tao thằng đó.
     (Ký hiệu * có nghĩa là câu không nói được)


Người Việt không nói thế mà là nói:

27. Mày đánh thằng đó cho tao.

Từ kết quả thực nghiệm trên, ta thấy, có trường hợp Cao Xuân Hạo có lý, có trường hợp không chắc (dù mới chỉ xoay quanh hai trạng ngữ cụ thể "cho ...", "giùm cho ..."). Quy tắc ông đưa ra hình như vẫn còn thiếu điều kiện. Thử nghĩ xem, để quy tắc ấy hữu lý hơn, ta có nên xét đến vai trò theta [9] của bổ ngữ hay không? Ví dụ xét về tính người nhận (recipient), người thụ hưởng, chẳng hạn. Trong câu "Nó gửi bức thư ấy cho mẹ", người nhận là "mẹ", người nhận bức thư, nhưng trong câu "Nó gửi (giùm) cho mẹ bức thư ấy", mẹ không phải là người nhận bức thư mà là ai đó.

Ngoài trường hợp thiếu sắc bén trên, tôi đồng ý với Cao Xuân Hạo là những câu sau đây nghe chuẩn:

28. Họ tiếp tục giết cá voi xanh trên biển Bắc.
29. Những người cứu hộ lôi các nạn nhân ra từ đống đổ nát.
30. Họ cần biết sử dụng la bàn thành thạo.


Còn những câu bên dưới nghe hơi nghịch tai (hình như người Việt mình không nói thế):

31. * Họ tiếp tục giết trên biển Bắc cá voi xanh.
32. * Những người cứu hộ lôi ra từ đống đổ nát các nạn nhân.
33. ? Họ cần biết sử dụng thành thạo la bàn.
     (Ký hiệu ? có nghĩa là không biết chắc)


Chúng ta hãy tự thắc mắc: tại sao các câu này nghe lại nghịch tai ? Có phải là vì các bổ ngữ trực tiếp không có tính "người nhận" ? Thế còn các câu sau ? Mời bạn đọc nghe thử:

34. Ông ta đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần câu nói đó.
35. Ông ta đã lặp đi lặp lại câu nói đó không biết bao nhiêu lần.
36. Nó muốn đạt cho bằng được mục đích đó.
37. Nó muốn đạt mục đích đó cho bằng được
38. Cô ta vẫn nhớ mãi mối tình dang dở ấy.
39. Cô ta vẫn nhớ mối tình dang dở ấy mãi.


Tôi thấy các câu trên đều nói được, kể cả các câu mà bổ ngữ trực tiếp bị tách ra khỏi vị từ.

Dần dần ta đã nhận ra một điểm thú vị, tôi tạm gọi là tính dính chặt (adhesive) của transitive verb + bổ ngữ trực tiếp (direct complement) (tức object). Trên lý thuyết, bổ ngữ này phải đứng ngay sau động từ theo công thức transitive verb + object, nhưng trên thực tế - ít nhất là đối với tiếng Việt – không đơn giản vậy. Tôi còn nhớ, có một lần trò chuyện với hai người thày cũ, Gs. Rohrer và Gs. Hoepelman [10] , tôi có kể cho hai ông nghe về hiện tượng này trong tiếng Việt. Hai ông cũng đưa ra vài ví dụ tiếng Đức và tiếng Hòa Lan để chúng tôi cùng so sánh. Dẫu biết vậy, nhưng cái khó là làm sao xác định được độ kết chặt của công thức transitive verb + object để đưa ra được quy tắc, bao giờ bổ ngữ trực tiếp được phép tách rời khỏi vị từ, bao giờ không. Ngôn ngữ con người cũng phức tạp như con người; nó đâu phải là cái máy. Cái giá trị sử dụng của từng phần tử trong đó đâu phải bao giờ cũng nhất thiết là 0 hay 1 mà nhiều khi lại lơ lửng đâu đó trong cái tập hợp số thực [0..1] bé tí nhưng bao la vô tận, ai mà biết được. Đây cũng là một vấn đề làm giới nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo phải bạc đầu chứ chẳng chơi.

Như vậy, để quy tắc của Cao Xuân Hạo được hoàn hảo hơn, có lẽ ta còn cần để ý đến tính dính chặt vừa nêu, cần khảo sát thêm.


Ứng dụng tin học cho tiếng Việt[sửa]

Chắc hẳn Gs. Cao Xuân Hạo phải mất rất nhiều thời gian cho việc phân tích cách hành ngôn của người Việt, ông mới tìm ra được những quy tắc ngữ pháp. Phải thừa nhận rằng, công việc này thực tế, bởi phải có kết quả cụ thể, hiển ngôn thì mới đem ra giảng dạy được. Thế nhưng chỉ có điều là làm sao bảo đảm được tính hoàn hảo của nó.

Phân tích ngôn ngữ không phải là một công việc đơn giản. Thay vì phải vất vả phân tích từng lời nói bằng tay, ta có thể để máy phụ giúp ta làm việc này. Muốn vậy, phải lập trình. Cụ thể là dựng một hệ thống phân tích tiếng Việt [11] . Công dụng của hệ thống này đại để là khi nhận một lời nói hoặc một văn bản vào, tự động nó sẽ phân tích từ vựng, cú pháp, ngữ nghĩa, dụng pháp giùm cho ta. Để máy làm được vậy, ta phải dạy nó. Có thể ban đầu hơi cực, vì bộ nhớ của máy còn vẫn trống rỗng, nhưng từ từ sẽ đỡ mệt hơn, khi nó đã học được nhiều. Đến lúc đó, khi nhận được một câu, nó có thể tự nhận diện cấu trúc câu, chẳng hạn như câu có hình dạng gì, trạng ngữ nằm đâu, vị ngữ nằm đâu, chủ ngữ nằm đâu, ... trong trường hợp nào, ngữ nghĩa ra sao, v.v.. Cuối cùng ta sẽ được những kết quả giàu thông tin, đáng tin cậy. Những kết quả đạt được chính là những quy tắc mà Cao Xuân Hạo đã làm bằng tay. Biết đâu không chỉ vài trăm mà còn nhiều hơn nữa. Hoặc nhờ máy tính mà ta còn có thể tìm được những giải pháp tối ưu hóa quy tắc, rút gọn nhiều cái lại thành một. Ngoài ra, ta còn gạt hái được nhiều điều bổ ích khác.

Công việc lập trình bao giờ cũng đòi hỏi phải có những giải thuật hiển ngôn, dữ liệu chính xác. Song, quan trọng nhất vẫn là lý thuyết, bài bản. Ví dụ muốn phân tích cú pháp, người thực hiện quyết định chọn ngữ pháp tạo sinh (như người viết trình biên dịch (compiler) thường làm). Chắc chắc sau khi đã đụng đầu với thực tế, anh ta sẽ ngộ ra, có những chỗ, lý thuyết này dùng được, có những chỗ, sẽ gặp khó khăn. Gặp khó khăn, tự động anh ta sẽ thắc mắc, muốn đi tiếp, thì phải làm thế nào. Thắc mắc được điều đó có nghĩa là anh đã đi sâu vào tận hang cùng ngõ hẻm của lý thuyết và đã nhìn thấy ngõ cụt trước mặt. Ngõ cụt chính là mặt giới hạn của lý thuyết.

Cho nên, phải làm việc thực tế, ta mới thực sự hiểu được giá trị thực dụng của lý thuyết, ưu/khuyết điểm của ngữ pháp tạo sinh là gì, ưu/khuyết điểm của ngữ pháp chức năng là gì, tại sao một lý thuyết cứ được điều chỉnh, mở rộng mãi, ... [12] . Đừng quên rằng, lý thuyết được đẻ ra là nhằm giải thích ngôn ngữ, mà ngôn ngữ thì thực dụng, nếu lý thuyết không giải thích được tính chất ấy, thì tự nó sẽ mất giá trị.

Thời đại thông tin đang phát triển mạnh và sẽ còn tiếp tục. Máy biết tiếng người sẽ trở thành sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu của con người trong tương lai, bởi con người muốn vậy. Theo đà phát triển chung tất yếu ấy của nhân loại, sớm muộn gì, Việt Nam cũng phải tiến đến trình độ dùng tin học cho tiếng Việt, và bước đầu tiên là đi giải thích nó. Thế nhưng ... ai cũng biết, một ngôn ngữ càng vô hệ thống chừng nào, càng khó giải thích chừng nấy. Nếu tiếng Việt cũng rơi vào trường hợp này, thì cho dù có dùng tin học đi chăng nữa, cũng không dễ nắm bắt được nó, nói gì bắt kịp ai.

Stuttgart, 11.2004

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Bresnan, Joan (ed. ) (1982): The Mental Representation of Grammatical Relations. Cambridge: MIT Press
  • Bresnan, Joan (forthcoming) Lexical Functional Grammar. Oxford: Blackwell.
  • Cao Xuân Hạo (2000): Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, quyển 1, Câu trong tiếng Việt. (Không đề nơi): NXB Giáo Dục.
  • Chomsky, Noam (1957): Syntactic Structures. The Hague: Mouton.
  • Chomsky, Noam (1965): Aspects of the Theory of Syntax. Cambridge (Mass.): The M.I.T. Press (Dt. Aspekte der Syntax-Theorie. Frankfurt/M: Suhrkamp, 1969)
  • Chomsky, Noam (1970): Remarks on Nominalization in R. Jacobs and P. Rosenbaum (eds.) Readings in English Transformational Grammar. Waltham: Ginn. pp 184-221.
  • Chomsky, Noam (1979): Language and Responsibitity. New York: Pantheon Books.
  • Dũng Vũ (2003): Tiếng Việt và Ngôn ngữ học hiện đại – Sơ khảo về cú pháp. Stuttgart: VIET.
  • Gazdar et al. (1985): Generalized Phrase Structure Grammar. Cambridge: Harward University Press
  • Halliday, M.A.K, Angus McIntosh, Peter Strevens (1964) The Linguistic Sciences and Language Teaching. London: Longmans.
  • Halliday, M.A.K (1994): An introduction to Functional Grammar. London: Edward Arnold.
  • Jackendoff, Ray (1977): X-bar Syntax: A Theory of Phrase Structure. Cambridge: MIT Press.
  • Nguyễn Tài Cẩn (1999): Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
  • Pollard, Carl and Ivan Sag (1994): Head-Driven Phrase Structure Grammar. Standford: CSLI Publications and Chigago: The University of Chicago Press.
  • Radford, Andrew (1981): Transformational Grammar: A student’s guide to Chomsky’s Extended Standard Theory. Cambridge: Cambridge University Press
  • Simon C. Dik (1989): The Theory of Functional Grammar. Part I. Berlin/New York: Mouton de Gruyter
  • Simon C. Dik (1997): The Theory of Functional Grammar. Part II. Berlin/New York: Mouton de Gruyter

Chú giải[sửa]

[1]Vào giữa những năm 50, Chomsky đã cho ra đời một lý thuyết ngữ pháp được gọi là ngữ pháp tạo sinh (Generative Grammar) (Chomsky 1965, 1979). Ngữ pháp tạo sinh là một mô hình ngữ pháp diễn tả một tập hợp quy tắc tạo thành ngôn ngữ. Khái niệm tạo sinh đã bắt nguồn từ ý nghĩa ấy. Lý thuyết này đã một thời gây tiếng vang trong làng ngôn ngữ học và vẫn còn tạo ảnh hưởng cho tới ngày nay. Hàng loạt những lý thuyết ngữ pháp theo sau của ông và của những người khác đều dựa vào nguyên tắc ấy: Ngữ pháp biến hình tạo sinh (Generative Transformation Grammar), Lý thuyết tiêu chuẩn (Standard Theory), Lý thuyết tiêu chuẩn mở rộng (Extended Standard Theory), Lý thuyết chi phối và ràng buộc (Government and Binding Theory (GB)), Nguyên tắc và thông số (Principles and Parameters (P&P)), Tối thiểu luận (Minimalism (MP)), Ngữ pháp cấu trúc ngữ đoạn tổng quát hóa (Generalized Phrase Structure Grammar (GPSG)) (Gazdar et al. 1985).
[2]lý thuyết X-gạch (X-Bar theory): phần mở rộng thuộc ngữ pháp tạo sinh. Xem Chomsky (1970), Jackendoff (1977)
[3]tôi tạm gọi vậy; không biết giới ngôn ngữ học bên nhà gọi là gì. Xin chỉ giáo.
[4]Simon C. Dik thuộc phái Systemic Functional Grammar. Xem Dik (1989), (1997).
[5]Ban đầu tôi gọi là Đề-Diễn, về sau mới biết Cao Xuân Hạo dịch là Đề-Thuyết. Sở dĩ tôi gọi vậy vì Rheme có nghĩa interpretation (diễn giải, diễn dịch).
[6]Thực ra, ta đã đơn giản hóa ngữ đoạn động từ VP bằng cách xem nó như một vị từ và dùng tính từ thay cho động từ. Còn nếu tuân thủ quy tắc tạo sinh cổ điển một cách nghiêm ngặt, VP chỉ chấp nhận động từ làm đầu (head) ngữ đoạn.
[7]Cấu trúc sâu(deep structure) là chữ của Chomsky, hoặc còn gọi là D-Structure, Base Structure, Underlying Structure)
[8]xem Tổng Mục Lục Tạp Chí Ngôn Ngữ (1969 – 1999), nxb Khoa Hoc Xã Hội Hà Nội 2000.
[9]xem Dũng Vũ (2003:258)
[10]C. Rohrer là viện trưởng viện ngôn ngữ học đại học Stuttgart. J. Hoepelman là nhà ngôn ngữ học nổi tiếng về lý thuyết so sánh (comparison theory), chuyên gia về trí thông minh nhân tạo và ngôn ngữ học điện toán của viện Fraunhof. Fraunhofer Institut là viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Đức, có rất nhiều chi nhánh trên toàn quốc.
[11]Tôi nghĩ việc này sinh viên Việt Nam làm được dưới dạng luận án. Tất nhiên hệ thống này gồm nhiều chi tiết, muốn thực hiện, phải chia việc cho nhiều người.
[12] Mô hình quy tắc sản sinh (production rule) cổ điển đã được ứng dụng thành công cho trình biên dịch (compiler) và cũng được thử nghiệm cho hệ nhận diện ngôn ngữ tự nhiên. Bởi vì ngôn ngữ tự nhiên phức tạp hơn nhiều so với các ngôn ngữ lập trình, mô hình này đã được mở rộng thành X-gạch, hoặc được tổng quát hóa xuyên qua lý thuyết Generalized Phrase Structure Grammar.

Các bài liên quan[sửa]

Liên kết đến đây