Trưởng thành

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trưởng thành không chỉ là vấn đề tuổi tác. 6 tuổi có thể đã trưởng thành và nhiều người mãi đến 80 tuổi đời vẫn không đủ chín chắn. Trưởng thành thể hiện ở cách bạn cư xử với người khác và với bản thân mình. Đó là suy nghĩ và hành vi cư xử của bạn.[1] Nếu mệt mỏi với những cuộc trò chuyện và tranh cãi trẻ con, hay nếu muốn được tôn trọng hơn, hãy thử áp dụng một vài kỹ thuật dưới đây để có thể trưởng thành hơn. Bất kể tuổi tác, một khi trở nên chín chắn, bạn sẽ luôn được đối xử như người lớn.

Các bước[sửa]

Phát triển Lối hành xử Chín chắn[sửa]

  1. Nuôi dưỡng sở thích của bạn. Thiếu năng động, không có sở thích, đam mê sẽ khiến bạn có vẻ không trưởng thành. Xác định điều muốn làm và trở thành "chuyên gia" trong những việc đó giúp bạn có vẻ từng trải và trưởng thành hơn. Bạn sẽ có thêm chủ đề để trao đổi, bất kể người trò chuyện có cùng sở thích với bạn hay không.
    • Cố gắng duy trì sở thích tích cực và phong phú. Liên tục nghiền ngẫm các chương trình truyền hình có thể rất vui nhưng đó không phải là cách tốt nhất để sử dụng thời gian. Điều này không có nghĩa là bạn không thể thưởng thức phim ảnh, truyền hình hay trò chơi điện tử. Chúng chỉ không nên là toàn bộ những gì bạn làm.[2]
    • Sở thích có thể làm tăng lòng tự tôn và thúc đẩy tư duy sáng tạo. Chúng cũng giúp bạn cảm thấy tích cực và hạnh phúc.[3]
    • Không có giới hạn nào cho những việc mà bạn muốn làm! Sắm máy ảnh và học chụp hình. Chọn một loại nhạc cụ. Học một ngôn ngữ mới. Luyện beatbox. Thành lập một nhóm kịch.[4] Chỉ cần chắc rằng bạn thích làm điều đó, và nó sẽ trở thành một sở thích chứ không phải là một nhiệm vụ nhàm chán.
  2. Lập mục tiêu và phấn đấu vì điều đó. Một phần của trở nên trưởng thành chính là khả năng đánh giá được những điểm mạnh của bản thân, những điểm bạn cần cải thiện và đặt ra mục tiêu cho tương lai. Luôn nghĩ về tương lai và dựa vào đó để xác định liệu bạn có lựa chọn đúng cho cuộc đời mình hay chưa. Một khi đã lập được những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và khả thi, hãy hành động để gặt hái được thành công.[5]
    • Việc lập mục tiêu dường như quá khó khăn, đừng lo lắng! Chỉ cần một ít thời gian và kế hoạch, bạn sẽ làm được. Hãy bắt đầu bằng việc xác định những điều bạn muốn cải thiện. Chẳng hạn như, bạn có thể muốn cải thiện hồ sơ đại học của bản thân. Đây sẽ là cơ sở cho những mục tiêu của bạn.
    • Đầu tiên, bạn cần trả lời cho các câu hỏi: Ai, Điều gì, Khi nào, Ở đâu, Bằng cách nào và Tại sao.
    • Ai. Ai sẽ góp phần vào thành công của bạn. Hiển nhiên, bạn là người đầu tiên, quan trọng nhất. Tuy nhiên, câu hỏi này cũng có thể bao gồm những người khác như gia sư, điều phối viên tự nguyện hay cố vấn.
    • Điều gì. Bạn muốn đạt được điều gì? Ở bước này, việc xác định cụ thể điều bạn muốn là rất quan trọng. “Chuẩn bị cho đại học” là quá rộng. Bạn sẽ không thể bắt tay vào hành động với một mục tiêu lớn và mơ hồ như vậy. Thay vào đó, hãy lựa chọn một vài điều cụ thể có thể giúp bạn đạt được mục tiêu lớn hơn, như “Hoạt động tình nguyện” hay “Tham gia một hoạt động ngoại khóa”.
    • Khi nào. Điều này giúp bạn biết thời hạn bạn phải hoàn thành từng việc cụ thể, đảm bảo kế hoạch được theo sát. Chẳng hạn như, nếu bạn muốn tham gia hoạt động tình nguyện, bạn cần nắm rõ hạn cuối nộp hồ sơ, thời điểm diễn ra hoạt động và khi nào bạn có thể tham gia.
    • Ở đâu. Xác định được nơi thực hiện là rất có ích. Ví dụ, trong hoạt động tình nguyện, bạn có thể chọn làm tại một trung tâm chăm sóc động vật.
    • Bằng cách nào. Ở bước này, bạn cần xác định cách để hoàn thành mỗi giai đoạn của mục tiêu. Chẳng hạn như, làm thế nào để liên hệ với trung tâm chăm sóc động vật và xin tham gia tình nguyện? Đến đó bằng cách nào? Bạn sẽ làm gì để cân bằng hoạt động tình nguyện và những trách nhiệm khác? Bạn cần suy nghĩ và trả lời cho những loại câu hỏi như trên.
    • Tại sao. Dù bạn có tin hay không, đây có lẽ là phần quan trọng nhất. Bạn dễ đạt được mục tiêu hơn khi điều đó có ý nghĩa với bạn và bạn có thể nhìn thấy được vai trò của nó trong “bức tranh toàn cảnh”.[6] Xác định rõ vì sao mục tiêu này quan trọng với bạn. Chẳng hạn như “Mình muốn tham gia tình nguyện ở trung tâm chăm sóc động vật vì nhờ đó, hồ sơ của mình sẽ hấp dẫn hơn cho những chương trình bác sỹ thú y dự bị”.
  3. Nhận biết thời điểm bạn có thể trở nên thiếu chín chắn. Bạn không cần lúc nào cũng phải nghiêm túc để có vẻ trưởng thành. Để thực sự trưởng thành, bạn cần hiểu người nghe và biết được lúc nào có thể đùa giỡn và thời điểm nào là quan trọng và cần phải nghiêm túc. Có những cấp độ chín chắn khác nhau, nhờ đó có thể điều chỉnh hành động cho thích hợp với hoàn cảnh là một điều tốt cho bạn. [7]
    • Cố gắng dành thời gian để thư giãn mỗi ngày. Bạn cần thời gian để buông lỏng và nghỉ ngơi. Hãy cho bản thân một ít thời gian mỗi ngày (chẳng hạn như sau khi tan học) để tận hưởng.
    • Hiểu rằng đùa giỡn thường không phù hợp ở những nơi nghiêm túc như trường học, nhà thờ, công sở, đặc biệt là tang lễ. Bạn cần tập trung, tránh chọc cười mọi người. Thiếu nghiêm túc trong những tình huống trên thường là biểu hiện của chưa trưởng thành.
    • Tuy vậy, những lúc đời thường như đi chơi cùng bạn bè hay kể cả những dịp tụ họp cùng với gia đình là những thời điểm tuyệt vời để bạn có thể thả lỏng. Thậm chí, điều đó còn giúp bạn gắn kết với mọi người hơn.
    • Thiết lập một vài tham số để xác định thời điểm thích hợp và thời điểm không thích hợp để đùa giỡn hay hành xử trẻ con. Đừng đùa giỡn ích kỷ hay ác ý.
  4. Tôn trọng người khác. Không ai có thể sống một mình trên thế giới này. Nếu bạn cố ý làm phiền lòng hay cố tình làm bất kỳ việc gì mình muốn mà không hề quan tâm đến cảm nhận của người khác, mọi người có thể sẽ cảm thấy bạn chưa trưởng thành. Cố gắng lưu ý những nhu cầu và mong muốn của người xung quanh giúp bạn trở nên trưởng thành và đáng được tôn trọng.
    • Tôn trọng người khác không có nghĩa là cho phép họ bắt nạt bạn. Tôn trọng người khác là lắng nghe và đối xử với họ như cách mà bạn muốn được đối xử. Nếu người khác thô lỗ với bạn, đừng trả đũa. Hãy cho qua để thấy rằng bạn là một con người lớn hơn họ.
  5. Làm bạn với những người chín chắn. Bạn bè sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn đang quen biết những người mà nhờ có họ, bạn sẽ trở thành một con người tốt hơn chứ không phải là ngược lại.

Nuôi dưỡng Sự trưởng thành về Cảm xúc[sửa]

  1. Đừng bắt nạt người khác. Hành vi này thường là kết quả của cảm giác không an toàn hay thiếu tự tôn. Đó là một cách được dùng để áp đặt sức mạnh của mình lên trên những người khác. Hành vi này tồi tệ cho cả người bị bắt nạt lẫn kẻ đi bắt nạn.[8] Nếu nhận thấy bản thân có xu hướng này, bạn hãy trò chuyện với người mà bạn tin tưởng, như bố mẹ hoặc cố vấn trường học, nhờ họ giúp đỡ để chấm dứt tình trạng trên .
    • Có ba loại bắt nạt cơ bản: Lời nói, xã hội và thể xác.[8]
    • Bắt nạt bằng lời nói liên quan đến việc đặt tên, dọa dẫm hay nhận xét ác ý. Mặc dù không tạo ra những nỗi đau thể xác, chúng có thể gây tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần. Hãy để ý từng lời nói của bạn, đừng bao giờ nói với người khác những điều mà bản thân bạn không hề muốn phải nghe.
    • Bắt nạt mang tính xã hội liên quan đến việc phá hoại danh tiếng hay các mối quan hệ trong xã hội của ai đó. Hạ thấp, đồn thổi, làm nhục hay ngồi lê đôi mách đều là hành vi bắt nạt mang tính xã hội.
    • Bắt nạt thể xác liên quan đến việc làm bị thương (hoặc phá hoại tài sản) người khác. Mọi hành vi bạo lực, chiếm đoạt hay phá hoại đồ vật của người khác cũng như những cử chỉ thô lỗ đều là hình thức của loại hình bắt nạt này.
    • Cũng đừng để hành vi bắt nạt diễn ra khi có sự hiện diện của bạn. Cho dù bạn không đủ mạnh về mặt thể chất để đối phó với hành vi bắt nạt - điều mà trên thực tế có thể không an toàn - có rất nhiều cách giúp bạn xây dựng được một môi trường lành mạnh, không có sự hiện diện của bắt nạt. Hãy thử:[9]
      • Làm gương bằng cách không bắt nạt người khác.
      • Cho kẻ bắt nạt biết hành vi của họ không hề oai phong hay vui một chút nào.
      • Đối xử tử tế với người bị bắt nạt.
      • Thông báo cho những người lớn có trách nhiệm về hành vi trên.
    • Nếu cảm thấy bản thân có vấn đề với hành vi bắt nạt, hãy cân nhắc trao đổi với cố vấn viên hoặc bác sỹ trị liệu. Có thể bạn đang mắc phải những vấn đề lớn hơn khiến bạn thấy cần hạ thấp hay đàn áp ai đó. Cố vấn có thể chỉ cho bạn phương pháp để thiết lập những mối quan hệ tích cực hơn.
  2. Tránh đặt điều, đồn thổi và nói xấu sau lưng người khác. Điều đó có thể làm họ đau chẳng khác nào bị đấm thẳng vào mặt vậy - thậm chí đôi khi còn hơn thế nữa.[10] Dù không cố tình, nó vẫn có thể gây tổn thương. Người trưởng thành quan tâm đến nhu cầu, cảm giác của người khác và sẽ không làm những điều có thể gây tổn thương cho họ.
    • Ngồi lê đôi mách cũng sẽ không giúp bạn trở nên nổi tiếng hay đáng ngưỡng mộ. Nghiên cứu cho thấy điều này có thể khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn nếu bạn đang học lớp năm, nhưng khi đã lên đến lớp chín (cũng là thời điểm bạn hy vọng có thể trưởng thành hơn), nhìn chung, sự nhiều chuyện sẽ khiến bạn bị ghét và ít nổi tiếng hơn.[10]
    • Cũng đừng khuyến khích việc này. Nếu khi bạn có mặt, ai đó cố gắng bắt đầu một lời đồn thổi, hãy lên tiếng: “Này, mình không thích nói lung tung về người khác đâu”. Nghiên cứu cho thấy thậm chí nếu chỉ một người phản đối cũng có thể làm nên sự khác biệt.[10]
    • Đôi khi, bạn có thể nói điều gì tốt đẹp về ai đó và qua miệng người khác, nó cuối cùng lại trở thành tin đồn nhảm. Chẳng hạn như, bạn có thể chia sẻ với một người bạn rằng “Mình rất thích đi chơi với Ziyi. Bạn ấy vui tính lắm!” và ai đó lại bảo người khác rằng bạn nói xấu Ziyi. Bạn không thể kiểm soát được cách người khác diễn dịch hay phản ứng lại lời bạn nói. Điều duy nhất bạn có thể làm là kiểm soát lời nói của mình. Cần chắc chắn lời nói của bạn là tốt.[11]
    • Một phép thử tốt để biết liệu điều gì có thể trở thành lời đồn hay chuyện ngồi lê đôi mách hay không chính là tự hỏi bản thân: Mình có muốn người khác nghe được hoặc biết điều này về mình không? Nếu câu trả lời là không, vậy đừng chia sẻ nó với người khác.[12]
  3. Hãy là một con người lớn hơn nếu ai đó không tử tế với bạn. Nếu có thể cho qua, đừng phản ứng lại. Sự im lặng của bạn sẽ cho thấy những điều người kia nói là không ổn. Nếu không thể bỏ qua, hãy đơn giản cho họ biết lời nhận xét là thô lỗ. Nếu họ xin lỗi, chấp nhận nó; nếu không, hãy đơn giản bước đi.
  4. Sẵn sàng đón nhận những điều mới. Người trưởng thành luôn khoáng đạt. Nếu bạn không biết hoặc chưa từng thử điều gì không có nghĩa là bạn nên phản đối hoặc bác bỏ tính khả thi của điều đó. Thay vào đó, nhìn nhận nó như một cơ hội để bạn có thể học được điều gì (biết về ai đó) mới và khác biệt.[13][14]
    • Nếu ai đó có đức tin hoặc thói quen khác bạn, đừng vội vàng đánh giá. Hãy đặt câu hỏi mở, chẳng hạn như “Bạn có thể nói thêm về điều này không?” hay “Sao bạn làm thế?”
    • Cố gắng nghe nhiều hơn nói, ít nhất là lúc ban đầu. Đừng ngắt lời hay nói “Nhưng tôi nghĩ là---”. Hãy để người khác nói hết. Bạn sẽ ngạc nhiên vì những điều học được từ họ.
    • Yêu cầu làm rõ. Nếu ai đó nói điều gì có vẻ không đúng, trước khi vội vàng đưa ra phán xét, bạn hãy yêu cầu họ giải thích rõ ràng. Chẳng hạn như, nếu cho rằng ai đó vừa xúc phạm đức tin của bạn, hít sâu và sau đó hỏi lại những điều tương tự như “Mình hiểu ý bạn là _______. Có phải vậy không?” Nếu người đó trả lời họ không hề có ý đó, vậy hãy chấp nhận lời giải thích của họ.
    • Đừng có cái nhìn tiêu cực về người khác. Trong mọi tình huống, hãy nghĩ rằng ai cũng đều là con người, giống như bạn. Có lẽ họ không hề muốn trở nên xấu tính hay làm tổn thương người khác mà đó chỉ là do lầm lỗi. Học cách chấp nhận người khác như chính bản thân họ sẽ giúp bạn trở nên trưởng thành hơn.
    • Đôi khi, bạn có thể sẽ bất đồng quan điểm với ai đó. Điều này là bình thường. Một phần của trở nên trưởng thành chính là biết cân nhắc và quyết định đồng ý hay không với điều gì.
  5. Hãy tự tin. Đừng xin lỗi vì sự kỳ lạ hay khác biệt nào của bạn, dù cho người khác có không đồng ý với điều đó. Miễn là hành vi của bạn không trái với luân lý xã hội và sẽ không làm hại đến ai, bạn có quyền tự do thể hiện cá tính của mình. Người trưởng thành không tự nghi ngờ bản thân hay cố gắng trở thành một ai khác.
    • Phát triển những sở thích và năng khiếu là cách rất tốt để xây dựng sự tự tin. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu quyết tâm, bạn có thể gặt hái được bất cứ điều gì mà bạn muốn, và bạn có những kỹ năng đáng tự hào để chia sẻ với người khác.
    • Hãy cẩn trọng với việc tự chỉ trích. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hãy tự cân nhắc liệu bạn có chỉ trích bạn bè như vậy hay không. Nếu bạn không làm thế với bạn bè, vì sao bạn lại tự làm tổn thương chính mình? Hãy cố gắng sắp xếp lại những suy nghĩ tiêu cực ấy để chúng trở nên có ích hơn.[15]
    • Chẳng hạn như, đôi khi bạn có thể tự nhủ “Mình là một kẻ thất bại! Mình tệ hại với môn toán và sẽ chẳng thể nào khá lên được”. Đây là suy nghĩ không lành mạnh, và rõ ràng bạn sẽ chẳng bao giờ nói vậy với một người bạn.
    • Sắp xếp lại để thấy được những gì bạn có thể làm: “Mình không giỏi toán, nhưng mình có thể học chăm chỉ. Thậm chí nếu không đạt được điểm 8, mình cũng đã làm hết sức rồi”.
  6. Hãy chân thực. Sống thật với bản thân chính là một dấu ấn của sự trưởng thành. Hãy tự tin mà không tự cao, phô trương. Một người trưởng thành không cần hạ thấp người khác hay ra vẻ giỏi giang trong những việc bản thân không thành thạo.[16]
    • Hãy nói về những điều khiến bạn thật sự thích thú. Khi bạn quan tâm đến điều gì, sự quan tâm đó sẽ tự bộc lộ.
    • Đôi lúc, khi có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, bạn có thể sẽ phản ứng đến mức phủ nhận chúng. Chẳng hạn như, nếu ý nghĩ “Mình thật sự lo lắng cho bài kiểm tra ngày mai” xuất hiện, phản ứng đầu tiên của bạn có thể là giả vờ như “Mình chả sợ gì hết!” Đây chính là không thành thật với bản thân. Thừa nhận những lúc bất an hoặc yếu đuối sẽ khiến bạn trở nên trưởng thành hơn. Ai ai cũng có những thời điểm thiếu tự tin. Điều này là hoàn toàn bình thường.
    • Thể hiện cảm xúc của bạn một cách rõ ràng. Lẩn trốn hay trở nên công kích một cách tiêu cực là cách xử lý cảm xúc thiếu trung thực và không trưởng thành. Hãy tỏ ra lịch sự, tôn trọng nhưng đừng ngần ngại bày tỏ cảm nhận thực của bạn.[17]
    • Làm điều mà bạn cho là đúng. Đôi khi, bạn có thể bị mỉa mai hoặc chỉ trích vì điều đó. Thế nhưng, nếu giữ vững nguyên tắc của mình, bạn sẽ biết rằng bạn đã là chính bạn. Nếu người khác không tôn trọng bạn thì bạn cũng không cần quan tâm đến ý kiến của họ.[18]
  7. Chịu tránh nhiệm. Có lẽ phần quan trọng nhất của trưởng thành chính là chịu trách nhiệm với lời nói và việc làm của chính mình. Hãy nhớ rằng mọi việc không chỉ đơn giản đến với bạn. Bạn là đại điện cho chính cuộc đời mình, và mỗi lời nói, việc làm của bạn sẽ tác động đến cả bạn lẫn những người khác. Chịu trách nhiệm khi mắc lỗi. Ý thức rằng bạn không thể kiểm soát được việc người khác làm gì, nhưng bạn là có thể kiểm soát được chính mình.[19][20]
    • Chịu trách nhiệm khi sự việc diễn ra không như ý. Chẳng hạn như, nếu bạn làm bài luận không tốt, đừng đổ lỗi cho thầy cô giáo. Hãy nghĩ về những việc bạn đã làm. Bạn có thể làm gì để cải thiện trong những lần sau?
    • Ít chú tâm hơn đến việc liệu mọi thứ có công bằng hay không. Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Đôi khi, bạn có thể không đạt được điều mà bạn xứng đáng. Người trưởng thành sẽ không cho phép sự bất công cản đường họ.
    • Hãy kiểm soát những khả năng của bạn. Đôi khi, bạn cảm thấy hoàn toàn không thể kiểm soát được gì trong cuộc đời của chính mình. Có thể điều này đúng ở một vài trường hợp. Bạn không thể quyết định việc người quản lý nhà hàng có thuê bạn hay không, hay liệu người mà bạn thích có đồng ý hẹn hò với bạn. Tuy nhiên, một số việc là hoàn toàn trong kiểm soát. Chẳng hạn như:
      • Với công việc: Bạn có thể kiểm tra và chau chuốt hồ sơ xin việc. Bạn có thể chuẩn bị cho buổi phỏng vấn hết mức có thể. Bạn có thể ăn mặc chuyên nghiệp khi tham gia phỏng vấn việc làm. Bạn có thể đến đúng giờ. Có thể, đến cuối cùng, bạn vẫn không dành được vị trí đó, nhưng bạn đã thực hiện mọi điều trong khả năng của mình.
      • Trong các mối quan hệ: Bạn có thể tôn trọng người khác, vui tính và tốt bụng. Bạn có thể là chính mình khi ở bên người khác. Bạn có thể trở nên yếu đuối và chia sẻ với đối tượng của bạn rằng bạn muốn có một mối quan hệ chính thức. Những điều này nằm trong kiểm soát của bạn. Thậm chí, nếu mọi việc không như mong muốn, bạn có thể yên lòng khi biết rằng bạn đã sống thật với chính mình và làm điều tốt nhất cho bản thân.
    • Đừng cam chịu bị đánh bại. Trong hầu hết trường hợp, người ta từ bỏ chỉ vì điều đó dễ hơn là tiếp tục cố gắng. Thừa nhận “Mình là kẻ thất bại” dễ dàng hơn nhiều so với “À, làm vậy không được rồi, hãy xem mình có thể làm gì khác nào!” Chịu trách nhiệm với lựa chọn của bạn và kiên trì nỗ lực, cho dù thế nào đi nữa.

Giao tiếp Như một Người lớn[sửa]

  1. Kiểm soát cảm xúc. Giận dỗi là một cảm xúc mạnh mẽ, nhưng nó cũng có thể được thuần hóa. Đừng phản ứng quá mức trước những việc nhỏ, không quan trọng. Khi bạn cảm thấy phiền muộn, hãy dừng lại và dành 10 giây để suy nghĩ trước khi nói hay làm bất cứ điều gì. Nó sẽ giúp bạn tránh phải hối tiếc và trở nên trưởng thành hơn trong giao tiếp.[21]
    • Sau khi dừng lại, hãy tự hỏi bản thân thật sự thì điều gì đang diễn ra. Vấn đề ở đây là gì? Vì sao bạn không hài lòng? Có thể bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang buồn bực vì chuyện đã xảy ra cách đó hai ngày, và hiện chẳng còn vấn đề gì nữa.
    • Nghĩ đến những giải pháp tiềm năng cho các vấn đề. Xem xét một vài cách phản ứng bạn có thể làm trước khi thực hiện. Làm gì sẽ giải quyết được vấn đề?
    • Cân nhắc hậu quả. Rất nhiều người mắc sai lầm ở bước này. Thường là lựa chọn được yêu thích nhất, nhưng liệu “Làm điều mình muốn” có giải quyết được vấn đề? Hay nó sẽ lại càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn? Nghĩ về hậu quả thực tế của mỗi lựa chọn.
    • Chọn một giải pháp. Sau khi đã cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra, hãy chọn giải pháp có vẻ tốt nhất cho bạn. Lưu ý rằng làm vậy có thể không phải là dễ dàng hay thú vị nhất! Đây chính là một phần của trưởng thành hơn.
    • Nếu phải nói điều gì, nói điều đó một cách bình tĩnh và đưa ra một vài tranh luận hợp lý để làm rõ cảm nhận của bạn. Nếu người khác không muốn tranh luận hoặc thậm chí là lắng nghe, hãy bỏ qua. Nó hoàn toàn không đáng để bạn tiếp tục.
    • Khi bạn phẫn nộ hoặc có xu hướng trở nên quá khích, hít thở sâu và đếm đến 10. Bạn không được để mất sự tự kiểm soát và cho phép cơn thịnh nộ điều khiển bạn.
    • Nếu bạn là người nóng nảy, người khác có thể sẽ thích thú khi khiêu khích bạn. Khi bạn có thể khiểm soát được cảm xúc, họ chẳng còn muốn chọc ghẹo bạn nữa và sẽ để bạn yên.
  2. Học kỹ năng quả quyết khi giao tiếp. Khi muốn nói chuyện một cách chín chắn, người lớn thường dùng kỹ năng và thái độ quả quyết. Quả quyết không có nghĩa là tự phụ, kiêu căng hay hung hăng. Một con người quả quyết sẽ thể hiện suy nghĩ và yêu cầu của họ một cách rõ ràng, đồng thời, biết lắng nghe khi người khác làm vậy.[22] Những cá nhân kiêu căng và ích kỷ không quan tâm đến nhu cầu của người khác và chỉ tập trung vào việc đạt được điều họ muốn, khi họ muốn chúng – bất kể điều đó có gây tổn thương đến người khác hay không. Hãy học cách bảo vệ chính mình mà không trở nên kiêu căng hay hung hăng, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy trưởng thành hơn. Dưới đây là một số cách để bạn có thể giao tiếp một cách quả quyết:[23][17]
    • Dùng phát ngôn “Tôi”. Phát ngôn “Bạn” khiến người khác cảm thấy bị đổ tránh nhiệm và bị ngăn cản phát biểu ý kiến. Hãy tập trung vào cảm nhận, trải nghiệm của bạn và cởi mở để có những cuộc trao đổi chín chắn và hiệu quả.
      • Chẳng hạn như, thay vì yêu cầu “Bố mẹ hãy nghe con nói!” hãy thử dùng phát ngôn “Tôi” như “Con cảm thấy quan điểm của mình không được tôn trọng”. Khi bạn nói rằng bạn “cảm thấy” một điều gì, người khác thường sẽ muốn biết tại sao.
    • Đồng thời, bạn cũng cần nhận biết mong muốn của người khác. Không phải mọi thứ đều xoay quanh bạn. Thể hiện cảm nhận và những mong muốn của bản thân một cách rõ ràng là điều tuyệt vời trong giao tiếp, nhưng bạn cũng hãy nhớ hỏi người khác về cảm nhận và mong muốn của họ. Có thể đặt người khác lên trên là một dấu hiệu thực sự của trưởng thành.
    • Đừng kết luận vội vàng. Nếu không chắc điều gì đang xảy ra giữa mình và một ai đó, hãy hỏi! Đừng phán xét – hãy nhớ rằng, bạn không nắm rõ mọi thông tin.
      • Chẳng hạn như, nếu một người bạn quên cuộc hẹn mua sắm với bạn, đừng vội cho rằng cô ấy không quan tâm hoặc cô ấy là một con người tồi tệ.
      • Thay vào đó, dùng phát ngôn “Tôi” và khuyến khích cô ấy bày tỏ : “Mình thật sự thất vọng vì bạn không thể đi mua sắm được. Có chuyện gì vậy?”
    • Đưa ra những đề xuất mang tính cộng tác. Thay vì nói “ Mình muốn đi trượt ván”, hãy để mọi người cùng góp ý kiến: “Mọi người muốn làm gì?”
  3. Tránh thói quen chửi thề. Với nhiều người và nhiều văn hóa, giao tiếp trưởng thành sẽ không bao gồm nguyền rủa và chửi thề. Chửi thề có thể làm sốc người khác, hay thậm chí khiến họ cảm thấy thiếu tôn trọng. Chửi thề cũng có thể khiến bạn bị đánh giá là khiếm khuyết hoặc tội tệ trong giao tiếp.[24] Thay vì chửi thề, hãy cố mở rộng vốn từ của bạn. Khi học những từ mới, bạn có thể dùng chúng để giúp bạn diễn đạt.
    • Nếu bạn thường xuyên chửi thề khi bực bội hoặc tổn thương, hãy cố chuyển nó thành một trò chơi sáng tạo với âm thanh. Khi vấp chân, thay vì chửi thề, nói điều gì đó hài hước như “Đê mê!”
  4. Ăn nói lịch sự và cố đừng lên giọng. Nếu bạn lên giọng, đặc biệt khi nổi giận, bạn rất dễ làm người khác không thoải mái. Thậm chí, có thể họ sẽ quyết định hành động để khiến bạn phải ngừng nói.[17] La hét là việc của trẻ nhỏ chứ không phải những người trường thành.
    • Ngay cả khi đang bực bội, dùng giọng đều và bình tĩnh.[25]
  5. Để ý ngôn ngữ cơ thể của bạn. Như lời nói, cơ thể cũng có thể thể hiện nhiều điều. Chẳng hạn như, khoanh tay trước ngực có thể cho thấy bạn không hứng thú với điều đang nghe. Đứng với vẻ mệt mỏi trong suốt cuộc chuyện trò cho thấy bạn không thật sự ở “đó” hay bạn đang muốn có mặt ở nơi nào khác. Hãy chú ý cơ thể bạn đang nói điều gì, và đảm bảo rằng đó là điều mà bạn muốn thể hiện.[25][26]
    • Thả lỏng tay ở hai bên thay vì khoanh tay trước ngực.
    • Đứng thẳng, ưỡn ngực và thẳng đầu song song với mặt sàn.
    • Nhớ rằng biểu hiện trên khuôn mặt cũng là một phần của giao tiếp. Đừng liếc mắt hay nhìn chằm chằm xuống dưới.
  6. Trao đổi về những chủ đề người lớn. Ví dụ như trường lớp, tin tức, kinh nghiệm sống và những bài học cuộc đời mà bạn tích lũy được. Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể dành một vài thời gian để thoải mái với bạn bè. Vấn đề là ở đối tượng trò chuyện. Bạn có thể sẽ không nói với bạn thân những điều bạn trao đổi với giáo viên toán.
    • Đặt câu hỏi. Một biểu hiện của trưởng thành là tò mò một cách thông minh. Nếu mọi việc bạn làm chỉ là nói với ai đó, bạn có vẻ không thực sự trưởng thành. Hãy để người khác được đóng góp ý kiến. Nếu điều gì khiến bạn thấy thú vị, hãy gợi ý “Kể thêm cho mình nghe về điều đó đi!”
    • Đừng giả vờ biết điều bạn không biết. Thừa nhận sự thiếu hiểu biết có thể không dễ dàng. Xét cho cùng, bạn thật sự muốn có vẻ trưởng thành và hiểu biết. Thế nhưng, giả vờ chỉ khiến bạn có vẻ (và cảm thấy) ngu ngốc khi mọi chuyện bại lộ. Tốt hơn hết, bạn nên thẳng thắn thừa nhận, chẳng hạn như “Mình không rành lắm. Mình nhất định sẽ phải tìm hiểu thêm về nó!”
  7. Nói điều hay. Hãy im lặng nếu bạn không thể nói điều gì tích cực. Những người thiếu trưởng thành thường xuyên phê phán, chỉ ra lỗi lầm của người khác, và họ cũng không hề do dự khi nói những điều xúc phạm, gây tổn thương. Đôi khi, họ bào chữa rằng bản thân chỉ đang "trung thực". Người trưởng thành chọn kỹ ngôn từ, và họ không tổn thương người khác để thấy mình "trung thực". Vì vậy, hãy cẩn thận với lời nói và đừng nói điều gì có thể gây tổn thương người khác. Đối xử với họ như cách bạn muốn được đối xử.
  8. Học cách xin lỗi thật lòng khi phạm phải sai lầm. Dù cẩn thận đến mấy, bạn sẽ hết lần này đến lần khác nói sai hay vô tình làm tổn thương người khác. Bởi vì không ai trên thế gian này là hoàn hảo, chúng ta đều sẽ làm điều ngu ngốc ở thời điểm nào đó. Học cách cúi đầu và nói “Xin lỗi”. Một lời xin lỗi chân thành khi phạm phải sai lầm chính là biểu hiện của thực sự trưởng thành.
  9. Nói sự thật một cách tế nhị. Đây là một kỹ năng thật sự khó để nắm bắt nhưng cân nhắc liệu bạn có muốn được nghe điều gì đó từ người khác sẽ giúp bạn lựa lời. Phật giáo có câu: “Trước khi nói, hãy tự hỏi: có đúng không, có cần thiết không, có tử tế không”. Hãy cân nhắc trước khi mở lời. Những người quanh bạn sẽ cảm kích sự thành thực của bạn, và sự thấu hiểu của bạn sẽ cho thấy bạn thật sự quan tâm đến họ.[27]
    • Chẳng hạn như, nếu một người hỏi bạn liệu chiếc váy có khiến cô ấy trông béo hay không, hãy cân nhắc điều gì là có ích nhất cho cô ấy. Cảm nhận về cái đẹp luôn rất chủ quan, vì vậy đưa ra ý kiến về vẻ ngoài sẽ chẳng giúp ích được gì. Thay vào đó, hãy nói rằng bạn yêu cô ấy, cô sẽ luôn chính mình. Điều đó có thể sẽ cho cô ấy sự tự tin mà cô cần.
    • Nếu thật sự nghĩ rằng bộ trang phục không đẹp, có những chiến thuật để nói điều này “nếu” bạn nghĩ rằng làm vậy sẽ có ích. Chẳng hạn như “Bạn biết đấy, mình thích chiếc váy đỏ hơn chiếc này” không phán xét cơ thể cô ấy - không ai cần điều đó - đồng thời trả lời cho thắc mắc liệu cô có đẹp nhất với trang phục này hay không.
    • Các nhà hành vi học chỉ ra rằng một số hình thức lừa dối lại “tốt cho xã hội”, những lời nói dối nhỏ để giúp người khác không bị xấu hổ hay tổn thương. Điều này có phải là điều bạn muốn làm hay không là do bạn tự quyết định. Cho dù quyết định thế nào hãy làm điều đấy một cách tử tế.[28]

Lịch sự[sửa]

  1. Cư xử đúng mực khi tương tác với mọi người. Bắt tay một cách chắc chắn, dứt khoát và nhìn thẳng vào mắt đối phương. Nếu văn hóa của bạn có cách chào hỏi khác, hãy dùng cách thức đó một cách lịch sự và phù hợp. Khi gặp người mới, hãy cố nhớ tên họ và lặp lại: “Chào bạn, Wendy”. Cư xử đúng mực thể hiện sự tôn trọng của bạn và là hành vi của một con người trưởng thành.[17]
    • Trong mọi cuộc trò chuyện, lắng nghe và duy trì giao tiếp bằng mắt. Tuy vậy, cũng đừng chằm chằm vào người trò chuyện với bạn. Hãy tuân theo nguyên tắc 50/70: nhìn vào mắt 50% thời gian bạn nói, và 70% trong lúc người khác lên tiếng.[29]
    • Tránh đụng chạm hay di chuyển đồ vật ngẫu nhiên. Đó là dấu hiệu cho thấy sự thiếu tự tin của bạn. Hãy mở bàn tay và thả lỏng.
    • Đừng ngồi đó và nghĩ về những nơi mà bạn muốn có mặt hơn. Hầu hết mọi người đều rất dễ nhận biết khi bạn không chú tâm đến cuộc trò chuyện, và điều đó sẽ làm tổn thương tình cảm của họ.
    • Trong lúc cần dành sự tập trung cho người đối diện, đừng nói chuyện điện thoại hay nhắn tin cho ai khác. Điều đó là sự thiếu tôn trọng trong giao tiếp.
    • Khi bạn ở một tình huống hoặc tham gia một cộng đồng mới, hãy yên lặng quan sát cách hành xử của mọi người một thời gian. Khuyên bảo người khác điều họ nên hay không nên làm không phải là việc của bạn. Thay vào đó, hãy quan sát và tỏ ra tôn trọng.
  2. Sử dụng các phép giao tiếp trực tuyến đúng mực. Sử dụng nghi thức mạng đúng mực thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với bạn bè, gia đình và những người quen trên mạng. Đó là dấu hiệu của trưởng thành. Hãy nhớ rằng mọi điều bạn đăng trên mạng đều có thể được đọc bởi những người như nhà tuyển dụng tiềm năng, thầy cô giáo,… Do đó, đừng viết điều gì có thể làm bẽ mặt hay gây hại cho chính bạn.[30][31]
    • Tránh dùng ngôn ngữ quá khích hay có tính công kích. Đừng lạm dụng câu cảm thán. Hãy nhớ rằng bạn không hiện diện ở đó để làm rõ quan điểm của bạn, do đó đừng làm choáng váng người nghe.
    • Dùng phím shift. Viết hoa những danh từ cần thiết và khi bắt đầu câu thay vì viết thường mọi chữ. Tránh "vIếT HoA" bất thường. Điều đó sẽ khiến điều bạn viết trở nên khó đọc hơn rất nhiều.
    • Tránh VIẾT HOA MỌI CHỮ. Trên mạng, đều này tương đương với việc quát mắng. Có thể nó ổn nếu bạn dùng để đăng một tweet về việc đội bóng của bạn đã giành chức vô địch như thế nào, nhưng đây không phải là ý hay cho những thư điện tử hàng ngày và các bài đăng trên mạng xã hội.[32]
    • Chào hỏi khi gửi thư điện tử (“Chào” trong “Chào An”). Không bắt đầu thư với một lời chào là thô lỗ, đặc biệt trong trường hợp bạn gửi thư cho một người bạn không thân hoặc những người như giáo viên của bạn. Đồng thời, hãy kết thúc thư với những từ như “Cảm ơn” hay “Thân ái”.
    • Kiểm tra lại trước khi gửi thư điện tử hay đăng lên mạng xã hội, đảm bảo rằng bạn không mắc lỗi. Sử dụng câu hoàn chỉnh và nhớ ngắt câu hợp lý.
    • Hạn chế dùng từ viết tắt, tiếng lóng và các biểu tượng cảm xúc. Bạn có thể sử dụng chúng khi viết bình thường cho bạn bè, tuy nhiên, đừng dùng khi viết thư cho thầy cô giáo hoặc trong những tình huống bạn muốn mình có vẻ trưởng thành.
    • Hãy nhớ luật vàng trên mạng, cũng như luật vàng ngoài đời thực. Đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử. Nếu muốn được người khác đối xử tử tế, bạn cũng hãy tử tế với họ. Nếu không có gì tốt đẹp để nói, vậy hãy im lặng.
  3. Trở nên hữu ích. Giữ cửa, nhặt hộ đồ, hỗ trợ mọi người khi họ cần. Đồng thời, cân nhắc trở nên hữu ích trong cộng đồng, như làm người cố vấn cho các bạn sinh viên trẻ, gia sư, hay làm việc ở một trung tâm chăm sóc động vật. Khi đem lại hạnh phúc cho người khác, bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Giúp ích người khác thay vì chính bản thân mình là một hành vi rất trưởng thành.
    • Những việc làm hữu ích cũng sẽ làm tăng lòng tự tôn của bạn. Nghiên cứu cho thấy khi giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ đạt được cảm giác thành tựu và tự hào cho những gì mình đã làm.[33]
    • Giúp đỡ không phải lúc nào cũng được đáp lại. Trong rất nhiều trường hợp, khi bạn giúp đỡ người khác, họ không nói “cảm ơn” hay đề nghị hỗ trợ lại bạn. Đó là việc của họ. Nhớ rằng bạn trở nên hữu ích vì chính bạn chứ không phải để nhận được điều gì từ người khác.
  4. Tránh cố trở thành trung tâm sự chú ý mọi lúc. Liên tục dành lời và nói về bản thân mọi lúc thay vì tạo cơ hội cho người khác được phát biểu là thiếu tôn trọng và trưởng thành. Thể hiện sự quan tâm thật sự đến sở thích và trải nghiệm của người khác có thể giúp bạn có vẻ trưởng thành hơn và bớt xu hướng muốn làm trung tâm của mọi thứ. Có thể bạn cũng sẽ muốn biết thêm về những điều mới hoặc có cách nhìn khác về ai đó nhờ những điều mà bạn nghe được.
  5. Tiếp nhận cả lời khen và chỉ trích một cách chín chắn. Nếu ai đó khen ngợi bạn, hãy nói “cảm ơn” và chỉ thế. Nếu có người chỉ trích bạn, hãy lịch sự và trả lời "Được rồi, mình chắc chắn sẽ xem xét lại điều này". Có thể chỉ trích là không thích đáng nhưng xử lý nó một cách lịch sự sẽ khiến bạn trông trưởng thành hơn.[34]
    • Cố đừng tự ái khi nhận lời chỉ trích. Đôi khi, mọi người có thể chỉ muốn tốt cho bạn mà lại không biết cách diễn đạt điều đó. Nếu bạn cho rằng mình rơi vào hoàn cảnh tương tự, hãy hỏi rõ: “Nghe nói bạn không thích bài luận của mình. Bạn có thể góp ý rõ hơn để mình cải thiện lần tới được không?”
    • Đôi khi, lời chỉ trích thể hiện về người nói nhiều hơn là về bạn. Hãy nhớ rằng khi ai đó chỉ trích không công bằng hay ác ý, họ có thể chỉ đang cố khiến bản thân cảm thấy khá hơn bằng cách hạ thấp bạn. Đừng để điều đó ảnh hưởng đến bạn.
    • Tiếp nhận chỉ trích một cách hòa nhã không có nghĩa là bạn không thể bảo vệ chính mình. Nếu ai đó khiến bạn bị tổn thương, nói với họ một cách bình tĩnh và lịch sự: “Mình chắc là bạn không có ý đó, nhưng việc bạn chỉ trích bộ cánh của mình khiến mình thật sự buồn. Lần sau, bạn đừng nhận xét về vẻ ngoài của mình nữa nhé?”

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy tử tế, thấu hiểu và là bạn của tất cả mọi người! Đừng tốt bụng chỉ trong một ngày mà là mọi lúc.
  • Rất khó để có được sự trưởng thành. Tuy nhiên, đừng thay đổi con người bạn vì điều đó. Thay vào đó, trân trọng và phát huy chính con người bạn. Tuổi tác không còn là vấn đề nữa. Nếu bạn muốn được mọi người thật sự coi trọng, hãy suy nghĩ và hành động như cách mà bạn muốn được nhìn nhận. Đảm bảo rằng một khi hành động, bạn chắc chắn về việc mình làm, và có cơ sở cho lựa chọn của mình. Nếu mọi chuyện không như mong muốn – cố hết sức để giữ bình tĩnh và nghĩ về việc cần làm tiếp theo, đừng đổ lỗi cho người khác. Bạn đã hành động và bạn chịu trách nhiệm cho việc bạn làm. Hãy trưởng thành và có trách nhiệm.
  • Khi có mâu thuẫn, tránh tranh cãi mà thay vào đó, cố giải quyết nó một cách lý trí và bình tĩnh. Nếu tranh cãi xảy ra, hãy kết thúc nó càng nhanh càng tốt.
  • Đối xử với người khác như bạn muốn được đối xử. Về căn bản, đây chính là định nghĩa của trưởng thành.
  • Đề ra mục tiêu để trưởng thành hơn và lên kế hoach để đạt được những mục tiêu đó. Chẳng hạn như, bạn có thể quyết định rằng bạn sẽ trở nên trầm tĩnh hơn thay vì nói về chính mình mọi lúc. Làm điều đó trong một tuần rồi nhìn lại việc bạn đã làm được. Cho dù mới đầu, mọi việc có thể sẽ không hoàn hảo, hãy tiếp tục cố gắng.
  • Hãy bao dung. Thậm chí khi ai đó không xứng đáng, hãy cho họ cơ hội thứ hai. Điều đó khiến bạn trở thành một con người lớn hơn và trưởng thành.
  • Ý thức được bạn sẽ thế nào ở những phong cách khác nhau. Tóc nhuộm vàng có thể sẽ thể hiện cá tính của bạn, nhưng nếu bạn có một công việc nghiêm túc, cho dù là không đúng, mọi người có thể sẽ nghĩ rằng bạn không đủ chín chắn.
  • Cố quan tâm đến những vấn đề của người khác. Điều này sẽ giúp bạn trông trưởng thành hơn.
  • Đúng giờ là đức hạnh!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.psychologytoday.com/blog/artificial-maturity/201211/the-marks-maturity
  2. http://www.pamf.org/parenting-teens/general/interests/hobby-resources.html
  3. http://www.nytimes.com/2007/12/02/jobs/02career.html
  4. http://www.notsoboringlife.com/list-of-hobbies/
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/notes-self/201308/how-set-goals
  6. http://news.stanford.edu/news/2015/january/resolutions-succeed-mcgonigal-010615.html
  7. http://articles.sun-sentinel.com/2013-03-21/features/sfe-sfp-acting-immature-can-actually-help-foster-maturity_1_kids-maturity-emotional-literacy
  8. 8,0 8,1 http://www.stopbullying.gov/what-is-bullying/definition/index.html
  9. http://www.stopbullying.gov/respond/be-more-than-a-bystander/index.html
  10. 10,0 10,1 10,2 http://www.apa.org/research/action/blues.aspx
  11. http://kidshealth.org/kid/feeling/friend/gossip.html
  12. http://kidshealth.org/kid/feeling/friend/gossip.html#
  13. http://www.forbes.com/sites/davidkwilliams/2013/01/07/the-5-secret-tricks-of-great-people-how-to-become-open-minded-in-2013/
  14. http://www.mindtools.com/pages/article/tactful.htm
  15. http://kidshealth.org/teen/your_mind/mental_health/self_esteem.html
  16. http://kidshealth.org/teen/your_mind/mental_health/self_esteem.html
  17. 17,0 17,1 17,2 17,3 http://www.cci.health.wa.gov.au/docs/Assertmodule%202.pdf
  18. http://www.mindtools.com/selfconf.html
  19. http://homepages.wmich.edu/~bensley/upe/self-respA.htm
  20. http://www.nicholls.edu/counseling/newsletters/taking-charge-of-your-life/
  21. http://kidshealth.org/teen/your_mind/emotions/deal_with_anger.html
  22. http://socialwork.buffalo.edu/content/dam/socialwork/home/self-care-kit/exercises/assertiveness-and-nonassertiveness.pdf
  23. http://psychcentral.com/blog/archives/2010/02/25/building-assertiveness-in-4-steps/
  24. http://www.communicationcache.com/uploads/1/0/8/8/10887248/perceptions_of_swearing_in_the_work_setting-_an_expectancy_violations_theory_perspective.pdf
  25. 25,0 25,1 http://www.kidshelp.com.au/teens/get-info/hot-topics/communication-skills.php
  26. http://www.helpguide.org/articles/relationships/nonverbal-communication.htm
  27. http://tinybuddha.com/blog/speaking-your-mind-without-being-hurtful/
  28. http://www.oprah.com/relationships/When-to-Tell-the-Truth-Tell-the-Truth-or-Lie
  29. http://msue.anr.msu.edu/news/eye_contact_dont_make_these_mistakes
  30. http://madisoncollege.edu/online-etiquette-guide
  31. http://online.uwc.edu/technology/etiquette
  32. http://www.emilypost.com/communication-and-technology/computers-and-communication/459-email-etiquette-dos-and-donts
  33. http://www.helpguide.org/articles/work-career/volunteering-and-its-surprising-benefits.htm
  34. http://www.wsj.com/articles/how-to-take-criticism-well-1403046866

Liên kết đến đây