Trị chứng phát ban

Từ VLOS
(đổi hướng từ Trị chứng Phát Ban)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phát ban hay còn gọi là nổi mề đay, là tình trạng da nổi mẩn ngứa do dị ứng với chất nào đó trong môi trường, gọi là chất gây dị ứng. Dù không phải lúc nào bạn cũng biết được nguyên nhân của tình trạng phát ban, nhưng đó chính là phản ứng của cơ thể sản sinh ra histamin khi bạn dị ứng với thức ăn, thuốc hay các chất khác. Histamine đôi khi cũng sinh ra khi cơ thể phản ứng với nhiễm trùng, sự căng thẳng, ánh nắng mặt trời và thay đổi nhiệt độ. Ban thường biểu hiện trên da dưới dạng mảng nhỏ màu đỏ, sưng và ngứa, nổi thành tường cụm hay riêng lẻ. Không cần chữa trị ban cũng sẽ mờ đi trong vòng vài giờ, nhưng ban mới có thể xuất hiện ở chỗ đó.[1] Nếu muốn tự mình trị ban thì bạn có thể áp dụng nhiều biện pháp tự nhiên khác nhau.

Các bước[sửa]

Tránh các Chất gây Dị ứng[sửa]

  1. Hiểu nguyên nhân gây ra ban. Bất kì ai cũng có thể bị dị ứng phát ban, và có khoảng 20% dân số đã từng nổi ban vào một lúc nào đó trong đời họ.[1] Khi bị dị ứng, một số tế bào da như dưỡng bào chứa histamin và các hóa chất truyền tín hiệu khác như cytokine, bị kích thích sản sinh ra histamin và cytokine. Các chất này làm tăng lượng rò rỉ từ mao mạch trong da, khiến da sưng và ngứa, một đặc trưng rất phổ biến của ban.[2]
  2. Tránh xa chất gây dị ứng. Bước đầu tiên để trị ban là phải chắc chắn bạn đã tránh xa nguồn gây dị ứng. Đa phần các trường hợp phát ban người ta đều biết nguyên nhân của nó, khi đó bạn phải loại bỏ chất gây dị ứng khỏi da hay môi trường sinh sống. Các tác nhân gây dị ứng phổ biến mà bạn dễ dàng xác định được là cây sơn độc, cây sồi độc, vết côn trùng cắn, quần áo len, chó hay mèo. Bạn cần tránh tối đa những tác nhân này và các chất dị ứng khác nếu biết.
    • Trong một số trường hợp phát ban mãn tính, bạn phải làm thám tử điều tra nguyên nhân cụ thể gây phát ban là gì. [2]
    • Các nguyên nhân phổ biến khác là thực phẩm, thuốc, hóa chất như aceton, polyme (ví dụ, cao su thiên nhiên), nhiễm trùng virus, nhiễm trùng nấm hay nhiễm trùng vi khuẩn, lông hay bụi lông của thú nuôi, tác nhân kích thích vật lý như áp suất, nhiệt độ và ánh nắng mặt trời.[1]
  3. Bảo vệ khỏi phấn hoa. Có một số trường hợp tác nhân từ môi trường gây ra phát ban. Nếu bạn dị ứng với phấn hoa thì nên tránh ra ngoài vào buổi sáng và tối, là lúc phấn hoa phát tán nhiều nhất. Đồng thời bạn nên đóng cửa sổ trong thời gian này và tránh phơi quần áo ngoài trời. Thay “quần áo mặc ở nhà” ngay khi về và giặt “quần áo mặc ra ngoài” ngay lập tức.
    • Sử dụng máy làm ẩm trong nhà cũng là biện pháp hữu hiệu.
    • Bạn cũng cần tránh tối đa các chất gây kích ứng phổ biến trong không khí như thuốc xịt côn trùng, khói thuốc lá, khói củi cháy, mùi nhựa đường hay sơn mới. [2]

Sử dụng Phương pháp Tác động Cục bộ[sửa]

  1. Dùng khăn chườm lạnh. Vì triệu chứng chính của phát ban là kích ứng da nên bạn phải điều trị triệu chứng ngoài da nếu muốn loại trừ ban. Lấy chiếc khăn tắm sạch bằng vải cotton nhúng vào nước mát, vắt hết nước thừa và đặt lên trên chỗ nổi mẩn ngứa. Để yên như vậy 10 phút rồi nhúng ướt lại khăn để giữ khăn luôn mát, nhờ đó da bạn sẽ mát theo.
    • Bạn có thể chườm mát bao lâu là tùy ý muốn, cho đến khi mẩn ngứa dịu dần.
    • Tránh dùng nước quá lạnh vì ở một số người nước lạnh làm tình trạng ban xấu đi.[3]
  2. Pha bột yến mạch vào bồn tắm. Bột yến mạch là một trong các chất liệu tự nhiên tốt nhất để trị da ngứa hay bị kích ứng do ban gây ra. Lấy một cốc yến mạch thô đã ép cho vào máy chế biến thực phẩm hay máy nghiền cà phê. Nghiền cho đến khi yến mạch trở thành dạng bột mịn. Sau khi nghiền thành bột mịn, bạn cho từ một tới hai cốc bột yến mạch vào bồn nước ấm hay nước mát, làm nước chuyển sang màu trắng có độ sệt đồng nhất. Nằm vào bồn và ngâm bao lâu tùy ý muốn, bạn có thể ngâm thêm nhiều lần nếu cần.
    • Không ngâm mình trong nước nóng hay nước lạnh vì ban có thể bị kích ứng nhiều hơn.
    • Có thể bổ sung thêm tới bốn cốc sữa để tăng hiệu quả làm dịu.[4]
  3. Chế tạo miếng đắp từ dứa. Trong dứa có enzim bromelain là chất có thể giảm sưng do ban gây ra. Nghiền một ít dứa, dứa đóng hộp hoặc dứa tươi, và đổ nó lên chiếc khăn tắm mỏng. Gom bốn đầu khăn lại với nhau và cột chặt bằng dây thun. Ép chiếc khăn tắm đã đổ đầy dứa lên trên chỗ phát ban.
    • Khi không sử dụng thì bạn có thể bỏ túi dứa vào hộp kín và trữ trong tủ lạnh. Sử dụng bao nhiêu lần tùy nhu cầu nhưng bạn phải thay dứa sau 24 giờ.
    • Ngoài ra bạn có thể đặt trực tiếp miếng dứa lên trên chỗ nổi ban.
    • Chất bromelain còn được bào chế thành thực phẩm chức năng, do đó bạn có thể uống để trị ban.[5]
  4. Nhào trộn hỗn hợp sệt từ muối nở. Muối nở có thể dùng để trị ngứa do ban. Trộn 1 thìa canh muối nở với đủ lượng nước để tạo thành hỗn hợp sệt. Ban đầu bạn nên nhỏ vài giọt rồi khuấy đều, sau đó bổ sung thêm từ từ nếu cần. Sử dụng ngón tay hay que gạt dát đều hỗn hợp lên chỗ da nổi ban, đắp nhiều lần tùy nhu cầu và sau đó rửa sạch bằng nước.
    • Bạn cũng có thể dùng kem làm từ bã rượu nếu có, cách pha trộn tương tự như trên và đắp bao nhiều lần tùy ý.[6]
  5. Sử dụng giấm. Trong giấm chứa nhiều chất dinh dưỡng có công dụng trị bệnh, và bạn có thể chọn bất kì loại giấm nào. Đổ 1 thìa cà phê giấm vào 1 thìa canh nước và khuấy đều. Sử dụng bông gòn tẩy trang bôi hỗn hợp đó lên chỗ da nổi ban, cách này giúp da bớt ngứa.[6]
  6. Sử dụng cây tầm ma. Từ lâu người ta đã dùng cây tầm ma để trị mề đay vì đó là chất kháng histamin tự nhiên. Bạn có thể pha cây tầm ma thành nước trà, ăn trực tiếp, hoặc dùng dưới dạng thực phẩm chức năng. Để pha một cốc trà cây tầm ma, bạn cho vào cốc nước nóng một thìa cà phê tầm ma khô. Ngâm một lúc và để trà nguội trước khi sử dụng. Tẩm trà vào một chiếc khăn bằng vải cotton, vắt hết phần nước trà thừa và đặt khăn lên chỗ da có ban. Bạn có thể đắp thêm nhiều lần nếu cần.
    • Đối với thực phẩm chức năng, bạn có thể uống tới sáu viên 400 mg một ngày. Nếu muốn ăn trực tiếp cây tầm ma thì bạn nên chế biến bằng cách hấp.[6]
    • Trữ trà tầm ma chưa sử dụng trong hộp kín và bỏ vào tủ lạnh, nhớ pha trà mới sau 24 giờ.
  7. Dầu thoa da calamine. Dầu calamine là hỗn hợp của ôxít kẽm và kẽm cacbonat, có tác dụng trị ngứa và bạn có thể thoa nhiều lần tùy nhu cầu. Khi đã hết ngứa hoặc nếu bạn muốn thoa lại, trước tiên bạn phải rửa sạch lớp dầu cũ.[7]
    • Bạn cũng có thể dùng sữa magiê hoặc Pepto-Bismol để trị ban. Cả hai sản phẩm này đều mang tính kiềm nên có khả năng giảm ngứa.[6]

Sử dụng Thực phẩm Chức năng[sửa]

  1. Dùng viên bổ sung rutin. Một số loại thảo mộc và thực phẩm chức năng có hoạt tính kháng viêm tự nhiên. Rutin là một hợp chất flavonoid thiên nhiên có trong hoa quả họ cam chanh và kiều mạch. Nó có chức năng giảm viêm và sưng nhờ vào khả năng giảm rò rỉ từ các mạch máu.[8][9]
    • Liều lượng khuyên dùng đối với rutin là 250 mg sau mỗi 12 giờ.[10]
  2. Uống quercetin. Chất quercetin cũng có tác dụng giảm viêm và sưng, đó là một hợp chất flavonoid sản sinh trong cơ thể từ rutin.[8][9] Bạn nên ăn hoa quả và rau nhiều hơn, như táo, hoa quả họ cam chanh, hành tây, mùi tây, anh đào đen, nho, việt quất và mâm xôi để bổ sung thêm quercetin vào chế độ ăn. Ngoài ra bạn cũng có thể uống thêm trà và rượu đỏ, hoặc dùng dầu ô-liu để tăng lương quercetin hấp thu. Quercetin cũng được bào chế thành viên thực phẩm chức năng.[11]
    • Quercetin hiệu quả hơn cromolyn là thuốc kê toa có công dụng ngăn chặn histamin sinh ra, cũng đồng nghĩa với việc giảm phát ban.[12]
    • Nếu dùng thực phẩm chức năng thì bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn về liều lượng phù hợp cho trường hợp của mình, nó có thể thay đổi tùy vào mỗi người.[13]
  3. Dùng húng chanh Ấn Độ. Húng chanh Ấn Độ là loài thực vật bắt nguồn từ khu vực Đông Nam Á, được sử dụng trong y học Ấn Độ cổ đại. Nghiên cứu cho thấy nó giảm lượng histamin và leukotriene sinh ra từ dưỡng bào khi bạn phát ban.[14]
    • Thông thường bạn nên uống khoảng 100 tới 250 mg húng chanh Ấn Độ mỗi ngày, không có hướng dẫn khắt khe nào khác. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn về liều lượng cụ thể.

Giảm Căng thẳng[sửa]

  1. Thư giãn. Dù người ta không biết chính xác sự căng thẳng có liên hệ như thế nào với mề đay, nhưng nó dường như khiến chúng ta dễ nổi mề đay hơn. Mỗi ngày bạn nên sắp vào lịch làm việc của mình một khoảng thời gian tham gia vào hoạt động giải trí, như đi tản bộ, đọc sách, làm vườn hay xem phim. Đó là cách để bạn giảm căng thẳng.
    • Vì hoạt động giải trí mang tính chủ quan nên bạn phải tìm ra điều gì làm mình vui và thoải mái nhất để thực hiện mỗi ngày.[15]
  2. Kỹ thuật hít thở sâu. Kỹ thuật hít thở sâu có tác dụng hỗ trợ giảm căng thẳng. Thực hiện như sau: nằm thẳng trên lưng, kê gối dưới hai đầu gối và cổ để có tư thế nằm dễ chịu, đặt hai bàn tay lên trên bụng với lòng bàn tay úp xuống, ngay dưới khung xương sườn. Đan ngón tay trên hai bàn tay vào nhau để bạn có thể cảm nhận được khi chúng tách rời ra, và biết rằng mình đang làm đúng động tác. Hít thở sâu và kéo dài thời gian bằng cách phồng to bụng, thở giống như trẻ nhỏ, nghĩa là thở bằng cơ hoành. Trong lúc thở các ngón tay phải tách rời ra được.
    • Bạn phải nhớ dùng cơ hoành để thở thay vì khung xương sườn. Cơ hoành tạo lực hút mạnh hơn kéo không khí vào phổi, nếu bạn dùng khung xương sườn thì lực hút không mạnh bằng.[16]
  3. Tập nói các câu lạc quan. Câu nói lạc quan là điều mà bạn sẽ tự nói với chính mình để giúp giảm căng thẳng và phấn chấn hơn. Khi nói bạn nên sử dụng thì hiện tại và lập lại càng nhiều lần càng tốt. Những câu nói lạc quan điển hình như sau:
    • Vâng, mình có thể làm được.
    • Mình là người thành công.
    • Sức khỏe của mình ngày càng tốt hơn.
    • Mình cảm thấy vui vẻ hơn mỗi ngày.
    • Một số người viết các câu nói này ra giấy ghi chú và dán khắp nơi để giúp họ giải tỏa căng thẳng hằng ngày.[17]

Hiểu về Ban[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng. Triệu chứng và biểu hiện bên ngoài của ban có thể chỉ tồn tại trong vài phút, nhưng cũng có khả năng kéo dài, thậm chí tới vài tháng hay vài năm. Ban cũng có thể xuất hiện ở bất kì nơi nào trên cơ thể, dù phổ biến nhất là ở nơi tiếp xúc với chất gây dị ứng, dưới dạng sưng lên và ngứa.
    • Ban thường có hình tròn, dù chúng dường như có thể “hòa vào nhau” tạo thành mảng lớn có hình dạng không đều.[18]
  2. Chẩn đoán ban. Ban được chẩn đoán một cách trực tiếp và chỉ cần kiểm tra bên ngoài bằng mắt. Nếu bạn không thể tự mình tìm ra nguyên nhân làm phát ban thì bác sĩ sẽ xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra ban. Họ tiến hành thử nghiệm dị ứng, nghĩa là kiểm tra phản ứng của da với nhiều loại chất khác nhau.
    • Nếu phương pháp này không thành công thì bạn cần xét nghiệm máu và sinh thiết da để kiểm tra da dưới kính hiển vi.[19]
  3. Uống thuốc trị ban. Đối với các ca nhẹ tới trung bình, bạn thường phải uống thuốc kháng histamin. Đó có thể là thuốc mua không kê toa hay thuốc mua theo chỉ định của bác sĩ. Những loại này bao gồm:
    • Thuốc kháng histamin gây buồn ngủ như brompheniramine (Dimetane), chlorpheniramine (Chlor-Trimeton) và diphenhydramine (Benadryl).
    • Thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ như cetirizine (Zyrtec, Zyrtec-D), clemastine (Tavist), fexofenadine (Allegra, Allegra D) và loratadine (Claritin, Claritin D, Alavert).
    • Các thuốc chứa corticosteroid mua không cần toa dưới dạng thuốc phun mũi (Nasacort) và thuốc kê toa chứa corticosteroid bao gồm prednisone, prednisolone, cortisol, và methylprednisolone.
    • Thuốc ổn định dưỡng bào như natri cromolyn (Nasalcrom).
    • Thuốc ức chế leukotriene như montelukast (Singulair).
    • Thuốc bôi cục bộ điều biến hệ miễn dịch như (Protopic) và pimecrolimus (Elidel).[20]
  4. Tìm giải pháp y khoa chuyên nghiệp hơn. Trong một số ít trường hợp ban có thể làm sưng trong cổ họng, tạo ra tình huống đòi hỏi phải cấp cứu bằng epinephrine. Epinephrine còn được sử dụng dưới dạng kim tiêm EpiPen ở những người dị ứng nặng với một chất nào đó, và phải dùng epinephrine để tránh sốc mẫn cảm, là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi phát ban, hoặc ngay cả khi không có ban. Triệu chứng của sốc mẫn cảm bao gồm:
    • Phát ban ngoài da có thể đi kèm với ngứa, da ửng đỏ hay nhợt nhạt.
    • Cảm giác ấm.
    • Cảm thấy có một cục u chắn ở cổ họng.
    • Thở khò khè hay khó thở.
    • Lưỡi sưng hay cổ họng sưng.
    • Mạch và nhịp tim nhanh.
    • Buồn nôn, nôn hay tiêu chảy.
    • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.[21]

Lời khuyên[sửa]

  • Để đề phòng, bạn nên thoa thuốc bôi cục bộ lên một diện tích nhỏ trước để chắc chắn mình không dị ứng với nó. Sau khoảng 5 tới 10 phút mà không có phản ứng gì bạn hãy thoa lên toàn bộ chỗ phát ban.
  • Không sử dụng các thuốc này cho trẻ em dưới năm tuổi trừ khi có sự giám sát của bác sĩ.
  • Nếu ban trở thành mãn tính hay diễn ra trong thời gian dài thì bạn nên nhờ bác sĩ giới thiệu cho một chuyên gia về vấn đề này. Chuyên gia về dị ứng sẽ kiểm tra bạn để tìm ra nguyên nhân của phản ứng dị ứng. Xét nghiệm dị ứng thường bao hàm thử nghiệm trên thức ăn, thực vật, hóa chất, côn trùng và vết côn trùng cắn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://acaai.org/allergies/types/skin-allergies/hives-urticaria
  2. 2,0 2,1 2,2 http://www.news-medical.net/health/Hives-Pathophysiology.aspx
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hives-and-angioedema/basics/lifestyle-home-remedies/con-20014815
  4. http://www.natural-homeremedies-for-life.com/homemade-oatmeal-bath.html
  5. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/bromelain
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 http://www.besthealthmag.ca/best-you/home-remedies/natural-home-remedies-hives#tByMGV2jUcpxSjIR.97
  7. http://www.drugs.com/cdi/calamine-lotion.html
  8. 8,0 8,1 Rehn D, Nocker W, Diebschlag W, et al. Time course of the anti-oedematous effect of different dose regimens of O-(beta-hydroxyethyl) rutosides in healthy volunteers. Arzneimittelforschung 1993;43(3):335-338
  9. 9,0 9,1 Boyle, S. P., Dobson, V. L., Duthie, S. J., Hinselwood, D. C., Kyle, J. A., and Collins, A. R. Bioavailability and efficiency of rutin as an antioxidant: a human supplementation study. Eur.J Clin.Nutr. 2000;54(10):774-782
  10. http://www.drugs.com/dosage/bioflavonoids.html
  11. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/quercetin
  12. Weng Z, Zhang B, Asadi S, Sismanopoulos N, Butcher A, Fu X, et al. (2012) Quercetin Is More Effective than Cromolyn in Blocking Human Mast Cell Cytokine Release and Inhibits Contact Dermatitis and Photosensitivity in Humans. PLoS ONE 7(3): e33805
  13. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/quercetin#ixzz3iesBNOsW
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2432900
  15. http://dermatologytimes.modernmedicine.com/dermatology-times/news/modernmedicine/modern-medicine-feature-articles/clinicians-examine-mind-body-?page=full
  16. http://cas.umkc.edu/casww/brethexr.htm
  17. http://www.successconsciousness.com/index_00000a.htm
  18. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/e---h/hives
  19. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/e---h/hives/diagnosis-treatment
  20. http://www.rxlist.com/allergy_medications/drugs-condition.htm
  21. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anaphylaxis/basics/symptoms/con-20014324

Liên kết đến đây