Điều trị phát ban do nhiễm nấm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phát ban do nấm rất ngứa và dễ lây. Căn bệnh này có thể dễ dàng lây từ người này sang người khác do dùng chung đồ dùng cá nhân (chẳng hạn như khăn) và tiếp xúc thân thể. Nấm thường phát triển mạnh ở những vị trí nóng ẩm trên cơ thể. Nấm sẽ ăn keratin, một loại protein có trong da, móng tay và tóc. Phát ban do nấm có thể được điều trị bằng thuốc và một số liệu pháp tại nhà.

Các bước[sửa]

Điều trị phát ban do nấm tại nhà[sửa]

  1. Xác định loại nấm mà bạn bị nhiễm. Nấm gây phát ban có tên phổ biến là Dermatophyte (nấm da). Nấm này có thể lây nhiễm ở da, miệng, tóc, móng trên cơ thể người. Có nhiều loại nấm Dermatophyte và chúng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, gây ra nhiều loại nhiễm trùng da.[1]
    • Quan sát vùng phát ban có hình vòng tròn, đỏ và ngứa. Loại phát ban này là do nhiễm trùng nấm hắc lào và thường xuất hiện ở những vị trí dễ nhận thấy như cánh tay, cẳng chân và mặt. Hắc lào rất dễ lây.
    • Kiểm tra các dấu hiệu như phồng rộp, bong tróc hoặc nứt nẻ da. Nếu những dấu hiệu trên xuất hiện ở bàn chân, bạn có thể đã bị nấm da chân. Nấm da chân thường kèm theo cảm giác bỏng rát. Phồng rộp và phát ban ở háng hoặc phía trong đùi là dấu hiệu bệnh Jock Itch - căn bệnh tương tự như hắc lào nhưng xuất hiện ở một vị trí khác trên cơ thể.
    • Kiểm tra móng. Nấm móng sẽ gây vàng và giòn móng. Móng cũng có thể dày lên và gây đau đớn khi mang giày.
    • Quan sát các mảng da biến màu. Nếu xuất hiện các mảng da màu nâu, hồng hoặc trắng ở lưng, cổ và bắp tay, bạn có thể đã bị lang ben. Bên cạnh đó, các mảng trắng nhỏ xuất hiện ở miệng hoặc âm đạo là dấu hiệu của bệnh tưa miệng hoặc nấm Candida (nấm âm đạo). Bệnh tưa miệng chỉ gây nguy hiểm trong trường hợp suy yếu hệ miễn dịch.[2]
  2. Vệ sinh vùng da bị ảnh hưởng trước khi điều trị. Sử dụng xà phòng sát khuẩn để rửa sạch khu vực bị nhiễm nấm cùng bụi bẩn và vi trùng xunh quanh. Lau khô bằng khăn khô hoặc máy sấy tóc. Đây cũng là một thói quen tốt giúp ngăn ngừa nhiễm nấm. Bên cạnh đó, bạn nên vệ sinh sạch sẽ vùng da bị ảnh hưởng trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào. [3]
  3. Thoa dầu tràm trà lên vùng da bị ảnh hưởng. Dầu tràm trà có đặc tính kháng nấm và là một liệu pháp điều trị nhiễm nấm hiệu quả. Bạn có thể mua dầu tràm trà ở tiệm thuốc tây gần nhà. Thoa dầu tràm trà lên vùng da bị nhiễm nấm 2-3 lần mỗi ngày.
    • Có thể sử dụng dầu tràm trà nguyên chất hoặc pha loãng. Nếu muốn pha loãng, hãy pha một thìa rưỡi dầu tràm trà với một cốc nước ấm.
    • Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và mới sinh nên cẩn trọng khi sử dụng dầu tràm trà. Theo một số báo cáo, dầu tràm trà có thể làm giảm khả năng co bóp. Tuy nhiên vẫn chưa đủ bằng chứng chứng minh tác dụng phụ này của dầu tràm trà.[4]
    • Không sử dụng dầu tràm trà cho nam giới vị thành niên vì tinh dầu này có thể gây phát triển vú.[4]
  4. Thử dùng giấm táo. Giấm nổi tiếng nhờ đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn và sát trùng. Giấm chứa axit và các enzym tạo phản ứng hóa học tiêu diệt nấm trên da, do đó giúp điều trị phát ban do nấm. Có nhiều cách sử dụng giấm để điều trị phát ban do nấm.
    • Pha loãng giấm táo với tỷ lệ 50:50 (1 cốc giấm táo với 1 cốc nước). Có thể đổ một lượng nhỏ giấm vào một miếng bông gòn, sau đó thoa lên vùng da bị ảnh hưởng 2-3 lần mỗi ngày. Hoặc cũng có thể ngâm vùng da bị ảnh hưởng trong giấm táo pha loãng với tỷ lệ như trên trong 10-15 phút. Đảm bảo lau khô vùng da bị nhiễm nấm sau khi ngâm.
    • Bạn có thể ngâm toàn bộ cơ thể. Đổ đầy nước ấm vào bồn tắm, sau đó cho thêm 5 cốc giấm táo. Bạn có thể thêm một ít giấm nữa vào bồn tắm nếu muốn nước ngâm đậm đặc hơn. Ngâm người trong 10-20 phút.
  5. Nghiền tỏi sống và thoa trực tiếp lên vùng da bị phát ban do nấm. Chiết xuất từ tỏi sẽ ức chế sự tăng trưởng của vi sinh vật nhờ thành phần hoạt chất Allicin chỉ tiết ra khi tỏi được nghiền nát. Thêm vào đó, một hợp chất khác có trong tỏi sống là Ajoene cũng giúp điều trị phát ban do nấm. Hợp chất này giúp tiêu diệt nấm trên da và mau lành vết thương.
    • Bạn có thể thoa tỏi nghiền lên vùng da bị ảnh hưởng 2 lần mỗi ngày. Dùng gạc che vết thương lại sẽ giúp hấp thu tốt hơn.
    • Bạn cũng có thể thử đắp hỗn hợp tỏi. Nghiền nhỏ một tép tỏi, sau đó trộn với 1 thìa (15 ml) dầu ôliu. Đắp hỗn hợp trên lên vùng da bị phát ban do nấm nhiều lần mỗi ngày để thúc đẩy quá trình phục hồi.
    • Bạn cũng có thể ăn 1 tép tỏi sống mỗi ngày để giải độc cơ thể đồng thời tiêu diệt nấm bên trong.

Điều trị phát ban do nấm bằng thuốc[sửa]

  1. Trao đổi tình trạng phát ban với bác sĩ. Có nhiều thuốc điều trị có sẵn cho các trường hợp phát ban do nhiễm nấm. Một số thuốc thường sẵn có mà không cần kê đơn (OTC) và rẻ hơn so với thuốc kê đơn. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn các thuốc có thể có hiệu quả hoặc kê đơn cho bạn nếu cần thiết.
  2. Rắc bột chống nấm lên vùng da dễ bị ẩm ướt. Vùng da phát ban do nấm nếu còn nóng và ẩm sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Thêm vào đó đó, các triệu chứng cũng có thể trở nên nặng hơn. Bạn nên mua bột chống nấm để sử dụng hàng ngày. Bột giúp ngăn ngừa độ ẩm bằng cách hút ẩm và giữ cho bề mặt da được khô suốt cả ngày.
    • Có thể rắc phấn rôm vào giày để giữ cho chân được khô suốt cả ngày, đặc biệt khi làm việc trong điều kiện ẩm ướt hoặc đổ nhiều mồ hôi chân.
  3. Thoa kem chống nấm lên vùng da bị phát ban do nấm. Kem Ketoconazole là một loại thuốc OTC có sẵn tại các tiệm thuốc tây và được sử dụng rộng rãi trong điều trị tất cả các loại phát ban do nấm. Cơ chế hoạt động của thuốc là kìm hãm quá trình tăng trưởng và lây nhiễm của nấm da. Bạn có thể sử dụng kem một lần mỗi ngày trong 2-6 tuần cho đến khi phát ban hoàn toàn biến mất.[5] Các loại kem chống nấm phổ biến khác là:
    • Clotrimazole, có tên thương hiệu là Canesten và Lotrimin. Đây cũng là thuốc OTC được sử dụng để điều trị nhiều bệnh nhiễm nấm, đặc biệt là nhiễm trùng nấm men. Có thể thoa Clotrimazole 2-3 lần mỗi ngày trong 4 tuần.
    • Terbinafine, có tên thương hiệu là Lamisil. Bạn có thể mua thuốc này mà không cần bác sĩ kê đơn. Lamisil có thể được sử dụng dưới dạng kem hoặc bột để điều trị nhiễm trùng da. Dạng viên nén của thuốc được sử dụng để điều trị nấm móng. Nên thoa Lamisil trong 2-3 ngày.
  4. Dùng thuốc kê đơn theo chỉ dẫn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phát ban nấm có thể trở nên tồi tệ hơn ngay cả khi bạn đã thử nhiều liệu pháp tại nhà và thuốc OTC. Nếu gặp trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn. Ngoài các loại thuốc dạng kem và bột, bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc viên hoặc tiêm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch.

Ngăn ngừa phát ban do nhiễm nấm[sửa]

  1. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa nấm phát triển. Vệ sinh cá nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nấm. Nếu không vệ sinh sạch sẽ các vị trí nóng ẩm trên cơ thể, bạn sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển dễ dàng. Vì vậy, nên tắm rửa thường xuyên và lau khô khắp cơ thể.[3]
    • Ngoài ra, nên giữ cho tất cả các vị trí trên cơ thể được mát, khô thoáng và không bị ẩm ướt.
    • Giữ khô và sạch sẽ vùng da bị ảnh hưởng, đặc biệt là những vị trí có nếp gấp da.
    • Luôn lau khô chân sau khi rửa.
    • Luôn cắt và giũa gọn móng.
  2. Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân. Dùng chung những đồ dùng như khăn, bàn chải đánh răng, tất và nội y có thể lây nhiễm nấm. Để chắc chắn không bị lây nhiễm nấm từ người khác, bạn nên tránh dùng chung các đồ dùng thường xuyên tiếp xúc với cơ thể.
    • Mang dép lê khi đi trong phòng tắm hơi và nhà tắm công cộng để tránh tiếp xúc với nấm.
  3. Luôn giặt sạch quần áo và nội y. Thường xuyên giặt quần áo, đặc biệt là nội y, giúp loại bỏ nấm từ các sản phẩm may mặc. Ngoài ra, giữ quần áo sạch sẽ và không mồ hôi sẽ loại bỏ môi trường thích hợp cho nấm phát triển.
    • Thay tất mỗi ngày. Bạn nên mang tất làm bằng bông vì đây là vật liệu thoáng khí, giúp chân luôn được khô thoáng.
  4. Dọn dẹp nhà sạch sẽ. Bạn nên đặc biệt dọn dẹp sạch sẽ phòng ngủ và phòng tắm vì đây là những nơi tiếp xúc thân thể nhiều nhất. Vệ sinh phòng tắm bằng chất khử trùng và giữ cho bồn rửa mặt, bồn tắm và vòi sen khô khi không sử dụng. Đối với phòng ngủ, bạn nên giặt sạch nệm và ga trải giường thường xuyên.
  5. Hiểu biết các yếu tố khác gây phát ban do nấm. Người bị thừa cân, tiểu đường, mất kiểm soát tiểu tiện và đổ nhiều mồ hôi thường có nguy cơ phát ban do nấm cao. Một số thay đổi lối sống nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát ban do nấm. Người dùng thuốc kháng sinh liều cao hoặc dài hạn, sử dụng sản phẩm chăm sóc da mới, hoặc mất khả năng di chuyển cũng có nguy cơ bị nhiễm nấm. [3]

Lời khuyên[sửa]

  • Một số phương pháp điều trị có thể mất một thời gian dài mới phát huy tác dụng. Đừng mất kiên nhẫn nếu bạn không thấy kết quả ngay lập tức. Nếu sau một thời gian điều trị mà vẫn chưa thấy hiệu quả, bạn có thể hỏi bác sĩ phương pháp điều trị mạnh hơn.
  • Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc. Cảnh giác với bất kỳ hạn chế hoặc tác dụng phụ nào có thể xảy ra.
  • Không kết hợp thuốc. Kết hợp thuốc có thể gây rối loạn cơ chế hoạt động của thuốc và nguy hại cho sức khỏe.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]