Chữa lành phát ban dưới cánh tay

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Để chữa lành phát ban dưới cánh tay, đầu tiên bạn cần xử lý nguyên nhân gây phát ban. Tránh cạo lông và không dùng sản phẩm kwr mùi để xem liệu tình hình có thay đổi không. Sau đó, làm theo những danh sách bước cần thiết. Rửa vùng da dưới cánh tay bằng xà phòng dịu nhẹ và mặc quần áo rộng, thoáng mát. Chườm nóng và thoa dầu dưỡng hoặc lotion. Tránh gãi vết phát ban và đi khám bác sĩ nếu phát ban không biến mất sau khi dùng thuốc kê đơn.

Các bước[sửa]

Xử lý nguyên nhân[sửa]

  1. Ngừng nhiễm trùng vùng da dưới cánh tay do nang lông bị tắc hoặc kích thích gây ra. Tình trạng này được gọi là viêm nang lông. Viêm nang lông bắt đầu khi nang lông bị tổn thương vì lý do nào đó và trở nên nhiễm trùng. Rất may mắn là tình trạng kích ứng này có thể phòng ngừa và điều trị được.
    • Không mặc quần áo quá chật vùng cánh tay. Ma sát có thể gây kích ứng.
    • Mặc quần áo để da có thể thở, đặc biệt là nếu bạn sống ở nơi có khí hậu ấm áp.
    • Cần đảm bảo da bạn không nhạy cảm hoặc dị ứng với chất liệu vải, ví dụ như len.
    • Giặt quần áo bằng bột giặt không gây kích ứng. Hạn chế dùng nước xả vải.
  2. Ngừng cạo lông dưới cánh tay để xác định nguyên nhân gây phát ban. Cạo lông có thể khiến nang lông mọc ngược và thậm chí là nhiễm trùng. Bạn nên thử tẩy lông (wax) hoặc dùng sản phẩm tẩy lông thay vì cạo lông cho đến khi khỏi phát ban.
  3. Ngưng dùng sản phẩm khử mùi, xà phòng hoặc bột gây kích ứng da. Sản phẩm khử mùi thường chứa nhôm, hương liệu, cồn và paraben - những chất có thể kích thích phát ban.[1] Đây là một trong những nguyên nhân gây ngứa hoặc đỏ da dễ loại bỏ nhất.
    • Thử dùng nhiều sản phẩm vệ sinh khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất. Đầu tiên, bạn nên chuyển sang dùng sản phẩm khử mùi không hương liệu. Nếu cách này không giúp chữa lành phát ban, bạn nên đổi sang loại xà phòng khác (tốt nhất là loại không hương liệu). Đi khám bác sĩ ngay nếu phát ban dai dẳng.
    • Nếu nghi ngờ sản phẩm khử mùi là nguyên nhân gây phát ban, bạn có thể thử dùng các sản phẩm khử mùi không kích ứng da như:
    • Kali alum (phèn chua): Kali alum là khoáng chất có đặc tính làm se và sát trùng. Mặc dù không ngăn tiết mồ hôi nhưng khoáng chất này có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mùi cơ thể. Kali alum thường có dạng đá và rất rẻ tiền.
    • Muối nở: Hòa 1/8 thìa cà phê muối nở với một ít nước (không hòa tan) rồi thoa lên vùng da dưới cánh tay. Nếu muốn, bạn có thể rắc một ít muối nở và bột ngô dưới cánh tay để tạo cảm giác khô ráo.
    • Chanh: Axit citric trong nước cốt chanh có thể tiêu diệt vi khuẩn dưới cánh tay. Bạn có thể cắt một lát chanh rồi thoa lên vùng da dưới cánh tay để khử mùi một cách tự nhiên. Lưu ý không dùng nước cốt chanh ngay sau khi vừa cạo lông.
    • Cồn Isopropyl: Cho cồn Isopropyl vào bình xịt để xịt lên vùng da dưới cánh tay. Để tạo mùi hương dễ chịu, bạn có thể cho thêm vài giọt tinh dầu như tinh dầu hoa oải hương hoặc tinh dầu bạc hà vào. Tuy nhiên, tránh dùng hương liệu sẽ an toàn hơn.
  4. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh nhiễm nấm dưới cánh tay. Vùng da dưới cánh tay ẩm và tối là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn và nấm. Phát ban dưới cánh tay có thể là do vệ sinh cá nhân kém, nhưng đa số trường hợp phát ban là do nhiệt, ma sát hoặc tiếp xúc với dị nguyên.[2]
  5. Xem xét các nguyên nhân khác gây phát ban dưới cánh tay. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm dị ứng với thuốc và thực phẩm, thường xuân độc và sồi độc, vết côn trùng cắn, hoặc rối loạn tự miễn dịch như vảy nến. Các loại vi-rút như vi-rút cúm hoặc thủy đậu cũng có thể gây phát ban. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ viêm vùng da dưới cánh tay là do một trong những nguyên nhân trên.

Điều trị phát ban[sửa]

  1. Làm theo danh sách các bước cần thiết. Sau khi bị phát ban dưới cánh tay và đã tiến hành một số bước kể trên, bạn nên bắt đầu tìm cách xoa dịu phát ban. Tuân thủ các bước sau để chữa lành phát ban.
    • Rửa vùng da dưới cánh tay bằng xà phòng dịu nhẹ và không hương liệu. Lau khô vùng da dưới cánh tay.
    • Mặc quần áo rộng, thoải mái và làm từ chất liệu tự nhiên như cotton, sợi đay hoặc vải lanh. Các loại vải này giúp da dễ thở hơn và giảm nguy cơ viêm nang lông.
    • Uống nhiều nước để giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ một cách tối ưu. Nước lọc và trà xanh là lựa chọn tốt nhất. Tránh thức uống cung cấp năng lượng, cà phê và các loại thức uống lợi tiểu khác vì chúng gây mất nước.
    • Dùng kem hoặc lotion kháng nấm không kê đơn. Đây là các sản phẩm dùng điều trị nhiễm trùng nấm ở các vị trí khác trên cơ thể như bàn chân và vùng bẹn.
  2. Để xoa dịu viêm nang lông, bạn có thể chườm túi chườm ấm, ẩm lên vùng da dưới cánh tay. Túi chườm ẩm sẽ giúp thoát nước vùng da dưới cánh tay.[3] Thay túi chườm sạch cho lần chườm sau và không dùng túi chườm cũ.
  3. Thoa dầu hoặc lotion có đặc tính xoa dịu lên vùng da dưới cánh tay để giảm đau và cảm giác khó chịu. Dầu chứa vitamin E có thể giúp ích (mặc dù vitamin E thoa tại chỗ có thể gây kích ứng da trong một số trường hợp).[4] Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại dầu khác như lô hội, dầu tràm trà và tinh dầu đà điểu.
    • Thoa kem hydrocortisone dịu nhẹ lên vùng da kích ứng có thể giúp chữa lành phát ban, đồng thời ngăn ngừa kích ứng và giảm ngứa.[5]
    • Lotion Calamine cũng là kem chống ngứa phổ biến dùng cho trường hợp phát ban.
    • Tắm yến mạch. Bạn có thể mua sản phẩm keo yến mạch có bán ở cửa hàng. Bên cạnh đó, bạn có thể tự pha nước tắm bằng cách đổ 1 cốc yến mạch vào khăn cotton hoặc vớ rồi đem đun nóng. Chờ khăn hoặc vớ đựng yến mạch nguội rồi dùng làm miếng bọt biển để tắm.[6]
  4. Tránh gãi vùng da bị phát ban. Xước da do gãi có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm. Nếu thấy quá ngứa, bạn có thể dùng thuốc mỡ thoa tại chỗ như hydrocortisone.
  5. Đi khám bác sĩ nếu nhiễm nấm không khỏi sau khi dùng thuốc không kê đơn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn. Trong lúc đó, bạn có thể uống Ibuprofen hoặc Aspirin để giảm đau và giảm viêm.

Cảnh báo[sửa]

  • Phát ban do dị ứng có thể đe dọa đến tính mạng. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng khác ngoài phát ban, ví dụ như sưng mặt hoặc cổ, khó thở hoặc mất ý thức. Phát ban màu tím có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]