Trị ho không cần xi rô ho

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ho là phản ứng bảo vệ phổi tự nhiên bằng cách tống các tác nhân kích ứng phổi như khói và chất nhầy khỏi đường thở để ngăn ngừa nhiễm trùng. Cơn ho thỉnh thoảng xảy ra là biểu hiện cho thấy hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Tuy nhiên hiện tượng ho dai dẳng cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn hoặc nhiễm trùng như bệnh cảm cúm. Tình trạng ho kéo dài có thể gây các phản ứng phụ khó chịu như đau ngực, kiệt sức, choáng váng, mất kiểm soát bàng quang. Ho cũng cản trở giấc ngủ và gây bất tiện trong giao tiếp và công việc.[1] Bạn có thể làm theo một vài bước đơn giản để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng ho mà không cần uống xi-rô ho. Tuy nhiên bạn luôn nên tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng các liệu pháp tự chữa trị bằng thực phẩm bổ sung hoặc thảo dược.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Sử dụng các liệu pháp tại nhà[sửa]

  1. Dùng viên ngậm trị ho. Viên ngậm trị ho có thành phần giúp ức chế phản xạ ho. Đây cũng là cách giữ ẩm cổ họng tuyệt vời, giúp tăng tác dụng ngăn chặn cơn ho. Viên ngậm trị ho không phải là thuốc mà chỉ kích thích tuyến nước bọt, giúp tăng độ ẩm trong cuống họng. Viên ngậm trị ho có hiệu quả nhất trong việc chữa ho khan hơn là ho có đờm.
    • Mua viên ngậm trị ho có các thành phần như mật ong, chanh, khuynh diệp và bạc hà để giảm nhẹ các triệu chứng ho.
  2. Chườm gạc ấm. Một chiếc khăn ấm chườm lên cổ hoặc ngực có thể giảm nghẹt trong phổi và hốc mũi. Nhiệt độ sẽ kích thích chất nhầy thoát ra thay vì tích tụ lại gây kích ứng họng. Ngâm khăn sạch trong nước ấm khoảng 3 đến 5 phút. Vắt bớt nước và chườm lên ngực hoặc cổ trong 5 phút. Nhúng nước ấm lần nữa và lặp lại các bước trên, tối đa trong 20 phút.
    • Không chườm nhiệt quá 20 phút, trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.
    • Nếu không muốn dùng khăn, bạn có thể dùng túi chườm gel nóng hoặc chai nước ấm. Đảm bảo không quá nóng để tránh bỏng da bằng cách dùng khăn lót giữa nguồn nhiệt và da.
    • Không chườm nhiệt nếu bị sưng hoặc sốt. Thay vào đó, bạn nên chườm túi đá. Người lưu thông máu kém và người có bệnh tiểu đường phải thận trọng khi chườm nóng.[2]
  3. Tắm nước ấm. Tắm vòi sen nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn tắm nước ấm 5-10 phút có thể giảm cơn ho dữ dội nhờ tác dụng xoa dịu cổ họng, kích thích chất nhầy thoát ra và giúp thư giãn các cơ bị đau. Tắm nước ấm cũng giúp nới lỏng cuống phổi và tăng độ ẩm, nhờ đó các cơn ho có hiệu quả hơn. Đảm bảo nước không quá nóng cũng không quá lạnh, đặc biệt là khi bị sốt. Việc giữ thân thể sạch sẽ cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm thêm vi khuẩn hoặc virus.
    • Tắm nước ấm cũng có lợi cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và đau họng.[2]
  4. Súc miệng nước muối. Khi bị ho do đau họng, bạn hãy súc miệng nước muối. Nước muối giúp làm dịu cuống họng và làm ẩm các xoang, nhờ đó chất nhầy dễ thoát ra hơn và ngăn ngừa chảy dịch mũi sau, một yếu tố kích thích ho. Hòa ½ thìa cà phê muối vào một cốc nước cất hoặc nước vô trùng và khuấy tan. Súc miệng trong khoảng 1 đến 2 phút, sau đó nhổ ra. Không nuốt nước muối.
    • Nếu muối gây kích ứng miệng và họng, bạn có thể dùng nước ấm vô trùng để súc miệng.
    • Thực hiện cách vài tiếng một lần.[3][4]

Dùng các liệu pháp thảo mộc[sửa]

  1. Dùng bạc hà cay. Bạc hà cay chứa menthol, có tác dụng làm dịu cổ họng và các cơn ho khan, đồng thời giúp làm thông mũi. Bạn có thể tìm thấy bạc hà cay dưới nhiều dạng như chiết xuất trong thực phẩm bổ sung, viên ngậm, tinh dầu và trà thảo mộc. Bạn cũng có thể dùng thảo mộc tươi như gia vị cho các bữa ăn hàng ngày.
    • Bạn có thể uống trà bạc hà cay đến 3 lần một ngày. Tinh dầu bạc hà cay thường được dùng để xoa bóp trong liệu pháp mùi hương. Không bao giờ được uống tinh dầu bạc hà cay.
    • Không dùng bạc hà cay hoặc menthol cho trẻ nhỏ dưới hai tuổi.[5]
  2. Dùng tỏi. Tỏi có đặc tính kháng virus và kháng viêm, giúp giảm tình trạng sưng viêm trong cổ họng và hốc mũi. Tỏi cũng giàu chất chống ô xy hóa như vitamin B6, vitamin C và măng-gan, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch chống nhiễm trùng. Trong tỏi có chứa enzyme sulfuric gọi là alliin, có thể giúp đẩy lùi virus. Cách dùng tỏi tốt nhất là ăn sống để giải phóng alliin.
    • Để dễ ăn hơn, bạn có thể nghiền tỏi và trộn với một thìa mật ong hoặc dầu ô liu. Tỏi sẽ củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm khả năng mắc bệnh cảm cúm khi dùng hàng ngày và đẩy nhanh quá trình hồi phục khi dùng trong thời gian bị cảm cúm.
    • Bạn cũng có thể thử dùng 2 đến 4 gram tỏi tươi băm để tăng hương vị cho món ăn hoặc phi tỏi vàng với lửa nhỏ để các hoạt chất trong tỏi không bị phá hủy.
    • Tỏi cũng đã được chứng minh là đem lại các lợi ích khác nữa như giảm lượng cholesterol trong máu và giảm huyết áp.
    • Tỏi cũng có sẵn dưới nhiều dạng khác như gia vị tỏi, bột tỏi và muối tỏi. Khi được dùng quá nhiều, tỏi có thể gây huyết áp thấp và khiến hơi thở có mùi hôi, do đó bạn nên giới hạn trong khoảng từ 2 đến 4 nhánh tỏi mỗi ngày.[6][7]
  3. Ăn rễ cam thảo. Rễ cam thảo là một chất làm long đờm, đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, bao gồm tác dụng giảm ho hoặc chữa khỏi ho. Có nhiều loại viên uống hoặc serum cam thảo. Bạn cũng có thể ăn 1- 5 gram rễ cam thảo nguyên chất. Tìm kẹo cam thảo với thành phần chính là rễ cam thảo thay vì kẹo có hương vị cam thảo.
    • Một cách khác thay cho ăn là uống trà cam thảo. Ngâm 1-5 gram thanh cam thảo trong một tách nước sôi. Để cho ngấm 3-5 phút, sau đó lọc lại và uống mỗi tuần một lần.
    • Không cho trẻ em uống trà cam thảo quá một ngày mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Không bao giờ cho trẻ sơ sinh và trẻ đang tuổi chập chững uống trà cam thảo. Người bị cao huyết áp, viêm gan, có các bệnh về gan hoặc thận không nên dùng cam thảo.[8]
  4. Thử dùng cỏ roi ngựa xanh. Cỏ roi ngựa xanh có tác dụng thông mũi, làm long đờm và chất nhầy ra khỏi ngực và cổ họng, giảm nghẹt mũi và ngăn chặn cơn ho. Cỏ roi ngựa xanh có bán dưới dạng thực phẩm bổ sung, trà và xi-rô ở các cửa hàng dinh dưỡng và hiệu thuốc. Liều lượng khuyến nghị cho viên chiết xuất cỏ roi ngựa xanh là mỗi ngày 1 viên, uống với một cốc nước trong bữa ăn, hoặc ít nhất 1-2 lần mỗi ngày.
    • Pha trà cỏ roi ngựa xanh bằng cách ngâm ½ thìa cà phê trong một tách nước sôi khoảng 3-5 phút. Lọc lại và uống đến 2 lần mỗi ngày.
    • Không dùng cỏ roi ngựa xanh nếu bạn đang uống thuốc thuốc lợi tiểu hoặc uống nhiều caffeine vì có thể gây mất nước.
    • Tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng cỏ roi ngựa xanh nếu bạn đang mang thai, có vấn đề về tiêu hóa hoặc đang uống các thuốc khác.[9]
  5. Uống chiết xuất quả cây cơm cháy. Nhờ đặc tính kháng viêm và kháng virus, quả cây cơm cháy thường được dùng để chữa các bệnh hô hấp, đau họng, ho và sốt. Chiết xuất quả cây cơm cháy có dạng viên ngậm, thực phẩm bổ sung hoặc xi-rô, bán ở hầu hết các cửa hàng dinh dưỡng và hiệu thuốc.
    • Bạn cũng có thể thử dùng hoa cơm cháy khô như một loại trà thảo mộc. Ngâm 3-5 gram hoa cơm cháy khô trong một tách nước sôi khoảng 10-15 phút. Uống đến 3 lần mỗi ngày.
    • Quả cơm cháy không được khuyến khích sử dụng lâu ngày. Quả cơm cháy là chất làm loãng máu và không thích hợp cho người có huyết áp thấp. Chỉ nên uống cơm cháy cách 2-3 ngày một lần.
    • Không dùng quả cơm cháy còn xanh hoặc chưa nấu chín vì chúng có thể gây ngộ độc.[10]
  6. Sử dụng cồn khuynh diệp hoặc liệu pháp mùi hương. Khuynh diệp làm dịu ho, chống nhiễm trùng đường hô hấp và giảm nghẹt mũi. Khuynh diệp có dưới dạng viên tắm và viên ngậm để làm dịu cổ họng bị đau rát. Bạn cũng có thể thử dùng thuốc mỡ có chứa lá khuynh diệp bôi lên mũi và ngực để giúp thông mũi và long đờm. Điều này giúp ngăn ngừa cổ họng không bị nặng thêm do chất nhầy.
    • Nói chung, khuynh diệp an toàn đối với người lớn khi bôi lên da.
    • Dùng lá khuynh diệp để pha trà bằng cách ngâm 2-4 gram lá khô vào một tách nước nóng khoảng 10-15 phút. Bạn cũng có thể pha nước súc miệng ấm bằng lá khuynh diệp để làm dịu cổ họng.
    • Không bao giờ được uống tinh dầu khuynh diệp vì có thể bị ngộ độc.[11]
  7. Mua chiết xuất cây du trơn. Cây du trơn có chứa chất nhầy giống như gel, có tác dụng bao bọc và xoa dịu miệng, cổ họng, dạ dày và ruột giúp giảm ho. Thảo dược này có dạng viên nén, viêm ngậm và bột, bán ở hầu hết các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe. Bạn cũng có thể pha trà bằng cách ngâm 1 thìa canh bột vỏ cây trong một tách nước nóng và uống đến 3 lần một ngày.
    • Không cho trẻ em hoặc phụ nữ mang thai uống cây du trơn mà không hỏi ý kiến bác sĩ.[12][13]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Sử dụng máy tạo ẩm. Không khí khô có thể làm nặng thêm triệu chứng cảm cúm, khiến chất nhầy khó thoát ra và kích thích ho. Sử dụng máy tạo ẩm trong phòng ngủ hoặc phòng sinh hoạt để tăng độ ẩm trong không khí, giúp làm sạch các xoang và dịu cổ họng. Khi dùng máy tạo ẩm, bạn cần chú ý đến độ ẩm thích hợp. Không khí nên có độ ẩm từ 30% đến 55%.
    • Nếu độ ẩm quá cao, nấm mốc và mạt nhà có thể sinh sôi. Cả hai đều là tác nhân phổ biến gây dị ứng và ho.
    • Độ ẩm quá thấp có thể gây khô mắt, kích ứng họng và các xoang. Cách đơn giản nhất để đo độ ẩm là dùng ẩm kế, có bán ở hầu hết các cửa hàng gia dụng.
    • Cả hai loại máy tạo ẩm trung tâm và để bàn cần được làm vệ sinh thường xuyên vì chúng dễ bị nhiễm nấm mốc và vi khuẩn.[14]
  2. Trồng cây trong nhà. Nếu không muốn dùng máy tạo ẩm, bạn nên cân nhắc trồng cây trong nhà. Cây cối có thể giúp điều hòa độ ẩm trong nhà qua quá trình thoát hơi nước, khi đó hơi nước sẽ thoát ra từ hoa, lá và nhánh cây. Các loại cây sống tốt trong nhà bao gồm cọ lá tre, lô hội, thường xuân Trung Quốc, nhiều loài ráy thơm, cây huyết dụ và cây si.
    • Cây trồng trong nhà cũng giúp làm sạch không khí, thanh lọc carbon dioxide và các chất ô nhiễm như formaldehyde, benzene, và trichloroethylene, vốn có thể gây kích ứng họng.[15]
    • Đảm bảo bạn không bị dị ứng với các loại cây đem vào trồng trong nhà.
  3. Thử dùng máy lọc không khí. Ngoài máy tạo ẩm, máy lọc không khí giúp lọc các dị nguyên gây ho. Hơn nữa chúng còn làm sạch và đem lại mùi hương dễ chịu cho ngôi nhà của bạn. Phin lọc không khí điện tử đặc biệt hữu ích trong việc loại bỏ nấm mốc và phấn hoa trong không khí.
    • Một loại máy lọc khác gọi là máy lọc ion, làm lắng bụi bằng cách tạo ra các ion liên kết với các hạt lơ lửng trong không khí, bám trên tường, trần nhà và rèm cửa.[14]
  4. Nằm nghiêng khi ngủ. Các cơn ho dai dẳng sẽ khiến bạn khó ngủ. Ngủ đủ giấc là yếu tố quan trọng để giúp cơ thể tự chữa lành và hết ho. Các nghiên cứu đã cho thấy việc thiếu ngủ có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng sản xuất hormone gây stress, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và giảm tuổi thọ.
    • Nếu bị ho dai dẳng, bạn nên cố gắng nằm nghiêng khi ngủ. Đây là tư thế đỡ nghẹt mũi nhất, giúp dễ thở hơn và chất nhầy dễ thoát ra hơn.[16][17]
  5. Gối đầu khi ngủ. Nếu cơn ho khiến bạn bị khó thở trong lúc ngủ, bạn hãy thử gối đầu để luồng không khí ra vào dễ hơn, cũng như giúp chất nhầy không bít kín các xoang và cổ họng. Gối bạn dùng phải thoải mái, nâng đỡ được đường cong tự nhiên của cổ và giúp bạn dễ thở hơn.
    • Nếu dùng gối quá cao, cổ sẽ bị đặt vào tư thế khiến họng bị chặn và gây ho, đồng thời các cơ ở lưng, cổ và vai cũng bị căng mỏi.[18]
  6. Uống nhiều nước. Nước giúp giảm các tác nhân gây ho như nghẹt mũi do cảm cúm, chảy dịch mũi sau gây kích ứng họng, và tình trạng khô họng. Nước làm ẩm họng và loãng dịch nhầy, giúp đờm dễ thoát ra ngoài hơn. Cố gắng uống ít nhất một ly nước 240 ml cách mỗi hai tiếng. Người lớn được khuyên uống trung bình 2 lít nước mỗi ngày. Nếu có uống caffeine, bạn cần uống thêm 1 lít nước nữa cho mỗi cốc caffiene nạp vào.
    • Việc uống không đủ nước dễ dẫn đến tình trạng mất nước, có thể gây đau đầu, kích ứng, chóng mặt, tim đập bất thường và thở gấp. Các loại nước thể thao điện giải không chứa caffeine và glucose cũng có thể giúp cải thiện tình trạng mất nước.[19][20]
  7. Tránh tập thể dục cường độ cao. Tránh các bài tập nặng nếu bạn bị ho, cảm, sốt hoặc nhức đầu. Nếu việc luyện tập cường độ cao gây ho kèm các triệu chứng như khò khè, đau ngực và thở gấp, có thể bạn mắc chứng co thắt phế quản do gắng sức (EIB). Hiện tượng này xảy ra khi các ống dẫn không khí ra vào phổi co thắt khi bạn tập luyện và gây ra các triệu chứng hen phế quản. Một số người mắc chứng EIB không có bệnh hen suyễn, và người bị dị ứng cũng có thể khó thở trong lúc tập luyện.
    • Nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia về miễn dịch để họ giúp bạn lập kế hoạch tập luyện riêng phù hợp với thể trạng của bạn. Tránh môi trường lạnh, khô và thay đổi áp suất không khí, vì đó là các yếu tố có thể dẫn đến EIB. [21]
  8. Cai thuốc lá. Việc hút thuốc lấy đi lượng ô-xy cần thiết cho quá trình sửa chữa và sản sinh tế bào. Đó là do sự co hẹp của các mạch máu vận chuyển máu đến các chi và não. Điều này có thể dẫn đến nhiều căn bệnh hô hấp, ho mãn tính, thậm chí đột quỵ. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ho mãn tính và viêm cuống phổi, còn gọi là chứng ho do hút thuốc.
    • Cố gắng tránh khói thuốc gián tiếp và các khí thải độc hại khác khi bị ho hoặc đau họng. Đặc biệt tránh hút thuốc khi bị đau đầu hoặc sốt, vì việc hút thuốc có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và kéo dài thời gian bệnh. Hỏi bác sĩ về cách giảm và cai thuốc lá.[22]

Thử thay đổi chế độ ăn[sửa]

  1. Ăn mật ong. Khi bị ho, bạn hãy uống trà hoặc nước chanh ấm hòa chút mật ong. Điều này có thể giúp làm dịu cổ họng và giảm ho. Hòa 2 thìa cà phê mật ong với nước ấm hoặc trà, uống một lần vào buổi sáng và một lần buổi tối trước khi đi ngủ để giúp giảm ho. Mật ong có bán ở các siêu thị và cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe.
    • Không bao giờ cho trẻ nhỏ dưới một tuổi ăn mật ong do rủi ro xảy ra chứng ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh, một dạng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.[23]
  2. Ăn súp. Súp ấm có thể giảm tình trạng viêm trong cổ họng và giúp dịch mũi lưu thông dễ hơn, nhờ đó giảm nghẹt mũi. Điều này đặc biệt đúng khi bạn bị ho lâu ngày, bị cảm hoặc sốt. Bạn có thể tự nấu súp hoặc mua loại súp ít sodium và tốt cho sức khỏe ở cửa hàng thực phẩm. Hâm cho đủ ấm và ăn. Bạn nên ăn súp mỗi ngày từ một đến ba lần cho đến khi các triệu chứng giảm, hoặc đến khi khỏi hoàn toàn.
    • Nếu muốn thêm gia vị để hỗ trợ chữa ho, bạn có thể cho ớt cayenne băm nhỏ, hoặc 1-2 thìa cà phê bột ớt cayenne vào súp.
    • Bạn cũng có thể uống nước hầm thịt. Nước hầm gà và rau củ là phổ biến nhất. Bạn có thể tự nấu hoặc mua ở cửa hàng. Cẩn thận vì nước súp gà mua ở cửa hàng có thể chứa nhiều sodium. Bạn nên tìm loại có ít hoặc không có sodium.
    • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên ăn súp nhạt để giảm rủi ro buồn nôn và nôn.[24]
  3. Ăn dứa. Dứa có nhiều enzyme bromelain, thường được dùng làm thuốc trị sưng và viêm trong đường thở, giúp ngăn chặn sự tích tụ chất nhầy có thể gây ho và nghẹt mũi. Ăn dứa cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp thường dẫn đến ho. Bạn có thể cho dứa tươi và nước ép dứa vào thực đơn hàng ngày để giúp cơ thể nạp thêm bromelain có ích.
    • Không ăn khoai tây hoặc các sản phẩm từ đậu nành chung với dứa vì chúng có chứa các chất có thể giảm tác dụng chữa bệnh của bromelain trong cơ thể.[23]
  4. Tránh ăn các thực phẩm gây viêm. Một số thức ăn có thể làm chậm lại quá trình chữa lành của cơ thể, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng tình trạng sưng viêm. Chúng cũng có thể gây trào ngược a-xít dạ dày khiến ho càng nặng thêm.
    • Giảm hoặc tránh ăn các thực phẩm gây viêm mãn tính như thức ăn chiên xào, thịt bê, thịt băm, thịt nướng, xúc xích, bơ thực vật, mỡ lợn, carbohydrate tinh chế, bánh mì trắng, mì ống, bánh rán, nước ngọt và nước tăng lực.[25]
  5. Ăn nhiều thực phẩm có tác dụng giảm viêm. Trong khi một số loại thực phẩm gây viêm, một số thức ăn khác có thể giúp giảm viêm và giảm đau họng. Ăn thêm hoa quả như dâu tây, quả mọng, quả anh đào và cam. Bạn cũng nên ăn các thực phẩm bổ dưỡng như hạt hạnh nhân, quả óc chó, cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ và dầu ô liu. Ăn ngũ cốc nguyên hạt như hạt kê, yến mạch, gạo lứt, hạt lanh và hạt quinoa cũng sẽ giúp giảm viêm.
    • Bạn cũng nên cố gắng ăn thêm rau như quả ô liu, rau bó xôi, cải xoăn và bông cải xanh.
    • Hoa quả có chứa a-xít cirtric có thể gây trào ngược a-xít, làm cổ họng xấu hơn và kích thích cơn ho.[25]
  6. Dùng ớt cayenne. Ớt cayenne chứa capsaicin với đặc tính chống virus, chống ô-xy hóa và kháng viêm, giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành. Người dị ứng với cao su, chuối, kiwi, hạt dẻ hoặc quả bơ cũng có thể dị ứng với ớt cayenne.
    • Capsaicin không nên dùng cho người bị trào ngược dạ dày thực quản, đường huyết thấp hoặc người đang uống thuốc làm loãng máu.
    • Đối với trẻ em, cayenne có thể gây buồn nôn và kích ứng trong họng, do đó không cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh dùng ớt cayenne hoặc các loại ớt khác.[26]

Giữ vệ sinh cá nhân[sửa]

  1. Rửa tay thường xuyên. Cách lây bệnh nhanh nhất là tiếp xúc với người bệnh hoặc đi đến nơi công cộng mà không rửa tay trước khi sờ lên mặt. Vi khuẩn và virus có thể lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp, do đó điều quan trọng là cần rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng – trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chạm lên mặt, v.v… Điều này cũng giúp giảm rủi ro truyền bệnh cho người khác nếu bạn bị ho.
    • Đem theo nước rửa tay để sát trùng khi bạn đến nơi công cộng hoặc ở nơi làm việc. Nhắc con bạn không cho tay vào miệng hoặc giụi lên mắt, vì vi trùng thường lây lan theo cách này.[27][28]
  2. Dùng khăn giấy mỗi khi ho. Dùng khăn giấy khi hắt xì hoặc ho để tránh vi trùng lây lan qua không khí. Điều này cũng giúp tránh các vi khuẩn hay virus khác xâm nhập vào phổi mỗi khi bạn hít vào. Nếu không có sẵn khăn giấy, bạn hãy dùng khuỷu tay che khi hắt xì hoặc ho thay vì lấy hai bàn tay che miệng.
    • Như vậy bạn sẽ tránh làm vi trùng lây lan sang hai bàn tay và từ đó lây sang các vật khác.[29]
  3. Tránh các dị nguyên phổ biến. Các dị nguyên kích thích các xoang, gây nghẹt mũi, dẫn tới khó thở, gây chảy dịch mũi sau và khiến tình trạng họng xấu đi. Hiện tượng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch sản sinh kháng thể chống lại các gốc tự do bằng cách tiết ra các hóa chất như histamine có thể gây viêm và các triệu chứng dị ứng. Phấn hoa, bụi và nấm mốc là các dị nguyên phổ biến.
    • Các dị nguyên thường gặp khác bao gồm khí thải độc hại, thuốc lá và khói thuốc gián tiếp, sò, tôm, cá, trứng, sữa, đậu phộng, lúa mì, đậu nành, vảy da thú cưng, vết đốt của côn trùng, một số thuốc, một số chất mà bạn bôi lên da hoặc chạm vào, các hóa chất và thuốc nhuộm vải vóc. [30]

Nhờ sự giúp đỡ chuyên khoa[sửa]

  1. Đến bác sĩ khám bệnh. Hầu hết các chứng ho đều khỏi sau vài tuần, tuy nhiên một số trường hợp ho có thể là dấu hiệu cảnh báo về một căn bệnh tiềm ẩn. Bạn nên đi khám khi triệu chứng ho bắt đầu phát triển nếu kèm đau họng, sốt cao, tiếng ho như tiếng chó sủa, tiếng ho kèm tiếng rít, hoặc chảy dịch mũi sau (tình trạng có cảm giác chất nhầy chảy xuống cổ họng). Đó có thể là những dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ kiểm tra nhanh bằng dụng cụ có đèn để nhìn vào họng, tai và hốc mũi, nhẹ nhàng sờ nắn cổ của bạn để kiểm tra hạch bị sưng và dùng ống nghe để nghe hơi thở của bạn.
    • Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu trước đó đã được chẩn đoán bị dị ứng, hen suyễn, viêm cuống phổi, ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản. Chứng ho có thể khiến các căn bệnh này trầm trọng hơn.
    • Liên lạc với bác sĩ nếu bạn đang uống thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitor) để điều trị bệnh tim và bị ho lâu ngày. ACE inhibitor có thể gây ho, và đó có thể là dấu hiệu không dung nạp thuốc. Bác sĩ sẽ đổi sang loại thuốc khác để điều trị huyết áp cho bạn nếu cần thiết.
    • Người hút thuốc có thể bị ho nhiều hơn và nên đi khám nếu tình trạng ho kéo dài hơn ba hoặc bốn tuần.
    • Gọi cấp cứu ngay khi bạn bị ho ra máu hoặc khó thở.[31][32]
  2. Lấy mẫu dịch trong họng nếu có dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bạn bị bệnh gì. Nếu họng của bạn viêm đỏ và có mụn mủ ở cuống họng, bác sĩ có thể dùng bông quét vào cuống họng của bạn để lấy mẫu dịch tiết. Mẫu này sau đó sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để tìm vi khuẩn streptococcal, nguyên nhân gây bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Xét nghiệm này cho kết quả sau vài phút đến 48 tiếng.[33]
  3. Chụp X-quang ngực. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang ngực nếu bạn có các triệu chứng như thở gấp, đau ngực, ho lâu ngày hoặc sốt. Chụp X-quang là một xét nghiệm nhanh, không đau, không xâm lấn, cho thấy hình ảnh các cấu trúc bên trong lồng ngực như tim, phổi và các mạch máu. Mặc dù một lần chụp X-quang ngực không cho biết các nguyên nhân phổ biến nhất gây ho, nhưng có thể được dùng để kiểm tra ung thư phổi, viêm phổi và các bệnh về phổi khác.
    • Hình chụp X-quang xoang có thể cho thấy bằng chứng của bệnh viêm xoang.
    • Báo cho bác sĩ biết nếu bạn mang thai hoặc có thể đang mang thai. Nói chung, phụ nữ mang thai nên tránh chụp X-quang trong suốt thai kỳ.[34]
  4. Đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra họng tìm dấu hiệu nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nếu hiện tượng ho có thể do nguyên nhân tiềm ẩn liên quan đến tai, mũi hoặc họng (như bệnh viêm xoang). Bác sĩ tai mũi họng có thể tiến hành khám nội soi mũi, một thủ thuật dùng kính quang thể để quan sát các xoang tìm polyp mũi hoặc các vấn đề khác về cấu trúc.
    • Điều này chỉ cần thiết nếu bạn bị viêm mũi. Bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật nội soi mũi xoang nếu cần thiết.
    • Bạn nên nói với bác sĩ nếu có bất cứ vấn đề gì về hô hấp.[35]
    • Nếu nghi ngờ bạn bị viêm phổi, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa phổi.

Chẩn đoán những căn bệnh tiềm ẩn[sửa]

  1. Tìm sự chăm sóc y tế ngay khi bị ho gà. Bệnh ho gà (pertussis) bắt đầu với các biểu hiện của bệnh cảm cúm thường như chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, ho nhẹ, sốt và ngưng thở khi ngủ. Cơn ho dữ dội bắt đầu sau một hoặc hai tuần. Bệnh ho gà có thể gây các cơn ho nhanh và dữ dội, lặp lại liên tục cho đến khi không khí trong phổi cạn hết, và người bệnh buộc phải hít vào và phát ra âm thanh rít. Đôi khi người bệnh có thể bị nôn.
    • Bạn nên đến bác sĩ khám ngay lập tức nếu bị ho gà. Tuy nhiên điều quan trọng cần biết là nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh ho gà không hề bị ho. Thay vào đó, bệnh ho gà có thể khiến trẻ ngưng thở. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi nên được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.[36]
    • Có vắc-xin tiêm phòng bệnh ho gà. Bạn cần đảm bảo con bạn phải được tiêm phòng đầy đủ.
  2. Quan sát các dấu hiệu viêm mũi. Ho và đau họng cũng có thể là các triệu chứng của bệnh viêm mũi. Nếu nghi ngờ bạn bị viêm mũi, còn gọi là viêm xoang, bác sĩ có thể yêu cầu chẩn đoán hình ảnh, bao gồm chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Các triệu chứng phổ biến khác của bệnh viêm mũi là sốt và đau đầu. Nếu bị sốt cao hoặc đau đầu dữ dội, bạn nên ngay lập tức tìm sự chăm sóc y tế.
    • Bạn cũng có thể cảm thấy sức căng trên trán, thái dương, má, mũi, hàm, răng, hốc mắt hoặc trên đỉnh đầu. Viêm mũi cũng thường kèm theo nghẹt mũi, mất khứu giác, chảy nước mũi (thường có màu xanh hơi vàng), hoặc chảy dịch mũi sau.
    • Các biến chứng hiếm gặp liên quan đến bệnh viêm xoang mãn tính có thể bao gồm cục máu đông, áp-xe, viêm tế bào ổ mắt (orbital cellulitis) gây viêm quanh mắt, viêm màng não, và viêm xương tủy, một dạng nhiễm trùng làn vào các xương trên mặt.[37]
  3. Kiểm tra các dấu hiệu viêm cuống phổi. Bệnh viêm cuống phổi là tình trạng viêm và tích tụ chất nhầy trong các ống dẫn khí của phổi. Tình trạng này thường dẫn đến chứng ho kinh niên và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bất kể là bệnh nhân có bệnh viêm cuống phổi cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh này thường do virus cúm, phơi nhiễm với khói thuốc gián tiếp hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nếu có các triệu chứng như đau ngực, sốt, khò khè, đau họng, mệt mỏi, sưng bàn chân và ho lâu ngày có đờm, bạn cần đến bác sĩ ngay để xác định liệu có mắc bệnh viêm cuống phổi không.
    • Cách tốt nhất để phòng bệnh viêm cuống phổi là tránh không khí ô nhiễm và khói thuốc gián tiếp, đồng thời tránh lây nhiễm cúm.[38][39][40]
    • Việc điều chỉnh lối sống như áp dụng chế độ ăn lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước, chăm rửa tay, v.v.. có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tật.
  4. Đi khám bệnh nếu có các triệu chứng cảm nặng. Các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh cảm cần được chăm sóc y tế. Nếu bị ho có đờm xanh hoặc vàng, ho ra máu, sốt cao (40°C), viêm tai hoặc mũi, chảy nước mũi, phát ban trên da hoặc khó thở do hen suyễn hoặc căn bệnh hô hấp khác, bạn nên đến bác sĩ hoặc gọi dịch vụ cấp cứu.
    • Nếu có các triệu chứng nặng của bệnh cảm hoặc cúm, hoặc trước đó đã được chẩn đoán bất cứ căn bệnh hô hấp nào, bạn nên tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh cảm do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ để chống lại các bệnh lây nhiễm thông thường và hay ở gần những trẻ lớn hơn, mà những trẻ này có thể không rửa tay thường xuyên.
    • Các triệu chứng sớm của bệnh cảm ở trẻ nhỏ là nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, tiết dịch mũi, chán ăn, bứt rứt, khó ngủ hoặc khó bú, ho và sốt nhẹ. Nếu con của bạn dưới 2 hoặc 3 tháng tuổi, bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng sớm của bệnh.
    • Trẻ sơ sinh thường dễ gặp các vấn đề về hô hấp do trẻ thường chỉ thở bằng mũi. Nếu bị nghẹt mũi, trẻ sẽ bị khó thở.
    • Trẻ cần đi khám bệnh ngay nếu sốt trên 38°C, khó thở, xanh tím quanh môi và miệng, ho ra máu, ho mạnh đến mức nôn ra và/hoặc không chịu bú hoặc uống nước có thể dẫn đến tình trạng mất nước.[41][42]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu đang mang thai, bạn cần lưu ý một số loại thuốc, thảo mộc và thực phẩm bổ sung có thể gây hại cho thai nhi và không nên uống.
  • Nếu có vấn đề tiềm ẩn về phổi như hen phế quản hoặc khí thủng phổi, bạn nên báo cho bác sĩ biết ngay nếu bị nhiễm cảm cúm.
  • Một số liệu pháp thảo mộc và thực phẩm bổ sung có thể tương tác với các thuốc kê toa khác và gây các phản ứng ngược, thậm chí dẫn đến tử vong. Đó là lý do tại sao bạn nên tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi thử tự điều trị.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-cough/basics/definition/con-20030883
  2. 2,0 2,1 http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4483
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/in-depth/cold-remedies/art-20046403
  4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16242593
  5. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/peppermint
  6. http://www.cochrane.org/CD006206/ARI_garlic-for-the-common-cold
  7. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/garlic
  8. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/licorice
  9. Chillemi, M., Chillemi S., (2013) The Complete Herbal Guide: A Natural Approach to Healing the Body, ISBN: 978-1430328742
  10. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/elderberry
  11. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/eucalyptus
  12. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/slippery-elm
  13. http://news.psu.edu/story/198936/2007/01/12/slippery-elm-may-ease-sore-throat
  14. 14,0 14,1 http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=498
  15. http://www.extension.umn.edu/garden/yard-garden/houseplants/houseplants-help-clean-indoor-air
  16. http://healthysleep.med.harvard.edu/healthy/getting/overcoming/tips
  17. http://healthysleep.med.harvard.edu/healthy/matters/consequences/sleep-and-disease-risk
  18. http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4460
  19. http://umm.edu/health/medical/ency/articles/dehydration
  20. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/359266
  21. http://www.aaaai.org/conditions-and-treatments/library/asthma-library/asthma-and-exercise.aspx
  22. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19813055
  23. 23,0 23,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/3287010
  24. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/in-depth/health-tip/art-20048631
  25. 25,0 25,1 http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/foods-that-fight-inflammation
  26. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/cayenne
  27. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/hand-washing/art-20046253
  28. http://kidshealth.org/parent/firstaid_safe/home/hand_washing.html
  29. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/basics/prevention/con-20027360
  30. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/allergies/basics/causes/con-20034030
  31. http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/that-nagging-cough
  32. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/cough
  33. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/basics/tests-diagnosis/con-20027360
  34. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/cxray
  35. https://www.entnet.org/content/what-otolaryngologist
  36. http://www.cdc.gov/pertussis/about/signs-symptoms.html
  37. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/sinusitis
  38. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/bronchitis
  39. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/brnchi/signs
  40. http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=90&ContentID=P02930
  41. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/common-cold
  42. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold-in-babies/basics/definition/con-20033841
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này