Trồng cây việt quất

Từ VLOS
(đổi hướng từ Trồng cây Việt quất)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Trước khi các nhà khoa học nghiên cứu ra cách trồng việt quất vào đầu thế kỉ 20, cách duy nhất để bạn tận hưởng loại quả thơm ngon này là hái chúng từ những bụi cây dại. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng trồng cả ba giống việt quất chính trong những điều kiện khí hậu khác nhau. Cây việt quất có khả năng kháng cự với hầu hết sâu bọ gây hại và bệnh dịch, đồng thời có thể liên tục ra quả vào mùa hè trong vòng 20 năm. Việt quất không những dễ trồng mà chúng còn chứa rất nhiều chất chống ô-xi hoá, đem lại hương vị thơm ngon với vẻ ngoài tuyệt đẹp cho vườn sau nhà bạn. Hãy làm theo những bước dưới đây để tìm loại việt quất thích hợp với miền khí hậu nơi bạn sinh sống và bắt đầu trồng cây![1]

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chọn Giống[sửa]

  1. Chọn giống việt quất bạn muốn trồng. Có ba loại giống chính: tán thấp, tán cao, và mắt thỏ. Các giống việt quất khác nhau ở sức sinh tồn trong từng khu khí hậu và thời gian ra quả. Hãy chắc chắn rằng giống cây bạn chọn phù hợp với nơi bạn sinh sống.
    • Có thể bạn sẽ muốn chọn nhiều loại có thời gian chín quả khác nhau, hoặc loại cho quả to (phù hợp nhất để ăn tươi và làm các món tráng miệng) hay quả nhỏ (thích hợp làm bánh muffin và pancake).
    • Việt quất tán thấp chịu lạnh tốt và thích hợp với khu vực có thang điểm sức chịu đựng của cây từ hai đến sáu theo phân chia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Loại giống cứng cáp này có tán thấp gần sát đất và cao khoảng 15 đến 45 cm. Việt quất tán thấp cho quả nhỏ và ngọt.
    • Việt quất tán cao thích hợp nhất với các vùng khí hậu ấm áp, tức là khu vực có thang điểm sức chịu đựng của cây từ bốn đến bảy theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Việt quất tán cao là giống phổ biến nhất và cho quả lớn, sẫm màu trên cây cao từ 183 đến 244 cm.
    • Việt quất mắt thỏ sinh trưởng tốt trong khu vực có thang điểm từ bảy đến chín và được biết đến nhờ vào khả năng chịu nhiệt độ cao và hạn hán tốt. Quả việt quất thường nhỏ hơn giống tán cao và chín gần cuối hè, muộn hơn so với các giống khác.
  2. Chú ý rằng mỗi loại việt quất đều cần khoảng không gian khác nhau. Hãy trồng các cây tán thấp cách nhau một khoảng bằng 0,6 m, tán cao cách nhau 1,8 m, và chừng 4,6 m đối với cây mắt thỏ. Nếu bạn không có nhiều không gian để trồng việt quất, có lẽ bạn nên chọn giống tán thấp hoặc tán cao.[2]
  3. Chuẩn bị cho quá trình thụ phấn. Hoa việt quất có đủ cả nhị và nhụy, nhưng không phải hoa thuộc giống nào cũng có thể tự thụ phấn. Nếu bạn muốn chắc chắn cây việt quất được thụ phấn, hãy trồng nhiều giống và đặt chúng cách nhau khoảng 30 m. Làm vậy sẽ cho phép ong bay đến hút mật giữa các cây và giúp thụ phấn chéo.[3]

Tạo Điều kiện Phù hợp[sửa]

  1. Chọn khu vực có đủ ánh sáng mặt trời. Cây ăn quả cần nhiều ánh sáng hết mức có thể, nhất là khi quả đang lớn.
  2. Chắc chắn rằng đất của bạn thoát nước tốt. Tránh để xuất hiện những vùng nông, trũng làm nước tích tụ lại và/hoặc bị ngập. Nếu bạn không có khu đất thoát nước phù hợp, bạn có thể tự xây một khoảng vườn nâng để trồng việt quất.
    • Cân nhắc trộn rêu than bùn vào đất để tăng cường thoát nước. Tuy rêu than bùn có thể thấm hút lượng nước nặng gấp 10 đến 20 lần trọng lượng khô của mình, chúng gây hại cho môi trường và tương đối đắt tiền. Có một số chi phí môi trường gắn liền với rêu than bùn, bao gồm cả chi phí nhiên liệu cần thiết để đào mương thoát nước, bừa và làm khô bùn, đóng gói và chuyên chở đường dài.[4]
    • Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn sử dụng rêu than bùn, hãy chuẩn bị khu vực trồng có đường kính khoảng 0,75 m và sâu 0,3 m. Lấy ra không quá một nửa lượng đất và trộn khối đất này với một lượng rêu than bùn tương đương. Sau đó trộn hỗn hợp rêu/đất trở lại khu vực trồng.[3]
    • Nếu bạn lo ngại về hậu quả của rêu than bùn, hãy cân nhắc việc xây một vườn nâng bằng gỗ thay thế. Việt quất sinh trưởng tốt trong chậu nâng rộng từ 1 đến 1,2 m và cao từ 20 đến 30 cm. Hãy làm một hộp gỗ trồng cây đơn giản từ hai tấm ván gỗ tuyết tùng khổ 2,5 x 20 cm, với chiều dài khoảng 245 cm. Gỗ tuyết tùng rất phù hợp để làm vườn vì chúng không bị hư hỏng theo thời gian.[5]
  3. Kiểm tra độ pH của đất. Đa số cây ăn quả sinh trưởng tốt nhất trong môi trường đất chua khoảng 5,5 đến 6,5 độ pH. Việt quất đòi hỏi môi trường đất chua hơn nữa vào khoảng 4,09 đến 5,0.
    • Sở nông nghiệp tại địa phương của bạn thường sẽ có bộ dụng cụ thử đất, túi đựng cũng như bảng hướng dẫn sử dụng. Sau khi đã điều chỉnh đất, hãy kiểm tra độ pH lần nữa.
    • Nếu độ pH dưới 4, bón thêm phân bón axit hoặc hỗn hợp chất trồng vào đất để tăng độ chua.
    • Nếu độ pH trên 4,5, trộn lưu huỳnh dạng hạt vào đất để giảm độ pH.

Trồng Việt quất[sửa]

  1. Mua cây việt quất lớn từ 2 đến 3 năm tuổi để bạn có thể thu hoạch quả sớm. Nếu bạn bắt đầu với cây non, chúng sẽ mất vài năm để ra quả.
    • Để trồng cây việt quất từ hạt giống, hãy gieo hạt trong một hộp gỗ phẳng, sâu 7,5 cm đựng dớn mềm ẩm xay mịn. Giữ dớn ẩm trong phòng với nhiệt độ từ 15 đến 21 độ C và bọc lại bằng giấy báo.
    • Hạt giống sẽ mọc thành cây con trong vòng một tháng. Đặt cây ở nơi có ánh nắng mặt trời và tiếp tục trồng trong dớn đến khi cây đạt chiều cao từ 5 đến 7 cm. Sau đó, bạn có thể chuyển cây vào chậu lớn hơn hoặc vào vườn.[6]
  2. Hãy trồng cây vào đầu mùa xuân. Quả sẽ chín vào cuối hè.
  3. Dùng cổ tay gõ nhẹ cây việt quất để làm lỏng bộ rễ. Làm như vậy khắp bên ngoài chậu rồi lật nghiêng và lấy cây ra bằng cách vỗ nhẹ đáy chậu. Dùng tay đỡ cây, đừng nắm thân cây vì cây có thể bị đứt rễ và hư tổn.
  4. Trồng các cây việt quất xa nhau. Trồng các cây việt quất cách nhau từ 0,8 đến 1,8 m. Nếu trồng cây gần nhau, bạn sẽ có những hàng cây mọc liên tiếp, còn nếu trồng cách xa hơn, bạn sẽ có từng bụi riêng lẻ.
  5. Đào một hố cho mỗi cây. Hố chỉ nên đủ nông để bộ rễ ló trên mặt đất khoảng 2,5 đến 5 cm (đối với cây đã được 2 năm tuổi, hố phải sâu khoảng 50 cm và rộng khoảng 45 cm). Bạn có thể dùng xẻng bứng cây để đào hố.
  6. Đặt cây vào hố và dùng đất lấp các khe hở. Vỗ đất xung quanh gốc cây để che phủ toàn bộ phần rễ bị lộ với khoảng 1,5 cm đất.
  7. Bồi thêm 5 đến 10 cm lớp mùn lên khu vực trồng cây. Thao tác này giúp giữ ẩm cho đất, ngăn ngừa cỏ dại, và làm đất màu mỡ hơn. Vỏ cây, mùn cưa, và cỏ xén đều thích hợp cho việt quất. Cách vài năm lại bổ sung lượng mùn một lần.
  8. Tưới nước khu đất sau khi trồng.

Chăm sóc Việt quất[sửa]

  1. Tưới từ 2,5 đến 5 cm nước cho cây mỗi tuần. Cẩn thận đừng tưới quá nhiều hoặc làm úng cây.
  2. Bấm ngọn cây vào mỗi mùa đông. Vào năm đầu tiên, hãy tỉa bỏ toàn bộ hoa. Thao tác này sẽ giúp cây trở nên cứng cáp trước khi bắt đầu ra quả. Cắt tỉa cũng giúp loại bỏ những cành thừa hoặc rậm rạp và khiến bộ phận sinh trưởng của cây mạnh mẽ hơn.
    • Mỗi năm về sau, loại bỏ toàn bộ cành mọc thấp ở gần gốc cây bằng cách cắt bỏ ngay đoạn rẽ nhánh của mỗi cành. Loại bỏ tất cả cành chết khô và/hoặc cành con, cũng như bất kỳ cành nào bị biến màu, nổi đốm.
    • Tỉa cây việt quất tán thấp bằng cách cắt bỏ các nhánh sát mặt đất. Cây đã cắt tỉa sẽ không cho quả vào mùa đầu tiên sau khi tỉa. Cách hai năm bạn hãy tỉa một nửa số cây đã trồng để mỗi năm vẫn có quả thu hoạch.
    • Công đoạn bấm ngọn nên loại bỏ được từ 1/3 đến 1/2 lượng cành trên mỗi cây. Tỉa cành nhiều hơn nếu cần.
  3. Bón phân cho cây việt quất. Nếu mỗi năm cây việt quất bạn trồng chỉ cao thêm dưới 30 cm (hoặc ít hơn 10 cm đối với giống tán thấp), có lẽ bạn nên dùng phân bón tự nhiên để nâng cao năng suất tăng trưởng của cây. Nếu được, hãy dùng các loại phân bón hữu cơ để tránh làm tổn hại bộ rễ và bổ sung nitơ cho cây một cách hiệu quả.
    • Bột hạt mầm như đậu tương và cỏ linh lăng là lựa chọn hữu cơ tốt. Sử dụng từ 1/4 đến 2 cốc phân bón cho mỗi cây tuỳ thuộc vào kích cỡ.
    • Bột huyết và bột hạt bông cũng có hiệu quả tốt.
    • Bón vào đầu mùa xuân và thêm một lần nữa vào cuối xuân để có kết quả tốt nhất. Luôn luôn tưới nước kỹ sau khi bón phân.
  4. Cách hai năm kiểm tra độ pH một lần. Nhớ rằng, nếu độ pH dưới 4, bạn có thể tăng độ chua bằng cách bón phân bón axit hoặc hỗn hợp chất trồng cho đất. Nếu độ pH lớn hơn 4,5, trộn lưu huỳnh dạng hạt để giảm độ pH.
  5. Thu hoạch quả việt quất vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám. Một số giống việt quất, bao gồm giống mắt thỏ, cần đợi lâu hơn để quả chín hoàn toàn. Mỗi năm, mùa thu hoạch sẽ thay đổi đôi chút tuỳ theo điều kiện thời tiết.

Lời khuyên[sửa]

  • Bảo vệ việt quất bằng lưới chống chim vào đầu hè để tránh chim ăn mất quả.
  • Việt quất thường được trồng ở những vùng khí hậu phương Bắc ẩm thấp với mùa đông lạnh và mùa hè mát.
  • Khi có quá nhiều quả chín, hãy đông lạnh chúng hoặc làm mứt, vì quả không giữ được lâu sau khi thu hoạch.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này