Trồng cây lựu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ít có thứ gì trên trái đất này ngon lành hơn một quả lựu mọng nước. Những hạt lựu long lanh sáng lấp lánh tựa như những viên hồng ngọc ăn được. Nếu thích loài cây có tên khoa học là Punica granatum này, bạn hãy thử tự trồng lấy một cây. Mặc dù loài cây này trong giống cây thân bụi hơn cây thân gỗ, bạn vẫn có thể uốn nắn cho cây lựu của bạn có dáng của cây thân gỗ.

Các bước[sửa]

Trồng cây lựu[sửa]

  1. Chọn loại lựu thích hợp. Punica granatum là một loại cây nhỏ cho quả rất ngon. Cây lựu sẽ phát triển đến chiều cao khoảng 2,5 m, với những bông hoa màu cam nở suốt mùa hè. Giống lựu lùn "Nana" thấp hơn, chỉ cao đến khoảng 1 m và là giống lựu thích hợp nhất để trồng trong chậu. Rất có thể bạn cũng thích những đóa hoa như diềm đăng ten của giống lựu "Beautiful".
    • Cân nhắc yếu tố khí hậu khi chọn giống lựu để trồng. Hầu hết các giống lựu không chịu được nhiệt độ dưới -9,5 độ C.[1]
    • Có nhiều cách để trồng lựu: trồng bằng cây con, từ các đoạn cành chiết hoặc từ hạt. Việc trồng cây lựu từ hạt không đảm bảo rằng bạn sẽ có đúng loại lựu muốn trồng, và bạn phải chờ ba đến bốn năm trước khi cây cho quả. Nếu muốn biết cách làm hạt lựu nảy mầm, bạn có thể tìm đọc các bài viết của wikiHow.
  2. Tìm các đoạn cành chiết hoặc cây con. Bạn có thể mua cây lựu con ở các vườn ươm. Đảm bảo mua giống lựu cho quả ăn được nếu bạn muốn thưởng thức quả lựu tự trồng. Tuy nhiên, nếu quen biết ai có trồng cây lựu, bạn cũng có thể lấy một cành chiết ra từ cây. Cắt một cành dài ít nhất 25 cm. Bao bọc đầu cắt với thuốc kích thích ra rễ để giúp cành chiết phát triển.[2]
    • Cắt cành chiết vào tháng hai hoặc tháng ba, khi cây vẫn còn ngủ đông.
  3. Chọn vị trí có nhiều ánh nắng. Câu lựu thích ánh nắng mặt trời và sẽ chỉ cho quả tốt nếu có đủ ánh nắng. Nếu không có nơi nào trong sân nhà bạn nhận được ánh nắng suốt cả ngày, bạn hãy chọn một vị trí ít rợp bóng nhất.[1]
  4. Chọn đất thoát nước tốt. Cây lựu không chịu được đất úng nước. Loại cây này sinh trưởng tốt nhất trên đất dễ thoát nước, thậm chí đất pha cát. Một số người trồng lựu cho rằng loại đất tốt nhất cho lựu là đất có tính a-xít nhẹ, mặc dù lựu cũng sinh trưởng rất tốt trên đất có độ kiềm tương đối. Nói chung, lựu sẽ thích nghi tốt với đất trồng, miễn là đất phải thoát nước tốt.[3]
  5. Bảo vệ cây khỏi gió và độ ẩm cao. Trồng cây lựu ở nơi ấm áp, khô ráo và ít nhất phải tránh được gió mạnh. Tránh trồng lựu ở khu vực ẩm, tối hoặc ướt át. Nhớ rằng cây lựu ưa khí hậu nóng và khô.[1]
  6. Trồng cây lựu. Trồng cây lựu vào đầu xuân, sau đợt sương giá cuối cùng. Nhẹ nhàng nhấc cây con ra khỏi bầu đất. Rửa khoảng 2,5 cm phần dưới bộ rễ để loại bớt đất. Làm như vậy là để giúp cây bén rễ nhanh hơn là để cả bầu đất chôn xuống. Đào một hốc đất rộng 60 cm, sâu khoảng 60 cm và đặt cây lựu con xuống hốc.[3]
    • Nếu trồng cây từ cành chiết, bạn cần làm tơi đất và cắm cành xuống đất sâu khoảng 12-15 cm, đầu chồi hướng lên trời.[2]
    • Ngoài ra, nhớ đắp một lớp bột kích thích ra rễ xung quanh cây để giúp rễ phát triển.

Chăm sóc cây lựu[sửa]

  1. Tưới cây ngay sau khi trồng. Điều này sẽ giúp nén chặt đất xung quanh cây lựu mới trồng. Sau đó tưới mỗi ngày cho đến khi cây bắt đầu ra những chiếc lá đầu tiên. Sự xuất hiện của lá báo hiệu là cây đã bắt đầu bén rễ và thích nghi với “nhà” mới của nó. Dần dần chuyển sang chế độ cách 7-10 ngày tưới một lần.[4]
    • Khi cây đơm hoa hoặc cho quả, mỗi tuần tưới đẫm nước một lần.Tuy nhiên, bạn không cần phải tưới nhiều như vậy nếu trời mưa.[1]
  2. Bón phân khi cây đã bén rễ. Cây lựu thích hợp với phân bón ammonium sulfate. Trong năm đầu tiên, bón phân 3 lần, mỗi lần khoảng 1/3 cốc (tháng hai, tháng năm và tháng chín là thời gian lý tưởng để bón phân).[4]
  3. Nhổ cỏ dại xung quanh cây lựu. Bạn không nên để cỏ dại và các loài cây khác cạnh tranh với cây lựu; có lẽ bạn cũng khó làm cỏ xung quanh cây khi cây lựu còn thấp và mọc như cây bụi. Nhổ cỏ hoặc phủ một lớp phủ hữu cơ lên mặt đất xung quanh cây. Lớp phủ sẽ chống cỏ và cây dại, đồng thời giữ độ ẩm cho cây.

Cắt tỉa và bảo dưỡng cây lựu[sửa]

  1. Uốn tỉa cây lựu thành dạng cây thân gỗ nếu thích. Mặc dù cây lựu sẽ phát triển giống cây thân bụi hơn cây thân gỗ nếu không được uốn tỉa, bạn vẫn có thể tỉa để cây lựu của bạn có hình dạng giống cây thân gỗ hơn. Đây là công việc nhiều nhà làm vườn thường làm.
    • Dùng kéo tỉa cành hoặc kìm cắt cành để cắt đi những chồi bên (những cành nhỏ nhất khiến cây có dạng bụi) mọc ra gần gốc cây để cây có dáng thân gỗ hơn. Việc này nên thực hiện ngay sau khi cây đã bén rễ. [1]
    • Nếu không cần cây lựu của mình có hình dạng thân gỗ, bạn hãy để cây mọc tự nhiên.
  2. Loại bỏ những cành chết hoặc hư hại. Bạn không cần cắt tỉa cây lựu thường xuyên để bảo dưỡng cây, nhưng việc cắt bỏ những cành chết hoặc hư hại vào mùa xuân để giúp cây phát triển tốt cũng là ý hay. Bạn cũng có thể tỉa cho cây bớt rậm rạp, nếu thấy cần.[5]
    • Nếu trồng cây lựu trong chậu, bạn sẽ phải cắt tỉa và uốn nắn nhiều hơn để giữ cho cây lựu có kích thước và hình dáng như bạn mong muốn.
  3. Giữ gìn cho cây lựu khỏe mạnh. Không tưới quá nhiều nước để tránh nấm mốc phát triển. Hai vấn đề khác mà cây lựu thường gặp là rệp và bướm. Bạn có thể diệt rệp bằng thuốc xịt mua ở vườn ươm hoặc các cửa hàng làm vườn. Bạn cũng có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát sâu bệnh kết hợp để trừ rệp, bao gồm việc thu hút bọ rùa, xịt nước lên cây để đánh bật rệp, thậm chí bạn có thể mua các loại côn trùng săn mồi để tiêu diệt rệp.[4] Bướm hại cây lựu không phổ biến lắm và có lẽ không thành vấn đề. Nếu có, bạn hãy dùng thuốc xịt để diệt trừ cả ấu trùng.[5]

Lời khuyên[sửa]

  • Quả lựu có thể chế biến theo nhiều cách như làm xi-rô, nước ép quả, làm rau trộn, làm rượu vang, giấm, cà phê, cocktail, nước sốt rau trộn và nhiều thứ khác nữa.
  • Một quả lựu cung cấp cho bạn 40% nhu cầu vitamin C mỗi ngày.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]